Nguyễn Gia Kiểng : Vài suy nghĩ trên một đảo lạ thường

Nếu điều may mắn cho một quốc gia là thu hút được những con người ưu tú thì điều không may nhất cũng là mất đi, mất hẳn hay vẫn còn nhưng không sử dụng được, những con người này.

Thành quả lớn nhất của Đảng Cộng Sản là đã khiến người Việt Nam chán đất nước Việt Nam. Mộng ước của rất nhiều người hiện nay là được rời Việt Nam để làm dân một nước khác.

Vị trí của Crete.
Bản đồ chi tiết của Crete và các đảo ngoại vi

Crete là đảo mà từ rất lâu rồi tôi đã muốn viếng thăm. Nó có lẽ cũng là đảo đáng tham quan nhất trên thế giới. Tuy vậy lần này nếu không lỡ hẹn trước với bạn bè và trả tiền trước chuyến đi chắc tôi đã không đi. Trong lòng không vui vì các bạn tôi trong nước đang gặp khó khăn lớn, chẳng còn lòng dạ nào để du lịch. Chuyến đi đã chỉ là một dịp để suy nghĩ.

Một đảo nhỏ dầy đặc lịch sử

Xin nói qua về đảo Crete. Nó là hòn đảo lớn thứ năm trong biển Địa Trung Hải với 62.000 dân và diện tích 8.300 km2 trải dài như một chiếc lá tre từ Đông sang Tây. Đặc điểm đầu tiên của nó là nằm chính giữa Địa Trung Hải với khoảng cách bằng nhau tới ba lục địa Á, Âu và Phi. Chính vị trí đặc biệt đó đã khiến đảo Crete bị mọi thế lực tranh giành trong những cuộc chiến đẫm máu từ 5.000 năm nay. Mycenae, La Mã, Byzantium, Venice, Ottoman, Thế Chiến II. Tôi đã thăm hai di tích chiến tranh; trong một trận đánh khoảng 400 người Crete đã xông vào đánh quân xâm lược cho tới người lính cuối cùng, trong một trận khác cả một thị trấn bị quân Thổ bao vây đã kháng cự đến cùng, khi hết lương thực thì tự tử hết chứ không đầu hàng. Địa lý ưu đãi đã là một tai họa cho người Crete.

Lịch sử của Crete, nhất là lịch sử lập quốc, còn lạ lùng và phong phú hơn nhiều. Từ năm 1913 Crete là một tỉnh của Hy Lạp. Điều này hợp lý vì sau nhiều trao đổi liên tục trong hơn 4.000 năm Crete và Hy Lạp, vốn có nguồn gốc gần gũi, đã có cùng một ngôn ngữ và văn hóa; sáp nhập vào Hy Lạp cũng tránh cho Crete khỏi là mồi ngon cho những tham vọng bành trướng, trừ thời gian ngắn ngủi bị quân Đức Quốc Xã xâm chiếm trong Thế Chiến II.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở đây những dụng cụ đồ đá do con người làm ra từ 130.000 năm. Tuy vậy dấu vết của sinh hoạt cộng đồng chỉ rõ rệt từ khoảng 7.000 năm, nghĩa là từ thiên niên kỷ thứ 6 trước Công Nguyên (tr.CN). Những con người tiền sử này đã xây dựng lên những thị trấn lớn và đẹp với kiến trúc quy củ như Knossos, Phaistos, Gorthyn v.v. và đã tạo ra trên hòn đảo nhỏ này một trong những nền văn minh lớn đầu tiên trên thế giới, gần như cùng thời với Ai Cập và Hy Lạp như những di vật trong các viện bảo tàng chứng tỏ.

Tại viện bảo tàng Rethymnon người ta có thể thấy những dụng cụ và vũ khí tinh vi và đẹp ngay từ 5.000 năm tr.CN. Nền văn minh của Crete đã đạt tới cao điểm vào thế kỷ 18 tr.CN rồi bị tàn phá vì núi lửa bùng nổ trên đảo vào khoảng năm 1.450 tr.CN. Sức mạnh của Crete có lúc đã lấn át cả Hy Lạp, bằng chứng là theo huyền thoại cổ Hy Lạp thì Zeus (hay Jupiter), Thượng Đế của cổ Hy Lạp, đã sinh ra trên đảo này. Crete cũng là một trong những dân tộc đầu tiên đã phát minh ra chữ viết, mới đầu là chữ tượng hình (hieroglyph) sau đó là chữ tượng âm (linear). Crete cũng là nhà nước pháp trị rõ rệt đầu tiên trên thế giới. Tại Gorthyn vẫn còn một bộ dân luật dài 600 dòng khắc trên tường đá vào thế kỷ 6 tr.CN ghi khá chi tiết những gì các công dân có thể và phải làm. Crete thời xưa đã có bao nhiêu người để đạt đạt được những thành tích kỳ diệu đó? Đến bây giờ mà Crete cũng chỉ có hơn 62.000 dân thì lúc đó tối đa chỉ có thể có từ 5.000 đến 10.000 người là cùng.

Một chiếc bình phong cách Marine từ khoảng năm 1500 trước Công nguyên được tìm thấy ở Palaikastro. Hiện tại, nó đang ở Bảo tàng Heraklion.
Bức bích họa Bull-Leaping Fresco từ Knossos cho thấy hình ảnh con bò đang nhảy, khoảng năm 1450 trước Công nguyên.
Tượng đất sét Nữ thần bằng đất sét. Thời kỳ đồ đá mới, 5300–3000 trước Công nguyên. Bảo tàng Khảo cổ học Heraklion

Những người Crete đầu tiên đã đến Crete từ lúc nào và từ đâu? 

Căn cứ vào những dụng cụ bằng đá đã tìm được nhiều nhà khảo cổ kết luận là họ đã đến đây từ 130.000 năm, nhưng kết luận này không giải quyết được một mâu thuẫn lớn vì những người Crete đầu tiên chỉ có thể đến đây bằng thuyền trong khi kỹ thuật đóng thuyền và đi biển chỉ có từ khoảng 10.000 năm tr.CN. Hơn nữa lại không có dấu tích sinh hoạt nào trước 6.000 năm tr.CN. Làm sao có người sinh sống mà lại không có dấu vết sinh hoạt nào trong hơn 120.000 năm?  Giả thuyết hợp lý nhất là những người đầu tiên đã đến đây từ 6.000 năm tr.CN mang theo những dụng cụ của tổ tiên để lại trong đó có những dụng cụ được làm ra từ 130.000 năm.

Họ đến từ đâu? Các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng họ đến từ vùng Anatolia, còn gọi là Tiểu Á (Asia Minor), thuộc Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ.

Nhìn lại các đợt di dân trong lịch sử thế giới…

Câu hỏi lớn nhất là lý do nào đã khiến họ phải cùng nhau ra đi bỏ vùng Anatolia? Câu hỏi này rất quan trọng và cần được suy nghĩ. Các học giả đều đồng ý số người di dân rời Anatolia rất đông và đã có cả một phong trào di dân liên tục trong nhiều thế kỷ; một phần lớn người Hy Lạp cũng đến từ đây. Xét cho cùng thì trong lịch sử nhân loại chỉ có hai lý do chính cho các làn sóng di dân: hoặc là thay đổi môi trường và khí hậu, hoặc là do hệ thống chính trị và tôn giáo. (Cũng nên lưu ý là vào thời cổ đại tôn giáo và chính trị gần như chỉ là một). Không có dấu hiệu nào chứng tỏ đã có thay đổi môi trường đáng kể nào tại vùng Anatolia cả, vậy lý do chỉ có thể là chính trị, nghĩa là nhiều người đã rủ nhau ra đi vì tổ chức xã hội không còn phù hợp với họ, có thể vì chính quyền trở thành quá hung bạo, cũng có thể vì họ đã tìm ra một tín ngưỡng hay một nếp sống mới mà chế độ đương thời không dung túng. Đó đã là lý do khiến dân Do Thái rời bỏ đất Ai Cập để đi tìm một quê hương mới trong vùng Canaan. Đó cũng đã là lý do khiến những người theo đạo Tin Lành rủ nhau bỏ các nước Châu Âu la tinh để đến Hà Lan, Mỹ và Nam Phi. Một bộ phận lớn của người Hoa tại Việt Nam tự gọi là và được gọi là Đường Nhân vì họ bỏ nước Trung Hoa khi nhà Tống cướp ngôi nhà Đường. Tại nước ta hai đợt di dân lớn nhất gần đây -sau năm 1954 gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam và sau năm 1975 hơn ba triệu người bỏ nước ra đi, trong đó hơn nửa triệu người bỏ mình trên biển cả- đều vì muốn tránh chế độ cộng sản. 

Kết quả của các đợt di dân là khiến các nước bị rời bỏ mất đi thành phần tiến bộ và năng động, rồi dần dần sa lầy trong thua kém. Anatolia đã từng là cái nôi chính của nền văn minh cận đại. Thalès, nhà toán học và triết học lớn đầu tiên của nhân loại, đã sinh ra và sống tại đây vào thế kỷ thứ 7 tr.CN, trước rất lâu những Pythagore, Socrates, Plato, Aristotle, Archimedes etc. Ngay sau Thalès Anatolia cũng đã có hai triết gia lớn Anaximandre và Anaximene (thế kỷ 6 tr.CN) và nhà thơ lớn Timothy (thế kỷ 5 tr.CN). Nói chung cho đến thế kỷ 5 tr.CN Anatolia vượt hẳn phần còn lại của thế giới về khoa học, tư tưởng và văn học, nhưng vì mất dần thành phần ưu tú Anatolia đã dậm chân tại chỗ và bị tụt hậu; sau cùng bị quân Mông Cổ thống trị và tiêu diệt. Ngày nay đại đa số người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Anatolia là phần lớn nhất và tiến bộ nhất, là người gốc Mông Cổ. Với một địa lý thuận lợi bậc nhất thế giới Thổ vẫn còng đang quằn quại trong cái “bẫy thu nhập trung bình” với một GDP/đầu người khoảng 13.000 USD, chưa bằng một nửa trung bình tại Tây Âu. Nói chung nếu điều may mắn cho một quốc gia là thu hút được những con người ưu tú thì điều không may nhất cũng là mất đi, mất hẳn hay vẫn còn nhưng không sử dụng được, những con người này.

… và trường hợp Việt Nam 

Bây giờ hãy nhìn lại nước ta.

Như đã nói ở phần trên chúng ta đã có hai đợt di dân sau năm 1954 rồi sau năm 1975. Trong cả hai đợt này những người bỏ quê cha đất tổ ra đi nói chung thuộc thành phần tinh nhuệ hoặc có phương tiện trên mức trung bình. Tất cả đã ra đi vì thấy không thể sống dưới chế độ cộng sản. Nếu có một chút lương tri thì Đảng Cộng Sản đã phải rất ăn năn và khiêm tốn trước mất mát vô cùng to lớn cho đất nước này mà chính họ là nguyên nhân, chưa kể là họ đã gây ra cuộc nội chiến 30 năm hoàn toàn vô lý làm đất nước tan tành và sáu triệu người chết.

Hiện nay chúng ta cũng đang có một đợt di dân mới của những người được đem đi “xuất khẩu lao động”, những du học sinh và thực tập sinh, bởi vì đa số những người này không muốn trở lại Việt Nam và tìm mọi cách để ở lại nước ngoài, một phần đáng kể thành công.

Theo số liệu của chính quyền cộng sản thì hiện có 5,3 triệu người Việt sống ở nước ngoài, đại bộ phận mới rời Việt Nam gần đây. Con số này chắc chắn là sai vì nó chỉ cộng những người ra đi chứ không kể những người Việt sinh ra ở nước ngoài, con cháu của những người ra đi, đông hơn hẳn những người đã chết. Một thí dụ là chính gia đình tôi. Hơn 40 năm về trước 15 đứa cháu tôi rủ nhau vượt biên trên một con thuyền nhỏ do chính tôi thiết kế; bây giờ tất cả đều đã có con, một số đã có cháu nội, ngoại. Tôi hiện có gần 100 cháu và chắt tại Mỹ. Cộng đồng người Việt hải ngoại đông hơn hẳn con số 5,3 triệu này, trong đó hàng triệu người tốt nghiệp đại học thuộc đủ mọi ngành nghề, làm việc trong đủ mọi địa hạt, thử nghiệm mọi mô hình tổ chức xã hội. Đây là một tài nguyên vô cùng lớn mà nước ta không thể để mất mà phải tìm mọi cách để giữ lấy.

Cộng đồng người Việt hải ngoại đang mất căn cước Việt Nam một cách quá nhanh chóng, nhanh chóng hơn mọi cộng đồng hải ngoại khác. Nhiều người chưa nói thạo tiếng nước nhập cư nhưng con cái đã quên tiếng Việt và đôi khi không còn mang tên Việt Nam. Lý do chính của tình trạng bi đát này là đối với đại đa số người Việt hải ngoại Việt Nam là một kỷ niệm buồn, thậm chí một lý do để phẫn nộ, cần quên đi. Hòa giải đất nước Việt Nam với cộng đồng người Việt hải ngoại là một nhu cầu lớn và khẩn cấp mà chỉ có một chế độ dân chủ mới làm được.

Sau cùng còn có một số đông hơn nhiều những người di dân tại chỗ, những người vẫn ở trong nước nhưng đã bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nước ta có 100 triệu dân nhưng chỉ có 5 triệu đảng viên cộng sản có quyền công dân, không khác gì xã hội Crete và Hy Lạp trước đây trong đó chỉ có một thiểu số có quyền công dân, phần còn lại là thứ dân hay nô lệ. Kinh tế Việt Nam, theo hiến pháp hiện nay của chế độ cộng sản, lấy quốc doanh làm chủ lực; đất đai, rừng núi, sông hồ, bờ biển và biển thuộc nhà nước. Và nhà nước thuộc độc quyền sở hữu của Đảng Cộng Sản. Trong tất cả các cơ quan nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh, kể cả các trường học và bệnh viện, mọi chức vụ từ phó phòng trở lên đều chỉ dành cho đảng viên cộng sản. Trong quân đội và công an mọi cấp bậc từ hạ sỹ quan trở lên đều phải là đảng viên cộng sản. Chúng ta là một dân tộc 100 triệu người nhưng chỉ 5 triệu người cộng sản được tận dụng, 95% trí tuệ và sinh lực quốc gia bị loại bỏ. Đảng Cộng Sản hành xử như một lực lượng chiếm đóng. Ngay cả các chế độ ngoại thuộc, dù là Bắc thuộc trước đây hay Pháp thuộc gần đây, cũng không tàn nhẫn đến thế.Không chỉ là một lực lượng chiếm đóng, Đảng Cộng Sản còn là một lực lượng chiếm đóng cực kỳ hung bạo. Có những người chẳng có tội gì mà đã ở tù gần hết cuộc đời chỉ vì không cúi đầu trước Đảng Cộng Sản. Gần đây Trần Huỳnh Duy Thức đã chỉ có ý định thành lập một đảng ôn hòa mà bị tù ngục 16 năm, mất nửa đời thanh xuân; Phạm Thị Đoan Trang, một phụ nữ yếu bệnh và tàn tật, bị xử 9 năm tù chỉ vì viết vài cuốn sách vô hại nhưng không được Đảng cho phép; Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù và Đặng Đăng Phước 9 năm tù chỉ vì hai giáo viên dạy nhạc này đã hát những bài mà Đảng Cộng Sản không thích; Nguyễn Trung Tôn, một mục sư Tin Lành, bị 12 năm tù vì tham gia thành lập một hội với cái tên hiền lành là Hội Anh Em Dân Chủ dù tuyệt đối chưa làm gì; Phạm Văn Trội đã ở tù 7 năm sau những cáo buộc vu vơ, Lê Anh Hùng bị nhốt vào bệnh viện tâm thần như Nguyễn Thúy Hạnh một phụ nữ hiền lành và khả ái. Đó chỉ là một vài thí dụ, đang còn hàng trăm tù nhân lương tâm khác. Tội duy nhất của họ là đã là những người quý hiếm còn quan tâm tới tương lai đất nước.

Nguyễn Thúy Hạnh và Trần Huỳnh Duy Thức, 2 cựu tù nhân lương tâm vừa ra khỏi nhà tù trong tháng 9, tháng 10 năm nay, nhưng vẫn còn hàng trăm tù nhân lương tâm khác đang phải thụ án ở Việt Nam. Ảnh : FB Nguyễn Thúy Hạnh

Mở đầu bài này tôi đã nói rằng cuộc thăm viếng đảo Crete của tôi không có gì vui vì các bạn tôi trong nước đang chịu đựng một thử thách rất lớn. Quả thực như thế. Trong mấy tháng qua nhiều anh em đã bị thẩm vấn tại đồn công an, nhiều khi bị bắt từ sáng sớm khi họ chuẩn bị đi làm. Hai người bị đánh, một người bị bắt giam từ hơn một tháng nay và truy tố theo điều 117 của bộ luật hình sự ác ôn của chế độ cộng sản. Công an đến cả nơi họ làm việc để quấy rầy. Công an Sài Gòn tỏ ra hung dữ hơn hẳn công an Hà Nội, dù đa số là những người đến từ miền Bắc, có lẽ là vì Đảng Cộng Sản coi miền Nam là vùng đất chưa chắc chắn nên đã gửi vào những công an cứng rắn nhất. Tất cả những chí hữu và thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên này đều là những người ôn hòa, lương thiện, hiểu biết, yêu nước và bao dung. Họ đã đến với Tập Hợp vì những giá trị đó, vì dân chủ đa nguyên, hòa giải và hòa hợp dân tộc, từ chối bạo lực là lý tưởng của Tập Hợp từ ngày thành lập. Họ hiểu là đất nước cần dân chủ đa nguyên để có tương lai nhưng họ cũng hiểu là đất nước cần một cố gắng hòa giải rất lớn để hàn gắn những vết thương do quá khứ để lại. Ho không làm bất cứ gì để một nhà nước bình thường, chưa nói một nhà nước tốt, phải lo lắng. Dù vậy họ đã gặp khó khăn vì đất nước này không bình thường, đang bị chiếm đóng bởi một lực lượng quá hung bạo. Không phải là không có những người công an tốt, những người công an tốt này khuyên họ đừng quan tâm tới đất nước nữa mà hãy chỉ lo cho bản thân và gia đình thôi. Đó cũng là những lời khuyên mà trước đây nhiều quan chức Pháp tốt bụng trong thời Pháp thuộc đã nói với các thanh niên Việt Nam yêu nước. 

Thành quả lớn nhất của Đảng Cộng Sản là đã khiến người Việt Nam chán đất nước Việt Nam. Mộng ước của rất nhiều người hiện nay là được rời Việt Nam để làm dân một nước khác. 

Chuẩn bị hạn kỳ dân chủ

Đất nước ta đang tan rã trong lòng người. Nhu cầu dân chủ hóa đất nước không chỉ hoàn toàn đúng mà còn rất khẩn cấp, cuộc vận động dân chủ cũng là cuộc đấu tranh cứu nước.

Chúng ta đang đứng trước một thử thách lớn đồng thời cũng là một vận hội lớn. Chế độ này đã tích lũy quá đủ mâu thuẫn để phải cáo chung dù người nào hay phe nào thắng trong cuộc đấu đá nội bộ đang ngày càng gay gắt. Hạn kỳ dân chủ đã rất gần. Điều cần được lưu ý, như những bài học lịch sử cay đắng của nước ta trong hơn ba phần tư thế kỷ qua đã chứng tỏ, là một cơ hội dù lớn và thuận lợi đến đâu cũng chỉ là một cơ hội cho những ai đã chuẩn bị sẵn sàng để chờ đón nó. 

Chuẩn bị cho hạn kỳ dân chủ có nghĩa là cố gắng học tập và thảo luận để đạt tới một đồng thuận trên một dự án tương lai cho đất nước và tìm ra những con người cần thiết cho tương lai đó. Để lập tức mọi người Việt Nam thuộc mọi quá khứ nhìn lại nhau là anh em và cùng nắm tay nhau xây dựng một tương lai Việt Nam chung và chia sẻ một giấc mơ Việt Nam chung.

Nguyễn Gia Kiểng

(31/10/2024)