Mặc Lý: Tên Nước Mỹ và Chuyện Ông Bùi Viện Đi Sứ Sang Mỹ

Hình minh hoạ: quốc kỳ nước Mỹ

– Anh nhấp nước chè rồi chúng ta nói chuyện. Trời hôm nay ấm hơn tuần trước. Mùa đông này đặc biệt ấm, tôi chưa thấy năm nào lại ấm như thế cả.

– Vâng. Chỉ mong là năm tới trở lại chút cái lạnh của hồi tôi mới sang Canada. Nhanh thật. 

– Hôm nay chúng ta bàn chuyện gì đây?

Mỹ và Mẽo

– Xin anh nói về gốc gác những tên gọi nước Mỹ của người Việt Nam. Trước hết, ta thường gọi nước Mỹ, người Mỹ thì tên Mỹ này ở đâu mà ra?

– Người Việt chúng ta tiếp xúc với người Mỹ, nước Mỹ chậm hơn người Tàu và Nhật. Cả hai nước trên đều gọi tên này dựa vào phát âm của chữ America, vốn chỉ chung cả lục địa châu Mỹ và nước lớn nhất trong lục địa đó là nước Mỹ. Thí dụ người Nhật, với lối viết chữ katakana, họ viết viết アメリカ, đọc như Amerika, còn với lối chữ kanji dùng Hán tự, thì viết là 米国 (Mễ quốc), trong đó Mễ 米, nghĩa là lúa gạo. Với người Tàu, họ cũng dịch America theo lối phiên âm thành 美 利 堅 (âm Việt là Mỹ Lợi Kiên, không đọc âm A), và gọi nước Mỹ là 美 国 (Mỹ quốc), với chữ Mỹ 美 nghĩa là đẹp, khác với người Nhật. Ông bà ta có lẽ dựa vào sách Tàu khi tìm hiểu Tây phương, nên cũng dùng chữ Mỹ quốc, tức nước Mỹ, với chữ Mỹ thời còn dùng Hán tự, cũng viết là Mỹ (美 đẹp) chứ không phải Mễ (米 gạo).

– Vâng, như vậy chữ Mỹ là mượn từ người Tàu, vốn dùng chữ Mỹ cho cả âm America, Thế còn chữ Mẽo ở đâu ra?

– Đây chỉ là một kiểu tiếng lóng, tiếng đùa cho vui thôi anh. Tôi nghĩ nó xuất phát từ báo chí miền Nam khoảng cuối thập niên 1950 cho năm 1975, như một lối viết tếu của ký giả và cũng là một cách nói tếu bình dân. Tôi để ý trong nước ít dùng chữ này, còn báo chí hải ngoại cũng ít dùng, có chăng chỉ còn trong lớp người lớn tuổi. Trong tiếng lóng, người mình cũng gọi người Mỹ là Chú Sam, do từ cách người Mỹ gọi đùa chính họ là Uncle Sam. Biệt danh này,  nhiều người cho là bắt nguồn từ việc ông Samuel (gọi tắt là Sam) Wilson chuyên cung cấp thịt bò cho quân đội Mỹ trong chiên tranh 1812 được binh sĩ thấy tên trên các nhãn thịt bò của ông này.

Hoa Kỳ

– Cách gọi Hoa Kỳ, mà người miền Nam cũng gọi là Huê Kỳ, thì từ đâu vậy anh?

– À, chuyện này thì có dính tới lịch sử một chút. Năm 1784 khi lần đầu thương thuyền của Mỹ chở hàng sang Trung Quốc, chiếc tàu Empress of China cập bến Quảng Châu, người dân ở đó thấy những ngôi sao trên lá cờ nước Mỹ, lúc đó có 13 ngôi sao, trông giống những bông hoa thì gọi Mỹ là nước cờ hoa, Hoa Kỳ quốc. Chuyện này đã được kể lại trong cuốn Từ Hoa kỳ quốc đến Mỹ Lợi Kiên Hợp Chúng Quốc” của Lương Kiến. Về sau chữ quốc cũng bỏ mất, Hoa kỳ là tiếng gọi nước Mỹ. Người Việt mình khi dịch lại các danh từ riêng từ sách Tàu, cũng dùng chữ Hoa Kỳ để chỉ nước Mỹ, tuy nhiên hiện nay chính nước Tàu lại không còn dùng tên Hoa Kỳ để chỉ nước Mỹ nữa.

– Như vậy Hoa Kỳ có phải là tên chính chức trong công văn không anh?

– Đúng vậy anh ạ. Vào trang mạng của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hiện nay, trong phần tiếng Việt, họ dùng chữ Hoa Kỳ cho nước Mỹ, thí dụ chính phủ Hoa Kỳ, tổng thống Hoa Kỳ…

Hợp Chúng Quốc

– Có hai tên Hợp Chúng Quốc và Hợp Chủng Quốc để chỉ nước Mỹ, tên nào mới đúng?

– À, hai này thì lý thú nhưng cũng dài dòng đây. Khi chuyển ngữ tên một nước sang ngôn ngữ khác, người ta có thể dựa vào lịch sử, nhưng thông thường nhất là dựa vào phiên âm nếu là danh từ riêng và ý nghĩa nếu là danh từ chung. Hoa Kỳ là một thí dụ về việc dựa vào lịch sử, nhưng không chỉ có vậy. Tên đầy đủ của nước Mỹ là The United States of America, nghĩa là quốc gia do nhiều (tiểu) bang hợp lại của châu Mỹ. Như tôi đã nói bên trên, ngoài tên giản tiện thông thường là nước Mỹ hay Mỹ quốc, người Tàu gọi là Mỹ Lợi Kiên Hợp Chúng Quốc , trong đó Chúng (dấu sắc) nghĩa là nhiều, chỉ quốc gia ở châu Mỹ, hợp lại từ nhiều (tiếu) bang (nhỏ). 

– Còn người Việt thì sao hả anh?

– Việt Nam Tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức (xem [1]), giải nghĩa Hợp Chúng Quốc là nước lớn do nhiều nước nhỏ hợp lại, ghi thí dụ (nước) Hoa Kỳ là Hợp Chúng Quốc. Trong cuốn Hán Việt tự điển xuất bản năm 1932 (xem [2]), Đào Duy Anh cũng giảng nghĩa Hợp Chúng Quốc là nhiều quốc gia (tức tiểu bang) kết hợp với nhau, đứng ở dưới một chủ quyền  chung, như nước Mỹ (États unis). 

Hợp Chủng Quốc và chuyện ông Bùi Viện

– Vậy tên Hợp Chủng Quốc từ đâu ra, có đúng hơn Hợp Chúng Quốc không?

– Tên Hợp Chủng Quốc phát sinh từ khoảng cuối thập niên 1940, được dùng ở miền Nam từ thời Quốc gia Việt Nam cho đến năm 1975. Lúc đó nước Mỹ được gọi là Hiệp (tức Hợp) Chủng Quốc Hoa Kỳ.

– Tại sao là Hợp Chủng Quốc?

– Chủng (種) đây là chủng loại, chủng tộc. Hợp Chủng Quốc được giảng nghĩa là quốc gia được tạo thành từ nhiều chủng tộc khác nhau. Có người cho rằng tên này xuất phát từ cuốn sử về Bùi Viện, tựa là “Bùi Viện với chính phủ Mỹ”, do Phan Trần Chúc xuất bản năm 1945 (xem [3]). Bùi Viện sau khi đi sứ sang Mỹ về tâu với vua Tự Đức là nước Mỹ gồm nhiều chủng tộc khác nhau, nên gọi là Hợp Chủng Quốc. 

– Cuốn sử này và việc này có đáng tin không anh?

– Không, anh ạ. Trước hết, bảo nguồn Hợp Chủng Quốc từ cuốn sử này thì không đúng. Cuốn này, đúng ra là lịch sử tiểu thuyết, sau này được in lại với tựa mới là “Bùi Viện với Cuộc Duy tân của Triều Tự Đức”. Sách không hề đề cập đến tên Hợp Chủng Quốc. Tuy nhiên cuốn sách này lại có nhiều điểm hư cấu rất xa thực tế cũng như những gì ghi chép trong lịch sử. Theo tác giả họ Phan, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Bùi Viện được toàn quyền đi đến bất cứ một nước nào, trong một chuyến đi mà triều đình nhà Nguyễn đặt nhiều kỳ vọng, làm lễ tiễn đưa sứ giả tại núi Thuý Vân, nhưng phương tiện chỉ là “một chiếc thuyền nan với vài người thủ túc (sic)” (xem [3], trang 30). Sau khi Bùi Viện đến Hongkong và nói chuyện với một sứ thần người Mỹ, ông chọn đi Mỹ mong có sự giúp đỡ Việt Nam. Ông được tổng thống Mỹ Lincoln, mà sách gọi là thống lĩnh Lincoln, tiếp kiến, tỏ ý muốn giúp đỡ Việt Nam nhưng vì không có quốc thư nên ông quay về Việt Nam để lấy. Khi trở sang lại Mỹ với quốc thư thì tổng thống Lincoln đã bị ám sát nên chuyện nước Mỹ giúp đỡ Việt Nam canh tân không thành.

– Chuyện này khó tin quá hả anh?

– Vâng, anh nói phải. Đây chỉ là hư cấu, của một tiểu tiểu thuyết lịch sử, và hơn nữa, xây dựng trên những mốc không có trong lịch sử. Năm Tự Đức thứ hai mươi sáu là năm 1873, mà ta biết là tổng thống Lincoln đã bị ám sát năm 1865. 

– Như vậy chuyện Bùi Viện là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ là chuyện không có thật?

– Chắc anh biết học giả Nguyễn Quốc Trị, viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh miền Nam chứ? Ông viết một cuốn sử, tựa là Nguyễn Văn Tường (1826 – 1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn (xem [4]). Tác giả chính là cháu ba đời của Nguyễn Văn Tường, viết để sửa lại cái nhìn sai lạc của hậu thế về ông cố của mình. Tác giả bỏ ra 12 năm chỉ đề sưu tầm tài liệu Anh, Pháp. Hán, Việt, với hơn 400 sách tham khảo và hàng trăm tại liệu phụ lục. Đây là một bộ sử khá đồ sộ về một giai đoạn đầy biến động của nước Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Trị, dấu vết của ông Trần Trọng Khiêm, một người Việt Nam lưu lạc sang Mỹ trước đó gần nửa thế kỷ cũng được tìm thấy mà chuyện một nhà ngoại giao có một sứ mạng quốc gia đến Mỹ, dù được tổng thống Mỹ tiếp đón hay không lại không tìm được một dấu vết gì trong văn khổ Mỹ thì là chuyện không hợp lý.

Giống như ông Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện là một người có thật, được nhắc nhở đến với những đề nghị canh tân đất nước, nhưng bảo ông là nhà ngoại giao Việt Nam đến Mỹ thì không đúng.

– Nếu không từ cuốn sách của Phan Trần Chúc thì cái tên Hợp Chủng Quốc đi vào lịch sử như thế nào?

– Tôi nghĩ rằng thời gian cuối thập niên 1940, người Việt quốc gia tuy chán ghét chế độ độc tài đảng trị của Việt Minh nhưng họ tham gia vào thể chế Quốc gia Việt Nam miễn cưỡng, vì biết rằng người Pháp không thực tâm trao trả độc lập cho Việt Nam. Trong tình trạng nhân sự thiếu hụt, việc chuyển ngữ tên The United States of America thành Hợp Chủng Quốc, thay vì Hợp Chúng Quốc là điều hiểu được.  Tôi nhớ trước năm 1975, có một số người lên tiếng về tên Hợp Chủng Quốc này, nhưng vì tình trạng chiến tranh, việc này đã bị xếp lại trước những nhu cầu quan trọng và cấp thiết hơn.

– Sau năm 1975 thì sao hả anh?

– Sau khi quan hệ của hai quốc gia Việt Mỹ trở thành bình thường, tên Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ vẫn được tiếp tục dùng. Trong trao đổi giữa hai nước bằng tiếng Anh, cả hai đều dùng The United States of America, viết tắt là USA, hay vắn tắt hơn là The United States, viết tắt là US, thí dụ President of the United States of America, The United States Embassy …, Còn trong công văn chính phủ hay trong trao đổi bằng tiếng Việt giữa hai nước, nước Mỹ gọi mình là Hoa Kỳ, như tổng thống Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ, còn Việt Nam dùng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cho đến năm 2015. Trong năm 2015 này, Việt Nam đã trở lại tên Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Tôi cho đó là một chiều hướng tốt.

– Có người cho hay là ở phía ngoài toà đại sứ Mỹ tại Việt Nam vẫn còn bảng đồng mang tên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

– Tôi không rõ chuyện này. Có thể nhà cầm quyền đã sửa rồi hoặc chậm trễ trong việc thay tên. Cũng có thể là những gì bên ngoài toà đại sứ là trách nhiệm của nước sở tại là Việt Nam. Và Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ hay Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chỉ liên quan đến Việt Nam là tên mà người Việt gọi nước Mỹ, còn Hoa kỳ là tên tiếng Việt mà nước Mỹ tự xưng.

– Cám ơn anh. Hẹn anh lần khác.

Mặc Lý

——————-

Tham khảo

[1] Khai Trí Tiến Đức, Viêt Nam tự điển, 1931

[2] Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển, 1932

[3] Phan Trần Chúc, Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức, Hà Nội, 2009, in lại từ “Bùi Viện với chính phủ Mỹ” (cùng tác giả, Hà Nội, 1945).

[4] Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, Hoa Kỳ, 2013