Lý Đợi: Triển lãm nhớ Bửu Chỉ
Triển lãm Tay níu thời gian tưởng nhớ Bửu Chỉ (8/10/1948 – 14/12/2002) đang diễn ra tại REI Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 4/1/2023. Triển lãm được bảo trợ truyền thông bởi Mê Tranh – một cộng đồng các bạn trẻ có sở thích và niềm đam mê tìm hiểu về hội họa Việt Nam.
1.
Đây là triển lãm có tính cách hồi cố, tưởng nhớ 20 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ (14/12/2002 – 14/12/2022). Triển lãm do REI Artspace chủ trương thực hiện, giới thiệu bộ sưu tập riêng và một số tác phẩm được mượn lại từ các nhà sưu tập khác, ví dụ gia đình nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn Chí Sơn (1957–2020). Nhiều tác phẩm lần đầu bước ra từ các bộ sưu tập này, hoặc chưa được Bửu Chỉ đặt tên, nên REI Artspace chủ động đặt tên để tạm nhận diện.
Nhà phê bình Đặng Tiến thì cho rằng: “Ý tưởng, trong tranh Bửu Chỉ, không phải là cứu cánh. Nó chỉ là khởi điểm, là phương tiện để họa sĩ thực hành một bức tranh. Nó ngang hàng với cái cọ, ống màu, khung vải. Do đó, không thể nói tác phẩm Bửu Chỉ là tranh minh họa, hay là “tranh đố”. Cũng không nên đồng hóa tranh Bửu Chỉ với trường phái biểu tượng hay tượng trưng (symbolisme) thịnh hành ở Tây Âu cuối thế kỷ 19, dù kẻ liên tài có người liên tưởng. Từng bức tranh, hay từng giai đoạn sáng tác của Bửu Chỉ, có thể nhắc đến môn phái nọ, chưởng phái kia. Nhưng trong toàn bộ, tranh Bửu Chỉ đăm đăm một kỷ cương duy nhất, là trường phái Bửu Chỉ”.
Hơn 30 họa phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ được sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu trên giấy, canvas, vải bố, bột giấy trên vóc… sẽ được trưng bày. Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên Tay níu thời gian, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của Bửu Chỉ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả – đặc biệt giới trẻ – bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.
Nhà sưu tập Đỗ Viết Tuấn (một đại diện của REI Artspace) cho biết: “Chúng tôi là những hậu bối, bước vào làng mỹ thuật khi Bửu Chỉ đã rời xa nhân thế từ lâu, nên triển lãm Tay níu thời gian được thực hiện với lòng ngưỡng vọng một tài năng, một cá tính riêng. Những vụng về, thiếu sót trong việc thực hiện chắc chắn sẽ có, nhưng hãy vì tình yêu mến dành cho Bửu Chỉ mà chỉ bảo, lượng thứ cho chúng tôi. Điều tuyệt vời nhất của Tay níu thời gian là toàn bộ tác phẩm đã có một hành trình minh bạch, từng thuộc sở hữu của những bộ sưu tập uy tín, nên sẽ là dịp để công chúng chiêm ngưỡng”.
Trong một bài phỏng vấn, Bửu Chỉ chia sẻ: “Nói rằng tôi chưa đến một trường mỹ thuật nào thì đúng hơn. Còn học vẽ thì phải học cả đời. Nhất là đối với một người tự học như tôi. Tôi đam mê hội họa từ nhỏ và ráo riết làm việc với nó cho đến nay, và dĩ nhiên là suốt cả đời tôi”.
Bửu Chỉ: “Như tôi đã nói ở trên, đối với một họa sĩ tự học, mọi người đi trước không kể trong nước hay ngoài nước và không kể thời đại nào đều là thầy của tôi. Nhưng tôi phải luôn luôn tự thấy rõ ràng rằng vấn đề then chốt là chính tôi mới là chủ thể chính yếu, và quan trọng trong sáng tạo của tôi.
Và cũng từ suy nghĩ như vậy tôi có thể nói rằng tôi có riêng xu hướng nghệ thuật của mình. Xu hướng hay trường phái là quan niệm, là chủ trương của một họa sĩ, hoặc một nhóm họa sĩ này đối với một hoặc một nhóm họa sĩ khác trong vấn đề sáng tạo. Khát vọng sáng tạo là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ; mà đã nói khát vọng là không bao giờ có cái cùng cả. Nếu có cái cùng thì nghệ thuật sẽ chết. Như vậy theo một người khác thì mình chẳng theo được gì cả”.
Ngày 16/3/1997, trong bài phỏng vấn do Đại Dương thực hiện, khi được hỏi quan niệm của anh về hội họa và thiên chức của người họa sĩ (nói riêng) và người nghệ sĩ (nói chung)? Họa sĩ Bửu Chỉ trả lời: “Nói về quan niệm hội họa và thiên chức của người họa sĩ nói chung thì thật là không phải và lại mang tiếng dạy đời. Vả lại mọi người sẽ có một cách nhìn, cách nghĩ riêng.
Vậy tôi chỉ nói về quan niệm của tôi: Nghệ thuật đứng về phía nước mắt. Nó phản ảnh cái phần bóng tối của cuộc sống mà mọi người chưa thấy ra hoặc mỗi người nghĩ mỗi cách. Nghệ thuật là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ mà chẳng bao giờ đạt được cái cùng. Nghệ thuật dĩ nhiên là cái đẹp nhưng trước khi làm cái đẹp nó phải là cái trung thực. Do đó nghệ thuật mạnh hơn cái tự nhiên là vậy. Tác phẩm nghệ thuật là bản thông điệp về cuộc sống mà người nghệ sĩ muốn gửi đi. Và người thưởng ngoạn sẽ chia sẻ với họ bằng những kinh nghiệm tâm linh của riêng mình. Nhờ đó nghệ thuật sẽ trở nên phong phú hơn, và nó là mối cộng thông giữa nhân loại. Tác phẩm nghệ thuật không có tham vọng nhằm giải quyết gì hết. Tác phẩm nghệ thuật chỉ nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người”.
2.
Cuối thập niên 1960 đầu 1970, khi đang là sinh viên trường luật ở Huế, Bửu Chỉ đã rất say mê hội họa và đã rất nhiệt tình trong các phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế và Sài Gòn. Dùng tranh, đặc biệt là biếm họa, để tuyên truyền, đấu tranh. Với họa sĩ Đinh Cường (1939–2016), cuộc đời hội họa của Bửu Chỉ có 3 giai đoạn rõ ràng: Giai đoạn “đen” 1970–1974, chữ mà Huỳnh Hữu Ủy hay dùng là “hội họa trước nghịch cảnh”, khi Bửu Chỉ sáng tác những bản vẽ bằng bút sắt mực nho, mạnh mẽ, đau nhói. Chất liệu này thích hợp cho phong trào đấu tranh mà anh là chứng nhân, là người chiến đấu. Tranh ở giai đoạn này, theo Bửu Chỉ: “…Nếu cần dùng một danh từ để tạm định nghĩa khuynh hướng sáng tác của tôi, tôi xin dùng chữ biểu tượng xã hội (expressionisme socialiste)”.
Giai đoạn “trầm tĩnh” từ năm 1975. Bửu Chỉ với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ và một trái tim nhiều ưu tư của người trí thức, vẫn đương đầu, vẫn dấn thân trước một khung cảnh mới. Và rồi ta bắt gặp ở tác phẩm sự trầm tĩnh – thái độ cần thiết để nhìn lại và nhìn suốt vấn đề con người bằng tất cả lương tâm của một con người, một công dân… Vì vậy dễ dàng bắt gặp ở anh cái thế giới bàng bạc những nỗi niềm, những tình cảm và suy nghĩ khát khao đươc bày tỏ. Chính từ đó, Bửu Chỉ đã hình thành một quan niệm riêng về nghệ thuật. Nhà thơ Trần Hoàng Phố (Bửu Nam, người gần gũi bên giòng họ Bửu Chỉ) đã nhận xét rất chí lý: “Không gian vô cùng tận của vũ trụ, nơi nhật nguyệt mang mang soi tỏ, ở trong đó con người vừa nhỏ bé, vừa kỳ vĩ, nhỏ bé trong thân phận và kỳ vĩ trong khát vọng và suy tưởng muốn ôm choàng tất cả sự sống và nỗi đau – nỗi sầu muộn và niềm hy vọng kiếp nhân sinh, hoá thân thành sự đam mê sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật như là sự chống trả với bước đi tàn bạo của thời gian”.
Đinh Cường nhận xét: “Ám ảnh về thời gian thấy rõ trên những con số La Mã và hai chiếc kim đồng hồ, con người hay hóa thân của người nghệ sĩ treo lơ lửng trên sợi giây đen trong rất nhiều tranh sơn dầu của anh. Bửu Chỉ không chọn trước cho mình một trường phái nào. Chính khát vọng muốn bộc bạch mọi điều với cuộc đời quyết định cho anh một ngôn ngữ tạo hình mang đầy cá tính và bản sắc Huế – đó cũng là phong cách của anh – và tất nhiên, anh cũng đã tìm cách vươn tới một ngôn ngữ hội họa có tính quốc tế. Tên tuổi anh đã được ghi nhận trong rất nhiều sách, báo của những nhà phê bình nghệ thuật uy tín”.
Giai đoạn sau cùng có thể nói là giai đoạn “tâm linh”, suy nghiệm nhiều về triết lý của đạo Phật. Bửu Chỉ từng phát biểu: “Sáng tạo nghệ thuật là nỗ lực tạo lập thế cân bằng tâm linh cho con người khi cuộc sống vốn ngắn ngủi và chông chênh”.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân (1934–1999): “Tôi không hiểu sai Bửu Chỉ: nghệ thuật không phải để trang điểm hay phụ bạc, mà nó phải được bảo đảm và định hướng bằng chính cái ý nghĩa người, bao giờ cũng đẹp đẽ và có ích, trong cuộc sống thường là nhỏ nhen và tàn bạo. Sự trốn thoát nào đó cái hàng ngày, bằng hội họa, của anh là có nghĩa bởi nó đồng nhất với nhập cuộc và đấu tranh cho cái chưa là”.
Còn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939–2001): “Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn với chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này…”.
Đinh Cường kết luận: “Tiềm năng và tiềm tính trong tranh sơn dầu Bửu Chỉ càng thăng hoa, anh đã đi bước đi ngàn dặm. Tranh anh mang tính triết lý và thơ mộng, thường dùng bố cục có suy tính (composition raisonnée), chú trọng cách xếp đặt, về những đường lực thế nào cho nhịp nhàng, mạnh mẽ và tạo dáng bằng những đường viền chắc chắn, không gian tranh được đắp dày rất kỹ. Anh cũng sử dụng ánh sáng như một phương tiện diễn đạt tư tưởng, cảm xúc, có thể quan niệm như lối chói sáng trên sân khấu, và thường chú tâm đến khối thể (volumes), cũng vì thế tranh của Bửu Chỉ rất gần với điêu khắc”.
“Bửu Chỉ, bằng nghệ thuật suy ngẫm, khám phá cho ta thấy rằng, từ những nụ hoa hải đường hồng tía đến những cây đèn dầu thô sơ, những bình vôi, ly cà phê đổ, que diêm tắt, từ chim bồ câu cho đến chân dung Chúa, Phật… đều hiện xuống tác phẩm của anh đầy quyến rũ. Riêng tôi, còn thấy Bửu Chỉ như một hoá thân của “người đứng trên miệng núi lửa”, một sức sáng tạo mãnh liệt đã bị tro than cuốn đi”.
Lý Đợi