Trùng Dương: ‘Silent Spring’: tác phẩm khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường

“Tất cả chúng ta có mặt trên hành tinh này đều là với tư cách du khách. Không ai trong chúng ta có thể sống ở đây mãi mãi. … Dù chúng ta chỉ sống được vài năm hay cả thế kỷ, sẽ thực sự đáng tiếc và đáng buồn nếu chúng ta dành thời gian đó để làm trầm trọng thêm những vấn đề gây đau khổ cho người khác, động vật và môi trường.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma, “Path to Tranquility

Vào giữa hè năm 1962, một cuốn sách ra đời đã gây chấn động nước Mỹ, mang tựa đề “Silent Spring” (Mùa xuân lặng câm) do nhà sinh vật học về biển Rachel Carson viết. Cái tựa nghe như một tập sách văn chương–bà Carson đã là tác giả của ba cuốn sách viết về biển, khêu gợi tình yêu thiên nhiên, và đều đã trở thành sách bán chạy nhất. 

Thực tế, “Silent Spring” là một cuốn sách khoa học về môi trường, ghi lại tác hại trên toàn hệ sinh thái do việc sử dụng bừa bãi DDT, một loại thuốc trừ sâu được binh lính sử dụng trong Thế chiến thứ 2 để diệt nạn chấy rận. Sau chiến tranh thuốc này được đưa vào thị trường tiêu thụ, trở nên phổ biến trong kỹ nghệ nông nghiệp. Bà Carson cáo buộc ngành sản xuất hóa chất là đã truyền bá thông tin sai lệch và các quan chức nhà nước đã chấp nhận các tuyên bố của ngành này mà không nghi ngờ gì.

Bìa ấn bản đầu tiên của “Silent Spring”, 1962; và tác giả Rachel Carson.

“Silent Spring” lập tức trở thành sách bán chạy nhất, không chỉ ở Mỹ mà còn ở cả Âu châu. Cũng ngay lập tức, bà Carson bị giới kỹ nghệ hóa chất tấn công quyết liệt, vu khống đủ điều, kể cả cho bà là thân Cộng và tay sai của Sô viết Nga vào lúc cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản lúc bấy giờ. Có bài báo còn gọi bà là một thứ “gái già” khó tính, bất bình thường, chỉ bầu bạn được với mấy con mèo (theo quan niệm thời đó cũng có nghĩa là “ế chồng”, nhưng gần đây lại đã được xử dụng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua). 

Tuy nhiên, cuốn sách đồng thời cũng thức tỉnh công chúng về hiểm họa của việc xử dụng hóa chất bừa bãi tác hại lên không chỉ môi trường mà cả loài vật và sức khỏe của loài người. Truyền thông dòng chính đua nhau tường thuật về “Silent Spring”. Hệ thống truyền hình CBS đã phỏng vấn tác giả, cho thấy bà là một phụ nữ trầm tĩnh, đối đáp chững chạc với các bằng chứng khoa học do sự quan sát môi trường, được hỗ trợ bởi các tài liệu khoa học bà nghiên cứu được.

Tờ New York Times đưa tin về phản ứng của ngành sản xuất thuốc trừ sâu trong một bài báo trên trang nhất, có tựa đề:

Trang nhất nhật báo New York Times ngày 21 tháng 7, 1962

‘Mùa xuân lặng câm’ giờ đây là mùa hè ồn ào

Ngành kỹ nghệ thuốc trừ sâu phản đối một cuốn sách mới gây xung đột của Rachel Carson—Các nhà sản xuất đang la ầm là ‘láo khoét’.

Bài báo mở đầu: “Ngành công nghiệp thuốc trừ sâu trị giá 300.000.000 đô la đã vô cùng khó chịu bởi một nữ tác giả vốn tính trầm lặng, người có các tác phẩm khoa học trước đây được ca ngợi về vẻ đẹp và tính chính xác của bài viết của bà.” 

Chính quyền liên bang hồi ấy dưới quyền Tổng thống Jack Kennedy đã lắng nghe, và cho mở cuộc điều tra thực hư. 

Vào tháng 5 năm 1963, Ủy ban Cố vấn Khoa học của Tổng thống Kennedy đã đưa ra báo cáo về thuốc trừ sâu được chờ đợi từ lâu, xác nhận công trình nghiên cứu của bà Carson. Các nhà khoa học của ủy ban kêu gọi nghiên cứu thêm về các mối nguy tiềm ẩn đối với sức khỏe liên quan đến thuốc trừ sâu và kêu gọi hạn chế hơn nữa việc sử dụng rộng rãi chúng nơi công cộng cũng như ngoài đồng áng, như trong video clip này,

Thuốc diệt sâu bọ DDT được xử dụng ngoài đồng, trong thành phố và ngay cả tại trường học vào lúc các học sinh đang ăn trưa (video của đài truyền hình giáo dục WGBH, Boston) 

Báo chí tường thuật những phát hiện của Ủy ban Tổng thống đã nhấn mạnh thuốc trừ sâu như một vấn đề lớn của công chúng. “Silent Spring” đã thức dậy một ý thức môi trường mới và tạo tiền đề cho việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environment Protection Agency – EPA) vào năm 1970, do Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon ban hành. Tiếp theo là việc thiết lập một cơ quan quản lý việc sử dụng thuốc trừ sâu, và vào năm 1972 thì cấm hẳn việc xử dụng thuốc DDT.

Nhờ cơ quan EPA mà đa số dân Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay đã được hưởng một không khí tương đối trong lành, nước uống trong sạch. Ngoài việc hạn chế xử dụng độc chất, cơ quan này cũng đã và tiếp tục khai triển các phương cách đối phó với hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu dẫn đến nạn biến đổi khí hậu được báo động từ trên hai chục năm nay. Một trong những phương cách đối phó đó là việc tập trung vào kỹ nghệ khai thác nhiên liệu xanh, như gió và năng lượng mặt trời.

Cũng cơ quan Bảo vệ Môi trường này, nửa thế kỷ sau, bị một tổng thống Cộng hòa khác đe dọa gỡ bỏ những hạn chế cho là cản trở cho việc phát triển kinh tế, và tập trung vào việc tăng gia khai thác tài nguyên thiên nhiên, coi nạn biến đổi khí hậu do hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu là bịa đặt. 

Rachel Carson: Sự nghiệp văn chương và khoa học

Rachel Louise Carson sinh ngày 27 tháng 5 năm 1907 tại Springdale, Pennsylvania, trong một gia đình khiêm tốn ở thị trấn ven sông vùng nông thôn này. Mẹ bà đã để lại cho con gái một tình yêu đối với thiên nhiên và môi trường sống mà Rachel thể hiện với khả năng văn chương thiên phú và kiến thức thu thập được trong thời sinh viên ngành sinh học đại dương. Bà tốt nghiệp trường Cao đẳng Pennsylvania dành cho nữ giới (nay là Đại học Chatham) vào năm 1929, thực tập tại Phòng thí nghiệm sinh học biển Woods Hole và nhận bằng Thạc sĩ sinh vật học tại Đại học John Hopkins năm 1932. Vào thập niên 1930 trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Great Depression), bà Carson được cơ quan Thủy sản liên bang (Bureau of Fisheries) thuê viết một loạt chương trình phát thanh về thiên nhiên, được nhiều người theo dõi.

Để kiếm thêm lợi tức giúp gia đình và cũng để thỏa mãn đam mê viết văn và các đề tài thiên nhiên, bà Carson viết các bài về lịch sử thiên nhiên cho tờ Baltimore Sun. Vào năm 1936, bà bắt đầu sự nghiệp công chức liên bang kéo dài 15 năm, trong tư cách là nhà khoa học và biên tập viên, sau đó trở thành tổng biên tập tất cả các ấn phẩm của cơ quan Fisheries and Wildlife Service. Bà đã soạn những tập sách nhỏ về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nhuận sắc các bài báo khoa học. Trong thời gian rảnh rỗi, bà đã chuyển các nghiên cứu cho chính phủ của mình sang văn xuôi gửi đăng các báo, đầu tiên là bài báo “Undersea” (1937, cho tờ Atlantic Monthly), và sau đó gom các bài viết này in thành sách dưới tựa đề “Under the Sea-wind” (Dưới làn gió biển), xuất bản năm 1941.

Hình trên bên trái, cô bé Rachel Carson đọc sách cho con chó cưng; phải, bà Carson khi được cơ quan liên bang Bureau of Fisheries nhận vào làm biên tập viên sản xuất các ấn phẩm về thiên nhiên. Trong hai hình dưới, bà Carson không chỉ thưởng ngoạn thiên nhiên mà còn quan sát, ghi nhận những thay đổi của môi sinh do việc xử dụng bừa bãi hóa chất diệt trừ sâu bọ gây ảnh hưởng dây chuyền tới muông thú và sức khỏe loài người. (Ảnh rachelcarson.org/biography) 

Năm 1952, bà xuất bản tập sách nghiên cứu đã đoạt giải National Book Award về đại dương, “The Sea Around Us” (Biển xung quanh chúng ta), tiếp theo là cuốn “The Edge of the Sea” vào năm 1955. Những cuốn sách này làm thành bộ sách ba cuốn về lịch sử của biển, và khiến Carson nổi tiếng là một nhà văn theo chủ nghĩa tự nhiên và khoa học qua một phong cách văn chương nhuốm chất thơ dễ được công chúng đón nhận.

Cũng nhờ lợi tức từ những tác phẩm này, bà Carson xin từ chức việc công chức vào năm 1952 để tập trung vào việc viết sách. Bà đã viết một số bài báo khác nhằm hướng dẫn độc giả về sự kỳ diệu và vẻ đẹp của môi trường, bao gồm “Help Your Child to Wonder” (Giúp con bạn biết thắc mắc) xuất bản năm 1956, và “Our Ever-Changing Shore” (Bờ biển luôn thay đổi của chúng ta), năm 1957. Song song, bà Carson hoạch định cho một cuốn sách khác về hệ sinh thái của cuộc sống. 

Trải dài qua tất cả các bài viết của Carson là quan điểm cho rằng con người chỉ là một phần của thiên nhiên, nên sống hòa nhịp với môi trường thay vì tìm cách hoán đổi và kiểm soát nó—sự hoán đổi nhiều khi không còn có thể gỡ lại được. 

Quan điểm này gần gũi với với quan niệm sống hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên của các sắc dân bản địa Native American tại Mỹ. Nó cũng khiến ta nhớ tới câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma, “Tất cả chúng ta đều có mặt trên hành tinh này với tư cách là du khách. Không ai trong chúng ta có thể sống ở đây mãi mãi. Tuổi thọ lâu nhất mà chúng ta có thể sống là một trăm năm. Vì vậy, khi ở đây, chúng ta nên cố gắng có một trái tim nhân hậu và làm điều gì đó tích cực và hữu ích cho đời sống. Dù chúng ta chỉ sống được vài năm hay cả thế kỷ, sẽ thực sự đáng tiếc và đáng buồn nếu chúng ta dành thời gian đó để làm trầm trọng thêm những vấn đề gây đau khổ cho người khác, động vật và môi trường. Điều quan trọng nhất là trở thành một con người tốt.” (His Holiness the Dalai Lama, “Path to Tranquility”, Penguin Books, 1998)

‘Silent Spring’ hình thành

Băn khoăn trước việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu bằng hóa chất tổng hợp sau Thế chiến thứ hai, bà Carson miễn cưỡng thay đổi trọng tâm của mình, thay vì ca tụng thiên nhiên thì là cảnh báo công chúng về tác động lâu dài của việc lạm dụng thuốc trừ sâu. Kết quả của bốn năm nghiên cứu, cuốn “Silent Spring” ra chào đời vào năm 1962, khi tác giả của nó cũng đồng thời khám phá là bệnh ung thư vú của mình đã tái phát mặc dù đã giải phẫu, và bệnh đã di căn. 

Trong tập sách “Silent Spring” [có thể tải xuống miễn phí tại đây, https://archive.org/details/fp_Silent_Spring-Rachel_Carson-1962], bà đã thách thức hành xử của các nhà khoa học nông nghiệp và chính phủ, đồng thời kêu gọi thay đổi cách con người đối với thế giới thiên nhiên. Bà không phản đối việc sử dụng thuốc diệt sâu bọ nhưng đòi phải có sự kiểm soát của giới hữu trách và các nhân vật quan tâm về hệ sinh thái nói chung, và phát triển những phương cách diệt trùng đỡ phương hại hơn, như loại thuốc trừ sâu sinh học. Chưa kể, sử dụng bừa bãi thuốc diệt sâu bọ cũng đã từng dẫn đến hậu quả là một số loài côn trùng đã phát triển khả năng đề kháng đối với thuốc trừ sâu, còn tác hại hơn nữa.

Tất nhiên bà Carson đã bị ngành công nghiệp hóa chất và một số người trong chính phủ tấn công là người đưa ra báo động gây hoang mang dư luận. Nhưng thực tế thì bà Carson đã làm cái việc nhiều khoa học gia đã không có hoàn cảnh để lên tiếng báo động, vì phần nhiều những tài liệu khoa học mà bà Carson tìm thấy và dùng cho tập sách cho thấy là những điều bà nêu ra trong “Silent Spring” đã từng được nhiều nhà khoa học nghiên cứu tìm ra và ghi lại trên giấy trắng mực đen, xuất bản trên các tạp chí khoa học danh giá, ít người biết tới. 

Làm chứng trước Quốc hội năm 1963, bà Carson kêu gọi các chính sách mới để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Vì đang trải qua thời gian chữa trị bệnh ung thu, tóc đã bị rụng hết, bà Carson phải đội tóc giả. (Ảnh rachelcarson.org/biography)

Trong vòng hai năm từ khi ra đời vào tháng 7 năm 1962, tác phẩm “Silent Spring” đã bán trên 1 triệu ấn bản, và đã được dịch sang ít nhất 12 thứ tiếng, bao gồm tiếng Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoà Lan, Phần Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật, Trung Hoa và Hàn ngữ. Năm 2006, “Silent Spring” được ban chủ biên của tạp chí khoa học Discover vinh danh là một trong 25 cuốn sách khoa học hay nhất mọi thời đại.

Rachel Carson qua đời năm 1964, ở tuổi 57, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư, và chỉ sau có hai năm chào đời của “Silent Spring”. Nhưng di sản của bà để lại không nhỏ, điển hình là ý thức của giới trẻ về môi trường và sự ra đời của phong trào bảo vệ môi trường không chỉ tại Mỹ mà còn tại các nơi trên thế giới. 

Vào ngày 22 tháng 4 năm 1970, cũng là ngày sau này trở thành Ngày của Trái đất, Earth Day, 20 triệu người đã xuống đường trên khắp nước Mỹ để phản đối việc hủy hoại môi trường. Cả nước trước đó cũng đã chứng kiến ​​những tác động tàn khốc của vụ tràn dầu ở Santa Barbara và đã nhìn thấy những bức ảnh đầu tiên về Trái đất do các phi hành gia chụp. Vẻ đẹp của quả địa cầu như hòn đá cẩm thạch màu xanh lam được chụp từ không gian tương phản một cách ảm đạm với tình trạng đáng thương của Trái đất mà họ biết từ mặt đất.

“Đó có thể là sự khởi đầu của phong trào môi trường hiện đại, nhưng nó không phải là nguồn gốc của chủ nghĩa bảo vệ môi trường,” BBC viết. “Các học giả đã lập luận rằng nguyên lý của chủ nghĩa bảo vệ môi trường được tìm thấy trong kinh Koran, được viết vào thế kỷ thứ 7. Và trong suốt Thế kỷ 20, vô số người biểu tình đã bị giết khi cố gắng bảo vệ môi trường tự nhiên và động vật, với số vụ giết người tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây [của Thế kỷ 21].”

Tại Mỹ, tám năm sau khi “Silent Spring” gióng lên tiếng chuông báo động, rằng loài người cần phải có biện pháp cứu vãn môi trường kịp thời, và hai năm sau khi tác giả của nó qua đời, Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon đã ký sắc lệnh thành lập cơ quan Environment Protection Agency (EPA). 

Sự ra đời của EPA, thành quả và tương lai 

Tổng thống Richard Nixon ký Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia năm 1969, vào ngày 1/1/1970

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), do Tổng thống Nixon thành lập năm 1970, đã có những bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường trong hơn nửa thế kỷ qua. Một số lợi ích nhân sinh chính bao gồm:

Không khí sạch hơn: Đạo luật không khí sạch, Clean Air Act, đã giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm, cắt giảm 78% lượng khí thải của sáu chất gây ô nhiễm phổ biến từ năm 1970 đến năm 2020. Điều này đã giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm rủi ro về sức khỏe.

Với đạo luật nước trong sạch, Clean Water Act, EPA đã thực hiện các quy định để đảm bảo nước uống an toàn hơn và bảo vệ các nguồn nước khỏi bị ô nhiễm.

Kể từ khi thành lập, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm tác động của chất độc và hóa chất độc hại đối với cộng đồng trên khắp đất nước. Tiếp xúc với một số chất độc trong môi trường (như hóa chất trong khói thuốc lá, hóa chất dùng trong thương mại hoặc phóng xạ) còn có thể gây ung thư.

Ngoài ra, kể từ khi hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu dẫn đến hiệu ứng nhà kiếng và, do đấy, là nạn khí hậu biến đổi đã trở thành quan tâm không chỉ tại Hoa Kỳ mà toàn thế giới vào đầu thế kỷ 21. Đặc biệt từ sau khi cựu phó tổng thống Al Gore phát hành phim “An Inconvenient Truth” (Một sự thật phiền toái) hỗ trợ bởi những khám phá của các nhà khoa học khí hậu, EPA đã thực hiện những bước đầu để hạn chế lượng khí thải góp phần gây ra biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương. [Độc giả tiếng Việt có thể vào đường dẫn này https://climatescience.org/vi/advanced-greenhouse-effect để tìm hiểu thêm về hiện  tượng nhiệt hóa toàn cầu và nạn biến đổi khí hậu.] 

Bao bọc DVD “An Inconvenient Truth – Một sự thật phiền toái”, 2006.

“Silent Spring” ra đời đã gặp những chống đối quyết liệt của giới tài phiệt đằng sau kỹ nghệ sản xuất thuốc diệt trùng và tác giả của nó đã bị tấn công ra sao (dù chưa tới nỗi bị nguyền rủa tục tĩu và dọa giết như thời nay) như ta đã thấy; thì cơ quan EPA cũng bị giới khai thác dầu hỏa và đồng minh của họ đối xử tương tự, nhưng tinh vi hơn, bằng cách gây ảnh hưởng trên các nhà dân biểu bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa. Các dân biểu này ngoài việc nhận tiền đóng góp của giới tài phiệt cho quỹ tranh cử của mình, nhiều người trong số họ còn có quyền lợi cần bảo vệ trong quỹ đầu tư của các công ty tài phiệt khai thác nhiên liệu nữa.

Đã từ lâu, EPA là mục tiêu tấn công của phần lớn đảng Cộng hòa, mặc dù người ký luật tạo nên cơ quan này chính là Tổng thống Cộng hòa Nixon. Chiến dịch tấn công cơ quan bảo vệ môi trường có thể coi là quy mô hơn cả đã diễn ra vào nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Donald Trump.

Đắc cử tổng thống vào năm 2016, ông Trump và những người được bổ nhiệm trong nội các của ông không tin vào sự đồng thuận của hầu hết các nhà khoa học rằng biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tác động thảm khốc, cũng như không cho là carbon dioxide là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, coi đó là bịa đặt (hoax). Sau khi nhậm chức cho nhiệm kỳ đầu vào tháng Giêng năm 2017, TT Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris khiến Hoa Kỳ trở thành quốc gia duy nhất không tham gia thỏa thuận này.

Thỏa thuận Paris là một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý về biến đổi khí hậu. Nó đã được 196 hội viên thông qua tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc (COP21) ở Paris vào ngày 12 tháng 12 năm 2015. Nó có hiệu lực vào ngày 4 tháng 11 năm 2016. Mỗi quốc gia thành viên cam kết giảm thiểu số lượng carbon dioxide (CO2) thải vào khí quyển để giúp giảm bớt hiện tượng hiệu chứng nhà kiếng tạo nên nhiệt hoá toàn cầu, làm khí hậu biến đổi bất thường.

Theo Our World in Data, cho đến nay, Hoa Kỳ đã thải ra nhiều CO2 hơn bất kỳ quốc gia nào khác: vào khoảng 400 tỷ tấn kể từ năm 1751, và chịu trách nhiệm cho 25% lượng khí thải lịch sử. Con số này nhiều gấp đôi so với Trung Quốc. Liên minh Âu châu với 28 quốc gia thành viên chịu trách nhiệm 22%. Nhiều quốc gia phát thải lớn hàng năm hiện nay, như Ấn Độ và Brazil, không phải là những quốc gia có đóng góp lớn trong bối cảnh lịch sử. Trong khi đó, đóng góp khí thải của khu vực Châu Phi, so với tổng số dân, là rất nhỏ. 

Tổng thống Trump cũng tránh các cuộc thảo luận về môi trường tại cả hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 44 được tổ chức ở Canada và hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 45 được tổ chức tại Pháp, bằng cách rời khỏi các hội nghị này sớm. Vào tháng 9 năm 2019, chính quyền Trump đã thay thế Clean Power Plan (Kế hoạch năng lượng sạch) thời Tổng thống Obama bằng chương trình Năng lượng sạch giá cả phải chăng, và không giới hạn lượng khí thải. Vào tháng 4 năm 2020, ông Trump đã ban hành các tiêu chuẩn khí thải mới cho xe cộ trở thành dễ dãi hơn, do đấy có triển vọng tạo ra thêm hàng tỷ tấn độc chất carbon dioxide vào khí quyển. Cụm từ biến đổi khí hậu bị xoá bỏ khỏi các trang Web của chính phủ liên bang. 

Chính quyền của ông Trump cũng đã bãi bỏ quy định về nước sạch và viết lại các chính sách kiểm soát ô nhiễm của EPA, như các chính sách về hóa chất được coi là có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe công chúng. Các quyết định bãi bỏ quy định trên dĩ nhiên mang lại lợi ích cho ngành kỹ nghệ sản xuất hóa chất. Chính phủ của ông Trump cũng đồng thời hỗ trợ phát triển năng lượng trên đất thuộc quyền sở hữu của liên bang, bao gồm việc cho phép khoan khí đốt và dầu trong các khu rừng quốc gia cũng như gần các di tích và công viên quốc gia. 

Không nằm trong phạm vi kiểm soát của EPA nhưng liên quan tới môi trường, là việc ông Trump bắt đầu thực hiện “America First Energy Plan” (Kế hoạch năng lượng của nước Mỹ trên hết) và ký các sắc lệnh hành pháp chuẩn thuận hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access, một sự đảo ngược lớn đối với các quyết định về năng lượng và môi trường của cựu Tổng thống Barack Obama, đồng thời giáng một đòn mạnh vào các nhà vận động đối phó với nạn biến đổi khí hậu. Năm 2018, Bộ Nội vụ đã công bố kế hoạch cho phép khoan ở hầu hết các vùng biển của Hoa Kỳ, đây là đợt mở rộng cho thuê dầu khí ngoài khơi lớn nhất từng được đề xuất. Vào năm 2019, Chính quyền đã hoàn thành kế hoạch mở cửa toàn bộ vùng đồng bằng ven biển của Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia ở Bắc Cực để khoan.

Vào năm 2020, các nhà môi trường lo ngại rằng việc ông Trump tái đắc cử thành công có thể dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng và không thể đảo ngược lại về khí hậu. Việc ông Trump đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai  đã không xẩy ra khi đa số cử tri chọn ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ cho nhiệm kỳ 2020-2024. 

Tổng thống Biden đã có bốn năm phục hồi các chương trình bảo vệ môi trường và sức khỏe công chúng, đồng thời tái thiết lập và đẩy mạnh kỹ nghệ khai thác nhiên liệu xanh. Ngay khi nhậm chức vào tháng Giêng năm 2020, Tổng thống Biden đã tuyên bố tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, trước sự thở phào của các thành viên trong Thỏa hiệp Paris về biến đổi khí hậu.

Tương lai của việc bảo vệ môi trường

Tháng 11 năm nay, 2024, ông Trump lại tái đắc cử vào tòa Bạch Ốc, nhờ được đa số cử tri tin lời ông nói trong lúc vận động tranh cử, đó là ông và chính phủ của ông sẽ giải quyết nạn lạm phát làm giá cả gia tăng. Thực tế, lạm phát tại Mỹ đã xuống hiện ở mức bình thường 2.6%, từ 7% vào năm 2020 khi ông Trump còn tại chức. Cái không xuống là giá cả, tại vì sao? Có nhiều giải thích, song theo Investopia, giá cả có lẽ sẽ không bao giờ xuống tới mức giới tiêu thụ còn nhớ ở thời gian trước khi đại dịch COVID diễn ra và đang mong đợi nơi chính quyền mới. 

Ngoài ra, ông Trump cũng còn hứa hẹn, ngoài việc tổng trục xuất 11 triệu người nhập cư không giấy tờ hợp lệ ở Mỹ (sẽ bàn ở một bài khác), sẽ ngăn chặn nạn dân nhập cư “xâm lăng” ở biên giới phía nam. Mà vấn đề di dân này chỉ có thể giải quyết ở tận gốc, và cái gốc đó nằm ở tình trạng bất ổn tại các nước từ đó người dân phải cắn răng bỏ quê hương ra đi tìm đất sống—sự bất ổn phần lớn vì khí hậu biến đổi gây ra hạn hán, ngập lụt, sụt lở, mất mùa, đói khát, và tình trạng này sẽ chỉ ngày một gia tăng với hiện tượng trái đất ngày một hâm nóng, làm đến cả những núi băng ở Bắc Cực và Nam Cực cũng đang tan rã, gây nên tình trạng nước biển ngày một dâng cao, đe dọa các vùng duyên hải. Vì thế, việc các nước giầu cần đóng góp để giúp các nước nghèo đối phó với nạn khí hậu biến đổi không phải là việc “bố thí” mà là đồng thời giúp giải quyết hiện tượng tị nạn môi trường (environment refugees) đang gây xáo trộn xã hội và chính trị tại chính các quốc gia phát triển, điển hình là tại Mỹ và các nước trong Liên minh Âu châu.

Hiện ông Trump đang bận rộn chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng (vì Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ cho phép làm tổng thống hai nhiệm kỳ mà thôi), sẽ bắt đầu từ sau khi nhậm chức ngày 20 tháng 1, 2025 tới. 

Rút kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước với các viên chức nội các từng ngăn chặn tính bốc đồng sốc nổi và thiếu hiểu biết của ông khiến ông cảm thấy bị “bó tay” không thực hiện được nhiều điều theo ý muốn nông nổi, bất chấp luật lệ của ông, lần này Tổng thống-đắc cử Trump đã “khôn” ra. Ông quyết định chỉ chọn vào nội các những người tuyệt đối trung thành với ông, bất kể khả năng và kinh nghiệm. 

Để thực hiện những điều mà ông thấy là có lợi cho chính mình và phe phái, bất chấp sự tổn hại tới môi trường và tương lai nhân loại, Tổng thống-đắc cử Trump đã bổ nhiệm Lee Zeldin vào chức lãnh đạo EPA. Zeldin, 44 tuổi, là một luật sư và sĩ quan trừ bị, cựu dân biểu Hạ viện và đảng viên Cộng hòa trung thành với ông Trump. Ông Zeldin đã tranh cử song thất bại vào chức thống đốc tiểu bang New York năm 2022.

Lee Zeldin, hình chụp năm 2024

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Zeldin, một khi được tân Thượng Nghị viện phê chuẩn vào chức vụ lãnh đạo cơ quan EPA vào đầu năm tới, chắc chắn sẽ là bắt đầu quá trình đảo ngược một số quy tắc của EPA thời Biden về khí hậu và đặt ưu tiên vào việc tăng trưởng kinh tế. Các quy tắc này sẽ bao gồm những quy định về tiêu chuẩn xe cộ xả thán khí và các quy tắc nhằm giảm ô nhiễm từ các nhà máy điện và nhà máy sản xuất dầu khí. Điều này có nghĩa là sẽ có những thay đổi đáng kể trong cách thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, có triển vọng ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn trong sạch của không khí và nước.

Như đã diễn ra khi ông Trump nhậm chức cho nhiệm kỳ đầu, Hoa kỳ chắc chắn sẽ lại rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Và việc đó sẽ không tránh được gây ảnh hưởng khôn lường tới công cuộc cứu vãn môi trường của cả thế giới, cũng là cứu vãn loài người. 

Trùng Dương 

[TD2024-11]

*Silent Spring (Book Summary) by Rachel Carson