Đỗ Quyên: Quần–đảo–tráo–tên (Kỳ 6)
Quần-đảo-tráo-tên
Trường ca thời sự
CHƯƠNG KẾT
BỜ NAM CẢNG BIỂN TẬP KẾT
(Điệp khúc)
… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?
Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần giữ đảo? [1]
Trường ca này không thể không viết! [2]
… Mỗi dăm chục hải lý đất liền
ta lại nghĩ
ta lại tích
Gần như là thật
không nói cho đẹp
hành hương quê nhà
bao lần ven biển
phút thống khoái nhất
đường trường xe buýt
quán dừng thứ nhất
thị trấn chăm gốc
sóng chồm táp mặt
mão áo cuốn đi
chả dám lao theo
nhập vào biển biếc
này đây thân xác
anh hùng biển rơm
anh hùng rơm biển
mỗi dăm chục hải lý đất liền
tích được mớ nào câu ý sướng hơn điên
(điên kiểu Thi sĩ trung niên [3] bảo sao không sướng)
cho bản trường ca biển đảo Tổ quốc hình chữ S
nhủ
tụng
niệm
tên bài lúc này
hay dở mặc bay
quần-đảo hai chữ
phải lộ thiên ngay
nội dung nội hàm nội lực nội công nội thất nội tạng
như giời ngang bể
ném cho chó đói
chó quẩy đuôi chê
phỉ phui mày cái đồ trường-ca-ca
đừng con nhé
thiếu hụt
cụm từ quần-đảo
khấn
niệm
tụng
Đây không nói chữ
đấy gần như thật…
Đâu đến nỗi bạn thơ giễu cợt
Chưa tới đảo xa hành nghề nói dóc
chưa lội biên cương hành nghề nói thêm
chưa dạo bắc phương hành nghề nói trạng
chưa lùng nam phương hành nghề nói càn [4]
Đòi đảo bằng thơ
đòi thở bằng dao [5]
*
Phác thảo
đêm mơ tên bài
Quần đảo mất ngủ
Vài bữa kế
sáng thiền dang dở
Quần đảo mất tên
(a cái này hơi nhạy cảm thảy liền)
Bữa nọ đào hào sân hoang vườn nhỏ
Quần đảo tráo tên
nghe ngang tàng
thấy ghét
Hoàng hôn
chờ cơm
chờ cơm
hoàng hôn
cố thử sao nhẹ hơn
cho nó lành
thì đôi lúc thơ trường ca cũng cần ngoan tí
Quần đảo mạo tên
Một điều nhịn chín điều lành
ăn theo tục ngữ
(“một” và “chín” đều những số từ phiếm chỉ ý các cụ khuyên cháu con nhường nhịn nhún nhường chút chút hòng mong kết quả tốt đẹp dài lâu câu răn thể hiện cái tinh sự tế nơi đối nhân xử thế thời xưa [6])
trang lứa 4.0 biết rồi tội lắm nghe mãi [7]
thì cái trường-ca-ca còi đây thi pháp phiếm chỉ đó thôi
dám xin hỗn tổ tông nào phát hiện câu đoạn nao hồi chương nao trực chỉ đích danh người vật địa điểm nơi chốn sự kiện con lãnh phạt cõng ngài vòng vo hồ trả kiếm
Không
nhịn hoài nhịn hủy
ờ đã mấy ngàn năm rồi đấy nhỉ [8]
Chốt tít
QUẦN-ĐẢO-TRÁO-TÊN
gạch nối liền tù tì
được quả vần lưng tiện miệng dân ta
lại lột trần cả cái danh trâng tráo
ắt thuận lòng thiên hạ
Quần-Đảo-Tráo-Tên Đy [9]
*
Nửa thế kỷ
chẵn
75 cột mốc thịt xương
gióng trời cao lãnh hải
tiên phong
Trung tá
Hạm trưởng hộ tống hạm HQ-10 [10]
các anh chết làm gì có mộ
làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
chỉ còn đảo trên nền đất nước giữa trùng dương
điều khốn nạn vẫn là cả khi máu đổ
đảo chưa gần chưa thật đảo của chúng ta [11]
thêm nhiều lần Tổ quốc phải sinh ra [12]
Ô hô ai tai
75 liệt sĩ anh hào
đảo xanh máu đỏ sóng gào đòi tên
Trường ca quần đảo
Trường ca quần đảo
Trường ca quần đảo…
ĐưHà Nội & Sài Gòn (Phác thảo 19/1)
Vancouver (Chấp bút 14/3 – Hoàn thành 28/8 – Tu chỉnh 10/12/2024)
(Hết)
ĐỖ QUYÊN
***
Phụ lục
A. VÀI TRÍCH DẪN THAM KHẢO CĂN BẢN
* “Tranh chấp biển Đông bị hiểu sai”
“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của biển Đông trước thế kỉ 20” (Lê Oa Đằng – Đài Loan & Hoa Kỳ, 2016)
– Trích Lời Nói Đầu [13]
[…] Vì những lí do lịch sử và địa lí, quyền sở hữu các đảo ở biển Đông là rất mơ hồ. Hiện tại, có tới 6 quốc gia và 7 bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp và các quốc gia này đã trải qua những thay đổi phức tạp về chính phủ trong thế kỉ 19 và 20. Các quốc gia liên quan trong lịch sử và trên thực tế bao gồm Mĩ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp và Tây Ban Nha, điều này càng làm vấn đề thêm phức tạp.
Các tranh chấp ở biển Đông bao gồm xung đột lợi ích ở các cấp độ sau:
Thứ nhất là tranh chấp lãnh thổ. Năm quần đảo ở biển Đông – Pratas (Đông Sa), Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa), Macclesfield (Trung Sa) và Scarborough (Hoàng Nham) đều có tranh chấp lãnh thổ. […]
Thứ hai là tranh chấp chủ quyền vùng biển. […]
Thứ ba là tranh chấp tài nguyên trên các đảo […] chủ yếu là phốt phát, và trong nửa đầu thế kỉ 20 đó là lợi ích kinh tế chính của các quần đảo ở biển Đông. […]
Thứ tư là tranh chấp tài nguyên biển, chủ yếu là thủy sản. […] Tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông khiến ngư dân các nước chịu nhiều rủi ro […]
Thứ năm là tranh chấp về tài nguyên đáy biển, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Sau khi phát hiện ra dầu dưới đáy biển ở biển Đông vào những năm 1960, dầu khí đã thay thế thủy sản trở thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất ở biển Đông […]
Thứ sáu là vị trí chiến lược và tự do hàng hải. Kể từ thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, biển Đông đã là một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng giữa Đông Á, Nam Á và phương Tây. […] Cũng trong thế kỉ 20, tranh chấp biển Đông chính thức bước ra vũ đài quốc tế. Trong nửa đầu thế kỉ 20, lợi ích lớn nhất của các tranh chấp biển Đông nằm ở vị trí chiến lược của nó. Cho đến ngày nay, tự do hàng hải ở biển Đông vẫn là tâm điểm được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt là những quốc gia không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ, vùng biển.
Bên cạnh những xung đột lợi ích thực tế ở 6 cấp độ trên, giống như vấn đề biển Hoa Đông, yếu tố phi lí về tình cảm dân tộc chủ nghĩa cũng đóng vai trò quan trọng trong tranh chấp biển Đông. Điều này chủ yếu tập trung giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia tranh chấp chính. Trong lịch sử, Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ lâu dài, sau khi giành được độc lập vẫn còn bị Trung Quốc xâm lược, cuối cùng phải chấp nhận thân phận một nước chư hầu. Sau khi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam trỗi dậy vào cuối thế kỉ 19, lịch sử này đương nhiên bị coi là lịch sử nhục nhã. Sau thế chiến thứ hai, Việt Nam bị chia cắt, Trung Quốc (Bắc Kinh) “thắt lưng buộc bụng” hậu thuẫn cho phe CS Bắc Việt đánh VNCH và Mĩ. Nhưng sau khi thống nhất, Việt Nam gần như ngay lập tức xa rời Trung Quốc và quay sang Liên Xô vốn có mâu thuẫn với Trung Quốc. Còn Trung Quốc, sau khi bắt tay với Hoa Kì, đã phát động chiến tranh chống Việt Nam vào cuối những năm 1970. Trung Quốc coi Việt Nam là “vô ơn” và Việt Nam coi Trung Quốc là “nước lớn”. Sau nhiều năm tuyên truyền, các đảo ở biển Đông đã thuộc về đất nước của họ “từ xa xưa”. Lí thuyết đã ăn sâu vào tim óc của người dân. Hận cũ chồng lên hận mới, tinh thần dân tộc chủ nghĩa đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Khi nói đến giải pháp cho vấn đề biển Đông, yếu tố bất hợp lí này phải được các nhà hoạch định chính sách xem xét một cách nghiêm túc. […]
Hơn nữa, để củng cố lập luận của mình, dù là chính phủ hay giới truyền thông và các chuyên gia Trung Quốc, khi giải thích về lịch sử và pháp lí của những tranh chấp này, họ luôn đưa ra một số lập luận rõ ràng là vi phạm và phóng đại lịch sử và thực tế. […]
Dưới đây là một vài ví dụ:
(1) Nam Sa từ xưa tới nay là lãnh thổ của Trung Quốc? Chưa thể xác định đúng sai. […]
(3) Đường 9 đoạn không bị phản đối trong hơn 30 năm sau khi được ban hành? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng. […]
(4) Việt Nam luôn công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa từ trước những năm 1970? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng.
[…] với tư cách là một phần không thể tách rời của Việt Nam hiện đại, quốc gia có chủ quyền lúc bấy giờ là Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt) luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và cũng đóng quân trên hai quần đảo này. Sự chia cắt của Bắc Việt và Nam Việt là kết quả của các điều khoản trong điều ước quốc tế “Hiệp định Geneva”, trong đó Nam Việt là chủ nhân thực sự của quần đảo Trường Sa cả trên danh nghĩa lẫn trên thực tế. Trước khi Việt Nam thống nhất, Bắc Việt không liên quan gì đến Hoàng Sa và Trường Sa cả về pháp lí lẫn thực tế. {…]. Nam Việt sau khi thất bại, không phải bị Bắc Việt trực tiếp thôn tính mà trước hết thành lập một quốc gia ở phía nam, sau đó hai quốc gia hợp nhất. Một nước Việt Nam mới như vậy không thể đánh đồng với Bắc Việt, mà về mặt pháp lí là một quốc gia sau sự hợp nhất của Nam Việt và Bắc Việt, kế thừa các lãnh thổ của Nam Việt và Bắc Việt. Vì vậy, những tuyên bố trước đây của Bắc Việt không thể đơn giản đánh đồng với thái độ của nước Việt Nam Mới. […]
Để tìm ra sự thật của vấn đề biển Đông, trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề biển Đông là một vấn đề phức tạp và mơ hồ, còn lâu mới đơn giản và rõ ràng như trắng với đen, […]. Ví dụ, nếu bạn đọc kĩ bài viết của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng trong đó có rất nhiều lỗi, đầy những khẳng định mang tính phỏng đoán và khái quát, cũng như những trích dẫn tài liệu có tính lọc lựa và có chủ đích […] để mọi người hiểu trọn vẹn, đầy đủ và đúng đắn về lịch sử và thực chất của tranh chấp biển Đông thì nó hoàn toàn không đạt yêu cầu. […]
Trong nghiên cứu về lịch sử và luật pháp quốc tế biển Đông, nghiên cứu về lịch sử cổ đại của biển Đông vẫn còn là một mắt xích tương đối yếu. Lí do chính là giới học thuật phương Tây tương đối trung lập không quen thuộc với các tài liệu chủ yếu viết bằng chữ Hán (kể cả tư liệu lịch sử Trung Quốc và Việt Nam), nên họ chỉ có thể trích dẫn một số lượng lớn các nghiên cứu của các học giả Trung Quốc hoặc Việt Nam […] cuốn sách này bổ sung rất nhiều phân tích ban đầu, phác thảo lịch sử cổ đại của biển Đông từ góc độ lịch sử và học thuật, cũng như so sánh và phân tích quan điểm và bằng chứng của các bên khác nhau về biển Đông, nhằm thảo luận và hiểu một cách khách quan về vấn đề biển Đông từ một quan điểm trung lập.”
– Trích đoạn cuối cùng của sách
“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 9)”, vanviet.info 30/10/2024.
“Về những dữ liệu khảo cổ học này, Việt Nam vẫn còn nghi ngờ, cho rằng Trung Quốc giả mạo bằng chứng, bởi phần lớn những kết quả khảo cổ này có được sau khi Trung Quốc thật sự nắm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1975. Các di tích và kiến trúc ở Hoàng Sa và Trường Sa quả thực có loại vấn đề này, trong 100 năm qua, Hoàng Sa và Trường Sa đã đổi chủ nhiều lần, mỗi lần đổi chủ, quốc gia thống trị mới đều bận rộn phá bỏ những “dấu vết” do người trước họ để lại, do đó rất khó để có được dữ liệu khảo cổ chính xác về lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc có thể không làm giả chứng cứ như Việt Nam cáo buộc, nhưng cũng không thể cố tình tìm kiếm di tích do người nước ngoài để lại, dù có tìm được di vật cũng không báo cáo mà chỉ báo cáo có chọn lọc những kết quả khảo cổ có lợi cho mình. […] Trước tình hình phức tạp của Hoàng Sa và Trường Sa, việc tiến hành khảo cổ học ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách toàn diện và công bằng dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. […]
Tóm lại, từ thời Tống đến đầu thời Thanh, sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc đối với biển Đông cho thấy một quá trình “lên đến đỉnh điểm rồi suy giảm”. […] Tuy nhiên, ngay cả ở thời kì đỉnh cao, biển Đông vẫn chưa thể trở thành một “ao nhà Trung Quốc”. Biển Đông vẫn là nơi các nước có thể tự do đi lại. Trong mấy thiên kỉ qua, Trung Quốc chưa bao giờ cai trị quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chưa gộp các đảo ở biển Đông vào khu vực hành chính của mình và không có bằng chứng về hoạt động mang tính nhà nước ở các đảo ở biển Đông. Người Trung Quốc có thể đã phát triển quần đảo Hoàng Sa sớm nhất và đến quần đảo Trường Sa vào cuối thời Thanh, nhưng họ chỉ giới hạn trong các hoạt động tư nhân của ngư dân và những hoạt động như vậy khó được coi là thể hiện ý chí quốc gia theo luật pháp quốc tế.”
* “Đường 9 đoạn đã trở thành khái niệm mơ hồ nhất, cũng là khái niệm gây tranh cãi nhất.”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (8)”, vanviet.info 15/11/2024.
“Sau khi công bố đường chữ U [năm 2009], Trung Quốc tuyên truyền rằng trong thời gian dài không có nước nào đưa ra phản đối. Cách nói này tưởng đúng mà sai. Sự thực là bất kể đường chữ U có ý nghĩa là gì thì yêu cầu thấp nhất cho đường chữ U là các đảo trong đó thuộc chủ quyền Trung Quốc, nhưng sau Thế chiến II đều liên tục gặp phải sự thách thức và phủ định bằng lời nói hoặc hành động […]. Các nước không chĩa vào đường chữ U rõ ràng có lẽ chỉ là hệ quả của việc Trung Quốc chưa hề đưa ra định nghĩa chính thức về đường 9 đoạn.
Dù sao Trung Quốc cũng đã vẽ một vòng lớn như vậy ở biển Đông, vì vậy lập trường của chính phủ Trung Quốc là kiên định với phần trong vòng lớn này. Đây vừa là một di sản cũng là một mối họa của Trung Quốc. Hiện nay đường 9 đoạn đã trở thành khái niệm mơ hồ nhất, cũng là khái niệm gây tranh cãi nhất. Vấn đề biển Đông khó mà giải quyết, hơn nữa nguyên nhân để nhiều thế lực ngoài khu vực can dự vào phần lớn cũng chính vì đường này. Đó là chuyện về sau.”
* “Không có yêu sách của bên nào đối với biển Đông là không thể tranh cãi”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông”, Tlđd.
– Trích lời tóm tắt sách
“[…] mặc dù có một số lượng lớn các bài báo và sách về biển Đông, nhưng khó có thể tìm thấy có một công trình nào xem xét và phân tích khách quan và thấu đáo các tư liệu lịch sử về biển Đông. Cuốn sách của tôi, Biển không có tranh chấp, Lịch sử bị bóp méo của biển Đông trước năm 1900 (2016), là nỗ lực đầu tiên để làm điều đó. Cuốn sách hiện tại này là phần tiếp theo, tập trung vào lịch sử hiện đại của biển Đông, tức là lịch sử sau năm 1900. […] Cuốn sách chỉ ra rằng không có yêu sách của bên nào đối với biển Đông là không thể tranh cãi. Giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế có thể là giải pháp tốt nhất, mặc dù giải quyết hòa bình tranh chấp là không hứa hẹn.”
– Trích lời tựa
“Trong những năm gần đây, tranh chấp về biển Đông (Nam Hải) đã trở thành tiêu điểm chú ý của quốc tế. Cùng với những tranh chấp truyền thống về lãnh thổ, về vùng biển, về tài nguyên, hiện nay tranh chấp biển Đông còn trở thành nơi đọ sức giữa Trung Quốc và Mĩ. Muốn hiểu tranh chấp biển Đông, trước hết phải đọc hiểu lịch sử của biển Đông để hiểu rõ ngọn nguồn của tranh chấp ở đây. Điều này xem như tiền đề cơ bản nhất, trên thực tế lại rất khó làm được.
[…] hầu hết các tường thuật về lịch sử biển Đông đều có liên quan rất nhiều đến lập trường của người tường thuật, vì vậy mà rất khó tìm được sách lịch sử tin cậy có liên quan đến biển Đông. Những sách lịch sử biển Đông mà người viết hiện tìm thấy được, dựa theo nguồn gốc có thể chia làm 3 loại: do Trung Quốc và Đài Loan xuất bản, do Việt Nam xuất bản và do phương Tây xuất bản. Hai loại đầu đều mang lập trường chủ nghĩa bản vị sâu đậm, khó nói là khách quan trung lập, loại cuối thì do hạn chế của tư liệu thu thập được nên thường không đủ độ sâu (đặc biệt đối với lịch sử biển Đông thời cổ và lịch sử biển Đông hiện đại trước Chiến tranh thế giới thứ hai).”
* “Tình trạng pháp lí của Trường Sa phức tạp hơn so với Hoàng Sa và Đông Sa”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (7)”, vanviet.info 13/11/2024.
“Nhìn tổng quát về tình trạng pháp lí các đảo biển Đông trong thế chiến thứ hai, Pratas (Đông Sa), Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không giống nhau.
Đông Sa là lãnh thổ của Trung Quốc được quốc tế thừa nhận rộng rãi, bị Nhật Bản chiếm đóng trong thời chiến tranh. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Trung Quốc có quyền thu hồi, điều này không hề có ý kiến khác nhau.
Hoàng Sa trước chiến tranh là quần đảo tranh chấp giữa hai nước Trung Quốc và Pháp, quốc tế chưa có kết luận rõ ràng. Trong chiến tranh mặc dù Nhật Bản chiếm đóng trong thời gian ngắn nhưng không hề tuyên bố sáp nhập. Vì vậy, sau khi Nhật Bản rút khỏi Hoàng Sa, tình trạng trước chiến tranh cần phải duy trì lại để hai nước Trung Quốc và Pháp giải quyết sau.
Còn Trường Sa trước chiến tranh là đảo tranh chấp giữa hai nước Nhật và Pháp, còn Trung Quốc chỉ là nước đưa ra yêu sách rất không rõ ràng, và trong thời chiến Nhật Bản đã sáp nhập Trường Sa vào Đài Loan, điều này khiến tình trạng của Trường Sa cũng có khả năng được xem là một bộ phận thuộc Đài Loan mà “trả lại” Trung Quốc. Tình trạng pháp lí của Trường Sa phức tạp hơn so với Hoàng Sa và Đông Sa.”
* “Không có một sự đồng thuận về “toàn bộ quần đảo Trường Sa” là gì”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (9)”, vanviet.info 17/11/2024.
Trung Quốc chia các đảo biển Đông thành quần đảo Đông Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa. Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) từ những năm 1810 đã thống nhất tên gọi là Paracel Islands, và phạm vi của nó không có sự tranh cãi trên thế giới. Hai bên tranh chấp hiện nay – Trung Quốc và Việt Nam – đều không tranh cãi về phạm vi của nó. […]
Tuy nhiên, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) [Spratly Islands], khái niệm phạm vi của nó đã trải qua các thay đổi phức tạp, mà những thay đổi này có ảnh hưởng tương đối lớn đối với vấn đề quy thuộc. Tóm lại, khái niệm quần đảo Trường Sa (Nam Sa) xuất hiện rất muộn; hơn nữa đến hiện nay, phạm vi của nó cũng không có định nghĩa được công nhận thống nhất. Điều này có nghĩa là sẽ xuất hiện vấn đề rất lớn một khi chiếm đóng một số đảo nhất định rồi tuyên bố rằng chủ quyền của mình có thể được mở rộng ra toàn bộ “quần đảo Trường Sa”. Bởi vì bất kể từ lịch sử hay từ hiện thực đều không có một sự đồng thuận về “toàn bộ quần đảo Trường Sa” là gì.”
* “Trung Quốc sai lầm khi đánh đồng Bắc Việt là Việt Nam […] Thái độ mà Bắc Việt từng có, hoàn toàn không ảnh hưởng về mặt pháp lí đến lập trường của nước Việt Nam mới.”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (15)”, vanviet.info 29/11/ 2024.
“Bình luận “sự thay đổi thái độ” của Việt Nam về mặt pháp lí
Về ngoại giao, chính phủ Bắc Việt có tổng cộng 3 lần trực tiếp thừa nhận hoặc ngầm biểu thị Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc (nói chính xác hơn là 3 lần thừa nhận Hoàng Sa, 2 lần thừa nhận Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc…) […]
Về điểm này, cách giải thích chính thức nhất của Việt Nam là “Tuyên bố của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” ngày 7/8/1979. Điểm 2 viết: Việc Trung Quốc coi công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đó, là một sự xuyên tạc thô bạo, bởi vì tinh thần và lời văn của công hàm ấy chỉ đóng khung trong việc công nhận lãnh hải 12 hải lí của Trung Quốc.
Đối với giải thích của Việt Nam nên hiểu như sau: Thứ nhất, cần xét đến bối cảnh thời đại lúc đó. Trung Quốc nói Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Việt Nam, điều này không đúng. Trên thực tế, Phạm Văn Đồng chỉ là Thủ tướng của Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). […] Việt Nam “chân thành tin cậy Trung Quốc, cho rằng sau chiến tranh tất cả vấn đề lãnh thổ sẽ được giải quyết tốt đẹp trên cơ sở vừa là đồng chí vừa là anh em”. Bắc Việt thừa nhận chủ quyền và phạm vi lãnh hải của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa khiến hải quân Mĩ không thể tiến vào và lợi dụng những nơi này (nếu không sẽ thành thù địch với Trung Quốc) có lẽ cũng là xuất phát từ suy nghĩ tương tự. Thật ra, cân nhắc về mặt chiến thuật này có thể chỉ là thứ yếu, Bắc Việt có lẽ lo ngại rằng nếu chống lại Trung Quốc về những vấn đề này thì Trung Quốc sẽ giảm bớt, hoặc thậm chí ngừng giúp đỡ Bắc Việt. Vì vậy, theo những gì Việt Nam nói sau này, làm như vậy hoàn toàn là một kiểu tính toán quyền biến xuất phát từ lợi ích chung của phe cộng sản cũng như lợi ích tự thân của Bắc Việt, hoàn toàn không phản ánh ý muốn thực sự của Bắc Việt.
[…] Ngoài ra, rất nhiều báo chí, bản đồ, sách giáo khoa… của Bắc Việt Nam xuất bản khi đó đều xem Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc.
Những bằng chứng này kết hợp với những bày tỏ thái độ chính thức ở trên đã cho thấy đầy đủ khi đó Bắc Việt thật sự thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. […]
Vì vậy, về mặt luật pháp quốc tế, công hàm Phạm Văn Đồng (và các bày tỏ thái độ tương tự khác) xem ra rất bất lợi cho Việt Nam. Nhưng khi phân tích tỉ mỉ lại không phải vậy. Vì mấu chốt của vấn đề là từ đầu đến cuối chỉ có Bắc Việt (tức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc chứ không phải Nam Việt vốn kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa trên lí luận và thực tế. Nam Việt chưa bao giờ thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Thái độ của Bắc Việt khác với Nam Việt, cũng không thể đại diện cho nước Việt Nam sau khi thống nhất. […]
Chính phủ của Nam Việt ban đầu là chính phủ “Quốc gia Việt Nam” (State of Vietnam) do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu, sau năm 1956 trở thành chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). Năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa bị Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lật đổ, chính phủ này thành lập chính phủ nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Một năm sau, Bắc Việt và Nam Việt hợp nhất với nhau thành nước Việt Nam mới.
Dù trải qua mấy chính quyền, thời gian từ 1954 đến 1976, Nam Việt đều là một quốc gia có chủ quyền. Điều này là do:
Quan hệ của Bắc Việt và Nam Việt dựa trên các hiệp định quốc tế, giống như Bắc và Nam Triều Tiên. […]
Chính phủ Bắc Việt thừa nhận miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập. […] “Hiệp định hòa bình Paris” (Paris Peace Accords) kí kết năm 1973 đã thể hiện rõ ràng hai miền đều là quốc gia. Hiệp định này là văn kiện chính thức mà bốn bên Bắc Việt, Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa), Mĩ và Chính phủ Cách mạng lâm thời (miền Nam Việt Nam) (Provisional Revolutionary Government) kí kết. […]
Trong thời kì chiến tranh Việt Nam, chính quyền hợp pháp ở Nam Việt đương nhiên là Chính phủ Nước Việt Nam Cộng hòa, và đánh nhau với chính phủ hợp pháp này là quân du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Đảng Cộng sản miền Nam Việt Nam lãnh đạo. Vào năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Do đó, quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời cũng gần giống như quan hệ giữa chính phủ Quốc Dân đảng và chính phủ Đảng Cộng sản thời nội chiến Quốc- Cộng ở Trung Quốc. […]
[…] cả về mặt pháp luật lẫn trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa đều là lãnh thổ của Nam Việt chứ không phải là lãnh thổ của Bắc Việt. Vì vậy, việc Bắc Việt công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc không hề ảnh hưởng đến thực tế kiểm soát và yêu sách lãnh thổ của Nam Việt. Bắc Việt cũng không có cách gì đem lãnh thổ không thuộc về mình cắt cho Trung Quốc. Còn Nam Việt, cả chính quyền Bảo Đại, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lẫn Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Trung Quốc công nhận đều không thừa nhận Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Năm 1974, Trung Quốc chiếm được phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa từ trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau khi sự việc xảy ra, chính phủ Việt Nam Cộng hòa kịch liệt lên án Trung Quốc và đưa kháng nghị cho Liên Hợp Quốc. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Trung Quốc công nhận cũng không đứng về phía Trung Quốc, mà chỉ thừa nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp, đồng thời cho rằng cần phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. […] Vì vậy, trên thực tế Nam Việt có chủ quyền ở Hoàng Sa (từ góc độ của Việt Nam) và có quyền kiểm soát (phía Tây Hoàng Sa), không thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, và cũng không từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa sau khi mất quyền kiểm soát.
Cần phải chỉ ra là, sau Hải chiến Hoàng Sa cũng là lúc Bắc Việt thay đổi thái độ. Khi chỉ xét thái độ riêng của Bắc Việt thì rõ ràng ho đã vi phạm nguyên tắc “estoppel” (không được nói ngược). Nhưng tiếp sau là bước then chốt: sự thống nhất của Việt Nam hoàn toàn không phải Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam mà là sự thống nhất hòa bình của miền Nam và miền Bắc Việt Nam trên cơ sở bình đẳng. Theo Điều 15 của “Hiệp định hòa bình Paris” […]
Sau thất bại quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tháng 4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời giành được chính quyền toàn quốc ở miền Nam Việt Nam, và thành lập nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại Quốc Dân đảng giành lấy chính quyền và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Về mặt pháp lí, nó vẫn là Nam Việt và kế thừa tất cả quyền lợi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa.
Tháng 8/1975, sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa không còn tồn tại, nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng nộp đơn xin trở thành nước thành viên của Liên Hợp Quốc, đã được 123 nước thành viên ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng bị Mĩ phản đối nên không thành. Trung Quốc bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết này, và cho rằng hành vi của Mĩ “rõ ràng vi phạm hoàn toàn các quy tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nghị quyết có liên quan của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.” Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục công nhận chính phủ nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp của miền Nam Việt Nam.
Nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trải qua hiệp thương và trù bị, cuối cùng đạt được thỏa thuận thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nước Việt Nam mới) thống nhất vào ngày 3/7/1976.
Nước Việt Nam mới này hoàn toàn không phải là Bắc Việt thôn tính Nam Việt, mà là sự thống nhất giữa Bắc Việt và Nam Việt. […]
Về mặt lí luận, thái độ của nước Việt Nam mới đối với Hoàng Sa có thể dựa theo Nam Việt, mà cũng có thể dựa theo Bắc Việt. Nhưng trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Nam Việt và Trung Quốc mới là hai bên đương sự. Theo luật quốc tế, Bắc Việt chỉ là bên thứ ba không có liên quan về pháp lí […] Vì vậy, yêu sách của Nam Việt quan trọng hơn đối với nước Việt Nam mới, còn thái độ từng có của Bắc Việt hoàn toàn không có tính quyết định. […]
[…] nước Việt Nam mới đã kế thừa tất cả quyền lợi của Nam Việt và Bắc Việt, cũng đã kế thừa một cách tự nhiên yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa của Nam Việt từ trước đến nay, thái độ mà Bắc Việt từng có, hoàn toàn không ảnh hưởng về mặt pháp lí đến lập trường của nước Việt Nam mới.
“Tổng hợp những điều trình bày ở trên thì các văn kiện kiểu như công hàm Phạm Văn Đồng với tư cách là một văn kiện chính thức đối với bản thân Phạm Văn Đồng hoặc chính phủ Bắc Việt là có sức ràng buộc. Việc thay đổi thái độ của Phạm Văn Đồng và chính phủ Bắc Việt đối với Hoàng Sa sau năm 1974 là một dạng “estoppel”.
Tuy nhiên, do nước Việt Nam mới là một quốc gia mới được hình thành do sự hợp nhất của Nam Việt và Bắc Việt, và Nam Việt (chứ không phải Bắc Việt) luôn luôn kiên trì có chủ quyền đối với Hoàng Sa mới là bên đương sự về chủ quyền Hoàng Sa, nước Việt Nam mới sau khi kế thừa quyền lợi của Nam Việt, việc nước này có thái độ không giống với chính quyền Bắc Việt trước năm 1974 về vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không cấu thành “estoppel” theo luật pháp quốc tế.
Vì vậy, Trung Quốc dùng nguyên tắc “không được nói ngược” để chỉ trích Phạm Văn Đồng hoặc chính phủ Bắc Việt “nói lời không giữ lời” là có lí có chứng, nhưng khi Trung Quốc dùng nó để chỉ trích và tố cáo nước Việt Nam mới thì không nảy sinh tác dụng pháp lí nào theo luật pháp quốc tế.”
* “Việt Nam không hề muốn gây chiến, còn Trung Quốc khi đó cũng không muốn […] xung đột vũ trang. […] Hải chiến 14/3/[1988 ở Trường Sa] có thể chỉ là một trận chiến hết sức tình cờ.”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (16)”, vanviet.info 1/12/2024, Tlđd.
“Trung Quốc khảo sát ở vùng biển Trường Sa bắt đầu từ năm 1973 […] một trong những mục đích cũng là tìm kiếm dầu mỏ […] Từ đầu năm 1980 […] Trung Quốc đi theo hướng quy mô hóa […] tài nguyên dầu mỏ […] cáo buộc các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam… cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ ở Trường Sa “thuộc về Trung Quốc”. Đồng thời, dựa vào nguyên tắc “thu hồi lãnh thổ quốc gia”, sau khi giành được quyền kiểm soát Hoàng Sa, Trung Quốc cũng bắt đầu nóng lòng muốn có quyền kiểm soát đối với Trường Sa. […]
Hải chiến đá Gạc Ma (Xích Qua)
[…]
Tháng 4/1987, Việt Nam phái quân chiếm đảo đá Bạc (bãi Thuyền Chài) […]. Trung Quốc lập tức đưa ra phản đối cứng rắn [tại] Liên Hợp Quốc […] và tuyên bố dành quyền thu hồi lãnh thổ bị mất vào dịp thích hợp. Từ ngày 16 đến 19/5/1987, hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự lần đầu ở Trường Sa; cuối tháng 6 lại tiến hành diễn tập đổ bộ ở Hoàng Sa. […] Hành động của Trung Quốc ở biển Đông như đạn đã lên nòng, chỉ đợi thời cơ tốt. […]
Đá Chữ Thập là một đảo đá ở phía Tây quần đảo Trường Sa […] Đó là một rạn san hô hình lòng chảo kéo dài khoảng 26 km […] rộng khoảng 7,5 km. […] khi thuỷ triều lên một mỏm đá lớn nhất nổi lên trên mặt nước, chỉ lớn bằng cái mặt bàn, toàn bộ bãi đá bị một lớp nước biển cạn bao phủ. […] Tình trạng (status) của nó trong luật pháp quốc tế khá mơ hồ: giữa bãi triều thấp không thể có lãnh hải và đảo đá có lãnh hải,
[…] Ngày 6/11, Quốc Vụ viện và Quân uỷ Trung ương đồng ý xây dựng trạm quan trắc có người đóng giữ trên đảo Chữ Thập […] Việt Nam không phải không biết tí gì về hành động của Trung Quốc, khi tàu khảo sát khoa học Trung Quốc đến biển Đông mấy năm trước, Việt Nam đã cảnh giác rồi. Việt Nam cũng tiến hành điều tra nghiên cứu mặt biển khu vực đó, đồng thời cố hết sức chiếm đóng các đảo, đá có thể đứng chân được.[…] Đá Chữ Thập thuộc loại bãi đá mà Việt Nam cho rằng không tiện đóng quân, nhưng sau khi phát giác Trung Quốc có khả năng đóng quân ở đá Chữ Thập, ngày 18/1/1988 Việt Nam cũng phái nhân viên công trình đến đá Chữ Thập, chuẩn bị tiến hành xây dựng công sự trước một bước. […]
Ngày 30/1/1988, tốp công nhân xây dựng đầu tiên của Trung Quốc đã khởi hành đến đá Chữ Thập. Ngày 31, phía Việt Nam cũng phái 1 tàu vận tải của hải quân Việt Nam và 1 tàu cá vũ trang chở vật liệu xây dựng đến đá Chữ Thập, định xây dựng trạm ở đá Chữ Thập trước Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 tàu này bị “biên đội hộ tống” (do mấy chiếc tàu hộ vệ tổ thành) của Trung Quốc sớm chuẩn bị trước xua đuổi. Ngày 2/2 nhân viên xây dựng trạm của Trung Quốc đến đá Chữ Thập, ngày 5/2 họ đã xây dựng nhà giàn đầu tiên ở trên đảo. Ngày 3/2, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tổ chức lễ tuyên thệ trước khi xuất quân ở Trạm Giang, phái 2 tàu đổ bộ và vài tàu công trình đến đá Chữ Thập tăng viện. Đồng thời cũng điều động chiến hạm và máy bay đến vùng biển lân cận để tăng cường cho khu vực biển Trường Sa. Tình hình Trường Sa tiếp tục căng thẳng […].
Sau khi Trung Quốc chiếm đá Chữ Thập, tiêu điểm của hai bên Trung-Việt chuyến đến đá Châu Viên cách đá Chữ Thập 41 hải lí về phía Nam.
Ngày 12/2, đúng vào ngày 1 âm lịch, một tàu khu trục và một tàu hộ vệ của Trung Quốc hộ tống một tàu công trình tiến đến đá Châu Viên. Khi đang chuẩn bị đổ bộ, một tàu quét thuỷ lôi và một chiếc tàu vận tải của Việt Nam cũng đồng thời đến đá Hoa Dương chuẩn bị đổ bộ. Thế là hai bên đối đầu tại vùng biển đá Châu Viên. Không lâu, một số lính Việt Nam chèo thuyền cao su chuẩn bị đổ bộ lên đảo từ phía Đông. Không chịu tỏ ra yếu kém, Trung Quốc cũng phái 6 lính tổ thành đội đột kích đổ bộ lên đảo, tiếp cận từ phía Tây. 15 giờ 45 phút phía Trung Quốc đổ bộ lên đá Châu Viên trước, cắm quốc kì lên, nửa tiếng sau, quân Việt Nam cũng đổ bộ lên đá Châu Viên, cũng cắm quốc kì Việt Nam tại nơi cách quốc kì Trung Quốc 15 mét. Hai bên từ đối đầu trên biển phát triển thành đối đầu trên đảo đá. Vài giờ sau, trời bỗng nhiên đổ mưa, nước biển cũng bắt đầu dâng cao, binh lính hai bên đều bị ngâm nửa người dưới nước. Lính Việt Nam chống chịu không nổi, rút lui trước; còn lính Trung Quốc thì kiên trì bám lại trên đảo.
Trận đối đầu này đã kết thúc như vậy với thắng lợi thuộc về Trung Quốc. Đá Châu Viên là đảo đá thứ hai mà Trung Quốc chiếm đóng.
Và như một đối trọng, từ tháng 1 đến tháng 2 Việt Nam đã kiểm soát 5 đảo đá ở gần đó là đá Tây […], đá Tiên Nữ […], đá Lát […], đá Lớn […], đá Đông.
Dự liệu khả năng xuất hiện đối đầu, lúc này Trung Quốc đã làm tốt việc chuẩn bị đánh nhau với Việt Nam. Ngày 2/2, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương hỏi Lưu Hoa Thanh, khi đó là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh hải quân, về phương án chuẩn bị một khi nổ ra đánh nhau ở Trường Sa. […] Ngày 29/2, Đặng Tiểu Bình phê duyệt đồng ý phương án. Hạ tuần tháng 2, Trung Quốc cử Trần Vĩ Văn (khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh căn cứ hải quân Du Lâm, đã tham gia 4 trận chiến với Việt Nam) […] làm Tư lệnh biên đội […] Trước khi xuất phát, ông ta nhận được lệnh rằng mục tiêu của hành động lần này là giữ vững đá Chữ Thập và đá Châu Viên, ngoài ra còn cần phải kiểm soát 4 đến 6 bãi đá gần đó; nhưng đồng thời người đứng đầu Trung ương cũng chỉ thị “ngũ bất, nhất cản” (5 không, 1 đuổi), tức là “không chủ động gây sự, không nổ súng trước, không tỏ ra yếu kém, không chịu thiệt, không để mất thể diện, nếu địch chiếm đảo của ta thì phải đánh đuổi chúng đi.” […]
Sau khi biết được các hành động của Trung Quốc, Việt Nam quyết định lấy đá Gạc Ma làm điểm đột phá, châm ngòi trận hải chiến ngày 14/3. Đảo Gạc Ma là một rạn san hô vòng nhỏ nằm ở phía Đông đá Chữ Thập […], ở góc Tây Nam của cụm Sinh Tồn […] dài khoảng 5000 mét, rộng khoảng 400 mét. Nó chỉ cách đảo Sinh Tồn […] do Việt Nam kiểm soát khoảng 10 hải lí […]
Trung Quốc chỉ một cú đột phá đã đoạt được hoàn toàn quyền kiểm soát mấy đảo đá của Trường Sa.
Theo Trung Quốc, ngày 13/3, tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ 502 của Trung Quốc đến đá Gạc Ma. 14 giờ 25 phút thả xuống một thuyền nhỏ, chuẩn bị đổ bộ. Khoảng 15 giờ, 3 tàu chiến của Việt Nam cũng đến đá Gạc Ma. Họ chia quân thành 3 nhóm, tàu vận tải 604 thả neo ở đá Gạc Ma, tàu vận tải 605 thả neo ở đá Len Đao […] cách nó 5 hải lí […], tàu đổ bộ 505 đổ bộ lên đá Cô Lin […] cách nó 1 hải lí […], quân Trung Quốc đổ bộ lên đá Gạc Ma trước.
Ngày hôm sau, hai tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ khác của Trung Quốc là 531 và 556 đến tăng viện. Tàu 556 theo dõi đá Len Đao, còn tàu 531 và tàu 502 đối đầu với tàu Việt Nam ở đá Gạc Ma. Trong tình trạng yếu thế tuyệt đối, tàu vận tải của Việt Nam vẫn phái người đổ bộ lên đá Gạc Ma vào khoảng 6 giờ sáng, đồng thời vận chuyển vật liệu xây dựng và cắm quốc kì Việt Nam trên đảo đá này. Trung Quốc liền phái thêm nhiều lính đổ bộ lên đảo. Cuối cùng có 43 lính Việt Nam và 58 lính Trung Quốc đối đầu trên đảo. “Lính mỗi bên đứng thành một hàng ngang cách nhau 100 mét, từ từ tiến lại gần nhau, vì trên bãi đá nước sâu đến ngực, san hô không bằng phẳng, hai bên lại đều duy trì trạng thái cảnh giác cao độ, vì vậy tiến về phía trước rất chậm, khi cách nhau 30 mét, hai bên dừng lại, hình thành thế đối đầu.[…]
Theo tường thuật chính thức của phía Trung Quốc, khoảng 8 giờ rưỡi, một lính Việt Nam bước về phía trước mấy bước cắm cờ Việt Nam, một lính Trung Quốc xông ra vật lộn với lính Việt Nam. Một lính Việt Nam thấy vậy nổ súng trước, phía Trung Quốc nổ súng đáp trả. Binh sĩ trên tàu thấy vậy cũng hùa vào nổ súng theo.
Nhưng tàu Trung Quốc vừa có ưu thế hai chọi một, vừa có hỏa lực vượt trội. Sau mấy phút, tàu vận tải Việt Nam đã bị bắn chìm. Lính Việt Nam trên bãi đá cũng chịu hàng vào lúc 9 giờ. Hải chiến đá Gạc Ma là như vậy.
Cùng lúc đó, tàu đổ bộ 505 của Quân đội Việt Nam ở đá Cô Lin […] gần đó nổ súng vào tàu hộ vệ 531 của Trung Quốc, tàu Trung Quốc nổ súng đáp trả. Chẳng bao lâu, tàu 505 trúng liền 7 phát đạn, mất khả năng chiến đấu, cháy suốt 5 ngày. Tại đá đá Len Đao, khi tàu 556 của Trung Quốc đến đá Len Đao lúc 9 giờ 15 phút thì phát hiện lính Việt Nam đã đổ bộ lên đảo. Tàu 556 cảnh cáo lính Việt Nam và yêu cầu họ rời đi, nhưng lính Việt Nam nổ súng vào tàu 556, tàu 556 bắn trả. Mười mấy phút sau, tàu Việt Nam mất khả năng chiến đấu, rồi chìm ở gần đá Len Đao tối hôm đó.
Trận hải chiến này bao gồm 3 chiến trường, từ đầu đến cuối cuộc đối địch trên đá Gạc Ma chỉ kéo dài 3 tiếng 20 phút, thời gian thực chiến chỉ có 40 phút. Một tàu chiến Việt Nam bị bắn chìm, hai tàu bị thương nặng, hơn 400 người bị thương vong và mất tích, 9 người bị bắt. Còn phía Trung Quốc chỉ có 1 người bị thương, giành được thắng lợi hoàn toàn. […]
Người trong cuộc phía Trung Quốc sau này trả lời phỏng vấn, miêu tả tình hình trên đá Xích Qua khi đó có một số điểm khác so với phiên bản chính thống: sau khi hình thành thế giằng co, chỉ huy Trung Quốc là Trần Vĩ Văn hạ lệnh nổ súng trước, lính Trung Quốc do Vương Chính Lợi chỉ huy xông về phía Việt Nam, “Đỗ Hậu Tường xông vào lính cầm cờ phía Việt Nam, đoạt được cán cờ, bẻ gãy làm đôi”, gây ra đụng chạm thân thể và khiêu khích trước là phía Trung Quốc. Quân Việt Nam chỉ mới đưa súng lên ngắm, súng nổ là do phía Trung Quốc khi xông lên đoạt súng giằng co cướp cò.
Phiên bản miêu tả của phía Việt Nam khác hơn: khi giằng co trên đá Gạc Ma thì Trung Quốc nổ súng trước; ở đá Cô Lin (Quỷ Hám) và đá Len Đao (Quỳnh) thì tàu chiến Trung Quốc nổ súng vào hai tàu vận tải Việt Nam khi đang đi qua bình thường, ngoài ra một tàu treo cờ chữ thập đỏ đến ứng cứu người thương vong cũng bị tấn công.” Lời tố cáo này bị Trung Quốc bác bỏ.
Hai bên chỉ trích lẫn nhau đối phương nổ súng trước là việc thường thấy, khó phân biệt thật giả. Nhưng bất kể như thế nào, rốt cuộc vấn đề ai nổ súng trước này thật ra không quan trọng. Cốt lõi của chiến sự vẫn là việc Trung Quốc muốn tiến xuống biển Đông, thiết lập chỗ đứng ở Trường Sa, tốt nhất hiển nhiên là có thể không phải đánh nhau, nhưng Trung Quốc từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Khi đánh nhau, Việt Nam chỉ điều động tàu vận tải, với trọng tải và hỏa lực rõ ràng kém hơn tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ của Trung Quốc.
Trong thực chiến phía Việt Nam khó chịu nổi một đòn. Do đó, càng khó tưởng tượng Việt Nam chủ động khiêu chiến. Trên thực tế, Việt Nam đều rớt lại phía sau trong toàn bộ quá trình. Trung Quốc đổ bộ lên đảo nào, thì Việt Nam lẽo đẽo theo sau, hoàn toàn mất thế chủ động.
Thất bại của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Sau khi Nam Bắc thống nhất, Việt Nam gần như lập tức đối chọi với Trung Quốc, hoàn toàn ngả về phía Liên Xô vốn đang là kẻ thù của Trung Quốc, vẫn chưa hồi phục sức lực sau cuộc chiến tranh lâu dài mà đã đưa quân sang Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ. Trung Quốc tấn công hậu phương Việt Nam, Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba bùng nổ. Dù sau đó không lâu Trung Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam, nhưng chiến tranh ở biên giới Trung-Việt còn kéo dài nhiều năm. Việt Nam hầu như không có thời gian và sức lực dành cho việc phát triển kinh tế, dồn rất nhiều nguồn lực vào quân sự, đặc biệt là cho lục quân, do đó hải quân rất yếu kém. Ngược lại, đối với Trung Quốc chiến tranh biên giới chẳng qua như bệnh ghẻ ngoài da. Hải quân Trung Quốc tuy cũng không hùng mạnh, nhưng bước vào những năm 1980 đã không ngừng lớn mạnh. Đến năm 1988, thực lực của hải quân Trung Quốc đã hoàn toàn vượt trội Việt Nam. Để chống lại Trung Quốc, năm 1979 Việt Nam cho Liên Xô thuê căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột, Liên Xô hoàn toàn đặt mình ngoài cuộc. Liên Xô khi đó đã hòa dịu quan hệ với Mĩ và Trung Quốc, thậm chí có kế hoạch thu hẹp quy mô đóng quân ở Vịnh Cam Ranh. Còn giữa Trung Quốc và Việt Nam thì Mĩ ủng hộ Trung Quốc, nên Liên Xô khó mà vì những hòn đảo này để bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc (thậm chí với Mĩ). Việt Nam cũng đã đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng cứ điểm ở Trường Sa. Trước đó, Việt Nam đã khảo sát các đảo, đá ở khu vực này, hễ nghiên cứu phán đoán thấy địa điểm thích hợp đóng quân thì đã cố hết sức chiếm đóng. Căn bản là Việt Nam không lường trước được quyết tâm của Trung Quốc, ngay cả kiểu đảo đá trong trạng thái tự nhiên chỉ cao hơn mặt biển một hai mét như đá Chữ Thập […], đá Gạc Ma […], mà cũng cố chiếm lấy và đóng quân. Ngoài ra, trước đó ngày 10/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Hùng qua đời, ban lãnh đạo Việt Nam đang phải sắp xếp lại, điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị chiến sự của Việt Nam.
Nhưng liệu Trung Quốc có ý định giành được các đảo này thông qua phương thức chiến tranh hay không vẫn còn là một câu hỏi. […] Có rất nhiều tầng lớp dấu vết cho thấy Việt Nam không hề muốn gây chiến, còn Trung Quốc khi đó cũng không muốn mở rộng đến cấp độ xung đột vũ trang, mà chỉ muốn giành được các bãi đá này trong tình huống không nổ súng. Nhưng do Trần Vĩ Văn vi phạm chỉ thị của Trung ương mới dẫn đến Hải chiến 14/3. Cho nên Hải chiến 14/3 có thể chỉ là một trận chiến hết sức tình cờ. Đương nhiên, liệu khi đó Trung Quốc có thể chiếm được những đảo đá đó trong tình huống không nổ súng hay không, đó vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn.”
* Từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, “chủ quyền của các đảo ở biển Đông luôn bị tranh chấp”, “Ý kiến của cộng đồng quốc tế về vấn đề này không giống nhau”
“Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 17)”, vanviet.info 3/12/2024, Tlđd.
Trung Quốc mở rộng chiếm đóng Trường Sa
“Sau khi Hải chiến 14/3, thế giới lo lắng về xung đột không thể tránh khỏi ở Trường Sa giữa hai nước Trung, Việt. Mĩ bày tỏ sự quan tâm đến tình hình, nhưng không bênh vực bên nào. Liên Xô thì chỉ cung cấp sự trợ giúp tình báo cho Việt Nam. […] Trung Quốc có hứa sẽ không tấn công quân đội Philippines ở quần đảo Trường Sa […] Malaysia nhắc lại chủ quyền với Trường Sa. Dư luận quốc tế chuyển từ ủng hộ Trung Quốc sang ủng hộ Việt Nam. […] ASEAN bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với các vấn đề biển Đông, từng bước thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông […]
Ngày 13/5/1988, Trung Quốc gửi Bị vong lục cho Liên Hợp Quốc, phản bác yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Giữa Trung Quốc và Việt Nam lại nổ ra luận chiến một lần nữa. Việt Nam xuất bản Sách trắng thứ 4 về vấn đề biển Đông (bản năm 1988). […] Sau hải chiến, Việt Nam đã thắt chặt hợp tác với các nước có tranh chấp ở biển Đông khác.
Trong cuộc chiến đá Gạc Ma (Xích Qua) ở Trường Sa, Trung Quốc có thể nói là toàn thắng. […] Trung Quốc đã kiểm soát được đá Chữ Thập […] và đá Gạc Ma […], xây dựng cứ điểm đầu tiên ở biển Đông.
Ngày 2/8, Trung Quốc cử hành lễ khánh thành trạm quan trắc hải dương trên đá Chữ Thập. Căn cứ này có bến tàu, đê chắn sóng quanh đảo, nhà cửa, đường sá và sân bóng, có trồng cả dừa trên đảo, biến nó thành một đảo nhân tạo cỡ nhỏ. Từ đó, đá Chữ Thập trở thành căn cứ trung tâm của Trung Quốc ở Trường Sa.[…] Tháng 4/1991, một sân bay lớn trên đảo Phú Lâm […] thuộc Hoàng Sa đã được xây xong, sức mạnh quân sự có thể bao phủ Trường Sa […] nâng cấp quản lí thêm một bước nữa đối với khu vực “Tam Sa”. Tóm lại, sau năm 1988, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu có sự hiện diện quân sự ở Trường Sa.
Nhưng cùng trong thời gian này, Việt Nam cũng đã mở rộng sự hiện diện trên các đảo đá khác. Theo báo chí Trung Quốc, sau Hải chiến 14/3, hải quân Việt Nam lần lượt “xâm chiếm” đá Len Đao […], đá Cô Lin […] và đá Núi Thị […] hơn nữa còn xây dựng công trình quân sự trên những đảo đá này. Nước này cũng tăng binh lực, gia cố công trình quân sự trên 6 đảo đá đã chiếm đóng trước hải chiến […]. Đến tháng 5/1988, Việt Nam đã chiếm đóng hơn 20 đảo, đá. Cuối tháng 4/1989, trên đảo Nam Yết […] Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê và Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương của Việt Nam đã chủ trì lễ kỉ niệm 14 năm Việt Nam “giải phóng” quần đảo Trường Sa, đã thể hiện thêm một bước quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Hải chiến Gạc Ma năm 1988 là lần xung đột quân sự cuối cùng ở khu vực biển Đông. […] Trung Quốc vốn có thể thừa thắng truy kích, nhân cơ hội tiến xuống phía Nam. Nhưng Trung Quốc không có kế hoạch này, mà quan trọng hơn là tình hình thế giới bất ngờ có những thay đổi long trời lở đất, làm thay đổi hoàn toàn cục diện biển Đông. […]
Xác định rõ sự công nhận của quốc tế
“Trên thế giới không có lập trường thống nhất đối với sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa […]. Mĩ luôn cho rằng Trường Sa và Hoàng Sa là khu vực có tranh chấp, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lập trường trung lập đối với sự quy thuộc của chúng […] Pháp ủng hộ Việt Nam trong vấn đề quy thuộc của Hoàng Sa, nhưng dường như vẫn chưa công khai từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa. […] Thái độ của Liên Xô đối với Hoàng Sa và Trường Sa trước và sau khi nước Việt Nam mới thành lập có sự thay đổi […] Tại Hội nghị hòa bình San Francisco, Liên Xô phát biểu ý kiến ủng hộ chúng thuộc “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Nhưng sau khi nước Việt Nam mới thành lập, Liên Xô chuyển sang ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. […] Trong số các nước Đông Nam Á, sau Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia tuyên bố […] Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Trung Hoa Dân quốc. Cũng trong Hải chiến Hoàng Sa, Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan […] phát biểu ý kiến cá nhân, cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc (dù là Đại lục hay Đài Loan) […]
Tóm lại, sau Thế chiến thứ hai, tuyệt đại bộ phận quốc gia không có lợi ích lãnh thổ đều giữ thái độ trung lập, nhưng cũng có một số ủng hộ Trung Quốc hoặc Việt Nam. Ý kiến của cộng đồng quốc tế về vấn đề này không giống nhau. […]
Bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí nước ngoài
“Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đã đưa ra không ít tư liệu bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí của bên thứ ba để chứng minh rằng chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được quốc tế công nhận, nhưng chưa ai thực hiện một phân tích định lượng có hệ thống những tư liệu này. Những tư liệu này nếu xuất bản trước thế kỉ 20, thì có thể có giá trị pháp lí theo góc độ “bằng chứng lịch sử”. Nhưng nếu xuất bản sau tranh chấp chủ quyền, tác dụng sẽ rất hạn chế. Những bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí của bên thứ ba này khó được coi là thể hiện thái độ chính thức, đặc biệt là các xuất bản phẩm tư nhân của phương Tây không chịu kiểm soát của chính phủ, nhiều nhất chỉ có thể đại diện ý kiến của cá nhân, đặc biệt là bài viết trên báo, càng chỉ có thể đại diện lập trường riêng của tác giả. […]
Ở đây người viết đưa ra một số bản đồ có tính đại diện để minh họa cho luận điểm khác nhau của các ấn phẩm. Trong các bản đồ nước ngoài nửa đầu thế kỉ 20, theo người viết nhận thấy, chúng đều không dùng bất cứ hình thức nào (bao gồm chữ viết, màu sắc, đường phân giới…) để đánh dấu sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ hai, bản đồ của Nhật Bản xuất bản đã bắt đầu đánh dấu rõ quần đảo Tân Nam (tức Trường Sa) thuộc về Nhật Bản, đảo Hoàng Nham thuộc về Philippines, còn quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc […]
Tóm lại, thời gian từ sau Thế chiến thứ hai đến năm 1970, thế giới hoàn toàn không có cách hiểu chung về sự quy thuộc của các đảo biển Đông. Qua quan sát và phân tích các loại bản đồ khác nhau, trước năm 1970 quần đảo Trường Sa không có tên gọi như một chỉnh thể trên rất nhiều bản đồ. Ngoài ra, không có bản đồ nào mà tác giả xem được có vẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Có thể thấy rằng đường 9 đoạn hoàn toàn không phải là khái niệm được quốc tế chấp nhận rộng rãi. […] trước những năm 1970.
Kết luận: Sự cát cứ thời Chiến tranh lạnh
Mĩ là nước có quyền lực vượt trội duy nhất ở biển Đông nhưng giữ trung lập đối với vấn đề lãnh thổ các đảo ở biển Đông. Một mặt, thái độ này đã khuyến khích việc tranh giành giữa các nước đồng minh xung quanh biển Đông (Đài Loan, Nam Việt và Philippines), mặt khác cũng ngăn chặn sự mất kiểm soát trong tranh chấp giữa họ, ảnh hưởng đến đại cục “chống cộng”.
Đài Loan cố gắng duy trì quyền kiểm soát Trường Sa, nhưng không đủ sức với tới Hoàng Sa. Hoàng Sa trở thành tuyến đầu trong cuộc đối đầu giữa Nam Việt và Bắc Kinh.
Đầu những năm 1970 có ba sự kiện lớn làm thay đổi tình hình biển Đông.
Thứ nhất, việc phát hiện dầu mỏ ở biển Đông là nhân tố kinh tế đưa đến sức thu hút hơn cho cuộc tranh đoạt các đảo biển Đông.
Thứ hai, Bắc Kinh thay thế vị trí của Đài Loan tại Liên Hợp Quốc, đấu tranh ngoại giao của hai chính phủ Trung Quốc trong thời gian này đã tạo cơ hội cho các nước Philippines, Malaysia có thể chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa mà không gặp sự cản trở của Trung Quốc.
Thứ ba, Mĩ thân thiện với Trung Quốc, rút khỏi Chiến tranh Việt Nam và quyết định bỏ rơi Nam Việt, tạo cơ hội cho Trung Quốc bành trướng ở Trường Sa. Đây là nguyên nhân quan trọng để Trung Quốc đánh bại Nam Việt trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Nhưng sau đó Việt Nam thống nhất, đối đầu Trung-Việt trở thành tiêu điểm của vấn đề biển Đông. Trong Chiến tranh Trung-Việt 1979 và chiến tranh biên giới kéo dài sau đó, Liên Xô đều đứng về phía Việt Nam. Liên Xô thuê Vịnh Cam Ranh, hình thành thế lực đối đầu với Mĩ ở biển Đông. Giữa những năm 1980, Trung Quốc quyết tâm bành trướng xuống Trường Sa, nhưng khi đó các đảo tương đối lớn đã bị các nước khác chiếm đóng. Khi Mĩ, Xô rình rập nhau, Trung Quốc không có cách nào trực tiếp chiếm đoạt đảo, đành phải hướng tầm mắt đến các đảo đá không người mà các nước khác khó chiếm đóng. Cuối cùng, thông qua Hải chiến Gạc Ma, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập cùng các đảo đá khác, từ đó đặt chân xuống Trường Sa. Hải chiến Gạc Ma là cuộc chiến tranh nóng cuối cùng ở biển Đông. Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, tranh chấp các đảo ở biển Đông bước vào thời kì mới.
Đương nhiên, những năm 1970-80, tranh chấp biển Đông không còn giới hạn ở Trung Quốc và Việt Nam, mà giữa Việt Nam-Malaysia, Philippines-Malaysia, Philippines-Việt Nam thậm chí Malaysia-Brunei cũng đều có mâu thuẫn ở biển Đông. […] Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa họ đều không leo thang thành xung đột vũ trang, vả lại họ đều có mong muốn dùng phương thức hòa bình giải quyết vấn đề.
Trong thời kì này, không có thái độ được thế giới chấp nhận chung đối với chủ quyền của các đảo ở biển Đông, và hơn nữa do các bên đều đã đưa ra yêu sách chủ quyền nên việc đơn thuần chiếm đóng không thể xác định chủ quyền (mặc dù có lợi thế hơn đôi chút). Từ luật quốc tế, chủ quyền của các đảo ở biển Đông luôn bị tranh chấp.”
—————
Chú thích:
[1] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” W. Whitman, Tlđd).
[2] Theo “Trận này không thể không đánh” (Mao Trạch Đông, Tlđd).
[3] Nghệ danh của Bùi Giáng.
[4] Theo thơ Nguyễn Hàn Chung (Bài Một Khúc Hành Tân Thời).
[5] Còm của Đặng Thân sau khi đọc bản thảo này.
[6] Theo google.com 19/1/2024.
[7] Theo “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” (Ngạn ngữ hiện đại).
[8] Theo “Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ! Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” (Thơ Tố Hữu, bài Ta Đi Tới).
[9] Theo “Phạc Nhiên ĐY”, Tlđd
[10] “Hải chiến Hoàng Sa 1974” & “Ngụy Văn Thà” (vi.wikipedia.org 19/1/2024); “50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam” (Toshi Yoshihara & Mỹ Hằng, bbc.com 16/1/2024).
“Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (Phần dẫn nhập” (usvietnam.uoregon.edu 20/5/2024, Tlđd):
“Tóm tắt
Qua việc xem xét kĩ lưỡng khối lượng lớn bằng chứng lịch sử được ghi lại bằng các ngôn ngữ khác nhau, cuốn sách này dựng lại lịch sử “bị bóp méo” của các nhóm đá, rạn san hô và đảo nhỏ đang tranh chấp, và các vùng nước xung quanh chúng ở biển Đông (SCS) trước năm 1900. Nó làm rõ nhiều lập luận vướng mắc, ngộ nhận, thậm chí lệch lạc xung quanh vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước, rút ra các kết luận sau đây:
1) Biển Đông là vùng biển mở từ thời cổ đại, trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc, các tuyến đường thương mại trên biển Đông không phải do Trung Quốc phát hiện hoặc thống trị. Ngay cả trong thời hoàng kim của nó, tức là vào đầu triều đại nhà Minh, biển Đông không phải là một cái “ao nhà của Trung Quốc”.
2) Không có bằng chứng nào cho thấy người Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Người Chăm, ngày nay ở miền nam Việt Nam, rất có thể là những người đầu tiên phát hiện ra những quần đảo này.
3) Các bản đồ và các ghi chép xưa cho thấy không đủ bằng chứng để hậu thuẫn cho bất kì yêu sách chủ quyền nào. Dù một vài tài liệu có thể chỉ ra rằng Trung Quốc thể hiện việc quản lí thực tế quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thực hiện quyền quản lí quần đảo Trường Sa. Trung Quốc dã KHÔNG đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các đảo này trước năm 1900. Vào cuối triều đại nhà Thanh, giới hạn lãnh thổ trên bộ và trên biển của Trung Quốc là tại Nhai Châu, điểm cực nam của đảo Hải Nam.
4) Tuy nhiên, vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa có thể đã từng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc từ đầu thế kỉ 16. Và các hoạt động đánh bắt cá của họ đã mở rộng ra tới quần đảo Trường Sa sau giữa thế kỉ 19. Họ có thể là những người duy nhất tham gia liên tục và tích cực vào các hoạt động đánh cá gần các đảo đó trước thế kỉ 20.
5) Việt Nam từng bước xác lập chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18. Đến đầu thế kỉ 19, dưới thời Gia Long và Minh Mạng, Việt Nam đã giành được quyền sở hữu một cách chính thức và vững chắc. Quyền sở hữu này đã được các nước phương Tây công nhận rộng rãi, tuy nhiên sau khi Pháp xâm lược, Việt Nam đã mất quyền kiểm soát quần đảo này.
6) Không có quốc gia nào thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trước năm 1900. Brunei và Sulu có mối liên hệ lịch sử với quần đảo này vào thời hoàng kim của họ vào thế kỉ 16-18. Tuy nhiên, họ đã mất những mối liên hệ này sau khi bị suy tàn vào thế kỉ 19.
7) Người Philippines có thể là những người đầu tiên phát hiện ra bãi cạn Scarborough. Chính quyền thực dân Tây Ban Nha đã thực thi pháp luật đối với nó trong thế kỉ 18-19. Tuy nhiên, chủ quyền đã bị mất khi Tây Ban Nha nhượng Philippines cho Hoa Kì vào năm 1898.
8) Mặc dù các nước phương Tây đã thống trị biển Đông vào nửa sau thế kỉ 19, nhưng họ không có ý định sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa, để chúng trở thành đất vô chủ (Terra nullius) trên thực tế.
9) Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Pratas (Đông Sa) năm 1907-1909 đã châm ngòi cho “kỉ nguyên tranh chấp” kéo dài hàng trăm năm của biển Đông.”
“Quốc tế phản đối Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam” (Youtube 13/10/ 2024); “Thủ tướng phát biểu đanh thép tại ASEAN: Lên án mạnh mẽ Trung Quốc hành hung tại Biển Đông”, (Youtube 12/10/ 2024); “Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam”, bbc.com 5/10/2024:
Tuyên bố của Mỹ, Anh, Úc, Canada, Philippines đã đồng loạt lên án (việc phía Trung Quốc đánh bị thương, tịch thu tài sản ngư dân Việt Nam vào ngày 29/9) được đăng tải vào ngày 4/10, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm. “Tuyên bố của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ và thẳng thắn hơn những lần trước, gọi cách đối xử của Trung Quốc với các ngư dân là ‘thô bạo’. Sự việc xảy ra vào ngày 29/9, khi lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) ‘trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam’. Đáng chú ý, những ngày gần đây, báo chí nhà nước ở Việt Nam cũng đăng một số bài viết về những hành động nguy hiểm của Hải cảnh Trung Quốc, lên án hành động tấn công ngư dân Quảng Ngãi, gọi đây là hành động “phi pháp”. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nói với BBC ngày 2/10 rằng vụ tấn công tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên nằm trong khu vực Đá Chim Én.
Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc. Suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, nơi đây là tâm điểm của nhiều xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng, khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này sau một trận chiến ngắn ngủi với Việt Nam Cộng hòa. Trận hải chiến cách đây hơn 50 năm đã giúp Trung Quốc tạo lập những “tiền đồn” vững chắc, từ đó đẩy mạnh các yêu sách của họ trên Biển Đông. Cũng từ đó, Biển Đông trở thành một trong những nơi rất dễ phát sinh xung đột.”
[11] Theo bài thơ Gửi Quần Đảo Trường Sa (Đỗ Nam Cao, Tlđd).
[12] Theo bài thơ Tổ Quốc Ở Trường Sa (Nguyễn Việt Chiến, Tlđd).
[13] usvietnam.uoregon.edu 20/5/2024, Tlđd.
*Đỗ Quyên: Quần–đảo–tráo–tên (Kỳ 1)
*Đỗ Quyên: Quần-đảo-tráo-tên (Kỳ 2)
*Đỗ Quyên: Quần-đảo-tráo-tên (Kỳ 3)
*Đỗ Quyên: Quần-đảo-tráo-tên (Kỳ 4)
* Đỗ Quyên: Quần-đảo-tráo-tên (Kỳ 5)