Nguyễn Gia Kiểng: Một cột mốc lớn cần được nhìn rõ

Từ nay Ban Chấp hành Trung ươngcũng mất luôn mọi quyền lực. Ngoài quốc hội bù nhìn chế độ cộng sản vừa có thêm một định chế bù nhìn mới là Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII. Ảnh : TTXVN

Trong bất cứ quốc gia bình thường nào sau một thiên tai dù chỉ bằng một phần mười cơn bão Yagi vừa qua các cấp lãnh đạo cao nhất cũng lập tức đến nơi quan sát thiệt hại và ủy lạo các nạn nhân và gia đình. Nhưng tại nước ta vừa rồi thì không, dù thiệt hại về nhân mạng cũng như vật chất đã ở mức độ kinh hoàng chưa từng thấy. Các vị lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam còn bận họp Hội Nghị Trung Ương 10 khóa 13, một hội nghị rất đặc biệt đáng được coi là một cột mốc lớn trong lịch sử của đảng và chế độ cộng sản.

Đảng Cộng Sản còn lại gì?

Theo thông báo của Đảng Cộng Sản thì Hội nghị đã “thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể” trong đó vấn đề chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ 14 sắp tới (2026 -2031) được coi là “then chốt của then chốt”“có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tất cả các vấn đề này đều rất hệ trọng và phức tạp, mỗi vấn đề đòi hỏi nhiều ngày thảo luận ngay cả nếu đã có chuẩn bị trước. Tuy vậy hội nghị lại chỉ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024, “ngắn hơn dự kiến” theo lời ông Tổng Bí thư Tô Lâm, các tài liệu dự thảo cũng chỉ được gửi tới các ủy viên 7 ngày trước hội nghị.

Câu hỏi đầu tiên là làm thế nào để thảo luận từng ấy vấn đề có tầm quan trọng chiến lược trong vòng ba ngày? Giải đáp gọn nhẹ của Đảng Cộng Sản nằm trong câu cuối chung của thông báo về mọi cuộc thảo luận: “Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt, ban hành thực hiện”. 

Như vậy trên mọi vấn đề được đưa ra thảo luận các ủy viên Ban Chấp hành Trung ươngchỉ cho ý kiến còn quyết định hoàn toàn thuộc Bộ Chính trị. Nhưng họ cho ý kiến –chứ không biểu quyết- như thế nào? Các tài liệu đều dài và phức tạp, phần trình bày cũng đã chiếm một phần đáng kể thời giờ các phiên họp, các ủy viên cùng lắm chỉ có thể đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn và đưa ra một vài ý kiến sơ sài. Trên thực tế hiện nay họ cũng không dám phản biện nếu không muốn sau đó bị điều tra về tội tham nhũng hay tiêu cực và bị kỷ luật. Nói chung đây chỉ là những buổi họp thông tin và tham khảo. Bộ chính trị quyết định tất cả. Ban Chấp hành Trung ươngchỉ còn vai trò phụ họa và dơ tay của một định chế bù nhìn, không khác gì quốc hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Câu hỏi kế tiếp là tại sao vấn đề chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ 14 sắp tới lại là vấn đề “then chốt của then chốt”? 

Cụm từ “then chốt của then chốt” đã được dùng để đánh giá việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới ngay từ Hội Nghị Trung Ương 7, tháng 5-2023. Nó đánh dấu một giai đoạn mới của Đảng Cộng Sản Việt Nam. 

Trong một chính đảng lành mạnh, ngay cả bình thường, việc chọn lựa các cấp lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới tuy rất quan trọng nhưng không phải là vấn đề gay go trong trong việc chuẩn bị một đại hội bởi vì phần lớn đã được quyết định trước; qua sinh hoạt các đảng viên trong các đơn vị đảng từ dưới lên trên đã biết trước những ai xứng đáng được đưa lên đơn vị trên. Các đảng viên được cử làm đại biểu tham dự đại hội cũng biết trước sẽ bầu những ai vào trung ương đảng và các chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Chính Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã sinh hoạt như thế, ít nhất từ năm 1975. 

Tình hình đã chỉ thay đổi từ Đại Hội XI năm 2011, khi chủ nghĩa Mác – Lênin rõ ràng đã bị nhận diện như một sai lầm độc hại và không còn là lý tưởng chung nữa, lý do duy nhất để gia nhập hoặc ở lại đảng chỉ còn là lợi ích cá nhân. Tham nhũng và đấu đá phe nhóm là hậu quả tất nhiên. Đảng cũng đã tích lũy đủ mâu thuẫn sau 25 năm thực hiện chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trương Tấn Sang (Thường trực Bộ Chính trị) và Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng) đã đấu đá giành nhau chức vụ Tổng Bí thư. Nguyễn Tấn Dũng mạnh hơn nhưng đã mất uy tín sau quá nhiều vụ tham nhũng. Kết quả là không ai thắng hẳn. Nguyễn Tấn Dũng vẫn giữ chức Thủ tướng, Trương Tấn Sang được chiếc ghế nghi lễ Chủ tịch nước và Nguyễn Phú Trọng được chọn làm Tổng Bí thư như một giải pháp chấp nhận được cho cả đôi bên. Liên minh Trương Tấn Sang – Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tấn công phe Nguyễn Tấn Dũng qua chiến dịch đốt lò chống tham nhũng khiến “Đồng Chí X” bị mất chức Thủ tướng sau Đại hội XII năm 2016. Ông Dũng tuyên bố về hưu để “trở thành người tử tế”, mặc nhiên nhìn nhận Đảng Cộng Sản không còn là đảng của những người lương thiện. 

Sau đó đấu đá nội bộ tiếp tục giữa những phe nhóm ủng hộ Nguyễn Phú Trọng và ngày càng khốc liệt hơn. Đại Hội XIII năm 2021 đã là một cuộc đảo chính nội bộ loại bỏ Trần Quốc Vượng, người đã được chuẩn bị làm Tổng Bí thư, để giữ ông Trọng làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba dù nội quy đảng chỉ cho phép Tổng Bí thư giữ chức hai nhiệm kỳ và hơn nữa ông Trọng đã hoàn toàn kiệt quệ về sức khỏe, thân xác cũng như trí tuệ. Từ đó Tô Lâm, cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trong trong vai trò phó ban Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng Chống Tham nhũng, bắt đầu loại dần những người có thể chống lại hay cạnh tranh với mình. Đấu đá nội bộ càng khốc liệt hơn sau Đại Hội XIII.

Chính vì đấu đá nội bộ dữ dội mà việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ 14 sắp tới (2026 -2031) trở thành “then chốt của then chốt”, đúng ra là vấn đề sống chết của các phe phái trong đảng, và không thể để cho các đơn vị đảng quyết định qua sinh hoạt được nữa. Hội nghị trung 8, tháng 10-2023, quyết định việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ XIV sắp tới  phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị” (sic). Thế là chấm dứt quyền bầu ra Ban Chấp hành Trung ương của các đơn vị đảng các cấp, địa phương cũng như chuyên ngành. Vĩnh biệt dân chủ trong nội bộ đảng. Không thể khác vì người ta chỉ có thể áp đặt chuyên chính trên xã hội nếu thi hành chuyên chính hơn trong đảng, đó cũng là một quy luật.

Phải đọc rất kỹ thông báo của hội nghị mới thấy thay đổi rất lớn sau Hội nghị Trung ương 10 lần này. Đó là từ nay trong tất cả mọi vấn đề « Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt, ban hành thực hiện”. Thế là từ nay Ban Chấp hành Trung ương cũng mất luôn mọi quyền lực. Ngoài quốc hội bù nhìn chế độ cộng sản vừa có thêm một định chế bù nhìn mới là Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Từ nay Bộ Chính trị tập trung mọi quyền lực, dĩ nhiên kể cả quyền quyết định những ai sẽ là những Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư. Nhưng Bộ Chính trị hiện đang như thế nào? “Khủng hoảng” có lẽ là từ quá nhẹ để chỉ tình trạng của Bộ Chính trị hiện nay. Chỉ trong một năm qua 7 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị đã bị thanh trừng trong đó có ba Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội, hai phó Thủ tướng; thêm vào đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa qua đời. 

Tóm lại mọi quyền lực trong đảng và chế độ từ nay chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ đang tranh chấp nội bộ dữ dội. Người ta có thể tự hỏi Đảng Cộng Sản thực sự còn lại gì và khối năm triệu đảng viên cộng sản còn có vai trò nào?

Một tiến trình tự nhiên không có ngoại lệ

Lý luận cũng như thực tế đều cho phép kết luận là chế độ cộng sản đã đến lúc phải cáo chung. Các nghiên cứu về tâm lý tổ chức đều cho thấy là mọi kết hợp chỉ có thể tồn tại lâu dài nếu có một mục tiêu chung. Quyền lợi cá nhân chỉ gây xung đột chứ không đoàn kết được những con người, điều này càng đúng với một tổ chức chính trị. Một chính đảng bắt buộc phải có một lý tưởng, nghĩa là một mục tiêu cao cả, làm nền tảng. Trong trường hợp các đảng cộng sản lý tưởng còn là điều kiện sống còn gay gắt hơn bởi vì họ như một tôn giáo lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kinh thánh, khi kinh thánh đã bị vất bỏ thì tôn giáo lập tức phải bốc hơi. Đó đã là lý do tại sao các đảng cộng sản Liên Xô và Đông Âu đã tan biến ngay sau khi phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó cũng là lý do khiến Trường Đảng Bắc Kinh sau một nghiên cứu công phu -với sự tham gia của nhiều giáo sư triết và chính trị Phương Tây- đã quyết định kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin dù thừa biết rằng đó là chọn lựa tuyệt vọng. Đặng Tiểu Bình sau khi tuyên bố mèo trắng mèo đen mèo nào cũng được miễn là bắt được chuột đã đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Nhưng sự thực là chủ nghĩa Mác – Lênin đã chết và chết hẳn; nó không chỉ bị nhận diện như là một sai lầm mà còn bị lên án như một tội ác đối với loài người. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chết thì chắc chắn các chế độ cộng sản phải cáo chung và các đảng cộng sản phải bốc hơi. Chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”- mà Đảng Cộng Sản Việt Nam sao chép từ Trung Quốc- là một nhượng bộ gượng gạo chỉ có thể kéo dài thêm giai đoạn hấp hối chứ không thể cứu sống được chế độ cộng sản. 

Trong vài bài viết gần đây tôi đã phân tích tiến trình cáo chung bắt buộc của các chế độ cộng sản (1). Một cách tóm lược, sự từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin , dù một cách chính thức hay trên thực tế, khiến các đảng cộng sản không còn lý tưởng chung với hậu quả là tham những và đấu đá nội bộ ngày càng khốc liệt, các phe phái theo nhau nảy sinh, đảng không còn lấy được những quyết định chung nữa và phải miễn cưỡng chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân, rồi rối loạn và sụp đổ khi phải thay thế nhà độc tài miễn cưỡng. 

Đó là tiến trình tự nhiên và không thể có ngoại lệ. Thực tế Việt Nam đã như thế nào? Cuộc xung đột Trương Tấn Sang – Nguyễn Tấn Dũng đã đến vì sau 25 năm rập khuôn theo chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc chế độ đã tích lũy đủ mâu thuẫn. Nguyễn Phú Trọng loại được Nguyễn Tấn Dũng chỉ để dọn chỗ cho những đấu đá nội bộ giữa những phe phái ủng hộ ông, giữa công an và tuyên giáo, giữa Hưng Yên và Nghệ Tĩnh v.v. Chính sách đốt lò chống tham nhũng đã không ngăn chăn được sự nẩy sinh của những vụ tham nhũng lớn hơn –Vạn Thịnh Phát, FLC, AIC, chuyến bay giải cứu v.v. Lý do là vì tham nhũng và đấu đá nội bộ là bệnh đương nhiên của mọi chế độ cộng sản khi đã mất lý tưởng. Và bây giờ Đảng Cộng Sản phải làm một việc mà họ sẽ không làm được là thay thế Nguyễn Phú Trọng. Tô Lâm không phải là giải pháp và cũng không ai khác có thể là giải pháp.

Chúng ta sẽ khó có thể hiểu những gì đã xảy ra và dự đoán những gì sắp đến nếu không nhìn rõ hai sự kiện đặc biệt quan trọng.

Một là, kể từ năm 2013 cơ quan quyền lực cao nhất trong chế độ cộng sản Việt

 Nam không phải là Bộ Chính trị  mà là Ban Chỉ đạo Trung Ương Phòng, Chống Tham nhũng. Trong hiện tình của chế độ bất cứ quan chức cộng sản nào cũng có tội tham nhũng nếu bị điều tra, vấn đề chỉ là điều tra những ai mà thôi và quyền này thuộc Ban Chỉ đạo Trung Ương Phòng Chống Tham nhũng, nhất là nó lại có quyền điều ra “không có vùng cấm”, nghĩa là bất cứ ai. Ban này được thành lập năm 2006 và thuộc thẩm quyền của chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban. Điều này là tự nhiên vì tham nhũng là một vi phạm pháp luật và pháp luật phải do nhà nước xử lý, nó cũng chứng tỏ rằng sau 20 năm “đổi mới”, từ Đại Hội VI năm 1986, tham nhũng đã đạt tới mức độ báo động. Tuy vậy vì Nguyễn Tấn Dũng không ngăn chặn được tham nhũng (cũng như Nguyễn Phú Trọng sau này, chỉ khác một điều là chính ông Dũng cũng tham nhũng) nên từ năm 2013 ban này được chuyển giao cho Bộ Chính trị, điều này vô lý vì đảng không có quyền xử lý luật pháp dù là đảng cầm quyền. Ban này từ đó do chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban và Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm phó ban. Đây là một thỏa hiệp giữa hai phe mạnh nhất trong đảng: tuyên giáo và công an. Từ ngày 16/09/2021, 8 tháng sau Đại Hội XIII, ban này lại còn được gia tăng quyền lực và đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung Ương Phòng Chống Tham nhũng, Tiêu cực. “Tiêu cực” được hiểu là mất lòng tin vào chủ nghĩa Mác –Lênin hay có khuynh hướng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Như vậy nó có thể trừng phạt bất cứ ai vì bất cứ lý do nào, nói khác đi nó nắm quyền quyết định sinh mạng chính trị của mọi đảng viên thuộc mọi cấp bậc.

Hai là, ít nhất từ sau Đại Hội XIII, tháng 01/2021, người cầm quyền thực sự tại Việt Nam là Tô Lâm chứ không phải là Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã bị đột quỵ vào mùa hè năm 2019 và dần dần đã mất hết mọi khả năng thể xác cũng như trí óc. Đại Hội XIII đã chứng kiến cuộc đảo chính cung đình của Tô Lâm. Đại Hội này đã biểu quyết giữ nguyên bản điều lệ đảng theo đó Tổng Bí thư chỉ tại chức hai nhiệm kỳ, nghĩa là cho ông Trọng về hưu, ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư) cũng đã được chuẩn bị làm Tổng Bí thư. Bất ngờ là hôm sau Đại Hội lại bất chấp bản điều lệ vừa được long trọng biểu quyết và bầu ông Trọng làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba dù ông đã cực kỳ yếu bệnh. Tại sao? Phải hiểu là Tô Lâm đã đưa cho Trần Quốc Vượng xem hồ sơ điều tra về ông và cho ông chọn giữa về hưu an toàn hay bị truy tố. Từ đó Tô Lâm toàn quyền quyết định loại trừ bất cứ ai nhân danh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chỉ đạo Trung Ương Phòng Chống Tham nhũng, Tiêu Cực. Kết quả là ba Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội, hai phó Thủ tướng, bảy thành viên Bộ Chính trị  mất chức và phải im lặng để khỏi bị truy tố. Việc đổi tên Ban Chỉ đạo Trung Ương Phòng Chống Tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung Ương Phòng Chống Tham nhũng, Tiêu cực tám tháng sau Đại Hội XIII chắc chắn cũng là sáng kiến của Tô Lâm để gia tăng quyền lực cho mình, Nguyễn Phú Trọng lúc đó chỉ còn là hình nộm để Tô Lâm nhân danh hành động theo ý mình mà không chịu trách nhiệm.

Hai sự kiện rất quan trọng này, dù vậy, không thay đổi được tiến trình cáo chung của chế độ cộng sản mà chỉ đẩy nó tiến nhanh hơn. Như đã trình bày ở phần trên, kể từ Đại Hội XIII, Hội nghị Trung Ương 8 đã vô hiệu hóa mọi đơn vị đảng, dù địa phương hay chuyên ngành; Hội nghị Trung Ương 10 vừa qua đã tước luôn mọi quyền hành của Ban Chấp hành Trung ương. Từ nay mọi quyền hành thuộc về Bộ Chính trị, khối năm triệu đảng viên cộng sản chỉ còn là dụng cụ của một nhóm 18 người chống đối lẫn nhau. Đảng Cộng Sản không khác một cái xác không hồn.

Còn Tô Lâm? Tuy đã thâu tóm được cả hai chức vụ Chủ tịch nướcvà Tổng Bí thư nhưng thế của ông yếu đi chứ không mạnh lên. Trước đây ông toàn quyền hành động mà không chịu trách nhiệm vì nhân danh Nguyễn Phú Trọng và không ai quy trách ông Trọng, một người sắp qua đời. Bây giờ Tô Lâm phải trực tiếp chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình. Không những thế người ta lại còn biết rằng những vụ thanh trừng ở cấp cao trước đây là do Tô Lâm, nhiều người đang chờ cơ hội để trả thù. Như thông báo, tháng 10 này quốc hội sẽ biểu quyết để “kiện toàn chức danh Chủ tịch nước”. Có thể Tô Lâm sẽ nhường chức Chủ tịch nước, bởi vì điều hành nhà nước không phải là khả năng của ông nhất là nước ta lại sắp đi vào một giai đoạn rất khó khăn và phức tạp về kinh tế cũng như xã hội.

Có thể chờ đợi gì?

Nhiều người, trong đó có những bạn tôi, tin rằng Tô Lâm sẽ có một chính sách cởi mở hơn, tới gần Mỹ, Châu Âu và các nước dân chủ hơn, ông có tham vọng mở ra một kỷ nguyên mới. Họ không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào nhưng tôi tin cảm nhận của họ là đúng bởi vì Tô Lâm hay bất cứ ai cầm quyền cũng phải nhận ra rằng chế độ cộng sản không thể tiếp tục như hiện nay. Nhưng Tô Lâm có hiểu phải thay đổi như thế nào và có bản lĩnh để thực hiện sự thay đổi đó hay không là chuyện rất khác. Những việc ông đã làm nhân danh Nguyễn Phú Trọng trước đây hay nhân danh chính mình gần đây khiến người ta phải rất ngờ vực tài năng của ông. Trong bốn năm qua chính sách lệ thuộc quá đáng và lộ liễu vào Trung Quốc của Tô Lâm nhân danh Nguyễn Phú Trong đã gây thất vọng lớn cho nhân dân Việt Nam, cho các chính quyền dân chủ cũng như cho các quỹ đầu tư và các công ty đa quốc, làm mất đi một cơ hội lớn cho đất nước. Chỉ hai tuần sau khi được bầu làm Tổng Bí thư đảng ông đã vội vã sang Trung Quốc chầu Tập Cận Bình và ký thêm 14 thỏa hiệp hợp tác mới, quên cả ngày 19/08 là ngày sinh của chế độ cộng sản Việt Nam. Trong chuyến đi Mỹ vừa qua ông đã chỉ được gặp tổng thống Mỹ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc chứ không được mời tới Nhà Trắng như mong muốn. Tại trường Đại Học Columbia ông đã đọc một câu trả lời chuẩn bị trước chẳng liên quan gì đến câu hỏi về hòa giải và hòa hơp dân tộc khiến người nghe phải bật cười. Rồi ông tiếp đón Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Mỹ, một đảng chính trị chỉ có giá trị của con số zero, và sang thăm Cuba để bày tỏ tình đồng chí cộng sản. Ông chỉ làm xấu thêm hình ảnh vốn đã không được cảm tình của các nước dân chủ.

Tô Lâm gần đây tuyên bố là sẽ “đổi mới mạnh mẽ” để mở ra một “kỷ nguyên mới” nhưng không ai biết ông hiểu “kỷ nguyên mới” là gì? Đó chỉ có thể là kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, Kỷ Nguyên Thứ Hai trong lịch sử nước ta bởi vì từ trước đến nay chúng ta đã chỉ có những chế độ chuyên chế, chuyên chế quân chủ rồi chuyên chế cộng sản. Có lẽ đó đó không phải là “kỷ nguyên mới” mà Tô Lâm hô hào. Trong những ngày gần đây rất nhiều người dân chủ đầy thiện chí và rất ôn hòa đã bị sách nhiễu kể cả một số bạn tôi, mới hai tuần trước một người bị đánh trong đồn công an và một người bị bắt và còn đang bị giam giữ. Nếu đó thực sự là chính sách đổi mới của Tô Lâm thì ông sẽ chỉ làm cho chế độ cộng sản cáo chung nhanh hơn trong hận thù và hỗn loạn, điều mà không một người Việt Nam yêu nước nào muốn.

Một lời sau cùng với các đảng viên cộng sản.

Chế độ này đã đến giai đoạn chót của tiến trình cáo chung, mỗi ngày còn lại của nó là một ngày mất đi cho đất nước. Các bạn không còn lý do nào để bảo vệ nó, nhất là bây giờ chính các bạn cũng đã bị gạt ra ngoài lề quyền lực để chỉ bị sử dụng như một dụng cụ khống chế dân tộc. Mỗi người tùy điều kiện của mình nên đóng góp cho cuộc vận động dân chủ hóa đất nước, hay ít nhất không tiếp tay đàn áp những tiếng nói dân chủ. Đừng gây thêm khó khăn cho cố gắng lớn mà chúng ta sắp phải làm một cách triệt để với tất cả quyết tâm. Đó là hòa giải dân tộc để mọi người Việt Nam nhìn lại nhau như anh em và cùng nắm tay nhau xây dựng một tương lai Việt Nam chung.

Nguyễn Gia Kiểng

(02/10/2024)

————————-

  1. Đề nghị đoc thêm:

Chế độ cộng sản đã đến lúc phải cáo chung

Tô Lâm và những gì thực sự quan trọng