Ngô Kim Khôi: “50 sắc sắc”
Người ta nói tranh khỏa thân tôn sùng vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người, đặc biệt là người phụ nữ. Một số người lại cho rằng tranh khỏa thân mang tính dung tục, tầm thường và thô thiển, không tế nhị. Vì vậy, tranh khỏa thân là một đề tài muôn thuở, tuy hấp dẫn nhưng vẫn tiếp tục gây tranh cãi.
Theo Thánh Kinh, Thượng Đế tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Nói như thế, có nghĩa là con người có nhan sắc của Thượng Đế, một nét đẹp hoàn mỹ đối với các loài giống khác. Từ lúc con người biết vẽ, nhan sắc nhân loại luôn được tôn vinh dưới mọi hình thức, mà thuở tiền sử hồng hoang chúng ta sống lõa thể.
Triển lãm “50 sắc sắc” tại HUYEN ART HOUSE giới thiệu trên dưới 50 tác phẩm khỏa thân của nhiều tác giả với nhiều phong cách khác nhau. Bước vào phòng tranh, trước mặt chúng ta bỗng hiện lên “rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên“. Bất chợt, tâm trí bỗng hiện ra những ý niệm không giới hạn trong việc hiển thị hình ảnh cụ thể từ lâu chôn dấu, tạo ra sự liên tưởng đầy mê hoặc, mở cửa cho tâm hồn của người xem du hành đến một thế giới có nhan sắc tự nhiên của con người nguyên sơ trần truồng, dẫn dắt chúng ta hướng vào hình ảnh đẹp đẽ tuyệt vời cả về tinh thần lẫn thể chất.
Từ Lưu Công Nhân, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Ngô Minh Cầu đến Trần Lưu Hậu, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Trung Quân, Bùi Tiến Tuấn…, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Ai không hạnh phúc, không ngất ngây khi lạc vào muôn trùng da thịt phơi bày?
“Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc/ Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da/ Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa/ Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết/ Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết/ Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân/ Ta gần em, mê từ ngón bàn chân/ Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão…” (Đinh Hùng)
Xác định đây không phải là “50 sắc thái” nóng bỏng cuồng nhiệt mà lại là “50 sắc sắc“, diễn tả sự hiện hữu có thật của con người, của da thịt, trong những “sắc không” của muôn trùng vũ trụ. Phải chăng cũng có thể gọi là “50 sắc uẩn” mênh mông những gì chúng ta có thể nắm bắt, chạm đụng, mơn trớn? Và người họa sĩ có hay không thể lược bỏ tính dục hay sự gợi cảm trong tranh nude?
Bỏ tính nhục dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân là điều bất khả thi, nhưng vượt lên trên hết là cái đẹp thiêng liêng đem đến cho người xem tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng, hoan lạc. Mỗi người đều mang trong mình những ý niệm riêng, sẽ tự có cảm nhận và đánh giá, và đối với tranh khỏa thân, chúng ta hoàn toàn không có cách hiểu nào là đúng hay sai. Quan trọng là tác phẩm gợi mở nơi người xem một thế giới mộng tưởng, có khi si mê cuồng vọng, đôi lúc như một lời mời gọi “Hãy ngồi xuống đây. Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng. Dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng, kiếp sống hoang sơ…” (Lê Uyên Phương)
Bởi vì tranh khỏa thân tự nó là một fantasme, nghĩa là có thể chuyên chở khao khát tưởng tượng, phản ánh những mong muốn tiềm ẩn của con người trong thú vui trần thế và thấy an lòng, nên người xem tranh có thể hình dung những tình huống khác nhau, mặc cho bố cục hay màu sắc…
Chính vì con người luôn mang trong tâm hồn một cảm giác thiếu hụt nên mải mê ham muốn, cho dù có đắm chìm trong thú vui xác thịt tràn trề. Những bức tranh khỏa thân nói riêng và cái đẹp nói chung có thể “Không tức thị Sắc” một sức mạnh vô hình nhưng triền miên, hòng lấp đầy trạng thái thiếu thốn một cách chơi vơi của mỗi con người chúng ta, để bất chợt biến sự thăng hoa của dục tính trong hội họa khỏa thân thành một nguồn năng lượng thiêng liêng cao cả.
“Trong tay nàng ta ngả mình ngây ngất/ Nghe rõ ràng trên thịt ấm, da xuân/ Ngực dâng cao, hơi thở đã mau dần/ Mùi cỏ lá bỗng thoảng hồn mong nhớ“. (Đinh Hùng)
Vì vậy, tìm thấy được sự tinh khiết của nhục dục trong tranh khỏa thân là một điều tuyệt vời cho khách thưởng ngoạn…
Ngô Kim Khôi
17/11/2023
***
MỘT SỐ BỨC TRANH TẠI TRIỂN LÃM “50 SẮC SẮC”