Phạm Công Luận: Giấy dương Ma Lè – Giấy lơ Vu-Tao

Dùng giấy dương nhuộm áo trắng là giải pháp đơn giản, rẻ tiền và tiện lợi nhất của một thời quần áo thông thường có giá trị cao hơn bây giờ. Mấy thập niên trước đây, áo sơ mi màu trắng là trang phục thông dụng của giới công tư chức và học sinh, sinh viên. Màu trắng trang nhã, lịch sự và ít hấp thu nhiệt thích hợp với khí hậu nhiệt đới, nhưng dễ ám mồ hôi, bị ngã vàng cho dù có giữ sạch mấy. Lúc đó, dùng giấy dương để “hồ dương” sẽ giúp quần áo trắng cũ chuyển sang màu trắng hơi xanh lơ gần như mới, nhìn khá dễ chịu, thậm chí có vẻ đẹp riêng.

Người Nam gọi là giấy dương, người Bắc gọi là giấy lơ. Người bán trong chợ nói từ gì họ cũng hiểu để bán cho đúng. Giấy dương luôn có trong các tiệm giặt ủi quần áo, là giải pháp nhuộm quần áo trong gia đình mà ai cũng làm được. 

Trước năm 1945, người dân miền Nam quen thuộc với dương giấy có cái tên ngộ nghĩnh là “Ma Lè”, bán nhiều ở các chợ hay tiệm chạp phô của người Hoa. Đó là xấp giấy có bìa màu trắng in hình một con ma lè lưỡi ngồi trong thau nước, mắt trợn, tay xoè… bên trong có bốn miếng giấy màu xanh đậm, khổ cỡ tấm hình 10X15. Khi muốn nhuộm quần áo trắng, xé một miếng giấy bỏ vô thau nước, quậy lên cho ra màu rồi vớt giấy ra, nhúng đồ trắng đã xả trước đó vô. 

Trong cuốn “Làng cũ người xưa”, tác giả Tiền Vĩnh Lạc nhắc loại giấy dương này: “Một cái áo sơ mi người lớn chỉ cần một miếng dương giấy bằng phân nửa cái nhãn hộp quẹt là đủ. Mấy người bán dương giấy thường rao: “Dương giấy hiệu Ma Lè, hai tay bù xoè ngồi trong thau nước đây!”. Dương giấy hiệu “Ma Lè” bán chạy lắm, các tiệm tạp hoá, các chợ tỉnh, các quận cho đến thôn quê hẻo lánh đều có bán”. Hồ xong, quần áo được xả rồi mang ra phơi, có màu trắng hơi phơn phớt xanh trông như mới.

Sau năm 1954, ở Sài Gòn xuất hiện thêm loại giấy dương mới hiệu Vu-Tao. Đây là sản phẩm của nhà sản xuất “lơ” (xuất phát từ chữ bleu là màu xanh da trời trong tiếng Pháp) hiệu Vũ Tạo từ Hà Nội. Một thông tin cho biết nơi sản xuất của gia đình chủ nhân hiệu này ở phố Đại La – Hà Nội và giấy lơ được bán lẻ trên tàu điện hay trên đường phố cho đến những năm 1960-65 để dùng nhuộm áo vải pôpơlin trắng hơn sau khi đã giặt sạch và nhúng vào trước khi phơi. Có lẽ giấy lơ Vu-Tao ở Sài Gòn trước 1975 do người trong dòng tộc này di cư vào Nam và tiếp tục sản xuất nên trên nhãn có ghi là Vu-Tao Hanoi-Saigon và nhãn hiệu cầu chứng tại toà thương mãi là ngày 25/5/1955. Một xấp giấy cũng có bốn miếng, được quảng cáo là không đóng cặn, không bị lốm đốm, lơ xong không bị vàng, trông đẹp như mới.

Ngoài ra còn có giấy dương các hiệu khác như hiệu Nhảy Đầm. Giấy dương hiệu này ngoài bìa có hình hai cô gái đang bận váy khiêu vũ đối diện nhau: “Thứ dương giấy này dùng bao lâu cũng đặng, thời tiết mưa nắng ít hao, hễ giặt đồ quần áo cũ mới có dương giấy “Nhảy đầm’ này thì thấy tốt mà lại trắng xanh là khác. Có dùng dương giấy này thì không thấy hôi bùn. Thật là tiện lắm. mỗi bao có bốn miếng”. Đó là lời qủang cáo. Còn có giấy dương hiệu Con Ó, quảng cáo: “giấy dương hạng nhứt, để bao lâu cũng đặng, không làm hư quần áo, nhúng rồi phơi nắng, mỗi bao 4 miếng”. Và dương giấy hiệu Mỹ Nữ: “cái sự trắng của nó thấy mà thương!”.

Thế hệ học trò sinh đầu thập niên 1960 quen thuộc với giấy dương. Nữ sinh đi học bận áo dài trắng bằng tơ hay gấm trắng mỗi ngày, muốn cái áo không bị ngả vàng chỉ có cách dùng nó. Nam sinh cũng vậy. Họ rành cách nhuộm, cho vô thau hay xô, khuấy lên cho xanh đều xong rồi nhấc ra treo lên, không vắt vì nếu vắt sẽ có những nếp nhăn và đường xanh nổi lên. Áo dài bằng gấm hay bằng tơ khi hồ dương lên nhìn khá đẹp. Em nhỏ thì được xài nước cuối để nhúng áo sơ mi trắng. Người bên đạo Công giáo khi xưng tội rước lễ lần đầu hoặc thêm sức phải mặc quần Tây màu trắng nhưng khi thiếu quần mặc đi học thì mua giấy lơ nhuộm xanh thành quần xanh để thành đồng phục đến trường. 

Dương giấy là một dấu ấn nho nhỏ của đời sống Việt một thời với giá rẻ, phổ biến và dễ dùng. Hiện nay, trên mạng có bán giấy nhuộm màu đen, xanh, trắng của nước Đức… cho người cần dùng. Tuy nhiên, ngày nay quần áo thông thường giá nào cũng có, mặc chưa cũ cũng đem cho hay quyên góp làm từ thiện nên giải pháp nhuộm quần áo không còn phổ biến nữa. 

Phạm Công Luận

Ảnh tư liệu của Huỳnh Minh Hiệp và Phạm Công Luận