Phạm Công Luận: Gối Lỗ Ban, vải địu em bé và huê ná tre đan
Trên đường An Dương Vương gần chợ An Đông quận 5, có một ngôi biệt thự với khoảng sân rộng. Trong những năm gần đây, tôi có mấy lần lui tới biệt thự này vì ở đây đặt “Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn”, một “bảo tàng” mang tính nội bộ nhưng khá chuyên nghiệp qua cách tổ chức không gian trưng bày, cách sắp xếp và giới thiệu hiện vật thể hiện lịch sử người Hoa di cư qua Sài Gòn – Chợ Lớn và định cư lại hơn ba trăm năm qua. Ở đây có các loại giấy tờ từ chính quốc cho đến giấy của Sở Tân đáo cấp cho người Hoa khi mới đến Sài Gòn, các đồ vật mang theo từ quê nhà Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam… đậm chất dân tộc, mang dấu vết một thời nghèo khó.
Những đồ vật đó, từ cái áo cô dâu, cái vali gỗ, cái bàn gỗ xếp, cái lồng đèn, tượng, thư pháp, tranh thủy mặc, bình gốm v.v… từng được nâng niu giữ gìn trong các gia đình trong Chợ Lớn dù có món đã ố màu cũ kỹ cho đến khi đưa đến đây. Hình ảnh những nhà tư bản sản xuất nước ngọt, sản xuất vải, những nhà thương trong Chợ Lớn do các bang hội lập ra, hình ảnh các lứa học trò sinh ra, lớn lên, đi học các trường ở Chợ Lớn… Những hình ảnh cảm động cho dù người xem không phải là người Hoa vì nó phản ánh đời sống của một cộng đồng cư dân sống trên đất Sài Gòn qua nhiều đời, vừa hòa nhập vừa cố giữ bản sắc dân tộc mình, đóng góp nhiều mặt cho cuộc sống thành phố này.
Sáng lập và duy trì Phòng trưng bày là anh Kỳ Lân, một cựu nhà báo gốc Hoa từng làm tờ Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn. Anh yêu mến đất Chợ Lớn nơi mình sinh ra, từng có nhiều bài viết về đời sống của những người dân bình thường gốc Hoa ở đó. Lập phòng trưng bày, anh đáng được ghi công không chỉ trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn mà cả cho người Việt miền Nam, lâu nay cùng sống, hòa hợp và gắn bó với nhau. Rất tiếc không gian trưng bày đã dời khỏi đây từ cuối năm 2024.
Đoạn trích dưới đây từ bài “Người dựng lại một thời Chợ Lớn bằng kỷ vật” tôi viết về anh Kỳ Lân và phòng trưng bày nói trên, trong cuốn “CÓ MỘT THỜI Ở CHỢ LỚN” – C.T Sách Phương Nam xuất bản tháng 1 năm 2025. Trân trọng cám ơn anh Kỳ Lân đã cho phép sử dụng tư liệu và hình ảnh để thực hiện bài viết này.
***
“… Ở phòng trưng bày, bên cạnh những món đồ nổi bật như tranh thủy mặc, bình hay tượng gốm, trang phục truyền thống… có những vật dụng giản dị, cũ kỹ rất dễ bị lướt qua khi khách đến tham quan. Trong số đó có ba đồ dùng gia đình khiến người ta không thể không lưu tâm đến, đó là các món: Gối gỗ Lỗ Ban, giỏ mây Huê Ná và cái địu em bé. Bởi phía sau mỗi món đồ này là một câu chuyện dài phản ánh những biến động cuộc sống của người Hoa du cư và những tâm tình của họ khi rời cố xứ lưu lạc sang Việt Nam, trở thành công dân lâu đời trên đất Chợ Lớn.
Theo tư liệu của anh Kỳ Lân, gối Lỗ Ban còn có tên gọi “Hạt Bai”, do ông Lỗ Ban (người nước Lỗ thời Xuân Thu, được mệnh danh là ông tổ của ngành xây dựng Trung Quốc), phát minh ra cách đây hơn 2.600 năm. Gối được tạo nên từ một mảnh gỗ, kết cấu phức tạp và có thể xếp gọn lại. Kỹ thuật chế tác gối Lỗ Ban tỉ mỉ, trải qua hơn mười công đoạn như cưa, bào, mài, khoan, đục, đào, đánh bóng… mới hoàn thành. Gối chế tạo trên nguyên lý “lấy chỗ khuyết đắp vào chỗ thiếu”, chỉ một nhát cưa, hai mặt có thể khớp nhau một cách hoàn hảo, hoặc chỉ một lần đục là có thể một công đôi việc. Vừa là mối ghép âm, cũng là mối ghép dương, nhìn là một, nhưng thật sự là hai, trong âm có dương, trong dương có âm, kết nối chặt chẽ với nhau.
Ở Chợ Lớn, gối Lỗ Ban khá hiếm trong các gia đình người Hoa nhưng có một người là ông Lưu Thực Nhơn, 76 tuổi còn giữ một chiếc. Gối do cụ ông Lưu Quảng, thân sinh của ông Lưu Thực Nhơn mang đến từ cố hương Triều An, Quảng Đông sang vào năm 1922 khi mới 17 tuổi. Đó là một trong vài vật dụng mang theo của ông để lưu niệm người thân trên bước đường tha hương. Chiếc gối của ông Lưu Thục Nhơn truyền qua năm thế hệ, trên gối có khắc những câu thơ qua thời gian đã phai mờ, chỉ còn dòng chữ: “Năm 1898, Triều An năm Mậu Tuất”, cách nay đã 126 năm.
Một buổi sáng tháng 11 năm 2019, Kỳ Lân gặp mặt ông Lưu Thục Nhơn ở một quán cà phê. Ông đã lấy ra chiếc gối Lỗ Ban huyền thoại của gia đình giới thiệu với anh. Lưu Thục Nhơn kể khi mới sang Chợ Lớn, cha ông học nghề ở một tiệm thuốc Đông dược rồi ở lại làm việc. Vài năm sau, ông trở về Trung Quốc để kết hôn với bà Đinh Anh ở làng bên cạnh. Năm 1938, vợ chồng ông đã có ba người con. Lúc này, chiến tranh Trung – Nhật đang diễn ra ác liệt nên ông Lưu Quảng quyết định đưa vợ con trở lại Chợ Lớn. Gia đình ông thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Trãi để ở và hành nghề thuốc, đồng thời chế biến thuốc tại nhà để giao cho một số tiệm trên đường Khổng Tử và bán qua Phnôm Pênh, Campuchia. Năm 1943, ông Lưu Quảng mua căn nhà riêng ở hẻm Thư Ký (nay là hẻm 123 đường Bình Tây, quận 6).
Khi Lưu Thục Nhơn còn nhỏ đã thấy cha dùng gối gỗ này ngủ trưa và ông thắc mắc vì sao cha có thể ngủ ngon lành khi gối đầu trên chiếc ghế gỗ cứng như vậy. Lớn lên, ông hiểu có lẽ vì đó là món đồ duy nhất giúp cha gắn bó với quê hương, nên khi có một mảnh gối bị vỡ do rơi xuống đất cha ông cũng không nỡ vứt bỏ. Sau khi cha mất năm 1973, Lưu Thục Nhơn giữ cẩn thận chiếc gối này, xem nó như báu vật. Ông còn giữ các loại giấy tờ tùy thân, biên lai mua nhà, tờ biên nhận quyên góp 2.000 đồng cho bệnh viện Triều Châu (nay là bệnh viện An Bình) vào năm 1972, tất cả đựng trong một chiếc hộp sắt. Khi hiến tặng chiếc gối cho phòng trưng bày, ông Nhơn tặng luôn cả chiếc hộp sắt đựng giấy tờ đó.
***
Về chiếc địu vải em bé, theo Kỳ Lân, nó có từ lâu đời trong lịch sử Trung Quốc, có vẻ như người Quảng Đông sử dụng nhiều hơn. Địu vải còn có truyền thuyết liên quan đến nhân vật lịch sử Hồng Tú Toàn, thủ lĩnh cuộc Cách mạng Thái Bình Thiên Quốc. Khi Hồng Tú Toàn mới chào đời, cha của ông khi đang thắp hương và lễ bái trời đất như tục lệ thì trên trời có đám mây trắng bay lơ lửng và một vị thần đứng trên đám mây ném xuống một chiếc địu vải, khuyên dùng nó để địu con sẽ tránh được bệnh tật. Mẹ của Hồng Tú Toàn đã y lời, và từ đó đến khi trưởng thành ông không hề đau bệnh. Khi có trẻ gần nhà bị đau ốm, cha của Hồng Tú Toàn bảo vợ sang nhà kia để địu đứa nhỏ đang bệnh và đứa bé đó đã ngưng khóc, hạ sốt. Mọi người nói rằng đó là “chiếc địu vải của thần linh”, và mọi nhà đều dùng khi có trẻ em, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để ban phước và mang đến bình an cho trẻ em. Có lúc trong thời chiến tranh, chiếc địu vải là vật dụng cần thiết phải trang bị để bảo vệ đứa trẻ trong lúc chạy nạn của người Hoa, như câu chuyện ông Huỳnh Đạt Minh, 92 tuổi kể cho Kỳ Lân: Khi người Nhật sang xâm lược Trung Hoa, cha mẹ ông đã dùng hai chiếc địu vải địu hai đứa em của ông chạy lánh nạn đến tận Chợ Lớn. Sau này, khi lập gia đình và sinh con, hai chiếc địu đó lại được vợ ông dùng để cõng con và lần lượt sử dụng cho bảy đứa con của hai vợ chồng.
Thuở nhỏ, Kỳ Lân sống trong xóm lao động người Hoa tại đường Lò Siêu quận 11, anh thấy có nhiều người mẹ địu con sau lưng rồi ngồi giặt đồ trước cửa nhà hoặc nấu cơm sau bếp, còn đứa trẻ thì ngủ thiếp đi trong hơi ấm của cơ thể mẹ. Chiếc địu vải có ý nghĩa quan trọng trong mỗi gia đình người Hoa trước đây, gắn liền với đứa trẻ từ lúc mới chào đời cho đến khi vào mẫu giáo.
Thiết kế truyền thống của chiếc địu là một mảnh vải vuông kết nối với bốn đai vải dài, giúp người mẹ thuận tiện địu con trên lưng đưa đi khắp nơi và rảnh tay làm việc khác. Khi trẻ quấy khóc, đói, ị, mẹ có thể cảm nhận được ngay và kịp chăm sóc cho con đang khó chịu. Trên lưng mẹ, đứa con ngửi được mùi hương quen thuộc của mẹ, cảm nhận được sự kết nối với cơ thể mẹ. Trên phần hình vuông của tấm địu thường thêu những lời chúc tốt đẹp của người mẹ dành cho con. Hai chiếc địu vải của cha mẹ ông Huỳnh Đại Minh để lại hoàn toàn được làm thủ công, do mẹ ông tự tay thêu những lời chúc phúc thương yêu như “Xuất nhập bình an” (ra vào bình an), “Trường mệnh phú quý” (phú quý dài lâu), “Bách tử thiên tôn” (con cháu đầy đàn), ngoài ra còn có tên của 28 chòm sao và các loại hoa thêu bằng tay khá tinh xảo.
Ngày nay, vai trò chiếc địu vải truyền thống đã bị mai một. Địu vải hiện đại chuyển vị trí em bé từ sau lưng ra phía trước ngực mẹ có nhiều ưu điểm hơn. Chiếc địu vải truyền thống dần trở thành ký ức của một thế hệ.
***
Món đồ thứ ba là cái huê ná mà người Triều Châu thời xưa dùng trong các sự kiện ăn mừng hay lễ hội. Huê ná trong tiếng Hoa là lẵng hoa, nhưng trên thực tế đây không phải là chiếc giỏ dùng để đựng hoa tươi. Nó là loại giỏ xách truyền thống đan bằng tre, bên ngoài được vẽ nhiều hình đẹp ngụ ý tốt lành, dùng khi trong nhà có việc vui như đám cưới, mừng sinh con, cúng thần hoặc mừng năm mới. Nhiều người Triều Châu kể khi còn nhỏ, họ thường thấy cái huê ná đi cùng những người già trong xóm. Sau khi các bà qua đời, hoặc khi sửa sang hoặc xây mới nhà cửa, những cái huê ná cũ kỹ mang từ Trung Quốc sang hay mua lại từ lái buôn bên đó đều bị đem bỏ đi. Ở Chợ Lớn có lúc người ta đan huê ná để bán nhưng họ không có kỹ thuật đan và vẽ tranh đẹp nên dần dà, nghề này thất truyền. Bây giờ, không còn ai bán huê ná Triều Châu, chỉ còn lại một vài cái được các gia đình người Hoa cất giữ.
Hiện nay, phòng trưng bày có giữ một cái huê ná do chị Chu Xuân Oanh mang đến tặng. Chị làm việc này vì muốn thực hiện tâm nguyện cuối cùng của cha là ông Chu Trấn Hồ – người Hoa thế hệ thứ hai sanh ra và lớn lên ở Chợ Lớn. Cái huê ná này từng được dùng trong đám cưới của ông Hồ với bà Trương Liên Diệp vào năm 1973. Trước lễ cưới, gia đình nhà trai phải đến nhà gái hỏi cưới như đám hỏi của người Việt và mang theo các lễ vật đặt bên trong huê ná. Sau khi nhận lễ vật từ nhà trai, nhà gái trả lễ cũng cho tất cả vào huê ná để nhà trai mang về. Trong gia đình, vào mỗi dịp cuối năm trả lễ thần linh, mẹ ông Hồ sẽ đặt các món lễ vật vào huê ná, mang đến miếu Nhị Phủ cúng. Trong số lễ vật, tuyệt đối không thể thiếu bánh lá liễu Triều Châu và tóc tiên. Sau khi cha mẹ chồng mất, ngoài việc tiếp tục cúng tạ thần linh cuối năm, bà Diệp dùng huê ná để đặt lễ vật cúng ông bà trong dịp tết Thanh Minh. Mỗi dịp như vậy, bà đều tự tay làm bánh lá liễu và một số món ăn quê hương như cá hấp kiểu Triều Châu, phá lấu Triều Châu,…
Huê ná của gia đình chị Oanh có kích thước tương đối lớn, là hàng đặt nên khá chắc chắn. Qua hơn nửa thế kỷ, dù da tre ngả vàng, nó vẫn nguyên vẹn, hoa văn vẫn sắc nét và rực rỡ. Khi dọn dẹp nhà cuối năm 2020, bà Diệp thấy không cần dùng nữa lại chiếm chỗ, định bỏ đi thì ông Hồ ngăn lại. Do đọc báo biết ở Chợ Lớn có người sưu tầm kỷ vật của người Hoa nên ông khuyên vợ con tìm đến trao tặng. Tuy nhiên, sau đó dịch Covid-19 bùng phát, ông mất vì bệnh vào tháng 5 năm 2021 nên không thể tiến hành. Cuối cùng, trước Tết năm 2022, chị Oanh đến phòng trưng bày tận tay trao huê ná cho anh Kỳ Lân, hoàn thành ước nguyện cuối đời của cha.
Kỳ Lân vẫn còn xúc động khi nhắc đến một anh bán bột chiên sống ở khu này, đã tặng phòng trưng bày một vật quý có tuổi đời cả trăm năm do ông nội anh để lại và có giá trị kinh tế nhất định. Anh ta có thể bán món đồ kia để có tiền trang trải cuộc sống nhưng lại quyết định tặng nó cho phòng trưng bày. Chuyện đáng nhớ khác là về hãng nước ngọt Con nai đỏ hiệu Phương Toàn. Cô Diệu Bình, hậu duệ của dòng họ Đào sở hữu hãng nước ngọt đã mang tặng nhiều kỷ vật của gia tộc cho phòng trưng bày. Ngoài ra cô còn lập bản di chúc với nội dung sau khi cô mất, tất cả những kỷ vật của gia tộc còn lại trong nhà sẽ gửi tặng nơi đây.
*Ghi chú: Ảnh minh họa của Phòng trưng bày văn hóa người Hoa và anh Kỳ Lân.