Ngu Yên: Trái Tim Mọc Trên Cây
Đọc ca từ nối vào truyện và thơ hoặc nghe ca khúc đọc thơ và truyện.
Khi di dân tìm cách sống, anh biết rõ mình muốn gì: trồng một cây tiền. Anh tuyên bố: “Mồ hôi sẽ nở hoa.” Khi bắt đầu gieo hạt, phải chờ khá lâu mới lên mầm. Khi cây lên cao gần đến háng người thì ngừng lại, không phát triển nữa. Anh lo lắng rồi quyết định tăng thêm mồ hôi để tưới cây. Thức dậy lúc 5 giờ sáng. 6 giờ có mặt tại tiệm giặt ủi. 4 giờ chiều ra khỏi tiệm giặt đi bộ đến nhà hàng đồ biển, Captain Tom, làm công việc thứ hai, phụ bếp. Anh dừng lại ở một gốc cây lớn bên đường. Ngồi đó ăn trưa-ăn chiều, mỗi ngày chỉ một bữa. 6 giờ có mặt tại nhà hàng để chuẩn bị thực phẩm, sắp xếp bàn ghế. 7 giờ 30, nhà hành mở cửa đón khách. 12 giờ khuya, ra về. mệt mỏi và tả tơi. Cho dù anh cố gắng cách mấy, tưới mồ hôi liên miên, cây tiền vẫn không nhúc nhích.
Lớn lên từ gia đình bình dân. Anh biết rõ nghèo là gì. Nghèo là thường xuyên có cái không. Có cái đói. Có cái thiếu. Có cái thèm. Có cái mơ ước. Có cái thất vọng. Nghèo, buồn và mặc cảm đi chung với nhau. Anh không muốn nghèo nữa, nhưng một kẻ di dân lớn tuổi thì khó thực hiện ước mơ. Còn phải gửi tiền về nuôi cha và đứa em gái tàn tật bên lề chiến tranh. Nhiều đêm Chủ Nhật, được nghỉ ngày thứ Hai, anh thức khuya để có ít thời giờ suy nghĩ. Khi thân xác quá bận rộn, căng thẳng, hoạt động liên tục đuổi theo mệnh lệnh, tinh thần chỉ còn là cái bóng than vãn, ghi nhớ những phiền muộn, lủi thủi trong trạng thái chán chường, không còn muốn có một ý nghĩ nào khác hơn những gì đã có. Thậm chí, đàn bà cũng không chạm vào trí óc anh, cho dù cô Isabella, người phục vụ nhà hàng thích khoe da thịt. Thường chọc ghẹo anh như một gã cù lần. “You don’t fuck, do you?” (Anh không chơi bời, phải không?)
Anh không phải cù lần, một loại người trí thức nghèo biết quản trị thân xác. Câu hỏi của cô Mễ như ngón tay điểm huyệt, dần dần anh cảm thấy bế tắc, Tại sao lại tránh né tình dục? Chơi đĩ? Tốn quá nhiều tiền. Quan hệ đàn bà, càng tốn nhiều tiền hơn và mất nhiều thời giờ, thứ này anh luôn thiếu thốn. Một hôm, bị Isabella tấn sát, hối thúc của lạ, anh thẳng thắn, “Isabella, tôi nghèo lắm và không có thời giờ.” “Anh chơi được bao lâu mà sợ mất thời giờ? Tôi đâu bắt anh trả tiền. Tôi thích anh vì trông anh ngộ nghĩnh như người đến từ một hành tinh tồi tệ.” Chuyện chơi bời của họ bắt đầu như vậy và dường như không có tình yêu. Bình thường. Xã hội bây giờ là như vậy. Tình yêu đứng sau dâm dục. Dẫn đầu vẫn là tiền và danh vọng. Hưởng thụ hiện tại là chủ yếu. Khao khát ước mơ tương lai là chủ yếu thứ hai. Lúc này, điện thoại thông minh đã lỗi thời, thay thế bẳng trung tâm cá nhân ba chiều.
Có những đêm Chủ Nhật, anh ngồi nhìn cây tiền với nỗi niềm thất vọng quen thuộc. Câu tự hỏi, làm sao cho cây này lớn lên, trổ hoa, kết trái, đã không còn vướng bận vì anh đã thử thực hành tất cả những câu trả lời mà anh tìm được, nhưng chỉ uổng công phí sức. Có một đêm, trong lúc gà gật mơ màng, anh giật mình thức dậy vì tiếng động rất khẽ. Quan sát kỹ và khá lâu, đó là tiếng của nụ hoa nứt cánh. Anh thấy cây tiền trổ ra những cánh hoa hình chữ nhật, màu xanh, lúc đầu nhỏ như ngón cái rồi dần dần lớn gần bằng bàn tay. Trên mỗi cánh hoa có hình tổng thống Mỹ. Những cánh hoa mọc dưới thấp mang hình Andrew Jackson hoặc Ulysses S. Grant. Những cánh hoa mọc ở giữa có hình Benjamin Franklin. Chúng cử động không cần gió trong những hành vi lạ lùng, hấp dẫn như một đoàn phụ nữ Ai Cập che mặt mà khỏa thân đang uốn éo nhảy múa. Những cánh hoa mọc trên cao, trên đỉnh có hình William McKinley, Grover Cleveland, không thể tưởng, có cả James Madison và Salmon Chase. Đó là những tờ tiền Mỹ giá cao, như tờ có hình Salman Chase, trị giá 10,000 đô la. Anh thuộc lòng tất cả chân dung những danh nhân này, anh luôn mơ ước sẽ được sống chung với họ. (1) Khi những cánh hoa đó vươn ra mời mọc, nỗi vui sướng tràn ngập, trái tim đập bừng bừng muốn vỡ. Tê dại. Không một cảm giác, ý tưởng nào, chỉ một cảm xúc duy nhất: tiền. Anh đã có tiền. Đưa tay vừa hốt vừa thầm cảm ơn Chúa Phật, ai cũng được, miễn đã làm cây trổ hoa tiền, ngay lúc đó, tất cả các cánh hoa đều tan biến. Hai tay quơ quào trong khoảng không đen tối. Chết đuối trong hư vô. Ê chề.Thất vọng. Một tham lam ngu xuẩn. Anh thấy mắt mình chớp chớp liên tục, rồi mù mờ trong góc phòng, chỉ một cây tiền èo uột, đứng liu xiu, ốm nhom trong bóng tối.
Trong vòng xoay bận rộn ghê gớm đó, anh vẫn giữ thói quen, sở thích duy nhất, đọc sách báo. Như người nghiện thuốc lào, mỗi ngày không có ít nhất hai lần hít thở khói, mỗi ngày không có hít thở ít chữ nghĩa, tinh thần anh xìu bọt miếng. Anh đọc nhiều nhất dưới gốc cây khi ăn trưa-chiều, trong khi chờ đúng giờ đi đến nhà hàng. Anh khám phá ra: tiền ngu và tiền khôn.
Trưa hôm đó, đất trời bình yên. Gió, mây, cây cỏ, kể cả người bộ hành và xe hơi, diễn ra trong ngàn năm lập lại. Tiệm giặt đóng cửa sớm hơn mọi khi để sửa ống nước. Anh đến gốc cây sớm hơn, có thời giờ quan sát. Những rễ cây lớn với làn vỏ mốc xì, loang lổ, ghim xuống như bàn tay nhiều ngón đâm thọc vào đất khô. Không, giống như đàn rắn đang trên đường chạy trốn, lặn đầu xuống hang, để lại thân hình gợn sóng trên cát. Bất chợt, anh trông thấy con ốc sên đang bò lên cây trốn đàn kiến, bò rất chậm, leo lên tụt xuống, nhưng rồi vẫn tới cành cao. Theo dõi con cuốn chiếu bị đàn kiến tấn công, chỉ biết cuộn mình tròn vo, vòng tròn hoàn hảo và đẹp vàng dưới ánh nắng chiều, chịu đựng cho đến khi trở thành thực phẩm cho kiến tha từng mảnh về tổ. Theo dõi con bọ đất dũng mãnh chống lại bầy kiến, cuối cùng, dù thương tích, vẫn trốn thoát. Mang theo những hình ảnh này về đến nhà hàng, lởn vởn trong trí, khi lượm miếng cá chiên còn thừa trên đĩa của khách, bỏ vào miệng, bỗng dưng, anh nhớ đến đàn kiến. Kiến không bao giờ nghèo. Kiến biết tập đoàn, biết giết, biết tích trữ.
Anh nói:
– “Isabella, Anh đã tìm hiểu thị trường chứng khoán và nghĩ ra cách làm tiền khôn.”
– “Tiền mà cũng có khôn với ngu hay sao?”
– “Tiền khôn là tiền làm ít mồ hôi mà nhiều đếm. Khôn nhất là loại tiền biết tự làm ra tiền. Tiền mà chúng ta đang kiếm được là tiền ngu. Có lẽ thứ gì cũng có khôn và ngu.”
– “Tình yêu có khôn và ngu không?”
– “Chắc chắn có.”
– “Anh với em ngu hay khôn?”
– “Mình chỉ có chơi bời, không có tình yêu.”
Thời gian và đời sống mới nghe như hai thứ gì quan trọng, có khoảng cách với nhau. Thực tế, thời gian và đời sống dính chung với mỗi người. Mỗi người là mỗi khối đời và giờ. Mỗi khối riêng biệt. Trong phương trình khối đó, thời giờ là số di động một chiều có giới hạn, đời là biến số bất thường mà vô hạn. Khôn là khả năng làm sao cho biến số có giá trị trên số di động.
– “Hơn nửa năm rồi, anh đã kiếm được tiền khôn chưa?”
– “Chưa, còn thí nghiệm.”
– “Thua bao nhiêu rồi?”
– “Không, anh đầu tư bằng tiển giả, cho đến khi nào ăn, mới dùng tiền thật.”
– “Cây tiền của anh đã đến đâu rồi?”
– “Vẫn cằn cỗi. Hình như nó thiếu một thứ gì để có sinh khí.”
Nếu tưới nhiều mồ hôi, cây sẽ mọc ra tiền ngu. Muốn mọc tiền khôn, tưới bằng thứ gì? Trong một thoáng siêu nhiên nào đó, anh chợt nghĩ đến giá trị của ý nghĩa, nhưng … cả ngàn chữ “nhưng” nhảy múa trong đầu. Nhưng thế giới này thuộc về loài kiến, xã hội anh đang sống thuộc về đàn kiến. Họ tổ chức chặt chẽ, ăn thịt những loại người như anh. Không lẽ, để trốn tránh, phải như con ốc sên có vỏ ẩn núp không chưa đủ, phải trèo cả một đời lên cành cao, tự hào với hiu quạnh? Hay cuộn mình thật tròn trịa đẹp đẽ chờ chết như con cuốn chiếu? Hay thua cuộc chạy trốn mang đầy thương tích uổng phí một đời như bọ đất, vốn đã là loài hèn mọn? Nhưng nếu có thật nhiều tiền thì sao, triệu phú thì sao? tỷ phú thì sao? Liệu giá trị ý nghĩa sống có sâu sắc hoặc hài lòng hơn? Nhưng làm sao hóa cây tiền thành cổ thụ? Nhưng cây cổ thụ này ý nghĩa của nó là gì? Tiếng còi xe cứu thương ầm ĩ chạy qua nhà. Anh xoay cuồng với suy nghĩ, với đào xới, trong khi ngày Chủ Nhật đang tan nắng vào buổi chiều. Cơn mưa lủm đủm thả nước nhảy lon ton trên vỉa hè. Anh chờ đợi ngán ngẩm cái hết của một ngày nghỉ và cái bắt đầu của suối mồ hôi chảy rát lỗ chân lông.
[Link để nghe nhạc. https://www.youtube.com/watch?v=w-wl0uPgoEA ]
– “Em có nghĩ rằng, em muốn đi tu không?”
– “Không. Chắc chắn không. Em sợ…em ghét nhà thờ. Không, không đi tu. Sao anh lại nói chuyện
này?”
– “Ừ, anh nghĩ, cha đã lớn tuổi. Gần đây lại bệnh hoạn liên miên. Không biết bao giờ chuyện này sẽ xảy ra. Anh không biết, rồi em sẽ ra sao? Hoàn cảnh của em ở một mình rất bất tiện. Anh chưa thể trở về, còn việc chưa làm xong. Ngoài chuyện gửi tiền cho em, anh chưa nghĩ ra cách nào?”
– “Em không sao đâu. Em ở một mình được mà. Không có cha nhiều khi em còn dễ lấy chồng.”
Lấy chồng? Anh nhìn cô em đang ngồi trên xe lăn. Từ đầu gối lên đến mặt, tròn trĩnh và căng cứng trong bộ đồ bà ba trắng in hoa vàng. Sự phì nhiêu đó tỏ lộ hiệu suất của đồng tiền anh gửi về quê hàng tháng. Từ đầu gối trở xuống, hai ống quần ẻo lả, phất phơ như ống quần phơi khô. Hình ảnh tương phản tạo cảm giác thương hại, mỉa mai, một chút cay đắng hiện ra nét gì đó trên mặt anh. Cô em bắt được, nói: “Cụt chân thôi mà. Không phải đồ bỏ đâu.” Vừa nói vừa ngúc ngắc cái đầu, miệng cười tự tin, rồi ễnh ngực ra trước, lúc lắc, hai cái vú lớn không nịt đánh thùng chen. Tính khí ba trời này từ nhỏ đến lớn vẫn không thay đổi. Không khí bao bọc cô em còn phồng lớn hơn cả thân xác, nó nén căng sinh lực đàn bà, chờ nổ tung mong muốn một thứ gì không liên hệ đến xe lăn.
Tính khí bất tuân rào cản, luật lệ đã lấy mất hai chân của cô em. Năm đó, nhà anh ở cạnh khu rừng, đi bộ khoảng một giờ là đến. Trẻ con trong xóm thường vào rừng hái chim chim dủ dẻ. Khi chiến tranh lên cao độ, mìn được cài vào rừng chận đường xuống xóm của địch quân. Ngoài trừ một số giao lộ có lính canh, tất cả các lối đi khác đều bị cấm. Không ai dám vào rừng, chim chim dủ dẻ càng to lớn, càng hấp dẫn. Càng thôi thúc cô em. Cô nói: “Anh biết không, đêm qua em nằm mơ thấy chim chim dủ dẻ từ trên rừng tràn xuống đồng cỏ, rồi mọc đến tận sân nhà mình. Trái nào trái nấy bóng lưỡng, đỏ tươi, vàng khè. Có cái chim chim giống như cái đó của ông Chín.” “Làm sao mày biết?” “Ổng cho em coi.”
Hôm sau, cô bé tám tuổi rắp tâm lên rừng. Nó mang theo cái gùi mọi khá lớn. Bất kể những tấm bảng có hình sọ người cắm chặn đường. “Bùm.” Cụt hai chân.
Ngày anh lên đường di dân, cô em nói: “Anh nhớ mua cho em chiếc xe lăn tự động nghen. Em đã chán phải bò lết dưới đất trên tấm gỗ có bánh xe này. Ra phố ra chợ dơ dáy và bị đám nhỏ chọc phá. Tệ nhất là những anh thanh niên nhìn em sợ sệt. Anh Hai nhớ nghen.” Còn lời cha anh dặn, rõ là không thích hợp. Ông nói: “Con phải cố gắng lo thân và giúp đỡ Chúa.” Giúp đỡ Chúa, anh hiểu ý ông, gửi tiền cho nhà thờ. Đáng lẽ Chúa phải giúp anh một cách thực tế mới đúng. Dù sao, anh đã thỏa mãn lời hứa với cô em. Còn Chúa, anh gửi tiền qua cha vì ông cần Chúa hơn.
Cuối cùng rồi, người giàu đã hiểu, họ muốn giàu phải dùng người nghèo của những xứ nghèo. Những người này làm việc cho họ với mức lương thấp, phục dịch với số thù lao ít ỏi. Sau đó, đám nghèo này dùng tiền mua các sản phẩm của nhà giàu. Nhà giàu sẽ giàu thêm. Họ cho ra rồi thu vào, cứ luân lưu như vậy, lợi ích trở thành lũy tiến. Thời này, người nghèo xin di dân dễ hơn người giàu ở địa phương.
Khi đã có ít tiền, cha anh dời vào trong xóm. Nhờ sự trao đổi với cha xứ, gia đình anh có được một căn nhà nhỏ trong xóm đạo, gần nhà thờ lớn, nơi cha anh quanh quẩn suốt ngày giữ gìn nhà Chúa sạch sẽ. Ông lau cung điện, bàn thánh, bàn, ghế, sàn nhà, kể cả lau sạch những viên đá lớn xung quanh nhà thờ. “Chúa sẽ trả công”, ông nói. “Nếu còn dư, sẽ trả cho các con.”
– “Cha dùng tiền làm gì, sao mau hết quá vậy?”
– “Cha dâng cho nhà thờ một nửa số tiền con gửi về hàng tháng.” Anh ta sững người. Bao nhiêu là mồ hôi. Bao nhiêu là nhịn nhục. Bao nhiêu đêm mất ngủ. Bao nhiêu lần bụng đói. “Con còn trẻ, không biết mua lòng nước trời. Sau này sẽ sống vĩnh viễn ở đó, phải lo trước.”
– “Nhà thờ đâu cần tiền của những người nghèo. Nhà đạo đã giàu có, đã ổn định cách kiếm tiền. Mỗi năm đều xây thêm phòng ốc. Mỗi năm đều tổ chức lễ lạc rất lớn.” Anh nén lòng để khỏi to tiếng với cha. ”Còn nước trời, cha chỉ cần lo đủ phần cho cha. Con và em không muốn ở đó.”
– “Đừng nói như vậy. Nếu con không bỏ được cha ở trần gian này, thì làm sao cha bỏ được con trên nước trời.”
Câu chuyện thường chấm dứt như vậy. Khi anh quyết định làm thinh, vì nói thêm chỉ vô ích. Nhưng bảy năm rồi, anh mới có dịp về thăm quê nhà một tháng, nếu không gần gũi chuyện trò với cha thì uổng phí và đáng trách.
– “Năm nay cha bệnh càng ngày càng nhiều. Bác sĩ nói hai lá phổi đều yếu, quá nhiều thuốc lá. Gan đã bị xơ. Con ở đây một tuần, đêm nào cũng nghe cha ho muốn lòi mật. Mai con sẽ đưa cha đi bác sĩ chuyên về suyễn. Con nghe được tiếng huýt gió từ cuống họng của cha. Độ mỡ của cha vẫn cao, phải không? Cha phải đi bộ, cứ bò với quì trong nhà thờ không tốt đâu.”
– “Mọi chuyện có Chúa quan phòng.”
– “Con không hiểu Chúa sẽ quan phòng ra sao nếu cha qua đời. Còn con Muội, …. Xe lăn…. ở một mình…. Làm sao…Con nghĩ hoài chưa có cách giải quyết ổn thỏa. Cha có kế hoạch gì? … Cha có nghĩ đến chuyện nó lấy chồng không?”
– “Chưa có ai đủ điều kiện lấy nó.”
– “Sao không? Nồi nào có nắp đó. Không người này thì người kia.”
– “Không được. Phải là người công giáo. Phải đạo hạnh. Phải có công ăn việc làm tốt. Có tương lai… Năm trước, cũng có mấy anh thanh niên ọ ẹ quanh nhà. Cha đuổi đi hết.”
– “Người mà cha muốn kiếm, ở đâu có? Nếu có, họ đã lấy vợ lâu rồi. Con Muội nhà nghèo, nhan sắc tầm thường lại cụt hai chân. Làm sao cha lại đòi hỏi nhiều điều kiện quá vậy?”
– “Chuyện vợ chồng là do Chúa định. Khi có thì sẽ gặp…”
– “Vậy thì sao cha đòi hỏi điều kiện?”
– “Không. Cha không đòi hỏi nơi con người, Cha chỉ cầu xin Chúa.”
– “Nếu không gặp người đúng theo ý cha thì sao? Đi tu, ở giá, nếu Chúa quan tâm, có lẽ, cha nên cầu nguyện cho nó mọc lại hai chân.”
– “Có, cha cầu nguyện mỗi đêm. Cha hứa, nếu nó có chân, cha sẽ dâng hết tiền tiết kiệm cho nhà thờ.”
– “Không cần phải làm phiền đến Chúa. Giữ tiền tiết kiệm cho con Muội làm đám cưới. Khi để dành đủ tiền, con sẽ mua hai chân giả cho nó, có thể đi được. Nếu tập luyện đúng cách, sẽ đi như người thường.”
Tôi trở về quê nhà. Không tìm thấy cảm tưởng đau lòng, rung động như những tâm sự nghe đọc trên đài phát thanh, diễn phim trên truyền hình hoặc của các nhà văn diễn tả trong tiểu thuyết. Có một chút hồi hộp, một chút nôn nao. Nhưng tôi biết rõ, mọi chuyện sẽ thay đổi. Không lấy làm gì ngạc nhiên. Chính tôi cũng thay đổi. Cha tôi cũng thay đổi, dù rất ít. Em tôi cũng thay đổi, trở thành một ngòi thuốc nổ. Thành phố, con đường cây cối, sự động đậy, sự phát thanh, đều thay đổi. Thời gian có hiệu quả là thay đổi. Không có gì khác biệt mấy, khi giao tiếp chuyện trò qua màn ảnh cá nhân ba chiều, thấy nhau hoài, nghe nhau hoài, biết cập nhật mọi chuyện cần thiết, thì gặp nhau chỉ khá hơn vài điều: gần gũi, thấy toàn diện hơn, nắm bắt thoa bóp vỗ về cụ thể hơn. Lòng rạo rực hơn, cười to hơn. Chỉ vậy. Dường như, tiến bộ khoa học làm giảm bớt cảm xúc, mà cảm xúc làm cho mọi thứ có thêm ý nghĩa. Có lẽ, vì vậy các thế hệ trẻ sống không quan tâm mấy đến ý nghĩa, nói đúng hơn, giá trị của ý nghĩa.
Nơi ít thay đổi nhất là xóm đạo này. Người lỗi thời nhất chính là cha của anh.
Từ ngày có internet mở rộng, các mạng lưới xã hội cung cấp tất cả các bề mặt tốt xấu của đời sống thế giới, văn hóa chủ nghĩa cá nhân truyền đi, len lỏi đến tận hang cùng ngõ hẻm, cái tôi của người càng tự tin hơn, càng tự hào hơn, càng tự ca ngợi bản thân mình hơn. Chuyện phát triển văn minh luôn có tốt và xấu. Nhưng việc không tiến bộ trí tuệ chắc chắn là không xấu. Xóm đạo được bao bọc bởi một bức tường vòng tròn vô hình rất cao, kiên cố, bởi tinh thần mộ đạo của những người lớn tuổi. Cha anh sẵn sàng xung phong làm con chiên tế lễ nếu cha xứ yêu cầu. Bên trong vòng tường là một bầu không khí nghiêm túc. Chuông nhà thờ mỗi ngày vang lên ba lần, sáng trưa chiều, nhắc nhở giờ cầu nguyện. Tiếng thánh ca dường như luôn luôn phảng phất, dù không có ai hát. Xã hội này có hình thái tu viện. Cha xứ là nhà lãnh đạo toàn quyền. Độc tôn không được phản kháng. Khả năng thánh thiện có thể nhìn thấy treo bảng, dán bích chương, khắp nơi, ngoài trừ trong tâm tư thế hệ trẻ. Họ đi làm, đi chơi, đi khám phá ngoài vòng tường. Từ từ họ cởi lớp lông chiên cừu rồi rùng mình hóa thân thành các loại thú khác. Không có uy quyền độc tôn nào có thể chận đứng những xung kích của ý muốn tự do. Hàng ngàn hàng triệu mũi nhọn tấn tới, trước sau gì cũng lủng qua. Lỗ nhỏ thành lỗ lớn. Lỗ lớn thành cửa, thành cổng.
Trong những năm học trung học, lúc đó, cha anh còn làm việc cho một tiệm bán bánh mì, để kiếm tiền chi dụng, anh đã đi dạy kèm hai đứa con của một gia đình cán bộ. Người cha làm việc trong thư viện tỉnh, có chức vụ khá cao. Lớn tuổi vẫn ham vui, ông nói: “Tôi trả thêm tiền cho anh đưa hai đứa nhỏ đến thư viện vào mỗi cuối tuần, cho chúng tập đọc sách. Chúng tôi cần nhiều thời giờ rảnh rỗi để đi tham quan tiệc tùng.” Cơ hội may mắn này cộng với trí tò mò, thêm sự chỉ dẫn của bác Tự, làm trong phòng kiểm kê sách, anh đã làm quen với nhiều tác phẩm, tác giả. Từ những sách giải trí đến sách chất lượng, từ sách trồng trọt tâm tình đến sách đục đẽo trí não. Vì lo kiếm sống, không có thời giờ, không có niềm vui lẻ, anh bám vào sách vở để tưởng tượng riêng một thế giới, lấy đó làm vui. Anh là kết quả của bần cố nông giao cấu với tiểu trí thức.
– “Cha nói, có mấy chàng trai ve vãn em phải không?”
– “Mấy anh đó thích em lắm. Có anh gửi thư cho em. Nhưng cha đuổi đi hết. Trong xóm đạo này, cha có nhiều uy quyền, cha xứ giao cho ông nhiều trách nhiệm tổ chức các ngày lễ lớn. Cha đến từng nhà của mấy anh chàng theo em và rầy rà ba mẹ họ, Thế là, họ lánh xa em. Thậm chí, không đi ngang nhà.”
– “Anh biết. Cha có nói. Hỏi thật nha. Em thích đàn ông lắm phải không?”
– “Chị Thà nói, đàn ông có nhiều cái hay ghê mà đàn bà không có. Em thật tò mò muốn biết.”
– “Con Thà, con ông bà Giáo phải không?”
– “Đúng rồi. Chị ấy đẹp và sống tự nhiên lắm. Em thích được như vậy. Chị trải qua ba mối tình. Có một ông già đã có vợ, chị trêu đùa gọi là già động cỡn. Chị Thà thân với em. Thường đến đẩy em đi chơi, nhưng phải lén, vì cha la rầy. Có anh ở đây, đi với em với chị Thà, chắc cha không la.”
– “Anh thấy mấy đêm trước, em rình xem anh Tám, thợ sửa máy ở nhà bên tắm ngoài giếng. Đừng rình nữa, người ta biết được thì sẽ khốn với cha.”
– “Em thật là tò mò về đàn ông. Anh Tám cứ mặc nguyên quần cụt xối nước, tối hù hù, cũng như không.”
– “Em đã thấy của ông Chín rồi mà. Tại sao ông lại đưa cho em coi?”
– “Hồi đó em còn nhỏ, thấy chỗ đó sừng sừng dưới lớp vải quần đùi. Hỏi ông, ông lấy ra cho em cầm, nhưng em thấy đôi mắt ổng đỏ quắc, em sợ quá bỏ chạy. Bây giờ, không nhớ rõ, chỉ mường tượng hơi giống trái chim chim.”
– “Em có thể coi đàn ông trong mấy phim khỏa thân trên màn ảnh cá nhân mà. Đâu có gì phức tạp.”
– “Có, em có coi, nhưng không thật, em không thích lắm. Chị Thà nói, giữa thật và ảo là một bãi sa mạc.”
– “Ừ, có lẽ đúng.”
– “Chị Thà hứa, hôm nào sẽ cài bẫy cho em coi lén.”
Như sa mạc? Vô nghĩa. Ngày nay, ảo và thật chỉ cách nhau một màn tơ trong suốt. Không thể phân biệt. Chỉ nhận thức hoặc cảm giác. Coi lén? Không giải quyết được chuyện tò mò của cô em, anh đứng dậy đẩy nó đi hóng gió.
Những ngày quanh quẩn ở quê nhà qua thật vội vã, Được nghỉ ngơi, ăn uống thỏa thích, những chai bia lạnh, thịt cá tươi, khi nghèo thiên đàng cũng nghèo theo. Người giàu chắc chắn không mơ ước thiên đàng của người nghèo. Anh đang ở thiên đàng rồi còn gì. Mấy hôm nay, đi chơi với Thà, thích lắm. Anh không hứa hẹn gì, Thà cũng không bậm tâm. Khi ăn uống đầy đủ, khi tâm trí không lo âu, khi thoải mái mở cửa, dục vọng từ từ tiến ra. Đã lâu lắm, anh mới có cảm giác thèm đàn bà. Anh và Thà làm tình ở một khách sạn bình dân bên ngoài vòng tường xóm đạo vào một buổi trưa sau khi tắm hồ. Lúc giật mình thức dậy, ngày đã xế chiều. Anh cảm thấy có điều gì bối rối muốn nói với Thà. Cô đã mặc áo quần chỉnh tề, ngồi uống cà phê, nhìn ra ngoài ngoài sân. Anh từ tốn đến gần. Thà chận lại:
– “Anh không cần phải nói gì. Mặc áo quần rồi đi ăn đồ nướng. Em phải về trước 11 giờ đêm. Đã nói, anh không cần phải bận tâm. Em thích anh và em thích chơi bời, chỉ vậy thôi. Mình có thể hẹn nhau vài lần nữa, anh sắp đi rồi.” Có lẽ, đã đến lúc chuyện ái tình dễ hơn chuyện kiếm tiền. Cái sẵn có bao giờ cũng dễ dùng hơn cái sẽ có, ngoại trừ thẻ tín dụng.
Tôi ra đi lúc ngày vừa sáng. Chọn giờ đi như vậy để tránh cảnh chia tay bịn rịn không cần thiết. Chắc chắn, tôi sẽ còn trở về. Hồi này,Tiễn cơ chở khách đi đi đi về về nhanh gấp đôi ngày xưa. Cha và em sẽ thấy tôi ở Mỹ qua màn ảnh cá nhân. Mọi việc cần thiết để chia tay đã thực hiện tối hôm qua. Một buổi ăn chiều trong tiệm đồ biển, một số chai bia, ầm ĩ tiếng cười của Thà và con Muội, hai đứa này thì thầm chuyện gì bí mật. Chắc có dính dáng đến đàn ông. Cha tôi ít nói. Trước khi chia tay đi ngủ, ông chỉ nói: “Con nhớ đi xem lễ ngày Chủ Nhật và đọc kinh cầu nguyện mỗi đêm.” Tôi đã nghe câu nói này rất nhiều lần, mặc dù cha tôi biết rõ, tôi không làm. Tôi đã mất bộ lông cừu từ lâu. Dường như, đó là trách nhiệm cao quí của người cha có đạo. Nếu cha tôi biết được, sự thay đổi đã đổi thay liên tục. Trước sân nhà lúc đưa Thà ra cửa, trong bóng tối, nàng đã làm tôi sung sướng bằng tay. “Quà cho anh đó.” Thà nói.
Khi đời trống vắng như tờ giấy trắng,
Viết đi em, những lời sâu dao khắc biền biệt không phai.
Những kỷ niệm thường lãng quên gió dễ thổi bay dù huơng nào tuyệt diệu.
Cho nhau thứ gì nhớ mãi dù hết yêu thương vẫn phải nhớ bất kỳ.
Cho nhau thứ gì sáng tạo lửa đốt cháy tờ giấy ngoảnh nhìn sáng thành tro bụi.
Vĩnh viễn không thể lập lại vì không thể chết hai lần.
Khi sống trống không như tờ ảo mộng,
Không thể gói những gì mong muốn đã rách làm sao giữ được lệ rơi?
Mở ra đi em, phơi bày thứ gì đáng nhớ nhất, nhớ cho sướng suốt đời.
Có công rèn sắt, có ngày nên dao. Anh thành công. Thất bại và thành công đơn giản như ảo với thật. Anh trở nên giàu có. Mua bán Stock index và Vàng Index, mỗi ngày. Anh đã tìm ra thứ để tưới cây tiền, quả nhiên cây mọc nhiều tiền khôn. Sở hữu nhiều tiền và kinh nghiệm sở hữu đó thỏa mãn giấc mơ ban đầu của người di dân. Anh hiểu ra bản chất của tiền khôn. Chỉ có tiền ngu mới chia chác với thời giờ, dính liền với vị trí làm việc và những điều kiện khắt khe của xã hội. Tiền khôn thoát ra khỏi vòng kiểm soát của các tập đoàn kiến, thoát ra khỏi không gian, ở bất kỳ nơi nào tiền khôn cũng tìm đến. Hiệu suất của tiền là trao đổi giá trị giữa một thứ biểu tượng và nhiều thứ khác nhau, vật chất lẫn tinh thần. Nhưng hầu hết người giàu đều thấy giá trị vật chất, thậm chí, thấy tờ giấy in số có giá trị, không thấy khả năng trao đổi. Họ ít thấy giá trị tiền trong lãnh vực tinh thần, nhất là những người di dân từ nghèo trở bên giàu có.
Giàu thì giao du với giàu. Lúc nghèo, anh không có bạn. Giờ đây, anh cũng không có bạn, nhưng có nhiều bè. Gặp nhau ăn nhậu, khoe khoang, và bóp đít. Đám đông di dân giàu có này như một đàn vịt, xa nhau không được, gần nhau thì cạp cạp vang trời. Họ chưa hiểu ý nghĩa tại sao có món ăn “Lưỡi vịt” của hoàng gia, ngày nay đã phổ biến vào nhà hàng. Bao nhiêu lưỡi vịt cần thiết để làm một đĩa lưỡi vịt? Và bao nhiêu con vịt sẽ câm? Canh cánh băn khoăn về ý nghĩa đời sống từ cái giàu. Trong thế giới kiến, nghèo đã không có mấy ý nghĩa, còn giàu thì sao? Anh bế tắc.
Cái bí quyết mà anh dùng để tưới cây tiền, rất đơn giản, ít ai ngờ, chính anh cũng không ngờ. Đó là là cách “tự nói với bản thân.” Tự nói để tự mở ra, một lực lượng khổng lồ, có khả năng ghê gớm từ vô thức, như phép lạ hoặc ma thuật đã biến đổi con cóc thành hoàng tử, biến con cuốn chiếu trở thành con rồng. Tự thoại với bản thân. “Chắc chắn tôi sẽ làm ra rất nhiều tiền khôn.” Chỉ đơn giản như vậy. Nhưng đó là chìa khóa mở cửa cho khả năng siêu việt. Khả năng này ai cũng có nhưng bị chôn vùi, giam cầm bởi tập đoàn kiến. Như anh đã từng khám phá, kiến ăn thịt những sinh vật ngu. Ít ai tin. Vì họ được huấn luyện từ nhỏ đến lớn để không thể tin vào bản thân có thể làm nên những việc phi phàm.
Anh làm nên việc phi phàm nhờ ứng dụng phương pháp “tự thoại tích cực” để xóa bỏ những giới hạn của niềm tin và năng lượng mà Nietzches đã tìm thấy trên lý thuyết “Người vượt lên người” tức là siêu nhân thuyết. Phải hủy bỏ những giới hạn mà lịch sử và niềm tin của kiến tạo ra để ràng buộc tất cả loài kiến phải bò, không thể bay. Rồi một hôm, đàn kiến nhìn thấy trên không gian có những con kiến cánh. Bay và bay trên giới hạn bò. Nhưng đạt được giấc mơ vật chất, khiến anh hụt hẫng. Bây giờ, anh là một người nghèo tinh thần. Hàng ngày anh cũng tự thấy mình cạp cạp, chờ bị cắt lưỡi.
– “Nghe em Muội nói, dạo này sức khỏe của cha khá hơn, phải không?”
– “Đúng. Cha tìm được niềm vui và ý nghĩa trong thánh ý Chúa.”
– “Chúa hay Phật gì cũng được, miễn cha vui và khoẻ là tốt.”
– “Cha muốn xin tiền con để xây một trung tâm giải trí cho thanh thiếu niên trong xóm đạo.”
– “Vâng, cha cứ cho con biết cần bao nhiêu tiền, con sẽ chuyển về trương mục ngân hàng. Con có dự định sẽ dọn về bên đó một thời gian.”
– “Rồi công việc thì sao?”
– “Việc của con ở đâu làm cũng được.”
– “Nghe con về cha rất mừng. Từ khi dọn ra ở riêng, con Muội nó hư lắm. Con về chỉnh đốn nó lại. Cha già rồi, nói nó không nghe.”
– “Cha bận tâm làm gì. Nói chung, thế hệ sau luôn kém đạo đức hơn thế hệ trước, nhưng cũng có khi hợp đạo lý hơn. Càng văn minh thì sự hưởng thụ càng cao, đạo đức thật càng kém, đạo đức giả càng nhiều. Đạo đức giúp cho một số người sống an toàn với bản thân vì sợ thiếu đạo đức, nhưng thường là không hợp đạo lý. Cha lớn tuổi rồi. Đừng để ý nữa. Ngay cả cha và con cũng đã khác nhau xa. Cha nói chuyện với Chúa. Con nói chuyện với con.
Cha anh giờ đây vô cùng thỏa mãn, vì đã sử dụng tiền anh để xây ngôi trường tiểu học ngay trong xóm đạo và thực sự xây một bức tường vòng quanh xóm bằng gạnh, có hai cổng lớn ra vào, để bảo vệ ý Chúa. Những linh hồn trong xóm đạo, theo ông, không thể để bị ô nhiễm. Ông đã và luôn tìm thấy ý nghĩa giá trị đời sống: tất cả đều do Chúa an bài. Thà vẫn tiếp tục vượt tường ra khách sạn bình dân. ‘Chơi cho đến già,’ Chúa an bài như vậy sao! Em gái của anh càng phong phú hơn về mặt xác thịt. Có nhiều tiền, dù cụt, vẫn có người đến vuốt ve. Cô đã tìm ra ý nghĩa làm người. Nhà nghèo, cụt chân, là kết thúc mọi ước mơ. Rồi, giờ đây, tiền mang lại ước mơ khác. Mang theo đôi chân giả. Những chàng trai tiếp tục đi qua đời cô, không cần quan tâm đếm, sướng vui không cần phải có con số. “Cụt chân đâu phải là đồ bỏ.” Châm ngôn của cô là như vậy. Chỉ có anh, vẫn tìm kiếm một thứ gì, chưa biết.
– “Muội, em chậm chậm lại. Em làm cho cha đứng tim. Ông nói, dạo này em hư lắm.”
– “Anh hai, anh biết mà. Đối với cha, chỉ có mấy bà sơ mới đủ tiêu chuẩn. Em chỉ bồ bịch thôi. Chẳng có gì ghê gớm.”
– “Ừ. Giữ mình. Coi chừng bệnh hoạn. Đàn ông họ giống nhau khi gần gũi phụ nữ.”
– “Em thấy đâu có giống. Mỗi người mỗi khác. Ngay cả anh cũng khác.”
– “Làm sao em biết anh hai khác?”
– “Buổi trưa anh ngủ với chị Thà trong khách sạn, chi Thà cài bẫy cho em ngồi trong tủ quần áo nhìn ra.”
Một hôm, để rốt ráo tìm đến năng lượng của vô thức điều khiển não bộ, tôi hẹn gặp, có nhiều tiền hẹn ai cũng dễ, rồi gặp được ông Helmstetter, một người nổi bật trong số những người nghiên cứu và thực hành con đường khai phá sức mạnh vô địch của tự thoại. Chúng tôi gặp nhau vào buổi ăn trưa trong một khách sạn cao sang nhất ở New York. Sau cuộc chuyện trò, trao đổi về sự hiểu biết trên lý thuyết, rồi chuyển qua kinh nghiệm thực hành, những thành tựu, chúng tôi dường như cảm thấy hoan hỉ vì qua một cách nào đó, đã tri kỷ. Tôi yêu mến sự trầm tĩnh và thông thái của ông. Nhưng chủ yếu, gặp ông không phải để trò chuyện, tôi muốn tìm hiểu từ ông điều mà tôi không tìm thấy trong ý nghĩa về giá trị sống. Tôi chờ đợi đến lúc gần kết thúc giờ hẹn. Tôi nói:
– “Giáo sư, tôi thật lòng sung sướng đã có một buổi trao đổi đầy hiểu biết và thú vị với ông. Tuy nhiên, như ông đã viết trong sách, tôi xin thẳng thắn đặt một câu hỏi cuối cùng. ‘Tôi biết rõ, ông thành công trong những ước mơ lớn nhỏ, tuy nhiên, tôi biết, ông không phải là tỷ phú, thậm chí không phải là triệu phú cao cấp. Không lẽ, phương pháp tự thoại không thể dẫn đến mục tiêu tối thiểu là triệu phú?”
– “Anh không phải là người duy nhất hỏi câu này. Vâng, được chứ. Nếu mục đích cuối cùng của anh là tỷ phú. Nhưng anh nên nhớ một điều quan trọng. Tự thoại không làm cho thời gian dài thêm hay nhiều hơn, và càng không thể làm cho anh bất tử. Vì vậy, đến một lúc nào đó, anh phải chọn thực hiện giấc mơ sau cùng. Giấc mơ thực sự có giá trị cho anh hài lòng ý nghĩa, sung sướng đã sống một đời làm người. Giấc mơ sau cùng của mỗi người khác nhau. Cho dù cùng một giấc mơ, sẽ thành tựu khác biệt. Giấc mơ sau cùng của tôi không phải là tiền, không phải là tỷ phú. Tôi chỉ muốn sống bình thản giữa mọi người, thông cảm mọi chuyện tốt xấu, chia xẻ sự bình an trong tâm trí, không phải dễ, khó hơn làm tỷ phú, và đón chờ cái chết như đón chờ một chuyến uber đi không có địa chỉ đến.”
– “Làm tỷ phú có thể đo bằng tiền. Làm sao ông biết mình đã đạt được giấc mơ này, xem chừng nó không có mức độ để đo lường?”
– “Có. Khi anh đến mức độ đó, tự dưng, anh luôn cảm thấy trong lồng ngực có một thứ ánh sáng, ấm áp, êm dịu, phẳng như mặt hồ nước trong, dù gió lộng vẫn không nổi sóng. Ánh sáng đó chiếu lên mọi thứ trong đời anh. Việc đó trở thành quan trọng, vì mọi thứ đều sáng lên trong mọi hoàn cảnh.”
Anh miên man suốt buổi chiều còn lại, một thứ gì vừa nhập vào rồi hòa tan trong anh. Có một cánh cửa, anh đang đứng phía trước, biết rằng, nếu mở vào, sẽ đến một thế giới khác. Lưỡng lự. Có phải sẽ hy sinh một số ước mơ khác để thực hiện ước mơ này? Đương nhiên, có nghĩa là mất. Thành công việc này, có nghĩa thất bại việc kia. Có thể nói, việc lớn lao nhất của sống là chọn lựa, vì nó sẽ dẫn đến những thành quả khác nhau. Chắc chắn, chọn lựa cũng có ngu và khôn. Anh đã chọn lựa đúng để có tiền khôn. Bây giờ,một lần nữa, anh cần chọn lựa đúng để đạt giá trị ý nghĩa của đời mình. Mà chọn lựa là e sợ, là ngại ngùng, là luyến tiếc. Cần can đảm và khôn ngoan để quyết định chọn một và chấp nhận mất hai, ba hoặc nhều hơn, đồng thời, nhận lãnh những gì phiền hà đính kèm theo cái có. Đây là cách chọn lựa của người bình thường. Cao hơn, không cần can đảm, khôn ngoan, chấp nhận…vì chọn lựa là điều vui sướng.
Đêm nay, tôi không muốn ngủ, không buồn ngủ. Giống như mặt trăng ngoài trời, ánh trăng mang theo một thứ sinh lực nào đó làm toàn thân khỏe khoắn, làm tâm trí trong suốt. Ngồi trước cây tiền. Nhìn nhữnh cánh hoa xanh đủ hình tổng thống. Bỗng nhiên, tôi nảy sinh ý định nhìn thật rõ các khuôn mặt này, dù đã rất quen thuộc. Tiến đến, rọi đèn vào từng cánh hoa. Quả nhiên, có lý do vô hình nào đó đã xô tôi đến thật gần, nhìn thật tường tận, mặt ông nào cũng xanh mướt, thiếu sinh lực, lại nhăn nheo theo gợn giấy, biểu lộ sự chịu đựng căng thẳng quá mức mà vẫn phải sống. Nhất là những đôi mắt: làm người khổ vậy sao? Giàu thì tôi đã biết. Danh vọng cao, cứ nhìn những ông tổng thống.
Lùi lại. Ngồi vào ghế dựa. Cảm thoải mái. Tôi biết rồi. Đột nhiên, tôi hiểu. Lồng ngực dường như ấm áp hơn. Ý nghĩ bay cao lên. Cảm xúc mạnh mẽ hơn nhưng se sắt. Có điều gì sắp xảy ra. Có chuyện gì đang xảy ra. Cây tiền.
Đúng cây tiền. Một chấm đỏ mọc lên giữa trùng trùng tiền xanh, như một ngọn đèn đỏ duy nhất trên cây thông đêm Giáng Sinh, nó lớn dần, khởi đầu nhìn giống trái táo, khi nó dài ra, nhìn giống trái dâu tây. Đỏ và sáng.
Ngu Yên.
(Trích trong tập “Khi máu sắp nghỉ ngơi tim hát lời bối rối”, Sáng tác đa phương tiện.)
Ghi:
Hình Andrew Jackson trên tờ $20. Hình Ulysses S. Grant trên tờ $50. Benjamin Franklin trên $100. William McKinley trên $500. Grover Cleveland trên $1,000. James Madison trên $5,000. Salmon Chase (không phải tổng thống) trên $10,000.(1) Tự thoại, tìm hiểu căn bản: What To Say When You Talk To Yourself” của Shas Helstetter, Ph.D. Hoặc tìm đọc loạt bài “Tôi Nói Với Tôi” của Ngu Yên dịch trên Academia. Edu.