Ngu Yên: 19 Hè 72. Trường ca tri ân người lính Việt Nam Cộng Hòa
Cả tuần lễ nay, đêm nào cũng chờ sáng.
Không vì thức khuya cố kéo sống dài thêm.
Vì thời gian sắp hết là thời giờ quá khứ.Sáng nay, ngày Phục Sinh.
Đáng lẽ mùa xuân, sao ám sương mù?
Có lẽ, phục sinh, hồi sinh, chỉ là cách nói.
Cứ nhìn xung quanh, cây cỏ héo khô.
Chuông nhà thờ mới, nghe, chuông nhà thờ cũ.
Gần nửa thế kỷ qua,
Xác chiến tranh thối rữa trong hòa bình.
Ai bắt được tiếng chuông
cho nguyện cầu có kết quả?
Mỗi năm phục sinh chỉ để chết hay sao?
Trên đỉnh lầu cao, cờ tiểu bang bay không đổ máu.
Bắt đầu bình minh trời đất gỡ màu tang.
– “Đừng ngồi dậy. Nằm nghỉ. Cả đêm không ngủ.”
Cô ý tá nói.
– “Làm ơn, nhắm mắt lại.”
Hospice, nơi dừng chân chờ lệnh lên đường.
Nơi tính phút không tính ngày tháng.
Nơi đếm hơi hít vào, không kể hơi thở ra.
Nơi lơ lửng giữa trời mây và cỏ,
nhưng gần đất.
Cái sống, buồn cười, sao ở trong bình dưỡng khí?
Nhường cả không gian cho cái chết hoành hành.
Ông lão thượng sĩ, 50 năm rồi, vẫn thượng sĩ.
Hospice.
Căn cứ dừng chân chờ trận chiến cuối cùng.1.
Nơi dừng chân chờ lệnh xung phong.
Đồng đội sắp hàng, đã quen, không cần từ giã.
Đứa này gục ngã, đứa kia gục ngã, đứa nào sắp gục ngã?
Dọc đường chiến binh tử biệt thành thói quen.
Chết có nghĩa là không còn bắn.
Tắt thở là tự cho phép mình chấm dứt lo âu.
Cổ thành Đinh Công Tráng như hầm đá.
Phá cửa tràn vào, thay vì Chúa bước ra.
Linh hồn bám lưỡi lê, trái tim nắm lựu đạn.
Hospice, ông lão trở mình mở chốt an toàn.
Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương … (1)
– “Đừng làm ồn. Làm ơn, ngủ đi. Nhắm mắt lại.”
Cô y tá nói.
Trưa 30 tháng 3 năm 1972, sau mùa thương khó, đáng lẽ Phục Sinh. Giữa lúc nhà thờ báo chuông hy vọng. Hơn 40.000 lính bắc, gần 400 chiến xa, vô số đại pháo, theo chiến dịch Nguyễn Huệ vượt sông Bến Hải. Vô số linh hồn chuẩn bị mất xác người.
Cuối hòa đàm Ba Lê, lính bắc cường tập qua vùng phi quân sự. Mây đen phủ sát đất, khét mùi thịt da. Sấm sét bịt tai vẫn nghe tiếng kêu cứu. Thú vật dưới nước, trên bờ, trong núi, ngoài đồng, … kinh ngạc con người man rợ giết nhau.
Hướng tây, lính bắc tiến qua Khe Sanh. Cú đấm song thủ bất ngờ vào trái tim Quảng Trị. Nam tiến chia ra năm nhánh quân.
Cái chết tấn công cái sống.
Cái hủy diệt phủ đầu cái bình yên.
Cái yêu thương bị hận thù nuốt chửng.
Cái con người bị tham vọng sát thương.
Cái còn lại suốt đời người quằn quại.
Căn cứ Đông Hà, Sarge, Bá Hổ, Holcomb, Ái Tử, lính nam chống trả. Mô tả làm gì, chữ nghĩa không có máu xương. Văn chương không vỡ đầu, gãy tay, cụt chân, phơi gan ruột. Ngôn ngữ nói nhiều, không cảm giác, mà đau thương để ung thư thương khó suốt đời.
Mỗi trận chiến, mỗi nấm mồ vĩ đại.
Chôn biết bao thương nhớ
Lấp biết bao đau lòng.
Chẳng lẽ quê hương chỉ là nghĩa địa?
Bá Hổ, Sarge, A-1. A-2. A-3, A-4, Holcomb bị tràn ngập. Fuller, Khe Gió, di tản. Trung tá Phạm văn Đính và 2000 lính nam đầu hàng. Mai Lộc bỏ hoang. Phượng Hoàng tái lập chiến lũy.
[Tài liệu:
Khởi đầu Lực lượng tấn công của lính bắc tương đương 6 sư đoàn.
– Sư đoàn 304 (ba trung đoàn 66,24,29), pháo binh, pháo phòng không, công bính chiến đấu, tấn công mặt trận miền Tây Quảng Trị.
– Sư đoàn 308 (ba trung đoàn 103,88,57); Tăng viện hai trung đoàn 48 và 27. Một tiểu đoàn 15 biệt lập. Hai trung đoàn pháo 84 và 164. Một trung đoàn phòng không. Hai trung đoàn thiết giáp 203, 204. Hai tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn đặc công và ba trung đội hóa học, tấn công trực diện từ hướng bắc qua vùng phi quân sự, vi phạm hiệp ước chia đôi Bắc Nam.
Thành phần lính nam phòng thủ:
– Lữ đoàn 147 TQLC tại núi Bá Hổ, căn cứ hỏa lực Sarge, Holcomb.
– Lữ đoàn 258 đóng quân ở Phượng Hoàng, căn cứ Anne, Jane, Barbara. Hai lữ đoàn này bảo vệ hướng tây của Quảng Trị.
– Sư đoàn 3, lực lượng trấn giữ vùng vĩ tuyến, bao gồm trung đoàn 56 phòng thủ Cam Lộ, Khe Gió, Carroll; Trung đoàn 57 phòng thủ A-1, A-2, A-3, C1; trung đoàn 2 phòng thủ các căn cứ A-4, C2, C3, Fuller.
– Thành phần còn lại: đơn vị Địa Phương Quân và nghĩa quân vùng 1 chiến sự canh gác từ quốc lộ 1 đến bờ biển.]
(Bản đồ: Bất Khuất. Quảng Trị – Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.)
Hòa bình không giống như thiên thần, nhưng chiến tranh chắc chắn giống quái vật.
Con súc sinh này do quỉ giao cấu với rắn sinh ra. Hình hài xấu xí, mặt mũi ghê tởm, tâm địa dã man.
Sống trong tối tăm của độc ác.
Hành động thô bạo.
Uống máu người.
Ăn xác chết.
Tiêu diệt tình thương.
Nó phá hoại hàng loạt.
Tàn sát tập thể.
Luôn luôn rình mò.
Luôn luôn gây hấn.
Luôn luôn tạo cơ hội hận thù.
Bạn thân với các lãnh tụ, các nhà ngoại giao, các tâm hồn thèm máu.
Con quái vật này không bao giờ ở yên. Kể cả trong thời hòa bình, nó đi hãm hiếp các hiệp định quốc tế.
[Bị Hòa đàm Ba Lê làm mù quáng, bị phá hiệp ước, tấn công bất ngờ bằng pháo đầu, xe kẹp, và chiến thuật biển người, lính nam chống trả không tiếp ứng, không tiếp viện, thiếu lệnh lạc hữu hiệu từ bộ chỉ huy Quân đoàn 1, do tướng Hoàng Xuân Lãm làm tư lệnh, ngay cả tổng tham mưu Sài Gòn vẫn còn bàng hoàng chưa tin. Các căn cứ chiến lược Bá Hổ, Sarge, A-1, A-2, A-3, A-4, Fuller, Khe Gió, Mai Lộc, dần dần thất thủ. Lính nam lui về tái phòng thủ, thành lập vòng đai phía nam sông Cửa Việt, sông Miếu Giang do chuẩn tướng Vũ Văn Giai tư lệnh tiền phương chỉ huy. Thiết đoàn 20 (M48) gần hoàn tất chương trình huấn luyện, vội vã tung vào chiến trường, bảo vệ thị xã Quảng Trị. Liên Đoàn Biệt Động Quân 1,4,5, và lữ đoàn 369 TQLC đến tăng cường phòng thủ.
Trong suốt trận chiến từ đầu cho đến ngày cuối cùng tái chiếm cổ thành Quảng Trị, phi cơ chiến đấu Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng các pháo đài ngoài chiến hạm là một lực lượng đáng kể, hăm dọa, gây nhiều thiệt hại năng nề cho lính bắc. B 52 là một đối án hữu hiệu đối với chiến thuật biển người.] (Trích tài liệu tổng hợp.)
Tôi sinh ra lớn lên ở miền Nam.
Như lúa, như khoai, như rau, như cỏ thương đất.
Như xoài, như ổi, như mít, như dừa thương vườn.
Cọp U Minh giữ rừng không phải huyền thoại.
Cá sấu Lục tỉnh giữ bến bờ Đồng Nai.
Chó Phú Quốc giữ xóm làng dân đảo.
Tự nhiên, tôi bảo vệ miền Nam.
Tôi biết,
Anh cũng vậy, tự nhiên, bảo vệ miền bắc.
Sao không thể nào mạnh ai nấy sống?
Chúng ta liều mạng gìn giữ quê nhà.
Quê anh đâu có ở đây?
Anh sinh nơi nào ở Quảng Trị? Komtum? An Lộc?
Tôi khóc vì đồng đội chết, người thân chết, rồi ai đó sẽ khóc tôi.
Tôi biết, anh cũng khóc.
Tình thương là mầu nhiệm duy nhất cứu rỗi cuộc đời.
Súng đạn bắn nhau là bắn nát tình thương.
Ở hồ Gươm có con rùa lập quốc.
Đâu có bao giờ nó bơi xuống Cà Mâu?
Anh bắn giỏi hay tôi bắn giỏi?
Cuối cùng trang sử không ghi tên chúng ta.
[Khuya ngày 8 rạng ngày 9 tháng 4, với chiến thuật tiền pháo hậu xung, pháo binh CS khai hỏa phóng hỏa tập kích ác liệt căn cứ Phượng Hoàng. Khi vừa hạ hỏa, Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 CSBV với chiến xa của Trung đoàn 203-CX tấn công và tràn vào căn cứ như nước vỡ bờ với lực lượng hùng hậu. Lần đầu tiên binh sĩ TQLC đối diện trực tiếp chiến xa T-54 với số quân địch đông gấp bội, đơn vị TQLC phòng thủ phải rút ra bên ngoài và địch quân tràn ngập Căn Cứ Phượng Hoàng.
Sáng sớm ngày 9, chiến xa địch quân bắt đầu khai hỏa truy kích các đơn vị TQLC trên đường rút lui. Lúc đó Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa M-48 do Đại úy Hà Mai Khuê chỉ huy được lệnh tiến về căn cứ Phượng Hoàng, gặp các đơn vị TQLC giữa đường. Chi Đoàn Chiến Xa M-48 phối hợp cùng TĐ6TQLC do Thiếu tá Đỗ Hữu Tùng chỉ huy quay trở lại trận địa.
Khi thấy đoàn Chiến Xa M-48 của VNCH tiến vào căn cứ Phượng Hoàng với TQLC tùng thiết, các chiến xa lính bắc quay đầu chạy trở về căn cứ họ đã chiếm giữ. Ngay lập tức TQLC và Chi Đoàn Chiến Xa 20/2 bao vây. Một trận thư hùnh kịch liệt giữa TQLC VNCH và bộ binh CS cùng trận ác chiến bằng đại bác giữa chiến xa M-48 và chiến xa T-54, T-59 của CSBV.]
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng ra đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam … (2)
[Chiến Xa M-48 là loại chiến xa lớn nhất của QLVNCH, có khả năng cơ động, bắn nhanh và chính xác triệt hạ nhiều chiến xa T-54. Cùng lúc là các phi tuần khu trục và trực thăng cobra võ trang xuất hiện lâm trận oanh liệt kích hoạt ngay trên bộ binh và các chiến xa. Lính bắc chạy tán loạn. Hàng loạt các chiến xa T-54 và T-59 đã bị Chiến xa M-48 và M72 của TQLC bắn cháy cả bên trong và bên ngoài căn cứ. Còn lại 3 chiếc bỏ chạy về hướng mật khu Ba Lòng bị Phi cơ Skyraider A1 của Không quân rượt theo bắn hạ. Hai T-54 bị bắt sống ở bên trong căn cứ.] (Trích: Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Mặt Trận Quảng Trị. Lịch sử sư đoàn nhảy dù QLVNCH.)
Ngày 14 tháng 4.
Lính nam với chiến dịch Quang Trung 729. Tướng phòng khách lập trận phản công. Một người không hiểu lửa, muốn đùa với lửa. Lửa lan tràn, ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao, xác người thành than?
Một tướng bất tài, oan khiên phơi xương trắng. Một tướng bất tài trăm ngàn vợ góa con côi. Tướng bất tài lên lon để giết lính. Bất kỳ là ai, biết mình bất tài là trí tuệ thánh nhân.
[Căn cứ hành quân Ái Tử, trong quan niệm chiến thuật, là một chọn lựa tệ hại để phòng thủ. Những ngày cuối cùng của tháng 4, vị tư lệnh sư đoàn 3, có ý định dời căn cứ này về phía nam bờ sông. Ông tự mình soạn thảo kế hoạch triệt thoái, chỉ bàn thảo với sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ, vì sợ tiết lộ bí mật, ông đã không cho các sĩ quan cấp chỉ huy biết và giấu luôn bộ tư lệnh quân đoàn. Quyết định này gây ra sự xung đột giữa vị tướng chỉ huy tiền phương và vị tướng chỉ huy quân đoàn, trong lúc địch quân đang tập trung quyết liệt vào mặt trận thị xã Quảng Trị.] (Trích: Trần Phan Anh, trang 60.)
[Ngay sau khi kế hoạch lui binh bắt đầu, Tướng Hoàng Xuân Lãm ra lệnh tử thủ Quảng Trị. Lệnh Sư Đoàn và phản lệnh của Quân Đoàn bất nhất làm cho các đơn vị trưởng bất mãn, bất tuân thượng lệnh. Hệ thống chỉ huy phòng thủ Quảng Trị bị gãy đổ ngay từ đó, các đơn vị tự ý rời vị trí rút lui về hướng Nam. Tướng tư lệnh SĐ3BB đã cùng với các cố vấn Mỹ và một ít Sĩ quan tham mưu thân cận, đã được 3 Trực thăng CH-54 bốc đi từ Cổ Thành Quảng Trị bay về Đà Nẵng lúc 16 giờ 40 cùng ngày. Cổ thành Đinh Công Tráng-Quảng Trị, một căn cứ hỏa lực và phòng thủ vững chắc gấp 100 lần thị xã An Lộc, bị bỏ ngõ và lọt vào tay cộng sản Bắc Việt tối ngày 2-5-1972.]
Đêm sát nhân, có bao nhiêu người chết?
Xác ngồi xiêu vẹo, tư lự, nơi cổng thành.
Xác ngã nhào trên vách tường gạch đổ.
Xác cong queo cháy thành than.
Xác một nửa bầy nhầy, nửa kia vụn vặt.
Hồn đen thui thấc lạc giữa khuya.
Xác anh nằm ngửa vắt tay lên trán.
Nghĩ làm gì chuyện vĩnh viễn hết làm người?
Xác anh nằm sấp, không thấy hộp sọ.
Đã đến lúc không cần não, không cần trí khôn.
Cần tay chân không?
Sao xác anh không có?
Hồn này lính bắc hay lính nam?
Máu này máu người hay máu thú vật?
Vợ bắc vợ nam yêu chồng có khác nhau?
Cha mẹ bắc cha mẹ nam nhớ con đều chảy nước mắt.
Đêm giết người, bao nhiêu người sống sót?
Sẽ còn bao nhiêu lúc bình minh?
[Cho đến giờ phút này, từ phía Bắc sông Thạch Hãn không còn một đơn vị nào của QLVNCH trấn giữ, sức chống cự của SĐ3BB không còn nữa. Vùng Quảng Trị chỉ còn lại LĐ 147 và LĐ 258 TQLC cùng một số đơn vị BĐQ đang cố cầm cự mãnh liệt Trên QL-1 vô cùng bận rộn, các đơn vị bạn không còn hàng ngũ, lẫn lộn giữa dân chúng cùng di tản vội về phía Nam. Chiến trường không còn ranh giới, bom đạn đổ xuống khắp nơi, từ rừng núi, đồng bằng, quốc lộ, làng mạc và ngay trên bãi cát trắng của biển Đông. Hàng loạt đạn phòng không 37 ly của địch lập thành hệ thống phòng thủ dọc theo vùng đồi núi chạy lên phía Bắc chi chít, cố bắn hạ máy bay đang oanh tạc. Pháo của Bắc Việt cùng những ổ súng lớn nhắm thẳng ra trục lộ, quyết ngăn chặn và cắt đứt các đơn vị đang rúi lui. Thê thảm nhất là dân chúng, cha con, chồng vợ… gánh gồng, đùm nhau cố chạy về Nam bị pháo địch, vô số người dân vô tội bị chết và bị thương nằm la liệt bên cạnh những chiếc xe trúng đạn tan tành trên QL-1 từ Quảng Trị về tới sông Ô-Lâu.] (Trích cùng tài liệu của sư đoàn dù.)
Ngày 2 tháng 5.
Hầu hết tỉnh Quảng Trị thuộc quyền kiểm soát của lính bắc.
Dân sợ hãi trùng trùng chạy giặc. Bỏ quê nhà về vùng tự do. Đi tìm cách sống là đi cùng cái chết. Lót tử vong trên quốc lộ 1, đổi tên Kinh Hoàng. Pháo quân thù nổ tan xác thường dân. Nỗi đau đớn lớn hơn, sâu hơn, xin đánh đổi cái gì gọi là hạnh phúc. Mất mẹ lạc cha mất chồng lạc vợ, chết con chết chị chết anh chết em. Ông nội bà ngoại già gửi lại làng xóm. Rứt ruột ra đi.
Tình thương là gì?
Cao hơn Thái Sơn
vẫn không lấp đầy vực sâu phi lý.
Tình thương là gì?
Lớn hơn đại dương
muôn đời chứa nước mắt mặn.
Ai đã từng chứng kiến con chết, cháu bị thương
mà không hận đời vô tâm?
Ai đã từng ôm mẹ trên tay máu me thảm thiết,
mà nhớ ơn Thượng Đế?
Chính trị, tôn giáo, hòa bình, có giá trị gì.
Nếu không có tình thương?
Tình thương là gì?
– Chính là hạnh phúc.
[“…chín cây số trời chết, đất chết, chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá và vạn vật chết trong lòng ánh sáng, thứ ánh sáng có mùi người.” (Phan Nhật Nam. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.)]
Mùa phục sinh không ánh sáng thiên đàng.
Vô số lửa tạo thành địa ngục.
Ngàn ngàn người dân đạp bùn giẫm lên lịch sử.
Máu dễ khô, viết được bao nhiêu trang?
Nước mắt có thật nhưng chữ nghĩa giả.
Khóc chỉ một người, ít người, thế giới vẫn vô tư.
Tin tức, truyền hình, chuyện thương tâm: đại khái.
Bao nhiêu hồn cụt đầu
Còn nhớ mùa hè đỏ lửa 1972?
Bao nhiêu khốn khổ, tang thương, mất mát, đều gọi là quá khứ.
Hiện tại, thật ra, có ý nghĩa gì?
Trẻ con gào không thấy cha, tìm không thấy mẹ.
Chồng chết bờ hào.
Vợ chết ven đường.
Rồi tại sao tất cả cái chết đều đi vào quên lãng?
Rõ ràng có mặt mũi, có hình hài, có gia đình, có khai sinh, có căn cước, có bạn bè, có yêu thương …
Tại sao không còn gì nữa?
Tại sao quên?
Tại sao dám quên?
Khi giết nhau, bên nào cũng có cờ chính nghĩa,
có lý tưởng, có niềm tin,
thậm chí, có cả tâm tình.
Chỉ khác biệt:
Một bên muốn yên bình.
Một bên muốn phá vỡ bình yên.
Mắt nhìn mắt hận thù dù chưa quen biết.
Khi bị thương, đau đớn, kêu la giống nhau.
Khi chết, càng giống hơn nữa.
Im lặng. Bất động.
Ở quê nhà cùng âm giọng khóc than.
Phục Sinh này mồ đá mở rộng cửa
Đón lũ hồn mất xác vào ủ ê.
[Đại Lộ Kinh Hoàng là tên mà nhà báo Ngy Thanh (Đặc phái viên của báo Sóng Thần trong thời điểm đó) đặt cho đoạn đường dài độ 9 km trên quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước trong quận Hải Lăng tỉnh Quảng Trị nơi mà dân chúng (cùng binh lính) miền Nam VNCH rút chạy về hướng Nam trong những ngày cuối tháng 4 năm 1972, khi chiến sự xẩy ra trong làn đạn pháo của quân đội Cộng Sản Bắc Việt. Đoạn đường này nằm giữa các đụn cát trắng, không nhà cửa, cây cao và chỉ là các lùm cỏ bụi do vậy dễ dàng nằm trong tầm ngắm của các tiền sát viên (đề lô) Cộng Sản Bắc Việt khi gọi pháo 122 ly, 130 ly, cối 160 ly… từ hướng rừng Trường Sơn nã vào dòng người di tản. Ước tính có gần 2000 người bị chết (chỉ thu gom được 1841 xác người gần như còn lành lặn) và hơn 500 xe cộ các loại (của dân chúng và quân đội) bị phá hủy trong trận pháo thảm sát trên đoạn đường này.] (Trích: Cổ Thành Quảng trị và Đại Lộ Kinh Hoàng Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Phạm Thắng Vũ.)
Mẹ ngồi tựa bụi cây cho con bú.
Ruồi đậu quanh miệng trẻ thơ.
Vú không còn sữa.
Mặt mẹ tím bầm.
Cách vài sải tay ông ngoại bất động.
Đang cố gắng bò.
Chim rừng xuống moi mắt.
Kiến bu quanh lỗ đạn.
Có người chứng kiến:
Chị có bầu trúng pháo banh ruột văng con.
Vợ mất đầu
Chồng tìm không thấy.
Mẹ cứu con nào
Ba bốn đứa thương vong?
May ra, chỉ người chết mới hiểu
Lý do tại sao họ chết.
[Giữa lúc đó, cánh quân còn lại tại Quảng Trị, bao gồm Lữ đoàn 147 TQLC, Liên đoàn 1, 4 Biệt động quân và các đơn vị của SD3BB, vừa phải bảo vệ dân chúng di tản, vừa mở đường máu, vừa đụng độ và lãnh đạn pháo kích nặng nề của giặc, nhưng cuối cùng cũng đã thoát được về Huế. Như vậy tính đến ngày 2-5-1972, tỉnh Quảng Trị coi như hoàn toàn bị cộng sản cưỡng chiếm.
Nhưng sau đó Cộng Sản từ bộ đội, chiến xa, pháo binh kể cả đặc công, đã hoàn toàn bị chặn đứng bên bờ bắc sông Mỹ Chánh, bởi Lữ Đoàn 369 Thủy quân lục chiến, do Đại tá Phạm Văn Chung chỉ huy. Nhờ Lữ đoàn này ngăn được bước tiến của cộng quân , nên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, với vị Tư lệnh mới, là Trung tướng Ngô Quang Trưởng thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm, mới có đủ thì giờ chỉnh đốn lại các đơn vị và mở cuộc tấn công tái chiếm Quảng Trị.] (Trích, Chương trình nghiên cứu quân sử, QLVNCH. Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Quảng Trị. Mặt trận địa đầu giới tuyến.)
Anh trung sĩ thì thầm vài đồng đội:
– “Nếu tao không về, đưa giùm lá thư này.
Còn thư tụi mày đâu?”
Trên trời có sao, nếu mỗi sao là mỗi mệnh người,
lính chết quá nhiều, sao rụng không kịp,
nhưng dù thế nào, đêm mai sẽ lưa thưa.
Hãy lấy trái tim ra, màu hồng tươi sức sống.
Đi lính, chết là thường, nhưng không đương nhiên.
Đạn bay dày lưới, nhưng luôn luôn có lỗ trống.
Người sống, kẻ chết, chưa biết ai sướng hơn ai?
Xác thoát chết, chắc gì hồn thoát chết?
2.
-“Đừng làm ồn. Làm ơn ngủ đi. Nhắm mắt lại.”
Tôi biết, nhưng không muốn nhắm mắt,
e rằng sẽ không thể mở ra.
Giấc ngủ vĩnh viễn đang chờ nơi đầu giường.
Hơi thở cuối cùng đang chờ nơi râu mép bạc.
Hình ảnh sau hết sẽ là ai?
Em đã bỏ anh mấy mươi năm cô độc.
Con đã theo đời lưu lạc phương xa.
Hospice, ít người quen thuộc là y tá và bác sĩ.
Thân thiết nhất là chiếc gối bông.
Anh ôm chặt qua nhiều ác mộng.
Nó hút nước mắt, thấm mồ hôi, nhớ tên người chết, và bịt tiếng rên la. Rồi nó hát hùng ca cho đồng đội. Hát tình ca cho em. Hát tủi nhục ca cho anh. Rồi nó im lặng chia xẻ, quạnh hiu trùng trùng điệp điệp áp đặt bao vây, chất quạnh hiu cứng dần bọc lại thành giường bệnh. Có bánh xe lăn, chở quạnh hiu đến nghĩa trang.
Đừng làm ồn.
Tôi biết.
Xin lỗi.
Nhưng chẳng bao lâu, tôi sẽ câm nín ngàn năm.
Khi biết nói, không hề nghĩ đến ngày hết nói.
Khi biết cười, không hề nghĩ đến ngày hết cười.
Khi có em, không hề nghĩ đến ngày em vắng mặt
Khi có tình thương, không hề nghĩ đến lúc không còn ai
Không còn ai để nói. Xin cho tôi hát.
Nhạc là tri kỷ hiểu được quạnh hiu.
Nó kể lại chuyện trẻ thơ, chuyện ngày mới lớn, chuyện quân trường, chuyện đánh giặc, chuyện đồng đội, chuyện hành quân, chuyện tù đày, chuyện vượt biên, chuyện lưu vong. Nó kể kỷ niệm mẹ cha, vợ chồng, con cái, anh chị, bạn bè. Nhất là kỷ niệm anh yêu em. Duy nhất, chỉ còn nó trò chuyện với anh bằng ngôn ngữ dân tộc. Chỉ còn nó sống với anh đến âm vọng cuối cùng.
Đừng làm ồn.
Tôi biết.
Xin lỗi.
Ông thượng sĩ sống sót chỉ để thành ông lão,
với cả ngàn thắc mắc, không biết hỏi ai?
Tóc trắng, tóc rụng, câu hỏi càng sâu sắc.
Không tìm ra trả lời, càng nghiệt ngã thâm tâm.
Con chim trên cành hót qua cửa sổ, dù tầm thường vẫn giúp vui khoảnh khắc.
Thời gian còn lại chỉ lá xanh lá vàng lá khô lá rụng hết lá rồi lá xanh.
Thời gian còn lại chỉ tóc trắng tóc rụng hết tóc
không tóc đen.
Thế giới tuy rộng
Khung cửa luôn luôn hẹp.
Đời mỗi người mỗi khung cửa hẹp.
Bên trong nhìn ra. Bên ngoài nhìn vào.
Chuyện bên trong cần sáng đèn mới thấy.
Chuyện bên ngoài cần rung cảm bốn mùa.
Thế giới bưng bít, chỉ còn khung cửa.
Vì vậy, tâm hồn hình vuông.
Trái đất hình tròn.
Cửa sổ hẹp dần
Quan tài hình chữ nhật.
Chiến tranh không bao giờ là câu trả lời.
Chắc chắn không phải là câu hỏi.
Không phải là câu có dấu chấm than.
Chỉ là tiếng hét bi thương và căm phẩn.
Như một kẻ nằm vùng
Chiến tranh ẩn trốn trong hòa bình.
Cầm tay sử gia
Viết chiến tranh luôn luôn nổi tiếng.
Bút không phải súng
chỉ đổ mực đen.
Người sống không hiểu rõ chiến tranh
chỉ người chết mới có thể giải thích.
Như một tên khủng bố mưu cơ
Chiến tranh mang bom cùng hòa bình tự sát.
Dù bao nhiêu xương thịt máu me
Sẽ lau sạch trên bản đồ.
Đối với lịch sử, lính không bằng chữ
Vì chữ không chết.
Người đời sau đọc sử hôm nay
Như đi du lịch.
Cuốn sách chiến tranh thê thảm nhất
Có tựa đề:
“Giết Người Không Đền Mạng.”
Xây dựng lý thuyết:
“Giết người để hòa bình.”
Cổ võ kết luận:
“Cần thêm nhiều chiến tranh”.
Đối nghịch với chiến tranh,
không phải hòa bình.
Là sáng tạo.
William Shakespear nói:
Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết.
Người dũng cảm chỉ chết một lần.
Tiếng súng vinh danh người lính bảo vệ đất nước
miệt thị kẻ xâm lăng.
Lời đạn ngợi ca tình quê hương
khạc nhổ mưu đồ xâm lược,
Đôi khi cần cầm súng lên ngắn hạn
để mai này chôn súng dài lâu.
Những người lính chân chính
Không ghét quân thù trước mặt
bằng yêu quê nhà sau lưng.
Những người lính giỏi
Không quan tâm nơi nào nằm xuống
chỉ chú ý bước nào tiến lên,
Nếu người lính không được trọng vọng
Tổng thống, chính trị gia, không đáng tin
người dân không đáng hưởng hòa bình
Lính
sấp hàng dưới hào quang ánh sáng
trước tất cả mọi người.
Lính
đoàn công dân đặc biệt
toàn thể quê hương nghiêng mình
chào.
Hãy vinh hiển người lính
Cao hơn
Lớn hơn
Thành thật hơn
Những thần tượng thế kỷ.
– “Ê, thằng chuẩn úy Sơn còn sống không?” Nó chết hôm địch tràn qua vùng phi quân sự. Giữ tuyến đầu không chịu rút lui. Trúng đạn pháo xác tan từng mảnh. Tao lượm chưa đầy nửa túi ny-lon.
Trái tim trào lên chận nghẹn cổ.
– “Còn thằng Hiếu râu rìa thì sao?” Nó cụt hai chân đưa về bệnh viện Cộng Hòa. Tội nghiệp, thằng đó nhảy đầm đẹp nhất khóa tao.
– “Đêm qua, phe thằng Thành, thằng Cao, đụng trận.” Sáng nay bình minh không có sương mù. Suốt đêm xáp lá cà để nhiều xác hấp hối. Chiến trường dã man mã tấu với dao găm.
Thằng nghiệp chết ở Cam Lộ.Thằng Toàn chết ở La Vang.Thằng Hiển, thằng Quang, thằng Hạc chết ở Fuller.Thằng Dũng nhỏ, trung uý Sáng, chết ở A-2. Thằng Bạch, thằng Tâm, Thằng Hào, chết ở Đông Hà.
Thiếu úy Bảo mất tích.
Thượng sĩ Hồng chỉ lượm được cái đầu.
Trận Mai Lộc, thằng Cường, thằng Nhu, thằng Lãm, thằng Niên, thằng Lâm bị bắt sống.
Thằng Bình trúng đạn sau cổ liệt cả chân tay, tản thương về Sài Gòn, xui thật, mới lấy vợ.
Thằng Bổng chết ở căn cứ Sarge. Anh hai nó chết ở Khe Gió.
Người quen chết. Người không quen chết gấp ngàn.
Mẹ nhận xác con. Vợ nhận chồng chết. Em nhận anh đui què. Những thân thể hình thù dị dạng, thiếu hụt, xám xanh, thường thường hí mắt. Những hồn thất lạc tìm về gia đình. Đứng bơ vơ giữa người thân than khóc.
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh… (3)
[Thế nhưng người lính đã sống còn và chiến đấu được, chiến đấu hào hùng hừng hực quyết tâm, 30 tháng 3 kể đến giờ này là 6 tháng hay 280 ngày đỏ lửa, người chiến sĩ có đêm nào ngủ được quá 4 giờ, bao lần bình yên cầm cái chén để từ tốn và miếng cơm nóng, người lính ta đã bắn bao nhiêu ngàn viên đạn, đã dựng mắt thức trắng mấy ngàn giờ … Cái thân thể gầy gò nặng dưới 50 ký lô mang bốn ngày thức ăn và gạo, một bộ áo quần, chiếc poncho, võng, 600 viên đạn XM16, 6 trái lựu đạn M26, 1 hỏa tiễn M72, nón sắt và khẩu súng – Tất cả khoảng 40 ký – 40 ký đè nặng trên tấm lưng gầy còm hằn dưới xương sống trong 6 tháng để đi qua vực thẳm của nỗi chết trùng trùng, người lính còn là “nạn nhân” thụ động đến độ thê thảm của trò chơi chính trị được cò kè mặc cả ở những căn phòng kín cửa.] (Trích: Mùa Hè Đỏ Lửa. Phan Nhật Nam, trang 42.)
Trí nhớ mênh mông có nhiều vùng khép kín.
Có những nơi tôi không dám chạm vào.
Nơi sẽ vỡ ra đầu lâu xương nát mặt mày đồng đội.
Hiện lại cảnh sau cùng của vô số đời người.
Nếu được sống quá ngắn,
sinh ra để làm gì?
Để phục vụ chiến tranh?
Để tổn thương người khác?
Để bỏ vợ một mình?
Để sinh con không cha?
Để cha mẹ già đau đớn?
Tôi chắc rằng:
Thượng Đế không sinh đẻ.
Không nuôi con.
Không tình ái.
Không tình nhân.
Không đám cưới.
Không có gia đình.
Nếu có khóc,
chỉ khóc giùm những mồ vô chủ.
Đôi khi, tôi không dám cầm lại
một mảnh vải rách
trên nền vàng máu vẫn còn tươi.
[Lam Sơn 72, chiến dịch phản công của quân đoàn 1, chủ yếu lấy lại tỉnh Quảng Trị. Cuộc phản công chia thành ba giai đoạn: 10 ngày đầu tháng 6, thay đổi các lực lượng trên vị trí tiền phương. Từ ngày 10 đến 18, Sư đoàn 1 BB đẩy một cuộc tấn công về hướng tây, thẳng vào căn cứ Veghel. Trong khi TQLC và ND tung những đột kích giới hạn về hướng bắc Mỹ Chánh, thăm dò khả năng chiến đấu của cộng quân. Từ 19 đến 27, thực hiện kế hoạch nghi binh, đánh lừa thời điểm và hướng tiến quân chính thức. Kế hoạch nghi binh tổ chức giả vờ một cuộc không vận bằng trực thăng vào Cam Lộ, đồng thời, một cuộc đổ bộ giả bằng thủy vận vào Cửa Việt để cắt đứt đường tiếp vận và thọc sâu vào hậu tuyến của địch.
Hai ngày trước khi thật sự tiến quân, một trận tấn kích dữ dội của phi cơ thả bom B52 và pháo hạm đội nả vào các vùng tập trung kho tiếp liệu và các vị trí pháo binh của bên kia.] (Trần Phan Anh, trang 88.)
Ngày 28 tháng 6 năm 1972
Chiến dịch Lam Sơn khởi hành bắc tiến.
Một ngày viết lịch sử lính nam.
Lấy anh dũng vá lại miền quê hương đã rách.
Hướng tây nam thiên thần mũ đỏ tiến đến La Vang.
Hướng bắc dọc lộ 555 chập chùng xanh xanh mũ cọp biển.
Tiến quân hai ngả, người đi không nhìn lui.
Sau lưng Đà Nẳng sư đoàn 3 BB bảo vệ.
Không ai có thể cảm tạ hết lòng hy sinh.
Không ai có thể ca tụng đủ tình chiến sĩ.
Chỉ viên đạn nhỏ thôi,
một đời người quí báu trở thành dĩ vãng.
Chỉ lưỡi lê đâm thôi,
khổ đau kéo dài mấy mươi năm.
Chỉ mảnh lựu đạn thôi,
cấn vào xương sống,
hạnh phúc không bao giờ trở lại.
Chỉ đạp lên mìn thôi,
Lấy trời cao đất rộng nào bù đắp cho đôi chân?
Ngày 7 tháng 7
Đoàn thiên thần chạm ngoại ô thị xã Quảng Trị.
Mùi quê hương bay trong gió hoang tàn.
Cảnh tan nát gạnh đá và xương thịt.
Tranh cãi nhiều, giành giựt quyền lợi, đã có chính trị gia.
Hứa hẹn đời sau, an ủi thương đau, đã có tôn giáo.
Chờ đợi, sầu lo, đã có cha mẹ vợ con.
Còn chiến sĩ, xung phong chỉ có lá cờ.
Mai sau, dù xây tường đài tưởng niệm cao hơn núi,
dài hơn vạn lý trường thành,
làm sao ấn tượng đớn đau mênh mông như biển?
[Bởi địch quân quyết định tử thủ, việc tái chiếm thị xã Quảng Trị trở thành nỗ lực khó khăn liên tục, kéo dài đến tháng 9. Trong khi tất cả lực lượng Bắc quân được tăng cường trong vùng Quảng Trị – Thừa Thiên lên đến mức không thể tưởng tượng. Kể cả sư đoàn 312 CSBV từ Hạ Lào đã di chuyển vào chiến trường. Lực lượng hoàn toàn không cân xứng. Chiến thuật ‘xa luân chiến’ được thực hiện để lính nam có cơ hội dưỡng quân chờ phe địch mệt mõi và cạn nguồn tiếp vận vì sức ngăn chận và tàn phá của các phi vụ B 52.] (Trần Phan Anh, trang 95.)
Ông nội tôi sinh ra lớn lên ở miền nam.
Bám đất xây nhà dọn đường cho con cháu.
Ba tôi được miền nam nuôi lớn.
Bám đất xây nhà dọn đường cho con cháu.
Tôi sinh ra sống ở miền nam.
Bám đất xây nhà dọn đường cho con cháu.
Đời này qua đời kia
mảnh đất đó không phải của riêng.
Ông nội anh, bố anh, và anh, giữ tình miền bắc.
Giữ mồ tổ tiên.
Giữ quê hương nhau rốn.
Bám đất, xây nhà, dọn tương lai.
Sao để Trung Quốc chiếm đóng
rồi đi giành đất miền nam?
Cờ quê anh sao tương tựa cờ Trung Cộng?
Liên hệ ra sao, cha con hay anh em?
Cờ quê anh quá nhiều máu đỏ
để tôn vinh một chủ tịch sao vàng.
Cờ quê tôi màu vàng làm nền da
với ba vết thương lịch sử:
Nô lệ Trung Hoa.
Nô lệ Pháp.
Đất nước chia đôi.
Sông Đồng Nai không bắt nguồn từ bắc.
Sông Hồng không chảy về miền nam.
Cá quen sông không bơi sông nước lạ.
Người tắm sông kia sao uống nước sông này?
[Ngày 8 tháng 9, Quân đoàn 1 đưa ra ba cuộc hành quân riêng rẽ, hỗ trợ mục tiêu chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Sư đoàn nhảy dù tái chiếm ba căn cứ quân sự ở vùng La Vang, hướng Nam của cổ thành. Liên đoàn Biệt Động Quân đóng chốt hướng bắc thành phố.
Ngày 9 tháng 9, sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến khởi động nỗ lực tấn công vào cổ thành, đồng thời cuộc đổ bộ giả xảy ra ở Cửa Việt để nghi binh.] (Trần Phan Anh, trang 97.)
Mai sau kể lại cho con nghe
Cảnh tượng ghê gớm
Chiến trận’ âm hao như ‘chết trân’
Chết rồi chưa biết chết.
Cảnh đoàn lính ẩn hiện nhanh như sóc.
Lấp ló nơi này,
Thấp thoáng đàng kia.
Họ hóa thành cây, hóa thành gạch đá.
Rồi bỗng dưng đàn sóc hóa thành rồng.
Đạn bay, lửa cháy, chết, chết, chết, chết …
Đạn bay, lửa cháy, thở, thở, thở, thở …
Mai sau kể lại cho cháu nghe
Những người lính lạ lùng, sợ mà không sợ.
Xông vào cõi chết, tìm ra cửa sống.
Ai không muốn sống sót trở về?
Khi cái sống xung phong, cái chết quỳ gối,
cúi đầu, kính trọng chiến binh.
Khi cái sống hấp hối
Tôi tin
Cái chết cũng thương tâm.
Mai sau kể lại cho con cháu nghe.
Sống dù buồn vẫn vui hơn chết.
Chiến sĩ ra trận, tất cả đều anh hùng.
Họ chận đạn cho người phía sau.
Họ chết cho người khác sống.
Sống dù không hài lòng vẫn còn tình thương.
Họ nằm xuống
Tình thương đứt đoạn.
tạch tạch tắc tắc tạch tạch tắc tắc tạch thạch tắc
tắc tắc tắc tạch tạch tạch ầm ầm tắc tạnh tắc tạch
đùng đùng đùng ầm ầm ầm ầm ầm ầm đùng đùng
tạch tạch tắc tắc tạch tạch tắc tắc tạch thạch tắc
tắc tắc tắc tạch tạch tạch ầm ầm tắc tạch tắc tạch
ầm ầm
tạch tạch tạch tạch
đùng đùng đùng
tắc tắc tắc tắc tắc
bùm ầm ầm
Xung phong xung phong xung phong
Tiếng thét đồng loạt xé sợ hãi ra thành mảnh vụn.
Nâng giày đinh đá tung định mệnh.
Đâm vào tai quân thù sấm sét.
Xung xung xung phong xung xung xung phong
tạch tạch tạch tạch tắc tắc tắc ầm ầm đùng đùng
tắc tắc tắc tạch tạch tạch ầm ầm tắc tạnh tắc tạch
đùng đùng đùng ầm ầm ầm ầm đùng đùng ầm ầm
tạch tạch tắc tắc tạch tạch tắc tắc tạch thạch tắc
tắc tắc tắc tạch tạch tạch ầm ầm tắc tạnh tắc tạch
Một đoạn đường lót trăm xác người.
Ai đã gục ngã, ai đang gục ngã, ai sắp gục ngã
Và đá gạch gục ngã
Vách tường đổ nhào, thân thể lính dựng lên.
Cọp biển tràn vào
Rung rinh cổ thành Quảng Trị.
Ai đã gục ngã, ai sẽ gục ngã?
Ngày giỗ sang năm
Mũ xanh mọc lên cổ thụ cây cành
Hoa sẽ nở hai màu vàng và đỏ.
Đêm trùm xuống một vùng khói lửa.
Bật lên chân trời cháy những ngôi sao.
Trùng trùng sâu đạn lao nhanh chi chít.
Cứ bay khơi khơi tự động xuyên qua người.
Đêm hủy diệt giết từng giây từng phút.
Đêm hung tàn thương tật che mặt sát nhân.
Đêm ghi lại mỗi năm “Đêm Khủng Khiếp”.
[Rạng sáng ngày 14 tháng 9, một cánh quân của tiểu đoàn 6 TQLC đã đột nhập vào vách tường Đông Nam cổ thành. Ngày 15, hai tiểu đoàn 3 và 6 TQLC thọc sâu từ đông Nam qua hướng tây. Đến đêm, họ đã lấy lại quyền kiểm soát cổ thành.
Sáng ngày 16 tháng 9, ngọn cờ VNCH đã được tiểu đoàn 6 TQLC dựng lên trên cổ thành Quảng Trị. ] (Trần Phan Anh, trang 98.)
(Xin hát theo)
Cờ bay.
Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay.
Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào
quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi,
chào quê hương giải phóng
Hồi sinh rồi này mẹ này em
Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời
Đi lên.
Đi lên trên hoang tàn ta xây dựng ngày mai
Nhà vươn lên người vươn lên
Quân bên dân xây tin yêu đời mới
Đón nhau về,
anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà
Sạch bóng thù,
đồng ta xanh thắm nắng mới
Vang câu hát tự do (1)
Rồi xương sẽ mục nát tan vào lòng đất
Ngấm vào mạch trong đến những dòng sông
Nước sẽ thấm vào tinh hoa dân tộc.
Nước sẽ lên mây mưa mát hai miền.
Rồi xương sẽ mục nát tan vào lòng đất
Mọc lên cây trái nở bông hoa
Chim và bướm tải truyền khắp đất nước
Nơi đã hai lần thương tích cưa đôi.
Rồi xương sẽ mục nát tan vào lòng đất
Nuôi lúa vàng từ da vàng tận tâm hồn
Vàng ánh trăng, vàng ánh nắng
Vàng Bắc vàng Nam vàng chỉ một quê hương.
Ngã xuống chiều
tiếng chuông tan lễ.
La đà buồn rồi thánh thoát bay cao.
Ngày Phục Sinh sắp hết.
Ai cũng cần có một niềm tin
để chết.
Nhưng tưởng tượng có thể phục sinh
tất cả xác người.
Gió vỗ về lay động.
Trên đỉnh lầu cờ tiểu bang gợi cảnh cờ xưa ….
Ngã xuống chiều
Dựng lên
trên vách tường cổ.
Mắt mờ dần
vẫn nghe được cờ bay.
– “Tôi đã chích cho ông mũi thuốc ngủ. Làm ơn, nhắm mắt lại.”
Phải chăng muốn bình yên cần chích thuốc an thần?
Ông lão nhắm mắt.
Hắt ra hơi thở dài.
Ngu Yên.
Tháng 4, 2021-22.
————
Ghi chú:
(1) Ca khúc Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu của Lê Kim Hoa. (Tô Kiều Ngân?)
(2) Ca khúc Xuất Quân của Phạm Duy.
(3) Ca khúc Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy.
Tài liệu tham khảo:
– Anh, Trần Phan. Chiến Trận Mùa Hè 1972.
– Bất Khuất. Quảng Trị – Mùa Hè Đỏ Lửa.
– Mường Giang. Mùa Hè Đỏ Lửa – Những Chiến Tích Của QLVNCH.
– Nam, Phan Nhật. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
– Lịch sử nhảy dù QLVNCH phần B. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Mặ Trận Quảng Trị.
– Chương Trình Nghiên Cứu Quân Sử. Mùa Hè Đỏ Lửa Năm 1972. Quảng Trị – Mặt Trận Địa Đầu Giới Tuyến.
Nguồn: Academia