Hoàng Đình Tạo: Israel và khủng bố

  1. ĐỊNH NGHĨA 

Quốc tế chưa có một định nghĩa nào cụ thể, tuy nhiên đã có sự tranh luận về thế nào là hành động khủng bố, và thế nào là hành vi đối kháng lại một chính quyền chuyên chế toàn trị.

Và nhiều học giả đồng ý với nghĩa rộng:

“HÀNH ĐỘNG KHỦNG BỐ LÀ SỰ ĐE DỌA BẰNG BẠO LỰC, CHỐNG LẠI THƯỜNG DÂN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ”.

Theo Merriam-Webster Collegiate Dictionary, 1795, định nghĩa khủng bố:

“DÙNG BẠO LỰC VÀ ĐE DỌA MỘT CÁCH CÓ HỆ THỐNG TỪ MỘT NHÓM NGƯỜI ĐỂ CƯỠNG CHẾ HAY LÀM CHÙN BƯỚC DÂN CHÚNG HAY CHÍNH QUYỀN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC YÊU CẦU “.

Do đó, CHIẾN TRANH và KHỦNG BỐ có những tương đồng:

  • Hai bên cùng hành động với bạo lực cực đoan.
  • Thúc đẩy bởi tư tưởng chính trị, ý thức hệ, tôn giáo.
  • Ảnh hưởng bởi một người hay một nhóm người chống lại nhau.

Và 2 bên cũng có những khác biệt:

  • Mức độ: Chiến tranh xảy ra giữa những quốc gia hay tổ chức. Không gian rộng lớn. Khủng bố có tính cách địa phương và hiệu quả tức thì.
  • Giới hạn: Chiến tranh xảy ra có luật lệ tham chiến chi phối. Khủng bố không bị giới hạn mục tiêu và luật lệ.
  • Lực lượng tham chiến: Chiến tranh dùng quân đội chính quy, và chuyên nghiệp. Võ khí cộng đồng. Khủng bố chỉ dùng một toán quân và võ khí thì đơn giản chỉ đủ cho kế hoạch.
  • Bất ngờ: Chiến tranh thì tuyên bố hẳn hòi. Khủng bố thì càng bất ngờ càng hiệu quả.
  • Phương pháp: Chiến tranh vẫn theo đuổi mục tiêu chính trị, chỉ thay phương thức. Khủng bố không thay đổi phương thức.
  • Đầu và cuối: Chiến tranh là giải pháp cuối cùng, trong một không gian vật lý để đạt được mục tiêu chính trị mà trước kia không đạt được. Khủng bố thì có thể thực hiện bất cứ lúc nào, bất cứ ai, cho ý đồ người thực hiện, không cần phải tiếp tục chính sách bằng cách khác.
  1. TỔNG QUAN

Do Thái duy trì công tác chống khủng bố với Hoa Kỳ rất chặt chẽ. Từ đó, Hoa Kỳ có rất nhiều vấn đề khủng bố cần chia sẻ và đóng góp. Rất nhiều phái đoàn Hoa Kỳ đã sang thăm Do Thái.

Do Thái đối diện sự đe doạ từ biên giới phía Bắc, và Đông Bắc do nhóm Hezbollah (còn gọi Hizballah) được Iran yểm trợ. Có cả trăm ngàn hoả tiễn, huấn luyện, kỹ thuật hiện đại, tự sản xuất võ khí.

Ở miền Nam, thì Do Thái đối diện với Hamas- cũng do Iran tài trợ- và các nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo Palestine (PIJ: Palestinian Islamic Jihad), Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS: the Islamic State of Iraq and Syria, the Islamic State of Iraq and al-Sham).

Tháng 5/2021 Hamas và các nhóm khủng bố khác đã phóng từ Gaza sang Do Thái khoảng 4,4 ngàn hoả tiễn và khí cầu lửa 11 ngày liên tiếp. Làm chết 13 người, thiệt hại môi trường và mùa màng. Nhờ Iron Dome đã ngăn chặn hầu hết trái pháo và hoả tiễn. Do Thái đã trả đũa lại, cho oanh kích chết 256 người Palestine, trong đó có 128 thường dân (con số của Liên Hợp Quốc).

Sự gia tăng khủng bố trong tháng 5, làm thiệt hại nhà cửa và nhân mạng nặng nề. Những cuộc khủng bố lẻ tẻ nổi lên như nấm sau cơn mưa. Cảnh sát Do Thái bắt 2,142 nghi phạm, giữ 970 võ khí bất hợp pháp và đạn. Truy tố 184 can phạm.

Do Thái có cả một rừng luật để chiến đấu với khủng bố; được sự cố vấn pháp luật quốc tế về điều tra và truy tố. Từ đó, lực lượng an ninh mới hướng dẫn cảnh sát hành động chống lại các nghi can, và các tổ chức khủng bố.

Tháng 10/2021, Bộ Quốc Phòng Do Thái đã xếp 6 tổ chức phi chính phủ được liệt vào hàng các tổ chức khủng bố, theo luật 2016. Vì 6 tổ chức này trực thuộc Mặt Trận Bình Dân Kháng Chiến Palestine; mà chính Hoa Kỳ cũng liệt nó vào tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO: Foreign Terrorist Organizations).

Tháng 10/2021, lực lượng an ninh Sin Bet của Do Thái đã khám phá một đơn vị tổ chức khủng bố có cả 50 người ở West Bank, đang khảo sát các mục tiêu để hành động. Sin Bet đã khám phá ra nhiều loại võ khí, trong đó có cả ngòi nổ và chất nổ.

Ngoài ra, Do Thái hợp tác với Úc, Âu châu, Hoa Kỳ đã ngăn chặn nhiều cuộc tấn công của Nhà Nước Hồi Giáo, Hezbollah, và nhiều tổ chức cực đoan khác trong những năm gần đây.

Sự mở rộng ngoại giao của Do Thái đối với các quốc gia Ả Rập cũng làm dịu đi tình trạng căng thẳng giữa Palestine và Do Thái. 

Ai Cập là quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận Do Thái, 1979. Sau đó Jordan 2020. Hiện nay Bahrain, Morroco, UAE, Sudan cũng đã bình thường hóa với Do Thái.

  1. HỆ THỐNG PHÒNG THỦ 
  1. HOẢ TIỄN 
  2. XA:   — Iron Dome : 70 KM

                — Thaad.        : 200km

                — David’s Sling : 300 km 

                —  Arrow System: 2.400 km

  1. CAO:  —  Iron Dome  :  10km

                   —  David’s Sling : 15 km

                    —  Arrow System : 100 km

                   —  Thaad.              : 150 km

Bộ Quốc phòng Do Thái cho biết Iron Dome ngăn chặn 90% hoả tiễn, được thiết lập vào mùa hè 2006, giá 50 ngàn mỹ kim cho một chiếc. Và được khai triển thêm vào năm 2011. Kể từ 2023, Iron Dome ngăn chặn cả ngàn hoả tiễn của Hamas bắn ra.

David’s Sling được thiết lập 2017, để chặn hỏa tiễn đường dài, có khoảng cách 300 km. Do 2 hãng Rafael Advance Defense System của Do Thái và Raytheon của Mỹ chế tạo.

Iron Dome và David’s Sling có thể ngăn chặn máy bay, drones, hay hoả tiễn hải quân. Giá 1 triệu/1 chiếc.

Arrow 2: được dùng trong chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất, 1991, nhưng đến năm 2000 mới dùng bảo vệ bầu trời Do Thái. Nó có thể nhận dạng hoả tiễn cách xa 500 km, và ngăn chặn vừa rời dàn phóng 100 km. Tốc độ gấp 9 lần âm thanh, và có thể bắn 14 mục tiêu cùng lúc. Được dùng năm 2017, bắn hạ hoả tiễn đất đối không của Syria.

Arrow 3: thiết kế để ngăn chặn hỏa tiễn tầm xa (2,400 km), và cao ngoài tầng khí quyển. Được Aerospace Industries của Do Thái chế tạo, có sự giúp đỡ của Boeing.

Thaad:  ngăn chặn hoả tiễn tầm xa, 90-125 dặm. Có thể ngăn chặn trong hay ngoài tầng khí quyển. Thaad cần 6 dàn phóng, mỗi dàn điều khiển 8 hoả tiễn. 

Mỹ đã gởi sang Do Thái 100 chuyên viên (nhưng ở trên tàu hải quân Mỹ, không vào đất liền). Hoa Kỳ cũng bán Thaad cho Ả Rập Saudi, UAE.

Do Thái cũng ký vào công ước không dùng võ khí hoá học, nhưng võ khí sinh học thì không.

Do Thái cũng được hiểu ngầm là có võ khí nguyên tử, khoảng 75-400 đầu đạn hạt nhân. Nhưng Do Thái không bao giờ công nhận mình có võ khí nguyên tử.

  1. BẢO VỆ DÂN SỰ 

Luật chống khủng bố 1951 đòi hỏi các cao ốc hay tư gia, xí nghiệp phải có nhà an toàn trú ẩn. Luật cũng cho phép chính quyền huy động các phương tiện của tư nhân cũng như nhân lực đáp ứng với những trường hợp khẩn cấp.

–  Bộ Chỉ Huy Tiền Phương: Để đáp ứng nhanh chóng với sự kiện, chính quyền thành lập khẩn cấp bộ chỉ huy tiền phương tại chỗ, để nắm vững tình hình, cùng điều động.

–  Cơ Quan Khẩn Cấp Quốc Gia: Thành lập 2007, phối hợp dân sự và quân đội hành động khi tình trạng khẩn trương hay thiên tai xảy ra.

–  Kinh Tế Khẩn Trương: Vận hành các nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất và hoạt động khi có tình trạng khẩn trương được ban ra. Cho phép huấn luyện nhân viên cần thiết cho những dịch vụ tư hay công cộng, chính quyền địa phương, thực phẩm, vận chuyển, truyền thông…

–  Giảo Nghiệm: Nhận dạng người chết. Nhiệm vụ này là tình nguyện tại mỗi quận cảnh sát.

–  Nhà Trú Ẩn: Đòi hỏi các tư gia và cao ốc phải có nơi an toàn trú ẩn.

–  Không Gian An Toàn: Những nơi tụ tập đông người, như trạm xe buýt và vườn chơi cho trẻ em… cần phải được xây dựng vững chắc mái và tường.

–  Chuồng Chim: Một chòi nhỏ an toàn cho nhóm ít người trên hè phố hay trên đồng.

–  Ống Cống Lớn: Đặt rải rác đây đó khi có khoảng trống.

–  Còi Hụ: Báo động hoả tiễn đã được phóng ra.

–  Đèn Đỏ: Một số thị trấn nhỏ gần Gaza dùng đèn đỏ để báo động.

–  Hàng Không: luôn luôn có mặt an ninh chìm đi theo trong mọi chuyến bay. Do Thái hãnh diện là hàng không chưa hề bị không tặc.

–  Máy Dò Kim Khí: Ở những nơi công cộng đều có máy dò kim loại.

–  Chuẩn Bị Chiến Tranh Hoá Học: Mỗi gia đình, mỗi xí nghiệp, mỗi công sở đều có đủ “mũi heo” cho mọi người. Và chính quyền hướng dẫn cách sử dụng và ứng phó khi có khí độc.

  1. TÌM DIỆT KHỦNG BỐ 

Không có định nghĩa nào rõ ràng theo quốc tế công pháp. Chỉ có định nghĩa của học giả Nils Melzer: “Dùng phương pháp chết người với sự cố ý, cân nhắc, lập kế hoạch để nhằm hạ sát một người ngoài tầm giam giữ”.

Tối Cao Pháp Viện của Do Thái, trong phán quyết tháng 12/2006 cho rằng tìm diệt khủng bố là hợp pháp. Đây là tự vệ để khủng bố không xảy ra.

Những người ủng hộ thì cho rằng: phù hợp với luật chiến tranh, vì khủng bố là kẻ tấn công gây ra tội ác. Tìm diệt để bảo vệ thường dân vô tội. Ngăn ngừa những người khác nhúng tay vào, là hành vi ngăn chặn không phải trả thù. Dù gì đi nữa, đây là giải pháp cuối cùng một khi không thể bắt giữ.

Ví dụ: trong năm 2004 nhiều lãnh đạo của Hamas bị giết, phong trào này đã kêu gọi 

“hưu chiến”.

Những người chống thì cho rằng: vi phạm luật chiến tranh, đứng ngoài luật pháp. Vi phạm giá trị của xã hội dân chủ. Nó không chấm dứt khủng bố mà còn khuyến khích gia nhập thành viên mới. Làm những người qua đường bị vạ lây.

Ví dụ: năm 2003, 30 phi công Do Thái đã viết thư phản đối gởi lên vị chỉ huy trưởng không quân Dan Halutz rằng họ từ chối tiếp tục thi hành tấn công ám sát trong khu dân cư Palestine, vì đó là “sụp đổ luân lý của xã hội Do Thái “. Có 4 người đổi ý. Một người bị đe dọa sa thải. Một người mất việc ở lãnh vực dân sự.

Tính từ năm 2000 cho đến nay, Do Thái đã tìm diệt khoảng 40 mục tiêu. Từ cấp cao Hamas, Hezbollah, đến kỹ sư nguyên tử, và hoả tiễn của Iran, Syria, tướng gián điệp Nga v.v…

  1. TÀI CHÁNH 

Luật khấu trừ thuế 2019, yêu cầu bộ tài chánh giữ lại tiền khấu trừ mà chính quyền Palestine sẽ trả cho dân Palestine có liên hệ đến khủng bố (dù thực hiện hay nạn nhân). Chánh quyền Palestine gọi đó là “tiền tử vì đạo”. 

Nhưng Do Thái tranh luận rằng, tiền đó là tiền thưởng khủng bố, như người ở tù lâu hơn thì được lãnh cao hơn.

Theo tờ Jerusalem Post định lượng, thì số tiền “tử vì đạo” hàng năm khoảng 152,3 triệu mỹ kim. Theo chính quyền Palestine, năm 2021, Do Thái đã đánh thuế trên 259,74 triệu mỹ kim. Năm 2022 xuống còn 192 triệu mỹ kim.

Trong tháng 1/2023, một viên chức cao cấp của Palestine nói với tờ The Time of Israel rằng Palestine muốn trả lương cho tù nhân thay vì thưởng theo thời gian ở tù. Tháng 9, phối hợp viên của Do Thái đã thanh giải khoảng 314 triệu mỹ kim cho tù và tử vì đạo người Palestine.

  1. LƯỠNG NAN
  1.  NHÂN QUYỀN 

Chiến tranh chống khủng bố thường trở nên phức tạp vì vấn đề nhân quyền. Khi chiến đấu chống khủng bố, đôi lúc thực hành vi phạm nhân quyền, như theo dõi, bỏ tù tuỳ tiện, không được ra toà, tra tấn. Từ đó nó đã đưa ra làm sao cân bằng nhân quyền và an ninh. Khi mà dư luận quốc tế thường kết án những biện pháp chống khủng bố hay vi phạm nhân quyền và thiếu tôn trọng pháp luật. Trong khi theo đuổi một mục tiêu an ninh, chánh quyền có thể đề ra ám sát, giam giữ dài hạn, chụp mũ vì chủng tộc hay tôn giáo.

Định nghĩa còn mơ hồ, nên cho phép chính quyền giải thích rộng lớn hơn để rồi từ đó vi phạm nhân quyền. Nhờ vậy, một khi can phạm được hưởng các quyền bào chữa, và một toà án công bằng, dễ dàng được xem xét như vô tội.

Tôn trọng quyền con người sẽ làm cuộc chiến chống khủng bố có chính nghĩa hơn, giảm những nhóm cực đoan, bảo đảm hành động của chính quyền.

Hạ sát khủng bố mang đến thành công là diệt trừ đầu não, tuy nhiên nó cũng dẫn đến việc giết nhiều thường dân vô tội, khiến thế giới lên án. Khủng bố chết rồi không có giá trị gì vì không biết nói để khai thác tin tức, nhưng như rắn mất đầu khủng bố cũng khựng lại một thời gian.

Năm 2003, Do Thái dự tính thả bom 1000 kg xuống bộ chỉ huy Hamas đang có cuộc họp. Nhưng vì sợ chết thường dân, nên Do Thái chỉ thả bom 250 kg. Nhờ vậy các tên khủng bố thoát hiểm.

Hay việc ám sát Salah Shehada, lãnh đạo quân sự của Hamas. Do Thái muốn bắt sống Shehada, là người chỉ huy những cuộc ném bom trong Intifada lần 2. Shehada bị tù trong những năm 1990s, nhưng ông được thả ra vì Do Thái muốn chứng tỏ thiện chí với Palestine. Khi được tự do, ông chọn sống ở Gaza. Đi đâu cũng có hộ vệ và lẫn trong đám đông, nhất là có cô con gái lúc nào cũng bên cạnh. Do Thái không thể bắt sống vì nguy hiểm cho toán đặc nhiệm.

23/7/2002, Do Thái đã tung ra chiến dịch sát hại, đã làm chết theo cô con gái và 14 thường dân.

22/3/2004 Do Thái bị quốc tế lên án khi ám sát Yassin, lãnh tụ Hamas. Ông ta tạo  hình ảnh một chính trị gia tàn tật, và cao niên luôn luôn ngồi xe lăn. Do đó, khi bị hạ thủ, Yassin có khuôn mặt nạn nhân hơn là thủ phạm khủng bố.

Và cũng may cho Do Thái, khi Hoa Kỳ bị vụ khủng bố 9/11, Âu châu bị vụ Madrid 2004, London 2005; bấy giờ Âu châu mới thông cảm những nỗi khó khăn mà Do Thái đối diện.

Hay 2024, Israel oanh kích chết Hassan Nasrallah, tổng thư ký của Hezbollah, giết theo 14 tuỳ tùng và 90 dân thường bị thương.

Thành thử chúng ta thấy, nhẹ tay thì khủng bố thoát; nặng tay thì làm thương vong cả thường dân. 

Tính từ ngày 7/10/2023 đến nay, thì 800 lính Do Thái chết, (riêng ngày đầu tiên mất 300 binh sĩ).

Palestine mất 45 ngàn người trong vòng 14 tháng, trong đó là 14 ngàn trẻ em.

200 trường học là mục tiêu của Do Thái trên tổng số 813 trường cấp một và hai. 625 ngàn học sinh. 22 ngàn cô thầy. 12 đại học đều bị phá hủy. Trường học bây giờ làm nơi tạm trú. Gaza bây giờ có chữ “SCHOLASTICIDE” để nói tình trạng bi đát hiện nay.

Bệnh viện trước kia có 36, bây giờ chỉ còn 12 là có thể hoạt động được.

Điện trước kia 12 giờ/ ngày, bây giờ hoàn toàn không.

Nước hiện nay theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc 13 galons/ ngày/ người. Thực tế 1-3 lít/ ngày/ người.

Trước 10/2023 có 470 ngàn đơn vị, hiện nay chỉ còn 179 ngàn đơn vị. 75% dân chúng bỏ nhà cửa trên mật độ dân số cao nhất thế giới.

Có một điều nữa, các nhóm khủng bố lấy những nơi từ thiện để giấu người và võ khí, như trường học, bệnh viện, nhà dân chúng; nếu Do Thái tấn công thì phản tuyên truyền, còn không tấn công thì khủng bố vẫn tồn tại và tiếp tục phá hoại.

Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống 49 lần về giải pháp Palestine/Do Thái. Và bỏ phiếu chống 42 lần lên án Do Thái tại Hội Đồng Bảo An.

Hoa Kỳ luôn luôn yểm trợ hết mình về chính trị và võ khí cho Do Thái để chấm dứt Hamas trị vì Gaza và bảo đảm trao trả con tin. Biden cũng gia tăng chỉ trích Do Thái trong việc bị Toà Án Quốc Tế và Toà Án Hình Sự Quốc Tế ra trát bắt trong năm 2024 cho Netanyahu, về tội diệt chủng.

  1. DÂN TỘC

Mặc dù Arafat vẫn hứa chống khủng bố ở tay trái, nhưng tay mặt vẫn hỗ trợ tài chính hay dung thứ cho những nhóm khủng bố Palestine. Nếu cắt đứt thì các quốc gia Âu châu sẽ phản đối vì việc tài trợ đi đôi với chống khủng bố. Và khi Do Thái muốn cắt đứt để làm áp lực thì bị quốc tế lên án. 

Mặc dù cấm cổ võ bạo lực, nhưng trên thực tế thì nhà cầm quyền Palestine đã xiển dương những vụ trả thù là “hành động anh hùng” hay “tử vì đạo”. Tổng thống Abbas hứa sửa lại, nhưng những nhà lãnh đạo cao cấp khác đã chủ trương cho tiền thưởng cao hơn đối với những người “tử vì đạo” hay bị thương, hay bị cầm tù.

Ngược lại phía Do Thái cũng vậy. Những người “ái quốc cực đoan”, chống lại Palestine cũng tấn công rất nhiều vụ. Theo Liên Hiệp Quốc, trong năm 2021 có 426 vụ tấn công của người Do Thái so với 370 vụ của người Palestine. Trong khi năm 2020, chỉ 358 vụ người định cư Do Thái tấn công. Do Thái còn phá rừng của Palestine, vấy bẩn 330 xe hơi.

Do Thái cũng không ngăn chặn từ những người cực hữu, cho là “ái quốc cực đoan”. Chỉ có một can phạm bị tù 20 tháng trong năm 2021 khi ném quả lựu đạn vào nhà người Palestine, làm 2 người bị thương và phá nát căn nhà. Vài tổ chức phi chính phủ lên án bộ Quốc Phòng Do Thái có thái độ dung dưỡng hơn là giữ gìn trật tự.

  1. NHỮNG KINH NGHIỆM CHỐNG KHỦNG BỐ 

Trong quá trình chống khủng bố, Do Thái đã đúc kết và đưa ra 5 kinh nghiệm:

1. Tìm được một tên khủng bố với đầy đủ kinh nghiệm như làm bom, huấn luyện, làm giấy tờ giả, tiếp vận … rất là khó, nếu không muốn nói là không bao giờ, vì mất thời gian huấn luyện từ vài tháng đến vài năm.

Do đó, để hạn chế hay dập tắt khủng bố là phải ra tay bắt sống hay hạ sát những tay chuyên môn thì có thể ngăn chặn rất nhiều những hành động khủng bố sau này.

 Nhưng không phải tất cả các tay khủng bố bị bắt hay giết là sách lược thành công, mà là ra tay nhanh chóng, kịp thời để tổ chức khủng bố mất đi một thời gian dài để sắp xếp nhân sự, trốn tránh.

2. Tốt nhất là chính quyền địa phương tổ chức lực lượng chống khủng bố hơn là kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Vì nắm vững luật pháp của mình, kiến thức về địa hình địa vật, phối hợp giữa tình báo và cảnh sát địa phương. Sự cộng tác của dân chúng, vì người dân không muốn hợp tác với người nước ngoài sợ mang tiếng là chỉ điểm. Chưa kể yếu tố văn hóa tôn giáo khác biệt.

3.  Khủng bố dù cao tay nghề vẫn không thể nào hoàn hảo, vẫn có sơ suất. Khủng bố gây hậu quả trầm trọng, nhưng hãy bình tâm, đừng nên đánh giá “siêu anh hùng”, được thêu dệt nhiều huyền thoại. Do Thái thường khai thác từ những điểm lỗi lầm của khủng bố. Khuyết điểm thông thường và nhiều nhất là “du hành”, nội địa hay quốc tế.

4.  Dù khi chính quyền yếu nhưng vẫn luôn chứng minh sức mạnh của mình. Do đó khi đối đầu, chính quyền muốn đánh sập chứ không muốn tranh luận chấp nhận khủng bố.

Trường hợp Jordan: Sau cuộc chiến 6 ngày, Jordan mất Jerusalem, West Bank về tay Do Thái; từ đó, người Palestine ở Jordan đã nổi loạn muốn lật đổ Vua  Huss và hoàng gia. Vua Hussein không còn lựa chọn nào khác là phải đánh sập tư tưởng lật đổ nhà vua và chế độ. Người Palestine đổ về Jordan để chống Do Thái. Chính sự kiện này đe doạ hoàng gia, và người Palestine ngày càng trở nên quá khích. Vua Hussein đã thẳng tay đàn áp kéo dài và cay đắng. Vua Hussein phải chịu trách nhiệm trong việc tàn sát người Palestine hơn tất cả các lãnh đạo hay quốc gia nào. Sự đe dọa sống còn của hoàng gia và nhà nước Jordan đã chấm dứt với sự trả giá quá đắt cho hai bên.

5. Bắt hay hạ sát hay phòng vệ là những phương tiện quản trị khủng bố, không phải giải quyết vấn đề.

Chấm dứt vấn đề Do Thái/Palestine đòi hỏi một sự dàn xếp chính trị. Nếu khủng bố tràn lan thì không thể có giải pháp chánh trị. Và một khi an ninh mang lại sự suy giảm khủng bố, và cho xã hội đúng chức năng không sợ hãi. Khi đó chính trị gia sẽ có nhiều chọn lựa và công chúng ủng hộ cho sự thương thuyết để dẫn đến giải pháp không bạo lực.

Hoàng Đình Tạo 

———————

Tham khảo:

  1. Israel’s Lessons For Fighting Terrorists and their implications for The United States, The Saban Center at the Brookings Institution
  1. Country Reports on Terrorism 2022: Israel, West Bank, and Gaza, U.S Department of State
  1. The Israel-Hamas War Has Upended the Terrorist Threat Matrix, RAND
  1. The Coming Conflict with Hezbollah, CSIS
  1. Amid Increasingly Dire Humanitarian Situation in Gaza, Secretary-General Tells Security Council Hamas Attacks Cannot Justify Collective Punishment of Palestinian People, United Nations
  1. What are Israel’s Iron Dome, David’s Sling, Arrow and Thaad missile defences?, BBC 
  1. Civil defense in Israel, Wikipedia
  1. Counter-terrorism and human rights, Justice 
  1. Israeli army’s destruction of more schools, health centres in Gaza is additional manifestation of genocide [EN/AR], reliefweb
  1. In Gaza, months of war have left Palestinians with barely the necessities to survive, npr
  1. Criteria for defining war, terrorism, and guerrilla warfare based on Clausewitz’s concepts of the nature and essence of war, Vitelio Brustolin
  1. Targeted killing by Israel, Wikipedia

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.