Đào Trung Đạo: Đọc tiểu thuyết Đổi Vai của Kenzaburo Oë (1935-2023)
The Changeling/Đổi Vai xuất bản năm 2000 của Kenzaburo Oë là một tiểu thuyết mang nhiều dấu ấn tự truyện kể lại mối liên hệ giữa một nhà văn về già với một đạo diễn điện ảnh tự sát như một cái cớ để bàn về những chủ đề như mối liên hệ giữa văn chương và đời sống hoặc chủ đích của việc viết văn. Kenzaburo Oë, nhà văn Nhật được trao giải Nobel Văn Chương năm 1994 là một tác giả hàng đầu của văn chương Nhật kể từ cuối thập niên 60s. Trong diễn văn trao giải của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, ông được đánh giá là nhà văn “đã sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng trong đó đời sống và huyền thoại kết tinh đậm đặc với nhau tạo nên một bức tranh đầy kinh ngạc về hoàn cảnh khắc nghiệt của con người hôm nay.” Vì trong tiểu thuyết của Kenzaburo Oë luôn ẩn hiện những nét đời tư của tác giả cho nên muốn thấu hiểu văn chương của ông, ta không thể bỏ qua những chi tiết trong tiểu sử của nhà văn này.
Trước hết là ảnh hưởng của bà nội và mẹ trong cuộc đời thơ ấu: bà ông đã dạy ông về nghệ thuật thoại diễn, mẹ ông đã khai tâm văn học Anh ngữ với hai tác phẩm The Adventures of Huckleberry Finn và The Wonderful Adventures of Nils, và cha ông đã tử nạn trong cuộc Chiến Tranh Thái Bình Dương. Kế đến, khi học ở đại học Tokyo, Kenzaburo Oë theo chuyên ngành văn chương Pháp cho nên ông đã chịu ảnh hưởng sâu đậm văn chương Pháp và Mỹ hiện đại. Kenzaburo Oë đã từng gặp chủ soái triết học hiện sinh Pháp Jean-Paul Sartre ở Paris vào năm 1960. Sau cùng là những yếu tố gia đình: vợ ông, bà Yukari là chị ruột của đạo diễn điện ảnh Nhật nổi tiếng một thời Juro Itami, kẻ đã nhẩy lầu tự sát năm 1997; người con trai đầu lòng Hikari sinh năm 1963 bị chấn thương não bộ từ khi mới sinh nhưng khuyết tật này lại đưa đến hậu quả là Hikari đã trở thành một nhạc sĩ tài năng.
Ngoài ra ta cũng không thể bỏ qua quan điểm chính trị của Kenzaburo Oë: ông là người chống đối kiên cường chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và giới quân phiệt. Năm 2004 ông nhiệt thành ủng hộ việc duy trì hiến pháp Nhật năm 1947 chống lại việc sử dụng võ lực để giải quyết những tranh chấp quốc tế. Năm 2005 hai vị tướng lãnh hồi hưu đã đưa Kenzaburo Oë ra tòa vì trong tác phẩm Ghi chú Okinawa viết năm 1970 của ông Kenzaburo Oë đã lên án giới chức quân sự Nhật can tội cưỡng bách thường dân Okinawa phải tự sát khi quân đội Đồng Minh tiến chiếm đảo này vào năm 1945. Nhưng vào tháng Ba năm 2008 tại Tòa án Quận Hạt Osaka Chánh án Toshimasa Fukami đưa ra tuyên bố, “Giới quân sự đã can dự sâu đậm vào cuộc tự sát tập thể này ” và đã hoàn toàn bác bỏ bản án kết tội ông phỉ báng giới quân sự thời đó.
Tiểu thuyết của Kenzaburo Oë tuy phần lớn đã được dịch ra Anh văn và nhiều ngôn ngữ khác nhưng độc giả cũng như giới phê bình Âu-Mỹ hầu như không mấy mặn mà với truyện của ông ngoài quyển Silent Cry/Tiếng Kêu Thầm Lặng viết năm 1967. Có thể có hai lý do khiến người đọc Âu-Mỹ khó thưởng thức tiểu thuyết của Kenzaburo Oë: Thứ nhất, tiểu thuyết của ông đậm đặc những chi tiết lịch sử và văn hóa Nhật là những thứ không mấy người đọc nước ngoài thấu hiểu. Thứ nhì, kỹ thuật tiểu thuyết của Kenzaburo Oë quá tân kỳ, tuyến tự sự đứt đoạn và không theo thứ tự thời gian. Sau chót, chủ đề văn chương xoay quanh những vấn đề nặng về suy tưởng như những chấn thương của con người hôm nay, bản chất văn chương nghệ thuật, câu hỏi chung kết đặt ra cho nhà văn “viết để làm gì?” và thường thường Kenzaburo Oë chỉ khơi gợi, thảo luận vấn đề rồi bỏ lửng để người đọc tự tìm lấy câu trả lời.
Có lẽ trong tác phẩm Đổi Vai này Kenzaburo Oë lần đầu đã cho chúng ta những gợi ý trực tiếp nhất để có một lời giải đáp cho câu hỏi này. Vì nhân vật chính của truyện là một nhà văn nổi tiếng nay đã về già tên là Kogito Choko có thể coi là hình ảnh hư cấu của chính tác giả. Hơn nữa nhà văn này lại có tên là Kogito khiến chúng ta liên tưởng ngay tới câu nói bất hủ của triết gia Descates “Cogito ergo sum”/ “Tôi tư duy nên tôi hiện hữu.”
Truyện mở ra với cảnh Kogito đã bỏ nhiều buổi tối im lặng ngồi nghe những cuốn băng ghi âm lời độc thoại của Gono Hanawa gửi cho ông. Gono – bạn chí thiết và cũng là em rể của Kogito – trước khi trở thành một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng đã là một tài tử được người đời hâm mộ. Câu cuối cùng trong cuốn băng ghi âm của Gono là “Hôm nay như vậy là hết, bây giờ tôi sẽ lao thẳng qua Phía Bên Kia.” Băng ghi âm phát ra một tiếng động mạnh như đột nhiên muốn ngưng lại rồi giọng Gono lại tiếp tục “Nhưng anh đừng lo, tôi sẽ không ngưng liên lạc trò chuyện với anh đâu. Đó là lý do tại sao tôi đã chủ tâm lập ra cái hệ thống này.” Nghe đến khúc này đang lúc Kigito ngủ thiếp đi thì Chikashi vợ ông đánh thức ông dậy báo tin cho ông hay Goro, người em trai độc nhất của bà, vừa mới nhảy lầu tự sát. Ngoài đời, nhân vật Goro hư cấu chính là nhà sản xuất điện ảnh Juzo Itami, em rể của Kenzaburo Oë, đã nhảy lầu tự sát năm 1997. Chi tiết này có thể người đọc ngoại quốc không hiểu chuyện, nhưng người đọc Nhật sẽ dễ dàng nhận ra ngay.
Số băng ghi âm Gono gửi cho Kogito có đến trên 30 cuốn trong đó ghi lại lời Gono nói về những cuộc trao đổi ý kiến giữa hai người về nhiều đề tài như viết văn, kỷ niệm chung thời trẻ, thơ Rimbaud, nghệ thuật điện ảnh, tình yêu, tình bạn, tình dục và nhiều đề tài khác, đều là những vấn đề của đời sống và văn chương hôm nay. Gono có ý định dựng một cuốn phim dựa trên những cuốn băng ghi âm này. Tình bạn giữa Kogito và Gono theo Kenzaburo cho biết: “Thật rõ ràng rằng cái nét riêng biệt của mối quan hệ Goro-Kogito, từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt, luôn luôn là mối liên hệ sư phụ-đệ tử (chẳng cần nói ra cũng biết Gono đóng vai trò sư phụ. Nay thì dĩ nhiên mối liên hệ đó đã đứt đoạn.)”
Bà Chikashi vợ ông thấy chồng cứ chìm đắm nghe những cuốn băng không ngưng nên khuyên chồng thôi đừng nghe nữa, để tiếp tục trở lại với cuộc đời thực. Nghe lời vợ khuyên Kogito nhân nhận được lời mời sang Berlin dạy học trong một học kỳ nên nhân dịp này làm một chuyến đi xa để thoát ra khỏi những ám ảnh. Kogito khôi hài gọi chuyến đi này là “một cuộc chạy việt dã đơn hồi tưởng” chứng tỏ Kogito đã chọn hồi tưởng để rũ bỏ ám ảnh.
Berlin là nơi trước đây Gono đã từng sang đó để làm một cuốn phim và nghe đâu có dan díu với một phụ nữ bí ẩn. Kogito đã gặp lại người phụ nữ này khi sang Berlin. Sau khi quay trở về Nhật Kogito khám phá ra chuyện Gono đã viết một truyện phim dựa trên một biến cố trong thời trẻ của hai người.
Câu chuyện dường như về cha của Kogito, một người theo chủ nghĩa dân tộc phái hữu cực đoan đã tử nạn trong một cuộc đánh cướp ngân hàng táo bạo. Những đệ tử trung thành của cha ông hiện sống ngoài vòng pháp luật trong một khu rừng vẫn tiếp tục làm lễ truy điệu vinh danh ông. Một cuối tuần nọ hai thiếu niên Gono và Kogito cùng với một sĩ quan Mỹ trẻ biết nói tiếng Nhật tên là Peter tình cờ được làm khách mời của đám đệ tử cuồng tín này. Mọi người thưởng thức những món ăn tuyệt vời, uống rượu tự cất lấy, và rồi một biến cố tệ hại đã xảy ra khiến Gono thay đổi hẳn tư tưởng và thái độ đối với những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tư tưởng và thái độ của Gono sau này đã được diễn tả trong những cuốn phim hài hước của Gono, nhằm chế riễu những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và cũng chính vì cuốn phim này Gono bị một nhóm đầu gấu do những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan xúi dục kích động đã hành hung rạch mặt Gono.
Tuy trong quyển truyện Kenzaburo Oë không cho người đọc biết nhiều về những phần Gono nói về viết văn, thơ Rimbaud, nghệ thuật điện ảnh, tình yêu, tình bạn, hay tình dục nhưng rải rác trong những phần sau quyển truyện người đọc cũng không khó nhận ra Kogito khi hồi ức về Gono đã “độc thoại” – vì nay Gono đã chết – về những chủ đề Gono đã đề cập tới trong những cuốn băng ghi âm. Về biến cố dự bữa tiệc trong ngày truy điệu cha ông, trong tâm trí Kogito luôn trăn trở nhưng lại cho rằng biến cố đó cũng chỉ là “một sự việc đã xảy ra như thế”, cho nên Gono và vợ ông thúc hối Kogito hãy trình bày một cách thực lòng trong văn chương.
Ở đây ta thấy rõ Kenzaburo Oë muốn nói về chủ đề mối tương quan giữa đời sống thực với văn chương nghệ thuật. Và đó là một mối tương quan ẩn mật. Đây cũng là một vấn đề văn học muôn thưở, được tranh luận bất tận. Để tóm tắt quan niệm cùa Kenzaburo Oë về mối quan hệ này tốt hơn hết nên lấy nhận xét trong bài vinh danh Kenzaburo Oë của Hàn Lâm Viện Thụy Điển trong lễ trao giải Văn Chương Nobel: “Kenzaburo Oë đã sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng trong đó đời sống và huyền thoại kết tinh đậm đặc với nhau tạo nên một bức tranh đầy kinh ngạc về hoàn cảnh khắc nghiệt của con người hôm nay.”
Quả thực trong quyển Đổi Vai khi viết về những hoài niệm Kenzaburo Oë đã mô tả những kỷ niệm cũ như thể được bọc trong một lớp sương khói mờ ảo giống như những huyền thoại. Nhưng những kỷ niệm đó cũng lại nói lên được rằng cuộc sống con người như bị vây khổn cùng kiệt, luôn phải đối diện với những bức xúc khôn nguôi. Về mặt lịch sử, những nhà văn thuộc thế hệ của Kenzaburo Oë cũng chưa thể quên được tiếng nói của Nhật Hoàng Hiroshito tuyên bố đầu hàng trên làn sóng truyền thanh khi Nhật bị Đồng Minh đánh bại trong cuộc thế chiến thứ 2. Và những nhà văn này đã đưa vào văn chương những suy tưởng về sự thay đổi về văn hóa và đạo đức trong xã hội Nhật sau biến cố này, tra hỏi để tìm ra một ý nghĩa cho hiện tại.
Tiêu biểu cho thái độ cực đoan đi tìm một giải pháp phải kể trường hợp nhà văn Nhật được kính trọng nhất trong thế hệ này là Yukio Mishima, sau khi thất bại trong việc vận động binh sĩ trong trại Ichigaya làm một cuộc đảo chánh để tái lập chế độ quân chủ vào ngày 25 tháng 11 năm 1970 nhưng bất thành nên đã mổ bụng tự sát. Về phần mình Kenzaburo Oë đã đóng góp bằng những tác phẩm tái tạo cuộc sống với những hoài niệm ám ảnh khôn nguôi đi tìm một ý nghĩa qua văn chương và đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi “Viết để làm gì?”.
Đào Trung Đạo