Ngu Yên: Sen cười, bùn bụm miệng
Không thể chối cãi, trong đầm không gì đẹp bằng sen. Đúng hơn nữa, trong đầm không gì thơm hơn sen. Nhưng vì sao sen lại mọc trong đầm bùn? Vì sao sen không mọc sánh vai cùng Cẩm Chướng, Mẫu Đơn, Hồng Nhung, Anh Đào, Thiên Điểu, Oải Hương, Hướng Dương, vân vân, trong những vườn quyền quí cao sang, những nơi chưng bày lộng lẫy? Vì sao sen lại chọn ngâm mình trong nước hôi tanh? Vì sao trong tất cả loại sen, tôi lại quí sen hồng, trong khi đa số yêu sen trắng?
Sen và bùn là một lý thuyết chính trị cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Hoa sen phải mọc từ bùn, trong bùn. Không thể mọc ở những nơi không có bùn. Vì sao hoa sạch thơm phải mọc và sống từ nơi dơ thúi? Rồi sen phải vượt lên khỏi mặt nước, phải nín thở bao lâu? Phải hồi hộp lo lắng bao nhiêu? mới nở được hoa đẹp, hoa thơm, nhưng vẫn cần có bùn để tồn tại. Một quá trình hiện thực, một ẩn dụ để tư duy, một nhiệt tâm cần thực hiện.
1. Sen và Bùn.
Người không thích bùn, thậm chí, ghét bùn vì bùn tanh thúi mùi lộn mửa. Bùn kéo chân trì trệ bước tiến và đôi khi bùn có khả năng chôn vùi con người. Nguy hiểm hơn, bùn chứa nhiều loại vi trùng hãm hại và động vật sát nhân.
Người yêu sen vì sen đẹp đơn giản mà thơm siêu thoát. Khó ai có thể yêu hoa sen như Chu Đôn Di, trong bài Ái Liên Thuyết, ông ví tính sen như tính quân tử. (*) Một so sánh cường điệu, vì sen có thật, còn người “đúng quân tử” thì chưa thấy.
Nhà Phật chọn hoa sen trắng như một biểu tượng lòng trong sạch thánh thiện, một mức độ lý tưởng cao xa mà loài người khó đạt đến. Mấy ai trắng được như sen? Còn thơm, loài người ít ai tự nhiên hương, đa số tự nhiên hôi, đó là lý do dầu thơm là một trong vài loại sản phẩm bán chạy nhất trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, bùn dễ ví với tiểu nhân, mà sen khó ví với quân tử. Có quân tử nào trong trắng và thơm tho như sen? Kể cả mấy ông Tử? Tiểu nhân là thực tế. Quân tử là lý tưởng, tức là ảo ảnh.
Với lý tưởng khó khăn đó, nên chọn sen hồng. Nghĩa là, không chọn trong trắng mà chọn nhiệt huyết; không chọn thánh thiện mà chọn can đảm; không chọn cầu nguyện mà chọn hành động; không chọn ảo tưởng mà chọn thực tế; không chọn đời sau mà chọn đời này. Hồng tâm, trái tim đỏ cần thiết cho đất nước tôi.
Như sen cần thiết cho bùn. Nếu không có sen, đầm bùn chỉ ngàn năm hôi thúi. Nếu không có sen, ai thèm đến tắm:
Rủ nhau ra tắm hồ sen.
Nước trong bóng mát hương sen cạnh mình. (Ca dao.)
- Đất nước tôi chờ hội mùa sen.
Đất nước tôi ẩn dụ như một đầm nước tù đọng có bùn, có sen; có tiểu nhân, có quân tử; có người xấu, kẻ gian, có người tốt, kẻ tử tế. Dĩ nhiên ở đâu cũng vậy, cũng có tốt có xấu, nhưng đặc biệt nghĩ về nước tôi vì đất nước đó của tôi, của chúng ta.
Đầm nước không nối được sông, không thông ra biển. Bị tù túng, bị chèn ép, chỉ mong chờ may mắn nơi khí hậu bốn mùa. Có mưa mực nước dâng lên, cá cua sinh sản. Nắng hạn, nước cạn, cá nghèo, cua khổ. Trên đầu có Trung Quốc, bên trái có Mỹ, bên phải có Nga, dưới chân có bùn lầy thối nát. Bước không vững. Đi, đi đâu?
Bàn đến tài năng, nước ta có nhiều tài năng lãnh đạo chống xâm lăng, làm cách mạng, chỉ huy chiến tranh và chiến đấu anh dũng, nhưng ít tài năng lãnh đạo làm cho hòa bình tốt hơn, độc lập hơn, tự cường hơn, tự hào hơn. Họ Nguyễn rất nhiều mà ít Nguyễn Trãi. Họ Đào không phải khan hiếm, sao chỉ có Đào Duy Từ? Họ Lê thì vô số, Lê Quí Đôn ở đâu? Biết họ ở đâu mà tìm? Đi từ bắc vào nam, vô số đường mang tên anh hùng sa trường, tài năng lãnh đạo thời chiến. Có bao nhiêu đường mang tên lãnh đạo thời bình? Tìm họ ở đâu? Nhưng tài năng lãnh đạo hòa bình hưng thịnh như những mầm sen còn nằm trong bùn, tìm đâu xa?
Tài năng lãnh đạo thời chiến và tài năng lãnh đạo thời bình khác nhau. Kẻ giỏi tấn công, tướng tiên phuông, không phải là tướng thủ thành giỏi, vì hiểu biết-suy nghĩ khác nhau, cá tính khác biệt, và giá trị thành công không giống nhau. Lãnh đạo giỏi thời chiến thì giỏi chiến lược, chiến thuật, tuyên truyền; giỏi điều khiển quân tướng. Lãnh đạo giỏi thời bình tất nhiên phải khác. Lãnh đạo thời chiến lấy sự chiến bại của địch quân làm vinh quang thành công. Lãnh đạo thời bình dùng trí tuệ văn hóa và ấm no vật chất của dân làm mức đo thành tựu. Những lãnh đạo thời chiến nào tự nghĩ mình có khả năng lãnh đạo thời bình, nên đi thử máu lại. Chiến pháp đắc ý “biển người” dùng vào đâu khi “Em mặc yếm thắm. Em thắt lụa hồng. Em đi trảy hội non sông…” (**) Vây kín thung lũng tiền pháo hậu binh, làm sao thành tựu khi thung lũng giờ đây toàn bồ câu trắng?
Thời bình mà nằm trong tay lãnh đạo thời chiến thì lòng lăm le chiến tranh. Luôn nghĩ đến chiến đấu để thắng kẻ đối đầu: chiến đấu chính trị, chiến đấu kinh tế, chiến đấu xã hội, chiến đấu giáo dục, chiến đấu văn hóa, chiến đấu văn chương, chiến đấu nghệ thuật, vân vân, chiến đấu phong bì … chiến đấu luôn cả chiến đấu. Quen rồi, máu rồi. Mọi kế hoạch đều như chiến lược, chiến thuật nhằm đến thành công ngắn hạn, phải chiến thắng đối phương, đối lập, đối ngầm, dù mai sau sẽ thất bại trên đường dài. Phải tiêu tùng, thủ tiêu, trù ẻo dù tay trái, tay phải, trên đầu, dưới chân, thân nhân, đồng bạn, đồng lý tưởng. Hành động của ăn là nhai. Hành động của chiến đấu là diệt.
Tuyên truyền và ngoại giao khác nhau rất xa về mặt thuyết phục đối phương. Tuyên truyền không có thông cảm, đồng cảm. Ngoại giao luôn luôn có thông cảm khi khác biệt và đồng cảm khi thành công. Lãnh đạo giỏi về tuyên truyền chưa hẳn hiểu sức mạnh của ngoại giao. Ngoại giao không phải là vũ khí mà là phương tiện năng lực và hữu hiệu cao độ cho những quốc gia nhỏ lúng túng, tấn thối lưỡng nan trong bàn cờ thế giới. Ví dụ, phong cách ngoại giao của Thụy Sĩ trong thế chiến thứ hai. Trong lịch sử dân ta, ai là người giỏi ngoại giao nhất?
Đất nước tôi như một đầm lầy mà bùn hôi là sản phẩm của chiến tranh, của thiếu hiểu biết, và của tự hào không muốn hiểu biết; tự hào vì không muốn tự nhận là lười biếng. Hệ thống lãnh đạo thường xuyên nằm trong tay các tài năng lãnh đạo thời chiến, với vô thức và thói quen cũ, họ xem việc đấu đá, chiến tranh với nhau là lẽ tự nhiên. Ở trong thời bình mà lòng dạ, tư duy chiến tranh thì hòa bình làm sao hưng thịnh? Hạ tầng cơ sở của hệ thống lãnh đạo, đa số, là những nhân vật có công thời chiến. Họ là những người có tài năng chiến đấu, nhưng không biết phải làm gì với khả năng xông pha trận mạc, công thành, phá địch, dọ thám, công an, nằm vùng, vân vân, khi không còn chiến tranh. Họ xa lạ với chia cơm xẻ áo sống chung hòa bình. Từ ngàn xưa cho đến nay, tuy hình thức thay đổi nhưng nội dung vẫn vậy, kẻ chiến thắng đòi hỏi phải được đền trả công trạng và lợi ích. Việc giành đất, tịch thu của cải, phân chia tài sản của phe thất bại, đối với họ là chuyện đương nhiên. Lãnh đạo thời chiến thấy đúng. Phó lãnh đạo thấy đúng. Các chiến sĩ thất nghiệp thấy đúng. Thường dân dù thấy sai, phó thường dân dù bất mãn, làm được gì? Vì ý thức và hiểu biết từ chiến tranh của họ là như vậy.
Một điều nữa chắc chắn đúng, chiến tranh trực nghĩa là giết kẻ thù và chiếm lấy những gì của kẻ thua. Bận rộn như vậy, làm sao có giờ học hành, mở mang trí tuệ. Sự hiểu biết kiến thức chỉ là cơ bản của tri thức. Phải tiêu hóa kiến thức để hiểu biết trở thành kinh nghiệm thực hành hoặc kinh nghiệm tư duy thì nhận thức mới sâu đậm, rộng mở, và hữu hiệu khi hành động. Việc này cần thời gian lâu dài tiệm tiến. Chiến tranh thường làm cho những kẻ tham dự chiến tranh ngu đi. Huống hồ chi chiến tranh kéo dài năm này tháng nọ, từ trẻ cho đến già, thì làm sao đa số chiến sĩ có khả năng lãnh đạo thời bình? Lãnh đạo và hệ thống lãnh đạo nếu không có tâm trí hòa bình thì làm sao thực hiện hòa bình? Dùng tâm trí chiến tranh để xây dựng hòa bình, sẽ tạo nên hòa bình giả dạng.
Hãy thử hỏi những lãnh đạo cao cấp trình một luận án về bộ chuyên môn của mình với những kế hoạch, sáng kiến, tư tưởng để làm tốt đẹp hơn, giá trị hơn trong tương lai năm năm, mười năm, hai chục năm, xem có xứng đáng không? Ví dụ, lãnh đạo giáo dục, kế sách, chương trình phát triển là gì? Lãnh đạo kinh tế, làm sao để tự cường, tự độc lập tài chánh? Lãnh đạo tối cao, làm sao vuốt ve tham nhũng cho nó bớt tham lam? Làm sao đòn bẫy quyền lực để không quy lụy, cầu khẩn trước thế lực quốc tế? Lãnh đạo giỏi không thể sử dụng kế sách kém giá trị, không thể hành động ngẫu nhiên, ngắn hạn, tùy nghi, càng không thể tự thỏa thuận với khả năng biết rõ của bản thân.
Thời bình là lúc phát huy văn hóa, văn học và nghệ thuật. Nếu không, thời chiến sẽ làm cho văn hóa, văn học, nghệ thuật thêm lụn bại. Văn hóa, văn học, khoa học, triết học, vân vân, là xương sống xương sườn của đất nước mai sau. Một ví dụ ngắn: Vì không nắm vững giá trị thi ca ở nơi nào, nên bộ giáo dục mang những bài thơ kém giá trị vào dạy trong chương trình học đường. Bộ giáo dục cổ động và tạo ra một dòng thơ dài lớn mà kém giá trị cho các thế hệ sau. Muốn truyền cái giỏi thì khó khăn, cái dở cái kém không cần truyền, chúng tự động đến. Giáo dục là việc quan trọng cho tương lai dân tộc và đất nước, sao lại giảng dạy những thứ kém giá trị, rồi than phiền, đất nước thiếu nhân tài.
Tuy nhiên, không phải hoàn toàn thất vọng. Khi nói đa số thì tất nhiên có thiểu số. Trong lớp bùn dày kia, nhất định có những mầm sen. Đã có mầm, trước sau gì sen sẽ nở, sẽ đẹp, sẽ thơm. Có câu nói, thà hy vọng sai, còn hơn thất vọng đúng. Hy vọng sai, thì vẫn còn hy vọng, còn chờ đợi, ai biết được ngày mai? Còn thất vọng đúng, thì treo cổ, nhảy giếng, tắt đèn.
- Sen cười.
Việt Nam không cần nội chiến, không cần cách mạng, không cần chỉnh lý, chỉ cần một phần của Mikhail Gorbachev. Một hồng tâm yêu nước. Một can đảm hành động cho mục đích dân tộc và quê hương. Không cần phải là sen trắng vì thánh thiện dành cho tôn giáo. Sen hồng dành cho chính trị thời bình.
Đầm bùn đó khởi đầu nở ra một sen hồng. Mùi thơm biến mất trong mùi thúi. Rồi hai sen, ba sen, mười sen, năm chục sen, … mùi hương bắt đầu pha loãng mùi tanh. Đến khi mùa sen nở rộ, bùn vẫn còn đó, không ai thất bại, không ai thất vọng, không ai thua thiệt, vì kể cả bùn sình cũng yêu thích mùi thơm. Bùn và sen chung sống với nhau như định luật vật lý. Sen nhờ bùn mà ra hoa. Bùn nhờ sen mà thơm lây. Cơ bản chiến tranh là giết. Cơ bản hòa bình là sống chung. Điểm cốt lõi trong lý thuyết Sen và Bùn là “không tiêu diệt nhau, nương tựa nhau mà sống.” Đây cũng là con đường chính trị thế giới trong thế kỷ 21: political metamodernism. (Chủ nghĩa chính trị kết hợp hiện đại.)
Nhiệt tâm làm đất nước hưng thịnh, không nhất định phải tiêu diệt cái xấu, vì tất nhiên, không bao giờ có thể thành công. Cái xấu như cỏ, cắt tận gốc, chỉ cần một cơn mưa sẽ mọc lên xanh rờn. Đào hết rễ, chỉ cần một thời gian, cỏ sẽ xanh trên mồ kẻ giết cỏ. Nhiệt tâm làm đất nước hưng thịnh chú trọng phát huy, phát triển cái tốt, cái đẹp, tự nhiên cái xấu dần dần bị lãng quên. Có mấy ai sống mà không muốn làm người tốt? Nhưng đa số không biết phải làm sao để trở thành tốt khi lòng tham, lòng dâm, trí óc giới hạn là sự hiểu biết duy lý duy tâm mà họ cho là đúng hoặc đương nhiên: sống là như vậy.
Hồng tâm làm đất nước hưng thịnh trước là tử tế với dân, sau mới tuyển dùng nhân tài, những vị sen hồng. Tử tế là việc khó làm. Nếu bác ái và từ bi là nghĩ đến quyền lợi của người khác, thì tử tế là nghĩ đến giới hạn quyền lợi của bản thân. Hành xử tử tế là hành động trong giới hạn cho cả hai, mình và họ, đều có lợi. Sử dụng nhân tài hồng tâm là nghệ thuật lãnh đạo cao cấp. Sử dụng người thân, người quen, người nịnh, người phong bì là lãnh đạo kém tài hoặc thiếu can đảm.
Trong các vị lãnh đạo hiện nay, tôi tin rằng, nếu thế hệ này chưa có, tất nhiên sẽ có ở các thế hệ sau, không thể không có, những hồng tâm mang đến mùi hương thanh cao trong đầm sình lầy. Không lý nào nhiều lãnh đạo tài năng lại không có được những sen hồng? Không lý nào nhiều lãnh đạo tài ba lại không có ít lòng yêu nước tử tế? Không lý nào cả một đầm lớn, bốn ngàn năm tài hoa, lại không có vài mầm sen tạo nên lịch sử?
Tôi tin rằng, đầm bùn kia sẽ có sen thơm. Chỉ chưa biết là ai và lúc nào?
Tôi cũng đã lớn tuổi để biết những suy nghĩ nào lý tưởng, những ước mơ nào trên mây. Chúng ta sẽ ngớ ngẩn khi hiểu rõ trong đáy bùn kia, tối thui tối mò, tìm đâu ra câu trả lời. Có quá nhiều câu hỏi, mà chưa có câu trả lời thỏa đáng, nói chi đến hành động. Tuy nhiên, chúng ta có mục đích. Giữ vững mục đích đó thì từ từ câu trả lời sẽ đến. Không có mục đích, dù có trăm câu trả lời hay, cũng vô ích.
Trong lúc chờ đợi, tôi biết rõ một điều có thật: khi sen nở tỏa hương thơm thì đồng thời bùn sình cũng nhả ra mùi tanh thúi. Thơm và thúi phải hòa nhập với nhau, bao lâu cho thơm lừng hơn thúi? Phải chịu đựng thúi thì mốt mai mới ngửi được hương thơm. Nếu thúi bớt phun ra, bớt tranh cãi, bớt gièm pha, bớt chửi bới, bớt chiến đấu, mà nỗ lực cộng hưởng, thông cảm và đồng cảm thì thơm có hy vọng lừng lẫy với tốc độ nhanh chóng. Vì vậy, yêu nước là khi sen cười, xin bùn bụm miệng.
Ngu Yên
Ghi:
(*) Song, ta chỉ riêng yêu hoa sen, bởi sen mọc tự bùn lầy mà không nhiễm bẩn, tắm lội trên nước trong mà chẳng nũng nịu, lẳng lơ. Trong rỗng, ngoài thẳng, không dây, không cành, hương ở xa càng thanh khiết, một mực uy nghi thanh sạch, có thể ở xa mà ngắm nhìn chứ chẳng thể cợt nhả đùa bỡn. (Bản dịch của Châu Hải Đường.)
(**) “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm.