Họa sĩ Lê Thiết Cương tâm sự về hội họa và cuộc triển lãm mang tên DUYÊN

Họa sĩ Lê Thiết Cương. Hình từ FB Lê Thiết Cương.

* Tại sao tôi lại vẽ mà không phải là nghề khác? 

Hồi 1972, Mỹ ném bom miền Bắc, lũ trẻ con Hà Nội chạy trốn B52 về các vùng quê. Tháng 1.1973, Hiệp định Paris ký, hết bom đạn, lại quay về. Nghỉ hè, bố mẹ cho đi học nhạc ở trường nhạc tư của cụ Đoàn Chuẩn, phố Cao Bá Quát, từ nhà đến trường hơi xa nên sau vài tháng, bố mẹ xin cho thôi nhạc để vào lớp vẽ ở Câu lạc bộ thiếu nhi, gần nhà. Cũng chả phải là học vẽ mà tuần 2 buổi sẽ đỡ chơi bời lêu lổng. Duyên là thế. 

* Tại sao ngoài sơn dầu tôi lại thích các chất liệu truyền thống?

Khi còn nhỏ, gia đình tôi ở với ông bà nội. Ông có thú chơi đồ xưa, đồ gỗ và đồ gốm. Nhà 3 tầng toàn hoành phi, câu đối, sơn son thếp vàng và đồ gốm Lý, Trần, Lê, Mạc… sống trong nhà ấy thì chất liệu vàng son và gốm nó ngấm vào người, tự nhiên yêu thích nghệ thuật và chất liệu truyền thống là tự nhiên, chứ không phải cố gắng gì. Sống thì phải cố chứ làm nghệ thuật và yêu thì ai mà cố được? Vẫn lại là Duyên. 

* Tại sao tôi lại làm nghệ thuật tối giản?

Tủ sách của ông nội toàn là sách về Phật giáo và Kinh Phật. Sau 1975, mỗi lần bố tôi đi công tác ở Sài Gòn ra, bao giờ cũng đeo về một ba lô sách mà chủ yếu là sách của Trang, Lão, Khổng. Vì ở miền Bắc, trước 1975 thì mấy thầy này đều bị coi là phản động, phong kiến… là sách cấm??? Kinh dị! May mà có sách cấm để được đọc, được lớn lên. Tuổi 18 đôi mươi, với sức đọc như trâu, tủ sách gia đình có gì đọc nấy nên mỹ học tối giản của Thiền và Á Đông chui vào người cũng tự nhiên như không. 

Từ thích tối giản đến vẽ tối giản lại là chuyện khác. 1984, rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thỉnh thoảng sang bên hàng xóm là nhà cụ Đặng Đình Hưng làm chân phục vụ chiếu rượu của cụ, tiếp đãi các “ông sao” như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Phan Đan, Thụy Kha… Tôi học được nhiều ở cái “trường” ấy và cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra tố chất tối giản trong tôi, đẩy một cú cuối cùng để tôi rơi vào tối giản. Ông là thầy tôi. Cũng là Duyên. 

Duyên không bao giờ ở dạng số ít, duyên là trùng trùng duyên khởi. Tức là nhiều yếu tố hợp lại, tình cờ. Duyên nợ, nợ duyên, duyên nghiệp, nghiệp duyên, duyên tình, tình duyên… 

Học vẽ vì gần nhà, thích triết Đông vì trong tủ sách có gì đọc nấy. Gặp thầy cũng vì là ngay hàng xóm. Một loạt các nhân duyên ấy thì thành quả ấy. Thành Lê Thiết Cương – nghệ thuật tối giản. Cũng có thể hiểu, tôi đến cái bến tối giản giống như đắc cái vô đắc, hành cái vô hành. 

DUYÊN là triển lãm “chân dung nghệ thuật tôi” qua tranh, tượng, gốm. Chả nhiều thứ gì đâu. Suy cho cùng tôi làm gì cũng là làm tối giản, làm tôi, Duyên là tự họa. Nhất niệm khởi ấy thì Duyên sinh ấy.

Lê Thiết Cương

8.2024

(Bài viết giới thiệu cho triển lãm Duyên và sách cùng tên)

MỘT VÀI TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ LÊ THIẾT CƯƠNG TẠI TRIỂN LÃM “DUYÊN”:

Triển lãm “Duyên” của họa sĩ Lê Thiết Cương diễn ra từ ngày 3/8 đến 3/10, tại Nhà trưng bày triển lãm TP HCM, 2 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM, giới thiệu 34 tác phẩm, trong đó có 22 tranh và 12 tượng mỹ thuật ứng dụng kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại. 

Các bức tranh được họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện từ năm 2003 đến 2024 trên nhiều chất liệu như tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu vải màn bồi giấy dó, mực trên giấy dó, gốm mosaic…Dưới đây là một vài tác phẩm tại triển lãm:

Bảng đen. Sơn dầu
Bóng hình. Giấy dó
Chữ và Nghĩa. Bột màu vải màn bồi giấy dó
Chuyện ghế
Gốm mosaic: Chăn trâu 1

Ô Quan Chưởng. Sơn mài.
Trốn. Sơn dầu.
Tượng Hạt gạo.
Tượng “Phật tức tâm”