Đặng Hữu Phúc: Phúc-đức và trí-đức của Mẫu-thân

Hình minh họa: Hiếu Hoàng

Nhân Lễ Vu Lan báo hiếu 2024 sắp đến. 

1

Về cuộc đời, kinh Lăng già nói — “sinh tử không ở ngoài niết bàn, niết bàn không ở ngoài sinh tử”, và “trí chẳng trụ hữu vô, mà khởi tâm đại bi”, thế nên xin giới thiệu với các bạn hai góc nhìn về cuộc đời của đạo Phật, với hai đoạn trích dẫn lời Phật về bi-ân của mẹ, và về già – bệnh – chết

Trong sinh tử luân hồi, có khổ đau, có tâm đại bi, nên vẫn có cuộc đời, và con người, vẫn có niềm vui và nỗi khổ, vì thế nên cõi đời vẫn là:

“Đây là trụ xứ của bậc công đức
Tu hành hết thảy biển diệu hạnh
Phát khởi vô biên biển đại nguyện
Như thế trải suốt biển thời gian”
(Kinh Hoa Nghiêm)
(D.T. Suzuki. Thiền Luận tập 3, Tuệ Sỹ dịch, p. 181)

2

Qua dòng thời gian, chúng ta thấy những bà mẹ đều là những bà mẹ công đức. 

“Đây là trụ xứ của các bậc khéo lèo lái
Thấy chúng sinh chìm đắm trong biển hữu
Trôi nổi lo sợ, chịu các khổ
Nên đem pháp thuyền đến cứu vớt”
(Kinh Hoa Nghiêm)

(D.T. Suzuki. Thiền Luận tập 3, Tuệ Sỹ dịch, p. 180)

Qua dòng thời gian, chúng ta thấy từ ngày chúng ta chào đời, những bà mẹ chúng ta đã đem pháp thuyền đến cứu vớt.

Những bà mẹ đều là quả hải của vạn đức.

3

Bi ân của Mẹ

(Kinh Tâm Địa Quán)

Bản dịch Việt: Thích Tâm Châu

Hãy tự suy-nghĩ: khi sắp sinh-sản, mẹ âm-thầm chịu đựng mọi khổ, ngày đêm sầu-não.

Nhưng, đến lúc lâm-bồn, sự đau-khổ ấy quá đỗi, như trăm nghìn mũi nhọn bâu vào cắt xé, thực không thể nào kể xiết được, có khi đến chết.

Sinh nở rồi, mẹ không còn bị khổ-não gì nữa, lúc đó họ hàng thân-thích vui mừng vô tận, cũng như người đàn bà nghèo được ngọc Như-ý.

Khi đứa con cất tiếng khóc chào đời, mẹ như là người nghe được âm-nhạc.

Mẹ dùng ngực mẹ làm nơi ngủ-nghỉ của con và trên hai đầu gối mẹ, thường thường là nơi chơi giỡn của con.

Trong nơi ngực mẹ tuôn ra những dòng sữa như nước suối cam-lộ để nuôi lớn con.

Ơn nuôi lớn ấy nhiều hơn trời đất và đức thương-xót ấy rộng lớn không gì sánh được.

“Thế-gian, núi non là cao, ơn bi-mẫu còn cao hơn thế – cao hơn cả núi Tu-di. Thế-gian cõi đất là nặng, ơn bi-mẫu còn nặng hơn thế!”

 Do nhân-duyên ấy, mẹ có mười đức:

Một là, như đại-địa: vì trong thai mẹ là chỗ nương-tựa của con.

Hai là, năng-sinh: mẹ phải trải qua mọi sự khổ-não mới sinh được con.

Ba là, năng-chính: thường do tay mẹ ve-vuốt, uốn-nắn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân con.

Bốn là, dưỡng-dục: mẹ phải theo hợp bốn mùa mà nuôi-nấng con khôn lớn.

Năm là, trí-giả: mẹ thường dùng phương-tiện, làm cho con sinh trí-tuệ.

Sáu là, trang-nghiêm: mẹ lấy những chuỗi ngọc đẹp trang-sức cho con.

Bảy là, an-ẩn: mẹ ôm-ấp con, làm cho con nghỉ-ngơi an-lành.

Tám là, giáo-thụ: mẹ dùng phương-tiện khéo dắt-dẫn con.

Chín là, giáo-giới: mẹ dùng lời nói lành để con xa-lìa những điều ác.

Mười là, cho gia-nghiệp: mẹ thường đem gia-nghiệp giao lại cho con.

Thiện-nam-tử! “Ở thế-gian này gì là rất giàu? gì là rất nghèo?

Bi-mẫu tại đường, là giàu; bi-mẫu bất-tại là nghèo; bi-mẫu còn sống là mặt trời giữa trưa, bi-mẫu mất đi là mặt trời đã lặn; bi-mẫu còn sống là mặt trăng sáng, bi-mẫu mất đi là đêm tối!

Thế nên, các ông nên siêng-năng tu-tập về sự hiếu-dưỡng phụ-mẫu thêm, thời như người cúng Phật, phúc-báo ấy và phúc-báo này bằng nhau không khác!

Các ông nên báo ơn phụ-mẫu như thế!” 

Tranh: Nguyễn Thanh Bình

4

 Phật nói về già – bệnh – chết  

“Các đệ tử ơi!

Ta thuở bé giàu-sang như thế. Ta sống trong cảnh huy-hoàng như thế. Mà tư-tưởng ta lại nảy ra như thế này: người thường-tục, ngu-muội, mặc dầu biết phải có lúc già-nua, và không thoát được khỏi năng-lực của sự già-nua, lại ghét, lại gớm-nhờm, chán-ngán, khi trông thấy một kẻ khác già-nua. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình.

Còn ta, ta cũng phải già, không thoát được già. Vậy, đã mà cũng phải già, không thoát được già, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác già hay không? Không có lẽ ta như thế.

Rồi trong khi ta ngẫm-nghĩ như thế riêng cho ta, thời, các đệ tử ơi!

Bao nhiêu những cái vui của tuổi thanh-niên, không lià tuổi thanh niên, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu-tan hết ở nơi ta.

Một người thường-tục, ngu-muội, mặc dầu biết mình phải có lúc chịu bệnh, lại gớm-nhờm, chán ngán, khi trông thấy một kẻ khác bị bệnh tật giày-vò. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình.

Còn ta, ta cũng phải có lúc chịu bệnh và không thoát khỏi năng lực của tật-bệnh, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác bị tật-bệnh giày-vò hay không? Không có lẽ ta như thế.

Rồi trong khi ta ngẫm-nghĩ như thế riêng cho ta, thời, các đệ-tử ơi!

Bao nhiêu những cái vui của sự mạnh-khoẻ, không rời sự mạnh-khoẻ, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu-tan hết ở nơi ta.

Một người thường-tục, ngu-muội, mặc dầu biết mình phải có lúc chết và không thoát được năng-lực của sự chết, lại ghét, lại gớm-nhờm, chán-ngán, khi trông thấy một kẻ khác bị làm vật hy-sinh cho sự chết. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình.

Còn ta, ta cũng phải có lúc chết, không thoát khỏi năng lực của sự chết. Vậy đã mà phải có lúc chết, không thoát được khỏi năng-lực của sự chết, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác bị làm vật hy-sinh cho sự chết hay không? Không có lẽ ta như thế.

Rồi trong khi ta ngẫm-nghĩ như thế, thời, các đệ-tử của ta ơi! bao nhiêu những cái vui của đời sống, không lià đời sống, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu-tan hết ở nơi ta”.

(Phan Văn Hùm- Triết học Phật giáo trang 24– dẫn từ kinh Anguttara nikaya — dẫn bởi Oldenberg—dịch ra chữ pháp do Foucher)

5

Nhớ đến quả hải của vạn đức là nhớ đến rất nhiều người và cũng là nhớ đến một người tôi thương và thương tôi.

Đặng Hữu Phúc viết và trích dẫn.

Sydney, những ngày cuối mùa đông 2024