Đào Trung Đạo: Đọc Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh của Cao Hành Kiện

Hình bìa cuốn sách
“Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh”,
tên tiếng Anh: 
One Man’s Bible

Cao Hành Kiện cho xuất bản Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh, truyện dài thứ nhì sau Linh Sơn (1989) ở Đài Bắc năm 1999, một năm trước khi được trao tặng giải thưởng Văn Chương Nobel. Bản dịch tiếng Pháp do Noel & Liliane Dutrait được Editions de l’Aube xuất bản năm 2000 và bản tiếng Anh do Mabel Lee dịch và được Harper Collins xuất bản năm 2002. Cả hai bản Pháp ngữ với cái tựa Le Livre d’un home tout seul và bản Anh ngữ tựa đề One Man’s Bible có lẽ vì nhu cầu thị trường cần một cái tựa sách bắt mắt quần chúng độc giả hơn nên đều không dịch sát nghĩa tựa đề nguyên bản Nhất Cá Nhân Đích (cái bản ngã đích thực của một người) bao hàm chủ ý của tác giả khi viết cuốn tiểu thuyết này.  Chuyển tựa sách này sang tiếng Việt nghe sao vừa thuận tai vừa văn vẻ thực là khó: chúng tôi đề nghị hãy tạm đặt tên cho cuốn sách này là Tôi Thực Là Tôi. Tuy nhiên với những độc giả Việt đã làm quen với danh từ Hán Việt thì tựa đề nguyên bản cũng không khó hiểu gì mấy.

 Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh gồm 61 chương sách xếp đặt không theo trật tự thời gian nhưng xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại, là những truyện trong truyện (stories within story). Cách phân biệt dễ nhận ra nhất về quá khứ và hiện tại khi đọc Nhất Cá Nhân Đích theo cấu trúc của quyển tiểu thuyết này là khi nào tác giả dùng ngôi ba ‘hắn’ tức là chuyện quá khứ của hắn và khi nào nhân vật dùng đại danh từ ngôi thứ hai ‘anh’ tức là hiện tại hoặc hiện tại hồi ức về quá khứ.

Chương 1 mở đầu hồi ức về cuộc đời quá khứ của ‘hắn’, bằng tấm hình đại gia đình vàng úa cũ kỹ chụp tại căn nhà xưa ở Bắc Kinh. Chuyển sang Chương 2 và 4 nhân vật tên ‘anh’ trong hiện tại bắt đầu truyện xảy ra trong một căn phòng khách sạn sang trọng ở Hồng Kông giữa ‘anh’ và Margarethe (một cái tên viết không ra kiểu tiếng Pháp cũng chẳng là tiếng Anh hay tiếng Đức): Margarethe là một phụ nữ Đức gốc Do thái, mười năm trước đây cùng chồng là Peter bạn của ‘hắn’ trong một tối mùa đông lạnh căm đã ghé thăm căn phòng ấm cúng của ‘anh’ để xem tranh hắn vẽ. Nay gặp nhau lại tại Hồng Kông nhân anh có nhiệm vụ phải từ Paris sang trông coi việc dàn dựng một vở kịch của mình và Margarethe hiện độc thân cũng có mặt ở đây công tác cho một hãng buôn Đức đang làm ăn với Trung Quốc. Margarethe người phụ nữ rực lửa tình, rất đáng yêu, thông minh, tự lập nhưng cũng rất ưa hờn ghen, áp đảo và không chịu nhận mình giống Đức-Do thái mà chỉ muốn được gọi là một phụ nữ mà thôi, ngay từ phút đầu mới gặp mười năm trước đây Margarethe đã yêu thích anh. Thân thể anh và Margarethe quấn riết lấy nhau xen vào những mẩu đối thoại rất thông minh nhưng cũng rất tình cảm: cuối cùng dù không muốn anh cũng phải chiều lòng người tình kể lại cuộc đời quá khứ của mình, nhất là những cuộc tình, những người phụ nữ đã yêu anh và anh cũng đã yêu họ, những người bạn thân sơ đã cứu giúp anh và anh cũng đã cứu giúp họ: dòng thời gian kể chuyện chỉ trong không đầy bốn ngày hai người còn lưu lại Hồng Kông. Suốt chiều dài cuốn truyện Họ Cao dùng bối cảnh là cuộc Cách Mạng Văn Hóa để mô tả sự chà đạp, triệt hủy bản ngã con người sống dưới ách cai trị của cộng sản xen lẫn những cuộc tình của hắn và những phụ nữ đã đi qua đời hắn.  Ngay người phụ nữ sống dưới sự cai trị sắt máu của cộng sản nhiều khi cũng buộc phải trở thành kẻ phản bội lại người mình yêu, tố cáo những hành vi được coi là phản cách mạng của anh hoặc theo chỉ thị của Đảng hoặc để tự vệ hay để duy trì chỗ đứng của mình trong Đảng. Những gì xảy ra trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, những xúc cảm, những suy tư và những sự kiện lịch sử được khai quật, trở thành sống động qua mô tả cuộc sống vùi dập của ‘hắn’trong giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử này. Nhưng xen giữa những tiếng động vô nhân tính của sự cuồng nộ và bạo động là những cuộc tình tha thiết nhưng không kém phần thê thảm của một con người cố cưỡng lại chế độ để duy trì một bản ngã cho mình.

Đọc Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh tuy độc giả say mê theo dõi những chuyện tình nhưng chủ ý của Cao Hành Kiện không phải là kể chuyện tình mà là dùng truyện tình làm khung để nói lên vấn đề tự do, vấn đề bản ngã và xen vào đó là quan điểm của ông về văn chương nghệ thuật. Có thể nói qua Nhất Cá Nhân Đích văn chương họ Cao tuy vẫn ‘lạnh’ nhưng có phần hấp dẫn người đọc hơn truyện Linh Sơn nhiều. Margarethe hay những cuộc tình theo chúng tôi thấy chỉ là một cái cớ, một hương vị giống như miếng bánh Madeleine của Marcel Proust để Cao Hành Kiện hồi ức quá khứ qua bản viết, qua độc thoại để giải phóng bản ngã mình, làm cho hiện hữu của mình trở thành một sự thực chứ không để thời gian chôn vùi. Chương 54 tuy chỉ khoảng 6 trang chữ nhưng có lẽ là chương cô đọng nhất nói lên quan niệm của nhà văn họ Cao về nhân sinh từ sau khi thoát ra ngoài ngục tù cọng sản “không còn phải sống dưới bóng hình kẻ khác, cũng không còn phải coi bóng hình kẻ khác là kẻ thù tưởng tượng, chỉ giản dị bước ra khỏi những bóng hình của chúng và chấm dứt những chuyện vớ vẩn vô nghĩa và những huyễn tưởng.” Khi một người ra khỏi được tình cảnh đó bạn sẽ thấy hắn dường như đang chơi vơi trong sự trống vắng mênh mông. Từ một môi trường sống không có tự do, bản ngã bị hủy diệt, những ký ức của một quá khứ đọa đầy đôi khi lại từ vô thức trở về ám ảnh, nay chuyển sang một môi trường mới con người đó bị rơi vào trong một khoảng trống: cái giá của tự do? Nhưng tự do là gì? Cao Hành Kiện viết: “Tự mình chủ động và hiện hữu cho chính bản thân là một sự tự do không phải từ bên ngoài. Nó ở bên trong bạn, và nó có hay không tùy thuộc vào việc bạn có ý thức được nó hay không và bạn có thao dượt nó một cách có ý thức không. Tự do là cái nhìn thẳng vào cặp mắt, cái bực cao thấp của giọng nói, và nó có thể được bạn thể hiện ra, như thế có nghĩa là bạn không thiếu nó. Khẳng định sự tự do này cũng tương tự như khẳng định sự hiện hữu của một vật thể như cái cây, ngọn cỏ, hay một giọt sương, và để cho bạn thao dượt sự tự do này trong đời sống là điều chính đáng và không thể phủ quyết được.” (One Man’s Bible, trang 302)

Trưóc câu hỏi tại sao không trở về sống ở quê nhà, họ Cao trả lời: “Chừng nào mà Mao còn được sùng kính như một lãnh tụ, một hoàng đế, một thượng đế thì hắn sẽ không thể trở về cái xứ sở ấy được. Tuy nhiên, có một điều dần dần trở thành sáng tỏ đối với hắn đó là: không thể nào để cho tâm thức một con người bị kẻ khác nô dịch được, trừ khi chính con người đó bằng lòng cho kẻ khác làm vậy.” (One Man’s Bible, trang 405). Phải chăng Cao Hành Kiện cũng đã gửi cho chúng ta, những nạn nhân của cộng sản, một thông điệp rất minh bạch, can đảm, và đầy trí tuệ?

Chúng tôi nhận thấy tác phẩm Nhất Cá Nhân Đích của Cao Hành Kiện là một tặng phẩm hiếm quí cần giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Vì Cao Hành Kiện là một người viết lạnh, đôi khi có người cho là khó đọc nên chúng tôi thấy cần bàn thêm về quan niệm văn chương cũng như về kỹ thuật viết tiểu thuyết được ông gởi gấm chính trong tác phẩm này.

Vì Cao Hành Kiện là một cây bút ý thức rõ ràng khi viết văn mình định làm gì và làm như thế nào nên chúng ta cần nêu ra một vài vấn đề thuần túy văn chương xoay quanh Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh. Trước hết là vấn đề thể loại cuốn sách. Ý kiến chung chung cho rằng Cao Hành Kiện viết quyển này theo thể tiểu thuyết. Kỹ hơn một chút nhiều người cho rằng đó là một tiểu thuyết tự truyện (autobiographical novel). Cũng có người cho rằng Nhất Cá Nhân Đích thuộc loại hồi ký (mémoire). Thật ra vấn đề này chỉ cần thiết cho một người giảng dạy văn chương chứ không là một mối bận tâm với những nhà văn có tay nghề cao. Jorge Luis Borges cũng như rất nhiều nhà văn tiền phong hậu bán thế kỷ 20 đã xóa bỏ lằn ranh giữa diễn ngôn tiểu thuyết và diễn ngôn khảo luận (discursive discourse). Ta cũng không nên quên rằng một trong những cuốn luận văn viết thời còn trẻ của họ Cao là cuốn Sơ Luận về Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Hiện Đại (1981), trong đó ông nêu ra những ý kiến mới mẻ nhằm thay đổi tiểu thuyết Trung Quốc, đã gây nên một cơn sốt tranh luận văn học kéo dài ở đại lục. Kết cuộc ông bị lên án đã làm ô nhiễm tinh thần văn học, bị đẩy vào trong bóng tối, câm miệng. Ta cũng biết Cao Hành Kiện là người có kiến thức nhuần nhuyễn về văn chương Tây Phương hiện đại (ông tốt nghiệp Tiến-sĩ Văn Chương Pháp tại Đại-học Bắc Kinh), đã từng dịch vở kịch En attendant Godot/Trong khi chờ Godot của Samuel Beckett sang Hoa văn, ông viết kịch chịu ảnh hưởng của Antonin Artaud, Bertold Brecht, Samuel Beckett.

Chủ đề của Nhất Cá Nhân Đích là vấn đề bản ngã con người: không phải là sự hình thành hay tan rã của bản ngã (vốn là một chủ đề cổ điển của tiểu thuyết) nhưng là sự cần thiết con người phải được tự do có một bản ngã đích thực. Qua kinh nghiệm bản thân ông thấy sống dưới chế độ cộng sản con người không được phép có một bản ngã cho riêng mình vì không có tự do. Không có tự do luyến ái, tư tưởng, phát biểu. Cũng không được phép tự do hồi ức, nhớ lại cuộc đời mình. Con người sống trong chế độ cộng sản là một con người vô ngã, vô ức. Khốc liệt nhất, tiêu biểu nhất về chính sách triệt hủy bản ngã con người trong lịch sử Trung quốc là giai đoạn xảy ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa dưới trào Mao Trạch Đông mà ông đã trải qua. Nay lìa xa quê hương Cao Hành Kiện đã cố gắng, tưởng mình có thể quên hết quá khứ, để lại sau lưng cái bản ngã thương tích bị dày xéo cũ, sống và tạo cho mình một bản ngã mới. Nhưng mọi sự không giản dị như vậy: quá khứ từ vô thức vẫn trở về, cái bản ngã bị dày xéo không dễ gì biến đi. Để có thể tiếp tục sống không thể không giải quyết vấn đề này. Cho nên viết là một cách giải thoát khỏi quá khứ, nối liền được cái bản ngã bị dập vùi với cái bản ngã hiện tại, tìm ra một thái độ, một triết lý sống.

Trước Cao Hành Kiện, vào đầu thế kỷ 20 Marcel Proust đã lẫy lừng với Đi Tìm Thời Gian Đã Mất (À La Recherche du Temps Perdu), Robert Musil hai thập niên sau đó đã viết Con Người Không Phẩm Tính (L’Homme Sans Qualité). Viết qua hồi tưởng trong giòng ý thức nội tâm những kẻ đến sau Proust chắc chắn không thể vượt qua bậc thầy này. Còn nếu như đặt một cái máy ghi âm vi ti trong óc nhân vật tiểu thuyết kiểu James Joyce thì cây bút thượng thừa này khó có truyền nhân, hơn nữa viết theo kiểu này e cũng khó có độc giả. Cái khó của một người viết tiểu thuyết là viết sao cho có kỹ thuật, đẩy tiểu thuyết đi tới, nhưng vẫn phải làm cho người đọc say mê. Phải có tài nghệ, tay nghề, có một điều gì đó muốn đưa ra (một chủ đề có tính phổ quát và thời đại), “Anh chỉ phải nói ra khi anh có điều gì đó cần nói ra, bằng không thì nên giữ im lặng.” (One Man’s Bible trang 445). Nhưng vấn đề khó biết là điều gì là cái cần nói ra? Ngay khi đọc những tác phẩm lớn ta cũng khó nhận ra cái điều chính yếu nhà tiểu thuyết muốn nói, cần nói ra là cái gì? Cái mình nghĩ là đáng nói, mới mẻ có thật đúng như thế không? Khi đọc và học hỏi những nhà văn bậc thầy chưa chắc đã nắm bắt được điều họ muốn nói. Phải chăng khi Proust viết À la Recherche chỉ để nói về một điều giản đơn rằng thời gian và tình yêu nếu có chỉ là thời gian và tình yêu tìm thấy lại trong thời gian đã mất?  Và Kafka viết kiệt lực nhưng rồi trước khi chết để lại di chúc yêu cầu thiêu hủy hết tác phẩm của mình, và diễn ngôn văn chương, bản viết của Kafka chung cuộc chỉ để nói lên một điều đó là sự bất khả của khả hữu văn chương (Impossibility of literary possibilities)? Có phải Dostoievsky viết tiểu thuyết là để diễn bày hội vui đa ngôn đa thoại? Và James Joyce viết để làm hòa với ngôn ngữ trong đời sống lưu đầy? Samuel Beckett viết vì những khoảng cách thinh lặng hối thúc mình phải nói phải viết? Những điều này người viết tiểu thuyết chỉ có thể học hỏi được ở những bậc thầy là những nhà tiểu thuyết lớn trên thế giới. Học theo kiểu trực truyền, nếu như có tài năng và trí huệ. Không có trường lớp nào có thể dạy một người viết tiểu thuyết hay. Tiểu thuyết là một loại hình văn chương biến đổi không ngừng nên viết tiểu thuyết là chấp nhận một thử thách gian nan, cho nên William Faulkner vẫn coi viết tiểu thuyết là một thất bại trong vinh quang.

Cao Hành Kiện với chủ trương văn chương lạnh cho nên nhu cầu độc giả với ông có lẽ là thứ yếu. Ông đã hiểu được điều: viết, trước hết là viết cho mình. Viết cũng còn để tự cứu mình khỏi sụp đổ và để có thể hưởng trọn sự tự do hoàn toàn (One Man’s Bible, trang 419). Căn cứ theo nhận xét của một con người đã hiểu được không có tự do khi cầm bút nghĩa là không thể có văn chương suốt trong thời kỳ sống dưới chế độc cộng sản như Cao Hành Kiện, ta cũng dễ dàng rút ra kết luận: suốt trong thời gian cộng sản lãnh đạo từ những ngày trong bóng tối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi lên nắm chính quyền (7/1954) rồi từ sau tháng 4/1975 không thể nói thực sự có một nền văn chương, nếu như ‘thứ’ văn chương đó đã được Đảng đóng ấn cho xuất hiện. Vấn đề này đối với Cao Hành Kiện tương đối quá hiển nhiên giản dị, nhưng cần phải nói ra. Vì cho đến hôm nay vẫn còn có nhiều người không nhìn thấy được cái điều kiện tối thiểu để một nhà văn có thể cầm bút, viết mà không phải tủi hổ vì những gì mình đã viết, viết trong ngụy tín. Ở rất nhiều chỗ (phỏng vấn, tiểu thuyết, kịch) Cao Hành Kiện muốn minh xác mình không có ý định làm văn chương. Đây là một xác định của một con người hiểu biết và có sự trong sạch trí thức (probité intellectuelle): là một người đã lặn lội trong văn chương thế giới nhất là văn chương Pháp, Cao Hành Kiện hiểu được tài nghệ mình nên không có tham vọng trèo lên những đỉnh cao chóng mặt của văn chương. Cho nên ta thấy Cao Hành Kiện chỉ muốn bày tỏ một thái độ dứt khoát, nói lên cái điều kiện tất yếu để có văn chương, chứ không đi vào những tìm kiếm hụt hơi như Malharmé, Proust, Kafka, Joyce, Musil… Nói như vậy để thấy được văn chương Cao Hành Kiện không khó đọc, không kén độc giả.

Về kỹ thuật khi xây dựng Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh vấn đề tiên quyết ông phải tạo ra một khoảng cách giữa cái bản ngã hiện thời của mình và cái bản ngã trong quá khứ: hai nhân vật chính là một nhưng vẫn là hai. Cao Hành Kiện viết: “Anh cần phải tách mình khỏi sự đau khổ, duyệt xét một cách bình thản những ký ức mờ nhạt, và tìm thấy giữa những ký ức đó những đốm sáng để anh sẽ có thể kiểm tra được cái lộ trình anh đã đi qua. (One Man’s Bible, trang 147)

Trong sách người kể chuyện đứng khuất xa, vắng mặt, cho một nhân vật xưng danh ở ngôi thứ hai “anh’ (you) còn nhân vật kia trong quá khứ lại xưng danh ở ngôi thứ ba “hắn” (he). Một điều hiển nhiên ta không thể làm được khi hồi ức quá khứ là tái tạo toàn vẹn, y nguyên những cảm xúc, ý nghĩ của mình trong những hoàn cảnh cuộc đời quá khứ. Để tránh sự bất khả này Cao Hành Kiện phải tiểu thuyết hóa các nhân vật, các diễn biến, các tình tiết bằng lời người kể chuyện. Vì lý do này nhiều người cho rằng Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh là một tiểu thuyết. Họ Cao trình bày vấn đề này ở Chưong 60 trong Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh như sau:

          Thế là đủ rồi! Hắn nói.

          Thế nghĩa là thế nào, anh hỏi.

          Hắn nói đủ rồi, chấm dứt về hắn đi!

          Nhưng anh nói về ai cơ chứ? Ai chấm dứt ai ở đây?

          Hắn, cái nhân vật anh viết về chứ còn ai vào đấy nữa, chấm dứt hắn đi.

          Anh nói anh không phải là tác giả quyển truyện cơ mà.

          Vậy ai là tác giả?

          Dĩ nhiên là hắn rồi, điều đó quá rõ ràng! Anh chỉ là cái tinh thần ý thức của hắn.

          Vậy rồi cái gì sẽ xảy đến với anh? Nếu hắn bị dứt điểm, anh cũng sẽ bị dứt điểm chứ?

          Anh nói anh có thể là một độc giả, anh sẽ tựa như một khán giả ngồi xem một vở kịch.

          Trong quyển sách hắn và anh chẳng mang một ý nghĩa quan trọng gì cả. (One Man’s Bible, trang 440)

Nhưng qua những chi tiết cá nhân hai nhân vật anh/hắn và những tư liệu lịch sử về cuộc Cách Mạng Văn Hóa người đọc cũng nhận ra phần lớn những gì ông viết ra đều là người thực việc thực cả. Vì vậy nên có thể cho Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh là một tiểu thuyết tự truyện.Đối với họ Cao, như đã nói ở trên, không thể có một thứ “văn chương nóng” tức là thứ văn chương phục vụ cho chủ nghĩa, cho quyền lực dù đó là quyền lực chính trị, xã hội hay ý thức hệ như trong xã hội cộng sản, hoặc phục vụ cho thị hiếu thị trường như trong xã hội tư bản tiêu thụ. Và Cao Hành Kiện cũng rất khiêm tốn nói rõ trong khoảng đời còn lại sau khi bỏ nước ra đi ông không có ý định làm văn chương thuần túy. Chủ trương “văn chương lạnh”, văn chương đối lập lại thứ văn chương nóng, hành vi viết “là vấn đề thuần túy của cá nhân. Đó là sự thuận thảo giữa trí tuệ với sự quan nhận, một sự duyệt xét cái gì đã được nghiệm sinh, những hồi ức và những xúc cảm hay sự mô tả một trạng thái tinh thần. (Diễn văn nhận giải Nobel Văn Chương.) Tiếng nói nội tâm theo ông là một sự xác định mình hiện hữu. Sáng tạo ra nhân vật anh/hắn chung qui là vì tác giả cảm thấy quá cô đơn nên bày ra cuộc chơi với đời ‘một cuộc chơi với ngôn ngữ ‘và ‘viết là một cuộc hành trình tinh thần, lắng mình trầm tư hoặc độc thoại với chính mình để rồi sau đó có được niềm vui và thấy mình đã làm trọn cuộc hành trình này.’ (One Man’s Bible, trang 441-2) Tuy đã hoàn toàn cắt lìa mình khỏi quê hưong nhưng họ Cao không thể cắt lìa mình khỏi ngôn ngữ (One Man’s Bible, trang 419) không phải vì ông không thể sử dụng một ngoại ngữ khác để viết nhưng vì tiếng mẹ đẻ tiện dụng hơn, khỏi phải tra cứu từ điển. Tuy vậy ông cũng không bằng lòng dùng thứ tiếng mẹ đẻ qui ước, thông dụng, quyết tâm tìm cho mình một tiếng/giọng (voice) điệu riêng. Tận lực lắng nghe mình nói gì như thể nghe âm nhạc. Tuy vậy họ Cao vẫn thấy ngôn ngữ thiếu sự tinh túy cho nên ông nghĩ mai đây có lẽ mình cũng sẽ bỏ rơi ngôn ngữ và sẽ dùng một loại hình nghệ thuật nào khác (hội họa – Cao Hành Kiện là một họa sĩ thủy mạc nổi danh- hay vũ …là những ngôn ngữ của kịch câm) để chuyển đạt cảm xúc của mình.