Đào Trung Đạo: Đọc La Place của Annie Ernaux

Annie Arnaux cấu trúc La Place/Vị thế, Chỗ đứng bằng những đoạn văn rời thường không dài quá ba trang, ngoại trừ hai đoạn khá dài nói về lịch sử gia đình (trang 24-30), và đoạn rời gần cuối truyện hồi ức về thời gian cha bệnh rồi từ trần (trang 103-110). Tác giả cố tình xếp đặt những đoạn rời không theo thứ tự thời gian liên tục, mục đích cho người đọc biết La Place không phải là hồi ký hay tự truyện. Annie Ernaux đề từ quyển sách bằng câu văn của Jean Genet “Tôi mạo muội đưa ra một lời giải thích: viết chính là phương cách cuối cùng khi người ta đã phản bội.”[1]

Ảnh chụp màn hình Gallimard

Trong đoạn rời mở đầu truyện tác giả thuật lại cuộc vấn đáp tốt nghiệp sư phạm tại trường trung học Capes ở Lyon. Tuy được các vị giám khảo khen ngợi nhưng Annie Ernaux trên đường trở về nổi giận và hổ thẹn. Nổi giận đối với thứ ngôn ngữ thống trị của những người thuộc giới học thức (gồm vị thanh tra, hai giám khảo, những vị giáo sư và một phụ nữ giám định cao ngạo), qua sự giả dối pha trộn trong lời phê bình và lời khen ngợi cùng với cử chỉ trịch thượng của họ. Và hổ thẹn vì mình vốn thuộc giai cấp công nhân nay lại gia nhập giới trưởng giả. Annie Ernaux viết: “Vị thanh tra chìa tay về phía tôi. Rồi trong khi nhìn thẳng vào mặt tôi ông nói: “Thưa bà, tôi xin có lời ngợi khen”, và những người khác lặp lại câu “tôi xin ngợi khen bà” và xiết chặt tay tôi, nhưng người phụ nữ lại cười mỉm.” [2]  

Hai tháng sau kỳ thi này cha tác giả từ trần khi ông sáu mươi bảy tuổi. Cha mẹ Annie Ernaux có một tiệm cà phê-tạp hóa nằm trong khu phố yên tĩnh cách nhà ga Yvetot (Seine-Maritime) không xa. Annie viết “[Cha mất] vào một ngày chủ nhật, khi buổi trưa bắt đầu.” Mẹ bà lúc đó từ trên lầu đi xuống nhà, ngừng lại giữa cầu thang nói với con gái “Thế là hết” (C’est fini) bằng một giọng không buồn cũng chẳng vui. Tác giả kể lại: “Tôi không còn nhớ những phút sau đó. Tôi chỉ nhìn lại cặp mắt cha tôi chằm chằm nhìn về một cái gì đó phía sau tôi, nơi xa, và cặp môi ông vén lên trên lợi. Tôi nghĩ rằng tôi đã bảo mẹ tôi vuốt mắt cho ông.”[3] Khi khâm liệm có mặt vợ chồng người em của người quá cố, vị y sĩ chứng nghiệm. “Vào cuối buổi trưa chỉ còn một mình tôi trong phòng. Nắng xuyên qua những khe cửa sổ chiếu trên vải sơn nền nhà. Đó không còn là cha tôi nữa. Cái mũi đã chiếm hết chỗ trên khuôn mặt bị khoét lủng. Trong bộ đồ màu xanh đậm quấn quanh thân thề, ông trông giống như một con chim nằm ngủ. Khuôn mặt đàn ông của ông với cặp mắt mở rộng và bất động lúc sau khi chết đã biến mất.” 

Khá đông người dự đám tang ngoài thân nhân gia đình còn có khá đông khách hàng của tiệm cà phê-tạp hóa, những người trong khu phố và những công nhân nghỉ một giờ làm việc để dự đám tang, nhưng không có người nào thuộc giai cấp “cao” hay những thương nhân. Vị giám mục chủ tế khen ngợi cuộc đời người quá cố “một cuộc đời thánh thiện, làm lụng”, “một con người chẳng bao giờ lầm lỗi với ai.” Annie ở lại với mẹ vài ngày sau đám tang để giúp bà kết thúc những nghi thức thông thường sau tang lễ. Trên toa tầu hạng nhất trở về nhà vào ngày chủ nhật cùng với đứa con trai Annie đột nhiên sửng sốt nhận thấy “giờ đây tôi thật sự là một kẻ trưởng giả” “nhưng đã quá muộn.” Sau này, vào mùa hè khi Annie đến nhận công việc đầu tiên, tự nhủ sẽ viết về cha, về cuộc đời của ông, và khoảng cách từ thời thơ ấu đến thời trưởng thành giữa cha và mình. “Một khoảng cách về giai cấp, nhưng cái đặc điểm là khoảng cách này không có một cái tên. Như tình yêu chia xa.”[4] Nhưng đến khi khởi đầu một cuốn tiểu thuyết với nhân vật chính là cha mình thì nửa chừng Annie cảm thấy không thích thú. Không thể viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất nghệ thuật, tìm cách viết về một cái gì đó “đam mê” hay “cảm động”.

Annie Ernaux viết quyển truyện từ từ, cố gắng phơi bày ý nghĩa cuộc đời người cha trong toàn bộ những sự kiện và những chọn lựa ấn tượng mất dần khuôn mặt đặc biệt của ông. Để viết cuốn truyện La Place Annie Ernaux đã thu thập những câu nói, những cử chỉ, những ý thích của cha, những sự kiện đánh dấu cuộc đời ông, tất cả những chỉ dấu khách quan của một cuộc đời cô cũng có tham dự. “Không chút thi ca của kỷ niệm, không riễu cợt tở mở. Văn tự phẳng đến với tôi một cách tự nhiên, cùng một thứ văn tự tôi đã sử dụng trước dây khi viết cho cha mẹ để báo cho họ biết những tin tức thiết yếu.”[5]

Annie Ernaux bắt đầu kể lai lịch gia đình bằng một đoạn rời khá dài. Lịch sử gia đình bà bắt đầu từ vài tháng trước thế kỷ 20 ở một khu làng không xa bờ biển. Từ hồi 18 tuổi ông làm việc trong một nông trại, tiền lương giao hết cho bà vợ không vui tính. Ông thích uống rượu và không thích người nào trong gia đình đắm đuối vào sách vở. Ông không có thì giờ học đọc hay học viết nhưng biết đếm con số. Trong đời Annie Ernaux chỉ nhìn thấy ông nội duy nhất một lần trong nhà thương ba tháng trước khi ông từ trần. Ông là một người nhỏ thó tóc bạc phơ. Bà nội Annie ngược lại có đi học trường dòng, biết dệt vải. Bà rất sạch sẽ, vào dịp lễ tết bà ăn mặc chỉnh tề “nhưng bà không đứng tiểu tiện dưới váy như đa số phụ nữ nhà quê”. Bốn mươi tuổi sau khi đã sinh năm con bà đột nhiên không nói năng trong nhiều ngày. Sau đó bà bị chứng tê thấp tay chân. Bà là người sùng đạo nên để chữa chứng bệnh tê thấp này bà đi thăm viếng cầu xin các vị thánh. Mẹ của tác giả cũng giống bà nội là người sùng đạo. Thời niên thiếu cha Annie ở trong ban thánh ca, cuốc bộ hai cây số đến trường nhưng thôi học sớm để lao động giúp gia đình nhưng sau đó đi học lại nên biết đọc biết viết. Ông thích vẽ súc vật.

Sau thế giới chiến tranh 1914-1918, quê bà cũng như các đô thị khác ở Pháp bắt đầu kỹ nghệ hóa. Cha bà vào làm hãng sản xuất dây thừng sau khi đã làm trong một hãng chế bơ. Ông là một người nghiêm túc, không giả đò, không rượu chè, không vào nghiệp đoàn, không ưa chính trị, dành dụm tiền bạc. Ông to con, da màu nâu xạm, mắt xanh, thân hình thẳng tắp, không mấy sùng đạo. Mẹ Annie gặp ông ở hãng làm dây thừng và bà nhận xét: “Chồng tôi chẳng có vẻ thợ thuyền.”  Các cô em gái cha bà là người làm cho những gia đình trưởng giả rất ngưỡng mộ mẹ bà, một phụ nữ tân thời, cắt tóc ngắn, mặc váy ngắn, chăm chỉ đi nhà thờ vào ngày chủ nhật. Annie Ernaux mô tả bà: “Trong tấm hình đám cưới, người ta nhìn thấy đầu gối bà. Bà nhìn sững vào ống kính phía dưới tấm voan quấn phía trên cặp mắt. Bà trông giống Sarah Bernhardt. Cha tôi dứng thẳng bên bà, ria mép thưa…Cả hai đều không cười.”[6] Mẹ bà luôn thẹn thùng nên cha mẹ bà không có những cử chỉ âu yếm nhau. Mẹ Annie luôn luôn có tình cảm hổ thẹn về yêu đương. Còn cha Annie, trước mặt con gái chỉ ôm vợ vội vã, miễn cưỡng hôn nhẹ lên má vợ. Khi nào thấy ông nhìn chăm chú mình bà cúi mặt và mỉm cười. Khi trưởng thành Annie biết rằng ông muốn có ý nói về làm tình với bà. “Ông thường thầm thì hát Hãy nói với tôi về tình yêu, còn bà giữa bữa ăn gia đình cất giọng khêu gợi Đây là thân thể tôi để yêu ông.”[7] 

Ban đầu cha mẹ Annie thuê một căn hộ hai tầng ở Y…, Bà sinh một bé gái và phải ở nhà nuôi con nên thấy buồn chán. Cha bà tìm được việc lợp ngói lương khá hơn nhưng một hôm ông bị tai nạn nên bà nảy ý định xoay sang buôn bán. Nhưng họ chỉ thể chọn loại buôn bán không cần nhiều vốn và cũng không cần phải có tay nghề, thứ mua sỉ rồi bán lẻ tuy không lời nhiều nhưng ít cạnh tranh, luôn sợ sạch sẽ vốn liếng rồi lại phải trở lại làm công nhân. Họ tìm được một tiệm cà phê-tạp hóa thấp lè tè ở khu L…cách Havre ba mươi cây số và mua chịu tiệm này. Họ trở thành ông chủ bà chủ tiệm. Cũng có những khách hàng mua chịu. Cha mẹ bà luôn sợ ăn vào vốn. Thời gian này nhất là vào mùa đông rét mướt cha mẹ ở trong bếp, Annie cảm thấy sự im lặng từ trên giáng xuống đầu mình. Cửa hàng cà phê-tạp hóa kiếm lời không hơn lương công nhân nên cha bà lại phải đi làm khoán cho một xưởng xây cất, phải đi ủng làm việc dưới nước nên mẹ bà một mình trông coi cửa tiệm. “Nửa-buôn bán, nửa-công nhân, đồng thời cùng ở cả hai bờ, cho nên vừa dấn mình vào sự cô đơn và vào sự ngờ vực…”[8] Cha bà giao cho vợ việc chỉ huy công việc và sổ sách, ông ngưỡng mộ nhưng cũng hay riễu cợt vợ.

Annie Ernaux kể lại: “Tôi viết từ từ. Trong khi cố gắng phơi lộ đường kết dệt có ý nghĩa của một cuộc đời trong toàn bộ những sự kiện và những lựa chọn, tôi có ấn tượng mất dần khuôn mặt riêng biệt của cha tôi. Bức phác họa có chiều hướng chiếm chỗ toàn bộ, ý tưởng được để cho chạy một mình. Nếu ngược lại tôi để cho những hình ảnh của kỷ niệm trượt đi, tôi nhìn lại ông như ông đã là, nụ cười mỉm, bước đi của ông, ông dắt tay tôi đi hội chợ và những lần tập cưỡi ngựa làm tôi khiếp vía, tất cả những dấu hiệu của một tình huống chung phần với những người khác trở thành lãnh đạm đối với tôi. Lần nào tôi cũng đều gỡ mình ra khỏi tính cách cá nhân.” Một cách tự nhiên không có sự hạnh phúc trong việc viết, trong cái công việc này ở đó tôi giữ minh cận kề nhất với những từ và những câu nói đã được nghe thấy, đôi khi nhấn mạnh chúng bằng chữ in nghiêng. Không phải để chỉ ra nghĩa kép cho người đọc và cung cấp cho người đọc niềm vui thú của một sự phức tạp, mà tôi từ chối dưới mọi hình thức sự hoài cảm, thống thiết hay riễu cợt. Đơn giản chỉ là những từ và những câu nói lên những giới hạn và mầu sắc của thế giới trong đó cha tôi đã trải qua và tôi cũng sống trải trong đó. Và người ta sẽ chẳng lẫn một từ này với một từ khác.” [9]

Annie Ernaux cũng kể lại cái chết của bé gái đầu tiên của cha mẹ bà. Một hôm bé vào lớp học bị đau cổ họng và cơn sốt không hạ giảm vì đó là chứng bạch hầu và trẻ con trong vùng không được chích ngừa. Bé chết trong khi người cha còn đang làm việc ở hãng lọc dầu. Khi trở về ông hú lên đau đớn và buồn khổ trong nhiều tuần lễ, không nói năng, ngồi ở bàn ăn mắt ngó ra cửa sổ và đập tay trên mặt bàn chẳng để làm gì, trong khi người vợ chấm nước mắt bằng cái khăn tay và nói “mới bảy tuổi nó đã chết, như một nữ thánh nhỏ bé”. Nhìn tấm hình đã bốn mươi năm qua Annie Ernaux không thấy có sự khốn khổ đã qua hay niềm hy vọng. Mà chỉ có những dấu hiệu rõ rệt của thời gian…” 

Vào năm 1939 cha bà không bị gọi nhập ngũ vì đã quá tuổi và mẹ bà khi đó có mang bà được sáu tháng. Cha bà bị thương ở mặt do mảnh bom Đức. Cho mãi tới giữa những năm năm mươi trong những buổi họp mặt dịp lễ tạ ơn, đêm mừng Chúa Giáng Sinh người ta vẫn còn nhắc lại nỗi sợ hãi, đói khát, cóng lạnh vào mùa đông 1942. Thế nhưng “Dù sao vẫn cứ phải sống” (Il faut bien vivre malgré tout). Vào ngày chủ nhật cha mẹ bà đóng cửa tiệm, vợ chồng dạo chơi trong rừng, cha bà cõng con gái trên vai vừa đi vừa ca hát và huýt gió. Vào ngày Lễ Giải Phóng ông dạy con gái hát bài quốc ca La Marsellaise, nhưng lại thêm vào cuối bài hát câu “lũ ngu xuẩn” (tas de cochons) cho vần với từ chót “sillon” của bài hát.

Bị cuốn theo niềm hy vọng chung, năm 1945 cha mẹ Annie Ernaux dọn nhà khỏi Thung Lũng quay trở về Y…phần vì con gái đau ốm quặt quẹo hoài. Họ kiếm được một cửa tiệm tạp hóa nằm giữa nhà ga và viện dưỡng lão. Đó là một căn nhà quê mùa nhưng rộng rãi để mở tiệm tạp hóa. Cuộc đời công nhân của cha Annie ngừng lại nơi đây, đánh dấu sự dịch chuyển giai cấp xã hội từ công nhân sang tiểu thương. Khách của tiệm vào ngày thường là những công nhân đến uống trước khi vào sở hay khi tan tầm, một sĩ quan hải quân đã về hưu, một thanh tra sở an sinh xã hội. Vào ngày chủ nhật có cả từng gia đình đến tiệm, trẻ con uống nước trái cây, vào quãng mười một giờ trưa, các cụ già ở viện dưỡng lão được tự do cho đến sáu giờ chiều đến tiệm để cảm thấy không khí gia đình. “Con đường giữa sự phục hồi của một lối sống được coi như thấp kém sang phủ nhận sự vong thân nó kéo theo là một con đường hẹp. Bởi những cách sống này là của chúng tôi, là một sự hạnh phúc nhưng cũng là những rào cản tạo ra sự thấp kém của tình cảnh chúng tôi (ý thức được rằng “điều này không mấy tốt nơi chúng tôi”) ý tôi muốn nói vừa là hạnh phúc vừa là vong thân. Đúng ra đó là ấn tượng chao đảo từ bờ này sang bờ kia của sự mâu thuẫn này.”[10] 

Annie Ernaux kể lại sự hổ thẹn về sự quê mùa của cha: bữa nọ ông mua vé xe lửa hạng nhì nhưng lên lầm toa hạng nhất và người kiểm soát vé bắt ông trả phụ trội. Một kỷ niệm hổ thẹn khác: ở phòng lục sự, lẽ ra ông phải viết “đã đọc vả chấp thuận” nhưng vì không biết đánh vần nên ông viết “để chấp thuận” (à approuver) Trên đường trở về ông bị ám ảnh về lỗi lầm này của mình và cảm thấy bất an. Đó là “Cái bóng của sự tủi nhục” (L’ombre de l’indignité). Trước những nhân vật ông coi là quan trọng ông có sự e dè không bao giờ đặt câu hỏi, luôn nhận ra sự thấp kém của mình nên càng cố dấu sự thấp kém này. 

Về ngôn ngữ, cha Annie Ernaux chỉ có thứ lời nói quê mùa thô kệch (le patois). Với ông patois là cái gi xưa rồi và xấu xí, một dấu hiệu của sự thấp kém, hạ cấp. Tuy vậy cũng có nhiều người ưa thích sự văn hoa của thứ tiếng này và của tiếng Pháp bình dân. Chẳng hạn như Marcel Proust đã vui thú dẫn ra những sai lầm và những từ cổ lỗ của nhân vật Françoise trong tiểu thuyết À la recherché du temps perdu. Nơi đông người ông tránh ba hoa, thường im tiếng hay ngừng ở giữa câu nói và hỏi “phải không” hay chỉ nói “pas/không) với một cử chỉ bằng tay để tránh người khác hiểu lầm. Tuy vậy ông cũng ghét những câu nói hoa hòe và những lời biểu lộ mới mẻ “chẳng nói lên cái gì.” Trong khi người ta nói “Sûrement pas/Chắc chắn không” ông không hiểu tại sao người ta lại nói hai từ trái ngược nhau như vậy. Ông chỉ dùng thứ ngữ vựng của ông.

Sự chuyển vị giai cấp xã hội qua ngôn ngữ của Annie bắt đầu khi cô mười ba tuổi: làm bài, nghe nhạc, đọc sách trong phòng riêng trên lầu, khi ăn thì không nói, không cười cợt khi ở nhà. “Tôi di dân nhẹ nhàng về thế giới tiểu-tư sản, được chấp thuận trong những trò chơi gây ngạc nhiên này mà điều kiện tiếp cận duy nhất, nhưng thật khó khăn, là đừng có quê mùa. Tất cả những gì tôi yêu thích với tôi dường như là nhà quéo.”[11]  “Là trẻ con, khi tôi gắng sức diễn tả trong một ngôn ngữ thật chuẩn, tôi có cảm tưởng tự quăng mình vào khoảng không.”[13] Thế nên trong kỷ niệm của cô bé về mọi thứ gì có dính dáng tới ngôn ngữ là sự cay đắng và sự không tự tin đớn đau. Mẹ cô nói về cha cô: “Đó là một con người gốc nhà quê, con còn muốn gì hơn thế nữa.”

Trong tiệc cưới con gái ở một tiệm ăn bên bờ sông Seine, ông mặc bộ đồ đặt may mầu xanh dương có sọc, sơ mi trắng lần đầu trong đời cài nút tay (boutons de manchette), ngồi đầu hơi nghiêng về đằng sau, hai bàn tay để trên khăn ăn trải trên đầu gối và hơi mỉm cười. Annie Ernaux viết: “Nụ cười này cũng muốn nói lên rằng, ở đây, hôm nay, mọi sự đều tốt đẹp.” Sau đám cưới Annie bắt đầu một đời sống trưởng giả: “Tôi đã trượt vào trong cái nửa của thế giới này còn nửa kia chỉ là một thứ dàn cảnh.” Khi từ Paris về thăm nhà, người ra đón Annie ở bên toa tầu luôn luôn là mẹ cô còn cha cô đứng ở xa. Bà buộc con gái để bà sách cái va li vì bà cho rằng “va li quá nặng đối với con, con không quen mang nặng đâu.” Ở trong nhà cha mẹ trong khi cô ngồi trong bếp thì cha mẹ đứng, mẹ đứng bên cầu thang còn cha đứng ở chỗ khung cửa mở rộng thông sang phòng bán cà phê. Annie Ernaux cảm thấy mình tách rời khỏi chính mình.

Khi được biết Annie vào học trường sư phạm Rouen để ra làm cô giáo, được hưởng quá đầy đủ mọi thứ không phải trả tiền, khi biết nhà nước hoàn toàn cung cấp mọi thứ cho sinh viên, ông tỏ ra kính trọng hệ thống giáo dục này. Nhưng khi con gái đột nhiên cô bỏ học làm ông chới với. Annie sang London sống một thời gian dài, mẹ cô viết thư kể cho cô biết những gì xảy ra ở quê nhà. Đi học xa nhà, đi đi về về nên mối liên hệ với cha mẹ không còn gần gũi như trước. Mỗi lần về thăm nhà mẹ cô lại nói: “Cha con, hãy nhìn ông ấy đi, đó là một con gà trống bao bột!” (Ton père, regarde-le, c’est un coq en pâte!) 

Đoạn rời dài thứ hai gần cuối sách kể lại lần về thăm cha mẹ khá cảm động. Annie dậy muộn. Mẹ thầm thì cho cô biết rằng cha cô sáng sớm hôm nay nôn mửa mà không kịp vào phòng tắm. Mẹ cô cho rằng vì ông ăn không tiêu, trong khi ông lại cứ lo vợ đã dọn sạch sàn nhà chưa và than một phần ngực bị đau. Annie thấy “Giọng cha mình thay đổi.” Bác sĩ đến khám bệnh phải đi thẳng lên lầu. Sau đó người mẹ cùng với bác sĩ gặp nhau trong nhà bếp. Bác sĩ nói thầm với bà phải đưa ông vào bệnh viện ngay. Bà lịu lưỡi than phiền với con gái “ông ấy luôn luôn ăn những thứ không hợp” và bà nói với chồng trong khi mang nước suối đến cho ông uống “ông cũng biết rõ rằng bụng ông yếu mà.” Nhưng bà có vẻ không chịu hiểu sự trầm trọng của bệnh và bác sĩ cũng nói có thể đến tối đưa ông vào bệnh viện cũng được. Annie đi mua thuốc cho cha, cảm thấy đó là một ngày nặng nề. Khách hàng của tiệm cà phê-tạp hóa cho rằng vì thời tiết quá nóng bức nên ông ngã bệnh. Cũng giống mẹ cô họ có vẻ nghĩ rằng cha cô bệnh để tỏ ra không muốn vâng lời thiên nhiên và mình còn trẻ trung nên ông đã bị trừng phạt. 

Ngày hôm sau, mỗi khi cô hay mẹ cô hỏi ông cảm thấy thế nào, ông cười nhạt giận dữ hay than phiền hai ngày rồi chẳng ăn gì cả. Đến tối mẹ cô thầm thì với cô, đôi mắt xụp xuống “mẹ chẳng còn biết phải làm sao nữa” nhưng bà vẫn nói đến cái chết của ông. “Đến khuya thứ sáu sang sáng thứ bảy, hơi thở cha tôi trở thành chìm sâu và đứt khúc.” Bác sĩ chích thuốc giảm đau. Đến sáng chủ nhật cô lên lầu thăm cha thấy ông ngồi ở mép giường, đầu cúi xuống, tay cầm một chiếc ly trống không. “Tay ông rung lên dữ dội. Ngay lúc ấy tôi không hiểu ông muốn đặt cái ly trên ghế. Tôi nhìn bàn tay trong mấy giây liền. Ông có vẻ tuyệt vọng.” Quá trưa ông thở khó khăn, mắt mở trừng trừng. Mẹ cô đóng cửa tiệm, cô chú của cô đến thăm. Cô nghe thấy tiếng chân bước chậm chạp xuống cầu thang của mẹ cô, khi đi đến nứa cầu thang bà nói nhẹ nhàng “Thế là hết.”

Annie Ernaux khởi đầu viết truyện kể (récit) – cũng vẫn bằng thứ văn tự có khuynh hướng bạo động (écriture à la violence, écriture comme couteau) – về cha bà ngay sau khi quyển Amoires vides/Những cái tủ trống rỗng được xuất bản. Bà là một nhà văn phức tạp nên thường tạo ra không ít ngộ nhận, nhất là về nữ quyền và về tính chất bạo động của viết, câu văn trần trụi với ngôn ngữ “phẳng”, và về “chuyển dịch giai cấp” (transfuge de classe). Trước hết, nhiều người cho rằng Annie Ernaux là nhà văn nữ quyền. Để xác minh điểm này Annie Ernaux tuyên bố “Tôi không phải một phụ nữ viết văn, tôi là một người nào đó viết văn.”[14] Lời tuyên bố này chỉ ra khi viết Annie Ernaux không có cảm giác về căn cước của phụ nữ (identité de femme), vì theo bà để mình bị xô đẩy vào cảm giác này chính là nguồn gốc của sự khổ đau, nhất là của nổi loạn, và cũng là cách nhìn nhận không cố tình sự thượng đẳng của nam giới. Cũng theo Annie Ernaux “Cuộc cách mạng của nữ giới chưa xảy ra. Cuộc cách mạng này luôn luôn phải được thực hiện.[15]

Với Annie Ernaux kiểu mẫu nữ quyền là người mẹ của bà. Bà dạy bảo con gái là đừng bao giờ để bất cứ thứ gì hay bất cứ ai ép đặt. Kế đến là ảnh hưởng của Simone de Beauvoir qua quyển Le deuxième sexe/Giống cái. Mãi tới thập niên 70 với phong trào nữ quyền bùng phát, bà mới thực sự ý thức về bản chất nền giáo dục không theo truyền thống bà thừa hưởng, và bà cảm thấy biết ơn mẹ. Mẹ bà là một phụ nữ tính nóng như lửa, cực đoan, quyền uy, là nguyên tắc của gia đình, trong khi cha bà là một người đàn ông mềm yếu, nhẫn nhịn.

__________________________________________

[1] Je hasarde une explication: écrire c’est le dernier recours quand on a trahi.

[2] Annie Ernaux, La Place trang 11-12: L’inspecteur m’a tendu la main. Puis, en me regardant bien en face: “Madame, je vous filicte.” Les autres ont répeté “je vous felicite” et m’ont serré la main, mais la femme avec un sourire.

[3] Sđd trang 13-14: C’était un dimanche, au début de l’après-midi…Elle a dit d’une voix neutre “C’est fini.” Je ne souviens pas des minutes qui ont suivi. Je revois seulement les yeux de mon père fixant quelque chose derrière moi, loin, et ses lèvres retroussées au-dessus des gencives. Je crois avoir demandé à ma mère de lui fermer les yeux.

[4] Sđd tout trang 23: Je voudrais dire, écrire au sujet se mon père, sa vie, et cette distance venue à l’adolescence entre lui et moi. Une distance de classe, mais particulière, qui n’a pas de nom. Comme l’amour separé.

[5] Annie Ernaux. Le vrai lieu, Entretiens avec Michelle Porte, Gallimard: Aucune poésie du souvenir, pas de dérision jubilante. L’écriture plate me vient naturellement, celle-là même que j’utilisais en écrivant autrefois à mes parents pour le dire les nouvelles essentielles.

[6] Sđd trang 37: Sur la photo du marriage, on lui voit les genoux…Mon père se tient à côté d’elle…Ils ne sourient ni l’un ni l’autre.

[7] Sđd trang 38: Parlez-moi d’amour…Voici mon corps pour vous aimer.

[8] Sđd trang 42: Mi-commerçant, mi-ouvrier, des deux bords à la fois, voué donc à la solitude et à la méfiance.

[9] Sđd trang 45.

[10] Sđd trang 54-55.

[11] Sđd trang 79: J’émigre doucement vers le monde petit-bourgeois, admise dans ces surboums dont la seule condition d’accès, mais si difficile, consiste à ne pas être cucul. Tout ce que j’aimais me semble pèquenot…

[12] Sđd trang 83: Un jour: Les livres, la musique, c’est bon pour toi. Moi je n’en ai pas besoin pour vivre.

[13] Sđd trang 64

[14]   trang 55.

[15] Sđd trang 55: La révolution des femmes n’a pas eu lieu. Elle est toujour à faire.