Lý Đợi: Triển lãm “Giấc mơ rực rỡ” của Khổng Đỗ Duy—Sự quy củ và canh tân

Trong cấu trúc nội thất truyền thống của nhiều gia đình người Việt xưa, từ trung lưu, trí thức, văn nghệ sĩ cho đến quan lại, thượng lưu, thì dịp tết đến xuân về, quan niệm “nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ mộc/tứ kiểng” càng được chú trọng hơn về mặt thẩm mỹ. Nhưng trong bộ tứ thẩm mỹ này, nhất và nhị thường ít tính bền vững, do tuổi thọ của vật liệu giấy, còn tam và tứ thì có tính trường tồn hơn. Người Việt xưa sống nương theo hoàn cảnh, “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), nên biết trân trọng, đề cao cả những điều mong manh, trừu tượng, đề cao những cái thuộc về tín lý, tinh thần.

Đời sống người Việt ngày nay có nhiều đổi khác, bộ tứ thẩm mỹ này thay đổi theo, cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong đời sống thì vẫn còn phảng phất đây đó các vết tích, đôi khi như một hoài niệm, đôi khi như một giấc mơ, sự trân quý. Mà với Khổng Đỗ Duy, đó là một giấc mơ rực rỡ, có cả tính cổ tích, lẽ nhiệm màu và cả sự tiếc nuối. 

Tác phẩm của Khổng Đỗ Duy lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, từ di sản dân gian và sự hoài niệm, trong đó có cả bộ tứ thẩm mỹ như đã nêu. Nhưng Duy không khư giữ hoặc rập khuôn truyền thống, mà kết hợp, pha trộn, biến thiên giữa truyền thống và hiện đại. Vẻ đẹp của tác phẩm dựa trên sự cân đối, sáng sủa từ ý tưởng, tạo hình, màu sắc… cho đến bề mặt tranh chỉn chu, ý tưởng và cảm xúc mạch lạc. Đôi khi Duy khai thác các vẻ đẹp từ di sản, đôi khi là các hoa văn cổ hoặc nếp sống xưa đang bị phai mờ trong đời sống hiện nay. Đôi khi là một ước lệ-tượng trưng về thời gian, về truyền thống, về đổi thay. Nhưng tất cả được bố cục một cách thống nhất, hài hòa, có hoài niệm và có tươi mới, có quy củ và có phá cách, có tiếc nuối và có lạc quan.

Đơn cử như với khái niệm vinh hoa – phú quý thường thấy trong tranh dân gian, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Khổng Đỗ Duy cũng chắt lọc tinh thần của lễ trí (nhưng không vẽ em bé ôm rùa), của nhân nghĩa (nhưng không vẽ em bé ôm cóc), của vinh hoa (nhưng không vẽ em bé ôm gà), của phú quý (nhưng không vẽ em bé ôm vịt). Chính vì vậy, Khổng Đỗ Duy không những canh tân khái niệm vinh hoa – phú quý, mà còn canh tân cả thẩm mỹ tranh tết bằng những tác phẩm độc bản được tạo tác tỉ mỉ và tân kỳ.

Nếu so với triển lãm Ký ức không phôi pha hồi tháng 1/2024 tại Hà Nội, đến Giấc mơ rực rỡ tại Sài Gòn, tinh thần ước lệ-tượng trưng của Khổng Đỗ Duy càng nhuần nhụy, sâu lắng hơn. Tính không đồng nhất giữa hình tượng nghệ thuật với thực tại đời sống càng được khắc họa tinh tế, quyến rũ.

Cuối cùng, năng lượng chủ đạo của Giấc mơ rực rỡ chính là một thực tại đời sống đáng mong đợi, đáng mơ ước, nơi bức tranh như muốn mang lại cho chủ nhân sự “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”.

Lý Đợi 

***

Một số tranh của Khổng Đỗ Duy tại triển lãm “Giấc mơ rực rỡ”:

Bóng xưa. Sơn dầu.
Hương sắc tháng tư. Sơn dầu.
Giai điệu tháng tư. Sơn dầu.
Kết nối. Sơn dầu.
Nét xưa. Sơn dầu.
Vàng son một thuở. Sơn dầu
Hương xưa. Sơn dầu.
Ngày bình yên. Sơn dầu.
Phú quý. Sơn dầu
Đủ đầy. Sơn dầu.
Sung túc No18. Sơn dầu.
Sung túc No19. Sơn dầu
Hương hạ xưa. Sơn dầu.
Thoáng xưa No2. Sơn dầu.
Vọng thời gian. Sơn dầu.
Giữa muôn màu. Sơn dầu.