François Cheng: Năm Trầm Tư về Cái Đẹp, Hà Vũ Trọng chuyển ngữ (P. 2)

TRẦM TƯ THỨ HAI

Trong Trầm tư trước, tôi có nói rằng, bằng chuyển hoá những hữu thể thành sự hiện diện, tính độc đáo làm cho cái đẹp trở nên khả thi. Điều này không ngăn cản chúng ta đặt ra câu hỏi dai dẳng đó một lần nữa: thế giới không nhất thiết phải đẹp, nhưng nó thực sự đẹp; điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Liệu cái đẹp có phải chỉ là một thứ thừa thãi, một cái gì đó được thêm vào, một phụ gia trang trí, kiểu như “quả anh đào trên bánh cake”? Hay nó có nguồn gốc sâu xa hơn và tuân theo một chủ ý mang tính chất bản thể hơn?

Thế giới khiến chúng ta kinh ngạc vì sự tráng lệ, và Thiên nhiên tự bộc lộ vẻ đẹp vốn có, là một sự thật được chứng minh qua trải nghiệm chung của chúng ta. Đừng quên vẻ đẹp của khuôn mặt con người: khuôn mặt của những phụ nữ được các hoạ sĩ thời Phục hưng tôn vinh; khuôn mặt người đàn ông được mô tả qua một số những thánh tượng. Nếu chúng ta chỉ xét riêng về Thiên nhiên, sẽ không khó để nhận ra một số yếu tố tạo nên cảm giác chung về cái đẹp mà tất cả chúng ta đều trải nghiệm: Sự lộng lẫy của bầu trời đầy sao trong màn đêm xanh ngắt; vẻ tráng lệ của bình minh và hoàng hôn ở khắp mọi nơi trên thế giới; vẻ uy nghi của một con sông lớn chảy qua những hẻm đá và làm màu mỡ cho những đồng bằng; ngọn núi cao vươn lên với đỉnh phủ đầy tuyết, những sườn đồi xanh tươi và những thung lũng đầy hoa; một ốc đảo nở hoa giữa lòng sa mạc; một cây bách đứng giữa cánh đồng; vẻ đẹp ngoạn mục của đàn linh dương trên thảo nguyên; đàn ngỗng trời bay trên mặt hồ.

Tất cả những cảnh này đều quá quen thuộc đến nỗi chúng gần như trở thành những sáo mòn khiến làm giảm khả năng ngạc nhiên và thích thú của chúng ta, trong khi mỗi cảnh riêng biệt, mỗi lần đều độc đáo, lẽ ra nên mang đến cho chúng ta cơ hội nhìn thấy thế giới như thể lần đầu tiên, như thể vào buổi bình minh của thế giới.

Ở đây, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta. Vẻ đẹp tự nhiên mà chúng ta quan sát—liệu nó có phải là một phẩm chất cơ bản, vốn có trong vũ trụ tự sinh, hay là kết quả của sự tình cờ, ngẫu nhiên? Câu hỏi này là hợp lí vì theo một số lí thuyết, sự sống chỉ đơn thuần là kết quả của sự gặp gỡ ngẫu nhiên của các nguyên tố hoá học khác nhau. Như vậy, một thứ gì đó đã bắt đầu chuyển động và đó là cách mà vật chất được ra đời. Một số lí thuyết mô tả sự sống như một hiện tượng phụ, và để hình dung rõ hơn, như là một thứ “nấm mốc” trên bề mặt của hành tinh, và mất hút như một hạt cát giữa đại dương bao la của những thiên hà. Tuy nhiên, nấm mốc này bắt đầu vận hành và tiến hoá, ngày càng phức tạp cho đến khi nó sản sinh ra trí tưởng tượng và tinh thần. Không chỉ hài lòng ở việc vận hành, nó còn thành công trong việc tự duy trì bằng cách thiết lập các quy luật di truyền. Không chỉ hài lòng với việc di truyền, nó còn trở nên đẹp đẽ.

Thật đáng ngạc nhiên khi “nấm mốc” bắt đầu hoạt động bằng cách tiến hoá. Càng ngạc nhiên hơn khi nó có thể tồn tại thông qua việc tự di truyền. Nó có xu hướng, có thể nói là không thể cưỡng lại việc hướng tới cái đẹp, thật kinh ngạc! Thế là, vào một ngày đẹp trời, vật chất đã trở nên đẹp đẽ. Hay có lẽ, từ ban đầu, vật chất đã tiềm ẩn một hứa hẹn về cái đẹp, một khả năng hướng tới cái đẹp?

Chúng ta sẽ không tốn công vô ích để phân định giữa một lí thuyết “hoài nghi” (cynique) và một lí thuyết “truyền cảm hứng” (inpirante) hơn. Điều quan trọng đối với chúng ta là giữ trung thành với thực tại, với tất cả thực tại, phải đủ khiêm tốn để đón nhận tất cả những thực kiện réo gọi chúng ta, và không để chúng ta yên.

Chúng ta có thể quan sát một cách khách quan rằng, thực tế, cảm nhận của chúng ta về cái thiêng liêng, cái thần thánh, không chỉ đến từ việc nhận thức sự thật, tức là từ một điều gì đó tồn tại và đảm bảo chức năng của nó mà còn đến nhiều hơn từ vẻ đẹp, tức là từ một cái gì đó nổi bật với sự lộng lẫy bí ẩn, làm choáng ngợp và mê hoặc. Vũ trụ không còn xuất hiện như một thứ sẵn có; nó tự bộc lộ như một món quà, nó mời gọi sự công nhận và tôn vinh.

Trong tác phẩm La Parole et la Beauté (Lời nói và cái đẹp), Alain Michel, giáo sư danh dự tại Sorbonne, nói: “Như mọi triết gia Hi Lạp cổ đại đã tin tưởng, cái thiêng gắn liền với cái đẹp.” Tất cả những văn bản tôn giáo vĩ đại đều đi cùng một hướng. Không cần phải dẫn chứng, chúng ta có thể tự quan sát điều này. Chẳng phải sự hiện diện của một ngọn núi cao vời vợi được bao phủ bởi tuyết vĩnh cửu, Kant coi nó là một trong những thực thể siêu phàm, đã truyền cảm hứng kính sợ thiêng liêng cho những cư dân xung quanh? Chẳng phải trong những khoảnh khắc kinh ngạc tột độ, những khoảnh khắc gần như ngây ngất, mà chúng ta thốt lên, “Thật thiêng liêng!”?

Nếu tôi đưa ra dòng suy nghĩ của mình xa hơn, tôi sẽ nói rằng cảm nhận của chúng ta về ý nghĩa, cảm nhận về một thế giới có ý nghĩa, cũng xuất phát từ cái đẹp. Điều này đúng trong chừng mực mà thế giới này, được cấu thành từ những nguyên tố có thể cảm biết và có thể nhận thức, luôn có một định hướng rõ ràng, như một bông hoa hoặc một cái cây hướng tới việc hiện thực hóa khát vọng được rực rỡ trọn vẹn của sự tồn tại mà nó mang trong mình, cho đến khi nó thể hiện trọn vẹn sự hiện diện của nó trong thế giới. Trong quá trình này, chúng ta có thể tìm thấy ba nghĩa của từ “sens” trong tiếng Pháp: cảm giác, chiều hướng, và ý nghĩa.

Nói rằng con người có mối quan hệ với cái đẹp thì có lẽ chưa đủ. Trong hoàn cảnh bi thảm của mình, thực sự là con người tìm thấy ý nghĩa và niềm vui từ cái đẹp. Hơn nữa, khi chúng ta tiếp cận vấn đề về sự sáng tạo nghệ thuật, chúng ta sẽ cố gắng tham khảo một vài truyền thống thẩm mĩ lớn, và rút ra một số tiêu chí để đánh giá và phán đoán cái đẹp. Ở đây, chỉ cần nói rằng cái đẹp mà tôi đã chứng kiến không chỉ giới hạn trong những sự kết hợp của các đặc điểm bên ngoài, ở vẻ bề ngoài, và có thể được mô tả bằng một kho từ vựng phong phú: xinh đẹp, hấp dẫn, đầy màu sắc, lấp lánh, tráng lệ, thanh lịch, hài hoà, cân đối, và nhiều hơn nữa.

Vẻ đẹp hình thức tồn tại, điều đó hiển nhiên, nhưng nó không bao quát toàn bộ thực tại của cái đẹp. Điều này liên quan đến vấn đề Bản thể, được thúc đẩy bởi khao khát mãnh liệt về cái đẹp. Cái đẹp thực sự không chỉ nằm trong những gì đã được cho là đẹp; nó chủ yếu nằm trong sự khao khát và xung lực. Đó là một quá trình trở thành, và chiều kích của tinh thần hoặc tâm hồn là thiết yếu đối với nó. Do đó, nó được điều chỉnh bởi nguyên tắc sống. Vì vậy, trong tất cả các tiêu chí có thể, chỉ có một tiêu chí đảm bảo tính xác thực của nó: cái đẹp thực sự là cái đẹp đi theo hướng của Đạo, tiến trình này không thể cưỡng lại việc hướng tới đời sống mở—nói cách khác, một nguyên tắc sống giữ trọn vẹn lời hứa luôn mở ra. Tiêu chí này dựa trên nguyên tắc sống—và tôi không quên vấn đề về cái chết, mà chúng ta sẽ đề cập sau—loại trừ mọi việc lợi dụng cái đẹp như một công cụ lừa dối hoặc thống trị. Việc lợi dụng như vậy chính là sự xấu xí, và luôn dẫn đến huỷ diệt. Đúng vậy, luôn phải tránh nhầm lẫn giữa bản chất của sự vật và những cách mà nó được sử dụng. Điều đó mới thật đúng với cái đẹp!

Để làm rõ hơn những nhận xét của mình, tôi xin nói thêm: cái đẹp là thứ tồn tại gần như mãi mãi, một khao khát phát sinh từ bên trong những hữu thể, hay Bản thể, như một nguồn suối vô tận, mà hơn là một hình thức vô danh và cô lập, nó tự bộc lộ như một sự hiện diện rực rỡ, kết nối, khuyến khích sự đồng thuận, tương tác và biến hình.

Vốn thuộc về sự tồn tại chứ không phải về sở hữu, cái đẹp thực sự không thể được định nghĩa như một phương tiện hay công cụ. Về bản chất, nó là một phương thức tồn tại, một trạng thái hiện hữu. Hãy quan sát nó qua một trong những biểu tượng của cái đẹp: hoa hồng. Chúng ta có nguy cơ rơi vào diễn ngôn “đẫm mùi sến” (à l’eau de rose)! Hãy chấp nhận rủi ro này. Bằng cách nào thói quen và sự bóp méo đã khiến hoa hồng trở thành một hình ảnh có phần tầm thường, hơi sến sẩm, trong khi vũ trụ đã phải tiến hoá hàng tỉ năm để tạo ra thực thể kì diệu này từ sự hài hoà, nhất quán và quyết tâm?

Hãy chịu khó ngắm kĩ bông hồng này. Bắt đầu bằng cách nhớ lại câu thơ của nhà thơ Angelus Silesius xứ Silesia vào thế kỉ XVII, người cùng truyền thống với các nhà thần bí như Meister Eckhart và Jakob Böhme của phái huyền học Rheno-Flemish [Bỉ và Rhineland]:

Hoa hồng nở chẳng cần lí do,
hoa nở bởi vì hoa nở;
Chẳng màng tới bản thân nó,
cũng chẳng mong được ai thấy.*

(La rose est sans pourquoi, fleurit parce qu’elle fleurit;
Sans souci d’elle-même, ni désir d’être vue.)

Trước những câu thơ nổi tiếng và đáng ngưỡng mộ, ta chỉ có thể cúi đầu. Thật vậy, hoa hồng nở mà không cần biết tại sao, như mọi sinh vật sống, như tất cả chúng ta. Tuy nhiên, nếu một người quan sát ngây thơ muốn thêm điều gì đó thì có thể nói rằng: để là một bông hồng hoàn toàn, trong sự độc đáo của nó, mà không phải là thứ gì khác, tự nó cũng đủ là lí do tồn tại. Điều này đòi hỏi hoa hồng phải dốc toàn bộ sức sống mà nó có. Từ khoảnh khắc chồi non nhú lên khỏi mặt đất, nó sinh trưởng theo một hướng, như thể bị thúc đẩy bởi một ý chí không thể lay chuyển. Qua đó, một dòng lực được hình thành và kết tinh thành một búp nụ. Bắt đầu từ búp nụ này, những chiếc lá và sau đó thì những cánh hoa sẽ sớm hình thành và nở ra, tạo thành những đường cong, những nét uốn lượn, chọn lựa màu sắc và hương thơm. Từ giờ trở đi, không gì có thể ngăn cản nó đạt được dấu ấn của mình, thoả mãn sự khao khát được hoàn thiện, được nuôi dưỡng từ đất, nhưng cũng từ gió, sương, và những tia nắng mặt trời. Tất cả những điều này nhằm hướng tới sự viên mãn của tồn tại, một sự viên mãn đã tiềm ẩn từ trong hạt giống, từ một cội nguồn rất xa xôi, từ vĩnh cửu, có thể nói như vậy.

Red Roses in a Japanese Vase on a Gold Velvet Cloth,
by Martin Johnson Heade (1819 – 1904)

Cuối cùng, đây là đoá hồng biểu hiện trọn vẹn vẻ rực rỡ của sự hiện diện, lan toả những làn sóng nhịp nhàng hướng tới phía mà nó khao khát: không gian thuần khiết vô biên. Sự mở ra không thể kiềm chế này vào trong một không gian như một mạch nước phun trào không ngừng từ sâu thẳm. Bởi vì nếu đoá hồng muốn kéo dài thời gian của số phận, nó cũng phải phụ thuộc vào việc bắt rễ sâu trong lòng đất. Giữa đất và không khí, giữa đất và trời diễn ra một sự trao đổi. Điều này được biểu trưng bởi chính hình dạng của những cánh hoa, một hình dạng rất đặc trưng, vừa cong vào bên trong vừa quay ra ngoài bằng một cử chỉ dâng hiến. Jacques de Bourbon Busset* tóm gọn điều này bằng một câu tuyệt đẹp: “vẻ rực rỡ của nhục thể, bóng tối của tinh thần.” (éclat de la chair, ombre de l’esprit). Thật đúng là nhục thể cần ở trong ánh sáng và tinh thần cần ở trong bóng tối, để tinh thần hỗ trợ nguyên tắc của đời sống điều khiển nhục thể, để ngay cả khi những cánh hoa đã rơi rụng và hoà vào lớp mùn màu mỡ, hương thơm vô hình của chúng vẫn tiếp tục tồn tại như toả ra từ tinh chất hoặc dấu hiệu của sự biến hình.

Roses, Young Bird and a Butterfly, by Watanabe Shōtei (1852 – 1918)

“Bằng một cử chỉ dâng hiến,” như đã nói trên. Tuy nhiên, nhà thơ đã viết, “Chẳng màng bản thân, cũng chẳng mong được thấy” Thật vậy, lí do của một bông hồng là để trở thành một bông hồng trọn vẹn, khoảnh khắc nó viên mãn trùng khớp với sự viên mãn của chính Bản thể. Nói cách khác, mong muốn về cái đẹp được hấp thụ vào trong cái đẹp; cái đẹp không còn phải biện minh cho chính nó nữa. Nếu chúng ta muốn tiếp tục suy nghĩ theo khái niệm “được thấy” và “không được thấy,” chúng ta có thể nói rằng—ngoài vai trò của nó trong việc “giáo dục” cái nhìn của con người—cái đẹp của bông hồng mà sự rực rỡ của nó vang vọng với toàn thể sự rực rỡ của vũ trụ, cuối cùng chỉ có thể được tiếp nhận bằng một cái nhìn thần thánh. Ý tôi là: đón nhận nó, không phải là hái nó! (l’accueillir, et non la cueillir).

Tôi lại nhớ đến những gì đã nói về ba ý nghĩa của từ “sens”. Từ đơn âm này dường như nén lại hoặc cô đọng bên trong nó ba trạng thái thiết yếu của Tồn tại như được nêu ra bằng đoá hoa hồng: cảm giác, hướng đi, ý nghĩa. Cần làm rõ rằng khi nói đến ý nghĩa, chúng ta không nhất thiết hiểu đó là một hành động có chủ đích hướng về một điều gì đó. Nếu có một mục tiêu, đó là khoái cảm, vì sự thật là chúng ta chỉ có thể hoàn toàn tận hưởng Tồn tại bằng cách tận hưởng tất cả các giác quan của mình. Những giác quan này bao gồm nhận thức bản năng về sự hiện diện của bản thân trong thế giới như một “dấu hiệu đời sống”, một dấu hiệu bao hàm mọi tiềm năng và khả năng mà chúng ta mang trong mình.

Cảm giác không chỉ giới hạn ở mức độ cảm quan, và cái đẹp thực sự là tiềm năng và khả thể mà mọi hữu thể hướng tới. Ở đây, một lần nữa, gần như không thể tránh khỏi, chúng ta chuyển từ sens trong tiếng Pháp sang một chữ Nho tương ứng, thậm chí còn phong phú hơn, là chữ “ý” 意.

Về cơ bản, chữ “ý” là văn tự biểu ý để chỉ những gì đến từ sâu thẳm của một hữu thể: động lực, ham muốn, ý định, khuynh hướng. Tất cả những ý nghĩa này có thể được bao hàm gần đúng trong ý niệm về “ý hướng tính”. Khi kết hợp với các kí tự khác, nó cung cấp một loạt từ ghép có nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng có liên kết hữu cơ với nhau, đại khái có thể phân loại thành hai nhóm: nhóm từ thuộc về tâm trí – ý niệm, ý thức, ý đồ, ý chí, ý hướng, ý nghĩa; và những từ thuộc về tâm hồn – phong vị, hương vị, ý muốn, ẩn ý, ý nguyện, tâm tình. Cuối cùng, bao trùm tất cả chúng là cụm từ “ý cảnh” 意境, “trạng thái cao cấp của tinh thần, chiều kích tối cao của tâm hồn”.

Khái niệm cuối cùng này, “ý cảnh”, đáng được nhấn mạnh. Ở Trung Quốc, nó đã trở thành tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá giá trị của một bài thơ hoặc bức hoạ. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này. Theo định nghĩa, chúng ta có thể thấy rằng nó liên quan nhiều đến tâm trí cũng như tâm hồn: tâm trí và tâm hồn của nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm, tất nhiên, nhưng cũng là tâm trí và tâm hồn của thế giới đời sống, một thế giới tự tạo ra chính nó, tự tạo ra chính nó, như người Trung Quốc gọi bằng thuật ngữ Tạo vật, “Sáng tạo”, thậm chí là Tạo vật chủ, “Đấng sáng tạo”. Nhìn chung, người ta thường nói rằng tư tưởng Trung Quốc không bao gồm ý tưởng về “Sáng thế” theo nghĩa Kinh thánh của từ này. Đúng là tư tưởng Trung Quốc không bị ám ảnh bởi ý niệm về một Thượng đế nhân vị; mặt khác, nó rõ ràng bao gồm ý thức về nguồn gốc và phát sinh ra, như lời của Lão Tử chứng minh: Có sinh nơi Không (Hữu sinh ư Vô); “Đạo sanh Một, Một sanh Hai, Hai sanh Ba, Ba sanh Vạn vật”. Điều này chắc chắn gần với khái niệm về đấng sáng thế, ngay cả khi chứa đựng nhiều sự phức tạp hơn, tinh tế hơn.

Sau Trang Tử – một trong những người sáng lập Đạo giáo vào thế kỉ IV TCN – đã hai lần dùng từ Tạo vật chủ, “Đấng sáng tạo”, từ đó một số nhà thơ và nhà tư tưởng trong suốt lịch sử – như Liễu Tông Nguyên, Tô Thức, Lí Thanh Chiếu, Chu Hi và Trịnh Tiếp – đã phát triển khái niệm “Tạo vật hữu ý” (Tạo hoá được phú cho dục vọng và ý chí). Đến nỗi lí thuyết gia vĩ đại vào thế kỉ XVIII là Bố Nhan Đồ* đã có thể khẳng định một cách ngắn gọn rằng “Sức mạnh của Ý vô cùng lớn vậy thay; Ý đã tồn tại trước cả trời và đất.” (Ý chi vi dụng đại hĩ tai, phù ý tiên thiên địa nhi hữu).

Tôi nhắc lại những ý tưởng này để lưu ý rằng, theo quan điểm của người Trung Quốc, một tác phẩm được sáng tạo, tác phẩm do một cá nhân hoặc thế giới sống động như một tác phẩm, nhất định xuất phát từ hình thức, nhưng ở mức độ rất lớn thì cũng xuất phát từ “ý”! Khi mà “ý” đạt được biểu hiện cao nhất trong một tác phẩm cụ thể, đến mức cộng hưởng hài hoà với “ý” phổ quát, tác phẩm đó đạt được giá trị về sự viên mãn và cái đẹp. Vượt ngoài ý nghĩa của nó là “trạng thái tinh thần cao độ, chiều kích tối cao của tâm hồn”, “ý cảnh” được đề cập do đó biểu thị “sự hài hoà, đồng cảm, hiệp thông”.

Trong mắt người Trung Quốc, vẻ đẹp của một sự vật nằm trong “ý” của nó, bản chất vô hình này khiến nó rung động. “Ý” là hương vị vĩnh cửu, tạo ra hương thơm cùng sự cộng hưởng bất tận. Khi nói đến một người mà linh hồn bất diệt và sự hiện diện của người đó vẫn tiếp diễn, người ta dùng thành ngữ “Lưu phương bách thế”, nghĩa là “hương thơm lưu lại mãi mãi”. Ở đây, hương thơm kết nối linh hồn với thể xác trở thành dấu hiệu của chính linh hồn. Vì vậy, trở lại với hoa hồng, qua hương thơm mà nó đạt được sự vô hạn của bản thể. Mùi hương không còn là phụ gia của hoa hồng nữa mà là bản thể của hoa hồng, theo nghĩa là hương thơm giúp hoa hồng hoà hợp trở về với sự liên tục của Đạo, và mở ra trong cõi vô hình.

Hơn nữa, trong trí tưởng tượng của người Trung Quốc coi mùi hương và sự cộng hưởng là hai thuộc tính nổi trội của cõi vô hình, cả hai đều lan toả, như chúng ta đã nói, từ những làn sóng nhịp nhàng. Ví dụ, chúng được kết hợp trong thành ngữ, “Điểu ngữ, hoa hương” – “tiếng chim hót và mùi hương hoa – để gợi lên một khung cảnh điền viên, và trong thành ngữ, “Hương khí chung thanh” – “hương nhang và tiếng chuông”, gợi lên bầu không khí tôn giáo hoặc trạng thái tâm linh. Nhưng quan trọng nhất, hai thuộc tính này được kết hợp để tạo thành một văn tự biểu ý, “hinh” 馨, có nghĩa chính xác là “mùi hương lan toả xa; mùi hương bất diệt”.

Văn tự biểu ý này bao gồm hai bộ phận, phần trên dùng kí hiệu “khánh” (cái khánh đá), và phần dưới, kí hiệu “hương”. Nó gợi nhớ tới chương “Cảm ứng” trong Hoài Nam Tử, một luận thuyết Đạo giáo vào đầu thời Hán từ thế kì II TCN: vào thời cổ đại, khi một vị nhạc sư gõ vào cái khánh, thì một âm hưởng phát sinh và lan đi rất xa, liên miên bất tuyệt. Toàn bộ kí tự “hinh” 馨 xác nhận điều này: thay vì là một làn hương thoáng qua, mùi hương còn là bài ca trì tục mãi mãi.

Hầu như tất cả các nhà thơ phương Tây đều ca ngợi hoa, và nhiều người trong số họ đã ca ngợi hoa hồng. Tôi có thể trích dẫn Ronsard, Marceline Desbordes-Valmore, và đặc biệt là Rilke. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe Claudel, vì lí do đơn giản là tôi đang trong đọc ông, nhân dịp kỉ niệm năm mươi năm ngày mất của ông. Trước tiên, chúng ta hãy lắng nghe đoạn văn này, trong đó, dưới ánh sáng của Đạo, tức là “Con đường của đời sống khai phóng”, ông nói về những sinh vật mọc lên từ bóng tối trong lòng đất của Sáng thế, như chúng ta vừa mô tả khát vọng sinh trưởng không thể cưỡng lại của hoa hồng. Trong Connaissance de l’Est (Nhận thức phương Đông), ông nói:

Đạo là gì?… Dưới mọi hình thức, cái không có hình, cái nhìn mà không cần mắt, cái dẫn dắt mà không cần tri thức, cái vô tri chính là tri thức tối cao. Liệu có sai khi gọi nhựa sống này là Mẹ, hương vị bí ẩn của vạn vật, mùi vị của Nhân duyên, sự run rẩy của tính chân thực, dòng sữa này hướng dẫn từ Nguyên tuyền? A, chúng ta ở giữa thiên nhiên như một đàn heo con đang bú sữa một con heo nái đã chết! Lão Tử bảo với chúng ta điều gì nếu không phải là nhắm mắt lại và đưa miệng vào chính nguồn mạch của Sáng tạo?

Giờ chúng ta hãy lắng nghe đoạn trích này từ “Bài ca hoa hồng” trong Hợp xướng cho ba giọng (“Cantique de la Rose” en Cantate à trois voix):

Hoa hồng, hoa hồng là gì? Ôi, hoa hồng! Ồ, điều gì thế này! Khi chúng ta hít vào mùi hương vốn mang lại sự sống cho thần thánh, liệu chúng ta có đến được với trái tim nhỏ bé mong manh này hay không, vừa khi chúng ta nắm lấy nó giữa những ngón tay, thì những cánh hoa sẽ rụng rơi và tan chảy, giống như máu thịt lìa khỏi thân thể, và bị nụ hôn của chính nó siết chặt với hàng ngàn nếp gấp? À, tôi nói cho chị em biết, đó không phải là toàn bộ hoa hồng! Chính mùi thơm của nó, một khi hít vào là cả một thiên thu! Không chỉ đơn thuần là hương thơm hoa hồng! Mà là tất cả hương thơm mà Chúa đã tạo ra trong mùa hè của Ngài! Chẳng phải hoa hồng, mà lời nói hoàn hảo này trong một tình huống không thể tả được mà mọi thứ, cuối cùng trong một khoảnh khắc tại giờ phút tối cao này đã được sinh ra! Ôi thiên đường trong bóng tối! Đó là thực tại hé nở trong một khoảnh khắc với chúng ta dưới những lớp mạng che mỏng manh này, và niềm vui sâu thẳm của linh hồn trước mọi thứ mà Chúa đã tạo ra! Đối với một sinh vật phù du, còn điều gì trí mạng hơn khi thở ra tinh hoa vĩnh cửu này, trong một giây phút, là mùi hương vô tận của hoa hồng? Khi một vật càng gần cái chết, càng gần tới hồi kết, nó càng cạn kiệt ra khỏi lời vốn không thể nói ra và xa khỏi cái bí mật đang kéo nó xuống! Ôi, thật mong manh nhưng cũng khắc nghiệt và lơ lửng biết bao, cái khoảnh khắc vĩnh hằng này lại diễn ra vào giữa năm!

Claudel đặt hoa hồng vào bối cảnh của thời gian, hay chính xác hơn là vào một khoảnh khắc trong vĩnh hằng. Ông nhấn mạnh đến hương thơm của hoa hồng, tuy ngắn ngủi nhưng đồng thời lại “vô tận”. Hẳn nhà thơ biết cách giải thích khoa học về lợi ích của mùi hương. Nhưng ông tràn ngập sự ngạc nhiên vì một thứ tinh tuý như vậy tồn tại. Mùi hương được trải nghiệm như một phần vô hình của hoa hồng, phần cao quý hơn có thể nói chính là phần linh hồn của nó. Mùi hương không bị giới hạn bởi hình thức hay một không gian hữu hạn. Nó là sự chuyển hoá hoa hồng thành những làn sóng, thành bài ca, trong cõi vô hạn.

Khi nói đến điều này, tôi bất giác nhớ đến câu thơ của Baudelaire, “Phúc thay cho người nào bay bổng trên cuộc đời, hiểu dễ dàng ngôn ngữ các loài hoa và những điều vô ngôn.” (Heureux celui qui plane sur la vie, et comprend sans effort le langage des fleurs et des choses muettes). Thật vậy, đối với người biết cách đón nhận nó, hoặc lắng nghe nó, mùi hương này khơi dậy một niểm vui gần như không thể diễn tả; nó tồn tại trong kí ức của người nhận như một thứ gì đó thanh thoát hơn, tinh tuý hơn và bền bỉ hơn. Ngay cả khi những cánh hoa tàn rơi xuống đất, mùi hương vẫn còn vương vấn trong kí ức, một lời nhắc nhở rằng những cánh hoa đó, hoà cùng đất mùn, sẽ tái sinh dưới hình dạng một bông hồng khác, rằng, từ hữu hình đến vô hình và từ vô hình đến hữu hình, trật tự đời sống vẫn tiếp tục theo con đường chuyển hoá chung của vạn vật.

Tiếp tục ý tưởng của Claudel coi hoa hồng là hiện thân của khoảnh khắc vĩnh hằng, tôi muốn mở rộng ý tưởng này và tiếp cận câu hỏi về mối quan hệ giữa cái đẹp với thời gian nói chung và ngầm hiểu là với cái chết. Trước hết, chúng ta hãy nói rằng sự đối lập với trật tự đời sống không phải là cái chết tự nhiên, vốn là một hiện tượng tự nhiên và là một phần không thể thiếu của đời sống. Để đời sống là đời sống, ngụ ý sự tăng trưởng và tái tạo, cái chết phải là một thành phần tất yếu, nếu không muốn nói là cần thiết. Và theo dòng thời gian, như chúng ta đã nói, chính viễn cảnh về cái chết khiến cho từng khoảnh khắc trở nên độc đáo. Cái chết góp phần tạo nên sự độc đáo của đời sống. Nếu có cái ác, nó nằm ở những hoàn cảnh bất thường và bi thảm, bằng những cách lạm dụng cái chết một cách lệch lạc và biến thái. Đặc biệt những điều sau cùng này, chúng diễn ra bên ngoài trật tự của đời sống; thậm chí có khả năng phá huỷ trật tự của chính đời sống.

Tóm lại, cần phải phân biệt hai loại cái chết, đây là điều mà Lão Tử, người sáng lập Đạo giáo đã thực hiện. Nhà tư tưởng này về Đạo – sự tiến triển của trật tự đời sống – đã giải thích trong một câu dự ngôn: “Chết mà không mất là sống lâu dài” (Tử nhi bất vong giả thọ).* Cả hai chữ tử và vong đều có nghĩa là “chấm dứt đời sống”, theo cách sử dụng thông thường, nhưng theo quan niệm của Lão Tử, chữ tử mang ý nghĩa là “trở về với Đạo” (phục quy ư đạo).

“Sống lâu dài” là gì? Không thể phủ nhận rằng tâm trí con người mơ về sự vĩnh cửu. Nó khao khát sự vĩnh cửu của cái đẹp, tất nhiên không phải của nỗi bất hạnh, trong khi vẫn biết rằng tất cả cái đẹp đều mong manh và phù du. Ở đây có mâu thuẫn không? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào cách chúng ta hình dung về sự vĩnh hằng. Liệu sự vĩnh hằng có phải là sự lặp lại đơn điệu của cái giống nhau? Trong trường hợp này, nó sẽ không còn là cái đẹp thật sự, hay của đời sống thật sự nữa. Bởi vì, như đã được nhăc lại, cái đẹp thật sự là xung lực của sinh mệnh Tồn tại hướng tới cái đẹp, cùng sự tái tạo của xung lực đó; đời sống thật sự là xung lực của Tồn Tại hướng tới đời sống và sự tái tạo của xung lực đó. Một sự vĩnh hằng tốt đẹp chỉ có thể được tạo thành từ những khoảnh khắc nổi bật mà trong đó đời sống bùng nổ về cường độ hưng phấn trọn vẹn của nó.

Nếu điều đó là đúng, chúng ta cảm thấy như thể mình biết một chút về cõi vĩnh hằng này, vì quãng đời con người về cơ bản là như nhau. Chẳng phải nó cũng bao gồm những khoảnh khắc nổi bật khi đời sống lao về phía Khai phóng? Trong trường hợp đó, chúng ta đã là một phần thuộc về vĩnh hằng, chúng ta đang ở trong cõi vĩnh hằng! Một số người có thể thấy thị kiến này quá thiên tiên. Vậy hãy dành nó cho những tâm hồn ngây thơ trong chúng ta!

Trong khi đó, điều quan trọng với chúng ta là thời lượng của đời người. Tôi cố ý sử dụng thuật ngữ durée (thời lượng), thay vì temps (thời gian) ở đây. Trong khi thời gian gợi lên một dòng chảy cơ học, một chuỗi không thể tránh khỏi của những mất mát và quên lãng, thì thời lượng ám chỉ đến một sự liên tục về chất lượng trong đó những gì đã sống và đã mơ ước tạo thành một hiện tại hữu cơ. Tât nhiên, tôi mượn thuật ngữ durée từ Bergson. Bằng cách đơn giản hoá đến mức tối đa, với rủi ro bóp méo nó, chúng ta hãy cố gắng tóm tắt tư tưởng của triết gia này như sau.

Nếu mỗi chúng ta ở thế giới bên ngoài đều chịu sự chi phối của dòng chảy thời gian, thì bên trong mỗi ý thức cá nhân, nhờ vào kí ức, những kinh nghiệm và trí tưởng tượng, cũng như các yếu tố tạo nên tri thức, tạo nên một thời lượng (durée) hữu cơ, có thể nói là nó siêu việt những đứt đoạn, khoảng trống và tách biệt trong thời gian và không gian. Các thành phần của thời lượng này vẫn duy trì trong trạng thái “đồng thời”, coi nhẹ trình tự thời gian và liên tục hội tụ về một hiện tại: một hiện tại mà thực ra, luôn liên tục mở ra một quá khứ và một tương lai. Tương tự như một giai điệu, không chỉ đơn thuần hình thành bằng việc thêm các nốt nhạc, mà trong đó mỗi nốt nhạc theo sau nốt trước và tô điểm sắc thái cho nốt tiếp theo. Thời lượng cũng hoạt động bên trong chính nó. Thông qua một quá trình liên tục, mỗi thành phần cho phép nó được đánh dấu bởi những thành phần khác, trong khi vẫn để lại dấu ấn của nó lên những thành phần khác.

Quay trở lại với chủ đề cái đẹp, chúng ta có thể nói rằng trong thời lượng tồn tại của ý thức, cái đẹp thu hút cái đẹp, theo nghĩa là một trải nghiệm về cái đẹp gợi nhớ đến những trải nghiệm trước đó về cái đẹp, và đồng thời, nó kêu gọi những trải nghiệm về cái đẹp trong tương lai. Trải nghiệm càng mãnh liệt về cái đẹp, thì tính chất chua xót về sự ngắn ngủi của nó càng tạo ra sự khao khát làm mới trải nghiệm, tất nhiên là dưới một hình thức khác, vì mỗi trải nghiệm đều là duy nhất. Nói cách khác, trong ý thức đang nói đến, nơi hoài niệm và hi vọng hoà quyện, mỗi trải nghiệm về cái đẹp gợi nhớ đến một thiên đường đã mất và kêu gọi một thiên đường hứa hẹn.

Có lẽ đó là cách mà chúng ta nên hiểu câu thơ của nhà thơ John Keats: “Một vật đẹp là niềm vui mãi mãi.” (A thing of beauty is a joy for ever). Rằng cái đẹp có thể là một món quà trường cửu, điều này sẽ được nhận thức nếu chúng ta nhớ rằng cái đẹp là một lời hứa được giữ ngay từ ban đầu. Đó là lí do tại sao niềm khát khao cái đẹp không còn bị giới hạn ở một đối tượng đẹp; sự thiết tha tái hợp với cái khát vọng khởi thuỷ về cái đẹp đã hiện hữu từ khi thế giới ra đời với cuộc phiêu lưu của đời sống. Mỗi trải nghiệm về cái đẹp, dù ngắn ngủi nhưng lại vượt thời gian, đều dẫn chúng ta trở về với sự tinh khôi thuở bình minh của thế giới.

(còn nữa)

Hà Vũ Trọng dịch theo bản tiếng Anh: François Cheng, The Way of Beauty- Five Meditations for Spiritual Transformation, do Jody Gladding dịch, Inner Traditions, 2009

Đối chiếu với nguyên tác tiếng Pháp: François Cheng, Cinq méditations sur la beauté, Éditions Albin Michel, 2006

* François Cheng: Năm Trầm Tư về Cái Đẹp, Hà Vũ Trọng chuyển ngữ (P.1)