Song Thao: Bà xã

Hình minh họa: Pixabay

“Bà xã khỏe không?”. Phải hiểu là ông bạn vừa hỏi thăm vợ mình. Thường chúng ta trả lời: “Cám ơn bạn. Nhà tôi vẫn thường”. “Nhà tôi” có lẽ là một từ rất Việt. Riêng tôi chưa thấy có anh Mỹ nào gọi vợ là “my house” hoặc anh Tây nào dùng từ “ma maison” để chỉ bà vợ của họ. Họ có thể nhướng mắt hỏi lại: “How many houses do you have?”. Nếu hỏi ông nhà văn Văn Quang thì sẽ biết tài xây nhà của ổng. Ông nhà văn Hoàng Hải Thủy đã bật mí như sau: “Văn Quang là Trung Tá Giám đốc Đài Phát Thanh Quân Đội cho đến ngày tan hàng. Anh nhan sắc không hơn gì anh em chúng tôi bao nhiêu, nếu có gì hơn thì chỉ là anh hơn chúng tôi cái mác carihom Oméga bộ xương cứu chúa. Nhưng anh có cái số đào huê dễ nể. Anh có đến năm bà vợ – những bà cùng đương sự ăn ở công khai, chính thức vợ chồng với nhau, dù không cưới hỏi, không đãi ăn nhà hàng, trong thời gian dài ngắn không đều là một hai niên, ba bốn niên, tức là không kể những nhân tình, nhân bánh lâu lâu sáp lại nhấp nháy, tan hàng. Bà vợ nào của anh cũng nhan sắc trên mức trung bình”.

Hình như “bà xã” không phải là một từ dùng để xưng hô mà là một danh xưng để nói về người thứ ba. Ít người gọi người đầu ấp tay gối bằng “bà xã”. Ít nhưng không phải là không có. Tại Việt Nam, giới trẻ có hiện tượng gọi bạn gái hay bạn học là “bà xã” và ngược lại là “ông xã”. Có lẽ chuyện này rất phổ biến đến nỗi bước vào niên khóa 2024-2025, trường Trung học cơ sở Trực Thuận tại Nam Định đã phải đưa ra một quy tắc ứng xử áp dụng cho học sinh trong đó có ghi “không gọi nhau bằng những từ chỉ quan hệ vợ chồng như con vợ, thằng chồng, ông xã, bà xã”. Chuyện các học sinh cặp đôi, sinh hoạt như vợ chồng tại các nhà nghỉ tại Việt Nam ngày nay không phải là chuyện cá biệt.

Thông thường vợ chồng trong các gia đình Việt gọi nhau bằng anh–em. Cách xưng hô này coi bộ thân thiết, ngọt ngào, yên ấm, tình tứ. Tình hơn một chút, vợ chồng gọi nhau là “mình”. Nghe như gắn bó, da diết, liền thịt liền da. Trên tờ bán nguyệt san Phổ Thông trước đây tại Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Vỹ có mục thường xuyên “Mình Ơi!”. Nhạc sĩ Diệu Hương cũng có bản nhạc “Mình ơi”. “Đôi chim là chim ríu rít trên cành / Em yêu là yêu tiếng gọi của Mình là Mình, Mình Ơi!”. Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ bài hát nghêu ngao từ hồi còn nhỏ lít nhít: “Mình ơi có đi Bờ Hồ / Cùng ta chén kem kẹo dừa / Xin mình đừng từ chối / Trong túi tôi có mười đồng xanh / Mình cứ đi mình nhé / Cô mình ao ước cái chi / Nhẫn vàng, giầy nhung, bít tất / Phin, ô đầm, giầy cườm”. Trong cuốn Hồi Ký của Phạm Duy, ông cũng nhắc tới bài ca này: “Thời đó, như tôi đã nói, trẻ thơ Việt Nam sống ở Hà Nội không có nhiều bài hát như các nhi đồng trong những thập niên sau này. Chúng tôi chỉ có dăm ba câu ca lếu láo như: “Tôi chờ cô tối qua / Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra”. Hay là: “Mình ơi có đi bờ hồ / Cùng tôi chén kem kẹo dừa”. Thời thơ ấu của thế hệ tôi, đi Bờ Hồ có cái thú ăn kem Mụ Béo. Chắc còn nhiều thú khác ở Bờ Hồ nhưng chúng tôi còn nhỏ quá nên không biết tới. Nói để các độc giả không biết Hà nội tỏ tường: Bờ Hồ đây là chỉ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, con tim của thành phố.

Vợ chồng còn xưng hô với nhau bằng biệt danh họ đặt cho nhau. Gọi kiểu này có cái thú vị của sự riêng tư, “chỉ hai chúng mình thôi nhé / đừng cho hoa lắng tai nghe”. Khi có con, vợ chồng có thể xưng hô: ba thằng Tèo, má con Tũn, để tự hào là cuộc hôn nhân đã sanh trái rõ rành rành. Túi khôn của các cụ dạy vợ chồng xưng hô với nhau cho tương kính, nhất là khi đã có con cái. Không nên gọi nhau là “mày tao” chẳng hạn.  Tôi có quen một cặp vợ chồng xưng hô với nhau là “mày–tao”. Hồi nhỏ hai người là bạn lối xóm, chơi với đám bạn trai gái khi chuyện giới tính chưa là chuyện bọn trẻ để ý tới. Không biết có tắm truồng cả lũ không. Cứ mày-tao tuốt tuột. Lớn lên, hai đứa yêu nhau, nên vợ nên chồng. Quen miệng từ nhỏ nên vợ chồng cứ mày-tao thoải mái. Tới khi con cái lớn bộn lập gia đình, có dâu có rể, có sui gia, hai vợ chồng vẫn chứng nào tật đó. Tới lúc con cái thấy chướng quá mới yêu cầu hai người không được mày-tao. Họ phải nghe lời con cái. Không biết có khi nào lỡ miệng lại không. Bữa nào gặp mặt chắc tôi phải hỏi hai nhân vật lớn xác nhưng vẫn nhỏ hồn này coi!

Tại sao ông chồng chẳng xã xiếc chi mà bà vợ lại được gọi là bà xã, chuyện có nguyên do cả. Xã là đơn vị hành chánh thấp nhất được cai quản bởi một ông xã trưởng. Làng xã ngày xưa, tuy nhỏ bé nhưng oai quyền chẳng thua ai. Phép vua thua lệ làng! Vua oai phong lẫm liệt như vậy vẫn bị cho đi chỗ khác chơi cho xã ta làm việc. Vậy xã là oai số một trong làng. Tới thời tôi vẫn còn nghe các cụ be bờ làng xã khi thấy một con dân trong làng lấy chồng lấy vợ ngoài làng bị dè bỉu là “lấy người thiên hạ”. Bò đồng nào ăn cỏ đồng đó, léng phéng ra ngoài biên giới làng là dân mất gốc. Ông xã trưởng là nhân vật quan trọng nhất làng nên các bà vợ tôn chồng mình lên gọi là “ông xã”. Vợ ông xã mặc nhiên được dân gọi là “bà xã”. Các bà xã dĩ nhiên rất tự hào khi được gọi như vậy. Dân chúng cũng thấy khoái nên các bà chẳng có chồng xã xiếc chi cũng gọi chồng là ông xã cho oai. Chồng là ông xã thì vợ là bà xã. Khi mọi người đều là ông xã bà xã hết, cách gọi này biến thành từ thân mật làm đậm thêm tình chồng vợ.

Ông xã, bà xã để chỉ chồng hay vợ là lối nói của người miền Bắc, sau này mới du nhập vào miền Nam, có lẽ từ cuộc di cư năm 1954. Nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng, người nam rặt, quê ở tận Cà Mau, coi bộ bị lậm từ “bà xã” nên dùng miết. “Hồi đầu mùa xuân bà xã đặt mua bên Việt Nam mấy chiếc áo dài để dành mặc đi chùa. Chợt bị dịch Vũ Hán, chùa đóng cửa, lễ Phật Đản chùa không có tổ chức nên hổng có dịp mặc. Hy vọng tới Vu Lan hết dịch, nhưng mới đây có thông báo Vu Lan năm nay chùa cũng hổng tổ chức, làm bà xã cụt hứng. Hôm ấy trời nắng đẹp bà xã soạn áo dài ra bận thử, không ngờ mấy tháng bị dịch, nằm nhà ăn ngủ riết rồi mập ra hồi nào không hay, nên bận áo dài bị chật.”

Danh xưng “Bà xã” bi chừ nhộn nhịp trong thơ văn. Ông nhà thơ Quan Dương, người Ninh Hòa, người rất hào hùng tự nhận nịnh vợ nhất trần gian, có mấy câu thơ nịnh:

Tạ ơn bà xã rất cừ
Gặp ta không chút ngần ngừ trao thân
Tay em nắm chiếc đũa thần
Biến ta thành gã tiểu đồng đi theo

Nhà thơ Hồ Chí Bửu, dân Tây Ninh, cũng ăn thua với ông Quan Dương, nịnh “bà xã” như ai.

Cảm ơn em – cảm ơn bà xã
Đẹp não nùng như mới hai mươi
Cứ e thẹn như còn xa lạ
Làm ta nhìn muốn nổ con ngươi.

Ông nhà thơ Luân Hoán, người xứ Quảng, có bà vợ nấu mì Quảng rất tới. Tôi đã có dịp được cho ăn (hình như lâu lắm rồi!). Tới chừ vẫn chưa thấy…tái bản.

mì Quảng bà xã Lý
ăn nhức lưỡi nhức răng
ngỡ như nuốt ánh trăng
vàng ửng lá tre biếc
ăn hoài không thấy quen
mỗi bận mỗi lần tuyệt

Ông này viết gọn “bà xã Lý” tưởng ngày xưa ông vừa làm anh xã vừa làm cụ Lý. Nhưng không phải. Lý là tên cúng cơm của bà Luân Hoán. Nhưng chuyện này cũng làm tôi chợt nhớ tới hai “ngài” Lý Toét Xã Xệ trên báo chí Hà Nội ngày xưa. Sự xuất hiện của hai nhân vật mang tính cách hài hước này làm “ông xã bà xã”, ngoài tính cách thân mật, còn mang thêm sắc thái bỡn cợt.

Nhân vật Lý Toét, một anh nhà quê ra tỉnh, là con đẻ của họa sĩ Đông Sơn, tức nhà văn Nhất Linh, ra đời trên báo Phong Hóa vào đầu thập niên 1930. Cho tới thời thơ ấu của thế hệ chúng tôi, cuối thập niên 1940, hai nhân vật Lý Toét Xã Xệ vẫn còn xuất hiện nhiều trên các mặt báo. Chuyện xuất hiện như đùa của hai nhân vật này đã có ảnh hưởng lớn tới nếp sống xã hội thời đó.

Thoạt đầu chỉ có hình vẽ rất tếu một anh nhà quê ra tỉnh mà chưa có tên. Nhất Linh vẽ chơi chơi hình một anh nhà quê rồi vứt vào ngăn kéo, chẳng biết có dùng vào việc chi được không. Bà chủ nhiệm báo Phụ Nữ Thời Đàm vô tình thấy và đưa tấm hình này ra ánh sáng. Trong bài “Đi Tìm Gốc Gác Lý Toét, Xã Xệ”, tác giả Phạm Thảo Nguyên viết: “Trên bức hình đó Lý Toét trẻ hơn sau này nhiều, đã được mặc áo dài khăn đóng, như mọi cụ già thời đó. Lại có đủ cả râu ria, búi tóc, cụ xách thêm đôi dép da gia định và cắp cái ô đen: Cá tính được định hình. Cụ thường xách dép lên, đi đất, vì ngại chóng hỏng đôi dép cũ. Cái ô cũng ít khi mở ra, cụ để dành đánh chó và đeo lên vai cho oai. Nhưng chúng cũng làm khổ cụ, vì cứ bị tụi trộm nhỏ nhít đặt vào tầm ngắm, quấy phá luôn luôn. Nào dép, nào ô, nào khăn cứ bị trộm rình!”.

Phải hai năm sau, trên báo Phong Hóa số 14, ra ngày 2/9/1932, mới cho đi bức hình ông cụ nhà quê ra tình này, khi đó vẫn chưa có tên. Người đặt cho nhân vật này cái tên “Lý Toét” chính là Tú Mỡ, một nhà thơ trào phúng nổi danh thời đó. Nhân vật Lý Toét rất ăn khách nhưng có vẻ cô độc. Vậy là trên báo Phong Hóa số 89, ra ngày 16/3/1934, nhân vật Xã Xệ ra đời. Người tạo ra Xã Xệ không phải là Đông Sơn Nhất Linh, mà là hoạ sĩ Bút Sơn, người Sài Gòn gửi ra cho báo Phong Hóa ngoài Hà Nội. Xã Xệ béo ịt, thấp lè tè, đầu trọc lông lốc, còn độc một sợi tóc quăn xoắn ốc trên đỉnh đầu. Hình dáng hoàn toàn đối chọi với Lý Toét.

Lý Toét: Thế này là nhất cử lưỡng tiện.
Cân một lần hai đứa rồi chia hai ra thì cũng được chứ lị!

Nhất Linh và báo Phong Hóa không biết Bút Sơn là ai. Cho tới khi Nhất Linh mất, cuốn di cảo “Đời Làm Báo” của ông được xuất bản, trong đó vẫn còn tin nhắn như sau: “Bút Sơn ở Sài Gòn (người đẻ ra Xã Xệ) tên thật chưa biết. Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hoặc các bạn, cho biết tên thật”. Tác giả Phạm Thảo Nguyên tiết lộ như sau: “Hiện nay chúng tôi được biết tên thật họa sĩ Bút Sơn là Lê Minh Đức. “Theo nhà báo nhà thơ trào phúng Tú Kềnh viết trên Báo Bình Minh Xuân Mậu Thân 1968 xuất bản ở Saigon thì: Vào năm 1936 báo Phong Hóa, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, ở Hà Nội, có tổ chức cuộc thi vẽ tranh hài hước, họa sĩ chuyên vẽ tranh hài hước Bút Sơn Lê Minh Ðức ở Sài Gòn vẽ một bức tranh gửi ra Bắc dự thi”

Báo Phong Hóa.

Cặp bài trùng Lý Toét – Xã Xệ từ đó làm mưa làm gió trên hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay. Trong cái khôi hài, kệch cỡm của hai nhân vật này nhóm Tự Lực Văn Đoàn còn gài vào tinh thần yêu nước trong thời đất nước đang oằn oại dưới chế độ thực dân bảo hộ. Tác giả Phạm Thảo Nguyên luận như sau: “Trong những bức tranh nhỏ Lý Xã, các ý tưởng được đào sâu dần, nói lên được nhiều điều muốn nói. Người đọc ngày một thấm thía về thân phận người dân nhược tiểu mất nước, khi đa số dân chúng còn chưa được giáo dục, vô kỷ luật, hay sợ hãi, mê tín, và cam chịu tủi nhục dưới ách nô lệ của Pháp. Những bức tranh hý họa nhẹ nhàng hóm hỉnh đó phơi bầy dần dần những thói hư tật xấu của dân ta. Có người cho rằng báo Phong Hóa Ngày Nay đã bôi xấu người nhà quê! Không! ta phải hiểu rằng nếu dân ta còn nghèo đói, vô học, sống khổ sở như thế, chịu bao nhiêu bóc lột đè nén như thế, thì lẽ dĩ nhiên hủ lậu mê tín phải sinh ra tham lam, ích kỷ, …Nhưng tới đó thì chúng ta phải tự hỏi: “Phải làm gì đây?”. Đó là chủ ý của Tự Lực Văn Đoàn: dùng văn chương, báo chí để vận động cải tạo xã hội”.

Thời của biếm họa Lý Toét – Xã Xệ qua đi nhưng đó có lẽ là khởi đầu của một loạt tranh biếm họa với những nhân vật điển hình sau này. Đó là những Vá – Vếu, Cậu Ấm – Cô Chiêu trước năm 1945, những Tám Sạc Ne, Bé Ngôn – Bé Luận trên báo chí Sài Gòn sau này.

Thế hệ tôi chắc nhiều người còn thuộc bài hát “Lý Toét – Xã Xệ”, bài hát mà cho tới tận bây giờ, đầu bạc răng long, vẫn chưa nhòa đi mỗi khi hân hoan nhớ lại thời nhỏ nhít xưa, thời bất diệt của một đời người.

Ông Lý Toét mà cắp cái ô
Đi ra phố gặp lúc mưa to
Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ
Tay thì vời vời miệng thét bô bô;
– Này bác Lý, thủng nhĩ hay sao?
Gọi như thế mà chẳng coi sao
Giá có cút rượu thì đến chơi liền
Đi nhờ một tí mặt cứ vênh vênh!
– Này bác Xã thật rõ lôi thôi
Còn non nước còn bác với tôi,
Ô tôi năng cụp mà bất năng xòe
Năng dựa đầu hè mà bất năng che!

Ngẫm lại thấy có một chi tiết vui vui. Xã Xệ là nhân vật của miền Nam, con đẻ của họa sĩ Bút Sơn ở Sài Gòn, sống cặp kè với Lý Toét ở ngoài Bắc bao nhiêu năm trời. Vậy mà “bà Xã” phải chờ tới năm 1954, khi người Bắc di cư mới mang lại trả cho miền Nam để các ông Hồ Chí Bửu, Quan Dương, Luân Hoán, Nguyễn Lê Hồng Hưng, rặt Trung kỳ và Nam kỳ, dùng trong thơ văn. Kể cũng vất vả, vất vả như biển dâu mà dân ta trải qua chỉ trong ít chục năm, một cái chớp mắt của lịch sử.

Song Thao
04/2025
Website: www.songthao.com