Thận Nhiên: Chỉ thấy mưa sa

Nếu bạn là “người có chữ nghĩa”, nghĩa là người đọc nhiều, hay là người có quan tâm đến văn chương Việt Nam, thì hẳn không ít lần bạn nghe thấy, hay tình cờ đọc những câu thơ dưới đây, chúng thường được người ta trích dẫn:

“Tôi bước đi

Không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ.”

Thật ra, đoạn này có tất cả 6 dòng, như thế này:

“Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi

Không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ.”

Nhưng câu đầu “Những ngày ấy bao nhiêu thương xót” bị bỏ đi. Và đoạn thơ được lập lại tất cả 5 lần trong bài thơ.

Những câu thơ này được trích ra từ bài thơ Nhất Định Thắng của nhà thơ Trần Dần, và được phổ biến rất nhanh và rộng. Theo trang Thi Viện, nơi mà tôi trích dẫn lại bài thơ này, thì “Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Trần Dần, được sáng tác năm 1955, in trong Giai phẩm mùa xuân (1956) nhưng không đầy đủ. Bản đăng đầy đủ ở đây được lấy từ tập Trần Dần – Thơ (NXB Đà Nẵng, 2008).”

***

Vì sao năm dòng này được trích dẫn?

Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại.

Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.

Họ, những người trích dẫn và những người đọc trích dẫn, tin rằng đây là gần như tiếng nói phản tỉnh, thậm chí phản kháng, của giới trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc, được tập hợp trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từng nở rộ và bị nhà cầm quyền Cộng Sản đàn áp tàn bạo. Tôi không sống ở miền Bắc nên không biết nó được độc giả miền Bắc đón nhận như thế nào, nhưng ở trong Nam thì nó được phổ biến rất rộng, như một biểu tượng của tinh thần phản kháng của thời Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc. Khi nói đến đề tài này, những câu thơ sẽ được trân trọng nhắc tới, cùng với những giai thoại về tác giả và những trí thức và văn nghệ sĩ cùng thời, cùng chí hướng và hoạn nạn.

Tôi là một trong những người từng đọc, và từng tin vào điều đó như một xác tín.

Vậy mà, thật ra đó là một sự ngộ nhận. Một sai lầm. Đúng hơn, một sai lầm ngu xuẩn!

***

Mới đây, nhân dịp tình cờ có người trích dẫn những câu thơ này trên Faceboook, tôi đọc bài thơ dài Nhất Định Thắng, với lòng hiếu kỳ, và nhẫn nại. Rồi choáng ngợp.

Từ khổ thơ thứ 1 với những dòng:

“… Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt

Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù

Chúng còn đương bày kế hại đời ta?

Người ta nói thằng ngô con đĩ

Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô

Tài của hắn là: Khuyển Ưng của Mỹ

Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi đao cùn

Hắn nhay mãi cố xẻ đôi Tổ Quốc…”

Tôi không biết Trần Dần ám chỉ ai khi gọi người ấy là “con đĩ”, nhưng “thằng ngô” 

“tên giặc họ Ngô” thì hẳn là ông muốn nói đến Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Và, những câu:

“Lưng tôi có tên nào chém trộm?

A! Cái lưỡi đao cùn!

Không đứt được – mà đau!

Chúng định chém tôi làm hai mảnh” 

thì cái vết chém mà ông nói đến hẳn là ám chỉ hiệp định chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, là một thỏa thuận được ký kết vào năm 1954 tại Geneva, Thụy Sĩ, chia cắt Việt Nam ra thành hai phần, với phía Bắc là miền Bắc Việt Nam do Việt Minh kiểm soát và phía Nam là miền Nam Việt Nam do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, thành hai phần riêng biệt.

Nguyên khổ thơ thứ 2, là sự phẫn nộ và phản kháng của nhà thơ Trần Dần. Ông phẫn nộ và phản kháng cái gì, với ai? 

Ông phẫn nộ và phản kháng với những đồng bào miền Bắc di cư vào Nam! Họ là những người rời quê hương miền Bắc để tị nạn Cộng Sản. 

Và ông chửi Mỹ và chính quyền miền Nam:

“Sau đám mây kia

là cả miền Nam

Sao nỡ tưởng là non bồng của Mỹ!

Tiệm nhảy, rượu nồng, gái tơ

Tha hồ những tự do tự diếc

Tưởng như ở đấy cứ chìa tay

là có đô-la

Có trâu ruộng, – Có ngày đêm hoan hỷ!”

Và khổ thơ thứ 6:

“Hôm nay đài tiếng nói Việt Nam

Lại có chuyện tên Ngô Đình Diệm

Hắn sai con em là lũ du côn

Đi ném đá nhà Uỷ ban Quốc tế.

Hắn bảo hắn Giơ-ne không ký

Hắn bịt tai, không biết chuyện hiệp thương!

Ô hay! Cái lưỡi uốn càn

Cả thế giới vả vào mõm hắn

Hắn giậm chân khoa lưỡi đao cùn:

– Mặc kệ! Giết ta chết hẳn

thì thôi

Ta chẳng giả miền Nam!

Chứ

giả miền Nam cho nước Việt Nam

Thì ta chết

– thầy ta cũng chết

Hắn thét lên ộc máu mũi máu mồm

Hắn lồng lộn, ôm miền Nam mà cắn!

Thịt dân ta từng mảng nát bươm”

Thật ra, lẫn với những câu chửi Mỹ Diệm, ông cũng nói về những vất vả khốn khó tạm thời trước mặt của đời sống nhân dân miền Bắc, và ước mơ về tương lai tươi đẹp sẽ đến. 

***

Và, ông nói về thơ. Thơ chính trị.

“Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào

Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió

Nhưng hôm nay

tôi bỗng cúi đầu

Thơ nó đi đâu?

Sao những vần thơ

Chúng không chuyển, không xoay trời đất

Sao chúng không chắp được cả cõi bờ?

Non nước sụt sùi mưa

Tôi muốn bỏ thơ

Làm việc khác

Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa

Chút tài mọn

tôi làm thơ chính trị”

Và,

“Hôm nay

Những vần thơ tôi viết

Đã giống lưỡi lê: đâm

Giống viên đạn: xé

Giống bão mưa: gào

Giống tình yêu: thắm

Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây

Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu

Tôi là người vô địch của lòng tin.”

***

Ông lại nói về lá cờ, nhưng là lá cờ khác với lá cờ ông từng thấy dưới mưa sa. Không còn mưa sa trên màu cờ đỏ, thay vì mưa thì hẳn là mầu nắng. Nắng lên.

“A tiếng kèn vang

quân đội anh hùng

Biển súng

rừng lê

bạt ngàn con mắt

Quân ta đi tập trận về qua

Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…

Lá cờ ấy là cờ bách thắng

Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan

Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn

Từ đất dấy lên

là quân vô sản

Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành

Thắng được Chiến Tranh

Giữ được Hoà Bình

Giặc cũ chết – lại lo giặc mới

Đoàn quân ấy – kẻ thù sợ hãi

Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu

Dân ta ơi! Chiêm nghiệm đã nhiều

Ai có LÝ? và ai có LỰC?

Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy

Biết nhân dân

Biết Tổ Quốc Việt Nam này

Những con người từ ức triệu năm nay

Không biết nhục

Không biết thua

Không biết sợ!

Hôm nay

Cả nước chỉ có một lời hô:

THỐNG NHẤT

Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi

– Giả miền Nam!

Tôi ngửa mặt lên trời

Kêu một tiếng – bỗng máu trời rơi xuống

Vài ba tia máu đỏ rơi vào tôi

Dân ta ơi!

Những tiếng ta hô

có sức đâm trời chảy máu.

Không địch nào cưỡng nổi ý ta

Chúng ta đi – như quả đất khổng lồ

Hiền hậu lắm – nhưng mà quả quyết…”

Và,

“Hôm nay

Trời đã thôi mưa

Thôi gió

Nắng lên

đỏ phố

đỏ nhà

đỏ mọi buồng tim lá phổi

Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!

Bây giờ

Em khuân đồ đạc ra phơi

Em nhé đừng quên

Em khuân tất cả tim gan chúng mình

phơi nắng hết.

Em nhìn

cao tít

trời xanh

Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ!

Hôm nay em đã có việc làm

Lương ít – Sống còn khó khăn!

Cũng là may…

Chính phủ muôn lo nghìn lắng

Thực có tài đuổi bão xua mưa

Không thì còn khổ

Em treo cờ đỏ đầu nhà

Lá cờ trừ ma

Xua được bóng đen chúng nó!

Tiếng gì ầm phố em à?

A! Những người đi Nam trở ra

Phải rồi! Quên sao đất Bắc!

– Khổ! Trong ấy loạn

Phải đi đồn điền cao su

Chúng tôi bị lừa

Bà con muốn ra không được.

Đồng bào vui muốn khóc

Ô này lạ chưa?

– Mây ngoài này không đen

Mây đen vào trong ấy cả

Đúng rồi! Đó là công sức của nhân dân ta

lùa mây đuổi gió

Những vết thương kháng chiến đỏ lòm

Đã mím miệng, lên da lên thịt.

Tôi bỗng nhói ở nơi lồng ngực

Em ơi

Chúng đốt phố Ga-li-ê-ni

và nhiều phố khác.

Anh đã sống ở Sài gòn thuở trước

Cảnh miền Nam thành một góc tim anh

Chúng đốt tận đâu

mà lửa xém tim mình

Tim nó bị thui đen một nửa

Từ giạo ấy

mà em chẳng rõ.

– Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã

Đứng đây

Một lúc!

Cờ bay

đỏ phố

đỏ nhà

Màu cờ kia là thang thuốc chữa cho anh.

Em có thấy bay trên trời xanh

Hàng triệu tâm hồn?

Họ đã bỏ miền Nam

ra Bắc!

Chúng đem súng mà ngăn

Đem dây mà trói!

Giữ thân người

không giữ được nhân tâm

Người Nam gửi tâm hồn ra Bắc cả.

Bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi

Đổ lên chúng nó

Mây đen

lửa loạn

bão thù

Ai thắng ai thua?

Ai có LÝ và ai có LỰC?

Em ơi

Hôm nay

trời xanh

xanh đúc

Nắng lên

đỏ phố

đỏ cờ

Cuồn cuộn mít tinh

Những ngày thương xót đã lùi xa

Hoà bình

thêm vững

Anh bước đi

đã thấy phố thấy nhà

Không thấy mưa sa

Chỉ thấy nắng lên

trên màu cờ đỏ

Ta ở phố Sinh Từ

Em này

Hôm nay

đóng cửa

Cả nhà ra phố

mít tinh

Chúng ta đi

nổi bão

biểu tình

Vung cờ đỏ

hát hò

vỡ phổi…

Hỡi những người

thành phố

thôn quê

Đói no lành rách

Người đang vui

Người sống đang buồn

Tất cả!

Ra đường!

Đi!

hàng đoàn

hàng đoàn

Đòi lấy tương lai:

HOÀ BÌNH

THỐNG NHẤT

ĐỘC LẬP

DÂN CHỦ

Đó là tim

là máu đời mình

Là cơm áo! Là ái tình

Nhất định thắng!”

***

Đọc tới đây hẳn bạn hiểu ý nghĩa thật của bài thơ Nhất Định Thắng rồi nhỉ?

Chúng ta cần phải hiểu rõ, và hiểu đúng, để không ngộ nhận một cách ngu dốt, và để trả lại sự thật và lẽ công bằng cho nhà thơ Trần Dần. Để ông không bị hiểu sai. Đúng vậy, sai và oan.

Vì, nếu “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” thì có mắt mà như mù. 

Mù, và dốt!

Thận Nhiên 

* Xem trọn bài thơ Nhất Định Thắng ở link này:

https://www.thivien.net/Tr%E1%BA%A7n-D%E1%BA%A7n/Nh%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%8Bnh-th%E1%BA%AFng/poem-o5a4adSrtCLxuC-rU-1LSw