Phạm Công Luận: Những từ ngữ nổi trôi
Chuyện nhỏ về lời nói hằng ngày của một thời…
Hồi tôi còn nhỏ, lúc vốn hiểu biết còn ít ỏi (giờ cũng vậy) và chưa có định kiến với bất cứ điều gì, tôi thích âm thầm quan sát thế giới chung quanh mình. Thế giới của tôi là cái xóm nhỏ gần một ngôi chùa, hai khu cư xá, hai ngôi chợ và một cái nhà thờ. Ở đó, gia đình tôi sống chung với đa số là người Nam, vài nhà gốc Bắc, một nhà có gia chủ là người Quảng Ngãi, một nhà có cô con gái lai Ấn, một nhà có người con rể người Hoa. Bước ra đầu hẻm, tôi chạm mặt ngay một trường trung học của ngũ bang người Hoa lập nên. Đám trẻ chúng tôi lớn lên trong môi trường đô thị đa dạng, chơi với nhau không bao giờ phân biệt từ đâu tới, không bao giờ lôi gốc gác, ngôn ngữ hay nghề nghiệp cha mẹ ra nói.
Trong cuộc sống như vậy, chúng tôi dung nạp đủ thứ từ ngữ ngoài đời. Ở đây không phải là những từ chửi rủa thô tục, mà là từ ngữ để dùng hàng ngày, lạ tai, miễn sao có thể hiểu nhau.
Hồi đó, khi nghe hát tuồng cải lương hài “Đắc Kỷ ho gà” trên sân khấu, tôi khoái nhất câu này, hình như do cô đào Thanh Thế hát: “Xí lắt léo cũng không còn mong chi sống/ Chẳng biết kiếp trước thiếp có làm nên tội gì…”.
Dù không biết xí lắt léo là gì, tôi thích từ đó vì nó diễn tả sự khốn khổ của ai đó một cách vui nhộn, không phải loại từ ngữ nghiêm trang, cứng cỏi trong trang sách giáo khoa.
Mùa hè, chơi đủ trò trong cái sân giữa xóm, chúng tôi đối đáp với nhau bằng những từ như: ”Mầy dảnh sủi rồi!”, “Tiêu tán thoòng rồi!”, “Tụi xây lố cố đó tụi bây để ý làm gì!”. Lúc chán những trò đá banh hay đánh trổng, chúng tôi đi kiếm miếng ăn bỏ bụng. Đứa nào tích cóp được mấy tĩn nước mắm không thì ra tiệm chạp phô đổi bánh tay cùi, bánh tai heo ăn tạm. Hoặc dùng rổ và sợi chỉ dài bẫy chim sẻ, đem nướng rồi chấm muối ăn. Thằng này vừa nhấm nháp vừa xuýt xoa với thằng kia: “Hẩu xực nha!”. Lâu lâu có đứa đập heo đất, rủ vài bạn thân nhất đi ăn. Hôm nay là cháo huyết ăn với giò cháo quẩy bên chợ Ga. Khi nào sang hơn thì ra chợ Phú Nhuận mua bánh mì phá lấu. Đến sau tết, thằng nào cũng có tiền lì xì, thì cùng ra tiệm Xẩm ba ăn mì xá xíu, mì hoành thánh, hay đi ăn hủ tíu Nam Vang có thêm tô xí quách. Hôm nào không có tiền thì ăn cơm nhà, ăn với cục lạp xưởng nóng chan nước mắm vào cơm nóng là ngon hết xẩy. Hết đồ ăn thì xịt mấy giọt Tàu vị yểu cũng đủ lùa cơm vô bụng.
Hồi đó người lớn đi làm một tuần sáu ngày, nên chiều thứ bảy là vui nhất. Thế nào các anh chị trong nhà cũng dắt lên ngã ba Lò Đúc ăn hàng. Hôm nay ăn bò pía xong, mình ăn chè táo xọn, lục tàu xá hay sâm bổ lượng đây? Nếu không thì ăn ly phổ tai cho mát! Lúc về, còn ráng ghé nhà thuốc bắc Vĩnh An Đường mua cà na xí muội về nhai nhóc nhách. Cuộc đời thật là vui! Lâu lâu được ăn một bữa no, đâu có ăn nhiều đâu mà sợ phì lũ.
Sáng chủ nhật, ông anh tôi ra tiệm nước đầu đường vô chợ Ga ăn mì, uống bạc xỉu. Ba tôi ở nhà ngồi nhẩm xà vừa trò chuyện với dượng Mười gần nhà. Đi lần ra xóm ngoài, tiếng ru con ban đầu nghe rất lạ, sau mấy lần nghe riết rồi quen:
Chờ anh cho hết sức chờ
Chờ cho ến xại lên bờ khui hui…
Câu chuyện ngày xưa, tôi có thể kể một lèo qua bài viết bằng những lời như nói với nhau hằng ngày. Nhưng khi đưa bài cho con trai tôi đọc, nó bảo có những từ nó không hiểu. Đó là các từ: Xí lắc léo, dảnh sủi, tiêu tán thoòng, xây lố cố, hẩu xực, giò cháo quẩy, phá lấu, lì xì, xẩm, chạp phô, xá xíu, hoành thánh, hủ tíu, xí quách, lạp xưởng, tàu vị yểu, bò pía, táo xọn, lục tàu xá, sâm bổ lượng, phổ tai, cà na, xí muội, phì lũ, bạc xỉu, lẩu, nhẩm xà, ến xại, khui hui…
Đó là những từ của người Hoa thường dùng, không biết len lỏi vào đời sống người Việt từ khi nào mà đám con nít chúng tôi đứa nào cũng dùng để nói với nhau một cách bình thường, tự nhiên. Lúc đó, chúng là tiếng Việt, hoặc là tiếng Hoa đã Việt hóa. Đọc sách báo, biết trong đó, lạp xưởng, tiếng Quảng Đông, là lạp trường (Có người giải thích có lý: Lạp viết có bộ nguyệt có nghĩa là tháng chạp. Trường viết có bộ nhục là ruột. Thịt heo dồn vào trong ruột phơi nắng tháng Chạp). Bò pía, tiếng Tiều, âm Hán Việt là Bạc Bính. Bạc là mỏng, Bính là bánh (riêng món này tôi thắc mắc là theo tôi biết người Hoa ở xứ Việt trước đây không thích dùng rau sống, vì sao lại có rau xà lách trong món này? Phải chăng món này do người Hải Nam, chuyên nấu ăn cho Pháp nên biến tấu thêm rau sống vào?). Ăn mặc đẹp thì Cón hoặc Coóng: Ăn mặc láng coóng. Đầu tóc chải là coóng. Âm Quảng là Qu-oóng. Âm Hán Việt là Quang, có nghĩa là trơn bóng, sạch sẽ rõ ràng. Lục Tàu Xá là Chè đậu xanh. Táo Xọn: tiếng Tiều. Âm Hán Việt là đậu soạn, tức đậu xanh. Xẩm, tiếng Quảng Đông, Thẩm nghĩa là Thím (vợ của chú, dùng để gọi một người phụ nữ Hoa). Xây lố cố là đám con nít. Hẩu xực là ăn ngon, tiếng Quảng, Hán Việt là hảo thực. Hảo là ngon tốt, thực là ăn. Ến xại là rau muống và khui hui là khai hoa, nở hoa, tiếng Triều Châu…
Thỉnh thoảng, tôi còn nghe nói từ “Bắc Thảo” như trứng bắc thảo, vịt bắc thảo. Dù không hiểu nghĩa, nhưng biết là loại ngon loại tốt. Ở mấy tiệm bán chạp phô, món gì tốt các chủ tiệm người Hoa cũng đều khen đó là đồ Bắc Thảo. Giấy tốt thì bảo là giấy Bắc thảo, lụa tốt là lụa Bắc thảo. Bắc thảo biến thành một tính từ chỉ món gì đó có đồ chất lượng cao, bền, đẹp. Cuối cùng bắc thảo là gi? Đọc một bài trên báo Xuân xưa, giải thích rằng hồi xưa có một giống ngựa gọi là ngựa Bắc Thảo, tức là loại ngưạ Mông Cổ, sống ở phía Bắc nước Trung Hoa. Nơi đó, đất đai khô cằn, không cây, không núi, không nhà ở, chỉ có cỏ (thảo). Ngựa ở đây, là loài ngựa nhỏ bé và không đẹp đẽ oai phong nhưng là ngựa hay, chúng đã giúp đoàn kỵ binh Mông Cổ đi chinh phạt khắp thế giới. Nhưng cụ Vương Hồng Sển, một người gốc Hoa, giải thích: đó là “bắc đầu” nói theo giọng Phước Kiến. Từ “đầu thảo” trong trò chơi hụi còn từ “bắc” đó. Hàng Bắc Thảo được hiểu là hàng lụa tốt, do Trung Hoa đem qua miền Nam trước đây và dệt toàn tơ tằm. Cải Bắc Thảo là cải muối mặn của người Hoa dùng nêm gia vị, cũng gọi “Tang xại”, dịch ra Hán là “đông thái”. Trường hợp giò heo Bắc Thảo, do thời xưa hiểu lầm jambon do Trung Quốc đem qua đây bán.
Cuộc sống còn bao nhiêu từ quen thuộc như vậy khi nói với nhau, những từ có gốc gác từ tiếng Hoa mà cả Hoa – Việt dùng chung cả trăm năm nay, chẳng khác những từ có gốc tiếng Pháp như xà bông, bánh quy, ban công, ăng ten… mà người Việt vẫn dung. Đa số người Hoa sống tập trung trong khu Chợ Lớn, nhưng cũng ở rải rác nhiều nơi trong thành phố này và khắp miền Nam. Nhiều người từ Chợ Lớn gánh gồng đi bán hàng rong, đi bỏ mối hàng trong chợ Phú Nhuận, chợ Bà Chiểu, chợ Gò Vấp… Đi đến đâu, họ giao dịch bằng cách dùng ngôn ngữ của mình bổ sung cho mớ tiếng Việt ít ỏi của họ những ngày mới qua định cư. Để rồi cả hai dần dà vay mượn từ ngữ để nói với nhau cho mau chóng hiểu nhau, tạo thành nguồn vốn từ chung sinh động vô cùng, trở nên rất quen thuộc đối với những người từ thế hệ 6X trở về trước từng sống ở miền Nam, ở Sài Gòn – Gia Định.
Đến giờ, tôi vẫn thấy khi nói thằng “phì lũ” thấy sướng miệng sướng tai hơn thằng mập hay thằng béo! “Láng coóng” nghe đã hơn sáng trưng. Những từ gọi tên món ăn như phá lấu, há cảo, hoành thánh, xí quách thì không từ tiếng Việt nào thay thế được, vì nó đã được dung nạp vào tiếng Việt, trong ngôn ngữ nói của người Việt miền Nam. Khi nói những từ đó, không ai nghĩ mình đang nói tiếng Hoa cũng như nhiều từ tiếng Pháp đang dùng. Những từ ngữ đó, ngoài một số từ đã quá phổ biến, nhiều từ giờ không còn được người Việt nói nhiều như trước, không hiểu tại sao? Những từ ngữ mất đi, là một phần bản sắc của người Sài Gòn – Gia Định, người miền Nam của một thời đã biến mất mà không được lưu ý giữ gìn, ít ra là trong nghiên cứu và ghi chép.
Phạm Công Luận (trích từ một bản thảo)