Ngô Nhân Dụng: Những con chuột lớn nhất nằm trong lọ
Khi các nước cộng sản cho tư nhân được làm ăn, đổi mới kinh tế nhưng vẫn giữ chế độ độc tài, người ta thường báo động sẽ diễn ra cảnh “tư bản hoang dã.” Nhưng “Tư bản hoang dã” vào thế kỷ 19 ở Âu Mỹ cũng không “rừng rú” bằng xã hội Việt Nam bây giờ.
Thí dụ chuyện ngân hàng. Các ngân hàng ở Anh, Hòa Lan, Mỹ đã đặt ra các luật lệ từ thế kỷ 16, 17. Họ đặt ra luật lệ, ai cũng phải tuân hành. Vì đó là cách tốt nhất để làm ăn, kiếm tiền. Họ biết nếu bỏ qua các luật lệ này thì cuối cùng chính họ bị thiệt hại. Vì nếu không tin tưởng, chẳng ai thèm gửi tiền nữa. Muốn được công chúng tín nhiệm hơn, họ yêu cầu có người ngoài đóng vai kiểm soát. Chính phủ lập ra các cơ quan giám sát để bảo vệ dân chúng nhưng cũng bảo vệ uy tín các ngân hàng. Sống trong luật lệ minh bạch như vậy thì không thể gọi họ là “rừng rú.”
Ngân hàng ở Việt Nam bây giờ mới thật là “rừng rú.” Đó là một chế độ hỗn tạp, pha trộn “cộng sản/tư bản rừng rú.”
Chỉ cần tưởng tượng có một nước nào trên trái đất bây giờ mà ngân hàng chở tiền đến nhà thân chủ bằng các “hộp xốp trắng” (styrofoam) mà các chợ cá vẫn dùng để chở tôm, cua, sò hến hay không? Các nước Zambia, Uganda họ cũng biết thanh toán tiền với nhau qua các mạng điện tử; khi cần chuyển tiền mặt giữa các cái két ở xa nhau thì họ dùng xe bọc sắt, có bảo vệ.
Chỉ ở nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa mới thấy cảnh bà chủ Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB) sai một ông tài xế chở ba cái “thùng fôm” (foam) đựng $5 triệu mỹ kim tiền mặt, đến giao tận nhà bà Đỗ Thị Nhàn, người đứng đầu ban Thanh Tra khu II của Ngân hàng Nhà nước. Một người nổi tiếng khác đã chuyển tiền qua thùng fôm trắng là ông Phan Văn Anh Vũ, đứng đầu công ty xây dựng Bắc Nam 79. Có lần ông đã đem biếu ông Nguyễn Duy Linh, một phó giám đốc của bộ Công An, ba cái thùng foam đựng $4 triệu đô la tiền mặt. Mấy tên người trên đây dẫn từ báo South China Morning Post ngày 3 tháng 12 năm 2023.
Một nhân vật tiêu biểu cho xã hội “vỏ cộng sản ruột tư bản rừng rú” là bà Trương Mỹ Lan, đã bị bắt hồi tháng Mười năm ngoái.
Cuối năm 2011, có ba ngân hàng tư ở Việt Nam phá sản, bà Trương Mỹ Lan đã mua cả ba, gom lại thành Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB). Bà có chồng là tỉ phú Chu Lập Cơ ở Hồng Kông, dư tiền mua 91.5 phần trăm tiền vốn nhưng không ra mặt, để cho 27 người hoặc tổ chức khác đứng tên. Trong một xã hội có pháp luật thì chuyện “đứng tên giả” này sẽ bị truy tố tội hình sự.
Bà Trương Mỹ Lan lập thêm Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, làm địa chỉ nhận tiền rút từ ngân hàng SCB ra. Nhưng Vạn Thịnh Phát cũng không đứng tên vay tiền; có khoảng 50 “công ty ma” lập hồ sơ vay SCB. Trong 10 năm từ 2012 đến 2022, đã có 2,527 vụ vay nợ, tổng cộng hơn “một triệu tỷ đồng Việt Nam,” báo Tuổi Trẻ thuật lại theo công an điều tra. Bà Lan đã ra lệnh SCB chấp thuận 3,680 hồ sơ vay tiền cho 304 thân chủ “ma.” Báo Tuổi Trẻ cho biết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bao gồm hàng ngàn doanh nghiệp lớn, nhỏ, tại Việt Nam và trên thế giới, cho nên có thể dính vào các vụ “rửa tiền” quốc tế. South China Morning Post cũng ước tính có hơn 1,000 cơ sở được lập ra, phần lớn chỉ có tên để đứng ra “vay khống” của ngân hàng SCB.
Theo SCMP thì Trương Mỹ Lan đã biển thủ của ngân hàng SCB $12.53 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 3.2% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Việt Nam trong một năm. Báo Tuổi Trẻ ngày 22 tháng 11, 2023 thì tính tổng số tiền SCB bị bà Lan chiếm đoạt lớn bằng 6% GDP cả nước. Năm ngoái, khi nghe tin Trương Mỹ Lan bị bắt, các trương chủ đã kéo nhau đến rút tiền từ ngân hàng SCB. Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra bảo đảm để tránh cảnh hỗn loạn.
Một điều đáng ngạc nhiên là nước Việt Nam có một Ngân Hàng Trung Ương, có trách nhiệm giám sát, nhưng Trương Mỹ Lan vẫn tung hoành thi thố võ công rút tiền như các nữ tài tử biết bay trong phim Hồng Kông; không ai đụng tới, trong suốt 10 năm. Bao nhiêu cán bộ lớn nhỏ có trách nhiệm kiểm tra hệ thống ngân hàng, 24 người phụ trách giám sát SCB, đều mờ mắt ngay từ đầu, khi SCB ra đời.
Ba ngân hàng phá sản vào năm 2011 đều đã phạm lỗi cho vay rồi không đòi được nợ; chỉ một nhóm thân chủ vay hầu hết các món nợ lớn, lấy tiền xây dựng nhà cửa; cả ba ngân hàng đều bị thân chủ kéo đến rút tiền; và cả ba đều do Trương Mỹ Lan điều khiển, người khác đứng tên. Các thanh tra Ngân hàng Nhà nước vẫn chấp thuận Trương Mỹ Lan gom cả ba lại thành một SCB, cũng cho người khác đứng tên! Trước sau 12 năm, cùng một ngân hàng, cùng một người chủ, cùng sử dụng các thủ đoạn chủ giả và “vay khống,” với những số tiền lớn hơn. Nhưng các vị thanh tra không động đậy! Trong thời gian đó, nhờ hàng ngàn công ty và cá nhân ma đứng ra “vay khống” mấy ngàn hồ sơ nợ, Trương Mỹ Lan đã làm chủ 156 bất động sản, với những tòa nhà tráng lệ nhất trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn.
Các thủ đoạn rút ruột SCB đã được nghe trong dư luận từ năm năm trước mà Trương Mỹ Lan vẫn bình chân; đến cuối năm ngoái mới bị truy tố tội hối lộ 23 thanh tra ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước khoảng $5.2 triệu mỹ kim. Suốt thời gian trước không ai đụng tới Trương Mỹ Lan vì sợ “rút dây động rừng.” Các sợi dây kết mạng khắp guồng máy đảng và nhà nước.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã hô hào “bắt chuột,” chống tham nhũng, đã cất chức, truy tố nhiều người. Nhưng cũng giống như chiến dịch đả hổ của Tập Cận Bình bên Trung Quốc, nay bắt một người, mai cách chức người khác, nhưng không được suy yếu cho đảng.
Chính Nguyễn Phú Trọng đã thú nhận, rất muốn “đánh chuột” nhưng không thể làm bể cái lọ quý! Những con chuột khôn ngoan biết leo lên cái lọ quý ngồi thì không ai dám đánh! Những con chuột khôn nhất, lớn nhất, vào làm tổ ngay trong cái lọ quý là ăn chắc! Đảng Cộng sản là cái lọ quý cho những con chuột tham nhũng lập chiến khu.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không bao giờ diệt được tham nhũng; vì các chế độ độc tài đều nuôi tham nhũng và được tham nhũng bảo vệ. Ông Bálint Magyar, nhà bình luận Hungary đã gọi chế độ cộng sản là một “Nhà nước Mafia” (Mafia state). Đó là một tổ chức “Thâu Hụi Chết,” bắt toàn dân đóng góp cho một nhóm người. Họ thâu hụi chết mỗi ngày, bằng cơ chế, luật lệ, cấm tự do báo chí, cấm tự do hội họp. Họ không cần dùng đến những cái thùng styrofoam!
Tờ báo South China Morning Post tỏ ý thương mấy cái thùng styrofoam trong trắng vô tội, bị “mang tiếng xấu” oan vì dính vào các vụ tham nhũng, hối lộ “cấp cao” ở Việt Nam.
Những cái thùng fôm đựng rau, trái cây tại kho các siêu thị trở thành một biểu tượng của một chế độ “ngoài vỏ là cộng sản, trong ruột là tư bản rừng rú.” Cái thùng fôm có thể dùng làm biểu tượng thay thế cho cái hình búa liềm của ông Karl Marx. Nay mai dân Việt Nam đi biểu tình có thể chỉ cần ôm những cái “thùng fôm” trước bụng, vừa đi vừa vỗ “trống cơm” thì ai cũng hiểu mình muốn nói chuyện gì.
Ngô Nhân Dụng