Nguyễn Văn: Nguy cơ khủng bố ở Úc và ‘Hồi giáo hoá’
So với các nước phương Tây khác, Úc là nước tương đối an toàn. Úc chưa từng bị những vụ khủng bố như 9/11 bên Mỹ, hay vụ đánh bom Manchester Arena ở Anh vào tháng 5/2017. Úc cũng chưa kinh qua những cuộc biểu tình lớn như ở Luân Đôn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều biến cố xảy ra trong thời gian gần đây đã làm tăng ‘nhiệt độ’ khủng bố quốc gia.
Đầu tháng 8 năm nay (2024), Chính phủ Úc qua khuyến nghị của Cục Tình Báo và An Ninh Úc (ASIO) tuyên bố rằng nguy cơ khủng bố cấp quốc gia là PROBABLE (1), có thể tạm hiểu là ‘Khả Dĩ’ (2). Không chỉ tuyên bố suông, tất cả những nơi công cộng (như nhà ga xe điện, bến xe bus, trung tâm shopping) đều được thông báo về tình hình mới, và khuyến cáo người dân cảnh giác với các hành vi đáng ngờ. Sự ‘nâng cấp’ nguy cơ này thu hút sự chú ý của các nhà quan sát quốc tế, và trở thành một đề tài bàn luận ở trong nước.
Hồi giáo cực đoan hoá
Khi được hỏi tại sao nâng cao nguy cơ khủng bố, chính phủ Úc chỉ nói chung chung rằng vì “có một số ít người ở Úc và nước ngoài muốn gây hại đến nước Úc.” Nhưng những người đó là ai? Tuy nhà chức trách không nói ra, nhưng trong cộng đồng thì đa số đều đoán được họ là ai.
Trong số trên 30 tổ chức bị Cục An Ninh Quốc Gia Úc liệt kê là ‘khủng bố’ thì có 28 tổ chức có gốc hay liên quan đến Hồi Giáo hoặc Trung Đông (3). Trong danh sách này có nhóm Hamas ở Trung Đông.
Chính phủ Úc xem Hamas là một tổ chức khủng bố, nhưng ngay tại Úc có khá nhiều người Hồi giáo công khai ủng hộ Hamas. Ngày 7/10/2023, khi Hamas bắn hàng ngàn hoả tiễn vào Do Thái, gây ra hơn 1200 cái chết, một nhóm Hồi Giáo ở Lakemba (một vùng ngoại ô Sydney, nơi có nhiều người Hồi giáo sinh sống) đã ăn mừng như một lễ hội. Một giáo sĩ Hồi Giáo tuyên bố rằng “Đó là một ngày của can đảm, ngày của hạnh phúc, ngày của tự hào, ngày của chiến thắng” (It’s a day of courage, it’s a day of happiness, it’s a day of pride, it’s a day of victory) (4).
Các nhà chức trách về an ninh quốc gia Úc chắc chắn đã nghiên cứu xu hướng khủng bố đang diễn ra trên thế giới. Sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan, như ISIS, đã dẫn đến sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố và âm mưu ở nhiều nơi trên thế giới. Sự tham gia của Úc vào các liên minh quân sự quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông, đã khiến Úc trở thành một mục tiêu tiềm năng cho các nhóm khủng bố.
Nhưng không chỉ các nhóm khủng bố quốc tế, mà ngay cả nội địa Úc cũng là một ‘môi trường’ nuôi dưỡng các nhóm cực đoan có tiềm năng khủng bố. Các nhóm hay cá nhân cực đoan này được sinh ra và lớn lên ở Úc trong những gia đình gốc Trung Đông mà Úc đã nhận vào cho định cư từ 40 năm trước.
Năm 2016, Bộ trưởng Bộ Di trú Úc lúc đó là Peter Dutton gây sốc dư luận khi ông nói rằng Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Fraser đã sai lầm khi cho phép quá nhiều người Li Băng theo đạo Hồi giáo định cư ở Úc vào thập niên 1980. Ông ấy chỉ thẳng cộng đồng người Li Băng.
Phát biểu này của ông Peter Dutton bị nhiều chính trị gia chỉ trích và lên án, nhưng ông cũng nhận được sự đồng tình và ủng hộ của rất nhiều người. Ông Dutton nhất định không rút lại lời phát biểu, vì ông nghĩ ông có quyền nói lên sự thật.
Tại sao ông Bộ trưởng Peter Dutton nói như thế? Ông Dutton cho biết rằng trong số 33 người bị kết tội khủng bố ở Úc trong thời gian trước đó, có 22 người Hồi giáo Li Băng thuộc từ thế hệ thứ hai và thứ ba (5).
Tháng 3/2015, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cho biết có ít nhất 90 người mang quốc tịch Úc đầu quân cho nhóm khủng bố IS ở Iraq và Syria. Đây là những người đã bị cực đoan hoá theo Hồi giáo (Radical Islam). Theo nghiên cứu của Giáo sư Clive Williams, một chuyên gia về an ninh Úc, khoảng 60% những kẻ bị cực đoan hoá là người Hồi giáo gốc Li Băng (6).
Ngày 15/4/2024, một thiếu niên 16 tuổi cầm dao tấn công Giám mục Mar Mari Emmanuel trước sự chứng kiến kinh hoàng của giáo dân đang dự lễ tại nhà thờ Christ The Good Shepherd Church, thuộc tiểu bang New South Wales, Úc. Cần nói thêm rằng trước đây, Giám mục Emmanuel từng có những phát ngôn chỉ trích các nhóm cực đoan Hồi giáo. Trước khi tấn công ngài Giám mục, người thiếu niên này cầu kinh Koran bằng tiếng Ả Rập. Nhà chức trách Úc xem đây là một cuộc khủng bố (7).
Sau vụ khủng bố trên, cảnh sát Úc được toà án cho phép đột kích vào hàng loạt gia đình, và họ bắt giữ thêm 7 người liên quan; trong số đó có 3 thiếu niên tuổi 15-17. Sự bắt bớ này làm cho một số tổ chức Hồi Giáo ở Úc rất giận dữ, vì họ không được tham vấn trước. Các tổ chức Hồi Giáo này đòi chính phủ Úc phải sa thải Giám đốc Cục Tình Báo và Anh Ninh Úc (ASIO). Tuy nhiên, lời kêu gọi của họ mang tính chính trị hơn là thực chất.
Nhập gia mà không tuỳ tục
Suốt 50 năm qua, chính phủ Úc nhận khá nhiều người tị nạn từ Trung Đông, đặc biệt là từ Li Băng. Đa số người tị nạn tìm cách ổn định cuộc sống và có đóng góp quan trọng cho nước Úc. Nhưng có một nhóm nhỏ không muốn hội nhập xã hội Úc. Một số thậm chí còn chống lại nước Úc!
Những người này không tôn trọng các giá trị truyền thống Úc, nhưng lại thích lợi dụng kẽ hở của luật pháp để ‘lấn chiếm’. Có những vùng ngoại ô, họ tìm cách ‘đuổi’ những người Úc bằng cách cố tình tạo nên một môi trường sống bẩn thỉu, ồn ào, và đe doạ để người Úc không thể chịu nổi và phải di dời đi chỗ khác. Khi người Úc (và cả các sắc dân khác) bỏ đi, họ kéo nhau về càng đông hơn, lập nhà thờ, và tạo thành những ‘đặc khu’ Hồi giáo. Đây cũng là địa bàn sản sinh ra những cá nhân Hồi giáo cực đoan.
Ở những nơi công cộng như công viên, khi có nhiều người Hồi giáo tụ tập là không có người Úc đến đó thưởng thức những ngày cuối tuần.
Tháng 8/2000, một nhóm gồm 14 thanh niên gốc Li Băng / Trung Đông / Ả Rập bắt cóc và hãm hiếp nhiều phụ nữ Úc. Có nạn nhân là một cô gái chỉ mới 14 tuổi. Họ hạ nhục các nạn nhân trước khi hãm hiếp họ một cách dã man. Họ nói những câu như: “Mày là người Úc, mày đáng được hãm hiếp. Tao sẽ hãm hiếp mày theo kiểu Li Băng.” Còn có những câu nói khác, nhưng toà án không cho công bố vì sợ bạo loạn. Toà án phạt nhóm thanh niên này tổng cộng 240 năm tù giam. Chánh án Micharl Finnane mô tả sự tàn bạo của nhóm thanh niên này như là những kẻ tội phạm trong thời chiến tranh. Báo chí mô tả sự kiện như là một tội phạm có động cơ kỳ thị chủng tộc và tội phạm thù hận.
Người Úc bị kỳ thị ngay trên quê hương mình!
Vào ngày 11/12/2005, hơn 5000 người Úc tụ tập tại bãi biển Cronulla ở phía nam Sydney để ‘giành lại bãi biển từ người ngoài’. Bãi biển Cronulla của Sydney đã là một điểm đến nổi tiếng vào ngày cuối tuần cho cộng đồng địa phương và cho khách du lịch đến từ các vùng ngoại ô phía tây nam. Nhưng trong thời gian trước đó, bãi biển này bị người Hồi giáo Ả Rập đến ‘chiếm đóng’ ngày càng đông. Họ có những hành xử trên bãi biển khiến cho người Úc không thể chịu đựng được.
Do đó, người Úc đồng lòng xuống đường ‘giành lại bãi biển từ người ngoài’ (ám chỉ người Trung Đông). Đỉnh điểm xảy ra khi một nhóm thanh niên Trung Đông tấn công và gây thương tích cho 3 tình nguyện viên cứu hộ người Úc. Sự tấn công này đã thật sự làm cho người Úc giận dữ, và họ trả thù bằng cách truy tìm những người có ngoại hình Trung Đông để tấn công. Sự xung đột này được xem là một xung đột chủng tộc nghiêm trọng nhất nhì trong lịch sử nước Úc.
Vụ xung đột chủng tộc dẫn đến bạo loạn năm 2005 trên bãi biển Cronulla, Sydney.
Cộng đồng người Hồi giáo ở Úc có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp 2 lần tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (8). Tình trạng thất nghiệp cao cũng dẫn đến nhiều vấn đề trong xã hội. Trong một đệ trình lên Quốc hội Úc về chính sách ‘Đa Văn Hoá’, một người Úc đã viết như sau (9):
“Tôi đã sống ở nhiều nơi trên khắp nước Úc – thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa và khu vực ngoại ô, và tôi nhận thấy rằng chủ nghĩa đa văn hóa không chỉ hoạt động mà còn hoạt động rất tốt. Ở một số khu vực của Úc, chính các cộng đồng dân tộc đã định cư tại khu vực này đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều thập kỷ và đã xây dựng các thị trấn trở nên thịnh vượng như hiện nay. Những thị trấn mà du khách đến thăm và trải nghiệm sự đa dạng văn hóa phong phú của Úc, một trải nghiệm thú vị sẽ đọng lại trong tâm trí họ suốt đời.
Tôi không thể nói rằng cùng một trải nghiệm sẽ được cảm nhận bởi bất kỳ ai có thể đến thăm Lakemba, Taylors Lakes, North Fitzroy hay những nơi tương tự. Những khu vực này đã trở thành những khu ổ chuột Hồi giáo (…)
Hai mươi chín người Hồi giáo sống trong một căn nhà ba phòng ngủ do chính phủ trợ cấp. Tất cả 29 người đều nhận trợ cấp của chính phủ, điều này thật đáng chê trách. Nếu đây là bất kỳ gia đình nào khác mà không phải là người Hồi giáo ở Úc, thì chắc chắn họ đã bị các cơ quan dịch vụ xã hội xử lý!
Một người chồng, 4 người vợ và tổng cộng 24 đứa con. Làm sao điều này có thể xảy ra? Tất cả họ đều nhận trợ cấp mà chúng tôi, những người đóng thuế, phải trả! Tôi thực sự tin rằng chủ nghĩa đa văn hóa đã đem lại cái tốt cho nước Úc, nhưng Hồi giáo thì không.”
Nỗi lo “Hồi giáo hoá”
Một số người Hồi giáo không những không hội nhập xã hội Úc mà còn muốn ‘Hồi giáo hoá’ / Islamization nước Úc. ‘Hồi giáo hoá’ là quá trình mà một xã hội chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều của Hồi giáo, thông qua việc áp dụng các nguyên tắc, giá trị, và luật pháp Hồi giáo. Hồi giáo hoá còn thể hiện qua sự gia tăng đáng kể về số lượng người theo đạo Hồi trong khu vực đó. Số người theo Hồi giáo gia tăng đáng kể tại các nước phương Tây. Ở Anh, số người Hồi Giáo tăng từ 1.2 triệu năm 2011 lên khoảng 4 triệu năm 2023. Ở Úc, số người Hồi giáo tăng từ khoảng 400 ngàn năm 2011 lên gần 1 triệu năm 2023.
Sự gia tăng dân số Hồi giáo cũng đi kèm theo nhứng áp lực chính trị của các nhóm Hồi giáo đòi thay đổi các giá trị truyền thống nơi họ định cư. Ở Úc, vài tổ chức Hồi giáo kêu gọi người Hồi giáo có quyền thành hôn, ly hôn, và dịch vụ tài chính theo luật Sharia của Hồi giáo.
Các nhóm cực đoan, như ISIS và Al-Qaeda, là một mối đe doạ đáng kể và có liên quan đến một số âm mưu và cuộc tấn công tại Úc. Mặc dù phần lớn người Hồi giáo tại Úc sống hòa bình và đóng góp tích cực cho xã hội, một số ít cá nhân đã bị cực đoan hóa bởi các diễn đàn cực đoan của Hồi giáo.
Có những người tị nạn gốc Hồi giáo được nhận vào Úc theo diện nhân đạo, nhưng sau đó họ quay lại chống nước Úc. Ngày 15 và 16/12/2014, một vụ khủng bố xảy ra tại quán cà phê nổi tiếng Lindt ngay tại trung tâm thành phố Sydney. Trong vụ này, một tay súng tên là Man Haron Monis bắt 10 khách hàng và 8 nhân viên làm con tin suốt 16 tiếng đồng hồ. Một con tin người Úc bị tay súng này giết chết. Một đội cảnh sát đặc nhiệm đã giải cứu những con tin còn lại và tiêu diệt tay súng. Điều đáng nói là tay súng khủng bố gốc Iran này, tên thật là Mohammed Hassan Manteghi Borujerdi (sanh năm 1964), là một người tị nạn và được chính phủ Úc nhận vào định cư theo diện nhân đạo vào năm 2001.
Khi cuộc chiến ở Trung Đông diễn ra, chính phủ Úc mới biết rằng một số công dân Úc đã và đang cầm súng cho ISIS và al Qaeda. Đa số những người này được nhận vào Úc định cư theo diện nhân đạo. Một phân tích của Viện Lowy (10) cho biết trong số 173 công dân Úc được xem là ‘jihadis’ (thánh chiến binh), 40% là sinh ra ở Li Băng hay có cha mẹ là người gốc Li Băng.
Những ‘thánh chiến binh’ này là một mối nguy hiểm lớn nếu họ quay trở lại Úc với kinh nghiệm chiến đấu và sự cam kết với các ý thức hệ cực đoan. Các nhà chức trách lo ngại về khả năng những người này thực hiện hoặc truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công khủng bố khi họ trở về. Tình trạng này rất đúng với câu “nuôi ong tay áo“.
Xung Đột Văn Minh?
Gần 30 năm trước (1996), Giáo sư Samuel Huntington thuộc Đại học Harvard xuất bản cuốn sách “The Clash of Civilizations” (tạm dịch là Xung Đột Giữa Các Nền Văn Minh). Trong sách, Giáo sư Huntington lập luận rằng trong tương lai, những xung đột toàn cầu sẽ xảy ra chủ yếu là xuất phát từ những khác biệt về văn hóa và tôn giáo, chứ không phải khác biệt về ý thức hệ hoặc kinh tế như thời Chiến tranh Lạnh. Cuốn sách đã trở nên một trong những tác phẩm bán chạy nhất và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất. Tưởng cần nhắc lại những điểm chính trong cuốn sách của Giáo sư Huntington:
Thế giới được chia thành nhiều nhóm dựa trên văn minh, mỗi nền văn minh có những bản sắc văn hóa riêng. Các nền văn minh trên thế giới bao gồm Phương Tây, Khổng Tử (Trung Quốc, Việt Nam), Nhật Bản, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Chính thống giáo (Nga), Mỹ Latin và có thể là Châu Phi. Bản sắc của con người sẽ là văn hoá và tôn giáo hơn là ý thức hệ chính trị.
Bản sắc văn hóa và tôn giáo sẽ là nguồn gốc chính của xung đột trên thế giới trong tương lai. Do đó, có thể dự báo rằng các cuộc xung đột trong tương lai sẽ diễn ra dọc theo các đường ranh giới giữa các nền văn minh. Khi các nền văn minh xích lại gần nhau hơn do toàn cầu hóa, tiềm năng xung đột sẽ gia tăng vì những khác biệt sâu sắc về văn hóa và hận thù lịch sử.
Thái độ và hành động cực đoan của thiểu số Hồi giáo ở các nước phương Tây là một trong những nguyên nhân cho sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan cánh hữu ở Âu châu. Không phải ngẫu nhiên mà các nước như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Hoà Lan, Ý Đại Lợi, Pháp, Đức, Anh, v.v. đều có những tổ chức chính trị kêu gọi hạn chế, thậm chí ngưng các chương trình di dân từ các nước Hồi giáo.
Thế nhưng do lịch sử phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo và các nhóm thiểu số khác, ở các nước phương Tây ngày nay người ta rất nhạy cảm với bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến các tổ chức khủng bố Hồi giáo. Bất cứ ai lên tiếng chất vấn về chương trình di dân hay chỉ đơn giản chỉ ra rằng đa số các tổ chức khủng bố có liên quan đến Hồi giáo và Trung Đông đều bị dán những cái nhãn như “Cực Hữu”, “Kỳ thị chủng tộc”, thậm chí “bài Hồi Giáo”. Giới truyền thông cánh tả và những chánh trị gia dân tuý rất thích những cái nhãn như thế. Cách gán nhãn này được họ sử dụng như là một vũ khí nhằm bịt miệng những tiếng nói ôn hoà quan tâm đến khủng bố. Hậu quả là người dân không muốn lên tiếng, và thay vào đó là họ xuống đường như đã xảy ra ở Luân Đôn trong mấy ngày qua.
Những gì Giáo sư Samuel Huntington dự báo đã dần dần trở thành hiện thực. Qua chính sách di dân ồ ạt và chính sách định cư nhân đạo, nhiều người Hồi giáo có cơ hội định cư ở các nước phương Tây, kể cả Úc. Tuy đa số họ hoà nhập vào xã hội phương Tây, một số nhỏ đã tỏ ra không chấp nhận các giá trị và thể chế phương Tây và họ đã tạo ra tình trạng bất ổn trong xã hội đã cưu mang họ. Nước Úc đã và đang ‘trải nghiệm’ sự Hồi giáo hoá và các thành phần cực đoan trong Hồi giáo. Những gì xảy ra trong quá khứ là bài học, và tương lai là nơi ứng dụng những bài học; việc chính phủ Úc nâng cao mức cảnh báo khủng bố lên ‘Có Thể’ cho thấy Úc đã học được những bài học trong hai thập niên qua liên quan đến các nhóm cực đoan trong và ngoài Hồi giáo.
Nguyễn Văn
——————
Ghi chú nguồn:
(1) https://www.nationalsecurity.gov.au/national-threat-level/current-national-terrorism-threat-level
(2) Ở Úc, nhà chức trách xếp nguy cơ thành 5 bậc: Not Expected (không xảy ra); Possible (có thể xảy ra); Probable (xác suất xảy ra trên 50%); Expected (xác suất xảy ra cao); và Certain (chắc chắn xảy ra).
(3) https://www.nationalsecurity.gov.au/what-australia-is-doing/terrorist-organisations/listed-terrorist-organisations
(4) https://www.news.com.au/world/im-elated-scenes-as-aussie-muslims-celebrate-hamas-in-south-west-sydney/news-story/47f8e73aa1cc01b6e9bbf58d5a33effe
(5) https://www.abc.net.au/news/2016-11-24/peter-dutton-defends-comments-on-lebanese-muslim-refugees/8053350
(6) https://www.bbc.com/news/world-asia-29249462
(7) https://www.afr.com/politics/shock-stabbing-at-sydney-church-a-terror-attack-20240416-p5fk4i
(8) https://library.bsl.org.au/jspui/bitstream/1/2803/1/Labour%20force%20outcomes%20for%20Australian%20Muslims.pdf
(9) https://www.aph.gov.au/parliamentary_business/committees/house_of_representatives_committees?url=mig/multiculturalism/subs/sub371.pdf
(10) https://interactives.lowyinstitute.org/features/typology-of-terror