Ngự Thuyết: Nghịch lý

Phong trào Thơ Mới (1932-1945) là một hiện tượng, một trỗi dậy, một cách mạng thi ca vô cùng mãnh liệt, vô cùng ngoạn mục, trong lịch sử văn học Việt Nam.

Phong trào Thơ Mới, theo tôi, đã để lại một số thi sĩ có thể chịu đựng được thử thách của thời gian trong đó có Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, và Nguyễn Bính. Sau 1945, Hàn Mạc Tử đã qua đời, Nguyễn Bính viết ít, ba nhà thơ cũng thuộc phong trào Thơ Mới là Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, và Đinh Hùng đã cùng với Xuân Diệu và Huy Cận đi trên những con đường riêng biệt thật dài của mình, cho dù Xuân Diệu và Huy Cận nặng về tuyên truyền nên nhiều tác phẩm về sau của họ có sút kém vể mặt nghệ thuật.

Trong bài viết này tôi chỉ nêu lên một một vài khía cạnh về thơ của Xuân Diệu và Huy Cận trong giai đoạn phong trào Thơ Mới. Họ là những nhà thơ lớn, một bài viết ngắn không thể có cái nhìn bao quát vào những sự nghiệp lớn lao của họ.
Xuân Diệu thường băn khoăn trước thời gian. Thời gian trôi nhanh, tuổi trẻ chóng tàn, nhà thơ đâm ra hoảng hốt. Bài thơ Vội Vàng là tiếng kêu thảng thốt, quay quắt của thân phận con người ngắn ngủi trước thời gian vô cùng vô tận:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lân thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt

(Vội Vàng)

Trong một bài thơ khác, nỗi băn khoăn, lo âu đó cũng không kém phần da diết:

Mau với chứ vội vàng lên với chứ
Em em ơi tình non sắp già rồi
Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi
Mau với chứ thời gian không đứng đợi
Tình thổi gió màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày tình mới đã thành xưa
Nắng mọc chưa tin hoa rụng không ngờ
Tình yêu đến tình yêu đi ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt

(Giục Giã)

Nhà thơ tiếc ngẩn ngơ từng giây phút gặp gỡ, từng cái nhìn ướm thử, từng lúc đứng chờ ngây. Và mong thời gian ngừng trôi, đừng vội đi làm quá khứ:

Trời xuân thế hàng cây thơ biết mấy
Vườn non sao đường cỏ mộng bao nhiêu
Khi Phạm Thái gặp Quỳnh Như thuở ấy
Khi chàng Kim vừa được thấy nàng Kiều

Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ
Trở về đây và đem trở về đây
Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử
Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây
 [1]

Nhưng thơ Huy Cận là thơ của không gian. Không gian mênh mông, trống trải, lạnh lùng, bàng bạc. Trong không gian đó, con người biến thành nhỏ nhoi, lẻ loi, lạc lõng. Mưa đêm, trong căn phòng ấm áp, người ta có cái thú lắng nghe mưa rơi ngoài kia khi chờ giấc ngủ tới. Mưa khác nào tiếng ru. Nhưng trong đêm mưa, Huy Cận nhớ không gian, trằn trọc lắng nghe trong tâm tư, trong liên tưởng những bước chân xa vắng lẻ loi trên những dặm mòn. Những bước chân của ai vây? Của những người lỡ độ đường, những người nghèo khổ, cô đơn, không nhà lầm lũi đi trong đêm tối bao la. Và có lẽ của cả những người hoạt động cách mạng trốn tránh trong đêm khuya, hay như nhân vật Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh tìm cách vượt qua Tàu, nhìn “về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần …”

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Tương tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe
Gió về lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư

(Buồn Đêm Mưa)

Không gian tràn ngập trong bài thơ Tràng Giang nổi tiếng. Bài thơ gồm có 4 khổ. Khổ thơ đầu là cảm xúc trước cảnh chia lìa sầu trăm ngả. Sầu dâng như sóng trùng điệp. Khổ thơ cuối là hình ảnh con chim đuối sức – hay thi nhân — muốn nhẹ cánh bay về tổ ấm. Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa. Hai khổ giữa là không gian. Không gian bao la, bát ngát – làng xa, trời lên sâu chót vót, sông dài không một chuyến đò ngang, bờ xanh tiếp bãi vàng. Không gian gieo vào lòng người nỗi hoang mang, nếu không muốn nói là khiếp sợ. Con người bỗng cảm thấy như bèo giạt không biết trôi về đâu, không tìm được chút niềm thân mật:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu

Bèo giạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Tràng Giang)

Mặt khác, Xuân Diệu vẫn được xem như nhà thơ của tuổi trẻ, của tình yêu, với những ý tưởng táo bạo rất Tây phương, với lối diễn đạt chịu ảnh hưởng khá rõ ràng từ thi ca của Pháp. Chẳng hạn sự hoà điệu nhịp nhàng trong thiên nhiên được Xuân Diệu mô tả rất linh động, rất mới mẻ:

Một tối bầu trời đắm sắc mây
Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy
Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy [2]

(Với Bàn Tay Ấy)

Huy Cận, trái lại, là nỗi buồn xa xôi, mênh mang — Một chiếc linh hồn nhỏ/Mang mang thiên cổ sầu — nỗi buồn Đông Phương thường gặp trong nhiều bài thơ Đường. Lẫn trong thơ, rất nhiều khoảng trống và lạnh:

Buồn gieo theo gió ven hồ
Đèo cao quán chật bên đò lau thưa
Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về

(Chiều Xưa)

Tả mùa thu, Xuân Diệu đi vào nhiều chi tiết nhỏ cụ thể và rất nên thơ. Chữ dùng mạnh mẽ, kết cấu chặt chẽ. Và cũng không quên nhắc tới thời gian, chiều lỡ thì, mới tạnh mưa trưa chiều đã tà. Một mùa thu linh động, tươi thắm:

Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh
Cành biếc run run chân ý nhi

Gió thầm mây lặng dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua

Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên

(Thu)

Thu của Huy Cận thì mơ màng, buồn bã, lạnh lùng, hiu quạnh, tiêu điều. Và thu dàn trải khắp nơi, trên không gian buồn bã, dưới mây bay lũng thấp, ở mặt đất thì con đường rừng lẫn trong sương mù che hết gót con nai. Không một lời nhắc đến thời gian:

Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp dăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù [3]
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu
Non xanh ngây cả buồn chiều
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

(Thu Rừng}

***
Hai nhà thơ, như đã nêu trên, có nhiều nét dị biệt, nhất là những gì liên quan đến yếu tố không gian và thời gian. Điều đó có lẽ nhiều người đã nhất trí. Tuy nhiên còn có vấn đề khác có thể gây tranh luận.

Xuân Diệu, thường được tôn là nhà thơ cùa Tuổi Trẻ, của Tình Ái, và rất Tây. Thế nhưng, ngoại trừ bài thơ Xa Cách, hầu hết những bài thơ khác khi nói đến tình yêu trai gái đều khá nghiêm túc, đứng đắn, so đo, hoặc e dè. Không những thế, Xuân Diệu có vẻ muốn tránh chuyện ca tụng thân xác, để dùng chữ của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung.

Yêu, thì không dám “xáp lại gần” dù hợp với nhau như một cặp vần:

Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu

Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững thững chẳng theo gần
Vô tâm – Nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần

(Thơ Duyên)

Lại so đo tính toán “cho và nhận”:

Yêu là chết ở trong lòng một ít [4]
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.

(Yêu)

Và để hồn bay theo mây gió. Thì làm sao chạm được nhan sắc của người đẹp:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu

(Vì Sao)

Trong tương tư, thương nhớ, cũng khá khuôn sáo, ước lệ:

Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em em hỡi anh nhớ em

Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em
Thôi hết rồi gió gác với trăng thêm
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi
Được giận hờn nhau sung sướng bao nhiêu
Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi [5]

(Tương Tư Chiều)

Nhưng trong thơ tình của Huy Cận, người đẹp hiện lên ngồn ngộn, quyến rũ. Đây, em tôi má tròn, trán vừa cao, ngực trắng, hàm răng lựu, mắt rượu, tóc hương, và cặp đùi tròn như cột:

Ai biết em tôi ở chốn nào
Má tròn đương nụ trán vừa cao
Tiếng mùa về gọi lòng em dậy
Lơ đãng lòng tôi chẳng kịp rào

Ai biết người yêu nhỏ của tôi
Người yêu nho nhỏ trốn đâu rồi
Bảo giùm với nhé em tôi đó
Tròn trĩnh xinh như một quả đồi

Ngực trắng dòn như một trái rừng
Mắt thì bằng rượu tóc bằng hương
Miệng cười bừng nở hàm răng lựu
Sáng cả trời xanh mấy dặm đường

Anh khắp rừng cao xuống lũng sâu
Tìm em, đi hái lộc xanh đầu
Trồng đâu chân đẹp tròn như cột
Em đẹp son ngời như cổ lâu

(Hồn Xuân)

Trong Áo Trắng, nhiều câu thơ thật trong sáng, thật đẹp để tả người đẹp rất tỉ mỉ: đẹp từ con mắt, gót chân, bàn tay, ngón tay, đôi má, làn tóc, tà áo, lẫn lời ăn tiếng nói. Cái trong sáng diễm ảo đó còn được thiên nhiên phụ hoạ bằng gió biếc, nắng thơ, lá nhỏ:

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước toả hồng

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non

Em nói anh nghe tiếng lẫn lời
Hồn em anh thở ở trong hơi
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay

(Áo Trắng)

Và thật bất ngờ, câu thứ hai trong khổ thơ cuối cùng khiến người đọc bỡ ngỡ: Em ban hạnh phúc chứa đầy tay. Là gì? Nhà thơ không chịu nói rõ nhưng người đọc có thể đoán. Đầy tay? Tay của ai? Chắc không phải của em, thì của anh vậy. Làm ta nhớ đến hai câu trong bài thơ Thiếu Nữ Ngủ Ngày của Hồ Xuân Hương: Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm/Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

Bài Ngậm Ngùi, cũng thế, cũng khiến nhiều câu hỏi được nêu lên. Có người bảo rằng cái tình huống được mô tả trong bài thơ thì đơn giản thôi: Huy Cận có người em gái chết sớm. Một buổi chiều nhà thơ tìm thăm mộ em trong vườn hoang, và ngậm ngùi tưởng nhớ. Thực hư thế nào không rõ, nhưng căn cứ vào văn bản người đọc có thể nghĩ khác. Bài thơ là tiếng thở dài ảo não ngậm ngùi của chàng đối với nàng:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

(Ngậm Ngùi)

Một cặp tình nhân dìu nhau vào một vườn hoang một buổi xế chiều. Vườn có nhiều loại cỏ người Huế gọi là cỏ hổ ngươi, nghĩa là cỏ biết hổ thẹn, lá lớn bằng hai ngón tay, bị chạm vào, hai cánh sẽ khép nép xếp lại, và cành rủ xuống đến tận đất. Tiếng văn chương gọi là cỏ trinh nữ. Thế thì trong câu thơ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu, ta phải hiểu đấy là cỏ trinh nữ hay người trinh nữ? Nhưng tại sao người nam vỗ về “ru em ngủ” vào thời điểm bất thường như thế? Không phải là giấc ngủ nướng vào buổi sáng, hay giấc ngủ trưa ngắn ngủi, hay giấc tối như thói thường, mà lại là ngủ nơi vườn hoang lúc xế chiều để cho chàng nằm đưa tay cho nàng tựa đầu vào, và chàng lắng nghe tiếng sầu rụng xuống như tiếng thổn thức tiếc thương cho một cái gì quý giá vừa bị mất đi nơi người trinh nữ. Cho nên lời ru dù tha thiết, êm ái, lẫn năn nỉ đến đâu cũng không thể đem lại sự bình yên trong lòng người nữ. Phải trông chờ cả tiếng ru của hàng thùy dương:

Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau

Hai thi sĩ cùng sinh ra từ quê hương Hà Tĩnh, lại là bạn chí cốt của nhau suốt đời, đã từng sống cạnh nhau trong một thời gian khá dài, và mỗi người tiến xa trên con đường nghệ thuật riêng biệt của mình. Đấy là điều hiếm thấy. Nhưng điều này quả là nghịch lý. Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ mới nhất của phong trào Thơ Mới, nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu, nhưng lắm khi lơ đãng trước nhan sắc người đẹp, trong khi Huy Cận, hiện thân của nỗi buồn Đông Phương muôn thuở, lại vô cùng sôi nổi, âu yếm, sâu sắc, và rất cụ thể, rất chi tiết trong mô tả tình yêu nam nữ./

2/2023________[1]  Bài thơ Le Lac của nhà thơ lãng mạn Pháp Lamartine (1790 – 1869) có những câu:

Ô temps! Suspends ton vol, et vous, heures propices!

Suspendez votre cours:

Laissez – nous savourer les rapides délices

Des plus beaux de nos jours!

Tạm dịch:

Hỡi thời gian! Hãy ngừng trôi, và những giờ khắc êm đềm!

Hãy đứng lại:

Hãy để cho chúng tôi được tận hưởng niềm vui ngắn ngủi

Của những ngày đẹp nhất trong đời!  

[2]  Văn hào Chateaubriand (1768 – 1848) người dẫn đầu trào lưu lãng mạn Pháp đầu thế kỷ 19, trong Le génie du christianisme, có đoạn nói đến sự hòa điệu đó: Khi ngàn cây đâm bông thì hàng ngàn con chim khởi sự làm tổ. Toán này bay đi nhặt cánh hoa rơi, toán kia chiếc lá rụng. Lại có con tha về những nhúm lông mà đàn cừu bỏ sót trên nhành gai. Nhưng những nhà thơ, nhà văn Pháp mà Xuân Diệu chịu ảnh hưởng nhiều, theo Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam, là Baudelaire, de Noaille, và Gide.

[3] Trong Đi Vào Cõi Thơ, Bùi Giáng cho rằng gót con nai cao, và ngắt câu thơ thành: Nai cao gót, lẫn trong mù. Tôi nghĩ khác: Sương mù xuống đầy, che kín đến gót con nai. Vẫn thấy nai nhưng không thấy chân nai.

[4] Nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt (1856 – 1941) có bài thơ nhan đề: Partir, c’est mourir un peu. (Tạm dịch: Ra đi là chết một ít.)

[5] Bài thơ Tương Tư Chiều có những câu hay. Nhưng để diễn tả nỗi nhớ mà cứ lặp đi lặp lại Anh nhớ em thì quả là gượng gạo, và vụng về. Lời nói vừa phát ra là mất tất cả hàm ý, con chữ vừa rời ngòi bút là chết đứng. Nói cách khác, đấy không phải là ngôn ngữ thơ. Kim nhớ Kiều tha thiết bồi hồi tuy không hề nhắc đến chữ nhớ: Dường như bên chái bên thềm/Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng. Nỗi nhớ trong Chinh Phụ Ngâm nhiều lúc thể  hiện qua hình ảnh chốn gặp gỡ cũ: Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ/Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa. Nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn  xua đi nỗi nhớ – tự đánh lừa mình — nhưng đã làm tăng nỗi nhớ lên bội phần: Anh lên xe trời đổ cơn mưa/Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ.