Lê Chiều Giang: Noel cùng Sapa
“…Trẻ thơ ơi, xin đến cùng tôi
Chia hạt cơm rơi, hay bát nước đầy
Cùng ngủ ven sông, hay gối bụi cây…”
[Tâm Ca – Phạm Duy]
Tôi gặp em một sáng mùa đông, khi tuyết mơ màng rơi và gió hắt hiu lạnh của một ngày lễ trang trọng: Giáng Sinh.
Em chen lấn trong đoàn hướng dẫn du lịch. Tôi không để ý, cho đến khi em nắm tay tôi lay lay, ngước đôi mắt ấu thơ nhìn, như quen biết nhau đã từ lâu lắm.
Tôi nhận ra mặt em sáng rỡ dù lem luốc với mái tóc bù rối, không lược và chắc là cũng chẳng có gương soi.
Tiếng nói, đôi khi đã không còn mang ý nghĩa gì, tôi nắm bàn tay em lạnh giá mà rùng mình, tôi muốn ẵm em để sưởi ấm, khi thấy tuyết mỏng rơi trên tóc em một màu trắng xoá.
Em không nói tiếng Việt, tôi chẳng biết tiếng Dao. Thật thà, giơ hai bàn tay nhỏ xíu em cho tôi hiểu em lên bảy.
Chạy vội về Hotel tôi tìm thêm áo ấm, Jacket tôi choàng lên vóc dáng em bé nhỏ, dài thậm thượt trông vừa tội nghiệp vừa rất dễ thương.
Đêm qua tuyết rơi, Sapa lạnh hơn mùa đông của California. Dù đã lo xa mang đủ mọi thứ khăn choàng, áo ấm, tôi vẫn run theo từng cơn gió se sắt lạnh của vùng núi cao.
Chương trình sáng nay, đoàn chúng tôi sẽ đi thăm thung lũng Mường Hoa. Mường Hoa, cái tên nghe thơ mộng với hoa anh đào đang chớm nở, thắm hồng đẹp rực rỡ.
Em lẽo đẽo, lén lút đi với tôi cùng đoàn người rộn ràng, nói cười qua đủ mọi thứ ngôn ngữ.
Chỉ có em và tôi, lặng im suốt những chặng đường dài.
Thung lũng dốc, sâu, vòng vo qua nhiều con đường đất trơn ướt. Sống quen ở thành phố, thiên hạ rón rén từng bước đi, và tôi cũng dò dẫm gót chân theo.
Em đứng đợi, đưa ra đôi bàn tay bé xíu, lẫm đẫm dắt tôi qua những vũng nước nhỏ, những khe đất loanh quanh. Em sợ tôi té ngã, dù tôi nhanh nhẹn với những bước chân dài…
“Tuổi thơ em,
Tôi phải ẵm, phải bồng
Cớ sao em?
Đưa bàn tay nhỏ
Dắt díu tôi qua nhiều con phố
Dật dờ.
Những suối, những truông…”
[LCG]
Tôi tách rời đoàn du khách, về nhà theo em.
Nhà. Dù đẹp như dinh thự hay chỉ là một túp lều nhỏ. Tự nó đã ấp ủ đầy ý nghĩa của những ngọt ngào, yêu thương và ấm áp.
Nhà em lạnh, tối âm u, dù chiều chưa tắt nắng. Chút khói thơm từ bếp lửa cho tôi biết “Nhà” đang sửa soạn bữa cơm chiều. Ánh lửa hắt ra từ bếp hồng, đỏ ấm áp trên những khuôn mặt hiền hòa, đang ngồi sưởi cho bớt lạnh những đôi tay…
Không ai nói một câu tiếng Việt nào đã làm tôi lúng túng, dù chỉ là vài ba câu xã giao. Tôi cúi đầu chào như một lễ nghi không thể thiếu tới hết mọi người.
Ba Mẹ, Ông Bà Nội, thêm Ông Bà Ngoại, cả vài ba con nít… Rất đông người sống chung, lúp xúp trong mái tranh nghèo nhỏ bé.
“Họ” rất vui khi líu lo cùng tôi, dù chẳng ai hiểu ai một chút gì. Rất khó khăn tôi loay hoay vẽ trên giấy, xin phép họ cho em ở cùng tôi đêm nay. Một đêm Noel lạnh giá.
Rất lịch sự, họ mời tôi ở lại cùng ăn tối. Tôi uống với họ chút rượu cần, loại cay cay nhạt nhạt, rót tràn như nước suối trong chén nhỏ. Tôi ráng uống dù vị đắng làm cho đôi môi tê dại. Thêm khói bếp mịt mù, đã làm mắt tôi cay nồng như xoa ớt.
********
Nhà thờ “Đá”, ngay trung tâm thành phố Sapa, đêm nay đông đầy những giáo dân. Vang vọng trong không gian, là rộn rã những bài thánh ca quen thuộc.
Đèn sáng giăng khắp phố cho tôi nhớ lại những Giáng Sinh tấp nập của Sàigòn năm xưa. Những đêm mặc áo đẹp, theo Ba Mẹ, đi dự Thánh Lễ ở nhà thờ Đức Bà.
Tuổi nhỏ tôi được nuông chiều nên nhõng nhẽo. Mười hai tuổi, tôi vẫn nằm lăn ra khóc ăn vạ, bắt đền. Vẫn hay dỗi hờn vô lý rồi bướng bỉnh nhất định không ăn cơm, chờ cho đến khi Mẹ dỗ dành, năn nỉ, có khi phải thêm cả những lời hăm dọa đòn roi…
Nhớ về những ngày thơ ấu cũ, tôi chợt bóp nhẹ tay em như một lời xin lỗi.
Tôi đã mắc nợ em, khi được quá nhiều những ân sủng của đời… Mà sao đôi khi tôi vẫn còn thở than và trách oán?
Vậy, còn những cuộc đời như em trên khắp cùng đất nước, khắp một quê hương lầm than, rách rưới… Các em đã có bao giờ than thở, và có được quyền oán trách với ai không?
Phản ứng từ một sự xót thương, tôi cúi xuống ngả đầu trên tóc em. Tôi hít hà cái mùi chua nồng một cách thương yêu. Tóc em như còn có cả cái hương ủ ê của đất, thêm với mùi âm ẩm, dãi dầu của những nắng cùng mưa…
Chúng tôi bước vào ngôi Thánh Đường trong tiếng thánh ca thanh thoát và xôn xao của một ngày lễ thiêng liêng nhất.
***
Tôi đoán đây là lần đầu tiên em bước vô một khách sạn. Em vui với bình hoa tươi thắm, mọi ghế bàn trong phòng khách và ngay cả những miếng xà bông nho nhỏ, xinh xinh.
Ṛụt rè em nằm trên Sofa, cam tâm như đó là nơi em sẽ ngủ đêm nay. Tôi ẵm em nằm bên cạnh, và cảm nhận ra nhiều vui thích trong đôi mắt lấp lánh, ngây thơ.
Em chợt líu lo hát, âm thanh bé bỏng, véo von. Tôi không hiểu gì, nhưng tưởng tượng ra em đang nói lên cùng thế giới. Nói về những ước ao nhỏ xíu, nhưng xa tắp, muôn trùng…Bàn tay em nhỏ bé, bao giờ mới vói được tới những ước mơ?
Tôi ôm em trong lòng, em cười rất tươi, nụ cười chan chứa hân hoan, và đầm ấm.
Em đã chẳng thao thức cùng tôi, đã chẳng thiết tha lắng nghe những bản nhạc Giáng Sinh vẫn còn lác đác, vọng lan man trên đường phố. Xoải dài tay, em chìm trong giấc ngủ.
Tôi nhìn ngắm em như soi rọi lại tuổi thơ mình, một đời sống rất khác.
Giật mình, lòng nhói đau khi mắt tôi nhìn ra đôi gót chân em nứt nẻ. Xót xa, tôi xoa nhẹ lên màu đen của những dấu ấn, những dấu vết tượng trưng cho một tuổi thơ nhọc nhằn, lam lũ.
Nước mắt tôi rơi trên đôi gót chân em. Nước mắt ràn rụa, tưởng chừng như có thể tẩy trắng hết những vết đen, sâu và dài như ngàn lát dao cắt xuống…
Tôi ngậm ngùi nhớ lại những bước nhỏ vô tội, em đã tung tăng, đã bước thoăn thoắt cùng tôi sáng nay.
Em chưa hiểu ra rằng, đôi gót chân nứt nẻ rồi đây Em sẽ phải dẫm đạp lên mọi thứ chông gai, và vướng víu với tất cả những tai ương đầy gay gắt, điên đảo của đời người.
“…Tuyết rơi và rơi
Em có lạnh
Xoa lên tóc
Thơm mùi đất ướt
Tôi hỏi em
Nhà, tận mãi đâu?
“…Sapa sáng nay
Lòng như than lửa
Từ biệt em
Tôi khóc thảm thương
Đã có bao lần, tôi trở lại
Khói chiều lam dẫn bước chân tìm
Nhớ tay nhỏ,
Ngày xưa, tóc ướt
Em ở đâu?
Mù mịt cánh chim “
LCG
Lê Chiều Giang