Da Màu ra mắt tuyển tập Beyond Borders
Có lẽ ít tác phẩm nào được cho ra mắt trong ba ngày liên tiếp như tuyển tập Beyond Borders do Da Màu Press xuất bản. Ngày đầu tiên là trong khuôn viên University of California, Irvine (thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024). Ngày thứ nhì là tại VietLife TV, Westminster, California (thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024) và ngày thứ ba, qua hệ thống Streamyard để giới thiệu cuốn sách cho độc giả không đến tham dự được (Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024).
Đây là một công trình sáng tác/dịch thuật/hiệu đính/trình bày khá công phu và đầy thách thức. Từ lúc chỉ là một ý định cho đến khi cuốn sách bằng xương bằng thịt ra đời cũng vừa tròn một năm trời. Tuyển tập Beyond Borders bao gồm 15 truyện ngắn bằng Anh ngữ qua sự đóng góp của 14 tác giả và 9 dịch giả. Một số truyện ngắn đã xuất hiện trong nguyên bản Việt ngữ trên tạp chí Da Màu. Có truyện được chính tác giả chuyển ngữ sang tiếng Anh, có truyện được một dịch giả đảm nhận phần dịch thuật, và cũng có một số truyện được sáng tác trực tiếp bằng Anh ngữ.
Ngoài những tác giả và dịch giả cư ngụ tại Nam California, nơi Da Màu chọn làm trụ sở, các tác giả và dịch giả khác sống và làm việc ở Texas, South Carolina, Virginia, Canada và Việt Nam.
NGÀY THỨ NHẤT – UNIVERSITY OF CALIFORNIA, IRVINE (Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024)
Ngày ra mắt sách đầu tiên được sự bảo trợ của Phân Khoa Á-Mỹ Học (Asian American Studies Department – AAS) và Trung Tâm Quốc Tế Sáng Tác & Dịch Thuật (International Center for Writing & Translation – ICWT) tại khuôn viên trường UCI (University of California, Irvine). Ban tổ chức ra mắt sách của Da Màu được ưu ái dành cho căn phòng họp lớn nhất (HG 1030) trong toà nhà Humanities Gateway, có sức chứa tối đa là 117 ghế ngồi, thuộc School of Humanities.
Sự ủng hộ nhiệt tình được thể hiện từ nhiều văn phòng và nhân sự khác nhau thuộc School of Humanities: Asian American Studies giúp phổ biến các tài liệu về buổi ra mắt sách đến nhiều phân khoa và trung tâm trong trường đại học và giúp liên lạc với Parking để thuê các tấm bảng chỉ dẫn cho quan khách đến dự, từ chỗ đậu xe vào đến tận nơi ra mắt sách (chi phí này do International Center for Writing & Translation giúp thanh toán); văn phòng Media Relations & Communications giúp liên lạc với nhiều tổ chức báo chí và truyền thông để mời họ đến tham dự sinh hoạt; văn phòng Computing & Technology Services giúp việc sắp xếp và chuẩn bị phòng HG 1030 với hệ thống âm thanh và bàn ghế; Facilities cung cấp miễn phí thêm bảng chỉ dẫn đến địa điểm chính; Global Languages & Cultures (GLC) cho mượn một số dụng cụ cần thiết khác. Trong suốt buổi ra mắt sách, đa số nhân viên của các văn phòng kể trên đều hiện diện và giúp đỡ ban tổ chức từ đầu đến cuối.
Đây là một trong những buổi ra mắt thành công nhất với gần 90 người tham dự (hai thùng sách với tổng cộng là 84 bản tặng quan khách đã hết sạch!) Trong số quan khách có thể kể đến Giáo Sư Jerry Lee (Trưởng Khoa Asian American Studies, kiêm Giám Đốc ICWT và GLC), Giáo Sư Hưu Trí Michael Fuller (Chinese Studies) và Phu Nhân, Giáo Sư Maryse Mijalski (French – European Studies), cô Liz Nguyễn (Manager – AAS), cô Sofia Barsan (Academic Coordinator AAS), cô Linda Le (Manager – Spanish & Portuguese), anh Trung Dương (Programmer – Computing & Technology Services), cô Cara Capuano (Media Relations & Communications), cô Julia Huỳnh (Curator – South East Asian Archive), các giáo sư trong chương trình GLC tại UCI (Paul Spencer, Cathy Vimuttinan, Kathie Levin, Vanessa Russell, Victorya Nam, Heather Stern), Giáo Sư Tammie Trần (Vietnamese & ESL – Golden West College), Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Khanh, Kỹ Sư Bùi Đức Uyên (Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá), cô Nguyễn Kim Ngân (Giám Đốc Viện Việt Học), cô Nguyễn Hồng Xuyên (Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại), Bà Hoàng Thị Kim (phu nhân nhà văn Cung Tích Biền), cô Phương Nguyễn (học viên lớp Spanish – Trung Tâm Văn Hoá & Giáo Dục Điều Ngự), các cô giáo trường Việt Ngữ Tustin (Hứa Trần Kim, Liễu Nguyễn, Lê Mỹ Hồng), cùng nhiều sinh viên UCI của GS Trần C. Trí, (Fall quarter 2024: Vietnamese 1A, Vietnamese 2A và Language Science 115), cũng như một số sinh viên từ các khoá trước. Về phía truyền thông có cô Mary Titi phóng viên đài VOA đến thu hình và phỏng vấn vài thành viên trong ban tổ chức.
Cô MC duyên dáng Luyện ThuỵVy mở đầu chương trình và chào mừng quan khách đến với buổi ra mắt sách đầu tiên của tuyển tập Beyond Borders. Buổi ra mắt sách này dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính vì đa số cử toạ là những người nói tiếng Anh. Cô ThuỵVy giới thiệu Giáo Sư Trần C. Trí hiện trong Ban Giảng Huấn của chương trình Global Languages & Cultures và phân khoa Language Science tại Đại Học UCI, thuộc Ban Biên Tập Da Màu và là một trong các tác giả của tuyển tập. Ông nói lời chào mừng và cảm tạ Giáo Sư Jerry Lee, là người đã hoan hỉ nhận bảo trợ buổi ra mắt sách ở UCI, cùng tất cả các giáo sư, nhân viên, thân hữu và sinh viên tại UCI, cũng như các quan khách đến từ nhiều nơi ở Orange County.
Diễn giả đầu tiên của buổi ra mắt sách là Giáo Sư Jerry Lee. Với tư cách là Trưởng Phân Khoa Asian American Studies và Giám Đốc của International Center for Writing & Translation, hai thành phần bảo trợ cho buổi ra mắt sách, ông trang trọng chào mừng quan khách và chúc mừng công trình tuyển tập Beyond Borders. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu của tuyển tập này chính là một trong những nỗ lực mà nền giáo dục đại học và giới văn chương luôn theo đuổi: đó là mục đích mang lại cho sinh viên kiến thức và kinh nghiệm sống để họ có đầy đủ hành trang bước vào đời sau khi rời mái trường đại học.
Kế tiếp, nhà văn Đặng Thơ Thơ được giới thiệu để tường trình về lịch sử và sứ mạng của tạp chí Da Màu cùng hoạt động của Da Màu Foundation. Cô cho biết tuyển tập Beyond Borders là kết quả của việc theo đuổi những mục tiêu do Da Màu Foundation đề ra. Tuyển tập này, gồm các truyện ngắn viết theo nhiều đề tài, bằng phong cách và bút pháp đa dạng, nhưng đều kết nối với nhau trong một khái niệm chung về biên giới, hữu hình hay vô hình, nội tại hay ngoại tại, để tìm đến sự thông hiểu giữa các cộng đồng văn hoá, ngôn ngữ và màu da khác biệt, trong nỗ lực “vượt qua những biên giới” bằng văn chương nghệ thuật.
Nhà văn Đinh Từ Bích Thuý tiếp lời, cho biết là cuốn sách được thực hiện qua sự tài trợ của tiểu bang và thư viện California, trong khuôn khổ của chương trình Stop the Hate, nhằm góp phần ngăn chặn các tội ác do nạn kỳ thị gây ra về nhiều mặt: chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, v.v. Cô cũng trình bày về giai đoạn hiệu đính lần thứ nhì (sau đợt hiệu đính đầu tiên do hai nhà thơ Lê Đình Nhất Lang và Nguyễn Hoàng Nam đảm nhận). Cô nói khá chi tiết về những thử thách trong việc hiệu đính, cũng là một hình thức dịch thuật nối dài, đòi hỏi khả năng ngôn ngữ cũng như kiến thức văn hóa ở cả hai mặt nguyên tác và bản dịch.
Cô cũng nêu rõ vai trò quan trọng lẫn tế nhị của người làm công việc hiệu đính, vì mọi quyết định hiệu đính là sự quân bình giữa lý thuyết “lạ hóa” (foreignization) và “thuần hóa” (domestication) mà triết gia Friedrich Friedrich Schleiermacher đã đề xướng cách đây hơn 200 năm. Theo Schleiermacher, người dịch và người hiệu đính bản dịch có hai lựa chọn, một là đòi hỏi độc giả phải biết cách tiếp cận tác phẩm hoặc tác giả, hai là “thuần hóa” tác phẩm hoặc văn phong của tác giả khi chuyển ngữ để độc giả ở ngôn ngữ thứ hai không bị bỡ ngỡ. Ngoài ra, bản dịch được hiệu đính cũng phải đạt được sự đồng thuận của dịch giả lẫn tác giả. Đinh Từ Bích Thúy cũng nhắc đến hình thức của cuốn sách. Hình bìa của Beyond Borders được chụp từ cuộc triển lãm nghệ thuật của cố nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (1968-2024). Những tấm hình vô chủ đại diện cho ký ức bị đày ải của miền Nam đã được nghệ sĩ mua lại từ những tiệm bán đồ cũ ở Sài Gòn và khâu thành những cái mùng tránh muỗi và lều trú của người tị nạn trong cuộc triển lãm “Crossing the Farther Shore” (“Băng Qua Bến Bờ Xa”) mà Rice University triển lãm vào năm 2014. Đồng thời, Đinh Từ Bích Thúy cũng giới thiệu nét độc đáo của phần gấp vào bên trong của bìa trước và bìa sau (“French flaps”). Theo cô, phần bìa trước gấp vào, có đoạn tóm tắt chủ đề của cuốn sách, là phần giới thiệu, chào đón độc giả vào bên trong để đọc các truyện ngắn; còn phần bìa sau gấp vào trong, có danh sách thành phần ban biên tập Da Màu, là phần tạm biệt các độc giả lúc đã đọc xong tuyển tập. Công trình trình bày bìa và ruột sách rất trang nhã là do anh Đỗ Lịnh Khải, phu quân của nhà văn Đinh Từ Bích Thuý, đã công phu thực hiện.
Sau đó, cô Luyện Thuỵ Vy bắt đầu đặt câu hỏi đến một số tác giả và dịch giả (vì thời gian có hạn, một số tác giả/dịch giả khác không có dịp trả lời câu hỏi). Người đầu tiên là nhà văn Cung Tích Biền kể lại hành trình sáng tác của ông từ giai đoạn văn chương của miền Nam tự do, thời gian ông tạm ngưng sáng tác khi miền Nam bị mất vào tay cộng sản, và lúc ông bắt đầu viết trở lại, năm 1987 với truyện “Giao Thừa”. Giao Thừa là dấu mốc thời gian giữa “cũ” và “mới”, và cũng là ý niệm tiềm ẩn mà tác giả muốn chuyển tải về giai đoạn lịch sử khi Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu bắt đầu tan rã. Nhiều khách tham dự sau đó cho biết họ rất thú vị nghe phần thảo luận của nhà văn Cung Tích Biền, qua sự thông dịch của nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam; và họ mong rằng sẽ còn có dịp khác để nghe nhà văn nói thêm về kinh nghiệm sống cùng các tác phẩm khác của ông.
Tiếp theo, nhà văn Trần Doãn Nho nói lên những suy nghĩ và cảm tưởng của ông trong việc đóng góp vào tuyển tập. Ông cho biết, tuy đã từng cộng tác với một số tạp chí ở miền Nam trước 1975, ông thật sự viết nhiều hơn từ khi sống ở Mỹ. Về phần mình, nhà văn Trần Nguyên Đán tâm tình một chút về quá khứ, một chút về hiện tại và một chút về tương lai đối với việc sáng tác. Khởi đầu bằng kỳ thi Viết Về Nước Mỹ trên Việt Báo mà ông được giải Nhì, qua đến việc cộng tác lâu dài với Da Màu, nhà văn Trần Nguyên Đán nhấn mạnh Da Màu là diễn đàn mà ông đã gửi gấm hầu hết các sáng tác gồm thơ, truyện ngắn, và tuỳ bút. Ông cũng nói qua về một số dự định văn chương trước mắt. Sau đó, nhà văn Hồ Như kể về kinh nghiệm vừa dịch truyện ngắn “Đi. Trong Một Buổi Sáng” của Trần Doãn Nho (Walking with the Morning), vừa tự chuyển ngữ truyện ngắn của chính mình “Giấc Mơ Thiên Đàng” (Dreaming of Heaven). Lê Đình Nhất Lang và Nguyễn Hoàng Nam – hai nhà thơ có vai trò chuyển ngữ cho hai tác giả Trần Nguyên Đán (“Chiêm Bao Lần Nữa” – Dreaming Once More) và Cung Tích Biền (“Giao Thừa” – New Year’s Eve) đã đóng góp ý kiến, quan điểm và kinh nghiệm của họ trong việc dịch thuật, kể lại những thử thách giữa hai ngôn ngữ cũng như những yêu cầu khác biệt giữa việc dịch văn chương, báo chí và dịch thơ.
Cử toạ, phần lớn là những người nói tiếng Anh, tỏ ra hết sức quan tâm và thích thú với tuyển tập cũng như các tác giả và dịch giả qua những lời tâm tình của họ. Qua phần Hỏi & Đáp, nhiều người đã đặt các câu hỏi khá thú vị cho chủ toạ đoàn. Một số tác giả trả lời bằng Anh ngữ, trong khi một số vị khác trả lời bằng tiếng Việt và được người ngồi bên cạnh dịch sang tiếng Anh.
Trong sổ lưu niệm, Giáo Sư Hán Học Michael Fuller viết: “Congratulations! This is a wonderful development and hopefully just the beginning of the successes of your project.” Giáo Sư Pháp Văn Maryse Mijalski khen ngợi: “What an impressive achievement! Congratulations on your book launch. I hope to read the stories soon”. Còn cô giáo Việt Ngữ Lê Mỹ Hồng để lại những dòng chữ đáng nhớ: “Thật hân hạnh có dịp tham dự buổi ra mắt Beyond Borders của Ban Biên Tập Da Màu. Gặp gỡ những tâm tình đang xây những chiếc cầu nối liền hai nền văn hoá Đông-Tây làm ấm lòng tôi rất nhiều. Rất cảm phục tất cả những nhà văn của Ban Biên Tập Da Màu”.
Phần cuối của chương trình cũng là phần sôi nổi nhất. Đó là lúc tặng sách cho quan khách. Mọi người vui vẻ sắp thành một hàng khá dài để nhận sách, sau đó lần lượt tiến đến hai chiếc bàn dài có các tác giả và dịch giả đang sẵn sàng đợi để ký tặng sách cho từng người. Không khí vui nhộn hẳn lên, khác với lúc trước, khi mọi người khá im lặng, trầm tư với những lời tâm sự của các tác giả và dịch giả. Một số sinh viên ưu ái tặng chủ toạ đoàn hai bó hoa rực rỡ như một lời khen tặng dễ thương nhất.
Phần tặng và ký sách cho quan khách
Cuối buổi sinh hoạt, toàn nhóm Da Màu chụp chung một tấm ảnh lưu niệm rồi lăng xăng phụ giúp các nhân viên UCI dọn dẹp phòng họp, sắp xếp lại bàn ghế. Sau đó, mọi người còn tụ lại phía trước để chuyện trò với nhau một lúc trước khi chia tay. Buổi ra mắt sách đầu tiên đã kết thúc thành công ngoài dự tính. Ai nấy đều mệt nhoài, nhưng tinh thần thật phấn chấn, sẵn sàng cho chiều thứ Bảy ngày mai để tiếp tục giới thiệu Beyond Borders đến cộng đồng người Việt tại VietLife TV, thành phố Westminster, thủ phủ của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.
Xin xem video tường trình của phóng viên VOA, cô Titi Mary Trần, TẠI ĐÂY
/-/-/-/-/
NGÀY THỨ NHÌ – VIETLIFE TV – WESTMINSTER, CALIFORNIA (Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024)
Buổi ra mắt sách ở VietLife TV ngày thứ Bảy 19 tháng 10 bắt đầu lúc 3 giờ trưa trong phòng thu hình. Khách tham dự về phía văn nghệ sĩ có nhà văn Trúc Chi, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, nhà văn Huy Văn Trương và phu nhân, nhà văn Phạm Quốc Bảo, hai hoạ sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp, Cô Lê Đình Y Sa – Giám Đốc Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA, hoạ sĩ Cẩm Tâm, hoạ sĩ Nguyễn Bảo Khang, hoạ sĩ Paulina Đàm, Ca Sĩ Thu Vàng, nhà văn Thân Trọng Mẫn, nhà báo Lý Kiến Trúc, nhà báo Văn Lan… Ban tổ chức được hân hạnh đón tiếp nhiều vị trong ngành giáo dục: GS Phạm Thị Huê và phu quân, kỹ sư Nguyễn Vĩnh Long; GS Trần Huy Bích, Thầy Vũ Hoàng (Chủ Tịch Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại), một số thầy cô giáo thuộc Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại, các cô giáo hướng dẫn chương trình Song Ngữ Hội Nhập ở học khu Westminster, các nhân viên trong Ban Dịch Thuật và Ban Giao Tế Cộng Đồng thuộc học khu Garden Grove, cùng các học viên lớp Tây Ban Nha 1 và Tây Ban Nha 2 của GS. Trần C. Trí tại Trung Tâm Văn Hoá & Giáo Dục Điều Ngự. Ngoài ra, còn có một vị khách đặc biệt đại diện cho chính quyền địa phương là Cô Cindy Trần – Phó Thị Trưởng thành phố Garden Grove.
Trong buổi VietLife TV, ngoài một số điều đã nói ở buổi hôm trước về lịch sử thành lập Da Màu, mục tiêu và quá trình hoạt động của tạp chí Da Màu và Da Màu Foundation (Đặng Thơ Thơ trình bày), và tiêu chuẩn chọn bài, cách hợp tác giữa tác giả, dịch giả và biên tập viên (Đinh Từ Bích Thuý trình bày); các tác giả và dịch giả có cơ hội nói thêm về những vấn đề liên quan đến sáng tác và dịch thuật. Trả lời câu hỏi thảo luận của MC Luyện Thuỵ Vy về tương quan giữa hiện thực và văn chương dựa trên nhận định của Đặng Thơ Thơ trong lời “bạt” cho tập truyện Đi. Trong một buổi sáng, cho rằng Trần Doãn Nho “xây dựng truyện trên nền tảng vững chắc của dữ kiện thực tế rồi từ đó đặt lại vấn đề với mảng hiện thực đã trình bày trước đó,” nhà văn Trần Doãn Nho giải thích:
Hiện thực có thể hiểu theo hai nghĩa. Một, hiện thực là những gì con người tiếp nhận qua giác quan trực tiếp (thấy, nghe, cảm giác…). Hai, hiện thực là tương quan giữa con người (như một hiện sinh, một thực thể tâm lý) và sự vật nói chung. Văn chương (viết) là bịa đặt (fabricate) dựa trên hiện thực, là làm méo mó (deform), hay chế biến hiện thực. Các xu hướng văn chương xuất phát từ tương quan đó. Bịa đặt càng ít thì càng gần với hiện thực, bịa đặt nhiều thì càng xa hiện thực, đi đến siêu thực, phi thực. Truyện của Trần Doãn Nho có tính cách hiện thực tâm lý và xã hội vì tuy là bịa nhưng đi sát với hiện thực. Tóm lại, văn chương không thể thoát khỏi hiện thực. Một ví dụ cụ thể, có thể xem thịt bò, thịt heo là hiện thực còn phở là văn chương. Các tác giả có mặt ở đây là hiện thực, còn tập truyện Beyond Borders là fiction, văn chương.
GS. Trần C. Trí trả lời câu hỏi về truyện “Phân Cảnh” (Mise-en-Scène”) trong đó nhân vật chính là nạn nhân của nạn bạo hành. Ông cho biết liên hệ gia đình chính là những biên giới trói buộc người phụ nữ trong truyện và giải pháp bà ta dùng để tự cứu mình cũng là một ám dụ về việc hư cấu và tưởng tượng để thoát khỏi hiện thực, như trong sáng tác. Nhà thơ Lê Đình Nhất Lang nói về truyện “Chiêm Bao Lần Nữa” (“Dreaming Once More”) của nhà văn/nhà thơ/mục sư Trần Nguyên Đán, sự vi tế trong cách tác giả lồng những sự kiện vào đối thoại, vào những ký ức phân mảnh chờ người đọc ráp nối lại, và những gợi ý cài đặt trong truyện đòi hỏi sự tinh nhạy với chữ nghĩa để nắm bắt.
Nhà văn Trịnh Y Thư nói về truyện ngắn “Ngôi Nhà Thờ Trắng,” trong đó âm nhạc được sử dụng làm chủ đề chính. Trả lời câu hỏi MC Thuỵ Vy dành cho anh về ý nghĩa của âm nhạc trong việc vượt biên giới. Anh nói:
‘Ngôi Nhà Thờ Trắng’ là một chuyện tình, mặc dù nó không phải là loại chuyện tình mà chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều nguồn văn học khác. Và như chị đề cập trong câu hỏi, âm nhạc được sử dụng ở đây như là một mô-típ chính, và nó thực sự biểu thị phẩm chất phổ quát mà tất cả chúng ta đều xem trọng. Chị sẽ tìm thấy câu này trong văn bản, ‘Âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế’, như chúng ta thường nghe từ nhiều người xung quanh. Nhưng nó không chỉ vượt qua khía cạnh cảm xúc của trải nghiệm con người mà còn vượt qua cả cái ý thức hệ vốn chia rẽ chúng ta. Khi Hồng Kông được vương quốc Anh trao trả lại cho Trung Quốc, khúc giao hưởng số 9 của Beethoven được trình tấu trong buổi lễ. Do đó, âm nhạc đưa chúng ta lại với nhau và, ít nhất là trong một khoảnh khắc, khiến chúng ta quên đi bản thân mình, quên đi niềm tin chúng ta vẫn khăng khăng bám víu xưa nay.
Anh cũng nói tiếp về khái niệm “Phẩm chất phổ quát,” mà với anh đó không phải là thứ mà chúng ta bắt chước hay noi theo nhau. “Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều là duy nhất. Điều quan trọng là phải giữ cho nền văn hóa đó duy nhất, nhưng đồng thời, chúng ta nên khám phá và học hỏi lẫn nhau để có thể tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng đối với các nền văn hóa khác. Không có nền văn hóa nào kém hoặc hơn nền văn hóa nào, tất cả chúng đều giống nhau về phẩm chất và giá trị, và mỗi nền văn hóa đều xứng đáng có một vị trí trong vũ trụ này. Đó là cái gì tôi gọi là ‘phẩm chất phổ quát.’”
Nhà văn/dịch giả Hồ Như trình bày rất cặn kẽ về quan niệm của cô về dịch thuật và vai trò của dịch giả trong cách duy trì tính trung thực với văn bản gốc. “Luôn luôn là một thử thách,” cô vừa cười vừa cho biết cách làm việc rất chu đáo cẩn trọng giữa mình, tác giả Trần Doãn Nho và biên tập viên Đinh Từ Bích Thuý. Cô cho thí dụ, chỉ nội việc dịch tựa đề “Đi. Trong Một Buổi Sáng” cũng mất nhiều email qua lại giữa ba người để cuối cùng tất cả có thể đồng ý chọn dịch là “Walking with The Morning,” theo đúng tinh thần truyện, nhất là ở đoạn kết khi buổi sáng đã trở thành một nhân vật truyện.
MC ThuỵVy cũng đặt câu hỏi cho Đặng Thơ Thơ, tác giả truyện “Lúc Không Giờ” (“The Zero Hour”) viết thẳng bằng tiếng Anh cho tuyển tập, về cách tác giả kết nối chủ đề, nhân vật, tình tiết truyện với tinh thần vượt biên giới của tuyển tập. Đặng Thơ Thơ cho biết truyện mở ra nhiều câu hỏi về hai nhân vật gặp nhau ở ngã tư đường, có thể khiến người đọc nhớ lại cảm giác của chính họ, hoang mang, ngỡ ngàng mỗi khi bị chất vấn tại những trạm canh gác, hay hàng rào quan thuế, hay khi đến những nơi xa lạ không ai hiểu mình và mình cũng không thể hiểu người khác. Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp nhưng lại trở thành một thứ biên giới di động và ngăn cách con người. Khi đi sâu vào truyện, người đọc sẽ thấy hai nhân vật thuộc hai cộng đồng ngôn ngữ, tôn giáo và văn hoá khác nhau. Đó là những biên giới dễ gây ra thành kiến hay ngộ nhận giữa các cộng đồng thiểu số. Nhưng điều khiến con người thông cảm nhau là những kinh nghiệm chung mà họ cùng trải qua, những va chạm, những chấn thương, những bất công mà người di dân nào cũng có thể gặp phải.
Chương trình kết thúc với phần các tác giả/dịch giả ký tặng sách và chụp hình lưu niệm.
Bìa trái là nhà văn Cung Tích Biền – Bìa phải là nhà văn Trúc Chi
Ngoài BTC và các tác giả/dịch giả còn có nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc (ngồi, bìa trái),hoạ sĩ Paulina Đàm và nhà báo Lý Kiến Trúc (đứng, bìa phải)
Có thể xem buổi phát hình trực tiếp buổi ra mắt sách ở VietLife TV TẠI ĐÂY
/-/-/-/-/
NGÀY THỨ BA – RA MẮT SÁCH TRỰC TUYẾN (Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024)
Buổi ra mắt sách trực tuyến bắt đầu từ lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 20 tháng 10 là một cuộc mạn đàm của nhóm chủ trương tạp chí Da Màu. Ngoài một số đề tài đã được đề cập tới trong những sự kiện trước, lần này họ ghi nhận và nhắm trả lời một số câu hỏi về đường hướng nói chung của tạp chí Da Màu.
Người điều hợp cuộc trò chuyện, nhà thơ Lê Đình Nhất Lang, nhắc lại một câu hỏi của nhà văn Trần Nguyên Đán: “Tập truyện bằng tiếng Anh này là một bước băng qua biên giới ngôn ngữ. Bây giờ coi như chúng ta đã ở vùng bên kia biên giới. Những bước đi kế tiếp của Da Màu sẽ là gì?”
Trả lời đầu tiên, nhà văn Đặng Thơ Thơ xác nhận tuyển tập Beyond Borders chỉ là bước đầu của Da Màu đi về hướng đưa văn chương Việt Nam đến với người đọc thế giới. Cô mô tả tình hình hiện nay là với số đầu sách xuất bản bằng Việt ngữ lên đến hàng ngàn, thì những tác phẩm văn chương quan trọng được dịch sang những ngôn ngữ khác “chỉ đếm trên đầu ngón tay.”
Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy nêu đóng góp của tuyển tập Beyond Borders nhìn từ một khía cạnh khác. Theo cô, tuy nhiều tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh đã có tác phẩm được xuất bản, và nhiều tác giả trong nước Việt Nam cũng đã có tác phẩm được dịch ra một hoặc nhiều thứ tiếng khác, thì đây là lần đầu tiên một nhóm tác giả Việt Nam ở hải ngoại có tác phẩm dịch. Ý nghĩa của những dự án dịch thuật như thế này, xét bên ngoài mục đích văn chương, còn bao gồm việc giúp giảm nhẹ xung đột giữa các thế hệ người Việt tha hương.
Trong cùng chiều hướng, nhà văn Trần C. Trí nói về hiện tượng có thể cho thấy cả một xu hướng đang diễn ra, đó là dường như sinh viên gốc Việt, cũng như sinh viên thuộc những gốc gác khác, đang ngày một quan tâm nhiều hơn đến những câu chuyện của người tị nạn và di dân Việt. Ông xác nhận có sự quan tâm nhiều hơn của sinh viên đối với di sản văn hóa Việt tại trường Đại Học UC Irvine ở miền nam tiểu bang California, nơi ông đang giảng dạy. Nhưng ông cũng chỉ ra một thực trạng có từ vài năm trước, đó là số sinh viên gốc Việt còn nói và viết được tiếng Việt ngày một ít đi. Và vì thế, theo ông, mối quan tâm gần đây của họ có thể được hiểu như một sự trở về cội nguồn của những người trẻ.
Trả lời câu hỏi về vai trò của Da Màu trong việc hỗ trợ những người viết hiện không được phép xuất bản trong nước, Đặng Thơ Thơ xác nhận sự hỗ trợ đó vẫn luôn là một trong những mục tiêu mà tổ chức Da Màu Foundation đã đặt ra. Nhưng cô nhấn mạnh rằng tiêu chí đầu tiên để chọn lựa tác phẩm dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là văn chương.
Nói thêm về sự hưởng ứng của những diễn đàn văn chương tiếng Anh, bao gồm những báo mạng văn chương tiếng Anh của những người viết Mỹ gốc Việt và cả những tờ tạp chí văn chương uy tín của dòng chính, Đinh Từ Bích Thúy cho biết đã có hai truyện từ tuyển tập Beyond Borders được những diễn đàn bạn đăng lại. Tạp chí Asymptote đã đăng truyện ngắn “Giao Thừa” của Cung Tích Biền, qua bản dịch tiếng Anh “New Year’s Eve” do Nguyễn Hoàng Nam thực hiện. (Bạn đọc khi vào Asymptote đọc truyện Cung Tích Biền còn có thể xem những ghi chú của người dịch và nghe giọng của chính nhà văn đọc một đoạn nguyên tác tiếng Việt của mình!) Ngoài ra, báo mạng diaCRITICs, do nhà văn đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt sáng lập và nhà văn Eric Nguyễn điều hành, cũng đã đăng bản dịch truyện “Chiêm Bao Lần Nữa” của Trần Nguyên Đán, qua bản dịch tiếng Anh “Dreaming Once More” do Lê Đình Nhất Lang thực hiện.
Trong phần cuối buổi mạn đàm qua mạng, Đặng Thơ Thơ dành ra vài phút để nói về cuốn tiểu thuyết Ai cô vừa cho xuất bản, cũng trong năm 2024, dưới sự tài trợ của Library of California. Tiểu thuyết Ai có ít nhiều tương đồng về chủ đề với tuyển tập Beyond Borders theo đường hướng ngăn chặn sự sự thù ghét được giới hữu trách California khuyến khích đẩy mạnh trong những môi trường văn hóa, văn học nghệ thuật và sinh hoạt cộng đồng. Cùng với Đinh Từ Bích Thúy, cô xác nhận một số chi tiết liên quan đến việc phát hành sách của Da Màu Press: sách xuất bản theo các điều kiện của sự tài trợ từ tiểu bang California trên căn bản miễn phí. Người mua sách trên thực tế chỉ phải trả ấn phí và cước phí, còn Da Màu Press hoàn toàn không tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án này.
Da Màu
*Bài cậy đăng.