Dương Thắng: Vì sao Chủ nghĩa Tư bản luôn “giẫy chết” nhưng vẫn “sống dai”?

(Chủ Nghĩa Tư Bản Dưới Lăng Kính Phê Phán) 

*****

1. Có một thực tế đáng chú ý là trong thời gian gần đây, một lần nữa chủ nghĩa tư bản lại được đông đảo các nhà nghiên cứu lôi ra mổ xẻ, mọi phân tích đều dẫn về câu hỏi tối hậu: chủ nghĩa tư bản sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó? Không chỉ là những suy đoán mang mầu sắc tiên tri của giới truyền thông đại chúng (đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng) về một thứ “hậu chủ nghĩa tư bản” sinh ra ở thời đại kỹ thuật số, còn có rất nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong cũng bày tỏ lo ngại về các triệu chứng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và những kết cục có thể xảy ra. Điều này thực ra không có gì là mới mẻ. Những dự đoán về sự sụp đổ, sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản đã liên tục xuất hiện trong vòng 150 năm trở lại đây, nhưng tất cả những dự đoán này, cho đến hôm nay, đều mâu thuẫn với thực tế bởi những dự đoán này đều đã đánh giá thấp khả năng thích ứng và thay đổi của chủ nghĩa tư bản. Dẫu những tiên đoán này chưa hề khớp với thực tế, chúng ta vẫn cần phải xem xét chúng một cách nghiêm túc. Vì, giống như lịch sử của chủ nghĩa tư bản, ngay từ đầu đã luôn song hành cùng với những sự phê phán nó, những tiên đoán về hồi kết của chủ nghĩa tư bản, về cơ bản luôn giả định trước một ý tưởng, dù mơ hồ đến đâu, về những lựa chọn phi tư bản chủ nghĩa để thay thế cho chủ nghĩa tư bản, một điều đáng để chúng ta phải quan tâm.

2. Danh từ “chủ nghĩa tư bản” chỉ bắt đầu được sử dụng một cách thông dụng vào nửa sau thế kỷ 19. Nó được sinh ra từ những cảm hứng phê phán. Việc các tác giả xã hội chủ nghĩa hoặc dân chủ xã hội là những người đầu tiên đã sử dụng nó cho thấy rõ điều này. Thuật ngữ chủ nghĩa tư bản thường được sử dụng để mô tả những đặc điểm của thời đại khi đó – chẳng hạn như khuynh hướng tìm kiếm lợi nhuận ngày càng lớn hơn, tích lũy, cạnh tranh, công nghiệp hóa, hàng hóa hóa, bóc lột, cũng như các hình thức bất bình đẳng xã hội mới. Do đó, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khái niệm “chủ nghĩa tư bản” thường là một phần không thể thiếu trong các diễn ngôn nói về một quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội – một sự vận động hướng về một tương lai mới – những diễn ngôn này đôi khi là một ước vọng, đôi khi là một nỗi lo sợ hay ám ảnh, những sắc thái tùy thuộc vào việc người phát ngôn ra nó là ai. Nói tóm lại, hoặc chỉ khi nhớ về những gì đã hiện diện trong quá khứ hoặc ngược lại, chỉ khi nêu ra một viễn cảnh tương lai gắn với sự xuất hiện một xã hội xã hội chủ nghĩa, thì khái niệm “chủ nghĩa tư bản” mới có được một ý nghĩa nào đó.

3. Về tổng thể, mối quan hệ ngữ nghĩa này vẫn đóng một vai trò quan trọng cho đến tận ngày nay. Bởi vì nếu ý tưởng (sáng sủa hay mơ hồ) về các lựa chọn thay thế “phi tư bản chủ nghĩa” không còn hiện diện trong đầu chúng ta nữa, thì liệu còn có ý nghĩa gì không khi chúng ta “nhét chung vào một rọ” các hiện tượng rất khác biệt nhau như hoạt động tư bản thương mại cuối thời Trung cổ, chủ nghĩa tư bản đồn điền thuộc địa ở các khu vực bị người châu Âu chinh phục ở châu Mỹ và châu Á vào thời kỳ chiếm hữu thuộc địa, hoạt động của các nhà máy dựa trên sức lao động của người làm thuê trong cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19, hoặc như ngày hôm nay, bên cạnh những doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ là những tập đoàn khổng lồ trong hệ thống tư bản tài chính, những chuỗi cung ứng toàn cầu liên kết giữa lực lượng lao động làm thuê với đồng lương rẻ mạt ở Nam bán cầu với dòng sản phẩm ở các quốc gia phát triển ở Bắc bán cầu, sự xuất hiện đầy kinh ngạc và phát triển như vũ bão trong cuộc cách mạng số hiện nay của các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia, chẳng hạn như Google, Face Book, Uber SpaceX, Tesla, Amazon, Apple, Samsung, Alphabet, Microsoft?
 

4. Với một thực tế đa dạng và không ngừng biến đổi như vậy, ngày hôm nay việc trả lời câu hỏi: “chủ nghĩa tư bản là gì ?” trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần so với thời của Marx, vì thế ở bước kế tiếp, việc hình dung ra những lựa chọn “phi tư bản chủ nghĩa” (để thay thế cho chủ nghĩa tư bản) sẽ có diện mạo ra sao và sẽ vận hành như thế nào là một điều thực sự khó khăn ngay đối với những bộ óc lỗi lạc nhất trong thời đại chúng ta.

5. Vậy tóm lại “chủ nghĩa tư bản” là gì? Khó khăn lớn nhất ở đây là xây dựng được một tiêu chuẩn đủ “xác đáng” để có thể gộp chung vào trong một khái niệm duy nhất những hiện tượng vô cùng đa dạng như đã đề cập ở trên. Với một mức độ chính xác dù ít hay nhiều phải chúng ta phải làm rõ ra rằng chúng ta nói về điều gì khi chúng ta nói về “chủ nghĩa tư bản” (giống như tên một tập truyện ngắn của Raymond Carver : “chúng ta nói về gì khi chúng ta nói chuyện tình”) 

Dù chưa đi đến một định nghĩa thống nhất, nhưng các nhà nghiên cứu hầu như nhất trí rằng một nền kinh tế vận hành theo kiểu “tư bản chủ nghĩa” thường có những đặc điểm chung như sau: các cá nhân và tập thể phải có các quyền – nói chung đây là các quyền định đoạt tài sản – cho phép họ đưa ra các quyết định kinh tế một cách tương đối tự chủ và phi tập trung, cũng như tự chịu hậu quả cho những thành công và những thất bại có thể xẩy ra từ các quyết định của mình. Mặt khác, thị trường, với hệ thống giá cả và sự cạnh tranh của nó sẽ đóng vai trò là cơ chế phân bổ và điều phối thiết yếu. Mọi “hàng hóa”, trong những hình thức đa dạng nhất, bao gồm cả sức lao động, đặc biệt là lao động làm thuê, là một phần của chủ nghĩa tư bản. Cuối cùng, dòng vốn đóng vai trò trung tâm trong chủ nghĩa tư bản: các nhà tư bản sử dụng các nguồn lực của hiện tại để đầu tư với hy vọng thu được lợi nhuận lớn hơn trong tương lai. Nhưng đối với mọi khoản đầu tư, họ sẽ luôn phải đối mặt với sự không chắc chắn và rủi ro. Sự thay đổi, tăng trưởng và mở rộng quy mô trong các hình thức hoạt động kinh tế kiểu này, luôn được đánh dấu bằng những thăng trầm và bị gián đoạn bởi các cuộc khủng hoảng, đôi khi là rất nghiêm trọng.

6. Với cách nhìn nhận đó, chủ nghĩa tư bản được định nghĩa là một hình thức hoạt động kinh tế, tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ tạo ra rất nhiều tác động ở những cấp độ khác nhau đối với xã hội trên các phương diện văn hóa và chính trị, đạo đức và góp phần tái định hình những yếu tố này theo những cách khác nhau. Việc phân tích về khái niệm chủ nghĩa tư bản quan trọng ở chỗ nó buộc chúng ta phải đi tìm dấu vết ảnh hưởng của những hoạt động kinh tế trong các phân nhánh xã hội, trong thể chế và văn hóa của nó và do đó thúc đẩy chúng ta đi khám phá sự kết nối giữa lịch sử kinh tế với lịch sử xã hội, chính trị và văn hóa. Tuy nhiên, như việc nghiên cứu lịch sử của chủ nghĩa tư bản bằng cách so sánh các mô hình chủ nghĩa tư bản đương đại khác nhau cho thấy một bức tranh rất rõ ràng – chủ nghĩa tư bản có thể xuất hiện và phát triển trong những bối cảnh rất khác biệt nhau về xã hội, văn hóa và chính trị , chẳng hạn như ở hai hình thái xã hội rất khác biệt nhau như là Mỹ và Trung Quốc hiện nay. 

Vì vậy, không nên định nghĩa rằng chủ nghĩa tư bản như là một hệ thống hay hình thái chính trị – kinh tế – xã hội, một “sự hình thành xã hội” hoặc một “nền văn hóa”, bởi khi đó chúng ta đã tước đi khả năng thể hiện tính chất rất đa dạng của khái niệm “chủ nghĩa tư bản”. Không chỉ có vậy, rõ ràng là không thể có một định nghĩa “tốt nhất” hoặc “duy nhất” về chủ nghĩa tư bản, tuy nhiên điều đó không thể ngăn cản việc đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của các định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa tư bản. Như người ta vẫn thường nói “xác định” chính là “phân định”, một khi chúng ta đưa ra một định nghĩa về “chủ nghĩa tư bản”, điều đó đã ngầm chứa việc chúng ta hướng đến một lựa chọn “phi tư bản chủ nghĩa” nhằm thay thế cho chủ nghĩa tư bản.

7. Sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và sự lên ngôi của nó để trở thành hình thức hoạt động kinh tế thống trị trên toàn thế giới ngay từ đầu đã diễn ra trong một môi trường đối nghịch với nó trong đó sự hoài nghi và sự phê phán (chủ nghĩa tư bản) là rất mạnh mẽ . 

– “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn khó hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Chắc chắn, học thuyết đạo đức Kitô giáo ở châu Âu thời trung cổ, thông qua các bài giảng, hình ảnh và văn bản, đã thừa nhận vai trò hữu ích của thương nhân và giá trị đạo đức của công việc và tài sản. Tuy nhiên, trong học thuyết đạo đức này (như câu trích dẫn trong Kinh Thánh đã nêu ở trên đã chỉ ra), lòng tham tiền bạc rõ ràng được coi là gốc rễ của cái ác, và chiếm ưu thế là niềm tin rằng người này được lợi thường đồng nghĩa với sự mất mát của người kia. Cho đến tận cuối thế kỷ 16 và 17, chính thái độ hoài nghi và thiếu tin tưởng đối với chủ nghĩa tư bản này là rất phổ biến trong giới các nhà thần học, triết gia và học giả ở Châu Âu. 

– Bầu không khí trí tuệ thời đại đã có những thay đổi lớn vào thế kỷ 18 (thời kỳ Khai sáng). Bằng cách kiên quyết đi ngược lại xu hướng chủ đạo của Châu Âu Cổ đại, các triết gia như Montesquieu, Hume và Adam Smith không còn thấy có sự mâu thuẫn giữa kinh doanh và đạo đức. Theo họ, lợi thế mà người này có được không nhất thiết phải làm thiệt hại cho người kia. Thương mại giờ đây đã trở thành một lực lượng văn minh hóa, giúp khắc phục tình trạng man rợ, làm dịu đi những xung động hung hãn và rèn luyện đạo đức. Việc theo đuổi lợi ích cá nhân một cách hợp lý không còn gây tổn hại đến lợi ích chung mà trái lại sẽ thúc đẩy nó (Vì giai đoạn đó còn chưa xuất hiện khái niệm “chủ nghĩa tư bản”- trong các bài viết của mình, Adam Smith vẫn chỉ dùng thuật ngữ “xã hội thương mại”). Các nguyên tắc lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa tư bản được các triết gia Khai Sáng đánh giá cao: trong con mắt của họ, chủ nghĩa tư bản không chỉ tạo ra sự thịnh vượng ngày càng tăng, mà nó còn góp phần hình thành một trật tự xã hội mới, hợp lý hơn, không có sự bất bình đẳng về đặc quyền và không góp phần tạo ra sự độc đoán chuyên chế của những người nắm quyền lực.

– Tuy nhiên, vào thế kỷ 19 với sự ra đời của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, khuynh hướng hoài nghi và phê phán đã nhanh chóng quay trở lại và chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận của công chúng (phù hợp với quan điểm của đông đảo người dân). Một số người theo chủ nghĩa tự do, như Max Weber, chắc hẳn đã bị thuyết phục về tính ưu việt về mặt kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, Max Weber giống như một số triết gia cùng thời với ông không hề tán dương hay tụng ca chủ nghĩa tư bản như là một hiện tượng mang lại tiến bộ cho nhân loại và có khả năng hoàn thành tiến trình văn minh. Ngược lại, họ lo ngại sự cứng nhắc ngày càng tăng của hệ thống tư bản chủ nghĩa có thể đe dọa tự do và hành trình tìm kiếm tự do để phát triển của con người. Ở vào thời kỳ đó cả những người bảo thủ cánh hữu và cánh tả đều coi chủ nghĩa tư bản là một “thế lực xói mòn” nhưng không thể cưỡng lại nó: các hợp đồng kinh tế đã thay thế các lời tuyên thệ đức tin và niềm tin, xã hội thay thế cho các cộng đồng, các mối ràng buộc truyền thống bị tan rã, bị nghiền nát trong bánh răng của thị trường và cơn khát lợi nhuận, đe dọa nghiêm trọng các mối gắn kết xã hội. Riêng đối với cánh hữu, những lời chỉ trích chủ nghĩa tư bản thường lồng ghép vào với chủ nghĩa bài Do Thái. Trào lưu phê phán chủ nghĩa tư bản theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đã có sự tham gia của một lực lượng trí thức đông đảo, những người có khả năng huy động quần chúng. Những phê phán này chủ yếu nhắm vào việc bóc lột lao động thông qua việc sử dụng vốn, phê phán tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, hiện trạng bần cùng hóa của người lao động. Mặt khác, xuất hiện ngày càng nhiều những dự đoán về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản dưới sức nặng của những mâu thuẫn nội tại của nó và việc thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một cái gì đó mới mẻ: chủ nghĩa xã hội. Trong trào lưu phê phán chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ đó, Marx và những người kế thừa ông là những người đã thành công nhất trong việc xây dựng một lý thuyết kinh điển hoàn chỉnh để phê phán chủ nghĩa tư bản. Những lý thuyết này đã có tác động lâu dài và to lớn đến cách hiểu của xã hội về chủ nghĩa tư bản và đã chứng tỏ tính hiệu quả của chúng với tư cách là động lực trí tuệ của các phong trào xã hội, ở những mức độ và hình thức khác nhau, tạo thành những quan điểm phê phán cơ bản đối với chủ nghĩa tư bản. Nhưng có lẽ nằm ngoài chủ đích của những người đã sáng lập ra các học thuyết phê phán, những lời phê phán này lại đã giúp cho chủ nghĩa tư bản thay đổi và không ngừng hoàn thiện mình (vì thế người ta thường nói đùa rằng các nhà tư bản đọc Marx kỹ hơn cả các nhà Marxist).

8. Ngày hôm nay đang xuất hiện những đánh giá rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về chủ nghĩa tư bản. Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến lịch sử và có một chút hiểu biết về cuộc sống thường nhật ở những thế kỷ xa xưa hơn, khi mà nhân loại chưa hoặc chỉ vừa mới bước vào chế độ tư bản chúng ta sẽ thấy rất ấn tượng bởi những tiến bộ to lớn đã đạt được ở nhiều khu vực trên thế giới. Không chỉ bó hẹp trong giới thượng lưu như trong thời đại phong kiến, cuộc sống đại đa số quần chúng giờ đây cũng đã có những cải thiện đáng kể về các điều kiện vật chất để thoát khỏi cảnh túng quẫn, kéo dài tuổi thọ và tiến bộ về sức khỏe, tăng khả năng lựa chọn và tự do. Đây là những tiến bộ mà khi nhìn lại chúng ta phải thừa nhận rằng có lẽ nó đã không thể diễn ra nếu không có những biến động, áp lực đè nặng, những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ dẫn đến những thay đổi không ngừng, một đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản. Các lựa chọn phi tư bản đã từng được đề xuất để thay thế cho chủ nghĩa tư bản cho đến nay đều đã tự thể hiện là yếu kém hơn, cả trên phương diện tạo ra sự thịnh vượng cũng như khi việc tăng khả năng lựa chọn cho các cá nhân. Sự sụp đổ của nền kinh tế cộng sản ở Nga và một số nước Đông Âu vào những năm 80 của thế kỷ 20 dường như đã tạo ra những điểm nhấn quan trọng để đánh giá lại thành tích lịch sử của chủ nghĩa tư bản.

9. Bất chấp những thành công của chủ nghĩa tư bản như đã nhắc ở trên, trong các ngành khoa học xã hội/ khoa học nhân văn cũng như trong công luận, những lời phê phán chủ nghĩa tư bản và chống đối chủ nghĩa tư bản luôn rất phổ biến. Đầu tiên, đó là những phê phán lấy cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Ở phía những người cánh tả, cảm hứng phê phán thường gắn liền với sự phê phán những bất bình đẳng và các mối quan hệ phụ thuộc do chủ nghĩa tư bản gây ra. những lời phê phán cũng hiện diện ở bên cánh hữu, những lời phê phán của cánh hữu thường nhắm tới quá trình toàn cầu hóa, chủ nghĩa quốc tế và “chủ nghĩa phi bản địa”, (Donald Trump là một ví dụ điển hình)  

Trào lưu chống đối chủ nghĩa tư bản ở cấp độ “toàn diện” ngày càng lan rộng, điều khiến cho chủ nghĩa tư bản trở thành hiện thân của tính hiện đại “xấu xí” của phương Tây, hay thậm chí đơn giản là hiện thân của cái Ác, và cho rằng nó phải chịu trách nhiệm về hầu hết mọi bất hạnh của nhân loại (Một số nước theo Hồi Giáo ở Trung Đông, ví dụ như Iran là điển hình cho khuynh hướng này). Thật khó để tranh luận với hình thức chủ nghĩa cực đoan chống tư bản một cách phi lý như thế này.

Một số cách phản đối cũ hơn đối với chủ nghĩa tư bản thì đã mờ nhạt dần, chẳng hạn như cách phê phán cổ điển của chủ nghĩa Marx khi coi chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc của sự bần cùng hóa của giai cấp công nhân. “Vấn đề công nhân” không còn là vấn đề trọng tâm trong những lời chỉ trích chủ nghĩa tư bản, ít nhất là ở các nước phát triển kinh tế phương Tây. Vấn đề này lại càng trở nên mờ nhạt hơn ở cấp độ toàn cầu, trong bối cảnh mở rộng quy mô của cái gọi là chuỗi cung ứng ở Nam Bán Cầu trong quá trình toàn cầu hóa –đó là các chuỗi và mạng lưới phân phối quy mô lớn vốn đã được toàn cầu hóa, nó cải thiện đáng kể đời sống vật chất cho tầng lớp công nhân ở Nam Bán Cầu. Việc cổ phần hóa các công ty và người lao động, thông qua việc được hưởng cổ phẩn và trở thành những người nắm quyền sở hữu công ty càng làm cho vấn đề ” bần cùng hóa” của giai cấp công nhân càng thêm mờ nhạt dần.

10. Điểm lại những khuynh hướng / trào lưu phê phán chủ nghĩa tư bản từ trước đến nay có thể giúp cho việc làm sáng tỏ thêm lịch sử cũng như sức sống dai dẳng của chủ nghĩa tư bản. Và chúng ta có thể giải đáp , dù chỉ là một phần câu hỏi là tại sao ở các nước Bắc Bán Cầu nơi mà chủ nghĩa hoài nghi và khuynh hướng phê phán chủ nghĩa tư bản, vốn rất phổ biến và tồn tại dài lâu, lại không thể cản trở hoặc kiềm chế sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, kiềm chế sự trỗi dậy và chiến thắng của nó. Tầm quan trọng của sự phê phán đối với chủ nghĩa tư bản ở các nước tư bản phát triển thể hiện ở chỗ chúng đã có thể chuyển thành năng lượng chính trị và xã hội, dẫn tới những cải cách, thông qua trung gian của các quy định xã hội do nhà nước đề xuất – đã làm cho chủ nghĩa tư bản trở nên tương thích hơn với nhu cầu của con người, đã văn minh hóa nó và cuối cùng cũng đã nâng cao khả năng được chấp nhận bất chấp mọi lời chỉ trích và khả năng tự duy trì của nó. 

11. Tuy nhiên những nhận xét ở trên cũng không hề đảm bảo rằng chủ nghĩa tư bản, đến một lúc nào đó sẽ không đi đến cuối chặng đường lịch sử của nó và được thay thế bởi một hình thái “phi tư bản” nào đó , ví dụ như một loại hình ” chủ nghĩa xã hội sinh thái” một hình thái mới của chủ nghĩa xã hội, trong đó những vấn đề sinh thái và việc bảo vệ sự tồn vong của môi trường sống của loài người phải được đặt lên hàng đầu. 

***

Tài liệu tham khảo: chuyên đề về chủ nghĩa tư bản (Capitalisme/Kapitalismus) đăng trên tạp chí điện tử Trivium số 28 năm 2018. Do Hinnerk Bruhns, Patrick Fridenson và Jürgen Kocka đồng chủ biên (nguồn https://doi.org/10.4000/trivium.5658)

Trivium là một tạp chí điện tử được xuất bản bởi Éditions de la Fondation Maison des Sciences de l’homme, với sự hỗ trợ của các đối tác Đức và Pháp. Thông qua việc dịch các bài báo khoa học, Trivium tự coi mình là một công cụ trao đổi và hợp tác giữa các nền văn hóa và khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Dương Thắng