Đỗ Quyên: Quần-đảo-tráo-tên (Kỳ 2)
Quần-đảo-tráo-tên
Trường ca thời sự
CHƯƠNG 3
KIM CHỈ NAM
3.1 BIỂN ĐẢO VÒNG KIM CÔ
cái vòng biển đảo cong cong [1]
người mong phòng vệ [2] kẻ hòng tấn công [3]
cong cong biển đảo cái vòng
kẻ hòng bành trướng [4] người mong thủ thành [5]
biển đảo cái vòng cong cong
người mong yên vị [6] kẻ hòng bá vương [7]
biển đảo cong cong cái vòng
kẻ hòng xâm lấn [8] người mong chống chèo [9]
cái vòng biển đảo cong cong
người mong chài lưới [10] kẻ hòng cắt phao
cong cong biển đảo cái vòng
kẻ hòng tập trận người mong yên bình [11]
biển đảo cái vòng cong cong
người mong thương thảo kẻ hòng leo thang [12]
biển đảo cong cong cái vòng
người mong đối tác [13] kẻ hòng đối phương [14]
cái vòng biển đảo cong cong
người mong hữu thủy [15] kẻ hòng vô chung [16]
cong cong biển đảo cái vòng
người người kẻ kẻ hòng mong bất hòa [17]
biển đảo cái vòng cong cong
người người mong kẻ kẻ hòng bất tuân [18]
biển đảo cong cong cái vòng
kẻ kẻ hòng người người mong bất toàn [19]
cái vòng biển đảo cong cong [20]
3.2 “BỂ ĐÔNG VẠN DẶM GIANG TAY GIỮ / MUÔN THUỞ TRỜI NAM VỮNG TRỊ BÌNH”
Non tiên ngâm tẩm nước trong xanh
bầu ngọc đội nên rùa lớn sinh
đầu ngóc vá trời còn sức đá
chân đưa lặng sóng chẳng âm thanh
bể Đông vạn dặm giang tay giữ
muôn thuở trời Nam vững trị bình
ta muốn phù nguy ra sức giúp
quan hà thu lại cựu kinh thành [21]
3.3 VỊ LAI BIỂN ĐẢO
Không phải lúc nào chúng ta cũng
có thể gìn giữ được tương lai
cho biển đảo nhưng chúng ta luôn
có thể gìn giữ biển đảo cho
tương lai [22]
3.4 DÃY ĐÁ CHÌM ĐA ĐOAN
… quần đảo – định nghĩa là gì
là cái nửa thế kỷ đi qua rồi
quần đảo – định nghĩa là chi
là cái nửa thế kỷ gì cũng qua
quần đảo – định nghĩa là sao
là ta là địch lộn nhào thế nhân
quần đảo – định nghĩa thế a
thế hệ trước để hệ sau nợ thù
quần đảo – định nghĩa thế ru
thế thời thế thời thế dù có chi [23]
quần đảo – định nghĩa làm gì
định nghĩa quần đảo tìm kim nghìn trùng
quần đảo là ở trong tim
quần đảo là dãy đá chìm đa đoan [24]…
3.5 TOÁN HỌC QUẦN ĐẢO
Bổ đề cơ bản cho các dạng quần đảo không tự bị tráo tên
Yêu quần đảo về cơ bản là cảm thấy liên quan đến số phận của lãnh hải đất nước mình [25]
3.6 NGŨ BẢO VẬT
Bộ ngũ bảo vật tiền nhân Việt truyền hậu thế
liên văn bản ngay tại đây và chính lúc này
&
Gìn vàng giữ ngọc [26]
Gìn biển giữ đảo
&
Người sống đống vàng [27]
Biển sống đống đảo
&
Canh suông khéo nấu thì ngon
Mẹ già khéo tán thì con đắt chồng [28]
Đảo xa khéo giữ thì bền
Nước nghèo khéo quản thì dân ấm đời
&
Trai khôn đem bể về nhà
gái dại vác cả đảo nhà theo trai [29]
&
Đẻ con chẳng dạy chẳng răn
thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng [30]
Có đảo chẳng giữ chẳng gìn
lợn không nuôi nổi lấy lòng đâu ăn
3.7 ĐAU MẤT VƠI ĐẦY
Bể Đông có lúc vơi đầy
lòng đau mất đảo có ngày nào nguôi
bể Đông có lúc đầy vơi
đau lòng mất đảo có nguôi ngày nào [31]
3.8 QUẦN ĐẢO BUỒN
Bỏ giông gió lại cho đời
bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
bỏ Viển vông [32] bỏ Bóng ma [33]
bỏ hình hài của Xô nga trên trời
bây giờ riêng đối diện rồi
sự hai quần đảo truyền đời cháu con [34]
3.9 BÊN NÀY BÊN ẤY HAI TÂM SỰ
– Giữ đất chẳng dễ dàng
giữ biển cũng chẳng dễ dàng
lân bang khó nói nên lời
xương thịt rơi đầy nơi chốn biên thùy
– Hữu hảo thật khó
sinh sự cũng thật khó
hữu nghị hay xung đột đều có dự tính
bành trướng mãi mãi vương vấn trong giấc mơ [35]
3.10 TÍNH KHÔNG VÀ BIỂN ĐẢO
Quần-đảo-tráo-tên Biển Đông
bạn thù sắc sắc không không bạn thù [36]
3.11 ĐỐI THOẠI VỀ LỖI
Lỗi ư
có chi đâu mà cứ phải làm um
ấy điều thuộc về con người nhân chi sơ bản chất
– một hiền nhân xứ sương mù từ thời Khai sáng [37]
khẳng quyết dịu dàng…
Và đây chính là lúc lý thuyết về sai lầm
đưa ra những tuyên bố táo bạo bất ngờ nhất
rằng sai lầm xảy ra với các hệ sinh vật bất kỳ nơi chốn nao
rằng lầm lỗi là một đặc điểm sinh học rất chi là phổ quát
– David Oderberg giáo sư triết
cũng xứ mù sương giờ còn thống khoái la to [38]…
Vậy nên ba cái vụ ruồi bu đúng ra là san hô bu
tranh chấp lãnh hải í mà
giữa các quốc gia liền biển cận đảo
cánh ta nghỉ khỏe khỏi cần xét xử tùm lum ngốn tiền dân đóng thuế
– Các đấng bậc tám với nhau ngoài hành lang rặt những quan tòa mũ xanh mũ đỏ sau lưng dăm trự đại diện các cường quốc bành trướng chuyên nghề…
3.12 HẢI ĐỒ TỔ QUỐC
Thức mãi đêm dày không chợp mắt
năm canh tâm sự những mơ mòng
dư đồ Tổ quốc ôi tha thiết
cả nghìn năm dài một bể đông
quần đảo chiều hôm mây phủ trắng
bâng khuâng thương tiếc một thời xuân
bảy mươi tư tuổi nghìn tâm sự
“Thiên hạ hà nhân bất thức quân” [39]
nghìn dặm núi sông vốn nước nhà
cả nghìn năm lẻ một ông cha
cả nghìn năm lẻ chung hồn biển
biết mấy thương yêu mấy đậm đà
nhìn mãi hải đồ mà thổn thức
mà thêm căm giận lúc tâm tàn
phen này dù chết ta cam chết
thề vững vuông tròn đảo giang san [40]
3.13 QUẦN ĐẢO HƯNG VONG
Quần-đảo-tráo-tên
Thất phu hữu trách
Nhỏ mà có võ
liên văn bản này
quan dân sáng tỏ
dẫn link khỏi cần
3.14 BIỂN ĐÔNG [41] PHONG THỦY
Tây không nam cũng không
mà còn không cả bắc
ta biển gì đố biết
biết chịu liền tức khắc
đây đến đó
đó đến đây
nam và bắc
đông và tây
thôi mà
ngửa bàn tay
sấp bàn tay
trời và biển
lật và xoay
mấy chiều [42]
Về phương diện địa chính trị
viễn kiến lý tưởng trùng khơi
chỉ đạo từ cao từ xa
chính danh thuở vừa sinh ra
hội nghị trọng yếu đệ nhất
đổi ngay tên đặng xứng tầm
biển lớn biển cả đại dương
đảng-cộng-sản-(của)-biển-đông [43]
Ngẫm suy chun chút về từ nguyên
tiếng tây tiếng u bị biêng biêng
thua xa tiếng ta khi muốn gọi
tên bán đảo [44] bự hàng thứ ba
mà giang san ta được Ông Tạo
cấp cho sổ đỏ kèm hộ khẩu
sống chung cùng 5 nước láng giềng [45]
Mặc xác hai nước khủng ép hai bên
bán đảo lục quốc cứ việc xướng tên
hơi hướng đại dương chuẩn mà phóng khoáng
Liên hợp quốc đâu nhập cuộc ngay liền
Trả lại tên biển cho Bán-đảo-bị-lẫn-tên
cái đồ tiếng tây tiếng u rõ thật vô duyên
đây này
Bán đảo
phía-đông-đại-dương
hãy như vầy dịch chuẩn
East Sea
Mer de l’Est [46]
Cuối cùng
còn biển
còn trời
gần gũi là sóng
xa vời là mây [47]
3.15 ĐIỆP KHÚC
Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?
Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần giữ biển? [48]
CHƯƠNG 4
HẢI LÝ
4.1 BỔ SUNG MINI TẬP ĐẠI THÀNH [49] BIỂN CẢ ĐẤT NƯỚC
… Bờ biển
Duyên hải Biển Bãi biển Điểm xuất phát Phương hướng Đảo Quần đảo Hoa tiêu Phao tiêu Phù tiêu Hải đăng Đèn hiệu Hàng hải Hải trình Bình minh đầu tiên Hải ngoại huyết thư [50] Hải chiến Nước Chài lưới Dân chài Ngư dân biển Đánh bắt cá Thuyền buồm
Đi khơi Đi lộng Ra khơi vào lộng Vươn khơi bám biển Nuôi ngọc trai Vĩ độ Vượt biển Sóng bạc đầu Con tàu say [51] Hải tặc Tâm bão Thủy triều Đại dương Hải hà Biển người Bể khổ Bể học không bờ bến Kim chỉ nam Kinh độ Hải đồ Hải tần phòng thủ Hải phòng Hải an Trời Mây Hải lý Sóng Gió Sức gió Trùng dương Tứ hải giai huynh đệ Từ điển hán ngữ từ hải, Vận tải đường biển [52] Tàu Thủy thủ Thuyền trưởng Chuông tàu Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể để mặn lòng những kẻ muốn vô tư [53]
Muối bỏ bể Thuyền nan Quốc gia biển Quốc gia quần đảo Quốc gia đảo Quốc gia ven biển Hải quan Hải phận quốc tế Độ mặn Sương mù Đá ngầm Eo biển Cát Chân trời Vĩ tuyến Khoảng cách an toàn Núi Boong tàu Thủy thủ phụ Trưởng boong Thợ đóng tàu Còi báo hiệu Lướt sóng Bơi lội Du lịch biển Tắm biển Chân vịt bơi Từ trường khu vực Nàng tiên cá Thủy thần Tình thủy thủ Thệ hải minh sơn Chuyện con thuyền và biển từ ngày nào chẳng biết thuyền nghe lời biển khơi cánh hải âu sóng biếc đưa thuyền đi muôn nơi lòng thuyền nhiều khát vọng và tình biển bao la thuyền đi hoài không mỏi biển vẫn xa còn xa chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió [54] Lâu đài trên cát San hô Bến cảng Cập cảng Logistics Địa chính ngành hậu cần thế giới Cước biển Tàu biển cập bến Cảng dỡ hàng Tàu chợ Tàu chuyến Lan can tàu Đại lý hãng tàu biển Số chuyến tàu Hãng tàu Ngày khởi hành Quá tải Thời gian dự kiến tàu đến Tàu không cập cảng Nhỡ tàu Hàng hải dân sự Buồm Cánh buồm trắng Neo Mái chèo Hải âu Mộ gió Hải đội Khai thác hải sản Đồn trú Bán đảo Đáy biển Dòng chảy Định vị Sương mù La bàn Mất tích Cồn cát Nước biển Tọa độ Vận tốc Cửa sông Cảng sông Tàu buôn quốc tế Containers Vùng trời và vùng biển Huyện đảo Bạch Long Vĩ Vô thủy Hải bào Phù thủy châu Cáp biển Thuyền nhân [55] Vượt biển trái phép Vượt biên bằng thuyền Đêm chôn dầu vượt biển anh chôn chôn mối tình chúng mình [56] Mua bãi Đi lậu Đi bán chính thức Đi chính thức 12 lạng vàng mỗi đầu người Chết máy Đi lạc Hải tặc thái cướp hãm hiếp quăng xuống biển Chết vì đói khát bệnh tật Ăn thịt người Trại tị nạn Trại tạm cư Tàu cứu vớt Cap anamur Ile de lumière Thanh lọc Nước thứ ba Định cư Bia tưởng niệm Nếu đi hết biển [57] Kinh tuyến Buồng chỉ huy Lãnh hải Hải phận Thực thể địa lý Đảo san hô Rạn đá Ám tiêu San hô rạn San hô vòng rạn Vòng rạn Đá san hô Vòng bãi cát ngầm Bãi cạn Bãi ngầm Túi nước ngọt ngầm Núi lửa Eo biển Động đất Sóng thần Thợ lặn biển Áo phao Hải vực Hải khẩu Cảng tiếp dầu Cảng quốc tế Cảng nước sâu Cảng thuyên chuyển Cảng trung chuyển container quốc tế nước sâu Cụm cảng Tuyến hàng hải Đáy vịnh Trục kéo hoa tiêu Mũi tàu Buồng lái Chệch hướng Sai đường Sóng ngầm Mặt biển Vũng biển Lòng biển Thủy phủ Cáp dưới biển Cù lao Tốc độ an toàn Trực cứu hộ Mũi đất Vịnh Con nước Đợt sóng Nước cao Nước rút Nước lớn Nước ròng Nước kém Âu thuyền Lồng bè nuôi thủy sản Chim bói cá [58] Sinh học biển Địa vật lý biển Hải văn Nguồn tài nguyên sinh vật Hải sản Cá Tôm Hàu Rong biển Hải sâm Hải yến Hải ly Sao biển Chim biển Mòng biển Bào ngư Hải cẩu Cá ngựa Hải mã Ngựa biển [59] Cá heo Cá voi Cá mập Cá mú Cá trích Tảo cát Ốc biển Thiên tai Miền biển nhiệt đới Nước biển dâng Những cơn bão giáp thìn 1904 1964 và nay 2024 Yagi [60] là siêu bão mạnh nhất châu á trong năm này và mạnh nhất trên biển đông trong 30 năm qua nó được hình thành vào ngày 30/8 cách tây bắc palau là đảo quốc cách phi luật tân tầm 500 dặm về phía đông nên phi là quốc gia đầu tiên bão quét qua gây thiệt hại cơ sở hạ tầng 4 triệu đô mẽo bão yagi này có thể đã là cơn bão sống dai gây thiệt hại nhất ở mạn đông nam nước bển và toàn vùng đông nam á ta mà vấn đề là ở chỗ nó đã dám cả gan đổ bộ vô nước nam ta vào tầm 2 giờ trưa ngày 7/9 tại đất mỏ anh hùng quảng ninh với sức gió mạnh cấp 14 giật 17 để rồi gầm rú rông suốt dọc đồng bằng bắc bộ có hàng nghìn năm văn vật kinh kỳ phố hiến leo tới đỉnh trời lào cai địa đầu phương bắc của tổ quốc thân thương Bão số 3 Hoàn lưu bão Lũ quét Lũ ống Sạt lở Nhất thủy nhì hỏa Cuồng phong quần thảo Đường bão di chuyển Áp thấp nhiệt đới Núi con voi cuốn cả làng nủ làm chết 55 người 13 người mất tích Thủy điện thác bà ngàn cân treo sợi tóc trong 38 năm chưa từng có Dự lệnh phá đập thác bà Hạ du thác bà chìm trong ngập lụt chưa từng thấy trong hơn nửa thế kỷ qua 115 người dân kho vàng chạy lên núi trong đêm Biển nước Sơ tán Tàu bị nạn Xuồng cơ động Tâm bão quét qua vân đồn sức gió 149km/h giật cấp 14 sóng cao 6 mét Làng nủ Cầu phong châu Mất tích trở về Nghi mất tích Cập nhật ngày 13/9 tỉnh thiệt hại nặng nhất về người là lào cai với 172 người 111 người chết 61 mất tích yên bái 55 người chết và mất tích cao bằng 52 quảng ninh 25 phú thọ 11 đất mẹ bị mấp mé nước sông quê cha hình như không sao Sông thao nước đục người đen ai lên phố ẻn lũ tràn đường lui [61] hòa bình 7 tuyên quang 5 lạng sơn 3 hải phòng 2 bắc giang 2 hà giang 2 vĩnh phúc 2 thái nguyên 2 hải dương 1 hà nội mến yêu của ta thủ đô mến yêu của ta [62]1 lai châu 1 sơn la 1 và danh sách tử thần này tạm chấm dứt ở thanh hóa quê vua đất chúa 1 nhân mạng mô phật ạ lạy chúa tôi Chiến dịch chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ tuoitreonline Quỹ hy vọng cùng đồng bào vượt lũ vnexpress Gói bánh chưng bánh tét xuyên đêm gửi vùng bão lũ Sửa chữa miễn phí cho xe máy ngập nước Miếng khi đói gói khi no Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng Tính mạng con người là trên hết trước hết Ở đâu có khó khăn hiểm nguy ở đó có bộ đội [63] Khoảng 700.000 người cùng 9.000 phương tiện được huy động ứng phó Thủ tướng chống gậy lội ra nơi đang tìm kiếm nạn nhân mất tích vì lũ quét ở làng nủ Ngày đầu tháng 10 cán bộ chiến sĩ lữ đoàn đặc công hải quân 126 đã cùng các lực lượng tỉnh phú thọ tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích sau sự cố sập cầu phong châu Giải thưởng văn học đông nam á xuất sắc nhất năm do bển lập ra 20 năm nay ngày 14/9 đã vinh danh nữ văn sĩ tài danh hạng nhất nước nam ta [64]với truyện ngắn những biển nói về những suy nghĩ của một người phụ nữ mòn mỏi chờ chồng đi biển bị mất tích Ngày 16/9 bắt đầu tái thiết làng nủ phải xong trước ngày 31/12 Thủ tướng đốc thúc sớm xây cầu phong châu mới Ngày 21/9 bài của Thủ tướng nhấn mạnh yagi là cơn bão mạnh nhất trên đất liền nước nam ta trong 70 năm qua có phạm vi ảnh hưởng rất lớn trải dài 26 tỉnh thành phố toàn bộ miền bắc và thanh hóa chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước Mô phật ạ bão này đã khiến 337 người chết và mất tích cùng 1.929 người bị thương Lạy chúa tôi sơ bộ thiệt hại tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 61.000 tỷ đồng [65] tức là 2.479.174,20 đô mẽo dẫn đến gdp cả nước năm nay có thể giảm 0,15% Mô phật ạ bão số 3 kéo theo xả lũ thượng nguồn một số con sông lớn gây mưa lớn kéo dài ngập lụt lũ ống lũ quét sạt lở đất nghiêm trọng hiện nay vẫn nhiều nơi còn ngập lụt hoặc có nguy cơ cao khiến thiệt hại có thể nặng nề hơn Lạy chúa tôi Cơn bão tạnh lâu rồi và cơn bão lòng ta thổi mãi [66] Nhớ lại bão linda cơn bão số 5 đổ bộ vào nam bộ ngày 2 tháng 11 năm 1997 gây tang thương mất mát vô cùng kinh khiếp nhất là miền tây nam bộ đã lấy đi 3.111 sinh mạng và tổng thiệt hại vật chất là 385 triệu đô mẽo Trời biển ơi [67] Lạy chúa tôi Mô phật ạ Biển nhiều mà để làm gì [68] Biển cả Công ước genève 1958 về biển cả Chế độ tự do biển cả Tự do hàng hải Đường hàng hải Tự do hàng không Tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm Tự do xây dựng đảo nhân tạo và các thiết bị khác được pháp luật cho phép Tự do đánh bắt hải sản Tự do nghiên cứu khoa học Địa vị pháp lý bình đẳng Quyền tài phán tàu thuyền vùng biển cả Quốc gia ven biển Nguyên tắc luật quốc kỳ Biển công Biển mở Biển quốc tế Biển tự do Vùng nước lịch sử Phong tỏa biển Tàu lạ Vòi rồng Cắt phao Cắt cáp Bản đồ chín đoạn Giàn khoan [69] Vùng tranh chấp Vùng chồng lấn Thềm lục địa Dầu khí Vùng đặc quyền kinh tế Phân định lãnh hải Nội thủy Hải giới Đường cơ sở Đường cơ sở thông thường Đường cơ sở thẳng Đảo nhân tạo Chủ quyền Quyền chủ quyền Quyền tài phán Tranh chấp chủ quyền An ninh hàng hải Công ước liên hợp quốc về luật biển unclos 1982 [70] Đường chín đoạn Đường lưỡi bò Đường chữ U Đường chín khúc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển đông DOC Tuyên bố 6 điểm của asean về biển đông Bộ quy tắc ứng xử trên biển đông COC giữa asean và bển Hải quân Quân cảng Hải đảo tiền đồn Đường hồ chí minh trên biển Con tàu không số Vận tải chiến lược quân sự trên biển Sự kiện vịnh bắc bộ Hạm đội 7 Bộ tư lệnh hải quân Đô đốc Chuẩn đô đốc Phó đô đốc Tàu mặt nước Soái hạm Khu trục hạm Thiết giáp hạm hộ Tống hạm Tuần dương hạm Tàu khu trục Tàu phóng lôi Thủy lôi Bom từ trường Tiềm thủy đĩnh Hàng không mẫu hạm pháo Hạm tàu đệm khí Tàu ngầm Tàu chống ngầm Tên lửa Pháo bờ biển Tàu há mồm Tàu đổ bộ Tàu hộ vệ tên Tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh Tàu hải cảnh Hải giám Hải tuần Tàu chấp pháp Máy bay tuần thám biển Tàu kiểm ngư Tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân Binh chủng thuộc hải quân Hải quân hạm nổi Hải quân tàu ngầm Không lực hải quân Đặc công nước Đặc công người nhái Máy lặn hở đồng bộ Thủy quân lục chiến Người nhái Biệt hải Hải kích Biệt kích hải quân Radar phòng hải Cảnh sát biển Ngoại giao pháo thuyền Thương hải tang điền Trái đất trái nước Sơn tinh thủy tinh Độ sâu của biển Độ cao đất liền…
Đất liền [71]…
… Tổ quốc ơi trăm sóng đẩy xa bờ
sóng sóng sóng và trùng dương mặn chát
mỗi con sóng đau thương trên bể loài người
sáng dậy chào vầng dương trồi lên trên sóng mỗi ngày
đêm mê nhìn ánh lửa trên đảo xa nhấp nháy
tắt
sáng
giữa muôn trùng
nhân loại đấy
bể đau thương sâu thẳm bể oai hùng
bể lặng im nuôi dông bão bất thần
hưng vong thế vẫn mỗi ngày hồi phục
bể nghìn đời mà mãi mãi thanh tân… [72]
… Quê hương em nghèo lắm ai ơi
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
trời rằng
trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi
khiến đau thương thấm tràn
lấp thuận an để lan biển khơi
ơi hò ơi hò [73]…
… Nhưng
khi đau khổ tận cùng căm giận tột cùng vì lòng
nhân ái bị hủy hoại, thói ích kỷ đố kỵ được vỗ
về nuôi dưỡng không may tôi nhìn thấu rõ trong
cuộc đời trắng đen này, lúc ấy tôi khẩn cấp đi
về phía biển, biển sẽ phục sinh tôi, ở đó ta sẽ
nghe lòng lắng lại trước rong rêu, trước những
con tàu, những cánh hải âu sải cánh phía chân
trời, ở đó ta với biển hòa quyện trong nhau.
Ta đã biển [74]…
… Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì [75]…
… Người phụ nữ làng chài
sải tay ra đảo nổi
há miệng ngậm mặt trời [76]…
… Người gọi cơn trầm cảm chiều nay của biển
là phút biển thiền trước ta
những giấc mơ không giương nổi cánh buồm
lang thang trên cát
từng giấc mơ ướm vết thời gian hằn trên mũi sóng
mặc ngày hóa cát những vì sao
nơi những người đàn bà đứng ngóng trước biển khơi
mãi mà không hóa đá
những cơn bão ném lên bờ mộ cát
con thuyền đi từng mảnh đã quay về
đói nghèo vun đống dưới lưng còng
những đứa trẻ bán rong tuổi thơ lang thang trên cát
nghe như ai vừa rao cả ta trong mớ hà mớ tép
chiều bọt bèo
đảo nằm như một dấu chấm dài
buông đất liền lơ lửng
vai tuổi hai mươi nổi chìm mặt biển
lịch sử trằn trên sóng phía chân mây [77]…
… Quần đảo đây là của chúng ta
biển cả đây là của chúng ta
những đảo đá ngút mắt
những rặng cây xanh ngắt
những lạch nước màu đậm thịt da
biển chúng ta
biển những người chưa bao giờ khuất
đêm đêm rầm rì trong tiếng gió
những buổi ngày xưa vọng nói về
ôi những chiến hạm đâu chảy máu
đạn xâm lăng đâm nát thủy triều
những đêm dài hải trình nung nấu
bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
từ những năm đau thương giữ đảo
đã ngời lên nét mặt đất liền
từ bãi rạn san hô thầm lặng
đã bật lên những tiếng căm hờn
sóng trào tung trời giận dữ
lòng đau tức nước vỡ bờ
Quần-đảo-tráo-tên từ đó
rũ bùn đứng dậy sáng lòa… [78]
… Cả miền bắc oằn mình chống bão
tiếng đồng bào tha thiết trung – nam
đậm đà tình nghĩa ngàn năm
bát cơm sẻ nửa tấm chăn đắp cùng
bão đi qua tình người ở lại
nước nam ta con lạc cháu hồng [79]
ba miền sông nước mênh mông
một Tổ quốc một biển đông ba miền
dẫu vạn dặm nhất sơn nhì hải
phi thủy thì bất ổn quốc gia
đất nào cũng hướng biển kề
địa phương nào cũng nhớ về hải dương [80]…
… Ngậm ngùi hỏi biển trầm ngâm
bao giờ mai một
thưa rằng
một mai [81]…
… Hiện hữu sẽ bừng sinh sau ngôn thuyết nhiệm mầu [82]…
4.2 LẦN CHÓT THÁNG TƯ
Đã tự găm lời nguyền
lẩu lầu lâu rồi đấy
dăm chục năm trước đây
cấm chỉ
viết mượn tiếng ăn theo
Ngày Chót Tháng Tư Nâu
Tháng Tư nay phá một lần
lệ làm văn thắng lệ làng phép vua
hoa vàng hết đợi ghế xưa
nào đơm hoa tím cho vừa thế nhân
Hành tọa thiền xếp bằng mỗi sớm
tay bấm tay hơi thở vòng quay
lại xếp bằng giã từ ngày
mắt khép tâm mở điện ngời châu thân
bờ và biển mỗi nơi đau đáu
một nguyện cầu ngày mới đong đầy
Phật đà trăm mắt ngàn tay
hai quần đảo ấy cậy Ngài giám cho
biển hải lý bờ kilômét
chuyện nước non nghìn năm chữ S
địa duyên nào sánh thiên duyên
thời nhân duyên hỡi nào nên nỗi gì
Thường niên huyện biển khao lề thế lính
buồn vui đúng đạo nhà
đạo yêu (Tổ quốc trọng đồng bào)
đạo thơ (trường ca vật vã
toát mồ hôi lưng
xông mồ hôi má)
dặm trường chân nóng hồi hương
lê về đất lạnh đoạn cùng dung thân
Trường-ca-ca [83] rằng
nửa thế kỷ một quần đảo bị tháo tên tức tưởi
Giăng hàng thẳng lối
dàn bài ý tứ câu từ
mơi mở như thân nồng vợ trẻ ngóng chồng chiến trận
nối dõi mụ con chờ
Chạy trời không khỏi nắng đâu
một đầu tằm trăm dâu đổ
ngày này mỗi năm sinh sự
Tháng Tư à có em có em
tháng Giêng chi binh huynh đệ
góp nên giông tố lớn đây
một trận tiền Ngày Mười Chín
vàng cát quần đảo thất cơ
thu linh [84] không một bóng cờ
Bến kia thành phố pháo hoa
đêm nay ba lần bốn lượt
Quần đảo đây luống hận hờn
gái non hải tặc phỉ phui cưỡng liền
từ đây người biết thương người [85]
từ đây người biết thương người hay chưa
hỡi chàng lính chiến năm xưa
bờ lau nón sắt bây giờ nơi đâu [86]
Tháng Tư Gõ Cửa [87] mưa ngâu
tháng Năm vồi vội tình đầu thế a
Mạ ơi nhất thống sơn hà
tiếng kêu con cuốc còn về quả tim
mũ tai bèo bớt nghiêng nghiêng
nghe lăn tăn những tiếng chim xuống lòng [88]
Đáng nhẽ còn quất thêm được vài đoạn trường lâm ly nhân tháng Tư nâu thì báo mạng giăng bài Ông Già Và Biển Cả [89] (cái biển mà ổng tung hoành nức danh trai trẻ đảo lớn đảo bé tráo tên nhau hoài hoài) răn dạy đám đệ cần biết kiểm kê sự viết cái lách (không phải nách đang toát mồ hôi hột đâu ôi mệt nhọc trường ca với cả trường cốc)
Rằng
không bao giờ viết quá nhiều một lúc
nhá
chớ ngu lâu tự khiến mình bị quá tải
à nha
hãy dành lại làm bài vở hôm sau
chút chút
Còn nữa
sáng tác văn chương đòi tính khí nhà buôn
cân đo đếm đong đủ lượng nhất định sau mỗi buổi
hoặc hai ngày một bận
nhưng chớ quên khi các đệ nghĩ câu chuyện đang tiến hành suôn sẻ thì xì-tốp ngay và luôn
Dạ dạ đa tạ
lạy đại sư huynh
(ý là he he lạy lẹ sư huynh một cái cho xong)
đệ dọt
vừa dọt vừa khóc
Khóc rằng
thân gái đảo xa bị bắt cóc
hằng năm mong ngóng hoài cố quốc
từ độ đại hàn tới hạ chí
cát vàng máu đỏ ôi thê thiết
nhớ em xưa
trên 30 đảo san hô cồn cát ám tiêu rạn san hô trong đó có nhiều ám tiêu san hô vòng hay còn gọi là rạn vòng và ngầm bãi [90]
than ôi
một phút sa cơ
ra đảo thiên cổ
khốn khổ thân em
đíu mẹ cha nó… [91]
Trường ca này không thể không viết! [92]
4.3 CŨNG SẼ CHÌM TRÔI [93]
(Hay là CHUYỆN VÃN CÙNG LIỀN ANH VĂN NGHỆ BOAT PEOPLE [94] ĐỢT CUỐI)
… Buồn vãn chuyện lỡ dở
chuyến hải trình ngàn xa
[với đàn anh thi phú
gốc Quảng (Ninh không là
Nam hay Bình
Trị
Ngãi
năm tỉnh biển đó mà)
thuyền trưởng tuổi đôi mươi
boat people khóa cuối
bác hay bảo trường đời
tớ nên người thế giới]…
… Thế hở nghe đây thằng chú
lần đầu biển lớn chớ đùa
sức ấy tuổi này dân phố
sóng say quất ngay cu đơ
trường-ca-ca á anh hiểu
chỉ cần ra tới đảo tỏi [95]
còn đầy vết tích núi lửa
thi hứng trùng khơi phát hỏa
… đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh
cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
mắt chúng tôi trùm khắp đảo-bị-tráo-tên [96]…
đấy thơ anh vừa đăng báo
hóng nhìn 200 hải lý
quần-đảo-tráo-tên của chú
cũng thành chuyện sầu thế kỷ
nhật nguyệt í a [97] ngoài biển
ta ngồi ối a đất liền
một thời í a trong veo
khiến đảo ối a bị cướp
từ cù lao nhiều cây ré
tới đó gần hơn 30
hải lý nếu mà so với
từ đảo cực nam bờ bển
chỉ nội thế thôi cũng đủ
trường ca chú em thảm thê
hậu hiện đại gì cũng phải
nhớ lời xưa các cụ phê
cát vàng trời bể mênh mông
người đi thì có mà không thấy về
vàng cát mây nước bốn bề
tháng Hai khao lề thế lính đảo xa [98]
4.4
… Lúc ấy đất liền là lưng người bơi trước [99]…
4.5
… Tôi làm ra bài ca
tự mình tôi hát
tôi một mình lặng lẽ
bước tới trùng khơi [100]…
4.6
… Tôi ngửi thấy mùi vị của nước, mùi của muối, mùi của cái chết lẫn giữa sự sống. Nước rửa sạch tôi, làm tôi được sinh ra trở lại, nâng tôi lên và cuối cùng dìm tôi xuống mãi. Giờ đây ý tưởng của tôi đầy nước muối mặn, đầy sự chết, đầy ý nghĩa của sự chết, mắt tôi mờ đi. Tôi nhận ra rằng nước biển chính là những giọt lệ của mẹ tôi, tích tụ qua hàng ngàn năm, của những người phụ nữ mất con trên thế gian này [101]…
4.7 BÓNG ĐẢO
chia xa rồi ôi mới thấy đau
sau một thời ta mất đảo
tàu về trắng trời cong biển nhớ
mưa mấy mùa
mây mấy màu tang
đảo mất hàng bàng vuông đi vắng
ta vẫn đây mà ta ở đâu
chiều sóng trôi
bóng đảo động chân trời [102]
4.8 BÀI NGỢI CA TÌNH ĐẢO
Tôi chờ đợi
lớn lên cùng dông bão
hôm nay Quần-đảo khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
hải mã buồn
lửa trốn con ngươi
đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những hải cảng những thủy triều sóng nhọn
những biệt li rạn nứt đại dương
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng
tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn Tổ quốc
nhìn Đảo mất miệng uống tro than
nghe tiếng ca của một người không quen
của cuộc đời tình nhân
tôi chờ đợi
một Đảo không
nhiều Đảo
ở vũng vịnh thiếu thốn
ở làng biển đọa đày
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những Đảo bị cướp đi hẹn trở về
những Đảo mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Biển Đông hỡi mai Biển Đông [103]
4.9 PHÚNG DỤ HAIKU BIỂN ĐÔNG
Này các thân phận nước nam
vous [104] đeo chuỗi quần-đảo mà tụng niệm
nom rất giống thích ca bổn sư [105]
4.10 CÂU ĐỐI DÁN Ở NHÀ CÁC CỰU CHIẾN BINH NGHỀ NÔNG TRONG 2 TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (19/1/1974) – TRƯỜNG SA (14/3/1988)
Tháng Mười lúa cười trên ruộng [106]
Quanh năm đảo khóc ngoài khơi
4.11 TẤM CÁM BIỂN ĐÔNG
Đảo ơi đảo lọt lưỡi bò [107]
bò liếm bò chiếm chứ bò không buông [108]
4.12 ĐẾN BIỂN ĐẢO BẰNG SINH THỰC KHÍ
Biển mình chả biết ai hay
biển người hô biến ra ngay lưỡi bò [109]
*
Đảo mất không lo lo biển sóng cồn [110]
*
Bòi lắm lông mà đòi đóng khố lượt [111]
Biển nhiều đảo lại đi dựa gian hùng
*
Quần đảo trăm gác ngàn canh
thế thời bố láo bỗng thành trắng tay
quần đảo trăm giữ ngàn nâng
hốt nhiên tên bị tráo liền ô hô [112]
*
Biển khôn biển cậy trùng khơi
đảo khôn đảo đậu cận nơi đất liền [113]
*
Láng giềng bất nghĩa chi tồn
bển cướp quần đảo bển dồn đại dương [114]
4.13 SÚNG VÀ HUYỄN TƯỞNG THI SĨ
Nào thử Vén Áo Nàng Thơ [115]
… Ba thu hoạch thơ về súng
và một kết ngay & luôn
dịp Ngày Chót Tháng Tư Nâu
Một
“Người nô lệ bỏ trốn đến nhà tôi và dừng chân ngoài cửa (…)
và tôi (…) mang nước đến đổ đầy bồn tắm cho thân thể mồ hôi và đôi chân thâm tím của anh (…)
cho anh một phòng nối liền với phòng mình và cho anh quần áo thô sạch sẽ (…)
anh ở với tôi một tuần trước khi hồi phục và đi lên phía bắc
tôi mời anh đến bên bàn ngồi cạnh khẩu súng của tôi trong góc ngả dài” [116]
Hai
“Những khẩu súng dắt trong túi
đang nói chuyện với nhau
miệng súng dường im lặng
tịnh khẩu trước khi ồn
vậy là cùng mặc cả
trên trăm triệu cái đầu
trên chục trăm cái ghế
cái nào cũng nhăm nhăm
tiễn và nhận chủ mới
những khẩu súng ngã giá
đang lận ở trong người
nhưng từ lâu đã ẩn
ở trong đầu óc rồi” [117]
Ba
“Hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
một kẻ nằm
kẻ đứng
xót xa không?”
(Đêm Cuối Năm Viết Cho Má) [118]
Từ đó dễ dàng suy ra
phải đâu đã là hoang tưởng
khi có thi sĩ hạng trung
quyết đoán như đanh đóng cột
“nếu được thực sự là một
nhà thơ thì tôi làm rồi
ngăn cản cái cuộc chiến ấy”
chương hồi 1.4 tỏ lời
thôi xong một tứ đoạn luận
PS thêm ý cuối này
nhà-thơ-thực-sự cực hiếm
thế gian uýnh lộn đêm ngày
quần-đảo-tráo-tên bằng chứng
Vén Áo Nàng Thơ thế đã
bản thảo đây còn lai rai…
4.14 NGOẠI LỆ QUẦN ĐẢO
… “Sau Auschwitz
không còn có thể làm những bài thơ nữa
sau Auschwitz viết một bài thơ là điều dã man” [119]…
… Sau bão Yagi
sao có thể thảo những bản trường ca bão gió sông nước đất bắc
như trước
sau bão Yagi viết một bản trường ca biển đông vịnh bắc như xưa
là vô tâm…
Vâng và đang là trường ca hai vùng quần đảo
cái còn không nguyên vẹn
cái mất thật đớn đau…
4.15 NỬA ĐỜI NHÌN LẠI TRƯỜNG CA
… Kiểm kê
cây nhà lá vườn thơ trồng được
trường ca và thơ dài
hai khóm chung một gốc
là thể loại thể tài
35 năm
tuyết chảy qua cầu
huyết đổ lên đầu
(ý là chỉ khi ra hải ngoại biển ngoài mòi trường-ca-ca mới trổ)
hiền thê dẫu hiền thục
ta thán nghe đã phát nhọc nói chi đến đọc (thực ra vỡn đọc như là độc giả số 1 thế mí là hiền thực)
bạn vàng phê bình gia thượng thặng
kiêm đệ nhất em-xi [120] tóc dài chuyện tài nói dai nay thì cả râu cũng dài túm lại gi gỉ gì gi cái gì cũng dài cũng dai trong dịp ra mắt sách Lòng Hải Lý tuyển sáu trường ca (thực ra bốn viết vậy cho hiệp vần au áu àu) đã càu nhàu làu bàu nghe mà đau một câu sỏi đá rằng viết thì dài in thành cục khác chi liệng chuỗi đá vô mắt người coi
kệ đây biết thừa
ngắn và dài nhớn cùng bé
cả thảy sắp 27 cái
trường ca và thơ dài
(thật ra chuẩn là 25
nống lên 27 cho ăn vần vèo)
cứ độ khách quan mà xét
và phán theo mức khiêm cung
cũng tầm dự thi kỷ lục
văn đàn thơ phú nước nhà
ít nhất khoản số lượng tít
hay dở ư ấy chuyện khác
đây quăng đống chữ đè người
cha con nhà nào không ngất
thân này nát bằng con rươi…
… Tiện thể PR [121] dù trễ
điều ai mà chả biết rồi
từ 5-6 năm về trước
Phồn Sinh (trên kia đã nhắc)
là bản trường ca kỳ vĩ
duy nhất tít tận tới nay
trên nền văn chương đương đại
khỏi cần đọc mó rụt tay
lười thì gúc-gồ quất phát
vài con số nhòm sốt rét
12 năm giời giương bút
150 chương hồi
đếm chữ ăn tiền mới khiếp
136370
13 ngàn đơn vị câu
sách dày 700 trang giấy [122]
ném chó chết không đợi ngáp
riêng miếng thi pháp đã kỳ
thêm mảng nội dung lại vĩ
khoản tư duy ôi thôi rồi
biện biệt độc nhất vô nhị
dọc ngang áng tầm thế kỷ
trời đã sinh ra quiên rồi
sao còn sinh thêm khyếu nữa [123]
gato [124] mình văn nghệ sĩ
chú giỏi chấp anh làm chi…
… Trở lại với Lòng Hải Lý
13 năm đà đã trôi
người viết nhân đây tự thấy
trường ca thuở ấy nhiều lòng
chớ chửa bao nhiêu hải lý
công nhận hơi liều mình
đề từ thơ sếp lớn
sống như những con tàu
phải lòng muôn hải lý
mỗi ngày bỏ sau lưng
nghìn hải cảng mưa buồn [125]
còn nhất niên nữa thất thập
thời này hết cổ lai hy
trường-ca-ca vẫn ngó lại
cái kẻ hèn dám chường ra
(có bạn giễu chán-chường-ca)
cảm ơn Quần-đảo-tráo-tên
đa tạ tri ân lắm ạ…
4.16 ĐẤT BIỂN ĐẢO TÁM CHUYỆN
… Bữa đó
biển lặng đảo yên
an bình đất nước
Mẹ Đất liền
tám chuyện cùng trai Đảo gái Biển
hai đứa con xa…
Đất liền trà lá vối nhẩn nha
… ở gần hơn các con
càng thấy Người là loài đa đoan đa tình đa sự
mẹ thường nghe họ bảo
giữa Người với Người trong mọi mối quan hệ
nâng cấp cao
bang giao quốc gia
tình bạn là tốt nhất và sẽ luôn như vậy [126]…
Biển hết im lìm đáp tức thì
dạ gái cưng của mommy [127] nhất trí dễ như ăn cơm sườn (dân nam người nước nam ưa nói thế cậu Đảo nha)
nhưng con thấy điều đó đúng
nếu như
không có biển đảo xen vô giữa các quốc gia mẹ ạ
Đảo tỏ vẻ tâm tư hắng giọng thủng thẳng cụ non
honey [128]
ngẫm ra tình mẫu tử mới là quan hệ luôn tốt nhất giữa bọn Người (ví như tình nghĩa đất liền biển đảo nhà mình í mà mom)
Đảo đây nhất trí cao cùng chị Biển
đúng là nếu không có biển đảo xen vào giữa các nước láng giềng quan hệ dễ trường tồn hòa thuận
Đảo xin đố ngược chị và cả mẹ nữa câu này
“biển đảo” xen phá hai Người trong tình mẫu tử ấy là ai
Chị Biển cả cười chồm sóng gió lên Đảo em vuốt yêu
cưng thiệt tình
trứng đòi khôn hơn vịt (mấy bà mấy chị người bắc nước nam ưa phán vậy hổng phải chị đâu nhé)
mommy dạy bảo đi cho em con nó thủng vấn đề
Mẹ Đất liền bèn động tí đất rung rinh nhè nhẹ thêm vui
rồi bỏm bẻm như những Người nhai trầu thủ thỉ
lâu không gần gũi hai con yêu
lỗi tại mẹ trăm đàng
trong này thầy mẹ cùng các anh chị em lu bu tít mù ta bà thế sự
này các con
rỗi rãi nhớ xem cái gọi là trường-ca-thời-sự
cứ như một thể tài đầu tiên xuất hiện trong ngàn vạn trường ca
nghe nói Người ta sắp sửa thảy ra
nhòm đọc tên thôi đã rối tai hoa mắt
Quần-Đảo-Tráo-Tên đó đó gì gì
chả biết hay ho mua vui nổi không nửa trống canh tàn
dưng mà đáo để ra trò ôm đồm đa mang
mọi sự vật sự việc muốn tỏ mong tường cầu minh ước bạch
lại nghe có thiền sư nọ vốn người đạt đạo tại gia
phong nó như là gì nhỉ
à Toàn thư Biển đảo Thi sử ký [129]
hai con thương của ta trông thế thôi mà cũng được lên ngôi
chính chủ
đã là đề tài chính lại sắm vai chủ thể trữ tình
mừng các con xa nhà phương trưởng thăng hoa
sảy cha mẹ có chị có em ngoài đó
Đảo ạ câu đố ấy dễ như húp cháo
(tiếng tây tiếng u as easy as a pie)
trong tình mẫu tử loài Người
“biển đảo” xen giữa còn ai khác nữa
là nàng dâu ranh
là chàng rể quái
chứ không à
4.17 CUỘC HỘI NGỘ TRÊN MÊNH MÔNG GIỮA NGÀN KHƠI
Rồi từ cao xanh vang trầm ấm những lời
… và chúng ta luôn sát cánh
gìn giữ ngôi nhà mãi của mình
dưới thoải có uy vũ Thủy Thần
Sơn Thần hùng thiêng trên thượng
hai con nhớ mình không đơn độc
hai con nhớ chúng ta một nhà…
Mẹ Đất liền hôn gió lên trán Đảo trai xa
trộn suối tóc ngàn mây của mình trong gái Biển
rồi cánh tay và tấm ngực trần khoan thai
ôm lấy cha Trời
cuộc hội ngộ trên mênh mông giữa ngàn khơi
tiếng chim mừng ríu ran
màu bình minh ưng ửng
cả một dải đông nam trái đất trái nước phương trời
choàng khỏi cơn mơ
nhìn bốn hướng
thấy Mẹ Cha – Đất Trời và những Con Biển Đảo [130]
4.18 GIA VỊ BIỂN ĐẢO
Nàng lượm nhẹ
chiếc lá
nụ hôn mỏng nhỏ
vàng qua đêm trên thảm cỏ xanh sương
rồi trở lại
chậm
đặt lên bàn vườn (vâng vườn nhà nào ở đây cũng thường có bàn ôi những chiếc bàn gỗ không bao giờ cũ nhưng khó có thể mới hơn ở nhà này đó là nơi nói câu chuyện trăm năm sang nhà kia là chốn chia tay không hiếm nhà có bàn vườn trơ thớ gân độc thoại)
Thế là chiếc lá
làm vật lót ly cà phê sớm
cuối hè ở đây
cố quận giữa thu
Lòng nàng
thoắt trở thành hai bàn tay
tay phải của nàng (tất nhiên không lẽ của Chúa mà nàng từng hạ cái câu thơ buộc Ngài phẩy tay khiến chàng thích mãi)
tay trái thì là của chàng
hai bàn tay xoa vào nhau
các nhà ảo thuật sắp xếp xong xuôi mớ phụ tùng dụng cụ của mình
cũng thường như thế
để rồi những điều kỳ khôi (với con nít và với không ít người trưởng thành nhưng nàng và chàng đều cho là chuyện vớ vẩn dù họ vẫn còn nhi tính vì nếu trưởng thành đã chẳng là nhau vô điều kiện bất cam kết đến vậy)
như thế như thế
sân khấu tròn xoe giữa cuộc đời meo méo
hiện ra lần lượt
chim bồ câu thanh gương đồng bạc cắc
Nhưng
hôm nay là sự kiện
thơ nàng có hồn chàng hiện
dưới bản trường ca biển xa vời
hai quần đảo cái còn đó cái mất rồi
cái còn đâu được vẹn nguyên
Giêsu ma lạy Chúa tôi
Nàng
nữ sĩ
của chữ
của Chúa
của hải đảo quê nhà
của chàng những mùa thu
thu này và mấy độ thu xưa
một mùa thu có ba cây cổ thụ trĩu lá sắp rụng đổ dốc đường ra bến tàu với những ngày đầu bỏ xứ vừa đi nàng vừa kể nỗi đau xé nhất thời thể xác non tinh thần dại
một mùa thu nàng đẻ bản trường ca về ba người nữ làm nên cuộc đời bản thân khiến chàng cười mãi cho tới phút về trời khi nhận ra người nữ nào cũng hao hao như mình đến thế
một mùa thu
lá chưa vàng ta đã vội về thu
con đường sớm đậm chân người đưa tiễn
sân ga ngổn ngang những cái hôn một nửa
một nửa chết khô trong gió cuốn gọi mùa
rừng còn thu
trời còn thu
sao ta nỡ vậy [131]
(còn hai mùa thu nữa cùng ở tầm sự kiện và nàng bảo “em chả viết vào đây” [132])
Bỗng bên trái ghế
không biết Chúa hay Phật
đâu thể cả hai
cho rơi xuống
chiếc lá đỏ
nó
lá đỏ đó
cố xoắn lại
hoặc muốn xoăn đi
về dạng trái tim
(phương trình mô tả hình tim hay hình lá
biến tướng nhẹ nhàng của nhau
bài học cũ thêm lần này
nơi thanh thới kia chàng tha hồ thuộc lại)
Phải mất mấy trăm sát na
nàng mới có thể
điều hành
bàn tay phải
lúc này đã sẵn mang hình tim
quàng qua trái
nhẹ và nhanh cầm lá đỏ
Hai trái-tim đan nhau
cùng dìu nàng rời ghế
để lại lá-vàng-cà-phê
tới gốc cây già nơi nàng tôn vinh cây-bồ-đề
Nàng ngồi thiền
nàng đứng niệm
nàng đứng một chân
một chân duỗi về hướng đông nam
về hai quần đảo
hiển nhiên
về vài điều
(chàng hỏi thì lại được bảo
ở đây em chả viết vào)
… Vài hôm sau
trên bàn văn
chiếc lá nhân-vật-trữ-tình
xoăn và xoắn hết cỡ
mang hình
như giọt lệ
trường-ca-ca
nhìn bất lực
thơ dừng
4.19 ĐIỆP KHÚC
Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?
Bạn đã biết ai đã thắng cả hai lần cưỡng chiếm? [133]
(còn nữa)
Đỗ Quyên
—————
Chú thích:
[1] Theo “Cái vòng danh lợi cong cong / Kẻ hòng ra khỏi, người mong nhảy vào.” (Ca dao).
[2] “Người Philippines ủng hộ dùng biện pháp quân sự chống Trung Quốc trên Biển Đông” (bbc.com 11/ 6/2024); “Ngôi nhà chung” giữa Biển Đông” (Thanh Tú-Thu Trang, vannghequandoi.com.vn 22/5/2024); “35 năm thành lập nhà giàn DK1: ‘Thành đồng’ bảo vệ chủ quyền biển đảo” (tuoitre.vn 5/7/2024); “Gặp người lính trọn tình yêu với nhà giàn DK13” (tuoitre.vn 5/7/2024); “Việt Nam và Philippines hoàn thành diễn tập chung đầu tiên trên Biển Đông” (bbc.com 10/8/2024); “Biển Đông: Trung Quốc áp dụng ‘chia để trị’, Việt Nam và Philippines nên làm gì?” (bbc.com 12/8/2024); “Biển Đông: Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc buộc ASEAN đoàn kết hơn”, rfi.fr 14/10/2024; “Quan chức Indonesia nói nước này sẽ phản ứng thích đáng với các sự cố ở Biển Đông”, voatiengviet.com 31/10/2024; “Tại sao Việt Nam tảng lờ Malaysia phản đối bồi đắp ở Trường Sa?”, nguoi-viet.com 7/11/2024.
[3] “Tưởng nhớ “vòng tròn bất tử”, vannghequandoi.com.vn 21/7/2024; “Đảo Tri Tôn – căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa” & “Phú Lâm – đảo lớn nhất ở Hoàng Sa – bây giờ ra sao?”, Phạm Văn Luật, luatkhoa.com 12/11/2024 & 20/11/2024.
[4] “Biển Đông: Trung Quốc có thể cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ?”, bbc.com 18/6/2024; “Trung Quốc đã sẵn sàng cho chiến tranh”, Seth G. Jones, biên dịch Nguyễn Thị Kim Phụng, nghiencuuquocte.org 10/10/2024; “Trung Quốc xây hệ thống radar trên đảo Tri Tôn: Việt Nam đối mặt nguy cơ nào?”, bbc.com 19 tháng 10 2024.
[5] “Bồi đắp ở Trường Sa: ‘2024 sẽ là năm kỷ lục của Việt Nam‘” (bbc.com 12/6/2024); “Hà Nội hành động: Việt Nam tăng cường mở rộng ở Trường Sa” (AMTI/Lê Nguyên biên dịch, dskbd.org 9/7/2024); “Liệt sĩ DK1 – thanh xuân ở lại trùng khơi” (laodong.vn 27/7/2024); “15 năm và cuộc khởi hành về biển đảo” & “DK1 – 20 năm giữ thềm lục địa” (Lê Đức Dục; baotiengdan.com 23/8/2024 & tuoitre.vn 19/6/2009).
[6] “Những câu chuyện về 2 quần đảo tiền tiêu ở Biển Đông”, vanvn.vn 21/3/2024.
[7] “Trung Quốc cho bắt hết người ngoại quốc xâm phạm Biển Đông”, nguoi-viet.com 15/6//2024.
[8] “Radar trên đảo Tri Tôn: Trung Quốc có thể do thám miền Trung Việt Nam và xa hơn?”, bbc.com 27/10/2024.
[9] “Việt Nam hàm ý gì khi phản đối tàu Haiyang-26 của Trung Quốc?”, rfa.org 11/6/2024.
[10] “Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi bị đánh đập dã man trên biển đã về đến đất liền” (tienphong.vn 1/10/2024); “Tàu Trung Quốc đã tấn công, đánh đập ngư dân Quảng Ngãi như thế nào?”, (bbc.com 2/10/2024); “Kiên quyết phản đối lực lượng Trung Quốc hành xử thô bạo với ngư dân Việt Nam” (vnexpress.net 2/10/2024).
[11] “Khát vọng phát triển Trường Sa” (Lê Đức Bảo, nld.com.vn 24/3/2024); “Kiều bào 22 nước thăm Trường Sa, nhà giàn DK-I dịp 30-4” (tuoitre.vn 30/4/2024); “Đưa điện ra quần đảo Trường Sa” (Trần Quang Quý, vanvn.vn 11/6/2024); “Tác nghiệp ở Trường Sa” (vannghequandoi.com.vn 18/6/2024); “Cuộc thi viết về chủ quyền: Nghĩa trang liệt sĩ dưới biển, tại sao không!” (Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Thị Thu Thủy – nld.com.vn 23/5/2024); “99 tác phẩm trưng bày tại “Yêu lắm Trường Sa ơi” (vannghequandoi.com.vn 2/8/2024); “Khai giảng đặc biệt của thầy giáo viết tâm thư để tới Trường Sa“ (vietnamnet.vn 5/9/2024).
[12] “Trung Quốc ra quy định bắt người, Việt Nam lên tiếng nhưng không rõ ràng”, bbc.com 23/5/2024.
[13] “Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra liên hợp” dangcongsan.vn 29/4/2024.
[14] “Phóng viên BBC trên Biển Đông: ‘Đủ gần để thấy mặt nhau’ khi bị tàu Trung Quốc truy đuổi”, bbc.com 2/5/2024.
[15] “Biên ải, biên thùy hay biên tái?“, Dạ Ngân, vanviet.info 30/5/2014; “Việt Nam phản đối tàu bệnh viện Trung Quốc đến quần đảo Hoàng Sa” (laodong.vn 23/5/2024); “Trao bằng Tổ quốc ghi công cho 3 liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa” (tuoitre.vn 4/7/2024); “Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông” (bbc.com 18/7/2024); “Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý và quyền của Việt Nam” (tuoitre.vn 18/7/2024); “Bảo tàng Trường Sa có kiến trúc hướng về Biển Đông” (vnexpress.net 1/8/2024).
[16] “Hãng xe điện Trung Quốc xin lỗi vì ghi ‘Tây Sa’, ‘Nam Sa’ trên bản đồ”, Tlđd.
[17] “Biển Đông: Trung Quốc có thể cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ?” (bbc.com 18/6/2024); “Biển Đông: ‘Trung Quốc âm mưu chia rẽ, Việt Nam và Philippines nên đoàn kết” (bbc.com 6/5/2024); “Philippines nêu ‘lằn ranh đỏ’ trên Biển Đông” (vnexpress.net 1/6/2024); “Philippines quyết chống Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam thì sao?” (nguoi-viet.com 20/62024); “Việt Nam kêu gọi Trung Quốc, Philippines kiềm chế tối đa trên Biển Đông” (vnexpress.net 21/6/2024); “Biển Đông căng thẳng, Việt Nam muốn nói chuyện với Philippines” (bbc.com 23/6/2024); “Biển Đông nhìn từ một báo cáo của Quốc hội Mỹ” (cuoituan.tuoitre.vn 9/9/2024).
[18] “50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam” (Toshi Yoshihara & Mỹ Hằng, bbc.com 16/1/2024); “Trung Quốc nói đã ‘đuổi’ tàu khu trục Mỹ áp sát Hoàng Sa” (bbc.com 11/5/2024); “Quan hệ Trung-Việt thời “hậu Nguyễn Phú Trọng” không nên xuất hiện bất kỳ sự chệch hướng nào” (Phùng Siêu, biên dịch Lê Thị Thanh Loan nghiencuuquocte.org 21/7/2024).
[19] “50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Hoàng Sa, bao giờ lấy lại?” (Ngô Thị Kim Cúc, bbc.com 22/1/2024); “Việt Nam rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông” (thanhnien.vn 28/3/2024); “Viện nghiên cứu Trung Quốc nói Việt Nam bồi đắp các đảo ‘chiếm đóng trái phép’, báo Việt Nam phản công” (bbc.com 17/5/2024); “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời ảnh hưởng thế cục Biển Đông thế nào?” (bbc.com 1/8/2024); “Trung Quốc sắp khai thác mỏ khí đốt ‘siêu cạn ở vùng nước siêu sâu’ trên Biển Đông” (bbc.com 9/8/2024); “Trung Quốc củng cố quan hệ quốc phòng với Việt Nam nhằm ‘chia để trị’ ở Biển Đông?”, bbc.com 4/11/2024; “Biển Đông: Malaysia gửi công thư phàn nàn việc Việt Nam mở rộng Bãi Thuyền Chài”, bbc.com 5/11/2024.
[20] “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông trước thế kỉ 20 (Phần dẫn nhập)“, “Biển Đông thời cận cổ (II)- Việt Nam và các nước” & “Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2” (Lê Oa Đằng, Việt dịch của Phan Văn Song, usvietnam.uoregon.edu 20/5 & 10/7/2024); “Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông – Kỳ 1”, Lê Oa Đằng, vanviet.info 1/11/2024; “Giảng viên trẻ mê nghiên cứu về chủ quyền ra sách về Hoàng Sa – Trường Sa” (Lưu Đình Long, vietnamnet.vn 22/5/2024); “Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời” (vnexpress.net 20/9/2024); “Việt – Trung nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông“, (vnexpress.net 12/10/2024); “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc“, thanhnien.vn 14/10/2024; “Thứ trưởng Ngoại giao nói về ‘cuộc chiến nhận thức’ ở Biển Đông”, vnexpress.net 23/10/2024.
[21] Dựa theo các bản dịch của Đinh Gia Khánh và Nguyễn Khắc Mai từ nguyên văn bài Cự Ngao Đới Sơn/Con Rùa Lớn Đội Núi của Nguyễn Bỉnh Khiêm – ”Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh, / Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh. / Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực, / Trước cước trào vô quyển địa thanh. / Vạn lý Đông minh quy bả ác, / Ức niên Nam cực điện long bình. / Ngã kim dục triển phù nguy lực, / Vãn khước quan hà cựu đế thành.”
“Từ 500 năm trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo tầm quan trọng của biển đảo dẫn đến sự tồn vong thịnh trị của cả quốc gia, điều ấy cho thấy tầm chiến lược về bảo vệ của ông rất rộng lớn và toàn diện”; “Với bài thơ Cự Ngao Đới Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể được coi là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận thức ra tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền Biển Đông”; “Cả ba lĩnh vực […] là ba khâu liên hoàn, làm tiền đề, nhân quả lẫn nhau. Bảo vệ chủ quyền để phát triển kinh tế biển. Muốn phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền hữu hiệu lại phải coi trọng xây dựng các ngành khoa học biển và văn hóa biển”; “Câu thơ cuối bài của cụ ‘ta nay cũng muốn đem sức phò nguy’ chính là nói về chúng ta trong những nhiệm vụ làm chủ Biển Đông hôm nay vậy”.
(“Bí ẩn “sấm Trạng Trình” về chủ quyền Biển Đông”, Nguyễn Khắc Mai, tapchisonghuong.com.vn 12/5/2014; “Trạng Trình – nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam là ai?”, Dương Tâm, vnexpress.net 12/11/2017).
[22] Theo “Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể xây dựng được tương lai cho thế hệ trẻ, nhưng chúng ta luôn có thể xây dựng thế hệ trẻ cho tương lai”, Franklin Roosevelt (“Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ở Đại học Columbia”, vietnamnet.vn 24/9/2024).
[23] Theo vế đối “Gặp thời thế, thế thời phải thế” (Ngô Thì Nhậm).
[ 24] Theo “Quê hương là trái đất đầy đa đoan” (Trường ca Thế Dũng, Tlđd).
[25] Theo “Yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình” (“GS Ngô Bảo Châu: Thấu hiểu toán học hay thấu hiểu thế giới trong chính chúng ta”; Phan Thị Hà Dương, trithucvn.co 17/8/2024).
[26] Tục ngữ, Tlđd.
[27] Tục ngữ.
[28] Ca dao.
[29] Theo “Trai khôn đem của về nhà / Gái dại vác cả cột nhà theo trai.” (Ca dao).
[30] Ca dao.
[31] Theo “Bể Đông có lúc vơi đầy / Mối thù đế quốc có ngày nào quên.” (Ca dao).
[32] Theo “Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines […] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Bạn hỏi về biện pháp quân sự? Không” […] “Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ”. […] Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. (Thủ tướng: ‘Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông’”, Thanh Bình, vnexpress.net 22/5/2014).
[33] Theo “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.” (Karl Marx và Friedrich Engels, Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng sản).
[34] Theo “Bỏ trăng gió lại cho đời / Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa / Bỏ người yêu bỏ bóng ma / Bỏ hình hài của tiên nga trên trời / Bây giờ riêng đối diện tôi / Còn hai con mắt khóc người một con” (Thơ Bùi Giáng, bài Mắt Buồn).
[35] Theo “Gặp gỡ chẳng dễ dàng, chia tay cũng chẳng dễ dàng. Đối mặt mà chẳng nói nên lời, nước mắt rơi đầy nơi chốn hẹn hò. Hội ngộ thật khó, ly biệt cũng thật khó. Hội tụ hay chia xa đều chẳng thể dự đoán, tâm hồn mãi mãi vương vấn trong giấc mơ.” (Ca từ Quỳnh Dao, Cẩm Lan dịch).
[36] Theo “Mẹ ngồi bên cửa chiều đông / Cánh cò sắc sắc không không cánh cò.” (Thơ Vũ Thị Thanh, bài Có Một Thời Kinh Bắc).
[37] Alexander Pope (1688 – 1744) nhà thơ, dịch giả người Anh; tác giả của nhiều tác phẩm châm biếm gây tranh cãi (như The Rape of the Lock), dịch giả của các trường thi Homeros.
[38] Theo “Đã sống là mắc lỗi” (David Oderberg, Từ Tâm dịch, tiasang.com.vn 8/12/2024.
[39] “Thiên hạ ai mà chẳng biết anh” (Bài thơ Biệt Đổng Đại của Cao Thích).
[40] Theo bài thơ Dư Đồ Tổ Quốc (Bảo Định Giang, thivien.net 19/1/2024).
[41] Biển Đông là tên riêng mà Việt Nam dùng để gọi vùng biển có tên quốc tế “South China Sea” (tiếng Anh, có thể hiểu “Biển Hoa Nam” – biển Nam Trung Hoa, tương tự East China Sea” cho Biển Hoa Đông) hay Mer de Chine Méridionale (tiếng Pháp). Trung Quốc thường gọi tắt là Nam Hải; trong giới xuất bản hiện nay hay gọi là Nam Trung Quốc Hải, và cũng thường được dùng trong các bản đồ bằng tiếng Anh do Trung Quốc ấn hành. Philippines thì gọi là biển Luzón, theo tên hòn đảo lớn Luzon của Philippine.
Là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, biển này trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan, và bao phủ diện tích khoảng 3.447.000 km² trong đó có Vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập. Vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp, xung đột căng thẳng về phân chia chủ quyền giữa vài quốc gia trong vùng. Nên đã có quan điểm của một số học giả, sử gia đề xuất đổi tên biển thành “biển Đông Nam Á” (“Southeast Asia Sea”) hay biển Đông Nam châu Á (South East Asia Sea) – là một tên gọi trung lập.
(“Biển Đông”, vi.wikipedia.org 19/1/2024 & “Biển Đông và các tên gọi của nó”, tuyentruyen.thuathienhue.gov.vn 9/12/2013).
“Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10)
Lịch sử biển Đông, căn cứ vào tình trạng có tranh chấp hay không, có thể chia thành hai phần: giai đoạn không tranh chấp và giai đoạn tranh chấp, và năm 1900 có thể được xem như lằn ranh phân cách.
Và giai đoạn không tranh chấp có thể được chia thành hai thời kì, cổ đại và cận đại, với lằn ranh là giữa thế kỉ XIX. Do hai bên yêu sách quan trọng nhất – Trung Quốc và Việt Nam – đều bị các nước phương Tây xâm lược đồng thời, điều này có tác động lớn đến lịch sử của các đảo ở biển Đông. […] Vào thời cổ đại, lịch sử biển Đông được chia thành hai thời kì rõ rệt, được phân cách đại khái vào giữa thế kỉ thứ 10 (năm 960). Có hai lí do giải thích cho việc phân định theo lằn ranh này: thứ nhất, trước đây, Việt Nam và Trung Quốc là cùng một nước, và trong những năm 960, việc thành lập nhà Tống (961) và nền độc lập của Việt Nam (968) diễn ra gần như đồng thời. Sau đó, Trung Quốc và Việt Nam về cơ bản là hai quốc gia khác nhau; thứ hai, kể từ thời Tống, Trung Quốc đã trở thành một thế lực không thể bỏ qua trong giao thông biển Đông, do đó có mối quan hệ mật thiết với các đảo ở biển Đông. […] Từ phân tích sau đây, có thể thấy rằng mặc dù Trung Quốc có rất nhiều tài liệu ghi chép nhưng vai trò của những tài liệu này đã bị các chuyên gia Trung Quốc phóng đại quá mức. Sau khi phân tích cẩn thận, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước thời nhà Tống. […]
Có thể thấy những người đến biển Đông sớm nhất là tổ tiên của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (phía nam), Malaysia, Brunei và Philippines. Những người tiếp theo đến biển Đông là người Bách Việt. Hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất ven biển Đông có nhóm dân tộc chính là hậu duệ của tộc Bách Việt. Còn người Hán, nhóm dân tộc chính ở Trung Quốc, đến biển Đông rất muộn, sau khi nhà Tần thống nhất đất nước và chinh phục Lĩnh Nam (214 TCN).
Dĩ nhiên, sự phân bố và di cư của các dân tộc cổ đại này không thể trực tiếp tạo nên cơ sở cho chủ quyền, nhưng kiến thức này có thể được sử dụng để xây dựng lịch sử biển Đông và kiểm tra lại một số lập luận về biển Đông. Chẳng hạn, ai là người đầu tiên phát hiện ra biển Đông?
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính những người châu Á sơ khai, tổ tiên của người Austronesian hiện đại, là những người đầu tiên phát hiện ra biển Đông. Họ đã sinh sống dọc theo bờ biển Đông hàng vạn năm trước khi người Hán đặt chân đến biển Đông. Những người tiếp theo đến biển Đông là người Bách Việt, tổ tiên của người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, biển Đông “xưa nay” không chỉ là nơi người Trung Quốc sinh sống, hoạt động mà còn là nơi sinh sống của tất cả các dân tộc sống trong khu vực quanh biển Đông. Còn người Trung Quốc, chỉ tộc người Hán chủ yếu, chỉ là những kẻ đến sau. […]
Từ xa xưa biển Đông vốn không thuộc về Trung Quốc
Từ xa xưa, biển Đông đã là nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe của nhiều dân tộc ven biển. Người châu Á sơ khai thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) là những người đầu tiên đến biển Đông, và tộc Bách Việt thuộc người Châu Á muộn là người đến biển Đông kế đó. So với các nước ven biển Đông hiện nay, tộc Hoa Hạ thuộc số những người châu Á muộn chỉ là những người đến sau. Mãi đến sau khi Tần Thủy Hoàng thôn tính nước Nam Việt, Trung Quốc mới thật sự có đường biên giới chung với biển Đông trong một thời gian ngắn. Cho đến khi nhà Hán đô hộ Nam Việt, Trung Quốc mới thật sự trở thành một nước ven bờ biển Đông.
Trước thời Tống (khoảng năm 960), Trung Quốc khai thác và sử dụng biển Đông rất hạn chế, nói gì đến kiểm soát. Mặc dù thương mại và giao thông trên biển Đông đã phát triển mạnh mẽ từ thời Tây Hán, nhưng với tư cách là nơi sản xuất và thị trường cho giao thương biển Đông, Trung Quốc lại thiếu động lực và kinh nghiệm để trực tiếp tham gia giao thông trên biển Đông trong hơn 1000 năm nên không chủ động trong giao thông trên biển Đông. Phù Nam, Chiêm Thành, Ấn Độ, Ba Tư và Ả Rập đã liên tục trở thành kẻ giữ vai trò chính yếu trong giao thông biển Đông. Người Trung Quốc chỉ đóng góp một phần vào giao thông vận tải gần bờ dọc theo bờ biển Giao Chỉ và Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.
Trung Quốc sử dụng rất ít biển Đông và biển Đông không phải là nơi có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Trước thời Tùy, Trung Quốc không có cố gắng nào để kiểm soát biển Đông. […]
Mặc dù các nhà sử học Trung Quốc tin rằng những ghi chép trong một số sách Trung Quốc là về Tây Sa (Hoàng Sa) hoặc Nam Sa (Trường Sa). Nhưng trên thực tế, trước nhà Tống, không có ghi chép đáng tin cậy nào về các đảo ở biển Đông cho thấy rằng Trung Quốc đã biết về các đảo ở biển Đông vào lúc đó, cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng người Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động sinh sống ở các đảo ở biển Đông, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng Trung Quốc đã cai quản các đảo này. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì kiến thức cổ xưa về biển bắt nguồn từ sự phát triển của các tuyến đường vận chuyển. Trướng Hải mà Trung Quốc biết đến vào thời nhà Đường chỉ là phạm vi xung quanh các tuyến đường biển do nước ngoài khai phát. Trước thời Tùy, ở biển Đông chỉ có các tuyến đường ven biển đi qua vịnh Bắc Bộ, đương nhiên không liên quan gì đến việc phát hiện ra các đảo ở biển Đông. Mãi cho đến thời cuối Tùy và đầu Đường, việc khám phá quần đảo Hoàng Sa mới trở nên khả thi nhờ vào tuyến đường trực tiếp mới được mở từ Champa đến Quảng Châu (sau này được gọi là tuyến Nội câu). Người Ả Rập chiếm vị trí độc tôn trong giao thông ở biển Đông vào thời Đường nên có khả năng họ là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. […] Còn quần đảo Trường Sa, vì cách xa các tuyến đường giao thông nên lại càng ít được biết đến.
Điều đáng nói là Việt Nam từng là một phần của Trung Quốc hàng ngàn năm sau khi bị nhà Hán thôn tính. Lịch sử Trung Quốc thời kì này là lịch sử chung của Trung Quốc cận đại và Việt Nam cận đại. Vào thời đó, các hoạt động của “Trung Quốc” ở biển Đông, bao gồm các hoạt động sản xuất (gần bờ) và vận tải biển (khoảng cách ngắn) ở biển Đông, phần lớn được gán là do người Việt, còn được gọi là Cao Lương Sinh Khẩu thực hiện. Do đó, ngay cả khi Trung Quốc có “các quyền lịch sử” đối với biển Đông trong giai đoạn này, thì cũng khó có thể độc chiếm các quyền đó theo luật pháp quốc tế.
Trong tuyên truyền của Trung Quốc, “Yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản hạt của Trung Quốc ở biển Đông có lịch sử hơn 2000 năm, với việc phát hiện và từng bước cải thiện việc quản lí biển Đông, đặc biệt là các đảo đá ở Nam Sa cùng các vùng biển liên quan“. Câu tuyên truyền này gây nhầm lẫn và tạo ra ấn tượng sai lầm rằng Trung Quốc đã có chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông “từ xưa tới nay”. Trên thực tế, người Trung Quốc không phải là người đầu tiên phát hiện ra biển Đông, họ cũng không phát hiện ra các đảo ở biển Đông hàng ngàn năm vào thời Hán và Đường, họ cũng không thực hiện bất kì quyền kiểm soát hay quản lí nào đối với biển Đông. Có đầy đủ bằng chứng lịch sử cho thấy rằng trước thời Tống, biển Đông là vùng biển công cộng không thuộc về bất kì nước nào. Biển Đông từ xa xưa đã không thuộc về Trung Quốc”.
(“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 3)“; Lê Oa Đằng, Việt dịch của Phan Văn Song, vanviet.info 18/10/2024).
[42] Thơ Đặng Huy Giang, Tlđd.
[43] “Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương […] lần thứ nhất tại Hồng Kông […] tháng 10 năm 1930, tên của đảng được đổi [từ ‘Đảng Cộng sản Việt Nam’] thành ‘Đảng Cộng sản Đông Dương’ theo yêu cầu của Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản) […] tháng 11 năm 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán chuyển vào hoạt động bí mật, chỉ để một bộ phận hoạt động công khai dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Marx ở Đông Dương, mọi hoạt động công khai của đảng từ đây đều thông qua Mặt trận Việt Minh […] Đảng được “lập lại”, công khai (tại Việt Nam) với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam vào tháng 2 năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Tuyên Quang. […] Đại hội này cũng tách bộ phận của Lào và Campuchia (vốn cùng thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương) thành các đảng riêng.” (“Đảng Cộng sản Việt Nam”, vi.wikipedia.org 19/1/2024).
[44] Bán đảo Đông Dương (tiếng Anh: Indochinese Peninsula, Indochina) hoặc gọi bán đảo Ấn-Trung, là một bán đảo nằm ở Đông Nam Á, lớn thứ ba thế giới (sau bán đảo Ả Rập và bán đảo Ấn Độ). Chữ “Indochina” theo nghĩa rộng chỉ khu vực Đông Nam Á lục địa, phía nam Trung Quốc và phần phía đông của tiểu lục địa Ấn Độ. Phía đông giáp biển Đông của Thái Bình Dương, bán đảo Đông Dương bao gồm các quốc gia ngày nay là Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Mã Lai.
“Indochine” trong tiếng Pháp có nghĩa là “Trung-Ấn”, “Bán đảo Đông Dương”. Tại Pháp, thuật ngữ Indochina thường được dùng để chỉ Đông Dương thuộc Pháp – một thuộc địa cũ. Tại Việt Nam, thuật ngữ “Bán đảo Đông Dương” cũng thường chỉ đề cập tới phần Đông Dương thuộc Pháp trước đây, và nay là ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
(vi.wikipedia.org 19/12024).
[45] “95 phần trăm mậu dịch quốc tế thông qua đường thuỷ. Trong năm 2010, mười vạn tàu hàng, trọng tải tổng cộng 1,3 tỷ DWT1, đã chở gần tám tỷ tấn hàng. Một nửa lượng hàng đó quá giang Biển Đông và đa số tàu qua Biển Đông đi gần bờ biển nước ta. Mặc dù không có thống kê chính xác riêng cho Việt Nam, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng lượng hàng xuất và nhập khẩu của nước ta qua đường thuỷ là rất lớn. Do đó, cảng biển và cảng sông là những hạ tầng quan trọng ở nước ta. […]
Kết luận
Hiện nay [2013], Trung Quốc đang cố gắng khai triển các dự án đường sắt nối liền miền Nam nước họ với Rangoon và Vientiane (nghĩa là với Bangkok và Singapore). Nếu chúng ta không hoàn thành một đường sắt mắc nối một cảng của Myanmar với ít nhất một cảng của nước ta trước khi họ hoàn thành những dự án đó của họ thì những tình huống tích cực cho chúng ta kể ở một phần trên sẽ không còn nữa. Khi đó tất cả những cảng cũng như toàn thể hệ thống hậu cần ở nước ta sẽ suy thoái vì sẽ chỉ có công dụng nội địa thôi. Rất có thể đây là ý đồ của Trung Quốc nhằm bóp nghẹt chúng ta trên đất liền cũng như ở ngoài Biển Đông. […] Địa thế nước ta là như vậy. Nếu không có lợi thế về hải cảng lớn thì nước ta có những lợi thế khác. 3.400 cây số bờ biển cho phép xây cả trăm cảng cỡ trung bình, cả nghìn cảng cỡ nhỏ. Đó là chưa nói đến một số đảo nhỏ ở ngoài khơi thuộc chủ quyền của ta. Thời bình chúng làm hạ tầng cho ngành giao thông vận tải nội địa. Thời chiến Hải quân Nhân dân có thể dùng làm căn cứ quân sự. Không có nước nào có thể phong toả được ngần ấy cảng. Không có hải quân địch nào mà có thể đổ bộ và giữ vững được một dải đất dài như vậy. Ngược lại chúng tôi thất vọng nhận thấy chính phủ không có tầm nhìn đủ xa để xây dựng một hệ thống hậu cần hữu hiệu […]
(“Việt-Nam: Căn cứ hậu cần của Đông Nam Á?” & “Việt Nam: Căn cứ hậu cần của Đông Nam Á – Phần III – Cảng biển và cảng sông“; Đặng Đình Cung, diendan.org 22/5/2009 & 28/4/2013).
[46] Nghĩa của từ “Biển Đông” trong tiếng Anh và tiếng Pháp.
[47] Thơ Đặng Huy Giang, Tlđd.
[48] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).
[49] “Tập đại thành”: Gom góp những âm thanh để tạo thành một bản nhạc lớn / Thu góp các ý kiến để dựng nên một học thuyết lớn, một tác phẩm lớn; vi.wiktionary.org.
[50] Tên bài thơ của Phan Bôi Châu.
[51] Tên bài thơ Le Bateau Ivre (Arthur Rimbaud).
[52] “Thị trường vận tải Việt Nam: […] Còn về chuyên chở hàng hóa, vận chuyển cũng dựa vào đường bộ (26%), đường sông (16%), nhưng đường biển lại có vai trò quan trọng nhất, chiếm thị phần rất cao là 53%. Đường sắt coi như không đáng kể. Lý do đường biển chiếm thị phần rất lớn vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu.” (“Thử bàn về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam”; Vũ Quang Việt, thesaigontimes.vn 18/10/2024).
[53] Thơ Chế Lan Viên (Bài Khi Đã Có Hướng Rồi).
[54] Theo thơ Xuân Quỳnh (Bài Thuyền Và Biển).
[55] “Thuyền nhân” và “Thuyền nhân Việt Nam”, vi.wikipedia.org 30/4/2024.
[56] Theo ca khúc Châu Đình An.
[57] Tên một cuốn sách phỏng vấn của Trần Văn Thủy. “Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên mộ thím tôi: ‘Nếu đi hết biển qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình…’.Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ ‘Qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi’ mà cuối cùng không thể ‘trở về quê mình, làng mình’ được… “ (Trích chương hai – Tôi Viết Nếu Đi Hết Biển, nguoidothi.net.vn 16/2/2024).
[58] “Khúc Thuỵ Du” (Thơ Du Tử Lê) & “Tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư: Ngắm nước”, nguoidothi.net.vn 10/3/2024.
[59] Tên tập thơ của Hoàng Hưng.
[60] “Bão Yagi 2024”, vi.wikipedia.org 14/9/2024; “Thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng”, nguoidothi.net.vn 15/9/2024; ;”Nhìn lại cơn bão Yagi lịch sử: Những hậu quả khủng khiếp và đau lòng“, thanhnien.vn 23/9/2024; “Trong mắt bão Yagi”, vnexpress.net 24/9/2024; “Phải có một cuốn sách về Yagi: Con cháu chúng ta phải được học về cơn bão này”, Huy Nguyễn, baotiengdan.com 13/09/2024; “Danh sách những người ủng hộ người dân vùng bão lũ do Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi”, vanvn.vn 16/92024; “Thư cảm tạ từ Phật Đường Khuông Việt”, diendan.org 1/10/2024; “Đặc công người nhái phối hợp tìm kiếm nạn nhân tại cầu Phong Châu”, vannghequandoi.com.vn 1/10/2024; “Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang: Nhận nuôi trẻ em mồ côi ở Làng Nủ là một hành trình lâu dài, nhandan.vn 18/09/2024; “Thầy Nguyễn Xuân Khang nhận chu cấp 22 học sinh Làng Nủ”, vnexpress.net 5/10/2024; “Làng Nủ mới dần hình thành sau lũ quét”, video.vnexpress.net 20/10/2024; “Đất chảy“, Nguyên Ngọc, trannhuong.net 20/9/2024; “Rạn vỡ vô hình”, Trí Quân, tienphong.vn 29/9/2024; “Việt Nam: Vì sao bão Yagi khiến nhiều người chết ở các vùng đồi núi?”, rfi.fr 20/11/2024;
“Bão tan”, Thơ Trần Nhuận Minh, baovannghe.vn 13/9/2024; “Chùm thơ số 6 của Đặng Tiến”, vanchuongviet.org 19/9/2024; “Hai bài thơ trung thu của Nguyễn Duy”, vanviet.info/tho 18/9/2024; “Chùm thơ vừa in trên Văn Nghệ số ra ngày 21/9/2024”,Trần Nhương, trannhuong.net 18/9/2024; “Chùm thơ Mai Bá Ấn: Đau cùng bão lũ…”, vanvn.vn 20/9/2024; “Tặng tụi con: những bé con Làng Nủ”, Thơ Đặng Văn Khoa, 21/9/2024 tuoitre.vn; “Chùm thơ hướng về người dân vùng bão lũ của Huỳnh Dũng Nhân” & “Chùm thơ Lữ Mai: Người mắc kẹt như hạt mầm ngậm nước“Chùm thơ hướng về người dân vùng bão lũ của Huỳnh Dũng Nhân” & “Chùm thơ Lữ Mai: Người mắc kẹt như hạt mầm ngậm nước”, vanvn.vn 24/9/2024; “Đất nước”, Thơ Dũng Trung Kqd, vanviet.info 25/9/2024; “Mẹ mãi yêu con”, Thơ Phan Văn Thạnh, vanchuongviet.org 11/10/2024; “Ruột đau chín khúc”, Thơ Thích Nhất Hạnh, langmai.org; “Tình người trong bão lũ qua tranh”, Lê Sa Long, vnexpress.net 18/9/2024; “Tuổi thơ, mùa bão lụt và quê hương thương khó”, Phạm Phú Phong & Huỳnh Như Phương, vanvn.vn 22/9/2024.
[61] Theo “Sông Thao nước đục người đen / Ai lên phố Ẻn cũng quên đường về” (Ca dao; Phố Ẻn: Một làng nay thuộc xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, là nơi tụ hội thuyền bè, dân cư buôn bán trên sông nước; Sông Thao: Dòng chính của sông Hồng, bắt nguồn từ Trung Quốc; tại Việt Nam chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ; tudiendanhngon.vn).
[62] Theo ca từ Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng (Phan Nhân).
[63] Theo Thư Gửi Cán Bộ, Chiến Sĩ Quân Đội Nhân Dân Và Dân Quân Tự Vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, qdnd.vn 11/9/2024).
[64] “Nguyễn Ngọc Tư nhận giải Văn học Đông Nam Á tại Trung Quốc”, vnexpress.net 15/9/2024.
[65] Cập nhật 10/10/2024: “Tờ báo hàng đầu Nhật Bản Nikkey hôm vừa rồi giật tít “Tăng trưởng quý 3 của Việt Nam dựng đứng như rocket 7,4%, cao nhất trong vòng 2 năm”. […] Đây là tin mừng bất chấp bão Yagi để lại rất nhiều hệ lụy cho kinh tế – xã hội ở hơn 20 tỉnh phía Bắc, vốn chiếm tới hơn 40% GDP của đất nước. Cơn bão này gây thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu là 81.503 tỷ đồng; chỉ riêng ngành ngân hàng đã có tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi lên tới 165 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ đô la). Nhưng, đáng kinh ngạc, những tỉnh bị bão Yagi tác động nặng nề nhất lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất như Lai Châu 11,6%, Điện Biên 10,55%, Phú Thọ 9,56%, Tuyên Quang 9,14%, Hòa Bình 9,02%. Hai tỉnh bị thiệt hại lớn nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng cũng tăng trưởng rất cao ở mức lần lượt là 8,02% và 9,77%.” (“Tăng trưởng của Việt Nam nhanh như ‘tên lửa’”, tienphong.vn 10/10/2024);
Cập nhật 13/10/2024: Bão Yagi làm chết 299 người, 34 người mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238.000 ngôi nhà; trên 195.000 hecta lúa, 47.000 hecta hoa màu, 36.000 hecta cây ăn quả bị ngập úng; trên 4.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại kinh tế hơn 81.500 tỷ đồng. (“Vì sao năm 2024 xuất hiện nhiều siêu bão?”, vnexpress.net 13/10/2024).
[66] Thơ Tế Hanh (Bài Bão).
[67] Tiếng than của người Chăm “lingik tathik lơy”, theo Inrasara (“Người Chăm và biển”; Nguyễn Phước, baoquangnam.vn 6/11/2022).
[68] Theo “Tiền nhiều mà để làm gì” (Thành ngữ hiện đại).
[69] “Vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981”, vi.wikipedia.org 1/5/2024.
[70] “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã và đang là một nguồn cảm hứng lớn để các quốc gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển […] là một trong những thành tựu quan trọng nhất về luật pháp quốc tế của nhân loại trong thế kỷ 20, tiếp tục khẳng định vai trò là bản “Hiến pháp về biển và đại dương’’ trong thế kỷ 21”. (“Giá trị bản ‘Hiến pháp về biển và đại dương’“; Nguyễn Hồng Thao, vanvn.vn 19/11/2024).
[71] Các nguồn từ vựng chính cho đoạn trên: “Biển cả”, hethongphapluat.com; “Tổng hợp từ vựng về biển hay nhất cho bạn”, langmaster.edu.vn; “Hải quân”, vi.wikipedia.org; “Việt Nam: Căn cứ hậu cần của Đông Nam Á – Phần III – Cảng biển và cảng sông“, Tlđd.
[72] Theo bài thơ Bể Và Người (Chế Lan Viên, Tlđd).
[73] Ca từ Phạm Đình Chương (Bài Tiếng Sông Hương).
[74] Thơ Chim Trắng (Bài Ở Phía Mênh Mông).
[75] Thơ Du Tử Lê (Bài Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển).
[76] Thơ Bùi Minh Vũ (“Bùi Minh Vũ và những nét chấm phá về Trường Sa, Hoàng Sa”, Nguyễn Hưng Hải, vanvn.vn 18/10/2024).
[77] Theo thơ Tuyết Nga (Bài Biển).
[78] Theo thơ Nguyễn Đình Thi (Bài Đất Nước).
[79] Theo thơ Vũ Gia Tưởng (“Cả nước hướng về miền Bắc sau bão Yagi”, video.vnexpress.net 12/9/2024).
[80] Theo “Dẫu trăm nghề “Nhất Nông, nhì Sĩ” / “Phi Nông thì bất ổn” quốc gia / Nghề nào cũng có “Làng nghề” / Làm gì rồi cũng nhớ về quê hương” (Mạc Văn Trang; Diễn ca Nông Dân, vanviet.info 1/11/2024).
[81] Thơ Phanxipăng (Bài Đại Dương Phát Tiết).
[82] Thơ Thích Nhất Hạnh, Tlđd.
[83] Theo giai thoại Trần Đăng Khoa kể, sinh thời Xuân Diệu dùng chữ “Ca ca” nhằm chế giễu thể loại thơ trường ca (“Chân dung và đối thoại”, Bài 02: Xuân Diệu, thivien.net 1/10/2006), như một cách chơi chữ Pháp-Việt qua ngôn ngữ nhi đồng.
Ở đây, xin mạn phép chế tác thành “Trường-ca-ca”, và tùy theo ngữ cảnh chương hồi để dùng làm tên cho một nhân vật trữ tình hoặc cho một chủ thể hoặc cho chính bài trường ca này.
[84] “Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền” (Nguyễn Du; Truyện Kiều).
[85] Ca từ Mùa Xuân Đầu Tiên (Văn Cao).
[86] Theo ca từ Người Tình Không Chân Dung (Hoàng Trọng – Dạ Chung).
[87] Theo hai bài thơ của Trần Mộng Tú và Lê Minh Hiền (vanviet.info 30/4/2024).
[88] Theo bài thơ Nghe Chim Kể Chuyện Trên Đồi Chốt (Hoàng Nhuận Cầm).
[89] Theo “Ernest Hemingway từng viết thư khuyên nhủ nhiều nhà văn” (vnexpress.net 29/4/2024).
[90]“Quần Đảo Hoàng Sa” (Tlđd).
[91] Theo bài thơ Văn Tế Ngạc Nhi (Tlđd).
[91] Theo “Trận này không thể không đánh” (Mao Trạch Đông, Tlđd).
[93] Tên ca khúc Trịnh Công Sơn.
[94] Thuyền nhân.
[95] “Huyện đảo Lý Sơn: Một tiên giới giữa vùng biển khơi của tổ quốc”; Nguyễn Liên, baovannghe.vn 11/7/2024.
[96] Theo “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh / Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng / Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống / Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài.” (Đồng Đội Tôi Trên Đảo Thuyền Chài; Thơ Trần Đăng Khoa).
[97] Theo Cũng Sẽ Chìm Trôi, Tlđd.
[98] Theo ca dao thời nhà Nguyễn ở vùng biển Quảng Ngãi / Hoàng Sa.
[99] Theo “giữa Tháp Mười không mái lá nương che / nước đã giật phải đẩy xuồng băng trấp / lúc ấy chân trời là lưng người đi trước” (Thanh Thảo, bài thơ Một Người Lính Nói Về Thế Hệ Mình).
[100] Thơ Ý Nhi (Bài Gửi Một Người Bạn Đọc).
[101] Trích bản thảo tiểu thuyết Những Mảnh Thuyền, Tlđd.
[102] Theo thơ Lê Đạt (Bài Bóng Chữ).
[103] Theo “Tôi chờ đợi / lớn lên cùng dông bão / hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai / tìm cánh tay nước biển / con ngựa buồn / lửa trốn con ngươi / Đất nước có một lần / tôi ghì đau đớn trong thân thể / những dòng sông những đường cày núi nhọn / những biệt li rạn nứt lòng đường / hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt / như người yêu từ chối vùng vằng […] Tôi chờ đợi / phổi đầy lửa cháy / môi đầy thẹn thùng / vục xuống nhục nhằn tổ quốc / nhìn gót giầy miệng uống tro than / nghe tiếng ca của một người không quen / của cuộc đời tình nhân […] Tôi chờ đợi / một người không / nhiều người / ở thành phố thiếu thốn / ở làng mạc đọa đày / tôi là tiếng nói là tiếng khóc / những người bỏ đi hẹn trở về / những người mím hơi thừa chịu đựng / tôi chờ đợi / tôi là tiếng thơ là tiếng cười / mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam” (Thơ Thanh Tâm Tuyền, bài Ngợi Ca Tình Yêu).
[104] Tiếng Pháp, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều (Bạn, anh, chị, ông, bà… / Các bạn, các anh chị, các ông bà…)
[105] Theo “Này, các thân phận Việt / Vous vác cây Tiếng Việt mà đi / Trông rất giống jésu.” (Thơ Nguyễn Anh Tuấn – Nghệ An, bài Phúng Dụ Haiku Việt).
[106] Thơ Vũ Thị Thanh (Bài Có Một Thời Kinh Bắc).
[107] “Đường chín đoạn:
Đường chín đoạn (giản thể: 九段线; phồn thể: 九段線; tiếng Anh: Nine-dash line; Hán-Việt: Cửu đoạn tuyến), còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín khúc là tên gọi dùng để chỉ khu lãnh hải tại Biển Đông mà Trung Hoa Dân Quốc và sau này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch […] Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.” (vi.wikipedia.org 12/7/2024).
“Đường 9 đoạn không bị phản đối trong hơn 30 năm sau khi được ban hành? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng. Đúng là không có chính phủ nào phản đối cụ thể đường 9 đoạn trong suốt 30 năm đó, nhưng cũng không có chính phủ liên quan nào công nhận nó. Thái độ của chính phủ các nước là “nhắm mắt làm ngơ” trước đường 9 đoạn. Lí do chính là đường 9 đoạn về cơ bản là sản phẩm “ba không”: không định nghĩa, không tọa độ và không có tư cách pháp lí. Chính phủ Trung Quốc (cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan) chưa bao giờ chính thức tuyên bố công khai đường 9 đoạn là gì, ngay cả tọa độ cũng không.
Bỏ vấn đề “ba không” sang một bên, kết luận rằng Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các nước đã đồng ý với đường 9 đoạn là hoàn toàn không thể chứng minh được.
Bởi trên thực tế, chưa từng có quốc gia nào công nhận các quyền và lợi ích mà Trung Quốc tuyên bố bên trong đường 9 đoạn, kể cả các quyền và lợi ích lãnh thổ quan trọng nhất. Sau chiến tranh, Hoa Kì tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự bên trong đường 9 đoạn, hầu như không bị sự can thiệp của Trung Quốc (trừ những khu vực rất gần lục địa Trung Quốc và lãnh hải đảo Hải Nam). Pháp, Việt Nam và Philippines đều tranh chấp lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp và Việt Nam đóng quân ở Hoàng Sa cho đến năm 1974. Cả Việt Nam và Philippines vẫn có quân đội đóng tại quần đảo Trường Sa và đã thành lập các đặc khu hành chính của riêng mình trên quần đảo Trường Sa. Nếu không coi đây là sự phủ nhận đường 9 đoạn, thì đó chắc chắn là sự tự lừa dối.” (“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 1)”, vanviet.info 14/10/2024, Tlđd)
[108] Theo “Thị ơi thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn” (Truyện cổ tích Tấm Cám).
[109] Theo “Đường lưỡi bò – Một yêu sách phi lý”, biengioibienbentre.vn; và “Bướm đồng động cái thì bay / Bướm nhà chạm cái lăn quay ra giường” (Ca dao – “Tìm hiểu sự hoạt động của các yếu tố chỉ sinh thực khí trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và dân ca của người Việt”, Đỗ Anh Vũ).
[110] Theo “Cha chết không lo, lo trâu méo l*n” (Ngạn ngữ; Tlđd).
[111] Thành ngữ, Tlđd.
[112] Theo “Dù ai trăm khéo ngàn khôn / Đi tè cũng để cái l*n tô hô” (Ca dao, Tlđd).
[113] Theo “Chim khôn chim ngẩng cao đầu / Bướm khôn bướm đậu vào đầu chim khôn” (Ca dao, Tlđd).
[114] Theo “Anh em bất nghĩa chi tồn / Anh đánh miếng l*n em đánh miếng ghe” (Ca dao, Tlđd).
[115] Một bản thảo của người viết.
[116] Trường ca Bài Hát Chính Tôi (W. Whitman), Tlđd.
[117] Thơ Ngô Quốc Phương (Bài Những Khẩu Súng, vanviet.info 11/10/2024).
[118] Trích thơ Nguyễn Dương Quang “Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không (Thơ của một người lính “bên thua cuộc” vừa nằm xuống”; Trần Tuấn, vanviet.info 2/5/2024).
[119] Câu nói nổi tiếng của Theodor W. Adorno, nhà xã hội học người Đức (1903 – 1969), về ảnh hưởng tội diệt chủng của Đức quốc xã.
[120] MC: Người dẫn chương trình.
[121] PR: Quảng bá, TLđd.
[122] “Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu”; Đỗ Ngọc Yên, trannhuong.net 26/4/2019.
[123] “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?”, Tlđd.
[124] Ghen tỵ (Thành ngữ hiện đại).
[125] Theo trường ca Trần Dần (Bài Đi! Đây Việt Bắc!”)
[126] Theo “Trong tất cả những mối quan hệ, tình bạn là tốt nhất và sẽ luôn là như vậy.” (Thành ngữ Ireland; “Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Trường Đại học Trinity Dublin”, nguoidothi.net.vn 3/10/2024).
[127] Mẹ (Cách gọi thân mật).
[128] Cách gọi thân thiết giữa người thân, bạn thiết…
[129] “Xem qua cũng thấy ‘trường ca thời sự’ này thuộc hàng kén chọn người đọc. Bởi để hiểu, riêng phần nội dung, người xem cũng phải có kiến thức nền kha khá và phải thường xuyên theo dõi bài vở thời sự, văn nghệ trên hơn chục trang mạng. Thí dụ: để xem qua dẫu chỉ tên các bài báo, tác phẩm, câu thơ-văn trích dẫn ở… 325 chú thích trong trường ca thì đã ‘vỡ óc’ rồi! Dù trường ca đề cập nhiều vấn đề gai góc, đau đầu, sâu xa, nhưng người đọc vẫn cảm thấy nhẹ nhàng nhờ sự dí dỏm, hài hước của ngôn từ. Không hiếm chỗ, giai điệu thơ trường ca phảng phất hương vị đồng dao, dân gian. Tôi thấy đây như một kiểu ‘Biển đảo thi sử ký toàn thư.’” (Ký giả Tran Xuan Hoa; Nhận định qua email, Sài Gòn 4/10/2024).
Mời xem tiếp phần Phụ lục.
[130] Theo “Nhưng chúng ta luôn sát cánh / Gìn giữ ngôi nhà của ta / Dưới thoải có uy vũ của Thủy Thần / Trên thượng có hùng thiêng của Sơn Thần / Các con nhớ mình không đơn độc / Các con nhớ chúng ta là một nhà… / Mẹ Tiên hôn lên trán các chàng trai / Trộn suối tóc ngàn mây của mình trong sóng / Cánh tay và tấm ngực trần ôm lấy người Cha / Cuộc hội ngộ nhà Tiên Rồng trên mênh mông biển / Tiếng chim mừng ríu ran / Màu bình minh ưng ửng / Biển choàng khỏi cơn mơ / Nhìn bốn bề / Thấy Mẹ, Cha và những người con là Đảo” (Trích thơ Phạm K. Khanh, bài Giấc Mơ Trên Biển).
[131] Thơ Đỗ Quyên.
[132] Thơ Nguyễn Nhược Pháp.
[133] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).
*Đỗ Quyên: Quần–đảo–tráo–tên (Kỳ 1)