Mặc Lý: Tản mạn về ba ngôi

– Hôm nay trời nắng ráo, ấm áp anh Quân đưa ra ý mời anh chị em ngắm hoa đào bên Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, lại được chị Nga cho thưởng thức món bánh khúc. Thật là thiên thời địa lợi nhân hoà, phong nhã mà lại được ngon miệng và no bụng nữa.
– À, bánh khúc, món ăn dân dã miền Bắc, đi vào trong Nam và ra tận nước ngoài vài chục năm nay đây.
– Vâng. bánh khúc đúng là một món ăn dân dã. Có người còn gọi là xôi khúc hay bánh cúc nữa. Tôi sinh trong Nam, nhưng ông cụ tôi kể lại, thời còn đi học trường Bưởi, nhà nghèo, hôm nào trời lạnh mà có tiền mua một xu bánh khúc, thu tay vào bọc, lâu lâu lấy ra cắn một miếng nhỏ thì thật là không còn gì bằng.
– Món này ngoài Bắc, dùng rau khúc giã lấy màu, nhưng chúng mình bên đây thì chịu. Anh thông cảm nhé.
– Ối dào, chị cho ăn là quý lắm rồi. ai dám đòi thêm xôi gấc nữa đâu chị.
– Hoa đào còn sót lại, giống như những bông hồng tháng chín của Maurois.
– Rồi hoa đào cũng đã ngắm, bánh khúc thì ăn hết rồi. Ai có chuyện gì vui xin kể ra.
– Chuyện vui thì không có, nhưng hôm nay tôi muốn nói chuyện hơi nghiêm trang một chút, xin các anh chị nghe xem có xuôi tai không?
– Chuyện gì vậy anh?
– Chuyện ba ngôi.
– Ấy, chuyện này thì nghiêm trang quá. Tuy tôi đạo Phật và cũng to mò muốn tìm hiểu về các tôn giáo khác, nhưng ở nơi công cộng mà bàn chuyện này e không ổn.
– Ồ không, tôi không dám nói tới chuyện Ba Ngôi trong Thiên Chúa giáo đâu anh. Cao quá tôi với không tới. Tôi chỉ muốn nói lên chút suy nghĩ vẩn vơ, kiểu đụng đâu nói đó về chuyện ba ngôi trong xưng hô của tiếng Việt, đặc biệt trong gia đình hay đại gia đình. Ngôi thứ nhất chỉ người đang nói, ngôi thứ hai chỉ người đang được nói với, còn ngôi thứ ba là người đang được nói tới. Ở đây, người có thể là một người, nghĩa là số ít, hay nhiều người, tức là số nhiều.
Trước hết xin nói về ba ngôi trong tiếng Tàu, mà tiếng Việt của ta mượn rất nhiều. Đại danh từ (tức đại từ) phổ thông trong tiếng Tàu: ngã (我)(hay ngô (吾), dư (予)) cho ngôi thứ nhất, nhĩ (伱) cho ngôi thứ hai và tha (他)cho ngôi thứ ba. Số nhiều thì dùng ngã môn (我 們), nhĩ môn (伱 們), tha môn (他 們).
– Vậy thì cũng giống như “I, you, he, she, we, you, they” của tiếng Anh hay “je, tu/vous. il, elle, nous, vous, ils, elles” của tiếng Pháp hay “ich, du/Sie, er/sie, wir, ihr/Sie, sie“ của tiếng Đức. Ở đây ta không nói tới đại danh từ trung tính. Tiện đây cũng xin hỏi anh ngoài lề một chút. Trong tiếng Anh tại sao đại danh từ ngôi thứ nhất số ít luôn luôn được viết theo chữ hoa là “I” thay vì viết thường là “i”?
– Có người cho là “I” được viết hoa để tăng sự quan trọng cho người đang nói, tức ngôi thứ nhất. Ngã độc tôn mà, cái tôi là cao nhất. Nhưng tôi cho là không phải thế. Trong tiếng Anh chỉ có hai từ, gồm duy nhất một mẫu tự (chữ cái) là “a” và “i”, vốn đều là nguyên âm. “i” nếu không viết hoa thì khó đọc, trong khi chữ “a” viết hoa hay không đều dễ đọc. Có người lại cho biết trước khi máy in được phát minh ra, chữ “i” được viết tay thoạt đầu bình thường sau đó càng ngày càng cao hơn để dễ đọc.
– Anh nói cũng hợp lý.
– Trở lại về ba ngôi trong cách xưng hô của tiếng Tàu. Có một điểm đặc biệt là tính từ (hay tĩnh từ) được dùng chung với danh từ để chỉ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ hai, và dĩ nhiên cả ngôi thứ ba.
– Chuyện dùng danh từ, thậm chí danh từ cùng với tính từ để chỉ ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai cũng có trong những ngôn ngữ khác rồi chứ anh?
– Đúng vậy. Thí dụ trong tiếng Anh, giữa vợ chồng hay những người yêu nhau, người ta hay dùng “baby, darling, honey” hay “my baby, my darling, my honey” cùng với “dear”, nhưng tôi cho là không nhiều lắm. Nhưng trong tiếng Tàu thì khá phổ thông. Thí dụ khi nói về ngôi thứ nhất, thì dùng tính từ có tính khiêm nhường như “bỉ nhân (kẻ hèn), hạ nhân (kẻ thấp kém), ngu huynh (người anh ngu muội), ngu tỷ (người chị ngu muội)…” hay nói về ngôi thứ ba thuộc về mình thì dùng “chuyết phu (người chồng vụng về), tiện nội (người vợ hèn kém), độn tử (đứa con trai ngu si), tiện nữ (đứa con gái hèn kém)…”. Ở đây, cũng xin lưu ý khi người ta nói về vợ của mình thì tiện nội là đủ, không nói tiện nội của tôi. Cũng như khi nói về ý kiến của mình thì thiển ý là đủ, không nói thiển ý của tôi. Còn khi nói về ngôi thứ hai hay ngôi thứ ba liên quan đến người khác, thường dùng từ có ý tôn xưng “đại nhân, hiền huynh, hiền muội …” cho ngôi thứ hai hay “lệnh tôn, lệnh mẫu, quý huynh, quý muội” cho ngôi thứ ba. Như vậy trong tiếng Tàu, tính từ dùng chung với danh từ diễn tả tình cảm hay góc nhìn của ngôi thứ nhất với hai ngôi kia.
Ta trở lại chuyện ba ngôi trong tiếng Việt. Có người cho rằng tiếng Việt rất phong phú những từ cụ thể mà lại nghèo nàn những từ trừu tượng, thường phải mượn tiếng nước khác. Tôi không nhớ ai nói câu đó nhưng áp dụng vế đầu câu đó vào chuyện xưng hô thì khá đúng. Về ngôi thứ nhất, tiếng Việt rất phong phú: mọi danh từ dùng trong liên quan gia tộc có thể dùng trực tiếp cho ngôi thứ nhất. Thí dụ các từ “cha, mẹ, bố, cậu, mợ, tía, má, papa, maman, bủ, bõ, bầm, bu, o, ôn, chú, thím, bác, cô, dì, dượng, ông, bà, con, cháu …”, đều có thể được dùng cho ngôi thứ nhất, và cả ngôi thứ hai như một loại đại danh từ.
– Điều này chắc làm cho người mới học tiếng Việt nhức đầu, không giống như tiếng Anh chỉ đơn giản là “I”, phải không anh?
– Vâng, anh nói đúng. Ngoài ra, từ riêng cho ngôi thứ nhất, có “ta, tôi, tui, qua, tớ, tại hạ/mỗ (mượn từ tiếng Tàu) …”.
– Chắc anh muốn nói mỗi đại danh từ bên trên thích hợp cho một số trường hợp thôi, chứ không phải tất cả?
– Vâng, con cái khi nói chuyện với cha mẹ thường xưng con, tuy một số vùng quê miền Nam lại xưng tui. Nghe ngồ ngộ nhưng không sao. Khi nói chuyện với người bằng vai mình, trong câu chuyện phiếm, xưng tại hạ thì không sao. Nhưng, ở đây khi nói chuyện với các anh chị đều lớn tuổi hơn tôi, nếu tôi xưng tại hạ là … hỗn. Tiện đây, tôi cũng đề nghị với các bạn Việt Nam khi nói chuyện công với các người quyền lực hay chức vụ cao hơn mình, nên dùng đại danh từ “tôi” thay vì “em”. Đây là sự bình đẳng, đứng thẳng trước pháp luật và quyền thế. Nhưng chỉ là đề nghị của tôi thôi.
Từ “mình” cũng khá đặc biệt. Ngoài việc dùng cho ngôi thứ nhất số nhiều với nghĩa “chúng ta”, nó còn được dùng cho ngôi thứ hai. Trước đây, “mình” chỉ dùng với người rất thân thuộc như vợ chồng, hay người yêu nhau
Mình về ta chẳng cho về
Cầm tay kéo lại, mình thì ở đây
nhưng ngày nay, từ “mình” này dùng cả cho người mới gặp.
Về ngôi thứ hai, có nhiều cách xưng hô, tuỳ theo tình cảm hay vị thế người đang nói.
– Trong tiếng Pháp, ngôi thứ hai số ít có thể dùng cả “tu” trong xưng hô thân mật, tutoyer thay cho “vous”, vouvoyer. Tiếng Đức cũng thế. Chắc anh muốn nói tiếng Việt cũng tương tự?
– Vâng, anh nói đúng. Nhưng tiếng Việt thì đại danh từ ngôi thứ hai phong phú hơn nhiều. Ta có thể gọi “ngài, quý ngài, quý vị, các anh chị, các em, mày, chúng mày, tụi mày, bọn mày, bay, tụi bay, quân bay, bọn bay”. Tuỳ theo số ít hay số nhiều và tình cảm muốn chuyển tải. Trong từ “bọn mày”, “mày” để chỉ ngôi thứ hai, “bọn” để chỉ số nhiều, và “bọn mày” chỉ ngôi thứ hai số nhiều, dành cho nhiều người thân thuộc hay có vị thế thấp kém hơn người đang nói. Tương tự như vậy, trong “quân bay”, “bay” để chỉ ngôi thứ hai, “quân” là loại từ (tức mạo từ) chỉ người vị thế thấp kém, thường dùng cho số nhiều như người ta hay nói “bọn họ đàng hoàng, không phải là quân du thủ du thực”. Cả từ “quân bay” để gọi đàn em, ngôi thứ hai số nhiều.
– Nhân tiện, tôi cũng xin nêu một điều tôi vẫn thắc mắc. Có diễn giả dùng từ “chúng tôi” để nói về một mình ông ta, Vậy thì đúng hay sai?
– Nếu anh chỉ nhìn theo ngữ pháp (tức văn phạm) Anh hay Pháp thì có thể cho là sai. Nhưng tôi có ý khác. Xưng hô như vậy phản ảnh nhân sinh quan đông phương. Khi dùng “chúng tôi” thay cho “tôi”, đó là sự khiêm cung, nép sau bức màn, giấu cái riêng vào cái chung. Nhưng cũng nên để ý là dùng “chúng tôi” thay cho “tôi” khi nói về công lao, vinh dự thì được, còn nói về khuyết điểm, thiếu sót rõ ràng là của người đang nói thì phải dùng “tôi” chứ không thể dùng “chúng tôi”.
– Cám ơn anh về những trao đổi. Để tôi suy nghĩ thêm và cho anh hay sau nếu tôi có ý khác với anh. Chuyện đã khá dài, mình cũng nên chấm dứt ở đây. À, lại “mình”!
– Vâng, xin hẹn các anh chị dịp khác.
Mặc Lý