Vũ Đức Khanh: Từ “Đổi Mới” đến “Đổi Mệnh”

Năm 1986, Việt Nam khởi xướng công cuộc “Đổi Mới” để thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế triền miên sau chiến tranh.
Đó là một bước ngoặt lớn, nhưng không trọn vẹn.
Sau gần 40 năm, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập, nhưng thể chế chính trị vẫn trì trệ, xã hội vẫn bị kiểm soát bởi sợ hãi, và tương lai dân tộc vẫn chưa hoàn toàn thuộc về nhân dân.
Hôm nay, đứng trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975–2025), Việt Nam không chỉ cần một cuộc “đổi mới” nữa, mà cần một cuộc “đổi mệnh” – thay đổi vận mệnh quốc gia, để chuyển từ một nhà nước độc tài sang một thể chế tự do, dân chủ và tự chủ.
“Đổi Mệnh” – là thay đổi từ căn nguyên
Không còn là những điều chỉnh chính sách lẻ tẻ hay biện pháp duy trì quyền lực bằng cải cách nửa vời, mà là một sự chuyển hóa có tính lịch sử: từ cai trị sang phục vụ, từ độc quyền sang cạnh tranh, từ áp đặt sang đối thoại.
Đó là sự thức tỉnh từ bên trong – khi một chế độ nhận ra giới hạn tồn tại của chính mình và lựa chọn mở đường cho một tương lai rộng lớn hơn, cho chính nó và cho dân tộc.
Bối cảnh thế giới năm 2025 đặt Việt Nam vào tâm điểm của một cuộc giằng co địa–chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với sự trở lại của Donald Trump và một chính sách đối đầu toàn diện với Bắc Kinh, Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy mới của cạnh tranh quyền lực toàn cầu.
Các đòn thuế quan mà chính quyền Trump áp đặt không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà còn vào Việt Nam – như một cảnh báo nghiêm khắc rằng: Hà Nội không thể mãi “đu dây”, không thể vừa hưởng lợi từ thị trường Mỹ, vừa ngầm lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Việt Nam phải chọn.
Trong thế lưỡng nan ấy, nhân vật trung tâm lúc này là Tô Lâm – người nắm giữ quyền lực cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ một bộ trưởng công an nổi tiếng với bàn tay sắt, ông Tô Lâm đang đứng trước một vai trò lịch sử: hoặc tiếp tục kéo dài mô hình độc tài, hoặc trở thành nhân vật “chuyển tiếp”, dẫn dắt Việt Nam bước vào một quá trình dân chủ hóa có kiểm soát – tương tự như Gorbachev ở Liên Xô những năm 1980 hay Chun Doo-hwan ở Hàn Quốc đầu thập niên 1980.
“Đổi Mệnh” không cần lật đổ mà cần khai thông
Đó là một lộ trình 5 năm, bắt đầu từ 2025, được thúc đẩy bởi ba lực lượng đồng thời:
☆ Thứ nhất, vai trò then chốt của lãnh đạo đương quyền:
Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào để không dẫn đến hỗn loạn?
Câu trả lời là: phải đối thoại với đối lập và nhân dân.
Phải mở không gian chính trị cho những tiếng nói khác biệt – một Quốc hội đa đảng, báo chí tư nhân, và một xã hội dân sự độc lập.
Những điều này không phá vỡ hệ thống – mà cứu lấy nó khỏi diệt vong.
☆ Thứ hai, đối lập trong nước và hải ngoại phải trưởng thành:
Không chỉ phản biện, mà cần đề xuất giải pháp cụ thể cho một thể chế hậu-cộng sản: một bản hiến pháp mới, một hệ thống phân quyền rõ ràng, một mô hình kinh tế hậu thân hữu.
Quan trọng hơn, đối lập phải biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hận thù quá khứ, và sẵn sàng bắt tay với những người trong hệ thống đang muốn cải cách.
☆ Thứ ba, vai trò chiến lược của người Việt tại Mỹ và định chế Hoa Kỳ:
Chính quyền Trump có thể cơ hội và bất nhất, nhưng Quốc hội Mỹ, báo chí Mỹ và xã hội dân sự Mỹ vẫn là những lực đẩy ổn định.
Người Việt tại Mỹ – nếu biết kết nối sức mạnh chính trị lưỡng đảng, vận động có tổ chức và nói bằng ngôn ngữ của lợi ích chung – hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến tiến trình chuyển hóa tại Việt Nam.
“Đổi Mệnh” là một từ đầy thiêng liêng – nó không chỉ nói về thể chế, mà nói về căn tính dân tộc.
Một dân tộc từng chiến đấu để giành độc lập không thể mãi sống trong sợ hãi vì thiếu tự do.
Một đất nước từng gồng mình để đổi mới kinh tế không thể mãi bị kìm hãm bởi một mô hình chính trị đã lỗi thời.
Và một thế hệ trẻ đầy khát vọng toàn cầu hóa không thể mãi bị cầm tù trong ý thức hệ khép kín.
Chúng ta không đòi hỏi một cuộc cách mạng vội vã.
Nhưng chúng ta có quyền mơ về một cuộc chuyển hóa kiên định, ôn hòa và đầy dũng khí.
Cuộc chuyển hóa ấy cần bắt đầu từ hôm nay – với sự đồng thuận của những người đang cầm quyền, sự thức tỉnh của những người đang bị cai trị, và sự hậu thuẫn của cả một cộng đồng người Việt toàn cầu.
Nếu “Đổi Mới” là bước đầu đưa Việt Nam ra khỏi đói nghèo, thì “Đổi Mệnh” sẽ là bước cuối để đưa Việt Nam vào hàng ngũ những quốc gia tự do, văn minh và nhân bản.
Và nếu lịch sử đã chọn chúng ta cho thời khắc này – thì hãy cùng nhau viết nên một chương mới, bằng cả lý trí và trái tim.
Vũ Đức Khanh