Ngự Thuyết: Kinh ngạc

Độ này bỗng dưng có rất nhiều điều gây kinh ngạc cho nhiều người bạn của tôi, và nhất là cho tôi. 

Trước hết, câu chuyện về một người đã lớn tuổi. Tại sao hắn đau đã ba tháng rồi mà chưa lành?  Trước kia, dù tuổi đã cao, hắn khỏe mạnh, linh hoạt, lạc quan. Tất nhiên cũng có lúc trái gió trở trời hắn bị bệnh, lâu lắm là một tháng, rồi bình phục. Nay dây dưa mãi, tay chân yếu dần, teo tóp lại, đi lảo đảo, ăn không vô, ngủ không yên. Bác sĩ tìm không ra nguyên do. Hắn buồn rầu bảo với bạn bè rằng rằng nếu một tháng nữa tình trạng đó vẫn không thay đổi, hắn sẽ chuẩn bị cho một chuyến đi xa không bao giờ trở lại. Nếu vậy, cuộc sống của con người là một thất bại. Chẳng khác gì “cái quay” như nhà thơ cổ điển Nguyễn Gia Thiều từng nói trong Cung Oán Ngâm Khúc: “Cái quay búng sẵn lên trời/Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.” Vâng, sống đó, chết đó, như bọt nước, như mây nổi bèo trôi.  Đáng kinh ngạc đấy chứ.  

Lại có cái kinh ngạc không đáng kinh ngạc một chút nào cả. Tại sao cây cối mọc rễ cứ đứng mãi tại một chỗ cho đến khi chết nếu không được người ta di chuyển đi nơi khác? Tại sao dám khẳng định rằng gỗ đá vô tri?  Tại sao ngọn lửa đỏ rực làm chói mắt khi tắt thì nó biến đi đâu, về đâu? Tại sao, cũng vậy, một tiếng nổ làm đinh tai nhức óc rồi im bặt, chẳng nghe thấy tăm hơi đâu cả? Nhưng chuyện này thì lại khiến tôi kinh ngạc hơn cả. Tại sao, một hôm, lúc đó đã chạng vạng tối, một hiện tượng vô cùng lạ lùng xuất hiện trên bầu trời: vòm trời biến thành cái vung trùm lên mặt đất trên đó hàng trăm đường cong trông giống như những dải lụa  khổng lồ phát xuất từ trung tâm điểm của vòm cao buông tỏa xuống. Những dải lụa màu xám nhạt đó nằm cách nhau rất đều đặn. Hiện tượng đó chỉ kéo dài trong mấy phút. Tôi hỏi người bạn cùng đi, nó nói chẳng thấy gì hết. Vô lý. Hay là tôi bị ảo giác, mộng mị? Tôi bị ai thôi miên? Hay là bị quỷ ám? Nhưng quả thật tôi không bịa đặt câu chuyện để làm quà nhảm nhí cho bạn đọc. 

Những câu hỏi vớ vẩn và ngớ ngẩn ấy có lẽ đã được khoa học trả lời rồi chăng? 

Và tại sao loài người bây giờ lại đua nhau nói láo ghê khiếp đến thế?  Trước đây mươi năm, chuyện đó đâu có xẩy ra. Đặc biệt có những đấng tai to mặt lớn, những nguyên thủ quốc gia, lại có thể nói láo, hoặc vu khống, hoặc bịa chuyện hết sức ngang ngược, trắng trợn.  Tin tức do họ tung ra thường do óc tưởng tượng, giả tạo, “hư cấu”. Để bôi nhọ người bất đồng ý kiến, để hãm hại đối thủ. 

Trước kia bị mắng “đồ nói láo”  là một sỉ nhục không thể chấp nhận được. Đấu súng! Một chết một còn!  Nay lời mắng đó như nước đổ đầu vịt. 

Nhưng tại sao những dối trá, vu khống, ngược ngạo, đổi trắng thay đen, vẫn được loài người thông minh biết phân biệt đúng sai, phải trái, lại dễ dàng làm ngơ, hoặc tha thứ, hoặc toa rập? Hay chí ít giữ im lặng. Khiến cho những kẻ thiếu thông tin, thiếu suy xét, bị đánh lừa, bị lôi kéo vào những âm mưu đen tối, những tội ác khủng khiếp, đưa loài người tới bờ vực của chia rẽ, hỗn loạn, chém giết, hủy diệt.  Nhất là khi lời nói láo được tung ra bởi một người có quyền lực trước một đám quần chúng cuồng tín, dễ bị dụ dỗ, lung lạc.   

Người nói láo bị lên án đã đành, người toa rập đáng lý ra cũng cũng phải lãnh một phần trách nhiệm trước luật pháp do con người đặt ra, và trước tòa án lương tâm mà con người mặc nhiên chấp nhận. Thế người giữ im lặng trước sự dối trá, gian lận, lừa gạt là người vô can chăng? Có một câu phát biểu nổi tiếng đại khái như thế này:  Loài người sẽ bị hủy diệt không phải do kẻ ác, mà là do kẻ thấy cái ác mà vẫn cứ làm ngơ. 

 Tôi bỗng nhớ trên báo chí đã lâu lắm vô cùng xôn xao về một chương trình truyền thanh trực tiếp có tính cách giải trí, chẳng khác gì chương trình ca nhạc, thoại kịch v.v… trên đài phát thanh. Chuyện này cũng có ít nhiều liên quan tới thời sự bây giờ, tức là thời của hư cấu, bịa đặt, giả mạo, lừa gạt, AI. “Người trình diễn là Orson Welles.  

George Orson Welles là một người Mỹ tài ba. Là một ngôi sao điện ảnh, một nhà sản xuất phim, một nhà truyền thông, một nhà văn. Mới 21 tuổi ông đã vừa là nhà sản xuất, vừa đóng vai chánh trong phim Citizen Kane nổi tiếng, được xem như là một trong những phim giá trị nhất của nền điện ảnh Hoa Kỳ từ trước đến giờ. Năm 23 tuổi, ông trực tiếp truyền thanh câu chuyện người Sao Hỏa tấn công địa cầu, phỏng theo một tiểu thuyết của H. G. Wells. 

Orson Welles đã trình diễn trên đài phát thanh một cách hùng hồn, lôi cuốn, và vô cùng sinh động. Thính giả nào được nghe từ đầu với đầy đủ lời giới thiệu thì biết được đấy chỉ là chuyện hư cấu. Nhưng có nhiều người không nghe được phần giáo đầu, tưởng là chuyện có thật, thế là hoảng hốt chạy trốn, dày xéo lên nhau, hỗn loạn, thương tích, chết chóc. 

Tuy nhiên sự kiện này mới gây kinh ngạc.  Nhiều người đã biết đấy là một chương trình truyền thanh giải trí, và đã nghe được từ đầu. Nhưng khi thấy người ta đua nhau chạy, trong khi tai vẫn nghe Orson Welles gào thét trên đài, thì lại nghĩ rằng biết đâu người  Sao Hỏa quả đã thực sự vừa mới ập xuống Trái Đất, trong lúc chuyện hư cấu vẫn đang được trình diễn mua vui. Vậy thì trong ba mươi kế, chạy là thượng sách. Họ hoảng hốt không kém, cắm cổ chạy thục mạng theo đám người thiếu thông tin nói trên. 

Có lẽ những đấng chuyên môn nói láo rất am hiểu tâm lý người nghe, cho rằng họ là bọn người dễ tin, dễ bị thuyết phục, dễ bị đánh lừa. 

Ngoài ra người nói láo biết rằng cứ việc kiên nhẫn, dai dẳng nói láo, lâu ngày lời nói láo “tự nhiên” biến thành lời nói thật. Lượng với thời gian biến thành phẩm? Lại nữa có khi người nói láo bị bắt quả tang, “chí nắm đè tay”, vẫn tiếp tục nói láo một cách trân tráo, không buồn cải chính. Tại sao vậy? Thứ nhất, luật pháp không trừng trị tội nói láo. Thứ nhì, chuyện nói láo khi bị kiểm chứng phát hiện thì có người nghe được, có người không. Vậy cứ việc nói láo, người nào không nghe được phần kiểm chứng sẽ tin là thật. Ngay cả khi người nói láo buộc lòng phải cải chính – chuyện hiếm khi xẩy ra – cũng vậy, có người nghe được lời cải chính, có kẻ vì bận công này việc nọ cho nên không biết gì thêm, thì tên nói láo sẽ cười thầm trong lòng rằng số người nghe cải chính hôm nay chắc chắn không nhiều bằng số người nghe nói láo hôm qua. Làm một phép toán trừ đơn giản, hắn cho rằng nói láo vẫn có lợi hơn.    

Và điều này cũng đáng gây kinh ngạc. Có người suy nghĩ một cách “vô tư” rằng  đã lỡ nghe nói láo thì phải sẵn sàng nghe tiếp không chút thắc mắc. Phóng lao phải theo lao mới là hành động chân chính, quân tử.  Đấy là chưa kể vì quyền lợi tiêng tư, vì tánh khí giống nhau, hãy thỏa hiệp với tên nói láo. 

Cái gì liên quan đến loài người đều quá đỗi phức tạp, rối rắm, hỗn loạn, phi lý, sẽ không bao giờ lý giải cho hết được. Hay là hãy thử để mắt nhìn vào chuyện loài vật cho khỏe trí hơn. Súc vật không biết nói láo, “thương thì nói rằng thương, ghét thì nói rằng ghét”. Chuyện sư tử, và mèo chẳng hạn. Nhưng nỗi kinh ngạc sẽ vẫn đeo đẳng, kinh ngạc một cách thoải mái, vui mừng, xúc động.

Một chuyện nhiều người đã biết. Một người nuôi một con sư tử từ bé. Lúc nó lớn lên độ năm, sáu tuổi, có đủ sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết, anh ta thả nó vào rừng hoang. Vài ba năm sau, anh có dịp đi đến một khu rừng khác khá xa, bỗng một con sư tử to lớn từ đâu chồm tới vồ lấy anh. Nó đứng thẳng người lên, cao hơn anh, hai chân trước quàng quanh vai anh, không giương móng vuốt ra, dụi đầu vào anh như đứa bé dụi đầu vào lòng mẹ.  Đến lúc đó anh mới biết đấy là con sư tử anh đã nuôi nấng ngày trước.

Một chuyện khác lạ hơn. Một con sư tử  đầu đàn, to lớn, dũng mãnh, chộp được một con beo, cắn vào cổ họng, sắp xé xác ra để ăn thịt. Bỗng bốn năm con sư tử cái nằm gần đấy phóng tời tấn công nó, con sư tử đực đành phải nhả con mồi ra, chạy giật lui từng bước gượng gạo. Lại cái trò giành mồi, tranh ăn chứ gì. Nhưng không phải thế, mấy con sư tử cái đều thủng thẳng bỏ đi nơi khác. Con báo vẫn cứ nằm tại chỗ, nằm ngửa mình, bốn chân quờ quạng,  chưa dám nhổm lên chạy. Con sư tử đực đứng phân vân trong chốc lát, rồi từ từ quay trở lại, hai chân trước nhanh nhẹn vồ vào con mồi. Mấy con sư tử cái không để yên, lại can thiệp, lần này càng quyết liệt hơn lần trước. Con sư tử đực đành phải bỏ đi hẳn. 

Chuyện đáng kinh ngạc là làm thế nào mà bốn năm con sư tử cái đều đồng loạt nhảy vào bảo vệ con báo? Chúng nó hội ý nhau lúc nào vậy?

    Nhưng trường hợp này còn ly kỳ hơn nữa.  Một con sư tử cái ở châu Phi chịu đói chịu khát suốt mấy tuần lễ vì muốn che chở cho một con nai mới ra đời khi mẹ nó bị những con sư tử khác ăn thịt cách đấy không xa.

Con nai con chập chững đi trước, con sư tử đi theo sau canh chừng, không rời nửa bước.  Con nai con lớn lên nhanh, đi đứng khỏe lên nhanh, biết dừng lại nơi nào để ăn cỏ, lá cây non, và uống nước tại những cái vũng nhỏ ven đường. Nó quấn quýt bên con sư tử như con đối với mẹ. Con sư tử nhịn đói vì không dám chạy đi săn mồi một mính, sợ thú rừng ăn thịt con nai. Nhưng một hôm nhịn khát không nổi, ven đường không gặp được một vũng nước nào, nó đưa con nai con đến một gốc cây, rồi đi xuống dòng suối. Lúc quay lại, không thấy con nai đâu cả. Chẳng khác gì người mẹ tìm đứa con thơ thất lạc, nó đi sục sạo tìm con nai con khắp nơi, càng ngày nó càng càng phờ phạc, ốm nhom, tiều tụy.    

Giống sư tử vốn nhiều tình cảm, nhưng con sư tử này quả là đặc biệt. Nó không chỉ sống theo bản năng, theo thói quen lâu đời truyền lại từ thuở hồng hoang. Tình cảm của nó sâu xa, lòng thương xót của nó bao la, khác hẳn dòng giống của nó. Nó là con sư tử duy nhất có đức tính vừa nêu chăng? Có lẽ không phải thế. Trong rừng sâu chưa có vết chân người, biết đâu thỉnh thoảng xuất hiện giống sư tử đó. Hoặc giả đấy cũng chỉ là một con sư tử bình thường như ngàn vạn con khác, nhưng trong một phút thức tỉnh, hay để dùng chữ của nhà Phật, trong một sát na đốn ngộ, tâm tính nó chuyển hóa?

Những câu chuyện nói trên được xem trên mạng YouTube. Chuyện dưới đây mới là chuyện người viết chứng kiến tận mắt. Xin khẳng định rằng  người viết không cường điệu một chút nào cả. Tất nhiên bạn đọc có thể nghĩ khác, tùy ý.

Hồi còn sống trên quê hương trước năm 1975, nhà tôi có nuôi chó và mèo. Tôi và thằng con trai thích chó hơn, trái lại vợ tôi và ba đứa con gái thích mèo hơn.

Con mèo tam thể mới lớn, dịu dàng, xinh đẹp, trông như một nhánh hoa rực rỡ. Ba màu trắng phau, đen nhánh, đỏ hồng, đứng cạnh nhau nổi bật. Nhánh hoa tươi thắm đó lúc thì được chưng trên mặt bàn, lúc thì nở rộ nơi góc tường, khi thì nép mình dưới kệ sách, khi thì khoe sắc cạnh cửa ra vào.  Không nuôi nó để bắt chuột, mà để vui nhà vui cửa. Để trang hoàng nữa chứ. 

Nó được yêu mến, cưng chiều vô cùng. Nó không hề đi ra khỏi nhà, cùng lắm đứng ngồi thơ thẩn trước hàng hiên như nàng khuê nữ lơ đãng nhìn ngắm phố phường.  Thế mà một hôm không thấy nó đâu cả. Mấy đứa con gái chạy qua hàng xóm hỏi han, rồi quan sát mặt đường xem có dấu vết nó bị xe cán chăng. Không tìm thấy. Có lẽ nó bị người ta bắt cóc. Mấy đứa con gái, đứa nào cũng rưng rưng nước mắt.

Chỉ một tuần sau, vợ tôi xin được một con mèo còn nhỏ, lông trắng, đầu hơi to, mắt vàng khè, chân dài. Một con mèo đực. 

Mấy đứa con tôi vốn thích mèo nhưng có vẻ không mặn mà với con mèo trắng này cho lắm. Làm sao quên ngay được những kỷ niệm đối với con mèo vừa mất để có thể hân hoan đón mừng con mèo mới, nhất là khi con mèo mới này không thể nào sánh với con mèo tam thể đẹp như hoa, sang trọng và nhõng nhẽo như mấy “cô gái trong nội”.  Nhưng nó cũng được hỏi han, vuốt ve chiếu lệ. Cho nên con mèo vẫn rụt rè, bỡ ngỡ, không tỏ vẻ thân thiện với những người chủ mới. Rồi ai nấy vội vàng trở lại với công việc của mình, quên bẵng con mèo. Đến giờ ăn trưa, sực nhớ, thì nó đã biến đi đâu mất. Cả nhà đi tìm khắp nơi , không thấy.  

Đứa con gái út đưa ra ý kiến rằng từ sáng đến giờ nó chưa được cho ăn, chắc đói lắm.  Vậy hãy trộn chén cơm nhỏ và nóng với cá rán, lấy muỗng gõ vào chén, kêu to meo meo, dụ nó  ra khỏi chỗ trốn. Cũng vô ích. Cuối cùng đành bảo nhau rằng nó đã theo chân con mèo tam thể bỏ nhà đi biệt.

Sau bữa ăn tối, vợ tôi mở máy may ra định xuống lai quần tây dài của thằng con trai. Khi lần tay vào cái hộc bên dưới máy may hở hai đầu để tìm cái kéo, thì đụng phải con mèo. Nó nằm cuộn tròn dưới mấy lớp vải  dày. Ba đứa con gái la ồ lên ngạc nhiên. 

Như  để  chuộc cái lỗi đã không tiếp nhận nó một cách niềm nở, ba đứa bé cuống quýt, vồn vã phục vụ con mèo tìm thấy lại. Chén cơm trộn cá được hâm lại cho nóng thêm một chút, lại có một tách sữa nhỏ, đặt trước con mèo. Ba đứa trẻ ngồi quanh chăm chú nhìn. Con mèo tỏ vẻ hài lòng ngồi ăn thủng thẳng, thoải mái, dạn dĩ dần. Nhưng chỉ ăn hơn một nửa chén cơm, nó ngừng lại lim dim mắt nhìn quanh, rồi tiến đến lần lượt cọ đầu vào chân hết đứa này qua đứa khác. 

Tôi nói con mèo này coi bộ thông minh lắm, biết nghe lời, biết “nịnh” người chăm sóc nó. Để tôi làm thử cái này xem. Tôi liền bồng nó đặt trước chén cơm, khe khẽ bảo nó rán ăn cho hết đi, chóng ngoan. Nhé! Nhé! Ba đứa con gái phản đối nói rằng ăn như mèo ăn, nghĩa là ăn ít lắm, bố không thể ép nó ăn thêm được nữa đâu. Thật không ngờ, con mèo vừa nhìn tôi vừa từ từ ăn hết chén cơm. 

Đến giờ đi ngủ, đứa gái út giành bồng nó lên giường, đặt cạnh.

Trước kia, một con chuột cống  đêm nào cũng từ lỗ cống bò lên tới khoét một lỗ nhỏ nơi bao gạo ăn vụng gạo. Người làm phải khiêng bao gạo từ nhà bếp lên lầu. Không ăn thua, con chuột lại bò lên lầu. Nó không sợ con mèo tam thể, không ngán cả con chó. Hay là con chó biết rằng việc bắt chuột không phải là nhiệm vụ của nó nên không xía vào?

Nửa khuya hôm bắt đầu có con mèo trắng, bỗng xẩy ra một trận “ác chiến” khiến mọi người thức dậy bật đèn lên. Một con chuột cống to hơn con mèo trắng chạy trước xuống lầu, con mèo đuổi theo sau. Gạo từ miệng chuột vung vãi trên các bậc cấp. Con chuột chui nhanh xuống lỗ cống. Con mèo đành đứng lại hậm hực, máu me đầy cổ. Nó bị con chuột cắn, bị thương khá nặng. Ba đứa con gái vội vã lấy thuốc trụ sinh xức và băng bó vết thương. Từ đó về sau con chuột cống không dám bén mảng tới nữa.  

Bình phục mau lẹ, vết thương lành da, con mèo lớn nhanh như thổi. Cứ năm, ba ngày, mấy đứa trẻ đặt con mèo lên cân một lần. 

Nhà không có cửa lưới, ruồi vào ra thoải mái, lũ trẻ thỉnh thoảng rình đập ruồi, thường trật.  Con mèo thấy thế tham gia bắt ruồi.  Tay (hay chân trước) nó nhanh như chớp, tung đòn một cái, chụp được ruồi ngay. Nó giở tay lên, con ruồi chết dí. Nó không hài lòng. Tiếp theo nó nhẹ tay chụp  ruồi, giở tay lên, con ruồi bay mất. Tiếp đến nữa, khi chụp được ruồi xong, nó đưa bàn tay khe khẽ chà lên con ruồi, cho nên con ruồi vẫn sống nhưng không bay nổi, để nó đùa giỡn một chốc chơi. 

Bỗng có tiếng thằn lằn kêu, làm phá cuộc vui của nó. Con thằn lằn bò ngược trên trần nhà, chân bám trần, lưng quay xuống. Con mèo bèn dí mạnh tay làm chết con ruồi, rồi hai con mắt màu vàng long lên sòng sọc, nó gào lên một tiếng, tức thì con thằn lằn rơi  xuống sàn nhà. Nó vồ lấy ngay. Vợ tôi bảo nó là con “linh miêu” và nói thêm rằng nếu nó là con mèo đen mắt vàng, tức là mèo mực,  thì nó càng linh hơn nữa.

Từ khi có nó, nhà hết chuột, hết ruồi. Nó cũng không để yên chim chóc đậu trên mái nhà. Nó thường nhảy lên mái nhà bắt chim sẻ, bồ câu  vô tình bay tới đậu. Thỉnh thoảng có trận ác chiến trên mái nhà mà nó luôn luôn là kẻ chiến thắng. Nó tấn công những con mèo nào dám tới tranh bắt chim của nó.

Nhưng  chuyện này lạ hơn. Nó biết đấm lưng. Ta nằm sấp trên tấm phản, nó ngồi trên cái gác lửng gần đó. Bảo nó nhảy xuống, nó hiểu ý nhảy xuống ngay, hai chân trước của nó chạm vào mặt phản kêu cái bịch. Bảo nó trở lại lên gác, chỉ vào lưng, nó hiểu ý làm ngay, nhảy xuống, hai chân trước chạm lưng một cách êm ái. Đã lắm. Bảo nó tiếp tục làm lại, thỉnh thoảng nó trở chứng làm biếng nhảy lên cái gác, thì chịu khó bồng nó đặt lên gác, nó sẵn sàng nhảy xuống đấm lưng. 

Và chuyện này còn đáng kinh ngạc hơn cả. Thật khó tin nổi.

Như đã nói trên, con mèo rất được ba đứa con gái cưng như cưng trứng, và ngược lại nó cũng thương yêu ba đứa đó, nhất là cô gái út. Một hôm hai chị em, áp út và út, ngồi trên phản chơi đánh thẻ với nhau. Con mèo ngồi cạnh đấy theo dõi trái banh vồng vồng, chốc chốc đưa bàn tay khều một vài cái thẻ chơi. Chẳng biết vì lý do gì, hai đứa bé giành nhau trái banh, không ai chịu nhường nhịn ai.  Cuối cùng đứa út giành không nổi, ngồi khóc tấm tức. Con mèo liền nhảy tới.  Tôi ngạc nhiên chờ xem nó tính làm gì. Nó đưa một tay níu vào tay áo của đứa bé út, rồi vừa kêu meo meo, vừa nhìn vào mắt cô bé, vừa kéo cô bé đi chỗ khác. Cô bé nín khóc ngay, sửng sốt nhìn con mèo. Chị nó cũng sửng sốt không kém, liền buông trái banh ra, và chồm tới ôm chầm lấy con mèo vuốt ve từ đầu đến đuôi.

Vậy nó là con mèo khôn ngoan, và biết điều, độc nhất? Chắc là không phải. Có lẽ hầu hết giống mèo đều thông minh, có trí tuệ và tình cảm, gần như nhau. Nhưng chúng chưa có dịp bày tỏ những đức tính đó vì nhiều lý do khác nhau. Hoặc vì cả thẹn, nhút nhát; hoặc vì chưa được thương yêu đầy đủ; hoặc vì  tiềm năng của nó bị thui chột do sự đối xử thiếu tế nhị  của loài người, v.v …

Trong quan hệ đối với loài vật, dường như loài người đặt nặng vấn đề làm sao ăn thịt chúng nó một cách “nhân đạo”. Thay vì dùng dao nhọn đâm vào cổ họng, dùng búa tạ đập vào đầu, thì dùng dòng điện mạnh dí vào chẳng hạn. Rồi dày công nghiên cứu tìm xem nào là thịt con bò, con heo nơi nào ngon nhất, ngon nhì, ngon ba; nào là thịt tay gấu có ngon hơn não khỉ hay không, thịt nhím chắc chắn thơm hơn thịt gà, thịt bồ câu ra ràng rất bổ dưỡng cho người già yếu, thịt chim sẻ làm tăng cường khả năng  sinh lý của đàn ông, thịt chó rựa mận thơm phức khiến cho người đang nằm bệnh lâu ngày nhờ một cơn gió tình cờ mà ngửi thấy sẽ vùng dậy tỉnh táo ngay, vân vân. Con mèo có số hên hơn, bớt bị ăn thịt hơn, do câu nói dân gian: “Ăn con mèo nghèo ba năm.”     

Lại có người không thèm thịt cho lắm cũng say máu lặn lội trong rừng tìm cách giết chết thú vật một cách bừa bãi. Hươu, nai, gấu, heo rừng, sơn dương, chẳng hạn. Có lẽ từ thuở xa xưa khi con người còn ăn lông ở lỗ, bị thú rừng lấy mất mạng, cho nên bây giờ, theo luật nhân quả, hậu bối của họ quyết phục hận. Và khi giết được chúa sơn lâm là sư tử châu Phi, hay cọp châu Á, những hậu bối đó cho đấy là chiến công vô cùng oanh liệt. Chém giết, săn bắn, được xem như là môn giải trí cao nhã của giới thượng lưu.  

Tuy nhiên công bằng mà nói, có một số ít loài thú vẫn được loài người quý mến. Voi, ngựa, vào sinh ra tử với chủ nhân của chúng ngoài chiến địa; lạc đà đi trên sa mạc nóng cháy chuyên chở đồ đạc và bản thân những người Ả-rập; con trâu ngoài đồng ruộng lầy lội cùng với nông dân cày bừa dãi dầu mưa nắng. Hay con chó coi nhà, con mèo bắt chuột… 

Theo một tài liệu khoa học, 99,9% loài vật đã bị tuyệt chủng trên quả đất ta đang sống, phần lớn do sự phát triển văn minh vật chất nhanh chóng của loài người. Một số sinh vật còn lại cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Và oái oăm thay, nhân loại không khéo cũng bị tuyệt chủng nốt chính vì những tiến bộ khoa học kỹ thuật của họ, những kho bom nguyên tử đang chực kích nổ.

Cho nên loài người thông minh đang làm bá chủ hành tinh này có lẽ phải mau mau bình tâm lại để có thể có những nhận định đúng đắn về vai trò của mình trong cộng đồng nhân loại. Bớt dối trá đưa đến xung đột, hủy diệt; thêm thành tâm tiến tới hòa hợp, xây dựng. Đồng thời đời sống tình cảm và lý trí của loài vật nói chung cũng nên được quan tâm nhiều hơn. Có thế người ta  mới nhìn thấy rõ hơn, để kinh ngạc và thán phục, rằng chúng là những người bạn đồng hành đầy thương mến của loài người  từ  thuở nào. Thiếu chúng, những loài vật còn sống sót với ta mà cũng bị tuyệt chủng, con người sẽ cô đơn biết là dường nào.     


Ngự Thuyết                                                                                                                                       

5 tháng 10, 2024