Thanh Hà CH: Tàn lụn ước mơ

Hằng năm cứ mỗi lần lật tờ lịch đến tháng Tư là lòng tôi lại dâng lên nỗi bồi hồi tiếc nhớ. Tuy thời gian trôi qua nửa thế kỷ, nhưng những ngày đau thương đen tối ấy vẫn còn hằn trong ký ức tôi vết sẹo đậm sâu. Tôi nhớ rõ ràng các diễn biến như thể mới xảy ra hôm qua hôm kia vậy.
Khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản ngày 30 tháng tư năm 1975 thì mọi sinh hoạt, nếp sống gia đình tôi bị thay đổi, xáo trộn hoàn toàn. Chị em tôi thu dọn sách vở hành lý về quê Kiên Giang với tâm trạng buồn rầu nuối tiếc sự học dở dang vì biết sẽ không bao giờ còn được trở lại giảng đường nữa. Từ nay cánh cửa trường học nào cũng đều vĩnh viễn khép lại với mình rồi.
Nhớ biết mấy những buổi sáng hăm hở đến trường, háo hức chờ nghe giáo sư giảng các bài học triết, văn chương Việt Nam, Anh văn, Pháp văn. Bài học vở lòng tiếng Hán sao mà khó nhớ- mẫu tự như vẽ, rối rắm ngoằn ngoẻo. Nơi đó tôi gặp gỡ bao nhiêu sinh viên nam nữ từ khắp miền đất nước – vĩ tuyến 17 trở vào–, quen với nhiều anh, chị, bạn khả ái thân thiện, nay mỗi người mỗi ngả, nghe buồn ngẩn ngơ. Lâu lắc gì cho cam, chỉ cách đây dăm hôm thôi mà tôi tưởng chừng nhiều tháng đã trôi qua bởi bao nhiêu biến cố xảy đến.
Xã hội thay đổi, kéo theo cuộc đời hàng triệu gia đình thay đổi, như từ ánh sáng bạch nhật bỗng rơi vào màn đêm âm u tăm tối.
Ba tôi vào trại tù cải tạo, má chuẩn bị túi đồ gồm vài bộ quần áo, khăn tắm, bàn chải kem đánh răng, ít tiền mặt…cho ba mang theo–mà theo lời dụ dỗ của Uỷ ban Quân quản Cách mạng lâm thời chi đó (tôi chỉ nhớ lờ mờ cái tên, cũng chẳng buồn nhớ chi cho mệt óc) “học tập tư tưởng cách mạng” vài hôm thôi. Cái vài-hôm đó biến thành sáu năm khổ sai nơi vùng U Minh Thượng muỗi bu từng đàn, đĩa vắt nổi lều bều dưới kinh rạch.
Thật may mắn phúc đức cho ai đã vượt thoát trước ngày 30.04.1975 năm ấy.
Hai chữ “phải như” cứ đeo bám dai dẳng trong tâm trí tôi nhiều năm sau vẫn chưa bứt rời ra được.
Phải như hai người chị và em tôi kẹt ở Saigon thu xếp về kịp trước ngày 30 tháng Tư.
Phải như ông bà ngoại chịu rời quê hương.
Phải như chúng tôi ai đi được thì đi, đừng bịn rịn nắm níu tình cảm người đi kẻ ở, quan niệm sống cùng sống, chết cùng chết bên nhau.
Phải như tôi có can đảm ra đi một mình.
Bởi sau ngày 30 tháng Tư chiến hạm Mỹ vẫn còn thả neo thêm vài hôm nữa gần đảo Phú Quốc…chờ đón các người chạy nạn xuống đò nhỏ ra (một người cậu họ đi lính ngoài đảo Phú Quốc về nhà kể lại). Lúc ấy việc ra đi quá dễ dàng đối với gia đình tôi. Các chú cùng Ty với ba tụ họp lại nhà tôi, chờ ba quyết định nếu ra đi họ sẽ cùng đi theo. Thế mà gia đình tôi bỏ lỡ cơ hội, bởi không muốn cảnh chia lìa.
Má xếp vào tủ những chiếc áo dài thướt tha, những bộ quần áo mặc thường ngày bằng tơ lụa thanh lịch màu trắng tinh, trắng sữa, trắng kem, trắng phơn phớt hồng…thay vào chiếc áo bà ba trắng, cái quần satin đen hiếm hoi. Má cấp tốc may thêm cho mấy mẹ con mỗi người hai bộ áo bà ba quần đen cho hợp thời thế.
Hằng đêm má trằn trọc khó dỗ giấc ngủ. Chỉ chừng một năm ai gặp lại đều giật mình thấy má già hơn cả chục tuổi, tóc vốn uốn lượn sóng nay nuôi cho dài, cột túm gọn lại, chờ đủ dài thì bới búi cao như tóc của bà ngoại, xuất hiện nhiều sợi bạc. Không héo tàn sao được. Chồng tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc không hẹn ngày về. Nghĩ xa hơn: có khi nào họ sưu tra tiểu sử ông nội thành phần địa chủ từng bị kết tội Việt gian và xử tử 24 năm về trước (1951) rồi chồng chất tội ba tôi nặng thêm không. Chưa kể là chú ba-em kế của ba- cũng bị bắt đi tù, tội tư sản mại bản, bị chiếm hết tài sản, nhà cửa, đày ải vợ con xuống vùng kinh tế mới cũng ở tận U Minh xa lắc lơ.
Tôi nhớ hoài lời ba má thường khuyên bảo chị em tôi:
–Gia tài ba má để lại cho các con không phải là tiền bạc, mà là cố gắng cho các con học hành để mai sau các con gom góp kiến thức tự lập nuôi thân. Ngày nào các con thành đạt nên người, coi như các con trả ơn cho ba má vậy.
Thế mà giờ đây cánh cửa học đường mở vào tương lai đã đóng với chị em tôi. Ngoại trừ cô em út 9 tuổi còn được tiếp tục đến trường, cậu em 16 tuổi theo học thêm vài tháng rồi cũng nghỉ vì quá chán ngán với những buổi ngồi nghe giảng chính trị và nghe chửi bới miệt thị các gia đình “nguỵ quân, nguỵ quyền” mà ba tôi là một trong hai thành phần họ đem ra nhục mạ ấy.
Hỏi lòng người mẹ nào mà không đớn đau thương xót khi nghĩ về ngày mai đen tối của các con tuổi mười sáu đôi mươi khi trái mộng đời vừa chớm nụ chưa kịp nở đã héo non?
Rồi làm gì để sống đây? Đàn con sáu đứa, lúc trước trừ chị hai có việc làm thư ký, độc thân tiền lương lãnh về bao nhiêu đưa hết cho má thì 5 người còn lại đều trong tuổi ăn học chưa bao giờ lao động nhọc nhằn, trong đó 3 đứa đi học ở Saigon tốn kém biết bao nhiêu. Ba tôi tuy giữ chức vụ trọng yếu trong Ty Thông Tin tỉnh, với đồng lương căn bản nếu không nhờ lúa gạo của ông bà ngoại và má giỏi may vá lãnh hàng từ láng giềng phụ thêm, xoay xở mới vừa đủ. Huống chi giờ đây hai đầu lương của ba và chị hai bị cắt, việc may vá của má không nhiều như xưa nữa.
May là bồ lúa của ngoại còn đủ ăn cho đến mùa gặt tới. Giàn bí, bầu, khổ qua, dưa leo trong vườn rau luống cải ngoại gieo trồng tươi tốt. Rau muống, rau ngổ, bông súng mọc tràn lan ngoài đồng, kênh rạch. Các loại cá lóc, rô, trê, sặt trong ao dưới mương ruộng không thiếu. Miếng ăn tạm thời chưa nguy cấp.
Gia đình chúng tôi thuộc thành phần bị hất hủi của chế độ. Trước đó tôi có đọc các tác phẩm của nhà văn Nga đoạt giải Nobel Alexandre Solzhenitsyn như Tầng Đầu Địa Ngục, Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch”, về câu chuyện của người tù dưới thời CS Sô Viết. Do viết quyển sách như trên mà ông phải sống đời lưu vong 20 năm ở châu Âu, rồi Mỹ. Khi Liên Sô sụp đổ năm 1994 ông trở về cố quốc và qua đời vào năm 2008.
Lúc đọc hai câu chuyện ấy tôi bị ám ảnh sâu sắc, tưởng chỉ xảy ra ở một đất nước xa xôi từ thuở tôi chưa ra đời, đâu ngờ lịch sử đen tối lập lại chính xác trên quê hương mình, mà ba tôi là một trong hàng vạn Ivan Denisovitch.
Tỉnh thành lập đoàn sinh viên học sinh – gom tụ các”ưu tú tương lai” lại. Có khoảng hơn trăm người gia nhập, chia ra nhiều toán, mỗi toán hơn chục người với nhiệm vụ đi gom rác rưởi ở chợ, móc ống cống đường mương bị nghẹt, phát nhổ cỏ công viên…Chọn những sinh viên nào năng nổ nhất, lập nhiều thành tích nhất làm chỉ huy.
Sáng sáng chúng tôi tụ họp ở địa điểm định sẵn, chờ “được” phân công toán nào đi những đâu.
Những sinh viên học sinh khờ khạo ngây thơ gia đình có liên quan với chế độ VNCH (trong đó có tôi) vẫn còn nuôi chút hy vọng khi nào trường mở cửa sẽ được tiếp tục đi học lại nên chịu khó tham gia, túa ra nhiều ngả theo sự phân công dùng cuốc xẻng dao hoặc tay không, hì hục hăng hái “lao động là vinh quang”, chỉ tạm dừng chạy về nhà cách 7 km ăn trưa, 2g ra làm tiếp cho đến chiều.
Trưởng, phó đoàn không ai xa lạ, từng có mối giao hảo rất thân thiết với chị em tôi. Đó là những người trong ban chấp hành hội Ái Hữu SVHS tỉnh Kiên Giang. Chúng tôi học ở các trường đại học Saigon khác nhau nhưng thường xuyên gặp trong các lần bầu bình chọn Ban Chấp Hành kêu gọi chị em tôi dồn phiếu cho họ, các buổi văn nghệ gây quỹ Cây Mùa Xuân, cắm trại ngoài trời Lái Thiêu, Bình Dương, hoặc hẹn đến nhà trọ nấu chè, ăn cơm chiên rau muống xào tỏi…rất đơn giản mà thân tình.
Bây giờ gặp lại, họ làm ngơ như thể chưa từng quen biết không cả một lời chào, một cái gật đầu. Thật không hiểu nổi. Có lẽ họ thấy gia đình tôi thuộc thành phần không được chào đón ở chế độ mới nên xa lánh cho khỏi liên luỵ.
Chị em tôi tham gia được vài tuần thì ngưng. Ý thức chế độ mới nầy chẳng bao giờ chấp nhận cho chúng tôi tiếp tục học. Tìm việc làm nuôi thân là thực tế hơn.
Từ nhỏ đến giờ ngoài chị hai đã đi làm thì 5 chị em trở xuống có làm ra một đồng xu cắc bạc nào ngoại trừ phụ quét nhà nấu cơm giặt quần áo.
Phần lớn nhân viên công chức cũ bị sa thải, thiếu người trầm trọng nên họ tuyển dụng người mới thay thế vào các ngành ngân hàng, giáo viên cấp I, y tá, thương mại… trình độ học không quan trọng miễn thuộc thành phần không dính líu với chế độ cũ…tôi thử nộp đơn xin việc với rất ít hy vọng được nhận.
Đơn xin việc phải kèm tờ khai lý lịch, mang cho trưởng khóm và công an phường chứng. Ông trưởng khóm vốn xuất thân nông dân rặt, bốn mùa đi chân đất, răng bám vàng nhựa thuốc, khăn ca-rô bằng len choàng quanh cổ làm dáng dù trời nắng nóng đổ lửa, chữ viết ngoằn ngoèo chứng vào tờ đơn tôi đại khái: “chứng nhận đương sự tên…ngụ tại địa chỉ…có cha là công chức nguỵ đang đi cải tạo”.
Đến công an phường, tên đồn trưởng viết: “chứng nhận lời trưởng khóm viết đúng sự thật” và đóng mộc. Thử hỏi với lời chứng lý lịch như thế thì trường học hay cơ quan nào dám nhận tôi vào làm việc. Thời gian sau, tôi tự “tụt hạng” cầm đơn xin chân bán hàng tạp hoá cho Hợp tác xã. Bị từ chối. Lại tụt xuống nấc thang xã hội thấp nhất là công nhân khiêng vác gạch, cát, đá cho công trường xây cất. Cũng bị từ chối nốt.
Tôi đau khổ tuyệt vọng vì không thể tự lo bản thân nhẹ bớt phần nào gánh nặng gia đình, tìm an ủi bằng cách chúi đầu vào sách để tạm quên thực tại. Những quyển sách văn học, lịch sử, chính trị…bất luận loại nào được tôi nghiền ngẫm đến độ có quyển tôi thuộc lòng từng chương đoạn. Nhìn các sách chương trình Luật (của chị ba), Văn(của tôi) giá trị đúc kết từ tâm huyết, tri thức lỗi lạc của các giáo sư, học giả dành cho hậu sinh, tôi từng thức nhiều đêm gạo bài chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm mà thẫn thờ chua xót.
Nỗi đau tiếp nối nỗi đau chưa chấm dứt. Tìm quên trong thú đọc sách thêm thời gian không lâu thì họ phát động phong trào “tiêu huỷ đốt sách văn hoá phẩm đồi truỵ của tàn dư Mỹ Nguỵ”.Đây mới thực sự là cú giáng chí mạng đối với những người đam mê sách vở văn chương đây.
+ Một cảnh đốt sách vào tháng 5 năm 1975 ở Sài Gòn. Ảnh internet.
Ngày xưa vua Tần Thuỷ Hoàng muốn tiêu diệt những trí thức không cùng chính kiến đã ra lệnh đốt hết sách vở cũ và chôn học trò. Bây giờ họ không cần chôn sống học trò, mà chỉ cần tẩy não biến chúng tôi thành lũ cừu không được có tư duy chính kiến riêng, mà phải hành động phát ngôn rập khuôn theo những gì họ muốn. Họ huỷ diệt nền văn hoá, di sản tinh thần quí giá của tiền nhân để lại, bóp chết bao ước vọng hoài bão cao đẹp, tương lai hàng triệu học sinh trên dãy giang sơn hiền hoà no ấm yêu tự do thanh bình.
Chúng tôi lôi hết những gì tượng trưng cho “chữ nghĩa” được in bằng giấy đầy ắp các tủ đem chất thành đống to tướng: Từ những truyện thiếu nhi, tập học của chị em tôi từ lớp vỡ lòng vẫn còn lưu giữ, những quyển truyện có từ thời ba má còn trẻ, sách chính trị, tôn giáo, lịch sử, văn học cổ điển Tây phương, Đông phương, sách nghiên cứu, sách khoa học cho đến những tuần san, nguyệt san, nhật báo, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, những băng dĩa, nhạc giá trị…
Bình thường chúng tôi nấu ăn bằng réchaud dầu. Giờ thỉnh thoảng mới mua được dầu – với lại phải tiết kiệm tiền – nên nấu xen kẽ bằng mạt cưa, các lá dừa, tàu dừa chặt nhỏ phơi khô lẫn với củi tràm. Nay “nhờ” có thêm đống sách báo, chúng tôi kê ba viên gạch làm bếp dã chiến nấu cơm phải vài tuần mới hết đống giấy.
Vừa liên tay xé mỗi lần vài trang sách, cuộn tròn đút vào bếp vừa nhìn ngọn lửa liếm dần từng trang chữ mà lòng quặn đau, tiếc hận. Kéo vạt áo lên chùi nước mắt nhạt nhoà bởi khóc và bởi khói cay, thầm nghĩ::
–Mình tự đốt tương lai lụi tàn theo đống lửa nầy đây.
Nhưng chúng tôi vẫn tìm cách lưu giữ được vài chục quyển sách quí hiếm bằng cách bọc vài lớp plastic bên ngoài, rồi đặt vào hai thùng đạn đại liên mà thời quân chủng bộ binh còn đến đóng căn cứ tạm để đi hành quân các vùng phụ cận, các chú mang về tặng gia đình tôi tuỳ nghi xử dụng.
Chúng tôi sống trong căn nhà chung vách với nhà ông bà ngoại. Ông ngoại tôi gốc dân Cao Lãnh nơi mỗi năm thường bị lụt vài tháng nên mọi người đều cất nhà sàn tránh nước ngập. Ông cưới bà ngoại, lập nghiệp bên vợ nhưng vẫn cất nhà theo kiểu quê ông. Sàn cao hơn thước, chị em tôi định chôn hai thùng sách dưới sàn nhà. Bà ngoại thương đàn cháu ham mê sách vở nên chịu khó chui xuống gầm, hì hụt cặm cụi đào cái hố nhỏ vừa đủ lọt hai thùng sách. Xong lấp đất lại bằng phẳng, không ai lần ra dấu vết. Lúc làm việc này hàng xóm không thể thấy vì căn nhà thứ hai của chúng tôi che chắn mọi ánh mắt tò mò.
Nhưng tôi vẫn giữ bên mình tập thơ chép tay sưu tầm các bài thơ hay của nhiều thi sĩ từ thời tiền chiến đến cận đại. Tôi thường đem quyển thơ ra nằm đu đưa trên chiếc võng mắc ngoài hàng hiên nhà sàn đọc tới đọc lui các vần thơ thanh tao lãng mạn mượt mà hòng chạy trốn hoàn cảnh thực tế trần trụi chốc lát.
Một buổi trưa tôi đang đắm hồn vào cõi mộng qua những lời thơ trữ tình:
*Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng
(Mộng dưới hoa, thơ Đinh Hùng)
*Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau
(Paris, thơ Nguyên Sa)
Tôi đang còn ngẩn ngơ với 4 câu thơ của Wolfgang Goethe được Đan Chinh phỏng dịch một cách thần sầu, bởi nó đánh trúng vào tâm trạng tôi hiện tại:
Anh là vĩnh phúc trên đường về hư mất
Lúc đời sống còn độc hơn cả chính cơn đau
Và cái đẹp phát sinh từ ngỗ nghịch
Chính là điều cuốn ta lại gần nhau
Thì một giọng nói thô thiển đàn ông sát bên tai khiến tôi giật nẩy mình vì bất ngờ:
–Ê con nhỏ đọc cái gì đó, đưa đây tao coi.
Nhìn lên, là cậu ba Tòng đứng cạnh võng hồi nào tôi chả hay.
Cậu là người hàng xóm. Gốc ngoại ô Saigon- Hóc Môn, Bà Điểm chi đó – làm công cho chủ ghe chài thu mua gạo từ Rạch Giá chở lên Saigon, thường neo ghe dưới bến nhà bà cô hai bán tạp hoá cách nhà tôi vài căn. Ông bà nói “có tật có tài” có lẽ đúng với cậu Tòng. Cậu vốn nhỏ con cao chừng 1,4m-1,5m cánh tay ngắn ngủn không đồng thanh đồng thủ với thân hình nên được hoãn quân dịch. Không biết cậu có bí quyết gì thuyết phục được bà cô hai đem con gái lớn 16 tuổi tên Hương gả cho cậu 30 tuổi mà dưới mắt lũ trẻ nít chúng tôi thì với tuổi ấy tức “già” rồi. Cô Hương tuy là gái quê nhưng khá xinh, tóc dài tận eo dợn sóng, mắt sáng long lanh. Chắc bà cô sợ cô Hương lấy chồng quân nhân dễ nguy cơ trở thành “goá phụ ngây thơ” nên gả cô cho cậu Tòng để yên tâm chứ gì.
Cưới được vợ cậu bỏ nghề sông nước lên bờ sắm xe lam chạy chở khách. Cậu và nhà mẹ vợ có mối giao hảo tốt đẹp với gia đình tôi. Tối tối xong công việc chạy xe, cậu hay tới nhà uống trà kể chuyện nầy chuyện nọ với ba má, có vẻ am hiểu các vấn đề thời sự.
Sau ngày mất miền Nam, cậu Tòng bỏ chạy xe lam, gia nhập nhóm “ba mươi tháng Tư” hoạt động hăng say ngày ngày cầm cuốn sổ lớn đi từng nhà kêu họp hành, hoặc kiểm kê dân số, và gì đó nữa. Thái độ bỗng nhiên thay đổi nghênh ngang, xử dụng các danh từ rối rắm tối nghĩa của chế độ mới. Chúng tôi ngạc nhiên không biết cậu học ở đâu mà lẹ thế.
Cùng với cậu Tòng, một số người trong xóm trước kia vốn khiêm tốn hiền hoà gần như không ai để ý, sau đận “đổi đời” nhảy ra làm việc cho chế độ mới với lòng nhiệt thành hăng say, được gọi là “những kẻ cơ hội 30 tháng Tư” chẳng hạn ông trưởng khóm vốn là nông dân nói trên. Hai phụ nữ: một làm nghề bánh tráng, một buôn bán vặt được đưa vào hội Phụ Nữ. Một thanh niên khiêng vác nước đá – vẫn tiếp tục nghề vác nước đá – được giao nhiệm vụ giữ trật tự đường phố mỗi khi có lễ lạc, đeo băng đỏ trên cánh tay tưởng mình quan trọng hách xì xằng, nói năng xấc láo với chòm xóm. Đáng ngạc nhiên có hai người bạn thời trung học của tôi cũng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hăng hái phục vụ không lương một thời gian khá dài cho đến lúc bị vắt chanh bỏ vỏ.
Tôi đưa quyển thơ cho cậu. Ông cầm lên đọc, lật tới lật lui mấy trang sách hồi lâu rồi hỏi:
–Mấy cái vớ vẩn nầy mày chép ở đâu vậy?
Tôi trả lời đại:–Thầy dạy môn Quốc văn dạy tụi con ở trường.
–Toàn thơ văn uỷ mị đầu độc sặc mùi của bọn tiểu tư sản. Mầy đem đốt liền không được để tao thấy nữa nghe chưa.
Ngày trước cậu Tòng xưng hô “cậu cháu” chứ không “mầy tao” như bây giờ.
Chỉ còn mỗi tập thơ là nguồn an ủi thế mà ông cũng truy cùng đuổi tận. Nhớ hồi trước ông hay đến chơi nói chuyện rất tình cảm với ba má tôi, thế mà giờ đây giở giọng… Uất ức quá tôi cãi:
–Sao gọi là uỷ mị? Đó là những bài thơ diễn tả tình yêu giữa con người với con người, ngoại trừ gỗ đá mới không có tình cảm, trái tim. Vậy cậu dành tình yêu thương cho gia đình, cho cô Hương và con cái của cậu cũng là uỷ mị tiểu tư sản đó hả? Mà tiểu tư sản thì có gì là xấu, cậu cắt nghĩa con nghe đi.
Nghe tôi nói mạnh, ông ngẩng phắt đầu trừng mắt nhìn tôi, mở miệng định nạt gì đó. Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông không chớp. Thừa biết ông chẳng biết chút gì về văn thơ, tôi bồi thêm:
–Hơn nữa cậu có biết ai là tác giả mấy bài thơ cậu đang lên án nầy không vậy?
Mặt ông đổi màu, đầu tiên từ xanh vì ngượng sang đỏ gay vì tức:
–Mầy đừng hỏi đố tao. Có muốn đi dọn rác quét đường phố vài tuần lễ không?
Tôi loè:
–Con nói gì bậy mà cậu hăm doạ con. Cho cậu biết những bài thơ mà cậu chê uỷ mị đây là của các ông thi sĩ hiện nay đang giữ chức vụ rất cao ở trung ương, là bộ trưởng thứ trưởng lần lượt các bộ Kinh tế, Văn hoá và gì gì đó nữa. Có người là đại biểu quốc hội, chủ tịch hội nhà văn v..v.. chớ không phải thơ của “Mỹ Nguỵ” vớ vẩn như cậu chê nhé. Cậu dám phê bình thơ nếu mà tới tai mấy ổng thì cậu sẽ bị lôi thôi đó. Không tin cậu cứ đi hỏi thì sẽ biết.
Tiếp theo tôi nêu một loạt tên các ông thi sĩ HC, XD, LTL..kèm thêm vài đoạn thơ. Tất nhiên không nói các bài thơ nầy được họ sáng tác thời tiền chiến trước 1954.
“Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu…”, HC
”Em không nghe mùa thu
Dưới trăng vàng thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ…” LTL
Biết nếu càng nói thì càng lộ cái sự không-biết-gì của mình, định trấn áp tôi ai ngờ bị tôi hù doạ ngược. Cuối cùng ông hạ giọng, nhưng cố vớt vát để cứu thể diện:
–Mầy đem cất quyển tập thơ từ nay không được đọc trước mặt người khác nghe chưa. Bây giờ tao giao cho mầy công việc nầy nè, là hai chị em mầy đi từ nhà kiểm kê nhân số, hỏi tên tuổi từng người, nơi sanh, tình trạng gia đình, học lực, nghề nghiệp…rồi điền vào các mẫu có sẵn đây.
Không lâu sau, chả biết vì lý do gì cậu Tòng bị vào tù. Khi được thả ông âm thầm lẳng lặng bán nhà đưa vợ con đi đâu mất tiêu không một lời giã biệt xóm làng.
Hết chiến dịch đốt sách thì bắt đầu chiến dịch gởi giấy kêu gia đình nào có trai gái từ 18 tuổi trở lên đi làm thuỷ lợi nhiều ngày, tức đào kênh rạch ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không điện, nước mặn, muỗi đĩa dầy đặc.
Ông bà ngoại tôi vốn sở hữu vài mẫu đất ruộng. Lúc đầu chưa bị xung vào hợp tác xã nên ngoại vẫn tiếp tục ra đồng dù ông đã 73 tuổi, bà 67 tuổi.
Nhà tôi cả đàn 4 cô gái tuổi xuân thì không có việc làm, nay mai chắc chắn họ sẽ gọi đi nên ông bà ngoại thương cháu gom cây, lá dừa nước vào cất cái chòi nhỏ 2×2 m trên bờ đê ngay thửa ruộng cách nhà hơn một cây số cho mấy chị em tôi đóng giả đi làm đồng áng hầu đánh lạc hướng để họ đừng bắt đi đào kênh nơi vùng hoang vu hiểm độc.
Ruộng nhà tôi nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bao la, bao bọc chung quanh bởi các mảnh ruộng của nông dân khác. Lúa đã cấy xong, nên không ai ra đồng, chúng tôi tránh được các cặp mắt soi mói theo dõi.
Thế là sáng sáng, tôi mặc cái áo bà ba bằng vải thâm nâu, cái quần nhuộm phai màu, đen không ra đen, vàng úa không ra vàng úa bằng chất liệu rất xấu. Giặt nhiều lần bị rút, lai quần cuốn nhăn nhúm cao lửng lơ khỏi mắt cá chân. Nhìn bộ vận của mình tôi cũng phải bật cười nhớ có lần nghe mấy ông bộ đội miền Bắc trẻ kể chuyện mấy cô thôn nữ ngoài quê của họ mỗi năm được cấp mỗi người chỉ 2 m vải may y phục nên buộc lòng phải mặc cái quần “nơ nửng”(lơ lửng) cái áo đợi chờ”
Họ cũng văn hoa chữ nghĩa phết đó chớ.
Chúng tôi theo bà ngoại khệ nệ xách giỏ đan bằng lác y hệt các “lữ lông dân”(nữ nông dân) ra đồng vậy, đâu ai biết bên trong giỏ đựng ngoài món ăn vật chất còn có món ăn tinh thần mà nếu bắt gặp sẽ bị gán cho cái danh tiểu tư sản thật sự đây !!!
Gồm khoai lang, nước uống, 1 cái mền và quyển truyện.
Thời may nhà sách quốc doanh có bán vài quyển văn học giá trị in trên loại giấy vàng xấu như Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, truyện ngắn của Anton Chekhov, Chiến Tranh Và Hoà Bình của Léon Tolstoi…nên tôi cũng thoả cơn khát chữ phần nào. Bà ngoại cưng cháu sợ buồn miệng và đói thức sớm luộc khoai lang dương ngọc, bắp mang theo. Cái mền mỏng là của em gái thứ năm vì em có thói quen từ nhỏ hể nằm là đắp hai chân dù trời nóng hay lạnh. Ra ruộng, trời còn mát mẻ chúng tôi cùng bà ngoại xắn quần lên khỏi gối lội xuống nước, lom khom bứt cỏ năng mọc lẫn lộn với mạ non. Chốc chốc lại co chân lên xem có đĩa hay vắt bám vào không. Ngoại dạy cách phân biệt hai loại kẻo bứt nhầm mạ vì cả hai có lá tương tự.
Nắng lên cao, hơi nóng từ mặt nước toả hầm hập. Ngoại kêu thôi các con vào lều nghỉ đi đừng làm nữa, nắng táp đen da hết.
Trời ơi viết đến đây mà tôi ứa nước mắt nghĩ đến tình thương của ngoại dành cho đàn cháu bao la trời biển, chúng tôi chưa báo hiếu được ngày nào thì ông bà ngoại đã ra người thiên cổ !!!
Cho nên tiếng là đi làm ruộng, thực ra phần lớn thời gian chúng tôi chỉ nằm trong chòi đắp mền đọc sách, ăn bắp, khoai lang luộc. Em gái năm có giọng ca truyền cảm trời phú. Từ chiếc chòi lá giữa cánh đồng mạ non vọng lên tiếng em hát hoà lẫn tiếng gió nhè nhẹ thổi dưới bầu trời xanh xen từng cụm mây trắng tạo những hình thù thú vị biến đổi không ngừng nghe thấm thía từng ý nghĩa câu chữ:
*Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
(Tình hoài hương, nhạc Phạm Duy)
*Saigon ơi tôi đã mất người trong cuộc đời
Saigon ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng…
(Saigon ơi vĩnh biệt, nhạc Nam Lộc)
Đến trưa má kêu cậu em trai 15 tuổi lội nước đem cơm vào. Xế chiều nhẩn nha thu dọn đồ đạc trở về nhà, lội qua mấy cánh đồng ngập nước mà cứ hồi hộp sợ đĩa vắt bám hút máu.
Qua đợt Cộng Sản gọi đi làm thuỷ lợi, chị em tôi không đi ruộng nữa. Tiếp gia đình đâu không thấy chỉ thấy báo hại thêm, khiến ngoại phải thức sớm luộc khoai, bắp, theo bảo vệ chăm sóc chúng tôi cả ngày ngoài đồng. Đã vậy còn bắt thằng em đến giờ trưa mang cơm ra cho các chị, nó chưa cằn nhằn là may. Thêm đùn việc nấu cơm giặt quần áo quét nhà cho má, hai chị lớn nữa.
Đến khi lúa chín ngoại thuê thêm vài người thợ gặt lúa, đập lúa, chuyên chở lúa bằng xuồng từ ruộng theo giòng kênh nhỏ về nhà.
Lần nầy tôi phụ giũ rơm, làm-ruộng-thật-sự chứ không làm tài tử che mắt thiên hạ. Thời ấy việc đồng áng toàn bằng sức người. Muốn thu hoạch hạt lúa, gọi là đập lúa phải nhờ các thanh niên trẻ khoẻ mạnh, thường là người Cam Bốt ngụ xóm trên mới cáng đáng nổi. Đây là công đoạn nhọc nhằn nhất. Những cọng lúa trĩu hạt được cắt gần gốc đem cột lại thành những bó tròn nặng đường kính 3 tấc.
Thợ đập quấn vòng quanh bó lúa bằng chiếc néo (?) đan bằng cọng mây (hay lác?) Đó là một dụng cụ đặc biệt nhưng đơn giản mà tôi không biết tả sao cho dễ hiểu, thợ dùng cả hai cánh tay giữ chặt, giơ bó lúa lên cao lấy sức lẫn thế đập mạnh xuống tấm ván dầy cả tấc hình chữ nhật dài độ 1,2 m, chiều ngang 0,6 m kê nghiêng góc 45 độ cho hạt lúa tuôn xuống cái đệm cói lót sẵn để hứng. Người thợ lập đi lập lại động tác đập bó lúa xuống tấm ván nhiều lần cho đến khi văng hết hạt thì quẳng ra một bên, lấy bó khác đập tiếp. Bó lúa “bị đánh vùi dập tả tơi” trở thành bó rơm nhẹ tênh. Đến phiên tôi nhặt từng bó rơm, mở dây cột, giũ tiếp cho các hạt còn dính sót ở giữa rơi hết hẳn.
Các hạt lúa rơi cận rìa tấm đệm được ông bà ngoại quét gom lại, xúc vào thúng để đổ vô bao bố loại 50 ký, chất lên chiếc xuồng được hai thanh niên dùng sào chống xuồng xuôi theo con rạch nhỏ đem vào nhà.
Động tác khom lưng cúi xuống nhặt bó rơm, đứng thẳng lên dùng hai cánh tay giũ hết lực như có thể, quẳng bó rơm ra xa…được tôi lập đi lập lại từ sáng đến chiều hàng ngàn lần liên tiếp cho hết số lúa gặt trên mấy mẫu ruộng. Trời nắng hừng hực, tôi đội nón lá, mái tóc nửa lưng được cột lại gọn gàng. Vì không quen che mặt nên khi mặt trời ngả dần về tây, đống rơm cao vút hình thành một ngọn đồi cao 5,6 mét thì hai má tôi đỏ au nóng bừng thân thể rã rời, lưng áo ướt đẫm, hai cánh tay mỏi nhừ nhấc hết lên. Tôi cố gắng chịu đựng không dám than thở. Nghĩ thầm: Ông bà ngoại tuổi cao mà còn làm lụng vất vả quanh năm không một lời nề hà kêu ca, còn tôi chỉ làm chưa đầy một ngày có thấm vào đâu so với hai người. Càng nghĩ càng thương ông bà ngoại vô biên, công ơn phụ ba má nuôi dưỡng chị em chúng tôi như trời biển đời nầy không còn dịp trả rồi.
Một trong các anh người Cam Bốt đập lúa, hẳn quan sát tôi tự sáng giờ lên tiếng:
–Trời ơi cô ơi nghề làm ruộng nhọc nhằn cực khổ lắm sức cô làm không nổi đâu. Nên kiếm nghề gì ở văn phòng làm cho nhẹ nhàng chứ tui thấy cô làm sáng giờ mệt tội cô quá trời.
Tôi chỉ cười nhẹ, nói thầm trong lòng:
–Anh ơi, giá mà tôi có quyền chọn lựa tương lai cho mình!!!
Lúa đem về nhà phơi thật khô đổ vào bồ để dành xay ra gạo ăn dần. Tôi chỉ làm nhiệm vụ giũ rơm chừng 1 hoặc 2 ngày là xong. Còn ông bà ngoại thì quanh năm suốt tháng, thật ngưỡng phục ngoại quá chừng.
Cuộc sống không hoài vọng, không tương lai như thế kéo dài được hai năm. Tưởng đã xuống nấc thang chót của xã hội rồi, ngờ đâu cuối năm 1977 gia đình tôi còn rơi sâu thêm dưới tầng địa ngục nữa.
Lấy cớ đánh đuổi tư sản và phản động lần thứ nhì vào năm 1977 (lần nhất vào tháng 9 năm 1975) họ tiếp tục tịch thu nhà cửa dân, đẩy đi kinh tế mới. Sau nầy, theo lời kể của thím Năm hàng xóm tốt bụng được họ cho (hay ép) làm việc trong hội Phụ Nữ, nhân cuối năm các ban ngành họp báo cáo là có chỉ thị từ trên ban xuống cho mỗi địa phương, mỗi phường muốn lập thành tích mừng xuân phải tìm cho ra vài gia đình tiêu biểu thuộc hai thành phần trên. Gia đình tôi không là tư sản, vậy đương nhiên là phản động. Nửa đêm gần Giáng sinh, công an bao vây nhà, tràn vô lục xét mọi ngõ ngách nhét súng vào bồ lúa rồi hô tướng lên là nhà chôn giấu súng mưu toan chống đối. Bắt mấy má con đi tù, đuổi ông bà ngoại và em gái út 11 tuổi ra cái chòi hoang, chiếm mất hai căn nhà tịch thu toàn bộ tài sản
Cũng theo thím Năm, công an Rạch Sỏi năm ấy được tuyên dương công trạng và được thưởng “nhờ” phá tan ổ phản động nguy hiểm, tức 7 mẹ con tôi và đứa cháu 11 tháng con của chị ba (chồng chị đi làm vắng nhà, sau cũng bị bắt nguội).
Công an tỉnh sau nhiều lần điều tra xét hỏi chắc nhận ra sự vô lý, thiếu chứng cớ của việc bắt bớ nầy hay sao mà mấy má con ở tù ba tháng thì được thả về, hơn nữa số người vượt biên bị bắt đông nhà giam không đủ chỗ chứa. Ra tù, chúng tôi tiếp tục sống trong căn chòi hoang với ông bà ngoại gần hai năm nữa. Hai căn nhà của chúng tôi, lúc đầu do công an quận quản lý, năm sau lấy một căn làm trụ sở Công Nghiệp, căn còn lại làm nơi trú ngụ cho mười mấy nhân viên nam nữ nhà ở xa.
Một tên con trai vốn chúng tôi từng-tưởng-là-bạn thỉnh thoảng ghé thăm, ra vẻ xót xa thông cảm cho hoàn cảnh chúng tôi lắm. Vì tin tưởng nên trong lúc trò chuyện chúng tôi vô tình hớ hênh kể lại việc chôn giấu sách mà không nói chỗ nào. Thế là hắn lân la kết bạn với những người đang chiếm ngự nhà, phóng đại rằng chúng tôi có chôn giấu vàng bạc, đề nghị cùng họ đào bới lên chia nhau xài.
Không biết họ có thử tìm. Diện tích nhà quá rộng, mà đất chỗ chôn giấu sách đã phẳng lì như nhau làm sao tìm thấy?!
Mười hai năm sau khi gởi hàng trăm lá đơn đòi nhà thì cuối cùng họ cũng giao trả. Tất nhiên chỉ còn cái vỏ trống hoác hư hại, nhưng ít ra ông bà ngoại tôi còn được
trở về chết trên ngôi nhà mà hai người đã xây dựng bằng mồ hôi khổ nhọc. Một trong những người từng cư ngụ trong nhà chúng tôi kể lại câu chuyện tên con trai đề nghị với họ tìm nơi chôn cất vàng đào lên chia nhau xài, mới bật ngửa về lòng dạ con người quả là khó đoán.
Trở về nhà cũ, chúng tôi không quên hai thùng sách, lúc nầy sức khoẻ bà ngoại đã yếu nên mấy chị em thay phiên chui dưới sàn nhà tìm đúng chỗ chôn giấu. Hì hục mấy tiếng đồng hồ mới bứng được hai thùng đạn đại liên lên. Mở nắp lôi các quyển sách ra, bồi hồi thấy các trang giấy ẩm ướt đã vàng phai màu thời gian, xúc động như thể tái ngộ người thân yêu bao năm thất lạc !!!
Chúng tôi phát giác trong số người quen không ít kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Hôm qua còn đối đãi nhau thân thiết, giờ đụng mặt họ giả vờ xa lạ.
Những kẻ cơ hội mà người đời mỉa mai gọi là “những tên ba mươi tháng tư” không phải ít. Trong đó có hai người bạn học chung lớp tôi thời trung học, chẳng hạn.
Khi công an đến chiếm nhà tôi lúc nửa đêm, tống hơn phân nửa thành viên vào tù, số còn lại bị đuổi ra nhà hoang thì sáng hôm sau, ”đoàn quân ba mươi tháng Tư” ồ ạt kéo đến tranh giành chia chác đồ đạc tài sản mà họ cứ trầm trồ nhiều quá chất thành đống không ngờ nổi. Ngoại và hàng xóm kể lại rằng một chị bạn học của tôi nhà cách 4 căn có chân trong hội Phụ Nữ cũng góp phần trong đám người hôi của ấy.
Còn người bạn học nam nhà cách 1 km lúc ấy xung vào đội an ninh dân phòng tỏ ra hống hách lớn tiếng nạt nộ mọi người – kể cả với ông bà ngoại tôi– là: “nội bất xuất, ngoại bất nhập, không ai được mang bất cứ cái gì dù là cây kim sợi chỉ ra ngoài”.
Ơ kìa, đó là tài sản của gia đình tôi kia mà!!!
Gia đình hai bạn nam nữ ấy đều quen biết thâm giao với gia đình tôi từ rất lâu đấy.
Còn nhiều nữa những thí dụ tương tự.
Số người đón gió trở cờ ấy không nghênh ngang được lâu. Khi nhận thức câu “vắt chanh bỏ vỏ” thì cuộc đời họ đã tàn tạ. Cộng sản chỉ lợi dụng hạng người trên như công cụ, xong việc thì loại bỏ không nương tay. Đa số vào tù vì một cái cớ nào đó, may mắn thì bị cho về vườn đuổi gà.
Còn bị sự khinh rẻ chê cười của mọi người chung quanh.
Người bạn nam nầy sau một thời gian tận tâm tận lực phục vụ không lương cho chế độ mới – giống như cậu Tòng – cũng được họ “cám ơn” bằng cách cho vào nghỉ dưỡng trong lao tù một thời gian, tôi không biết vì tội gì.
Chị bạn bị cho nghỉ việc, may là không đi tù.
Ông trưởng khóm trở về đời sống một nông dân như cũ, mèo vẫn hoàn mèo.
Thanh Hà CH
04/2025
———–
Bài liên quan, cùng tác giả:
*Thanh Hà CH: Những cuộc “thăm viếng không mời” lúc nửa đêm thay đổi số phận gia đình tôi*
*Thanh Hà CH: Đâu Rồi Saigon Của Tôi?