Cù Mai Công: Hàng ngàn cây xanh ở TP.HCM đã, đang và sẽ bị chặt bỏ: “Đào tận gốc, trốc tận rễ” – Cách duy nhất hay dễ nhất?
Giữa những ngày hè nắng nóng kỷ lục này, thử suy nghĩ về cái gọi là “không còn cách nào khác” khi người ta chặt cả ngàn cây xanh.
DÂN PARIS DẬY SÓNG VỚI DỰ ÁN CHẶT 42 CÂY QUANH THÁP EIFFEL
Gần cuối tháng 4-2022, Tòa thị chính Paris công bố công bố dự án OnE I, cải tạo khu vực quanh tháp Eiffel để chuẩn bị cho công trình chào đón Olympic Paris 2024. Dự án này tính chặt bỏ 42 cây, trong đó có hai cổ thụ trăm tuổi.
Dư luận Paris ngay lập tức dậy sóng. Ngày 28-4, nhà báo trẻ Hugo Clément chuyên mảng môi trường lập tức vào cuộc với bản kiến nghị trên mạng của Tổ chức Môi trường thiên nhiên Pháp mang tên “Tháp Eiffel: Nói KHÔNG với đốn hạ cây xanh, nói KHÔNG với bê tông hóa những khoảng xanh đã được xếp hạng di tích”.
Bản kiến nghị được nhiều nhân vật có tiếng ở Paris và Pháp chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình cũng như lên tiếng ủng hộ qua các kênh truyền thông.
Hai ngày sau, ngày 30-4, ông Emmanuel Grégoire, phó thị trưởng thứ nhất của Paris, phải giải thích với công chúng thông qua tài khoản trên Twitter: “Chúng tôi hứa sẽ không chặt cây cổ thụ nào”.
“BẤT KHẢ KHÁNG”, “KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC”?
Đường Tôn Đức Thắng rộng 30-40m, từ ngã tư Lê Duẩn tới gần cầu khoảng 500m. Cũng từ ngã tư, một dải bê tông chạy dọc đến đoạn đường dẫn lên cầu khoảng 300m. Hàng me non mới trồng trơ trọi trong nắng. Ban trưa, nhìn về phía cầu Ba Son, lóa mắt.
Trong một ngày nắng hạn cực điểm, đậu xe chờ đèn đỏ ở khu ngã tư rộng mênh mông này, anh nhà báo Nguyễn Tập (báo Thanh Niên) nhắn tin cho tôi: “Nóng điên. Có cần thiết phải chặt bốn hàng cây cổ thụ trăm năm của đại lộ này không?”.
Anh Nguyễn Tập không phải là người cá biệt nêu suy nghĩ này, nếu không muốn nói là băn khoăn, thậm chí bức xúc của rất nhiều người khi chứng kiến thực tế con đường này sau khi làm xong cầu Ba Son: Ít nhất một nửa hàng cây (khoảng 300m, từ ngã tư Lê Duẩn tới khu vực dẫn lên cầu) đâu có liên quan, ảnh hưởng gì cây cầu?!
Có thể các hàng cây và là đường cũ không khớp với quy hoạch làn đường mới. Nếu đúng như vậy, chỉ cần điều chỉnh làn đường mới để giữ lại hàng cây xưa? Thậm chí điều chỉnh độ rộng của cầu cho khớp với hàng cây. Sẽ có những cây tỏa bóng hai bên thành cầu. Tôi nghĩ chắc chắn rất nhiều người Sài Gòn hạnh phúc khi người ta làm điều này.
Mới đây, nhân sáu năm hàng cây này bị chặt, báo Dân Việt ngày 23-4-2024 nhắc lại: “Thời điểm đó, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc di dời cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc đốn hạ; số lượng trồng mới phải lớn hơn số cây bị chặt; độ che phủ phải lớn hơn mảng xanh hiện hữu.
Thực tế ai cũng rõ: chặt sạch, không chừa một cây! Không ai quản lý và xử lý những phát biểu kiểu bội tín ấy.
Nỗi đau dai dẳng cũ chưa tan, ngay trong những ngày hè El Nino nóng kinh khủng này, người Sài Gòn thêm đau xót, bàng hoàng với một loạt thông tin chặt cây: đốn hơn 400 cây làm Metro Bến Thành – Tham Lương, đốn gần 200 cây dọc đường Võ Nguyên Giáp làm dự án kết nối buýt với Metro số 1, dời và đốn gần 100 cây mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dẫn vô Tân Sơn Nhất…
Cộng với trước đó, mấy trăm cây lớn quanh nút giao An Phú (quận 2 cũ, nay là thành phố Thủ Đức) bị chặt để mở rộng, cả ngàn cây xanh mơn mởn đã và sẽ bị chặt. Số cây này đủ trồng trên diện tích gấp 4 lần số cây ở công viên huyền thoại 30-4 trước Dinh Độc Lập và gấp đôi số cây trồng ở công viên Lê Văn Tám – hai nơi được coi là “lá phổi xanh” lớn của thành phố.
Lý do dễ nhất luôn được người ta nêu ra: “bất khả kháng”, “không còn cách nào khác”…
KHÔNG MUỐN TÌM LÝ DO, MUỐN THÌ CÓ CÁCH
Nhiều năm nay, Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo kiên trì nhất với cổ vũ trồng cây và quan điểm rõ ràng với việc chặt cây. Sáng nay 12-5-2024, thêm một lần nữa, tờ báo này đăng hai bài: “Quý trọng từng mầm xanh, công trình chưa xong, cây đã phủ bóng” và “Thương nhớ những hàng cây” .
Trong đó, bài lớn nói về hầu hết số 42 cây xanh được giữ lại khi xây dựng Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh Quảng Ngãi (TP Quảng Ngãi).
Đại diện nhà thầu nói diện tích mặt bằng 1,5ha nhưng diện tích xây dựng khối nhà hội nghị và triển lãm gần 1,2ha: “Nếu hạ cây, làm sạch mặt bằng, việc thi công sẽ “dễ thở” hơn nhiều. Giữ cây, đồng nghĩa chúng tôi phải “né qua né lại” khi thi công rất khổ”.
Nỗi khổ ấy đã tạo niềm vui lớn cho người dân. Ông Cần sống gần đó nói: “Tôi nghĩ họ chặt hết cây, tôi với mấy ông hàng xóm tiếc gớm lắm. Ai dè họ giữ lại hết. Bà con rất vui khi chủ đầu tư làm việc có tâm”.
“Nếu thực sự muốn, người ta tìm cách; không muốn, tìm lý do” (danh ngôn).
Trên dưới 200 cây trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt sạch đã cho thấy người ta chọn cách làm dễ nhất cho họ, mặc kệ hậu quả dài cho hôm nay và ngày mai.
Đường Hoàng Hoa Thám mở rộng lối vô sân bay, hàng trăm cây cổ thụ đang bị chặt thay vì tận dụng hàng cây ấy làm dải ngăn cách bằng cây xanh, tạo ra ba làn đường với bốn hàng cây như rất nhiều con đường xưa nay ở Sài Gòn, kể cả đường Tôn Đức Thắng trước đây.
Hàng cây dọc đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Biên Hòa cũ) sắp sửa chặt cũng vậy. Giờ là hơn 400 cây dọc tuyến Metro 2 với vô số cây cổ thụ trên đường Trương Công Định, Sương Nguyệt Anh… đang chờ ngày “đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Rồi hàng trăm cây xanh mé nhánh bằng cách “kinh dị” chưa từng thấy: cưa trụi lủi không còn một nhánh trên một số đường.
Trước những thực trạng đau xót ấy, không phải ngẫu nhiên mà có người thảng thốt: “Không hiểu sao người ta căm thù, không đội trời chung với cây xanh như vậy?!”.