Đào Như: Tháng Tư – Bản giao hưởng mùa Xuân

 Hình minh họa: Bayram Yalçın

Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội. 

Tháng Tư bản giao hưởng mùa Xuân chan hòa màu sắc âm thanh, chim hót, muôn ngàn thác đổ, tan băng, dáng người bên suối giặt lụa năm xưa …Tiếng cây cỏ nảy mầm trong lòng đất ngay dưới bàn chân ta. Trong màu nắng sớm Xuân sang mắt người con gái trông ngoan lạ thường. Tháng Tư trở về với nắng ấm, mây xanh, bầu trời không còn u ám. Cám ơn hoa cúc nhắc ta mùa xuân đang trên đường về, thì thầm gõ cửa thời gian:

”Tuế văn sơn trung vô lịch nhật

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương”

Cuối năm trong núi quên ngày-

Thấy hoa cúc nở biết ngay Xuân về..(*)

Trong bóng đêm hoa vẫn nở – muôn vàn cuộc sống vẫn cố vươn lên từ bóng tối. Có những kiếp người ẩn dật cũng như tình yêu và hoa nở trong đêm khuya, trong tận cùng trái tim, trong rừng sâu, chẳng cần ai thấy. Hoa có trong nhân gian, trong tâm hồn của những ai nhạy cảm trước bước đi của thời gian không biết chờ đợi. Hồn nhiên hoa nở, hồn nhiên tỏa hương và hồn nhiên lặng lẽ tàn lụi, những kiếp hoa, những tình yêu, những đời người…

Âu dó cũng là qui luật chung, có mùa Xuân phải có mùa Thu, có đến có đi, có hợp có tan. Đó là luậtt vô thường của kiếp nhân sinh và vạn vật:

“Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thượng Uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt

Y! Vân tán, tuyết tiêu,

Hoa Tàn Nguyệt khuyết (**)

Một đám mây trên nền trời xanh, môt giọt tuyết trong lò trời, một cánh hoa ở trong vườn nhà vua, một vầng trăng ở dưới ao tiên.Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn trăng khuyết…

Người ơi! Đừng tiếc nuối khi nhìn những mùa Xuân đi, đừng đếm từng sợi tóc bạc rơi rụng theo màu thời gian…Xin đừng phụ duyên trời đất:

“ Em về điểm phấn tô son lại

Ngạo với nhân gian một nụ cười”../.(***)

Đào Như 

—————

GHI CHÚ

(*)-Thiền Sư Huyền Quan

(**)-Thơ của Mạc Đỉnh Chi   

(***) Thơ của Thái Can-1930