Hoàng Quốc Dũng: Quan điểm và trí tuệ theo thời gian

Cách đây 100 năm, tranh luận về chủ nghĩa cộng sản chủ yếu là vấn đề quan điểm. Thời điểm ấy, chủ nghĩa này mang đến nhiều hy vọng vì chưa ai có thể biết trước kết quả thực tế của việc áp dụng nó. Ngày nay, lịch sử đã chứng minh: chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm ở nhiều quốc gia và để lại những bài học cay đắng với thất bại kinh tế, sự đàn áp và mất tự do… Chính Lê-nin từng viết: “Mọi lý thuyết phải qua thực tiễn kiểm nghiệm. Thực tế là người thẩm phán khắt khe nhất đối với mọi lý thuyết.” Và thực tế đã cho thấy: thế giới cộng sản đã hoàn toàn sụp đổ.

Dù vậy, vẫn có những người bám víu vào lý tưởng này mà không rút ra bài học từ quá khứ.

ĐIỀU TỪNG LÀ VẤN ĐỀ QUAN ĐIỂM GIỜ ĐÂY ĐÃ TRỞ THÀNH VẤN ĐỀ TRÍ TUỆ.

Học hỏi từ quá khứ là trưởng thành, còn chối bỏ sự thật là tiếp tục sống trong ảo tưởng.

Từ ảo tưởng này lại dẫn đến những ảo tưởng khác – như ảo tưởng chống đế quốc một cách mù quáng.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh kiên cường giành độc lập, chủ quyền và phẩm giá dân tộc. Tuy nhiên, giữa cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 và cuộc chiến hiện nay tại Ukraine, có những điểm tương đồng đáng suy ngẫm. Cả hai cuộc chiến này, dù cách xa nhau về thời gian và địa lý, đều mang lại bài học chung về sự xâm lược, đau thương và mất mát do những cuộc chiến phi lý gây ra.

Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979: Vết thương chưa lành. 

Năm 1979, Việt Nam vừa thoát khỏi cuộc chiến với Mỹ thì bất ngờ bị Trung Quốc – “người đồng chí anh em” – tấn công. Nguyên nhân chính là do căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia. Tuyên bố của Tổng Bí thư Lê Duẩn rằng “Quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam” đã khiến Trung Quốc bất mãn. Hậu quả là Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới để “trừng phạt” Việt Nam vì đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ – đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Campuchia.

Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng nhưng vô cùng tàn khốc: Quân đội Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng, phá hoại cơ sở hạ tầng, giết hại hàng nghìn dân thường và gây ra những mất mát đau thương cho nhân dân Việt Nam. Dù Việt Nam đã giành lại được lãnh thổ, cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt này vẫn để lại vết thương sâu sắc cho dân tộc.

Chiến tranh Ukraine: Cuộc xâm lược mang hình bóng cũ. 

Ngày nay, tại Ukraine, một bi kịch tương tự đang xảy ra. Tháng 2 năm 2022, Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine với lý do “bảo vệ người dân nói tiếng Nga”, “diệt phát xít” và ngăn chặn những “mối đe dọa” mơ hồ. Thực chất, đây là một cuộc chiến nhằm cướp lãnh thổ và áp đặt quyền lực lên Ukraine.

Hậu quả của cuộc xâm lược là những gì chúng ta đã chứng kiến: các thành phố Ukraine bị tàn phá, hàng triệu người thiệt mạng hoặc bị thương(cả hai phía), hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, và cả một dân tộc đang kiên cường chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại của mình. 

Nga, giống như Trung Quốc năm 1979, đang hành động như một cường quốc theo chủ nghĩa bá quyền, muốn áp đặt sức mạnh lên quốc gia nhỏ hơn.

Thật đáng tiếc khi hiện nay có không ít người Việt Nam vẫn ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Đa phần những người này vẫn giữ tư duy cũ kỹ của thế kỷ trước, khi chủ nghĩa cộng sản còn tồn tại. Nhưng họ dường như không nhận ra rằng nước Nga hiện tại đã không còn là Liên Xô ngày xưa, mà là nước Nga dưới thời Putin – một nước Nga hoàn toàn khác.

Sự ủng hộ này, một phần xuất phát từ mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Liên Xô, lại bỏ qua một thực tế quan trọng: Chính Việt Nam cũng từng là nạn nhân của một cuộc xâm lược tương tự.

Nếu Việt Nam từng phải chịu đựng cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979, thì làm sao chúng ta có thể biện minh cho cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine ngày nay? 

Những điểm tương đồng giữa hai cuộc chiến là không thể phủ nhận:

– Vi phạm chủ quyền quốc gia: Giống như Trung Quốc đã xâm phạm biên giới Việt Nam, Nga cũng đang ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ Ukraine.

– Nỗi đau của dân thường: Cả ở Việt Nam năm 1979 và Ukraine ngày nay, chính người dân thường là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

– Sự kháng cự anh dũng: Ukraine, giống như Việt Nam trong quá khứ, đang thể hiện tinh thần quả cảm, kiên cường bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trước một cường quốc mạnh hơn gấp nhiều lần.

Giá trị của độc lập và tự do

Người Việt Nam luôn tự hào về lịch sử đấu tranh giành độc lập, chống lại các thế lực xâm lược hùng mạnh. Chính vì vậy, chúng ta cần cảm thông và ủng hộ Ukraine – một quốc gia đang chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của mình.

Nếu Việt Nam từng không khuất phục trước Pháp, Mỹ hay Trung Quốc, thì sẽ là nghịch lý nếu chúng ta ủng hộ hành động bá quyền của Nga tại Ukraine.

Hãy đứng về phía lẽ phải của lịch sử. 

Năm 1979, Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm lược của Trung Quốc. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc chiến tại Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng xâm lược và chủ nghĩa bá quyền không bao giờ có thể được biện minh.

Nga đang vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc – sản phẩm của nhân loại, không phải của NATO. Chống lại Liên Hợp Quốc là chống lại nhân loại.

Putin muốn xóa “bàn cờ thế giới” để áp đặt lại trật tự bằng sức mạnh, đưa nhân loại quay về thời kỳ chinh phạt man rợ. Những cá nhân ở một nước nhỏ, yếu như Việt Nam mà ủng hộ cuộc chiến này chắc chắn có vấn đề về trí tuệ. Họ không theo nổi cả lãnh đạo của họ. Cho đến nay, đã có nhiều lãnh đạo trung cao cấp của Việt Nam lên án cuộc chiến này của Nga.

ỦNG HỘ NGA HAY UKRAINA KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ QUAN ĐIỂM NỮA MÀ NÓ LÀ VẤN ĐỀ TRÍ TUỆ, LƯƠNG TÂM, ĐẠO ĐỨC.

Hoàng Quốc Dũng

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ năm 2022, cho tới nay Ukraine đã bị mất khoảng 20% lãnh thổ.
Màu vàng: Liên tục do Ukraine kiểm soát
Màu hồng: Hiện đang do Nga chiếm đóng hoặc kiểm soát
Màu xanh: Trước đây do Nga chiếm đóng hoặc lãnh thổ Nga do Ukraine chiếm đóng

Hình ảnh giả định nếu như Việt Nam cũng mất 20% lãnh thổ, nó cũng giống như hình ảnh của một kẻ mất não.