Lê Tất Điều: Sự thật muôn đời

 Albert Einstein (1879–1955), hình chụp năm 1947.

Einstein là cha đẻ của thuyết Tương Đối, nhưng không là người đầu tiên trong nhân loại ý thức được hiện tượng tương đối.

Từ những ngày xa xưa, anh nông dân đi xa về, nhìn chiều cao của cây đa đầu làng để ước lượng khoảng cách còn lại của đường trường. Người họa sĩ, tuân thủ luật phối cảnh, vẽ nhà cửa, cảnh vật xa nhỏ, gần to… Họ đều ý thức được sự tương đối và biết ứng dụng nó.

Nhưng chỉ một mình Einstein nghiên cứu, lập thuyết, biến cái kiến thức thiên bẩm ấy thành một đóng góp lớn cho khoa học, một món quà vô giá cho nhân loại. Dựa trên những luận án, phương trình toán của Einstein, bây giờ ta có những lộ trình dành cho hỏa tiễn liên hành tinh chính xác từng giây từng phút, những hệ thống định vị bao phủ gần khắp mặt địa cầu.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu phức tạp, phiền toái khi Einstein tung ra Thuyết Tương Đối Đặc Biệt (TĐĐB) hay Tương Đối Hẹp. Trong tiến trình lập thuyết cũng như phần kết luận: “Thời gian trôi chậm lại trong con tàu di chuyển” có nhiều sơ suất, nhiều chỗ bất ổn, tạo ra những nghịch lý khó giải thích, bào chữa.

Nhưng thuyết lập tức được giới khoa học nồng nhiệt chào mừng, tán tụng là khám phá về vật lý kỳ diệu nhất của nhân loại. Việc kiểm lại, xét nghiệm lại để tìm lỗi lầm ở một thuyết đã được đời coi là toàn hảo hóa ra thừa thãi, vô duyên. Chắc Einstein đã không bao giờ bận tâm về chuyện “nhìn lại”.

Tiếc thay! Nếu chịu khó xét lại, cụ đã có nhiều cơ hội để thấy những sai lầm nghiêm trọng, khiến thuyết khó sống sót.

Hình vẽ sai lầm.

Vẽ xong hình lập thuyết, nhìn kỹ lại, thấy chỗ bất ổn ngay.

Hãy bỏ qua những luật chi phối thị giác khiến người quan sát không thể thấy tia sáng AC cùng lúc với người trong tàu thấy tia AB, như đã phân tích ở một chương khác. Hãy theo đúng sự tưởng tượng của Einstein:

Vì tàu đã di chuyển, khi người quan sát Q thấy tàu – lần đầu tiên – thì tàu đã di chuyển đến vị trí mới, B đã đến C.” 

Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng cũng chính khoảnh khắc ấy A đã di chuyển đến D. Vì sàn tàu di chuyển thì trần (hay nóc) tàu cũng di chuyển theo. 

Nghĩa là cả toa tàu và những món nó chứa trong lòng bắt buộc phải cùng di chuyển.

Einstein vẽ đường AC, tưởng nó chính là đường AB, là sai. Hình vẽ thể hiện một tình huống không thể có: B đã di chuyển nhưng A lại bất động, đứng nguyên tại chỗ

Mà thiếu AC, tam giác ABC không thành hình, những tính toán dựa trên định lý Pi-ta-go vô dụng.

Thí nghiệm trong tưởng tượng (thought experiment) của Einstein thiếu sót, không bao gồm đầy đủ những chi tiết quan trọng. Thể hiện thành hình vẽ, nó trình ra một bức tranh không phản ảnh sự thật, dẫn tới những nhận định, kết luận sai lầm. 

Nếu ngay lúc ấy, khám phá ra A đã thành D, như B đã thành C, AB đã biến vào quá khứ – và đang là đường DC – thấy được những chỗ sai chí tử của hình vẽ, chắc Einstein đã ngừng lập thuyết.

Thuyết nói một đàng, tính toán một nẻo

Không thấy, không biết hình vẽ sai, vẫn còn cơ hội thấy những lỗi lầm trong phần toán học.

Để lập thuyết, ngoài những bài toán dựa trên định lý Pi-ta-go, còn có phương trình thông dụng: 

L = vt (Đường dài bằng vận tốc nhân với thời gian).

Xe chạy với vận tốc 100 dặm một giờ, chạy hai giờ thì được 200 dặm. Vận tốc (v) càng nhanh thì thời gian (t) càng nhỏ đi, nhưng lúc nào t cũng phải lớn hơn số không, thì mới có chuyện xe chạy.

Nay thuyết khẳng định khi v = c = vận tốc ánh sáng thì t=0 (thời gian ngừng trôi)

Phương trình ấy biến thành:

L = ct = 300.000 km/s x 0 = 0 (zero). 

Nghĩa là tàu đang phóng ào ào, nhưng vừa đạt vận tốc ánh sáng, đụng phải lý thuyết của Einstein, tức khắc đứng sững lại, tê liệt, không nhúc nhích!

Hãy tưởng tượng sự hoang mang, lúng túng của những sinh viên phải áp dụng thuyết TĐĐB trong toán học.

Tính đường dài tàu đã vượt qua thì cứ L = vt hay L = Ct (C là vận tốc ánh sáng) như… thường lệ. 

Nhưng khi tính đến khoảng đường dài khách trong tàu vượt được thì lại phải áp dụng thuyết TĐĐB, biến phương trình thành: 

L = c (vận tốc ánh sáng) nhân với 0 (zero) thời gian (t) = 0. Nghĩa là:

L = C x 0 = 0

Kết quả bài toán là một con số không. 

Như thế thuyết ban cho nhân loại một cảnh tượng lạ lùng, kỳ dị: Khi đạt vận tốc ánh sáng, con tàu chỉ cần vài giây đã phóng đi xa lắc, xa lơ, nhưng tất cả hành khách thì vẫn còn ngồi chơi xơi nước trên sân ga!

Nhưng Albert Einstein không thấy chỗ nghịch lý đó. Cụ thản nhiên dùng phương trình L=vt giống hệt như mọi người! Tưởng như lý thuyết – tốc độ ảnh hưởng sự trôi nhanh chậm của thời gian – cụ đẻ ra không hề có mặt trên đời.

Để tính chiều dài đoạn A– B, cụ viết: L = ct

Với chiều dài đoạn A– C, cũng vậy: L’ = ct’.

Nếu nhớ áp dụng TĐĐB, Einstein đã thấy A–B = L = ct = cx0 = 0 (zero).

Và AC cũng không khác L’ = ct’ = c x 0 = 0.

Nghĩa là trong con tàu di chuyển với vận tốc ánh sáng, chính ánh sáng lại bị đông cứng, không nhúc nhích được vì không có thì giờ để nhúc nhích. Tia sáng từ đèn A chiếu xuống sàn ở B, hay tia sáng hướng về C đều không được lý thuyết của Einstein – phần toán học — cho phép rời khỏi bóng đèn!

Ngay khi viết xuống phương trình L = ct mà quên hẳn hiện tượng “vận tốc con tàu ảnh hưởng tốc độ của thời gian” do chính mình sáng tạo, Einstein đã vô tình phủ nhận giá trị của lý thuyết ấy. 

Không tôn trọng những định luật, nguyên tắc căn bản của Vật Lý

Không nhận ra chỗ sai trong hình vẽ, trong những bài toán, vẫn chưa hết thuốc chữa. Einstein còn nhiều cơ hội để giật mình, khám phá ra những lỗi lầm khác, những chỗ phản vật lý của thuyết TĐĐB.

Khi đám đệ tử hớn hở trình cụ rằng họ để một đồng hồ nguyên tử trên một tàu bay (hay phi đạn gì đó) bay thật nhanh thì họ thấy quả thực đồng hồ chạy chậm lại chút xíu, chứng tỏ thuyết của cụ đúng… thì, là một khoa học gia, cụ phải thấy ngay cái “kiểm tra” của họ hoàn toàn phi vật lý.

Đáng lẽ cụ phải giảng cho đệ tử những lời tương tự như lời phân tích của khoa học gia Charles Scurlock đăng trên diễn đàn của hội Theoretical Physics Group, khi trả lời câu hỏi: “Thời gian có giãn nở được như Einstein nói không?”

“Thời gian không phải là một vật thể, một biến cố, hay một hiện tượng có thực. Nó chỉ là một ý niệm trong tâm trí con người được sáng chế để đo lường, tính toán, cảm nhận và truyền thông về (sự hiện hữu) của các vật thể, các sự kiện, các hiện tượng. Quan niệm rằng thời gian sở hữu một thể chất có thể bị ép lại hay nở ra được là quá sai lầm…”

Đúng vậy, Thời gian không thể chất, sự hiện hữu của nó mơ hồ, trừu tượng như ý tưởng, ý niệm. Làm sao cái món vô thể chất ấy lại có sức tác động lên các cơ phận của đồng hồ, khiến nó chạy chậm hay nhanh? 

Rồi lại thêm cái hệ quả: Thời gian ngừng trôi thì nhân loại sẽ không còn ai mắc bệnh già! 

Tin như thế, mặc nhiên kết tội: Thời gian là chánh phạm trong tội ác tàn phá tuổi trẻ, sự sống của muôn loài. Phạm tội vì nó không kiểm soát được tốc độ khiến thiên hạ cứ bị già đi đều đều. Mai mốt có con tàu của Einstein bay nhanh bằng ánh sáng làm thời gian tê liệt, họa may nó mới chịu bó tay, hết phá làng phá xóm.

Thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, tu sĩ, cuồng sĩ v.v… và tất cả những ai ít kiến thức khoa học đều có quyền chửi bới, rủa xả, lên án thời gian. Khoa học gia công bằng và tự trọng không thể kết tội oan cho nó một cách ngây ngô như vậy.

Tiến trình sinh diệt bắt đầu và chấm dứt bằng những chuyển biến hóa học, do những thể chất trong trời đất tương tác với nhau. Một thanh sắt phơi trần ngoài trời chỉ vài tuần đã rỉ sét, được sơn thật kỹ sẽ bền bỉ trăm năm. Vì Oxy không xâm phạm được, không vì thời gian đã ngừng trôi trong thanh sắt có sơn bao bọc. Da mặt bà hành khách tươi trẻ mãi vì bà chịu khó bôi kem dưỡng da, không vì đang ngồi trên chuyến tàu chạy nhanh bằng ánh sáng.

Thời gian không thể chất, không là chất xúc tác kích thích những tiến trình chuyển biến hóa học. Nó hiện hữu trong thanh sắt theo sự mường tượng trong trí ta, hay thực sự hiện hữu trong thanh sắt trăm ngàn năm… luôn luôn vô hại, không tạo được một tác động vật lý lớn, nhỏ nào.

Đến đây, chắc bạn cũng như tôi (thời còn giữ niềm tin sắt đá là “Einstein không thể sai lầm”), chúng ta có khuynh hướng giở lý sự cùn – gọi một cách văn chương là cãi cho đến cùng kỳ lý – ta nêu thắc mắc: “Thanh sắt đâu có rỉ sét ngay, phải cần một thời gian hàng tuần, hàng tháng cho tiến trình rỉ sét hoàn tất. Vậy sự đóng góp của thời gian cũng có thể là thật, là cần thiết chứ?” 

Quả thật, thanh sắt cần thời gian để bị rỉ sét. Và tất cả các tiến trình chuyển hóa trong trời đất đều diễn ra trong thời gian đang trôi. Lý sự cùn của chúng ta hóa ra… sắc bén, lập tức khiến ta hoang mang, bối rối. 

Với tầm hiểu biết hạn hẹp về bản chất thực của Vũ Trụ không gian, chúng ta mất tự tin, vội lập thêm giả thuyết, nâng lý sự cùn lên mức sắc bén cao hơn: Có thể thời gian là một thể chất với siêu vi phân tử quá nhỏ khoa học hôm nay chưa đủ tiến bộ để thấy được. Biết đâu đấy! Mà đã có thể chất thì thời gian trở thành chất xúc tác can dự vào mọi chuyển biến hóa học trong trời đất là chuyện bình thường, có gì lạ đâu.

Đặt câu hỏi, giả thiết như thế thì “có lý quá trời” liền, nếu đang tranh luận, có thể làm đối thủ lúng túng, vì không tìm đâu ra bằng chứng để phản biện. Nhưng chính nó lại đẩy ta vào đường cùng, ngõ cụt.

Vì, khi cho thời gian khả năng phá hoại thì cũng phải chấp nhận quyền lực của nó trong sự sinh tồn. Trong con tàu chu du Vũ Trụ bay với tốc độ ánh sáng, thời gian ngừng trôi, không ai già đi nhưng cũng chẳng còn sinh vật nào sống sót. Ít nhất, muôn vật bị tê liệt hết vì không có thì giờ di chuyển – như cảnh tượng rùng rợn trong truyện khoa học giả tưởng hài hước: “Giải cứu một phương trình toán học thân quen.” Trong đó, thiếu bước tiến của thời gian, tim ngừng đập, phổi ngừng thở, máu huyết hết luân lưu, máy móc vận chuyển con tàu ngưng hoạt động.

Tốc độ của Thời Gian

Thời Gian vô ảnh, vô hình, vô thể chất. Nó chỉ được “thấy” trong tâm trí, nhận thức của chúng ta, như một ý niệm. Sự hiện hữu vật lý của nó rất đáng ngờ.

Tuy nhiên, đã đặt tên cho nó, cảm nhận được sự hiện diện của nó ở khắp nơi mà dám bảo nó không hiện hữu thì sẽ phải cãi nhau to với các triết gia. Vậy hãy tìm cho Thời Gian một kiểu hiện hữu thích hợp, tạm gọi là “hiện hữu tầm gửi”. 

Màu sắc thuộc loại hiện hữu này. Thí dụ màu da cam. Ta thấy nó, tưởng chạm được vào nó, nhưng thiếu vỏ cam, nó biến mất. Muốn tái tạo, phải dùng vỏ cam hay sơn, bút chì màu, phấn tiên v.v… Không thể tách riêng màu sắc ra như một thực thể riêng biệt, độc lập. Để được hiện hữu, nó phải gửi thân nơi một thực thể khác.

Màu sắc thấy được, nếu tinh tế còn cảm được độ nóng lạnh, vậy mà luôn luôn phải ăn gửi nằm nhờ. Thời Gian không kích động bất cứ một giác quan nào của con người, càng cần nơi nương tựa để hiện hữu. 

Khách trọ Thời Gian rất trung thành, gắn bó tới những giây phút cuối cùng của quán trọ. Có thể là ngàn triệu năm trong tảng đá sườn non. Có thể thoảng qua như bông hoa sớm nở tối tàn dưới chân đồi. Thời Gian ở cùng vạn vật, từ cái vô cùng nhỏ đến cái vô cùng lớn. Nó hiện hữu trong tất cả các vi phân tử, nguyên tử… là một phần bất khả phân ly của toàn thể Vũ Trụ. 

Trong lúc Vũ Trụ chuyển vần, Thời Gian là máy đo tốc độ, là máy định vị, ghi nhận vị trí của muôn vật trong không gian từng mỗi sát na. Vì vậy, Einstein coi nó là “chiều thứ tư”. 

Như thế, vận tốc của Thời Gian chính là vận tốc hiện hữu của Vũ Trụ.

Muốn nó chạy chậm lại hay ngừng trôi là bắt toàn thể Vũ Trụ phải giảm tốc độ hay ngưng vận hành!

Những ông thần hộ mạng

Từ tiến trình lập thuyết – dùng người quan sát nhưng không tôn trọng những luật chi phối thị giác khiến anh ta KHÔNG THỂ THẤY những hình ảnh Einstein dự kiến phải thấy – cho đến hiện tượng cuối cùng thuyết dẫn tới – vận tốc con tàu làm thay đổi vận tốc thời gian do đó biến đổi luôn cả nhịp vận hành của Vũ Trụ – nhìn chỗ nào cũng thấy có “vấn đề” cần kiểm tra, xét nghiệm lại.

Nhưng, như đã nói, khoa học gia toàn thế giới không cho Einstein kịp thi hành quyền “tự phê, tự kiểm” cũng tịch thu luôn nhu cầu xét lại tác phẩm mới của mình. Vừa trình làng TĐĐB lập tức được nồng nhiệt chào mừng và tôn vinh. Tất nhiên, sự tôn vinh hàm ý một lời xác quyết: Thuyết tuyệt đối đúng.

Cũng có người nghi ngờ nêu ra những nghịch lý. Nhưng hầu hết khoa học gia, gồm những tên tuổi lẫy lừng, thì dồn hết tâm lực vào việc làm thí nghiệm, tìm những hiện tượng trong thiên nhiên chứng tỏ thuyết đúng. Họ viết luận án, sách báo… dựng tường cao, đào hào sâu quanh thuyết để kiên cường chống lại mọi chỉ trích, dẹp tan những nghi ngờ.

Muốn xâm phạm thuyết, phải bước qua xác của nhiều vệ sĩ và, ít nhất, hai vị Thần hộ mạng – võ nghệ siêu quần, danh trấn giang hồ: Hendrik A. Lorentz và James C. Maxwell.

Thần hộ mạng Lorentz không bênh Einstein một lời. Vì chẳng có gì phải bênh hết! Đối với cụ, thuyết tuyệt đối đúng, chỉ chưa toàn hảo, cần bổ túc thêm, nhất là phần áp dụng vào toán học.

Trong thuyết, Einstein dùng người quan sát đứng một chỗ, nhìn toa tàu di động. Lorentz khai triển thêm phần tính toán, giúp ta đo lường được sự biến đổi không gian, thời gian khi những vị trí quan sát có liên hệ với nhau di động – khiến những hệ quy chiếu biến đổi. Nói giản dị là cụ thêm nhiều tình huống, bối cảnh rắc rối hơn nhưng cũng hợp thực tế hơn: Người quan sát không bất động mà cũng di động, khi song song với tàu, khi tách xa dần về hướng khác. Vận tốc cũng có thể khác, không giống vận tốc tàu v.v… 

Là một kỳ tài về toán học, Lorentz tính được hết, còn tìm công thức, phương trình – phép hoán chuyển Lorentz – có giá trị như những hằng số bất biến có thể dùng cho nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau.

Trong phép hoán chuyển, cũng như những bài toán của Lorentz, T (t viết hoa) chỉ thời gian giãn nở được của Einstein, để phân biệt với t (t viết thường) chỉ thời gian bình thường, bất biến, mà các khoa học gia gọi là “thời gian của Newton” ngụ ý cái món thời gian ấy cũ rồi, xưa rồi, không dùng được trong thời đại đã có Einstein.

Thành ra, thuyết vừa được Einstein tạo hình, còn mơ hồ, đã được Lorentz tặng cho một thể xác chắc nịch, rõ ràng như… toán học.

Từ đó, phần toán học của Lorentz dính chặt với TĐĐB như linh hồn và thể xác. Nó trở thành cơ thể cường tráng, dũng mãnh của TĐĐB.  Nói về thuyết mà không biết phép hoán chuyển Lorentz là thiếu kiến thức, không nên nói tiếp. Bạn vừa thắc mắc, tỏ ý nghi ngờ giá trị thuyết là bị dí vào mắt công thức, phương trình, những bài toán của Lorentz với lời khuyến cáo: “Xem kỹ lại đi, coi có chỗ nào sai không? Tìm không ra chỗ sai trong cách tính toán của Lorentz thì không nên thắc mắc, nghi ngờ tiếp!”

Đến đây, bạn hãy cùng tôi, ta suy nghĩ thêm, kỹ hơn một tí nhé. 

Suy nghĩ kỹ thì thấy chúng ta là nạn nhân của một phương pháp ngụy biện kín đáo và tài tình. 

Thuyết Einstein và toán Lorentz là hai thực thể khác biệt, mang số phận sai đúng riêng, chỉ liên hệ chặt chẽ với nhau ở vài điểm. Phần toán Lorentz là hệ quả của thuyết, xây dựng trên giả định là thuyết đúng. Do đó, thuyết sai, nó sai theo. Nhưng nó đúng thì thuyết đẻ ra nó không tất nhiên được dựa hơi, cũng đúng nốt. 

Nó là TẦNG HAI của một tòa lâu đài.

Nếu lâu đài xây trên nền cát lún, sụp đổ, thì tầng hai dù kiên cố, hoành tráng cỡ nào cũng tiêu tùng luôn. 

Cũng như thời gian T (giãn nở được) nằm trong những bài toán của Lorentz chỉ đúng với điều kiện là thuyết thời gian giãn nở được phải đúng trước. Thuyết sai, T trở nên vô nghĩa, vô dụng.

Vậy mà, khi ta thắc mắc, đặt nghi vấn về sự vững chắc của tòa lâu đài thì các vệ sĩ của thuyết bắt ta chấp nhận sự vững chắc của tầng hai là bằng cớ chứng tỏ sự kiên cố của nền móng toàn bộ kiến trúc.

Trong hơn trăm năm qua có biết bao người yếu bóng vía, bị thế võ ngụy biện này áp đảo, khuất phục, đành nín thinh, hết dám hó hé.

Coi bộ thần Lorentz sẽ còn thành công trong nhiệm vụ bảo vệ Einstein nhiều trăm năm nữa.

Thần hộ mạng James Maxwell, như thần Lorentz, cũng không hề bênh thuyết một lời. Nhưng một kết quả trong công trình nghiên cứu của Maxwell lại đóng góp rất lớn cho việc bào chữa, bảo vệ thuyết.

Chuyên nghiên cứu về sự di động của ánh sáng, Maxwell khám phá ra là ánh sáng lan tỏa theo dạng sóng và có tốc độ bất biến khi vượt qua những môi trường khác nhau. Khám phá ấy được biến cải, thêm thắt thành: Vận tốc của ánh sáng hoàn toàn độc lập với (không bị ảnh hưởng bởi) vị trí của người quan sát. Nghĩa là đứng gần, xa, bất cứ ở vị trí nào trong không gian cũng thấy ánh sáng giữ nguyên tốc độ “bay” nhanh. 

Những vệ sĩ thông minh, sắc bén, của Einstein nhìn ngay ra khả năng “cứu chúa” trong khám phá của Maxwell. 

Bạn nhớ: trong tiến trình lập thuyết, có một khâu tức khắc gây hoang mang, nghi ngờ. Đó là lúc Einstein dùng c (vận tốc ánh sáng) để tính chiều dài của tia AB và tia AC. Einstein dùng công thức tính chiều dài quen thuộc: A-B = ct và A-C = ct’. Nếu áp dụng thuyết TĐĐB, thì t và t’ ở đây “có vấn đề” vì tốc độ của ánh sáng làm cả t và t’ ngắn đi rồi biến mất, trở thành zero. Nếu bị yêu cầu giải thích, các vệ sĩ và chính Einstein chắc lúng túng.

Nay có lời minh xác của Maxwell: “Vận tốc của ánh sáng hoàn toàn độc lập với vị trí của người quan sát” mọi chuyện êm đẹp, ổn thỏa ngay. Ngồi trong tàu, đứng ngoài tàu, ở bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ, người quan sát tha hồ nhìn ngắm ánh sáng mà vận tốc ánh sáng không hề hấn gì, vẫn “nhanh như ánh sáng”. 

Trong vận tốc có yếu tố thời gian t. Vận tốc v không thay đổi thì t cũng không đổi thay. Cái nhìn của người quan sát – theo đúng thuyết TĐĐB – luôn luôn bắt thời gian trong những vật chạy nhanh phải trôi chậm lại, nhưng khi đụng ánh sáng thì nó tha luôn, không can thiệp vào quyền độc lập, tự do đi lại của cái món chạy nhanh nhất này. 

Do đó, Einstein tha hồ dùng phương trình: L=ct mà không gây thắc mắc nữa.

Công bảo vệ thuyết của Maxwell lớn không thua công của Lorentz. 

Chỉ có một chỗ bất ổn. Đó là sự xuất hiện của danh từ “người quan sát” trong văn chương, ngôn ngữ Maxwell.

Cụ Einstein chào đời tháng 3 năm 1879, thì đến tháng 11 cùng năm ấy cụ Maxwell quy tiên. Như thế, cả đời Maxwell không từng nghe cái tên Einstein, nói chi thuyết TĐĐB và vai trò quan trọng của “người quan sát” trong thuyết ấy mà đòi xía vô hỗ trợ!  

Sửa đổi kết quả nguyên thủy trong công trình nghiên cứu của Maxwell, thêm thắt, bịa đặt, biến nó thành vũ khí bênh vực Einstein, các vệ sĩ của Einstein không rành lịch sử khoa học? Hay biết mà cứ lờ đi, sẵn sàng chịu trả giá đắt: Cái giá của sự lương thiện?

***

Một mai, khi không còn bị hào quang sáng chói của các thần hộ mệnh, các vệ sĩ làm lu mờ, hết bị bức màn ngụy biện che khuất, Sự Thật sẽ hiện ra. 

Rõ ràng minh bạch như đất trời, mưa nắng. Sừng sững như núi non.

Sự Thật và bài học nó cho ta cũng giản dị thôi:

1. Lập thuyết dựa trên những dữ kiện do người quan sát cung cấp thì phải tuyệt đối tôn trọng những luật thiên nhiên chi phối thị giác, những giới hạn trong khả năng của giác quan này. Không tôn trọng luật sẽ dẫn tới thảm trạng: người quan sát “KHÔNG HỀ THẤY” những hình ảnh, dữ kiện mà người lập thuyết tưởng lầm anh ta phải thấy.

2. Tương Đối Rộng hay Tương Đối Hẹp đều nghiên cứu hiện tượng “tương đối” do thị giác làm trung gian diễn dịch

Anh nông dân, cô họa sĩ, nhìn từ xa thấy cây đa thấp xuống, căn nhà nhỏ lại, là thấy hình ảnh, ảo ảnh của cây, nhà, những sự thật đã bị biến dạng. Hình ảnh cây đa thấp, nhà nhỏ lại SO VỚI nhà thật, cây thật, vậy thôi. Lập thuyết Tương Đối Rộng, căn cứ trên kích thước của ảo ảnh để tính toán, lần mò tìm ra kích thước, hình dạng thật của sự vật, biến chuyển thật trong hiện tượng quan sát được, thì đúng và hay. 

Nhưng tiến xa hơn, đồng hóa “cái thấy” – hình ảnh, ảo ảnh – với “sự thật” thì đi quá xa … sự thật. Kiểm chứng dễ và nhanh. Bạn nhìn một tàu bay trên trời, thấy bay chậm rì rì, bèn nói với một đứa trẻ thông minh rằng ở chốn xa xôi ấy tốc độ thực của tàu bay chậm lắm, chỉ cỡ 10 dặm một giờ thôi, đứa trẻ sẽ phì cười, nghi bạn giả ngu, nói giỡn.

Không riêng tốc độ ánh sáng, tốc độ thật của con tàu, như tốc độ của muôn vật muôn loài trên thế gian, không vì “cái nhìn” của bạn, người quan sát, mà biến đổi. Chỉ những ảo ảnh lọt vào tầm nhìn của bạn, tác động vào thần kinh thị giác, khiến não bộ tạo cho bạn cảm tưởng là chúng bị đổi thay.  

Nếu người quan sát của Einstein quả thực nhìn thấy hiện tượng “thời gian trôi chậm lại trên con tàu di chuyển” thì những cái anh ta thấy chỉ là một nhóm ảo ảnh, không là sự thật có thể dùng được ngay, khỏi qua máy lọc phân tích, xét nghiệm. Trong trường hợp thuyết TĐĐB, chuyện “quả thực” cũng không có luôn, vì “cái thấy” của người quan sát chỉ hiện ra trong trí tưởng tượng của Einstein thôi. 

Luật Thiên nhiên chi phối ngũ quan luôn bất di, bất dịch, cứng nhắc.

Ngồi trong tàu, nghe tiếng động lớn, ra ngoài tàu, mọi ồn ào giảm ngay. Ngồi trong tàu, thấy cây cột cao 10 feet, ánh sáng đèn từ trần xuống đất cũng 10 feet. Đứng xa tàu thấy cây cột, ánh sáng đèn, nhỏ lại như que diêm. Dù là khoa học gia đại tài, cụ cũng không thể làm cho “sự thật muôn đời” ấy thay đổi được. 

3. Khi lập thuyết ráng khiêm tốn và chịu khó nể mặt Tạo Hóa một tí. Thấy thuyết manh nha tham vọng đòi biến cải những tác phẩm lớn của Tạo Hóa như không gian, thời gian, nhịp vận hành của Vũ Trụ v.v… thì cần đưa nó đi bệnh viện khám nghiệm tâm thần, tiện thể, xin thầy thuốc khám luôn cả ta nữa, cho chắc ăn!

Liều lĩnh lập ra một thuyết kiêu căng đến thế, nó phải chết từ trong trứng nước.

Lê Tất Điều 

(Trích “Mấy Cõi Vô Cùng”– Phương Nam xuất bản)