Chu Tuấn Anh: Không Thể Bắt Đầu Kỷ Nguyên Mới Bằng Cách Lặp Lại Một Thảm Họa Cũ Của Đất Nước!

1. Dẫn nhập

Với những sự kiện dồn dập trên thế giới và trong nước cuối năm 2024 và đầu năm 2025, chúng ta thấy rõ rằng nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mới; mở đầu bằng những sự xáo trộn và bất ổn thể hiện một trật tự thế giới đang hình thành nhưng chưa ổn định, cùng với những bước tiến dồn dập của khoa học – kỹ thuật và những nhận thức chung của nhân loại về thế giới. Kỷ nguyên mới sẽ đem đến một thứ ánh sáng mới cho thế giới và những giá trị mới; kết hợp với các thành quả về công nghệ kỹ thuật, chắc chắn rằng thế giới nhìn chung sẽ lành mạnh hơn và con người sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới cũng có thể rất tàn khốc với những dân tộc thiếu sự chuẩn bị cho nó. Một chuyên gia trong ngành công nghiệp năng lượng từng nói với tôi rằng “một quốc gia mà đến thời điểm này còn đang trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt thì dường như sẽ không có một tương lai nào trong những thập kỷ tới”. Nhận xét đó có thể làm chúng ta rơi vào suy tư về những hành trang chúng ta cần chuẩn bị cho một tương lai bắt buộc phải đến. Có những hành trang là những cơ sở vật chất và điều kiện hữu hình, nhưng cũng có những hành trang là những giá trị và đồng thuận chung cần phải có trong hành trình bước vào Kỷ nguyên mới. Do đó, đây sẽ là một thời điểm để chúng ta nhìn lại đất nước của mình, những gì đã qua và những gì sẽ tới, và những gì chúng ta phải đấu tranh để đảm bảo một tương lai, một chỗ đứng cho Việt Nam trong một kỷ nguyên mới. 

Trong bối cảnh đó, phải nói rằng chúng ta đang ở trong một tình trạng hết sức đáng lo ngại vì đất nước chúng ta đang được cầm quyền bởi hai lực lượng: công an với mọi sự tàn bạo, thô lỗ và thiển cận; và lực lượng tuyên giáo với sự dối trá và kiên quyết kháng cự lại mọi giá trị tiến bộ. Hai lực lượng này thực ra chia rẽ nghiêm trọng trong chính nội bộ của họ và với nhau. Tuy nhiên, sự thiển cận trong suy nghĩ đã đưa họ đến quyết định là phải kháng cự trước làn sóng dân chủ hóa, hoặc ít nhất là tìm mọi cách cách để trì hoãn hạn kỳ dân chủ, với cái giá là sự lãng phí thời giờ quan trọng của dân tộc và đất nước.

2. Một cuộc cách mạng vô hồn, “đầu voi đuôi chuột”

Họ đã làm lãng phí thời gian của dân tộc bằng cách hô hào một cuộc cách mạng vô hồn. Ông Tô Lâm gọi đó là cuộc “cách mạng tinh giản tinh gọn bộ máy”. Ông Tô Lâm đã giải thích ngắn gọn lý do cần phải tinh giản bộ máy là vì ngân sách phải chi 70% để trả lương và chi thường xuyên để phục vụ cho các hoạt động, còn lại dùng để chi trả nợ; như vậy thì sẽ không còn tiền để chi cho các khoản đầu tư và phát triển, cũng như chăm lo cho quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo. Ông Tô Lâm còn nói rằng ít nhất 50% ngân sách phải dùng để phục vụ cho phát triển, quốc phòng, an ninh, giáo dục y tế, và xã hội. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng kể từ khi ông Tô Lâm phát động “cuộc cách mạng tinh giản bộ máy” thì Bộ Nội Vụ báo cáo rằng họ sẽ dự kiến chi gần 130,000 tỷ đồng cho chế độ và chính sách khi sắp xếp lại bộ máy (tương đương với 5 tỷ USD). Một câu hỏi đặt ra : Như thế thì đâu có khác gì việc tiếp tục duy trì bộ máy hiện tại và chờ một bộ phận công, viên chức đến độ tuổi nghỉ hưu? Tại sao họ phải bỏ một khoản tiền lớn như vậy và đặt 100,000 người trong một tình trạng bấp bênh để thực hiện một công việc không có nhiều ý nghĩa trên thực tế? 

Cuộc “cách mạng” tin giản bộ máy của TBT Tô Lâm không những tốn kém mà còn gây nhiều phẫn nộ. Nguồn ảnh: TTXVN

Một nội dung khác trong cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của ông Tô Lâm là sáp nhập các đầu mối lại. Ví dụ ông Tô Lâm cho rằng thế giới đã không còn duy trì bộ Kế hoạch và đầu tư (hiện chỉ có Việt Nam và Lào), phải nhập bộ Kế hoạch và đầu tư vào Bộ Tài chính. Bộ Tài nguyên – Môi trường và bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ được sáp nhập. Một nội dung cũng có thể kể đến là bỏ công an cấp huyện và chỉ duy trì chế độ công an cấp xã. Tuy nhiên, đây thuần túy là một số thay đổi hành chính và không có tầm vóc gì của một cuộc cách mạng. Chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuất phát từ nhu cầu quản lý kinh tế theo đường lối chủ nghĩa tập thể, kinh tế do trung ương điều khiển; nay chính sách kinh tế này đã phá sản nên việc bỏ cũng là tất yếu. Việc nhập bộ Tài nguyên – Môi trường và bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì vẫn còn là một dấu hỏi vì hai bộ này đều có những vai trò riêng biệt và khó có thể đặt chung dưới một sự quản lý trong bối cảnh Việt Nam. Nhu cầu quản lý tài nguyên và môi trường đôi khi xung đột với nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn. Quyết định bỏ công an cấp huyện cũng là một sự khó hiểu; bởi lẽ họ cũng không nhất thiết giảm số lượng công an hiện có mà công an huyện sẽ được bố trí về cấp xã và thành phố. Có thể nói một cách chung nhất là những nỗ lực cải tổ bộ máy hành chính do Tô Lâm đề xướng ra có một số quyết định phản ánh nhu cầu thực tiễn trước mắt, và một số quyết định thực ra có hại và gây bất mãn nhân tâm trong chính nội bộ của chế độ. Nhưng một câu hỏi đặt ra là có thể “mở ra kỷ nguyên mới” nếu chỉ loay hoay tìm cách cải tổ hành chính nhưng không thay đổi chế độ chính trị không? Câu trả lời là không và chế độ sẽ không tìm được bất cứ một ngoại lệ nào trên thế giới.

3. Những chính sách kinh tế cẩu thả của liên minh Tô Lâm, Phạm Minh Chính

Điều tai hại nhất của lãnh đạo chế độ trong thời điểm hiện tại là sau tất cả những ê chề và bế tắc của chế độ Cộng sản Việt Nam, họ dường như đã cố thuyết phục nội bộ đảng tin rằng nếu con đường của Nguyễn Phú Trọng đã không cứu được chế độ thì chúng ta sẽ quay lại con đường của Nguyễn Tấn Dũng, mà điển hình là những chính sách kinh tế cẩu thả, để lại thâm hụt ngân sách và những hậu quả to lớn cho đất nước, và bị tuyệt đại đa số đảng viên và nhân dân chống đối. Nếu Nguyễn Tấn Dũng đã bị chống đối trên mọi mặt trận thì không có lý do gì ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính sẽ kỳ vọng rằng họ không bị chống đối. Nhất là trong bối cảnh chế độ và đảng CSVN ngày càng chia rẽ, và bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của sự thù hận và đấu đá nội bộ. Phải nói rằng họ đang chọn một con đường đầy nguy hiểm, và chỉ dẫn đến một cái kết đầy tăm tối cho tương lai của họ và đất nước Việt Nam. 

Tăng trưởng dựa trên đầu tư công. 

Đầu tiên, phải nói đến kích thước tăng trưởng kinh tế bằng đầu tư công. Trong năm 2025, chế độ dự kiến sẽ bơm 2.5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế (tương đương với 97.5 tỷ đô la), trong đó đầu tư công sẽ là 790,000 tỷ đồng (tương đương với 31 tỷ dollars). Chúng ta có thể nhìn lại công thức tính GDP: GDP= C+ I+ G+ (X-M), trong đó: C = Sản phẩm tiêu thụ, I = Vốn đầu tư, G = Đầu tư công, X – M = Hiệu số xuất nhập khẩu. Như vậy, tăng cường đầu tư công cũng là một phương pháp tăng GDP danh nghĩa (nominal GDP). Tuy nhiên, đầu tư công là việc lấy những tài sản tích lũy của đất nước hoặc vốn vay để đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc những dự án chung của đất nước. Nó chỉ thực sự có lợi khi được sử dụng một cách đúng mực và thận trọng : nhà nước nhân danh đất nước đầu tư vào những gì cần thiết cho tương lai của đất nước và đảm bảo những khoản đầu tư đó mang lại những trị giá lớn hơn và không bị phung phí. Thế nhưng, có thể thấy rằng chế độ đang sử dụng đầu tư công một cách cẩu thả để tạo ra một tăng trưởng GDP giả tạo với hậu quả là để rút ruột ngân sách của chính quyền trung ương và địa phương, và thế hệ tương lai sẽ là những người gánh chịu cho sự cẩu thả này. Ông Phạm Minh Chính đi từng địa phương đôn đốc chính quyền địa phương phải giải ngân đầu tư công; họ đặt ra mục tiêu buộc phải giải ngân, “chạy nước rút” đầu tư công. Ông Tô Lâm còn đăng đàn hỏi “tại sao chúng ta có đầu tư công mà địa phương không giải ngân được?”. Với quy mô tăng trưởng đầu tư công khoảng 7% để thúc đẩy GDP, chúng ta có thể kết luận rằng thực tế trong giai đoạn vừa rồi, kinh tế Việt Nam đã không tăng trưởng mà thậm chí còn suy thoái. Họ đã hoàn toàn học tập theo lối chữa cháy của Trung Quốc là bơm tiền và đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên con số. Nhưng điều thực sự nguy ngập cho họ là Việt Nam không có tiềm lực như Trung Quốc để duy trì cách kích tăng trưởng này, và cũng đồng nghĩa với việc mọi sự bẽ bàng sẽ đến sớm hơn rất nhiều so với dự tính.

Đường sắt cao tốc và điện hạt nhân

Trong năm 2024, họ đã có những cuộc thảo luận về hai dự án lớn là Đường sắt cao tốc (từ Trung Quốc tới Hà Nội, đường sắt cao tốc Bắc Nam, và đường sắt nối các trung tâm thương mại Bắc Nam) và Điện hạt nhân, và họ cũng sẽ quyết tâm đưa ra một phương án rõ ràng vào năm nay. Với dự án đường sắt cao tốc, chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm và thiện chí của những người đang cầm quyền, vì người Việt không còn lạ lẫm gì với một dự án đường sắt cao tốc khác kết nối Lào với Trung Quốc đã đưa Lào lâm vào cảnh vỡ nợ và hoàn toàn lệ thuộc sâu vào Trung Quốc. Chế độ CSVN cũng ý thức được rõ về điều này. Nhưng họ vẫn quyết tâm làm một dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và cho phép Trung Quốc xuất khẩu kỹ nghệ đường sắt của mình. Mới đây, họ còn ngỏ ý sẽ xây dựng đường sắt với quy mô 8.3 tỷ USD, trong đó sẽ vay một phần từ chính phủ Trung Quốc. Điều này đã được các tờ báo lớn của thế giới và ghi lại. Nếu thực sự Trung Quốc không có khả năng giúp chế độ, và động thái cầu cạnh Bắc Kinh của chính quyền Việt Nam khiến phương Tây nhìn nhận chế độ không khác gì những lực lượng chống phương Tây như Cambodia, có thể tình hình sẽ chỉ tệ đi và thêm phần bẽ bàng. 

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ xây mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h. Nguồn ảnh: báo Tuổi Trẻ

Có lẽ những chuyên viên của chế độ sẽ có nhiều thông tin hơn tôi về tình trạng phá sản của ngành đường sắt của Trung Quốc. Vào năm 2022, nợ của ngành đường sắt của Trung Quốc lên tới 900 tỷ dollars (nghĩ là 5% GDP Trung Quốc). Nhưng tồi tệ hơn là đó cũng có thể không phải con số chính thức những gì họ nợ. Các chính quyền tỉnh của Trung Quốc cũng bị chính quyền Trung Ương buộc chạy theo các mục tiêu đầu tư công (quy định phải hoàn thành bao nhiêu km đường sắt trong một năm), nên họ cũng làm gia tăng nợ của công ty Đường Sắt TQ (CRC). Dù mỗi km đường sắt cao tốc đắt hơn đường sắt truyền thống gấp ba lần, nhưng hầu như không có khả năng thu hồi vốn vì lợi tức của vận hành chỉ thu về thuần túy thông qua hoạt động chở khách. Để giải quyết vấn đề này, CRC đã ban hành theo một lượng trái phiếu trị giá 300 ngàn tỷ RMB (tương đương 41 tỷ dollars) để không phải tính vào nợ công. Một câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có đủ sức giúp Việt Nam trong hoàn cảnh này, và nếu họ chấp nhận giúp đỡ Việt Nam, những điều kiện chế độ phải nhượng bộ là gì? Nói đến đây, dường như chúng ta thấy hình bóng của lối làm kinh tế thời chính quyền Nguyễn Tấn Dũng. Họ làm kinh tế cho một sự hào nhoáng trước mắt, bất chấp những rủi ro khủng khiếp cho tương lai của đất nước, và dân tộc Việt Nam. 

Một dự án nữa họ cũng dự tính thực hiện là Điện hạt nhân, theo những công bố mới nhất của chế độ. Họ dự kiến sẽ có 8 điểm xây dựng điện hạt nhân tại 5 tỉnh bao gồm Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi. Mỗi điểm có khả năng xây dựng từ 4-6 tổ máy theo một quy hoạch phát triển cho đến năm 2030. Trong một tình trạng lâm nguy và bi đát của các chế độ độc tài điển hình như Nga, đối tác điện hạt nhân tiềm năng lớn nhất của chế độ, hầu như tính khả thi của dự án này là một dấu hỏi lớn. Năm 2024 khép lại đã đánh dấu sự lụn bại và sa lầy của Nga tại chiến trường Ukraine. Dù kết quả cuộc chiến sẽ đi về đâu, Nga vẫn sẽ trở thành một đất nước lụn bại và sa sút về mọi thứ, trong đó có công nghệ, quân sự, kinh tế và ảnh hưởng ngay chính tại các nước Trung Á và các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Nhưng nếu chế độ thực hiện các dự án điện hạt nhân thì sao? Thế giới sẽ không quên những thảm họa như Chernobyl tại Ukraine và Fukushima tại Nhật Bản (sự cố khiến Nhật Bản quyết định đóng cửa gần hết các nhà máy điện hạt nhân đã chiếm 30% tổng sản lượng điện nước này). Kỹ nghệ hạt nhân hiện giờ hầu như chỉ được một thiểu số các nước có trình độ kỹ thuật cao ủng hộ, và cũng chỉ ủng hộ duy trì ở một quy mô nhỏ, hạn chế (chẳng hạn mini modular plants), trong khi nhiều nước có quy mô kinh tế lớn hoặc trình độ phát triển cao như Đức và Tây Ban Nha đã đóng cửa các nhà máy hạt nhân hoặc có một lộ trình cụ thể để ngừng sử dụng năng lượng này. Và tuyệt đại đa số các nước đang phát triển, với trình độ kỹ thuật có nhiều hạn chế, chưa có một nước nào lấy quyết định theo đuổi điện hạt nhân cả. 

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: VnExpress

Với Việt Nam, chúng ta phải tuyệt đối nói không với các dự án điện hạt nhân. Với một lãnh thổ hẹp và một đường bờ biển dài phía Đông, cùng với dân số đông, một sự cố nhỏ sẽ là sự chia cắt đất nước vĩnh viễn về mặt địa lý, đe dọa tính mạng của hàng triệu người, và một vùng biển chết vĩnh viễn với sự chấm dứt của các hoạt động du lịch và khai thác thủy hải sản. Ngay cả trong điều kiện không rủi ro, điện hạt nhân vẫn có vấn đề về chất thải hạt nhân không thể xử lý với một quỹ đất hạn chế. Khi có một sự cố rò rỉ chất thải hạt nhân, có thể một khối lượng lớn đất, nước ngầm, và tài nguyên nước biển trên lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn không có khả năng sử dụng được nữa. Chúng ta không có lý do gì để đưa dân tộc Việt Nam vào những nguy cơ như vậy, phải tập quen với những cuộc diễn tập di tán hàng loạt và ứng phó với thảm họa hạt nhân cả. Nhất là trong một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật như hiện nay, năng lượng tái tạo sẽ sớm giải quyết được vấn đề ổn định. Trong một giai đoạn, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một số lượng các nhà máy điện khí như một năng lượng trung gian có thời gian vận hành khoảng 20 năm, và có thể gỡ bỏ ngay lập tức khi điện tái tạo đi vào ổn định. Chúng ta không có lý do gì để duy trì những nhà máy điện hạt nhân không thể giải ráp (decommissioning) hoàn toàn và có những rủi ro tồn tại đến hàng trăm năm trên lãnh thổ đất nước. Thật là khó hiểu về một sự ngoan cố và tối tăm của lãnh đạo chế độ khi họ quyết định làm điện hạt nhân, vốn dĩ chắc chắn đã lắng nghe những phản đối từ giới chuyên gia, chỉ để lấy quyết định là họ sẽ tăng lên từ 2 điểm thành 8 điểm có thể lắp đặt tổ máy hạt nhân (!?). Một điều ngoài sức tưởng tượng hơn là tại kỳ họp Quốc hội ngày 15/2/2025, họ đề xuất tái khởi động ba đặc khu Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn, đồng thời lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngay trong các đặc khu kinh tế! Trong khi những hậu quả từ thảm họa Formosa vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng – chỉ bị che đậy bằng đàn áp và những thỏa hiệp hời hợt – thì nay họ lại đưa ra một mô hình nhượng địa với mức độ rủi ro còn lớn hơn?

Phát triển kinh tế dựa trên ngoại thương, FDI, công nghiệp bán dẫn và khai thác đất hiếm. 

Trong thời điểm vừa qua, World Bank có đăng một tổng hợp về tình hình kinh tế Việt Nam. Dù không đề cập trực tiếp, nhưng họ cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế lệ thuộc vào ngoại thương và vốn FDI, và chỉ ra những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam. Phải nói rằng, cho đến nay, những yếu tố chế độ đã dựa vào để có được một tốc độ tăng trưởng GDP khá nhanh giai đoạn 2014-2020 đang dần chấm dứt. Ngoại thương đang đứng trước một bối cảnh hoàn toàn mới với Donald Trump và cuộc thương chiến mà Donald Trump phát động với cả thế giới. Đầu tiên, phải khẳng định rằng cuộc thương chiến của Trump là một xu hướng sai lầm và sớm bị triệt thoái. Thương chiến sẽ không đem về cho Mỹ những ngành công nghiệp lắp ráp với giá thành lao động và vật chất đắt đỏ như hiện tại. Ngược lại, nó sẽ làm vật giá tăng cao; và ảnh hưởng lớn nhất sẽ đến với khối người “bottom 50%” (vốn chỉ chiếm 2.4% tài sản trong xã hội Mỹ) với điều kiện an sinh xã hội bấp bênh. Trong đó, phản ứng tự nhiên của châu Âu, các nước Mỹ Latin, và các nước châu Á Thái Bình Dương là họ sẽ dùng những ngôn ngữ mềm mỏng để né tránh những tai hại không đáng có cho chính nền kinh tế của họ; mặt khác, quá trình đó sẽ đẩy nhanh sự gia tốc của các liên minh mang tính kinh tế – địa chính trị. Lý do là vì họ nhận thấy họ có thể phải nhượng bộ khi đối mặt với Hoa Kỳ, nhưng sự liên kết giúp họ đạt một khối lượng kinh tế nhất định. Và họ có thể đáp trả lại hành động của Hoa Kỳ. Chủ nghĩa đơn phương (điển hình trong thương mại) mà Trump cổ võ sẽ càng gia tốc sự từ nhiệm của Mỹ với vai trò lãnh đạo thế giới và sự hình thành của một thế giới đa cực, với những tập hợp các quốc gia và vùng lãnh thổ có đặc điểm tương đồng về ý thức hệ, địa lý, chính trị, vừa hợp tác khẳng khít với nhau và vừa cạnh tranh để khẳng định vị thế trên thế giới. Trong giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam chắc chắn sẽ phải chịu nhượng bộ lớn để cân bằng một phần thặng dư thương mại với Hoa Kỳ để tránh nhiều nhất khả năng Donald Trump sẽ áp thuế quan lên Việt Nam. Nhưng chỉ như vậy thôi cũng có thể đã gây không ít khó khăn cho chế độ. Cho dù Việt Nam không thoát khỏi đối tượng bị Hoa Kỳ áp thuế, chế độ vẫn sẽ mất đi thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng nhất trong lúc Việt Nam vẫn phụ thuộc vào ngoại thương (chiếm 250% GDP). Trong tương lai dài hạn, việc từ chối dân chủ sẽ khiến Việt Nam bị cô lập trong một thế giới đầy các tập hợp địa chính trị, bởi vì dù cuộc chiến giữa hai cực đại diện cho ý thức hệ dân chủ và độc tài đã kết thúc, mở ra một thế giới đa phương, nhưng trong trật tự đa phương ấy, dân chủ và quyền con người sẽ trở thành những điều kiện cơ bản để hợp tác.

Về đầu tư nước ngoài, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh nhiều về sự chuyển dịch đã diễn ra của tư bản đào thoát khỏi Trung Quốc và tìm thị trường mới. Họ đã không chọn Việt Nam mà tìm đến Ấn Độ, Indonesia (hai nước tương đối tin cậy trọng khối Ấn Độ – châu Á Thái Bình Dương), và Brazil, và sự cắt giảm quy mô sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Một đối tác tiềm năng nữa có khả năng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Apple. Trước đó, có những lúc họ đã dự định mở rộng dây chuyền sản xuất iPhone tại Việt Nam để rồi bỏ ngỏ. Mới đây, họ cũng tuyên bố họ sẽ đầu tư sản xuất máy tính Macbook tại Ấn Độ thay vì Việt Nam với một lý do bề ngoài là giá nhân công và chi phí hoạt động đều ra tăng. Một đối tác FDI rất tiềm năng của Việt Nam là Đài Loan cũng vừa liệt Việt Nam vào danh sách những quốc gia nguy hiểm nên hạn chế qua lại với du khách Đài Loan cùng với Myanmar, Cambodia, và Lào. Đó là những chi tiết cho thấy sự tụt dốc rõ ràng của Việt Nam trong cuộc chiến lôi kéo vốn đầu tư nước ngoài. Một số nguồn đầu tư nước ngoài hiện chế độ vẫn duy trì được là từ Singapore đến từ giới tài phiệt gốc Hoa đầu tư vào các hạng mục có vòng quay ngắn là bất động sản và các chủ doanh nghiệp đến từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam để tránh sự trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, nguồn đầu tư này lại có rủi ro nhiều hơn là cơ hội, vì chẳng bao lâu, với một trình độ cao hơn hẳn và sự quen thuộc với chuỗi cung ứng quốc tế, những doanh nhân Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam ở mảng bán lẻ, sản xuất, và xuất khẩu.

Nói đến đầu tư FDI, một lĩnh vực quan trọng mà chế độ đang chào bán với tư bản phương Tây là ngành công nghiệp đất hiếm. Một ngộ nhận thường thấy là “đất hiếm” không thực sự “hiếm” vì nó có hầu như trên khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn đất hiếm khai thác được cũng khá hạn chế vì người ta chỉ khai thác đất hiếm khi trữ lượng đạt một mật độ nhất định. Một vùng mỏ đất hiếm với chỉ có 2% là có chứa các nguyên tố đất hiếm đã là một điều thực sự may mắn. 98% lượng đất thải đào ra dù có chứa vàng, phosphate, uranium, thorium, arsenic hay quặng kim loại cũng chỉ được coi là chất thải. Với một địa hình hẹp, khúc khuỷu, cùng với những đồi núi dốc, các hoạt động đào bới với một khối lượng 98% đất thải chỉ để lấy dưới 2% đất hiếm sẽ có một hậu quả thảm khốc cho tài nguyên rừng, nguồn nước, và môi trường sống của đất nước chúng ta. Theo bộ Tài nguyên – Môi trường, rừng nguyên sinh chỉ có 0.25% và độ che phủ rừng của Việt Nam đạt 40% (dù không rõ con số 40% có tuân thủ cách tính của FAO diện tích rừng được tính nếu tồn tại một vùng đất có hơn 10% độ che phủ của tán cây cao trên 5 mét hay không). Hiện tượng sạt lở và xói mòn hàng loạt gây thiệt hại về tài sản và nhân mạng trong cơn bão Yagi cho thấy rằng hệ sinh thái rừng của Việt Nam rất yếu, và hệ rễ và độ che phủ không còn khả năng chống chịu nguy cơ sạt lở và xói mòn. Rừng của chúng ta trong nhiều năm qua đã bị hao mòn thông qua các dự án thủy điện và các hoạt động khai thác rừng bừa bãi được dung túng bởi tham nhũng. Việc mở ra ngành công nghiệp đất hiếm vốn mở đường cho các hoạt động phá rừng có thể là dấu chấm hết cho hệ sinh thái rừng của đất nước. Nước rửa quặng và đất thải nhiễm kim loại nặng sẽ đi vào những nguồn nước và gây ra nạn ung thư, chậm phát triển ở trẻ nhỏ ở các cộng đồng hạ nguồn, và ẩn trong đó là nguy cơ xung đột xã hội và các cộng đồng suy tàn trước tình trạng môi trường xuống cấp.Tuy thế, ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam cũng chưa chắc có khởi sắc. Thứ nhất, bộ Tài nguyên – Môi trường tuyên bố chúng ta có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, và đứng thứ hai thế giới. Nhưng điều đó không phản ánh một thực tế cụ thể dựa trên các khảo sát về địa chất. Mặt khác, chúng ta có một mật độ đất hiếm khá loãng và có thể không khả thi để khai thác. Thứ hai, các chuẩn mực kinh doanh quốc tế đều đặt một nguyên tắc là từ nay các dự án đầu tư phải đảm bảo tăng trưởng đa dạng sinh học hoặc ít nhất là không gây ra mất mát về tự nhiên (to achieve biodiversity net gains, or no less loss) ví dụ tiêu chuẩn ESS6: Biodiversity Conservation and Sustainable Management of Living Natural Resources của Ngân hàng Thế giới. Với một sự đầu tư kém hiệu quả về lợi nhuận và vi phạm chuẩn mực về môi trường và xã hội, chưa chắc chế độ đã tìm được những nhà đầu tư ngành công nghiệp đất hiếm. Một điều nữa là hiện tại Việt Nam vẫn là một nước độc tài, có nhiều quan hệ mật thiết với Trung Quốc và các lực lượng độc tài. Việt Nam cũng là cửa ngõ để Trung Quốc tránh các đòn trừng phạt và thuế quan của Hoa Kỳ và phương Tây. Các đối tác đất hiếm và công nghiệp bán dẫn có thể không đầu tư vào Việt Nam vì những rủi ro về trao đổi công nghệ. 

Đông Pao – Mỏ quặng đất hiếm lớn nhất Việt Nam, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Nguồn ảnh: Kiến thức

Thực tế, việc đánh bóng ngành công nghiệp đất hiếm làm người ta nhớ đến một di sản khác của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng, đó các dự án Boxit Tây Nguyên với viễn cảnh ô nhiễm nguồn nước, tình trạng ô nhiễm bụi xảy ra trên khắp mọi nẻo đường, và bức tử Tây nguyên và các cộng đồng bản địa. Chính dự án này của Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra một sự phản đối lớn ngay chính trong nội bộ đảng và với quần chúng; và còn là nguyên nhân của sự ra đời của blog Bôxit Tây Nguyên. Một lần nữa, chúng ta phải ngạc nhiên trước sự thiển cận của họ, vì dường như họ đang hồi sinh những chính sách mang dáng dấp của Nguyễn Tấn Dũng với sự cẩu thả, vụng về, và rủi ro lớn hơn rất nhiều! Rõ ràng họ đang lặp lại một kiếp nạn đã qua của đất nước chứ không mở ra Kỷ nguyên mới như đã tuyên bố.

4. Muốn mở ra Kỷ nguyên mới cần quả quyết với dân chủ và những giá trị tiến bộ. 

Sức mạnh của một nền kinh tế chính trị (political economy) không chỉ là những chính sách hài hòa và hợp lý, mà còn là đóng góp của lợi tức sinh ra trong nền kinh tế vào nâng cao đời sống con người và giải quyết những vấn đề xã hội. Báo cáo World Bank – Việt Nam 2045 Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới thay đổi – cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ giáo dục bậc cao thấp nhất trong các nước đang cởi mở cùng cạnh tranh; và có tỷ lệ phát thải so với tăng trưởng kinh tế vào cao nhất! Hay nói cách khác, mọi tăng trưởng kinh tế là sự đánh đổi của việc bán rẻ mạt nguồn “vốn môi trường” (environmental capitals), và lợi tức kinh tế đã tập trung vào những nhóm lợi ích và gắn bó với đảng cộng sản hơn là được đầu tư đúng mực vào tương lai của đất nước. Đất nước chúng ta đang kiệt quệ và ở dưới mức thu nhập trung bình thấp ngay khi chúng ta đang dần kiệt quệ về con người và môi sinh. Tất nhiên, không thể đổi lỗi hết cho ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính trước một sự thất bại toàn tập của chế độ CSVN trong những năm qua. Nhưng hai người này đáng phải lên án vì tất cả những gì họ làm là tìm cách vắt kiệt đất nước một lần cuối cùng trước khi mọi thứ sụp đổ hoàn toàn, chỉ để đổi lấy một khoảng thời gian tạm bợ cho chế độ. Họ đang mang một chế độ có hơi hướng Nguyễn Tấn Dũng trở lại ở cấp độ thô bạo hơn, cẩu thả hơn, và với đầy những rủi ro. 

Cũng buộc phải nhắc lại là chế độ Nguyễn Tấn Dũng đã bị chống lại trên hầu hết mọi mặt trận, từ trong và ngoài đảng Cộng sản. Vậy có lý do gì để ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính nghĩ rằng mình sẽ không vấp phải một sự phản đối nào? Và nguy hiểm hơn là họ đang cầm quyền trong một bối cảnh đầy chia rẽ và thù hận sau những đợt thanh trừng phe phái gia tăng với tinh giản bộ máy và nhà nước công an trị. Họ đang đứng trên một con đường dường như không lối thoát nếu tiếp tục dấn sâu. Mặt khác, ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính đang cố gắng cho nội bộ đảng một ảo tưởng rằng họ có thể cứu chế độ khỏi trước một thế giới đang dân chủ hóa với sự “tài tình” của mình. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều lý do để khẳng định rằng sẽ không có Kỷ nguyên mới nếu không có chuyển hóa về chính trị, cụ thể là dân chủ hóa, nhưng cũng có một lý do rất cụ thể. Đảng cộng sản đã rất chia rẽ vì làn sóng đầu tư và tư bản, và đây cũng là một phần của sự gia tăng của đấu đá phe phái; để rồi họ nhận ra chính mình lại trở thành con tin của các tập đoàn tư bản. Họ cũng nhận ra rằng việc cạnh tranh tư bản và đầu tư nước ngoài không dễ như mình lầm tưởng. Đi từ vị thế đỉnh cao xuống vực sâu chỉ cần một vài năm nếu không thay đổi và cải cách thể chế. Đó cũng là một phần lý do tại sao ông Tô Lâm hô hào cải tổ, mở ra kỷ nguyên mới, và cố chứng tỏ mình là một nhân vật cải tổ dù những gì ông nói thực sự không phản ánh những gì chế độ của ông đang thực hiện.

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước đang cởi mở với nhau và bắt kịp thế giới phát triển cũng đã được Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trình bày trong dự án Khai Sáng Kỳ Nguyên Thứ Hai. Chúng ta sẽ buộc phải chấp nhận một sự cạnh tranh rất lớn với mọi sức ép lên đời sống lao động, đãi ngộ, và môi trường. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng ý thức được rằng thế giới ngày nay là thế giới tiến bộ và có những đồng thuận chung. Thế giới có một liên minh các tổ chức chính phủ, phi chính phủ địa phương và quốc tế được lập ra để giám sát và vận động cho các giá trị đúng đắn và các hoạt động kinh doanh chuẩn mực có thể kể đến như Amnesty International, Human Right Watch ở lĩnh vực quyền con người; UNDP, OXFAM ở lĩnh vực phát triển, các ngân hàng đầu tư như World Bank, ADB, các tổ chức thuộc chính quyền như JICA, USAID; những tổ chức môi trường như Green Peace. Họ sẽ vừa là một tiếng nói vận động đầu tư cho Việt Nam, vừa giúp chúng ta giám sát tuân thủ những chuẩn mực và quyền con người nếu Việt Nam thực sự có một chính quyền quả quyết với dân chủ và những giá trị, mục tiêu tiến bộ. Chỉ tiếc rằng chính quyền ĐCSVN và bộ Công an của Tô Lâm đã bắt bớ nhiều người hoạt động nhân quyền, những người đấu tranh môi trường, và xem những tổ chức này là một phần của “thế lực thù địch”, “cách mạng màu”, khiến chúng ta mất đi cảm tình và những sự yểm trợ lớn không đáng có. Những sự giúp đỡ và vận động đó có thể còn quý giá hơn những lời hứa từ Hoa Kỳ hoặc cá nhân một nước phương Tây nào vì những ảnh hưởng của họ đến những tỷ phú, tập đoàn lớn, và dòng chảy tài chính trên toàn cầu. Vì vậy, trong một thế giới cạnh tranh gay gắt, càng là một nước nhỏ, Việt Nam càng phải quả quyết với dân chủ, nhân quyền và những mục tiêu tiến bộ.

Một thái độ trí thức anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn hướng tới là khả năng nói lên lẽ phải một cách thẳng thắn, và nói lên những gì đúng và có lợi cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi cũng ngưỡng mộ những trí thức đã đấu tranh để dân chủ hóa đất nước trong tình trạng đàn áp, những trí thức tại các xã hội dân chủ phê phán chủ nghĩa Tân phóng khoáng, chủ nghĩa thực tiễn, mô hình Tổng thống Mỹ ngay cả thời điểm nó còn đang rất mạnh. Bởi lẽ, sức mạnh lớn nhất là sức mạnh của lẽ phải chứ không phải sức mạnh của cơ bắp. Tôi đã trình bày những gì phải nói về những chính sách của ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính với một thiện ý và trách nhiệm rằng nếu họ ý thức được hậu quả của con đường hiện tại mình đang theo đuổi. Điều đó sẽ tốt cho hai ông Tô Lâm, Phạm Minh Chính, tốt cho cá nhân trong ĐCSVN, và trên hết là tiết kiệm thời giờ và tài nguyên quý báu của đất nước để khởi động một tiến trình dân chủ hóa bắt buộc phải tới. Nhất là trong trường hợp Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn là một tổ chức kiên trì với hòa giải dân tộc và những giá trị tiến bộ nhất, một giấc mơ Việt Nam hoàn chỉnh và xứng đáng để phấn đấu nhất. Việc giải thế chế độ cùng với sự vươn lên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ là một lựa chọn đúng, và có lợi cho đất nước, và tốt đẹp cho mọi cá nhân, cộng đồng, và thành phần dân tộc trong đất nước chúng ta.

Chu Tuấn Anh

(17/02/225)

Thông Luận