Lý Đợi: Xem “Cậu bé giúp lễ” của Nguyễn Văn Tùng
Xem triển lãm này của Nguyễn Văn Tùng, có thể gợi nhớ đến tiểu thuyết “Chúa trời của những chuyện vụn vặt” (The God of Small Things, 1997) của Arundhati Roy.
Nếu Arundhati Roy mang đến cho người đọc xác tín rằng: hãy nhẫn nại vượt qua những đau khổ và mâu thuẫn sẽ tìm thấy thiên đường. Thì với Nguyễn Văn Tùng: sự nhẫn nại, tin yêu từ những công việc nhỏ nhặt, thường nhật sẽ là thiên đường.
Từ cổ chí kim, tôn giáo nói chung, Thiên chúa giáo nói riêng, luôn là đại tự sự (grand narrative/ grands récits), thậm chí siêu tự sự (meta narrative) của nhiều ngành nghệ thuật. Trong câu chuyện rất lớn đó, Nguyễn Văn Tùng đã chọn một chủ đề rất nhỏ – cậu bé giúp lễ – để theo đuổi, một tiểu tự sự (petit narrative). Chính nhờ vậy mà Nguyễn Văn Tùng có thể quán xuyến khá trọn vẹn, vẽ một cách sáng trong, đầy tin yêu.
Trong hầu hết nhà thờ Thiên chúa giáo, cũng như lịch sử mỹ thuật Tây phương, hình tượng cậu bé giúp lễ đã khá quen thuộc, để vẽ lại, vừa dễ vừa khó.
Có lẽ nhờ một quãng thời gian dài gần gũi, quan sát các cậu bé giúp lễ ở giáo xứ quê nhà, Nguyễn Văn Tùng như vẽ lại câu chuyện ấu thời của chính mình. Không chỉ nhẹ nhàng Việt hóa được hình tượng này, mà nhờ sự trong sáng, tin yêu, đã mang lại một tự tình riêng tư, quen mà hấp dẫn.
Không chỉ dừng lại ở riêng một chủ đề tôn giáo, “Cậu bé giúp lễ” còn gợi mở những ngẫm ngợi về niềm tin, về đức tin, về đạo đức phổ quát trong cuộc sống. Làm bất cứ việc gì, dù lớn lao hoặc nhỏ bé, nếu phát xuất từ sự hiểu biết, sự thuần thục, sự tin yêu và sự trong sáng, niềm vui và thiên đường sẽ sớm hiện diện.
Xem “Cậu bé giúp lễ”, họa sĩ Lê Quý Anh Hào chia sẻ: “Nhiều quan điểm triết học lẫn tôn giáo ra đời góp phần đưa đường chỉ lối để con người tự tái tạo, cân bằng trong bộn bề vật chất hằng ngày. Cũng tương tự, việc vẽ, sáng tác nghệ thuật không chỉ là nghề, mà còn mang lại giá trị tinh thần cho người vẽ, vừa truyền cảm hứng đến một ai đó hoặc thậm chí là cộng đồng.
Tùng là họa sĩ may mắn khi có cơ hội sống trong xóm đạo, vì thế, anh có thời gian suy tưởng về nơi mình sống, và “soi mình” bên kinh thánh. Điều này mang đến sự thú vị và cá tính riêng cho bộ tranh. Vẽ song hành sống đạo là cách tận hưởng tinh thần gấp đôi. Qua đó, ta mới thấy anh kể chuyện theo cách khác biệt so với những gì được thấy nơi thánh đường quen thuộc. Một cậu bé Tùng hiện lên từ đó, trong một xóm đạo sâu thẳm, nhẹ nhàng, không xa hoa như những bức tranh anh dùng thủ pháp thể hiện”.
Còn nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng thì nhận xét: “Một biểu tượng suy niệm chính của Kitô giáo không thể thiếu gần như trong toàn bộ “Cậu bé giúp lễ” là thập tự giá – dấu chỉ của sự cứu chuộc, và là dấu chỉ đức tin của người Công giáo. Đây cũng là dấu chỉ về con đường kêu gọi sống đời tận hiến, con đường thánh giá trở thành con đường sống, được tìm thấy trong sự phục vụ Chúa tức là phục vụ tha nhân. Công việc phục vụ thầm lặng của các cậu bé giúp lễ đã được hoạ sĩ phát biểu ngắn gọn cho cuộc triển lãm. Phục vụ vì Chúa cũng là hy sinh, là quên mình, không đòi đền đáp, như lời trong Phúc Âm: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Trong mùa Giáng sinh, xem “Cậu bé giúp lễ” như được tiếp thêm một luồng sáng trong lành, tích cực.
Lý Đợi
MỘT SỐ BỨC TRANH TRONG TRIỂN LÃM “CẬU BÉ GIÚP LỄ” CỦA HỌA SĨ NGUYỄN VĂN TÙNG.