Ngu Yên: Tính thẩm mỹ và cái Đẹp Vật lý
NGUYỄN TRỌNG KHÔI: NHỮNG MẢNH VỤN GHÉP RỜI
Tôi như trẻ nhỏ ngồi cắt thủ công. Những mảnh vụn màu sắc cắt rời vung vãi. Tôi ghép chúng lại thành một thế giới kỳ thú cho riêng tôi. Tái hiện thực tế đời thường với lăng kính lóng lánh tuổi thơ, tôi nhìn ngắm không gian, tôi mê man trong sự xô lệch theo một trật tự mới. Nó vận hành trong ống kính vạn hoa thay đổi linh hoạt xoay chiều theo cảm xúc. Thế rồi những cánh đồng tuổi thơ, những hình nhân trong trí tưởng trộn lẫn vào những khát vọng mơ hồ giữa xa xăm và hiện tại. Tiếng gọi nào từ thung lũng hay đỉnh rừng cây lao xao dấy lên nỗi cồn cào thao thức. Tôi đi chông chênh trên từng phím ngà. Tôi bơi lặn trong bao la đại dương sâu thẳm và tôi đứng im trong tuyệt cùng tĩnh lặng cô đơn.
Nguyễn Trọng Khôi
***
NGU YÊN: TÍNH THẨM MỸ VÀ CÁI ĐẸP VẬT LÝ
Chùm tranh “Trật Tự Mới Những Mảnh Vụn” của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi có gì gây cảm? Có gì tạo ý? Có gì thưởng thức để nhớ?
1. Biểu Hiện.
Chỉ bằng cái tựa đề: Biểu Hiện – Trật Tự Mới Những Mảnh Vụn… có thể nhận ra thông điệp của tác giả. Chùm tranh này thuộc về phái Biểu hiện (Expressionism.)
Nhìn chung, ngược với nghệ thuật Ấn tượng (impressionism), họa sĩ Khôi đã sử dụng những hình ảnh méo mó, màu sắc rực rỡ, đường nét mạnh mẽ, những mặt phẳng giao tiếp để dàn dựng đắc địa trên khung vẽ. Đó là phong cách và học thuật của Biểu hiện. [Như thưởng thức bức tranh “Cánh Diều”: Khuôn mặt đứa bé và con chim nằm vào vị trí đắc địa, mặt đứa bé sáng láng, đối nghịch là con chim âm u, núp trong bóng đen, đối nghịch một lần nữa là con diều bay trên cao cột theo ánh mắt trẻ thơ. Có điều gì gợi ý cho chúng ta, người xem, tâm hồn đứa trẻ: họa ngữ diều bay chim đậu, nói gì? Lúc đó và ngày mai của đứa bé có gì giống chúng ta? Tôi đã từng là đứa bé mơ tưởng chuyện đời như cánh diều mà lớn lên trong chiến tranh, rồi con chim trúng đạn, thương tích nhìn đứa bé, ngây thơ thật là sung sướng.]
Một số trải nghiệm chủ quan của họa sĩ truyền tải cảm xúc và suy nghĩ sang cho người thưởng ngoạn để mỗi chúng ta vừa giải trí với cái đẹp, vừa thấm thía những điều gì riêng tư. Thú xem tranh bắt đầu là như vậy, mỗi người sẽ chấm dứt khác nhau, mỗi người sẽ thu thập cảnh ngữ và họa ngữ khác biệt. Loại ngôn ngữ này làm phong phú đời sống thêm đa dạng cảm xúc và ý tưởng sắc màu.
Biểu hiện là tiền thân của Trừu tượng (Abstract art). Dù họa sĩ Khôi tự nhận đã biểu hiện vào tranh nhưng có thể nhìn thấy những hình khối, màu sắc, hình dạng không thể hiện thực tế mà xuất hiện để bày tỏ hiệu ứng của trừu tượng, tức là cảm nhận bằng cảm xúc hoặc ngược lại, cảm xúc tạo ra cảm nhận. [ Như xem bức tranh “Untitled”, nghĩa là tác giả không nói, bức tranh nói. Nói gì? Hỏi cảm xúc của bạn đang xem là gì?]
Một góc nhìn khác, tôi nghĩ, các bạn đã thấy trên những bức tranh “Người Mẫu”, “Buổi Sáng”, “Giấc Ngủ Muộn”, “Nhạc Sĩ Phong Cầm”, và vân vân, là những hình ảnh trên những mặt phẳng khác nhau, cắt vào nhau, tạo nên một đối tượng họa cảnh đa diện, phản ánh, và gợi ý. Đó là phong cách và học thuật Lập Thể (Cubism). [ Tôi thích bức tranh “Vũ Nữ.” Vừa biểu hiện vừa lập thể. Vú mông lớn hơn khuôn mặt. Có cảm giác khoái trá của nam nhi.
Riêng bức tranh “Gia Đình” rất ấn tượng. Là một phối hợp giữa biểu hiện, lập thể và tượng trưng. Người đàn ông bị cắt làm đôi, gò lưng đạp xe dưới nắng trời. Cảnh cha mẹ và em bé, người mẹ với trái tim, người cha với con vật, đứa bé với những tam giác trắng, những vết cào đỏ, cạnh bối cảnh nhà quê nhỏ và nghiêng. Gợi lên nhiều khía cạnh chia sẻ. Viễn cảnh và cận cảnh tương ứng, màu sắc diễn giải mạnh mẽ, nhắn nhủ. Có lẽ tôi tương cảm với ánh mắt người phụ nữ, nói lên chuyện gì của mười hai bến nước.]
Những đơn giản nêu trên cho chúng ta nhìn thấy phong nền học thuật của người họa sĩ này: phối hợp những tinh hoa sáng tác của ba phái họa.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều điều để cảm nhận trong chùm tranh này, nhưng trong giới hạn của bài viết, tôi mời các bạn tham dự vào một phần khác trong chủ đề.
2. Trật Tự Mới Những Mảnh Vụn.
Có nghĩa, chùm tranh này là những mảnh vụn được xây dựng trong một trật tự mới. Hoặc có nghĩa, những mảnh vụn theo trật tự mới sáng tạo ra chùm tranh.
Nhà phê bình Shang Hui trong tiểu luận “Tại sao hội họa là một vấn đề quan trọng trong sáng tạo họa phẩm hiện nay”, (Why Painting is an Important Problem in the Present Painting Creation) ông viết:
“Hội họa là gì? Khi một họa sĩ cầm trên tay bút vẽ để chụp và ghi lại những hình ảnh được ánh xạ tới võng mạc của mình, điều cần thiết là liên quan đến sự hiểu biết, nhận thức và sàng lọc những hình ảnh đó của chủ thể nghệ thuật. Điều đó có nghĩa, việc nắm bắt và thể hiện hình ảnh của họa sĩ chưa bao giờ và cũng không thể khách quan như ống kính máy ảnh, bởi vì điểm tiếp xúc của họa sĩ đối với đối tượng không chỉ có cảm giác tự chủ mạnh mẽ mà còn thông qua bàn tay, cây cọ đối với việc nắm bắt chủ quan về cách trình bày hình ảnh cũng có vấn đề về phối hợp tay với tay.”
Nhận định này đưa ra một quan điểm đáng chú ý, cánh tay nối vào cây cọ tạo ra tranh, một hành động cụ thể không nhất thiết phải tuân theo những suy nghĩ, dàn dựng ban đầu, mà linh động ứng biến khi nhập vai, nhập hồn vẽ tranh.
Mỗi bức tranh trong chùm tranh có thể là mỗi khối sáng tạo khác với dự tính của tác giả. Sự nhập vai xây dựng đường nét và dấu vết trên khung vẽ, dự định một cách tùy hứng, mới thực sự là nghệ thuật hội họa. Vì vậy, những gì họa sĩ muốn để lại, chính là những gì trong tranh, không phải ở tác giả, cũng không phải ở những lời tuyên bố.
Vì vậy, chùm tranh là những di vật cưu mang cảm xúc và ý tưởng của họa sĩ Khôi, nhất là cái đẹp của đường nét, dấu vết và màu sắc. “Việc sử dụng nét vẽ và dấu vết mới là mấu chốt, cũng có thể nói là kỹ năng thủ công tinh xảo của họa sĩ và thành tựu hội họa phản ánh sâu sắc.” (Zhiqiang Chen và Yongding Tan)
Phóng đại khuôn mặt của “Người Mẫu” xem những nét chấm tạo ra ánh sáng, nhất là ở phần má và cổ trắng. Có thể hình dung được những cử chỉ chấm chi chít cho sơn đỏ loãng ra che mỏng qua mái tóc đen, che nửa mặt, chảy xuống hòa vào chiếc áo đỏ. Màu đỏ chủ động toàn cả bức họa này, màu nói lên sự nghịch nhãn da trắng và nền vàng. Cảm tưởng của bạn là gì?
Đường nét thường là kết quả của ý thức vẽ, trong khi dấu vết xuất hiện ngoài sự kiểm soát của họa sĩ. Vẽ không chỉ là biểu đạt trải nghiệm trong ký ức, mà còn là trải nghiệm từ tiềm thức hoặc vô thức, phối hợp với tưởng tượng và hư cấu. Vì vậy, một số nhà phê bình, nhà nghiên cứu hội họa xem trọng dấu vết hơn đường nét, vì chúng tỏ lộ những gì thầm kín trong tâm trí mà chính tác giả cũng không biết. Ví dụ, khuôn mặt người mẫu dù không nhất định là mặt của ai, nhưng chắc là khuôn mặt mà tiềm thức của tác giả đã ưa chuộng. Có thể là một khuôn mặt được cấu hình từ nhiều khuôn mặt hoặc khuôn mặt thuộc về một nhân vật bí ẩn.
Phóng đại một ô trong bức tranh “Untitled”, cho thấy đường nét tạo ra ô vuông, góc thẳng, nơi ngẫu ứng (không phải ngẫu hứng) tạo dấu vết trắng lan như khói, đỏ như máu. Trắng và đỏ này ngẫu hiện theo bàn tay cây cọ với tâm thức thẩm mỹ. Nghĩa là, tự nhiên ngay lúc đó thấy cần chấm phá và thấy đẹp. Và hành động sáng tạo này là khoái cảm thú vị cho người vẽ.
Nhìn chung, chùm tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi “đẹp”. Về mặt thẩm mỹ này, ông đã thuyết phục hầu hết người xem. Chủ đề có hai bức hồi tưởng về tuổi thơ, những bức còn lại là những trải nghiệm của ông về đời sống, như ông đã xác định, vụn vặt xung quanh. Bức “Nhan Sắc” tham gia vào vấn đề sắc tộc, engagement art. Bức “Buổi sáng” tham gia vào chủ nghĩa xanh, environmentalism. Nghệ sĩ luôn quan tâm những gì là vấn đề trong thời đại của họ, để dự phóng nghệ thuật ngày mai.
Nhận xét toàn diện trên chùm mảnh vụn, tôi nghĩ, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi, vô tình hay cố ý, thể hiện sở thích và xu hướng Aesthetic Relativism (thuyết Tương đối Thẩm mỹ.) Quan niệm cái đẹp phụ thuộc vào sự khác biệt trong nhận thức, định giá, và về bản chất, không có chân lý tuyệt đối. Mỗi khung vẽ là mỗi cái đẹp trải nghiệm, không nhất thiết là cái đẹp đại diện Nguyễn Trọng Khôi, nhưng chắc hẳn là một phần thẩm-mỹ-kiến của ông. Một số người hiểu lầm Aesthetic Relativism chủ yếu về đẹp mà nhẹ phần tư duy. Phân lý thẩm mỹ trong nghệ thuật cho thấy có cái đẹp của cảm xúc và cái đẹp của ý tưởng. Cái đẹp ý tưởng sống lâu hơn cái đẹp cảm xúc. Chính ý tưởng là tinh tố làm bức tranh sâu sắc và tồn tại. Có thể nhận thấy rõ rệt nỗ lực của hoạ sĩ Khôi trong ý thức và học thuật trình bày và diễn đạt tinh thần thẩm mỹ và cái đẹp vật lý trong từng bức tranh.
Tôi nghĩ chữ “mới” trong “Trật tự mới …” mà họa sĩ Khôi sử dụng không có nghĩa là mới lạ trong lịch sử hội họa, mà có nghĩa là những gì ông chưa làm trước đó. Đã nói đến “những mảnh vụn” tất đã có tâm ý về những mảnh lớn. Lớn có thể theo nghĩa kích thước, có thể theo nghĩa chiều sâu. Tôi đoán rằng, những loạt tranh sắp đến sẽ cho chúng ta tầm nhìn toàn diện hơn về tài năng của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.
Ngu Yên
Jacaranda – Oil on Canvas