Mặc Lý: Áp Thuế và Áp Thuế Trả Đũa

Trudeau Says Canada to Impose 25% Tariffs Against C$155 Billion of US Goods

– Anh uống trà đi chứ. Hôm nay mình nói chuyện gì đây anh?

– À, chuyện thời sự nóng bỏng của Canada.

– Chuyện áp thuế hả anh?

– Vâng, xin anh kể cho tôi nghe chuyện này và tôi cũng muốn biết ý của anh nữa.

Áp thuế

– Chuyện tóm tắt như sau. Từ khi đắc cử lần hai tháng 11 năm ngoái, ông Trump hăm he là Mỹ sẽ áp thuế Canada, bảo ngày đầu tiên khi nhậm chức sẽ ra lệnh áp thuế. Đến ngày 01/02, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% lên tất cả mọi hàng hoá trừ các sản phẩm về năng lượng thì sẽ áp mức thuế 10% và sau 30 ngày sẽ lên mức 25%, kể từ ngày 04/02. Ông Trump cũng đe doạ sẽ tăng mức áp thuế nếu Canada áp thuế trả đũa. Cùng ngày, ông Trudeau, thủ tướng Canada, tuyên bố Canada sẽ phản ứng mạnh mẽ nhưng có tình có lý, áp mức thuế 25% lên 30 tỉ hàng hoá, phần lớn từ các tiểu bang đỏ – là những tiểu bang ủng hộ ông Trump mạnh mẽ – và 25% lên 125 tỉ hàng hoá khác sau 21 ngày, kể từ 04/02.  Đến ngày 03/01, sau hai lần nói chuyện, ông Trudeau loan báo cả hai nước sẽ hoãn việc áp thuế lại 30 ngày.

– Áp thuế là thế nào hả anh?

– Thí dụ một đôi giày từ nhà buôn hay nhà sản xuất Canada bán cho nhà buôn sỉ ở Mỹ với giá $10. Nhà buôn sỉ Mỹ, sau khi tính cả các chi phí khác, có thể bán lại cho các nhà bán lẻ ở Mỹ $15 một đôi. Áp thuế 25% nghĩa là nhà buôn sỉ Mỹ, khi nhận đôi giày phải trả cho quan thuế Mỹ $2.5. Cái này gọi là thuế quan (tariff) để phân biệt với các loại thuế khác. Sau đó, nhà buôn sỉ Mỹ có thể bán lại cho nhà bán lẻ với giá $18, thậm chí $18.75. Như vậy nếu số lượng giày nhập cảng không đổi, chính phủ Mỹ có thêm tiền thuế quan này, còn người tiêu thụ tại Mỹ sẽ phải trả thêm do thuế này, và lạm phát gia tăng. Nhưng thông thường thì số lượng giày nhập cảng sẽ giảm xuống và hậu quả là giày bán được ít hơn, người tiêu thụ phải trả tiền nhiều hơn và chính quyền ra lệnh áp thuế sẽ có thêm tiền.

– Vậy áp thuế là quyền của mỗi quốc gia, họ muốn đánh thuế sao thì đánh chứ anh?

– Đúng và không đúng. Nhà cầm quyên nào cũng cần tiền để điều hành quốc gia và thuế quan là một trong những phương tiện này. Thí dụ Việt Nam là nước không sản xuất xe chạy xăng cao cấp, nhà cầm quyền có thể áp mức thuế 100% hay 200% thì cũng là quyền của họ. Nhưng khi hai nước giao thương, và cả hai nước cùng sản xuất một mặt hàng, thì việc áp thuế cao lên một mặt hàng nào đó sẽ là việc bảo vệ hàng nội địa như một hình thức trợ giá và cần có sự thương lượng với nhau. Ngoài ra mỗi nước cũng có những loại sản phẩm mà họ cần bảo vệ đặc biệt. Nhật Bản bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp của họ, không nhập từ nước ngoài, là một thí dụ. Thuế quan giữa hai nước thường dựa vào các thương ước, còn đột nhiên tăng mức thuế suất chót vót lên mọi mặt hàng là một hình thức bắt nạt, o ép.

Lý do áp thuế

– Như anh nói bên trên, việc áp thuế khởi xướng từ ông Trump. Lý do việc áp thuế của nước Mỹ là từ đâu?

– Lý do nêu trên thông báo của Toà bạch Ốc là Canada để thuốc fentanyl và di dân bất hợp pháp tràn lan sang Mỹ qua đường biên giới. Ngoài ra, còn có lý do về cán cân thương mại thâm thủng về phía Mỹ. Trước đây ông Trump nhắc đi nhắc lại trên mạng xã hội, cũng như những lần tiếp xúc với truyền thông, với cử tri và công chúng là cán cân thương mại chênh lệnh do việc Canada đã lợi dụng, bóc lột nước Mỹ và Mỹ hàng năm đang phải trợ cấp cho Canada 100 tỉ.

– Xin anh nói về lý do áp thuế vì thuốc fentanyl và di dân bất hợp pháp trước đã. Canada có phải là nguồn nhập thuốc fentanyl hay di dân bất hợp pháp vào Mỹ không?

– Về lượng thuốc độc hại fentanyl đi từ Canada vào Mỹ chiếm 0.2% tổng số fentanyl mà lực lượng biên phòng Mỹ bắt giữ (43 lbs trên tổng số 21,889 lbs, xem tham khảo [1] – [4]). Con số về di dân bất hợp pháp, cũng tương tự như vậy, chiếm ít hơn 1 % số di dân bất hợp pháp vào Mỹ trong năm 2024. Đây là những con số từ phía chính quyền Mỹ. Vậy anh có thể tư mình phán đoán xem những lý do áp thuế vì fentanyl và di dân bất hợp pháp có hợp lý không. Ngoài ra để tăng sức ép về việc áp thuế, ông ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp liệt Canada cùng với Mexico là mối đe doạ đến an ninh quốc gia của Mỹ. Nhiều người Canada mỉa mai là trong tương lai ông Trump sẽ tuyên bố Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cũng là mối de doạ đến an ninh quốc gia của Mỹ, nghĩa là bước ra khỏi nước Mỹ là gặp đe doạ an ninh quốc gia.

Một vấn đề khác cũng xảy ra ở biên giới Mỹ và Canada là việc súng đạn nhập bất hợp pháp từ Mỹ vào Canada. Tại Ontario, tỉnh bang đông dân nhất Canada, đại đa số vũ khí bất hợp pháp trong các vụ án băng đảng là từ Mỹ. Vậy Canada có cần áp lực nước Mỹ trong vấn đề này không? Trách nhiệm quản lý, điều hành đất nước là ở chính quyền nước sở tại chứ?

Tuy nhiên, trước khi ông Trudeau công bố các biện pháp áp thuế trả đũa, ông cũng cho biết là Canada đang tiến hành chương trình, chi tiêu tới 1,3 tỉ, để củng cố biên giới ngăn chặn những việc vượt biên trái phép hay đưa thuốc fentanyl qua biên giới, và cũng hiểu như ngăn chặn vũ khí bất hợp pháp xâm nhập Canada.

– Vậy theo anh, hai lý do mà toà Bạch Ốc loan báo khi áp thuế Canada không đứng vững. Còn những lý do khác, nhất là việc Mỹ trợ cấp cho Canada mỗi năm 100 tỉ do thâm thủng cán cân thương mại với Canada thì sao hả anh?

– Tôi nói đùa một chút. Hai xóm buôn bán với nhau, xóm kia bán cho xóm này nhiều hơn, xóm này nói là xóm kia đang lợi dụng, o ép mình và mình đang phải trợ giúp cho xóm kia, nhất là khi xóm kia nhỏ gấp mười xóm mình thì nghe có lọt tai không? Những điều vô lý tương tự mà ông Trump nói, nhiều người ủng hộ vẫn tin. Nhưng ta hãy trở lại việc mất thăng bằng cán cân mậu dịch giữa Canada và Mỹ. Theo Bloomberg (xem [5] – [6]),  năm 2022, Mỹ bán sang Canada 362.9 tỉ USD hàng hoá và dịch vụ, trong khi Canada bán sang Mỹ 429.6 tỉ USD, gây mất thăng bằng mậu dịch khoảng 67 tỉ. Nhưng điều này có nhất thiết là xấu không? Xấu hay tốt tuỳ theo hướng phát triển của mỗi quốc gia. Xuất cảng những mặt hàng mà mình có thế mạnh và nhập cảng những mặt hàng mình có thế yếu, đó là chính sách ngoại thương khôn ngoan. Thí dụ Canada mỗi năm bán ra qua Mỹ khoảng 130 tỉ USD sản phẩm về năng lượng, đa số là nguyên liệu thô. Không có việc xuất cảng này thì cán cân thương mại đã nghiêng về phía Mỹ. Canada không xây những nhà máy lọc dầu, trong khi Mỹ có rất nhiều và hoạt động hiệu quả. Gần 15 năm trước, Canada có chương trình chế tạo máy bay quân sự nhưng sau cùng quyết định chọn mua của Mỹ, và lý do chính là về kinh tế. Vậy áp thuế bất bình thường lên một mặt hàng là gián tiếp trợ giúp một ngành công nghiệp không phải là thế mạnh của mình. Tất cả những điếu này các cố vấn của đảng Cộng Hoà biết chứ, nhưng ông Trump thì có lẽ không. Ông Trump như một doanh nhân với cách làm thương mại bất bình thường trước khi vào toà Bạch Ốc, có lẽ không biết điều này, nay quá già để học thêm và cũng không có ý muốn học thêm. Ngoài ra việc giao thương cũng tạo ra đầu tư lớn sang nước bán hàng từ những nước mua hàng. Theo thông tin từ Văn phòng Phân tích Kinh tế của bộ Thương Mại Mỹ (xem [7])  năm 2023 đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI – Foreign Direct Invesment) từ Canada sang Mỹ là 671 tỉ USD, còn đầu tư từ Mỹ sang Canda là 451 tỉ USD.

– Theo anh, việc áp thuế với những nước mà Mỹ có thâm thủng mậu dịch có hiệu quả không?

– Vâng, như tôi nói, việc áp thuế không có lợi như ông Trump nghĩ. Việc áp thuế chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng áp thuế trả đũa từ những nước bị áp thuế. Và cuối cùng thì giao thương sẽ bị sút giảm hay ngừng trệ. Nước Mỹ trở về việc chỉ có thương mạị nội địa, kiểu bế môn toả cảng, mặc cho thế giới, trong đó có Trung Quốc giao thương với những nước còn lại trên thế giới.

Phản ứng của Canada

– Tôi hiểu. Thế trong việc áp thuế từ ông Trump này, Canada phản ứng thế nào?

– Phản ứng từ chính quyền liên bang mà ông Trudeau đại diện thì tôi đã nói bên trên. Các đảng đối lập, như đảng Bảo Thủ Canada, đảng Tân Dân Chủ và đảng Bloc Quebecois đều lên án việc áp thuế của Mỹ và ủng hộ việc trả đũa của Canada.  Ông Poilièvre, lãnh tụ đối lập thuộc đảng Bảo Thủ liên bang, đã khẳng định: “Về áp thuế từ Mỹ là hoàn toàn không thể biện minh được”. Tháng 12/2024, khi ông Trump hăm he áp thuế Canada, ông Trudeau đã họp với các tỉnh bang để có đối sách chung. Các tỉnh bang đều ủng hộ việc trả đũa nếu cần. Ông Doug Ford, đảng Bảo Thủ tỉnh bang, thủ hiến tỉnh bang Ontario, hăm sẽ cắt điện xuất cảng sang vùng Tây Bắc Mỹ nếu cần thiết. Chỉ có bà thủ hiến Alberta Daniel Smith, tỉnh bang Alberta mà dầu khí đóng vai trò quan trọng trong kinh tế tỉnh bang, thì miễn cường cho rằng áp thuế trả đũa không phải là biện pháp tốt nhất.

– Còn người dân Canada đã phản ứng thế nào với việc áp thuế từ Mỹ?

– Ngay từ ngày 01/02, rất nhiều tiệm thực phẩm đã dựng bảng lớn ghi món nào từ Mỹ, món nào từ Canada cho người tiêu thụ chọn lựa. Đa số khách hàng đều xem xét kỹ xuất xứ mặt hàng trước khi mua. Hai trận thể thao cuối tuần trước, một về băng cầu, một về bóng rổ, nhiều khán giả Canada đã la ó khi quốc kỳ Mỹ trỗi lên. Nhiều người cho rằng tình thân hữu giữa Canada và Mỹ bị sút giảm nghiêm trọng, khó trở lại như trước đây.

– Anh nghĩ sao khi ông Trump chọn Canada và Mexico là hai nước đầu tiên áp thuế?

– Theo tôi, thì đây là hai nước láng giềng với Mỹ, và Mỹ là những đối tác thương mại lớn nhất của họ nên ảnh hưởng khi áp thuế sẽ rất lớn. Việc áp thuế trên Trung Quốc cũng xảy ra nhưng nhẹ hơn và Trung Trung Quốc đã phản ửng lại bằng áp thuế trả đũa 15% lên nhiều mặt hàng quan trọng. Sau đó có thể là khối Liên Âu.

– Anh thấy tương lai Canada thế nào trong vụ áp thuế?

– Thật khó nói. Trong tương lại gần, việc áp thuế sẽ gây tổn hại nặng nề cho kinh tế Canada nhưng Mỹ cũng sẽ thiệt hại không nhẹ. Ngoài ra, việc áp thuế cũng không phải có ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực với Canada, Ông Jean Charest, cựu thủ hiến Quebec, cựu lãnh tụ đảng Bảo Thủ liên bang, cho rằng việc này có thể thúc đẩy Canada buôn bán nội địa giữa các tỉnh bang cũng như mở rộng thương mại với các nước khác. Chính quyền liên bang và các tỉnh đang bàn bạc về một đường ống dẫn dầu và khí đốt mới sang bờ biển Đại Tây Dương, mà tỉnh bang Quebec không chống đối vì lý do môi sinh nữa. Ông Charest lạc quan cho rằng, có thể một ngày nào nào đó, một nước Canada mạnh hơn nhờ việc áp thuế này của ông Trump. Nhưng quá sớm để nói.

Tiểu bang thứ 51 của Mỹ

– Trước khi ký sắc lệnh hành pháp để áp thuế Canada, chuyện ông Trump đề nghị Canada làm tiểu bang thứ 51 của Mỹ ra sao hả anh?

– Sau khi đắc cử lần hai, ông Trump mời ông Trudeau sang tư dinh ở Florida nói chuyện thì việc áp thuế là chủ đề quan trọng nhất. Ông Trump nửa đùa nửa thật bảo nếu không muốn bị áp thuế, Canada có thể làm tiểu bang thứ 51 của Mỹ và ông Trudeau có thể thành thống đốc tiểu bang này. Ông Trudeau cũng nói đùa lại là trong giao dịch, Canada có thể sát nhập California hay Vermont thành tỉnh bang của Canada (xem [8]). Ngay lúc đó, ông Trump không nói với ông Trudeau về việc này nữa. Tuy nhiên sau đó, trong nhiều dịp tiếp xúc với người ủng hộ hay trên mạng xã hội, ông Trump tiếp tục nói về đề nghị Canada làm tiểu bang thứ 51 của Mỹ. 

– Anh nghĩ sao?

– Theo tôi, đây là kiểu ăn hiếp người, khi ông còn là doanh nhân. Nhưng nhiều người Canada coi đây là lời sỉ nhục cả một quốc gia. Tôi không hiểu những người gốc Việt hay người Việt Nam ủng hộ ông Trump nghĩ gì khi ông Tập Cận Bình, dù chỉ một lần, bảo Việt Nam nên làm tỉnh thứ 23 của Trung Quốc?

Phản ứng của người Việt Nam và người gốc Việt

– Những người trước đây chống đối ông Trump thì có lẽ họ không thay đổi. Vậy những người ủng hộ ông Trump, gốc Việt tại Canada, tại Mỹ hay người Việt Nam thì sao? Sau việc áp thuế này, họ có thay đổi ý kiến về ông Trump không?

– Về người Canada gốc Việt trước đây ủng hộ ông Trump, nay tôi thấy đa số giữ im lặng. Còn những người Mỹ gốc Việt, nhiều người im lặng trên mạng xã hội nhưng nhiều người lại tiếp tục như cũ, hoặc là dùng tin giả, hoặc là dùng những luận điệu  một chiều. Với họ, việc áp thuế lên Canada, mà họ coi là môt nước dân chủ xã hội thiên tả như cộng sản, là đúng. Họ tin lời ông Trump bảo Canada là nước ăn bám, bóc lột Mỹ. Và tệ hơn, một số lại hãnh diện được sống trong một nước mà lãnh đạo có thế nói những lời lẽ như vậy với những quốc gia khác trên thế giới.

– Còn những người Việt Nam ủng hộ ông Trump thì sao anh?

– Tôi không rõ nhưng hy vọng họ thay đổi. Tuy nhiên một vài người, trước đây có can đảm đối kháng lại nhà cầm quyền trong nước khi cổ võ dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, lại mong đợi ông Trump như một nhà cách mạng mang sự thay đổi cần thiết cho thế giới làm tôi ngạc nhiên. Họ tuyệt vọng quá chăng? Họ mặc kệ thế giới thế nào, miễn là cơ hội cho Việt Nam thay đổi sẽ đến? Nhưng dân chủ, nhân quyền nào cho Việt Nam với những lời lẽ, hành động của ông Trump mà họ hy vọng sẽ mang lại? Tôi buồn cho họ.

Mặc Lý

—————

Tham khảo

[1] US Custom and Border protection, Drug Seizure Statistics

[2] Homeland Security News, Oct 24 2024

[3] Kate Linderman, What drugs are often seized at US-Canada border? Data shows less than 1% is fentanyl, The State February 06, 2025.

[4] Kayleen Devlin & Yi Ma, How does fentanyl get into the US?BBC News Feb 2025

[5] hristl Dabu, As Trump vows major tariff hike, a look at what the U.S. imports from Canada, CTV News, Bloomberg Economics, November 26, 2024

[6] Department of Statistics Canada, Canada and the United States: The numbers on a unique relationship, Mar 21 2023.

[7] Bureau of Economics Analysis, US Department of Commerce, Report July 2023

[8] Danielle Wallace, Trudeau says 51st state is distraction from Trump tariff threat, Fox News January 13, 2025