Mặc Lý: Xa Và Gần: Chọn Lựa Trong Chính Trị
Vài năm sau 1975, khi rảnh rỗi, và rất nhiều khi như thế, tôi thường theo một anh bạn thân lang thang trên phố xá Sài Gòn, chơi cờ tướng độ. Nhiệm vụ của tôi đơn giản, chỉ xách theo bộ cờ tướng và khi kiếm được tay chơi cùng, tôi sẽ giữ tiền độ và canh chừng công an, mà chúng tôi hay nói lóng là nghía bò. Anh bạn tôi mới là nhân vật chính. Anh không giải hay bày cờ thế, mà chỉ chơi ngang tay thôi, nghĩa là chơi đồng không chấp nhau con cờ nào cả. Anh là cao thủ cờ tướng, chơi mười ván thì thường anh thắng được tám chín ván. Khi gặp đối thủ nào cứng cựa hơn, tối đó anh thường pha trà uống và suy nghĩ về thế cờ ban ngày mà mình thua. Tôi hỏi anh bí quyết chơi cờ tướng giỏi thì anh nói dễ lắm, chỉ cần biết nguyên tắc và tập luyện thôi. Theo anh, nguyên tắc là tính trước những bước cần phải đi. Người tính được ba nước thì chơi giói hơn người chí tính được hai nước và gặp tay tính được bốn nước thì thua. Hiện nay ngành Trí Tuệ Nhân Tạo (Artificial Intelligence – AI), khi dạy cho máy học để suy nghĩ hợp lý, người ta cũng chia thông tin và cách xử lý thông tin như những tầng của bộ óc. Thông tin sơ khai và cách xử lý nó đưa vào tầng sơ khai nhất. Khi xử lý xong sẽ được chuyển lên một tầng cao hơn, xử lý đưới cái nhìn tổng quát hơn, kết hợp cả thông tin từ những tầng thấp hơn và khu vực lân cận. Với cùng lượng thông tin, hệ thống Trí Tuệ Nhân Tạo nào càng nhiều tầng hơn thì càng dễ đưa đến những quyết định hợp lý hơn.
Chọn lựa trong chính trị có điểm tương đồng nhưng cũng có điểm dị biệt, so với chơi cờ tướng. Điểm tương đồng là khi có mục tiêu cuối cùng rõ ràng, với người tham gia suy nghĩ cẩn thận, có một chiến lược dài hạn thích đáng thì những bước đi trung gian sẽ là những chiến thuật ứng với mục tiêu cuối cùng và chiến lược dài hạn này. Điểm dị biệt là trong việc chơi cờ tướng, mục tiêu cuối cùng thường chỉ là chiến thắng trước đối thủ, trong khi trong chính trị thì mục tiêu cuối cùng đa dạng hơn. Nếu một người đang hưởng những đặc quyền đặc lợi từ một thế chế chính trị nào đó, thí dụ các cán bộ đảng viên cao cấp trong một quốc gia độc tài đảng trị, thì mục tiêu của họ lại có thể là sự tồn tại của thể chế.
Tuy nhiên với đa số, mong muốn nhất có lẽ là một xã hội pháp trị và dân chủ, trong đó luật pháp hợp lý, rõ ràng, không diễn dịch tuỳ tiện và mọi người đều có cơ hội đóng góp cho quốc gia và có cơ hội hưởng quyền lợi từ quốc gia. Mục tiêu cuối cùng này có lẽ còn rất lâu mới đạt được. Tuy nhiên bàn cờ chính trị hiện nay vạch ra sự đương đầu gay gắt giữa hai khối: một là khối các nước tự do dân chủ pháp trị đứng đầu là Mỹ và khối độc tài toàn trị, hoặc là cá nhân hoặc là đảng trị, đứng đầu là Trung Quốc. Vậy chiến lược dài hạn hợp lý là làm cho khối tự do dân chủ mạnh hơn trong việc đương đầu với khối độc tài toàn trị.
Với những người đang sống ở nước Mỹ, bước chọn lựa chính trị gần nhất có lẽ là lựa chọn ai trong lá phiếu bầu cử cử tống thống sắp tới của mình. Dưới chiến lược làm cho khối tự do dân chủ mạnh hơn, ai là người nên chọn, nghĩa là chọn lựa nào sẽ phù hợp với chiến lược dài hạn nêu trên? Ông Donald Trump hay bà Kamala Harris? Ai là người có khả năng tạo một tiếng nói chung với các đồng minh để tăng cường sức mạnh trước khối độc tài? Ai là người có thể đoàn kết nước Mỹ, hay ít ra là không gây chia rẽ hơn? Ai là người bảo vệ những định chế dân chủ, nguyên tắc tam quyền phân lập hay bảo vệ các quyền tự do dân chủ, vốn là những khác biệt tiêu biểu khi so sánh với khối độc tài toàn trị?
Tuy nhiên khi nhiệt thành ủng hộ hay chống đối một ứng cử viên, nhiều người đã cực đoan di xa hơn bằng nhào nặn, chế biến, nguỵ tạo tin tức và gom tất cả những người khác ý mình là kẻ thù. Một sự thật khá rõ ràng là dù ý kiến ta như thế nào, dự tính bầu cho ai, sẽ có suýt soát một nửa nước Mỹ sẽ có ý kiến khác mình.
Tôi nghĩ khi chúng ta bình tĩnh, hướng về mục tiêu cuối cùng thì chúng ta sẽ có những bước đi đầu tiên thích hợp với chiến lược dài hạn. Ngay cả khi mục tiêu cuối cùng khác nhau và nhận định về những bước đi trung gian khác nhau, xin đừng cực đoan như đã nêu trên. Những cực đoan này cũng giống như khi đánh cờ tướng, đập nát bàn cờ hay tệ hơn đập bàn cờ vào đầu người cùng chơi.
Mặc Lý