Phạm Đình Bá: Chuyện mafia Nga ở Khánh Hòa

Hình minh họa: AI generated

Sự tham gia của dân vào việc chung là một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện điều kiện sống tại các nước thu nhập thấp. Sự tham gia này không chỉ giúp trao quyền cho cộng đồng mà còn tạo ra cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình, từ đó nâng cao hiệu quả của các chương trình phúc lợi xã hội.

Cuối tháng 5/2025, anh LT từ Khánh Hòa đã liên lạc với các “báo” bên ngoài như BBC, RFA, Thời Báo và các báo khác về nhiều studio webcam có dấu hiệu hoạt động tại các căn hộ ở Nha Trang, sử dụng các phụ nữ Nga và Kazakhstan để phát sóng trên các trang web như Chaturbate và Stripchat. Theo anh LT, các studio này hoạt động công khai, nhưng công an có vẻ không chịu vào cuộc, “thậm chí khi tôi đã trình bày bằng chứng cụ thể, họ vẫn tỏ ra không quan tâm”. Anh mong các báo đưa tin mạnh mẽ về vấn đề này.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, các băng đảng tội phạm Nga đã mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu, trong đó Châu Á trở thành “sân chơi” chiến lược nhờ hệ thống tài chính phức tạp, biên giới lỏng lẻo và sự tồn tại của các thể chế tham nhũng. Tại các đô thị lớn như Bangkok, Singapore, Vladivostok hay Sài gòn, họ xây dựng mạng lưới tinh vi kết hợp giữa bạo lực giang hồ và công nghệ hiện đại, tạo ra những dòng chảy tài chính bất hợp pháp lớn.

Sự trỗi dậy của Bratva (tên gọi chung các băng nhóm Nga) tại Châu Á gắn liền với ba yếu tố: khủng hoảng kinh tế hậu Xô Viết buộc tội phạm tìm kiếm thị trường mới; vị trí địa-chiến lược của Châu Á trong giao thương toàn cầu; và sự tồn tại của các “vùng xám” pháp lý. Theo báo cáo của Freedom House, từ những năm 1990, các nhóm Nga đã thiết lập quan hệ với các băng nhóm Triads Trung Quốc, Yakuza Nhật Bản qua các hoạt động buôn lậu vũ khí, ma túy. 

Ví dụ điển hình là liên minh giữa Tambovskaya Bratva (Nga) và Yamaguchi-gumi (Nhật) trong thập niên 90, sử dụng cảng Vladivostok làm trung tâm vận chuyển heroin từ Afghanistan sang Nhật qua ngả Triều Tiên .

Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Campuchia trở thành điểm đến ưa thích cho mafia Nga nhờ hệ thống casino và du lịch sôi động. Vụ bắt giữ Alexander Matusov – trùm mafia Nga – tại Pattaya năm 2014 cho thấy xu hướng hoạt động xuyên biên giới này. Ông trùm sống bằng visa hưu trí giả, điều hành đường dây tống tiền qua mạng lưới nhà hàng và khách sạn. Tương tự, tại Singapore, ông trùm Zkert M. Rushdi bị bắt năm 2019 đã lập 4 công ty “ma” để rửa 600,000 đô Mỹ từ hoạt động lừa đảo trực tuyến, lợi dụng chính sách mở cửa tài chính của nước này.

Các băng nhóm Nga thường nhắm vào cộng đồng người nước ngoài, đặc biệt là đồng hương. Tại Koh Phangan (Thái Lan), ông trùm Vladislav Klenov bị bắt tháng 3/2025 đã đe dọa những du khách trá hình người Nga làm vận chuyển ma túy, yêu cầu họ trả 17% doanh thu từ kinh doanh ma túy để được “bảo vệ”. Ở Phuket, nhóm 5 người Nga bị cáo buộc bắt cóc một cặp vợ chồng Belarus, ép họ chuyển 31 triệu baht qua tiền mã hóa bằng vũ lực.

Mô hình hoạt động này phản ánh chiến thuật “vừa đe dọa, vừa dụ dỗ”: họ cung cấp dịch vụ bảo vệ thực tế như giải quyết tranh chấp thuê nhà và xử lý đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng thời khống chế nạn nhân bằng hồ sơ pháp lý giả mạo hoặc video nhạy cảm.

Theo “Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc” (UNODC – “United Nations Office on Drugs and Crime”), các băng nhóm Nga tận dụng sự bùng nổ của công nghệ tài chính fintech tại Châu Á để che giấu dòng tiền thu nhập từ hoạt động tội phạm. Công nghệ blockchain và tiền mã hóa trở thành công cụ đắc lực trong hoạt động của các băng nhóm Nga. 

Đặc biệt các băng nhóm nầy dùng một thị trường trực tuyến cung cấp hàng hóa và dịch vụ có tên là nền tảng Huione Guarantee – sau đổi tên thành Haowang Guarantee – để xử lý tiền mã hóa từ các hoạt động tội phạm. Theo các báo cáo điều tra quốc tế (OCCRP, Nikkei Asia, Reuters), nền tảng này được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch liên quan đến cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, và các hoạt động bất hợp pháp tại Campuchia, đặc biệt là trong khu vực Sihanoukville.

Khác với mafia truyền thống, các băng nhóm Nga tại Châu Á không tìm cách thống trị lãnh thổ mà tập trung vào vai trò trung gian. Họ hợp tác với Yakuza trong buôn bán vũ khí (Nga cung cấp súng AK-47 từ kho dự trữ Xô Viết, đổi lấy methamphetamine từ Nhật), hoặc với Triads trong buôn lậu gỗ và hải sản từ vùng Viễn Đông.

Để hòa nhập, các băng nhóm Nga đầu tư vào các ngành được xã hội chấp nhận như nhà hàng, spa, trung tâm thể thao. Tại Vladivostok, các casino do Triads kiểm soát trở thành nơi gặp gỡ giữa doanh nhân Nga – Trung – Hàn, nơi tiền bẩn được “làm sạch” qua trò chơi bài và chuyển khoản ngân hàng.

Tại Việt Nam, hoạt động của mafia Nga mang đặc điểm lai tạo giữa mô hình Châu Á và Đông Âu. Họ tận dụng lịch sử hợp tác dầu khí Nga-Việt từ thập niên 1980 để thiết lập vỏ bọc công ty liên doanh. Năm 2022, Công ty TNHH Liên doanh Nga-Việt (RVJSC) đã đầu tư 87 triệu đô Mỹ vào nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, nhưng 74% vốn thực chất đến từ buôn lậu ma túy qua Lào. Tiền bẩn được hợp pháp hóa qua 3 bước, bao gồm chuyển tiền mặt qua casino Campuchia, mua trái phiếu chính phủ thông qua các công ty đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, và sau đó rút vốn dưới dạng lợi nhuận đầu tư.

Theo “Dự án Báo cáo Tội phạm Có tổ chức và Tham nhũng” (OCCRP – “Organized Crime and Corruption Reporting Project”), Sài Gòn và Vũng Tàu trở thành hai trung tâm chính nhờ cộng đồng người Nga đông đúc. 

Từ nhiều năm nay, cộng đồng người Nga tại Việt Nam – đặc biệt là ở Sài Gòn, Vũng Tàu – vẫn thì thầm về sự hiện diện của những “ông trùm” Nga, những người kiểm soát ngầm cả một thế giới tội phạm mà ít ai ngoài cuộc có thể hình dung hết được. Họ không chỉ đơn thuần là những tay bảo kê thu tiền của đồng hương muốn mở quán bar, nhà hàng, hay đầu tư vào ngành dầu khí. Họ còn là những kẻ thao túng cả mạng lưới mại dâm, rửa tiền, và thậm chí là tổ chức ám sát xuyên quốc gia.

Bertil Lintner là một nhà báo người Thụy Điển đã viết về châu Á trong gần bốn thập kỷ. Năm 1996 tại quán bar Le Pub ở phố Bùi Viện, khói thuốc cuộn quanh giọng nói trầm đục của Valerian – tay trùm người Nga vừa kể cho Bertil nghe về “nghề” thu tiền bảo kê: “Mỗi tháng, đồng hương của tôi đóng góp ít nhất 2 triệu USD chỉ để được yên ổn làm ăn. Việt Nam là thiên đường cuối cùng ở Viễn Đông nơi người Nga còn giữ thế lực.

Khi Bertil hỏi về những vụ “xử lý” đối thủ, Valerian chỉ mỉm cười, nhấp một ngụm vodka, rồi nhẹ nhàng giải thích: “Chúng tôi không muốn phá vỡ những thỏa thuận ở đây. Mọi thứ phải sạch sẽ, vì chúng tôi có mối quan hệ tốt với công an. Nếu cần loại bỏ ai, chúng tôi chỉ đợi họ về lại Nga. Thậm chí, nếu cần, chúng tôi còn có thể nhờ chính quyền Việt Nam trục xuất những kẻ không mong muốn.” 

Valerian kể rằng, ở Nga, giá của một mạng người không đắt – chỉ cần 200, 400, hoặc 600 đô la là có thể thuê người thủ tiêu một người bình thường. Còn nếu là một giám đốc ngân hàng, giá sẽ cao hơn, có thể lên tới 20.000 đô la. “Không có gì là không thể ở Nga cả,” Valerian nói, giọng trầm xuống, “và đó là lý do tôi không muốn quay về. Ở đó, tôi sẽ bị giết ngay lập tức bởi những kẻ từng là đồng minh nay đã thành kẻ thù. Cậu không thể tưởng tượng nổi nước Nga bây giờ nguy hiểm thế nào đâu. Ở Moskva, mỗi ngày có ít nhất 20 người bị giết.

Câu chuyện của Valerian không chỉ dừng lại ở những vụ thanh toán đẫm máu. Khi đêm khuya dần buông, những chai vodka trên bàn cũng vơi đi, hai người đàn ông Úc – trông như công nhân dầu khí với hình xăm kín tay – bước vào quán. Ông chủ quán, một người Nga khác, nhận ra họ ngay lập tức, gọi lớn: “Rudy!” và vỗ vai thân mật. Nhưng tiếng Anh của ông chủ còn hạn chế, nên Valerian phải đứng ra phiên dịch. Bertil nghe loáng thoáng cụm từ “gái trắng” và tên một khách sạn trong thành phố, nơi hai người Úc được chỉ dẫn đến chờ đợi. 

Trong bóng tối của các khách sạn nhỏ ở Sài Gòn, những người phụ nữ Nga ấy vừa là công cụ kiếm tiền, vừa là nguồn thông tin quý giá cho các băng nhóm. Họ tiếp cận các doanh nhân, quan chức, rồi âm thầm ghi lại những bí mật có thể dùng để tống tiền hoặc mặc cả khi cần thiết.

Thế giới ngầm của mafia Nga ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở bảo kê hay mại dâm. Họ còn rửa tiền qua các dự án bất động sản, nhà máy nhiệt điện, hoặc thậm chí là các công ty liên doanh với vốn đầu tư hàng chục triệu đô la. Tiền bẩn được chuyển qua casino ở Campuchia, rồi quay lại Việt Nam dưới vỏ bọc đầu tư hợp pháp. Đôi khi, các nhân viên ngân hàng, công chứng viên cũng bị mua chuộc để hợp thức hóa giấy tờ giả, mở đường cho các khoản vay ảo trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Tháng 4/2024, nhà nước bắt giữ Vladimir Verevkin cùng các đồng phạm Đỗ Minh Hải và Trần Đình Chiến. Verevkin đã tổ chức một đế chế cho vay nặng lãi bất hợp pháp quy mô lớn, với việc giải ngân 3,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 180 triệu USD) cho vay.

Từ trái sang phải: Đỗ Minh Hải và Trần Đình Chiến, Vladimir Verevkin. Ảnh: Bộ Công An, Công An TP.HCM

Không chỉ đơn thuần là cho vay nặng lãi, nhóm của Verevkin đã sử dụng kỹ thuật tài chính phức tạp. Họ ký kết các hợp đồng tư vấn và thế chấp tài sản có vẻ hợp pháp, được cấu trúc khéo léo để che giấu chi phí thực sự của khoản vay. Bằng cách chia nhỏ lãi suất để tuân thủ các giới hạn pháp lý trong khi cài cắm các khoản phí bổ sung cắt cổ, họ đã áp dụng lãi suất thực tế lên tới 100% mỗi năm.

Mức độ tinh vi trong cách hoạt động của nhóm Verevkin cho thấy nhóm nầy có thể có được sự hỗ trợ của các chuyên gia để khai thác các quy định tài chính, có thể nhờ tham vấn pháp lý địa phương hoặc thông tin nội bộ với sự hỗ trợ của cán bộ trong các ngành liên hệ.

Trong mắt nhiều người, mafia Nga tại Việt Nam giống như những bóng ma: không ai nhìn thấy rõ, nhưng ai cũng cảm nhận được sức mạnh và sự nguy hiểm của họ. Họ tồn tại nhờ vào những kẽ hở pháp lý, sự thông đồng của công an và cán bộ, và cả sự sợ hãi của cộng đồng người Nga xa xứ. 

Để thay đổi thực trạng này, có lẽ Việt Nam không những cần nhiều chiến dịch truy quét, mà còn phải cải cách tận gốc hệ thống pháp luật, ngân hàng, và nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ của tội phạm xuyên quốc gia.

Quay trở lại chuyện anh LT đã kể ở phần đầu bài viết này, tôi mặc dù tò mò nhưng vì xa quá, tôi không có cách nào để xác minh tính xác thực của chuyện anh kể. Với những gì tôi đã tìm và chia xẻ với bạn đọc ở đây, tôi nghĩ có thể anh LT đã “nói sự thật với quyền lực“, mặc dù chắc anh đã cân nhắc những hệ lụy cho chính mình. Tôi viết bài nầy như là một cách để cám ơn anh và nếu được, xin đồng hành với chuyện anh làm. 

Toronto, 24/05/2025

Phạm Đình Bá