Đà Lạt buồn, thơ mộng, hoài niệm trong tranh Hoàng Đăng Khanh

Họa sĩ Hoàng Đăng Khanh tại phòng triển lãm

Lời giới thiệu: “Mây Cao Nguyên” là tên cuộc triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh, tại REI Artspace | 371/4 Hai Bà Trưng, Quận 3, Saigon từ ngày 18/03 đến hết 02/04/2023. Triển lãm gồm 27 tác phẩm được vẽ bằng màu acrylic trên vải canvas, về thành phố Đà Lạt, theo họa sĩ, là lời tri ân của anh với thành phố nơi anh từng sống và học tập, nơi hội tụ gia đình, bạn bè và người thân.

Hoàng Đăng Khanh là một hoạ sỹ tự học đến từ Huế. Anh là con trai của họa sĩ tài hoa xứ Huế Hoàng Đăng Nhuận (1942-2021). Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận từng có tranh tham dự triển lãm tại Mỹ, Pháp, Hong Kong, Singapore…, được sưu tập tại Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và Singapore, cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Còn với họa sĩ Hoàng Đăng Khanh, đây là lần triển lãm thứ hai của anh, lần thứ nhất năm 2014 có tên “Điệp khúc phố” tại New Space Arts Foundation, Huế.

***

Trần Vĩnh Thịnh: ‘Trời thấp thật buồn’ của Hoàng Đăng Khanh

Hoàng Đăng Khanh diễn tả lại miền ký ức Đà Lạt trong triển lãm Mây cao nguyên khai mạc lúc 18h ngày 17/3 tại REI Artspace (371/ 4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM).

Xem Mây cao nguyên như thấy những buổi chiều thật rảnh rỗi và nhiều bâng khuâng nơi xứ cao nguyên Đà Lạt. Thấy những dấu chân ngựa thồ thong dong gặm cỏ bên vệ đường, bóng chàng trai trẻ đâu đó vẫn còn tiếc thương cho tháng ngày đã qua. Thấy bóng mây trôi chầm chậm trên bầu trời chiều đẫm sương, để rồi những ký ức cứ ùa hoài không nguôi trong tâm hồn người họa sĩ trẻ.

Hoàng Đăng Khanh đến với hội họa bởi đam mê nghiệp vẽ, thích phá phách màu mè, một phần nào đó có sự âm thầm ảnh hưởng từ người cha của mình – họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (1942-2021). Chứ thật ra, Khanh là một kỹ sư sinh học, đã từng học tại Đại học Đà Lạt. Rồi đời sống phiêu linh đưa Khanh về lại với Huế, sống bên núi đồi Chiêu Ê, ở dốc lên Thiên An, sống cùng với màu và cọ hơn mười năm nay.

Trước đây, tôi từng biết anh qua một thời kỳ tranh trừu tượng, anh sáng tác rất bay bổng và hân hoan tươi mới, nhưng như anh tâm sự, thì lâu lâu cũng cần chút thay đổi, trừu tượng vẫn cứ vẽ, và những ký ức về Đà Lạt thì vẫn không quên được. Vậy nên anh cứ để lòng mình cho nó thong dong trôi về kỷ niệm, với những tháng ngày đẹp đẽ ở cao nguyên, với những mây, những gió, những thông reo, những buổi chiều hoang hoải,… đều được anh ghi lại lên mặt toan.

Đâu đó trong tranh ta thấy bóng dáng của Hoàng Tử Bé đang dạo chơi ở cõi sương mù, xa xa là núi đồi, là rừng thông Phương Bối, là suối Đa Mê, này là Ấp Ánh Sáng… Với một màu xanh lam, xanh ngọc đặc trưng trong loạt tranh này, được nhấn nhá tí màu đỏ của những mái ngói, ô cửa sổ, những vạt hoa ven đường, làm cho mỗi bức tranh đều gợi lên được sự ấm áp và thân thiện cho người xem càng thấy xao xuyến hơn chăng?

Bởi ký ức đẹp, nên trong ta dễ hồi tưởng lại một Đà Lạt của những năm chín mươi về trước, về miền hỏa xa, miền đồng thảo còn đâu đó dấu ấn ban sơ, những khóm hoa dại mọc ven đồi. Những dấu chân bước chậm bên nhau, hoặc những chiếc xe đạp được dắt bộ trên dốc, lá thông rụng đầy đường, hoặc những mùa cúc quỳ vàng rực xa xa…

Xem tranh của Khanh làm ta không thể không khắc khoải về một nỗi nhớ, mà những ai đã từng sống, từng đi qua nơi này dù một hoặc nhiều lần, những cảm xúc bâng khuâng về những kỷ niệm: đây là dốc, đây là đồi, đây là hoa, đây là nỗi nhớ…

Những kiến trúc cũ của Đà Lạt và nhiều dấu ấn kiến trúc thuộc địa đẹp đẽ còn lưu lại đã được Hoàng Đăng Khanh ghi chép theo ký ức chưa thể xóa nhòa. Khi thì những mảng tường vàng đặc trưng, những mái ngói đỏ rêu phong nổi bật giữa những hàng thông cheo leo. Khi thì tiếng chuông chiều trên gác chuông nhà thờ vang vọng ngân nga, làm người xem tranh như thổn thức  và nhớ về những buổi hoàng hôn Đà Lạt, mỗi khi sương xuống.

Hoàng Đăng Khanh tâm sự: “Đã lâu Đà Lạt được xem như một phần của cuộc đời, tuổi trẻ của tôi. Không gian của ký ức về một thành phố, một vùng đất, khoảnh khắc của những cơn mưa phùn, những con đường vắng lặng, những tầng mây mù sương lơ lửng, với mùi cỏ cây thở ra từ đất, những tòa tháp chuông thánh đường, những người dân bản địa hiền lành…. Với tôi, đó là một nỗi niềm, một kỷ niệm, một lý do, một câu chuyện riêng”.

Đúng là một câu chuyện riêng, vì tuổi thơ, tuổi trẻ lớn lên của họa sĩ đã thấm đẫm những buổi chiều thả diều trên đồi cao, những buổi đi học trong sương sớm với cơn mưa phùn, hoặc những mùa hoa đã ướp hương kỷ niệm với một người con gái… Một người đã sống, đã gắn bó với Đà Lạt, một hạt sương hoặc nhiều chút nắng đã ăn sâu trong tiềm thức, để rồi có một ngày nó được tuôn chảy dưới đường cọ dạt dào cảm xúc.

Bởi mây trời cao nguyên đẹp quá, nên gã họa sĩ đã thay cho bao cõi lòng mà ghi lại những khoảnh khắc ấy bằng màu và cọ, như những lời nói thay cho nhiều tâm hồn khác về một nơi chốn đã đi qua hoặc chưa đi qua, nhưng luôn đẹp đẽ và thân thiện mỗi khi nghe ai đó nhắc tới. Là những câu chuyện đẹp đôi khi không thể giải thích bằng lời hoặc bằng ngòi bút, mà hay nhất là chúng ta cùng xem ngắm những tác phẩm hội họa về một vùng đất lãng mạn qua nét bút của chàng họa sĩ cố đô. Một vẻ đẹp của “trời thấp thật buồn”, nói như thi sĩ Vũ Hữu Định.

Trần Vĩnh Thịnh 

Thể Thao&Văn hóa

Bãi vắng
Chờ một người
Gọi tên mùa hoa
Hai đứa trẻ
Hành hương
Hạnh phúc buồn
Hoàng hôn tím
Một thuở
Mưa phùn
Ngoài kia phố
Ngựa hoang và mảnh trăng khuya
Quen nhau
Sương hồng
Sương sớm
Thời hương xa
Trở về
Về ngoại ô