Hoàng Hải: Bầu cử rầm rộ ở phương Tây và “bỏ phiếu” kín đáo ở Việt Nam

Xã hội Việt Nam bàn luận công khai sôi nổi về bầu cử ở Mỹ và phương Tây, tuy nhiên xã hội Việt Nam lại rất kín đáo trong cách “bỏ phiếu” ngay tại nơi bản thân mình và gia đình mình sinh sống hàng ngày.

Bầu cử, ứng cử là một sinh hoạt chính trị sôi động, cứ khoảng 4 năm, 5 năm lại diễn ra một lần.  Và bầu cử là một cơ hội để mỗi tầng lớp cử tri khác nhau, thể hiện quan điểm, ưu tiên của mình. Năm 2024 này chúng ta thấy các cuộc bầu cử chính trị đã diễn ra công khai, rầm rộ ở Anh Quốc, Pháp, Bỉ, cũng như nhiều nước  Âu Châu khác, và thay đổi cả chính trường.  Người dân những nước này đã đi bỏ phiếu để bày tỏ sự bất mãn của mình đối với đảng cầm quyền. Cả Anh Quốc lẫn Pháp đã thay thủ tướng, đương kim thủ tướng Bỉ đã từ chức sau thất bại kỳ bầu cử vừa rồi và đang chờ liên minh cầm quyền mới đưa ra thủ tướng của họ.  Cuộc bầu cử Hoa Kỳ đang diễn ra sôi động, có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, nhiều người có ảnh hưởng như ngôi sao đình đám về công nghệ Elon Musk, Bill Gate, hay ngôi sao đình đám về ca nhạc Taylor Swift. Ngay trong cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng có những ứng cử viên chính trị gốc Việt như Hung Cao, hay Derek Tran tranh cử để vào thượng nghị viện, các nghĩ sĩ này cùng fan của họ đang ra sức vận động cho Donald Trump hay Kamala Harris rất sôi nổi. 

Dân Mỹ bao gồm người Mỹ gốc Việt quan tâm về bầu cử tổng thống Mỹ đã đành, nhưng ngay cả người dân ở Việt Nam cũng quan tâm đến bầu cử của nước Mỹ.  Các tờ báo nhiều độc giả nhất của Việt Nam như VnExpress, Thanh Niên, Dân Trí dành ra hẳn một chuyên mục riêng về bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Các bài đăng đều thu hút được rất nhiều view cũng như rất nhiều bình luận, trong đó mọi người tha hô chê bai hay tung hô 2 ứng cử viên của nước Mỹ. Phải chăng người Việt ở nhiều tầng lớp khác nhau quan tâm đến chính trị và bầu cử ở Mỹ hơn là chính trị và bầu cử ở ngay tại Việt Nam?

Nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam có hẳn chuyên mục riêng về bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Nhìn sang Mỹ rồi lại nhìn lại Việt Nam, bầu chủ tịch nước mới đây tại quốc hội với tỷ lệ tán thành 100% đã diễn ra đúng như đồn đại trên mạng xã hội và một số tờ báo tiếng Việt ở nuớc ngoài như thoibao.de cách đây cả 2 tháng. Tỷ lệ ứng cử viên độc lập, những người không thuộc đảng cầm quyền, cũng như không do đảng quyền giới thiệu đếm trên đầu ngón tay. Rất khó để tìm kiếm những thông tin của các ứng cử viên độc lập đó trên các trang web của quốc hội, của nhà nước. Rất nhiều người ngờ vực rằng những ứng viên độc lập đó, nếu mà có sức ảnh hưởng (đến quần chúng) thì họ sẽ bị trả đũa, và thực tế đúng là đã có 2 ứng cử viên độc lập đã bị kết án tù là Nguyễn Thuý Hạnh và Lê Trọng Hùng.

Nếu không có ứng cử viên độc lập cầm những ngọn cờ, những khẩu hiệu thì có cách nào để người dân Việt Nam làm thế nào bày tỏ sự bất tín nhiệm với chính quyền hiện tại không?  Liệu người dân có cách bỏ phiếu nào để thể hiện sự không hài lòng của mình không?

Nếu chúng ta để ý, trước đây người dân kín đáo quyên tiền từ thiện bão lũ cho ca sĩ Thuỷ Tiên thay cho Mặt Trận Tổ Quốc, cơ quan được nhà nước chỉ định làm nhiệm vụ quyên góp tiền từ thiện bão lũ. 

Năm 2022 một bộ phận người dân kín đáo “bỏ phiếu” ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng, trong việc bà livestream tố cáo những nghệ sĩ được đảng cầm quyền chống lưng, ưu ái những show vào những khung giờ vàng trên truyền hình quốc gia hay truyền hình thành phố lớn. 

Hành giả Thích Minh Tuệ

Năm 2024, chúng ta lại được chứng kiến các tầng lớp nhân dân kín đáo “bỏ phiếu” ủng hộ cho tu sĩ phật giáo Thích Minh Tuệ, người đang theo tập thực hành tu tập 13 hạnh đầu đà của Phật giáo Thượng tọa bộ  (bằng cách đi theo, hay làm và chia sẻ những video về nhà sư), người có phẩm chất hoàn toàn đối lập với các nhà sư được đảng cầm quyền ưu ái,  như các vị  sư  Thích Chuyển Khoản,  Thích Xá Lợi.

Ngoài ra thì một số tầng lớp nhân dân đã thể hiện sự ủng hộ của mình một cách kín đáo với các Youtuber, Facebooker nổi tiếng như Lê Dũng Vova (Chấn Hưng Nước Việt TV), Phan Sơn Tùng (chủ kênh Việt Nam Thịnh Vượng), Nguyễn Lân Thắng (một trong những nhà sáng lập đội bóng No-U).

Tại sao người tập hợp được hàng trăm ngàn quần chúng như học trò môn phái 13 hạnh đầu đà của Đức Phật được nhà cầm quyền ưu ái, bỏ qua? Có phải vì nhà tu hành này không giương bất cứ khẩu hiệu nào giống như Le Dũng Vô Va, Phan Sơn Tùng, Nguyễn Lân Thắng? Nhưng mặt khác thì nhà cầm quyền cũng đã “vô hiệu hóa” nhà sư Thích Minh Tuệ khi không cho phép ông được tự do bộ hành hầu người dân có thể quan tâm theo dõi nữa.Ngoài việc “bỏ phiếu” kín đáo thông qua cách ủng hộ những ứng viên, những nhà báo, blogger… độc lập, một bộ phận người Việt có những cách “bỏ phiếu” kín đáo hơn. Chu Ngọc Quang Vinh tiết lộ cho bạn bè là tham dự Olympic để định cư ở nước ngoài. Cách đây 5 năm, 39 người Việt tử vong tại Essex, Anh Quốc khi còn ở Việt Nam đã kín đáo “bỏ phiếu” bằng cách ra đi.  Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm trung bình có 18000 người “bỏ phiếu” ra đi. Tất nhiên Liên Hợp Quốc theo cách nhìn của họ là những người này bị dụ dỗ, chứ họ không đánh giá là những người này chủ động 100% (“How EU police disrupted Vietnamese human trafficking rings, DW). Theo RFA, thì lượng người Việt vượt biên trái phép vào Anh Quốc vẫn tiếp diễn, bất chấp rủi ro tính mạng. Bộ Nội vụ Anh Quốc đưa ra con số người Việt vượt biên trái phép vào Anh Quốc trong 6 tháng đầu năm bằng thuyền phao là 3,031.

Xem ra, số lượng người Việt kín đáo “bỏ phiếu” theo một cách dữ dội có phần bất chấp vẫn còn tiếp diễn. 

Đấy là chưa kể có nhiều cô gái, bà mẹ đơn thân Việt Nam, trước khi con tim rung động với một người đàn ông có quốc tịch phương Tây, thì cái đầu đã gật, đã “bỏ phiếu” cho việc sở hữu tấm thẻ xanh cho bản thân mình, và con của mình đi định cư ở một quốc gia mới.

Thật ra thì hiện tượng “bỏ phiếu bằng chân” này đã diễn ra ngay sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc và đảng Cộng sản giành độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc chưa bao lâu. Có đến cả triệu người Việt đã bỏ nước ra đi trong những năm 1975-1980 vì không chấp nhận cuộc sống dưới chế độ mới, trong đó ước tính gần một nửa đã nằm lại vĩnh viễn dưới đáy biển hoặc trên những cung đường bộ khác nhau. Và cho tới nay, gần nửa thế kỷ sau, dòng người ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá, vẫn không hề dừng lại.

Người tị nạn Việt Nam đến Hamburg, mùa hè năm 1986 trên tàu cứu hộ Cap Anamur II.

Ở một khía cạnh khác, giống như tất cả các cuộc bầu cử với các tầng lớp thuộc các thành phần khác nhau, có những nhu cầu và quan điểm khác nhau, việc một thành phần người Việt để tang ông cựu Tổng Bí thư cũng là một hình thức “bỏ phiếu tín nhiệm” với bản thân ông Tổng Bí thư đó. 

Theo bạn, cần bao nhiêu đời nguyên thủ quốc gia nữa thì các cuộc bầu cử ở Việt Nam diễn ra tự do, dân chủ, sôi đông như ở Mỹ và Âu Châu, hay nói một cách khác, cho đến bao giờ thì người Việt không cần “bỏ phiếu” theo những cách kín đáo nhưng đầy quyết liệt nữa?

Hoàng Hải