Người Việt nghĩ gì về thuế quan nói chung và mức thuế quan 46% đối với Việt Nam của Tổng thống Donald Trump?

Trần Tiến Dũng: Chết vì mở cửa hậu cho Trung Quốc

Tháng Tư, là tháng 50 trước những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, trước tháng 4-2025 hai nước Việt-Mỹ đã có vài thập niên bang giao, hoà hoãn; và giờ đây trớ trêu thay lại bắt đầu chiến tranh thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ (chính quyền Tổng thống Trump).

Không bàn về cụm từ được dịch sang tiếng Việt mà ông Trump sử dụng: “Ngày Giải phóng”, bởi 50 năm qua người Việt thấm thía sự chia rẽ giữa bên hân hoan và bên đau khổ quanh cụm từ: ngày giải phóng này.

Việc chính quyền Trump áp thuế đối ứng lên hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam đang làm chấn động dư luận và tâm trạng người Việt Nam. Không cần phải nhắc lại con số thuế đối ứng cao khủng hoảng mà Mỹ vừa công bố áp đặt ngày 2-4-2025; chỉ cần đừng để mất trọng tâm về sự kiện, sự việc đen tối này. 

Vậy trọng tâm thuế đối ứng của Mỹ là gì? Rõ ràng là nhắm hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam. Hãy coi cách mà Mỹ định thuế đối ứng với Lao và Cambodia cao hơn cả Việt Nam dù hàng hoá từ hai quốc gia này xuất sang Mỹ có thâm thụt thương mãi với Mỹ chẳng có chút đáng kể nào so với Việt Nam. Như vậy, đường thoát của hàng hoá xuất khẩu đến Mỹ từ Việt Nam nếu mượn cửa hậu Lào, Cambodia đã bị khoá. Nhớ lại trong chiến tranh Việt nam, Bắc Việt chính nhờ mượn được đường Lao và Cambodia nên thông đường đến thắng lợi.

Không hề sai khi cho rằng mục đích của chính quyền Trump là khoá cửa hậu của hàng hoá Trung Quốc thông qua Việt Nam và giờ đây cửa hậu của hàng hoá Việt Nam nếu qua cử hậu Lao và Cambodia cũng không thoát thuế đối ứng kinh khủng của Mỹ. Không bàn chuyện tương lai khi Mỹ và Việt Nam thương lượng lại về mức thuế đối ứng 46%. Vấn đề trong tâm ở đây là dù có kéo mức thuế trên xuống được vài phần trăm hoặc được huỷ bỏ trăm phần trăm thì trong chiến lược chiến tranh thuế quan này đã lộ rõ mồn một: Hàng hoá Việt nam bị bao vây với thân phận cá nằm trên thớt. Ý nghĩa lớn hơn là: Hàng hoá xuất khẩu đi Mỹ của Việt Nam do bởi cửa hậu Trung Quốc và sẽ chết vì Trung Quốc.

Tất nhiên nếu cho rằng đích nhắm chiến tranh thuế quan của Mỹ là Trung Quốc thì cũng hiểu rằng còn khuya Trung Quốc mới chết vì các đòn thuế từ Mỹ.

Tác động và hậu quả của đòn thuế đối ứng nhắm vào kinh tế, xã hội Việt Nam khó có thể đo lườngg hết nguy nan. Nhưng hệ trọng hơn là chính quyền Việt Nam hiện hành ứng phó ra sao trước sự phá sản chiến lược điều hành kinh tế. Làm sao lại có thể mê ngủ để cười đắc thắng hoài với con số hàng trăm tỷ đô la thâm thụt mậu dịch với Mỹ. Suốt nhiệm kỳ của chính phủ đảng Dân Chủ Tổng thống Biden họ mở kho báu thâm hụt mậu dịch để Việt Nam rớt vô bằng hàng hoá từ Việt Nam và cả từ cửa hậu Trung Quốc. Thiển nghĩ ông Tổng thống Biden giăng bẫy, tới lúc Tổng thống Trump bắt mồi chắc cũng không quá đáng.

Và giờ đây… bước tiếp ra sao để có “kỷ nguyên mới!”. Có người nói: Không lo, người cộng sản cầm quyền Việt Nam rất giỏi, Ừ thì mong họ không mê ngủ tự sướng nữa, nếu may mắn thoát được không sứt mẻ nhiều trong cái bẫy thuế đối ứng Mỹ lần này, thì sự thoát đó, chính quyền Mỹ của Trump đương nhiên là không cho không. Biết đâu tháng sau ông Trump nói đẩy đưa với Hà Nội. Hi, mấy ông nghĩ sao về hiệp định tay đôi khai thác khoáng sản đất hiếm giống như với Ukraine hi!

Trần Tiến Dũng 

Sài Gòn 

4-4-2025

***

Lê Công Định: Thuế quan, chủ nghĩa biệt lập và vẻ đẹp “Mỹ”

Ngày 2/4/2025 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập vào thị trường Mỹ từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Riêng Việt Nam mức thuế suất đối ứng (thực chất là trả đũa) là 46%.

Điều này gây ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, nghiêm trọng hơn cả khi họ phải đối diện các vụ điều tra chống bán phá giá (anti-dumping investigations) do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện theo yêu cầu của các nhà sản xuất nội địa Mỹ từ 22 năm qua.

Như vậy, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chính thức đoạn tuyệt chính sách cổ suý thương mại tự do (free trade) và toàn cầu hóa (globalization) từ sau Đệ nhị Thế chiến, để quay về với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (trade protectionism) bằng biện pháp thuế quan.

Trong cuộc phỏng vấn trước khi nhậm chức vào tháng 1/2025, ông Trump đã tuyên bố chính sách “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) có thể tóm gọn trong ba chữ là “Tariff, tariff and tariff” (!).

Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi trải qua hai cuộc thế chiến, nhiều nhà lãnh đạo quốc gia của gần 80 năm về trước đã dần tin rằng chỉ có thương mại tự do mới giúp duy trì phần nào hòa bình thế giới và phát triển kinh tế quốc gia.

Thương mại tự do là chính sách không phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu hoặc can thiệp vào xuất khẩu bằng cách áp dụng thuế quan (tariffs) (đối với hàng nhập khẩu) hoặc trợ cấp (subsidies) (đối với xuất khẩu). Tuy nhiên, thương mại tự do không nhất thiết ngụ ý rằng một quốc gia phải từ bỏ mọi quyền kiểm soát và đánh thuế hàng xuất nhập khẩu.

Đối lập với thương mại tự do là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trong khi thương mại tự do thúc đẩy dòng hàng hóa và dịch vụ không bị hạn chế xuyên biên giới, thì chủ nghĩa bảo hộ tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài bằng cách áp đặt các rào cản thương mại (trade barriers), dưới hình thức thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu hoặc các biện pháp phi thuế quan như hạn ngạch, trợ cấp, hàm lượng nội địa và điều tra chống bán phá giá và chống trợ giá.

Các cuộc điều tra chống bán phá giá (anti-dumping) và chống trợ giá (countervailing) dần trở thành những biện pháp pháp lý phổ biến thay thế các rào cản thương mại truyền thống, chủ yếu là thuế quan, vốn bị lên án trong tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những người ủng hộ thương mại tự do lập luận rằng việc loại bỏ các rào cản thương mại sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế và đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng. Còn bên chủ trương bảo hộ mậu dịch tin rằng chính sách bảo hộ sẽ giúp bảo vệ nhân công và các ngành công nghiệp trong nước, cùng lợi ích an ninh quốc gia. Việc vận dụng hai khuynh hướng đối lập nhau như vậy tất nhiên mang đầy màu sắc chính trị, chứ không đơn thuần thương mại.

Nhìn con số 90% mà chính quyền Trump cho rằng đó là thuế suất mà Việt Nam đã áp dụng để đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa mà doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam, tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi lẽ con số 90% đó ở đâu ra khi mọi biểu thuế nhập khẩu theo luật pháp Việt Nam hiện hành đều không quy định như vậy?

Hóa ra con số 90% ấy là kết quả của một phép tính riêng dựa trên một công thức do chính quyền Trump tự ấn định, chứ không phải là mức thuế suất do chính phủ Việt Nam quy định trong luật hoặc áp dụng trên thực tế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. 

Có thể tóm tắt công thức ấy như sau: các quan chức thông thái Mỹ lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia nhất định chia cho giá trị hàng xuất khẩu của quốc gia đó sang thị trường Mỹ. Thương số của phép chia này chính là “thuế suất” mà ông Trump tin rằng quốc gia đó đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ (?). Rồi ông chia đôi thương số của phép chia đó, cộng trừ thêm bớt một chút để thành mức thuế trả đũa lại hàng hóa của nước đó xuất khẩu vào Mỹ (!). Đó là lý do vì sao Việt Nam bị áp thuế suất 46%, thay vì 45%.

Cách tính toán ra con số 90% gọi là “thuế suất” đó tuy được thực hiện theo một công thức trông có vẻ phức tạp và mầu nhiệm, pha chút thông thái huyền bí, có thể nói là nguỵ tạo không hơn không kém. Sự nguỵ tạo đó khiến người ta nhớ lại cách tính biên độ phá giá (dumping margins) trong các vụ điều tra chống phá giá của Mỹ, vì xét về bản chất chúng cũng là những con số nguỵ tạo, theo cách thức cũng mầu nhiệm và huyền bí như vậy! 

Nhân đây xin tường thuật lại cách tính biên độ phá giá đối với những quốc gia có “nền kinh tế phi thị trường” như Việt Nam dựa trên logic [phi lý] như sau: 

Giá cả hàng hóa xuất khẩu từ một nền kinh tế phi thị trường được mặc định là không phản ánh đúng thực tế, nên Bộ Thương mại Mỹ phải lấy các số liệu về mặt hàng tương tự từ một nước thứ ba có nền kinh tế thị trường, nhưng có chỉ số phát triển kinh tế tương đương với nước xuất khẩu, để làm căn cứ tính giá thị trường [giả định] của mặt hàng ấy, rồi từ đó xác định biên độ phá giá, cũng chính là mức thuế chống bán phá giá áp đặt lên mặt hàng nhập khẩu có liên quan.

Chẳng hạn, trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng Cá Da Trơn phi lê đông lạnh từ Việt Nam (thường được biết đến với tên gọi “vụ kiện cá Ba Sa”) 22 năm trước, Bangladesh đã được Bộ Thương mại Mỹ chọn làm nước thay thế (surrogate country) theo logic nêu trên, và họ đã sử dụng các số liệu về sản xuất sản phẩm cá phi lê đông lạnh tương tự ở Bangladesh để tính giá thành sản xuất [giả định] của mặt hàng Cá Da Trơn phi lê đông lạnh tại Việt Nam (?). Kết quả hiển nhiên là hoàn toàn bất lợi cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam lúc bấy giờ.

Nếu như các cuộc điều tra chống bán phá giá ít ra còn được chấp nhận như một phương tiện pháp lý, mà WTO và các nước thành viên công nhận để duy trì biện pháp bảo hộ mậu dịch phi thuế quan, thì chính sách áp đặt thuế quan không che đậy rõ ràng đi ngược lại sứ mệnh ban đầu của WTO mà Mỹ khởi xướng là thúc đẩy thương mại tự do, giảm dần sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động thương mại quốc tế, thông qua việc bãi bỏ hoặc cắt giảm hàng rào thuế quan và tiến tới xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử.

Tóm lại, thuế quan là một quan niệm lạc hậu và méo mó về thương mại quốc tế, vốn chỉ được đánh giá cao và sử dụng rộng rãi hơn 80 năm trước. Vai trò của thuế quan đã giảm thiểu dần cùng với chiều hướng văn minh hóa ngày càng tăng của loài người trong tiến trình phát triển lịch sử của mình. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, vì vậy, đã bị nhân loại từ bỏ và bị thay thế bằng chính sách tự do thương mại theo xu thế toàn cầu hóa.

Do đó, từ sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cả thế giới đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và rơi vào tình trạng chao đảo khi chính quyền Trump tuyên bố quay về với những quan niệm lỗi thời của quá khứ và sử dụng thuế quan như một công cụ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (?).

Tách khỏi toàn cầu hoá và rời bỏ các giá trị từng làm nên danh giá của nước Mỹ trong hơn 80 năm qua để theo đuổi chủ nghĩa biệt lập (isolationism) về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự chỉ có thể biến Mỹ, lẽ ra mang ý nghĩa là “đẹp”, trở thành xấu, thậm chí xấu xa mà thôi.

Lê Công Định 

***

Ngô Mạnh Hùng: Thuế quan dưới thời Trump và vai trò của Stephen Miran

Các chính sách kinh tế của chính quyền Trump, đặc biệt là chế độ thuế quan, đã trở thành chủ đề gây tranh cãi và được theo dõi kỹ lưỡng. Một trong những nhân vật trung tâm của các chính sách này là Stephen Miran, người được Trump bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Ảnh hưởng của Miran thể hiện rõ trong những nỗ lực đầy tham vọng và gây tranh cãi nhằm tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu. 

Bối Cảnh Lịch Sử và Hiệp Định Bretton Woods

Để hiểu được các đề xuất của Miran, cần nhìn lại Hiệp định Bretton Woods năm 1944, vốn thiết lập đồng đô la Mỹ làm đồng tiền dự trữ toàn cầu. Hệ thống này, sau đó được điều chỉnh bởi cú sốc Nixon năm 1971, đã mang lại cho Hoa Kỳ những lợi thế tài chính đáng kể, như chi phí vay mượn thấp và khả năng chi phối tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến cái gọi là “nghịch lý Triffin” – mâu thuẫn giữa chính sách tiền tệ trong nước và sự ổn định của đồng tiền toàn cầu.

Khi GDP toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn GDP của Mỹ, gánh nặng cung cấp tài sản dự trữ thông qua thâm hụt thương mại kéo dài ngày càng gây hại cho các ngành xuất khẩu của Mỹ. Nghịch lý này chính là nền tảng cho các đề xuất của Miran, với mục tiêu giải quyết những mất cân đối mang tính cấu trúc thông qua một cuộc cải tổ toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu.

Các Đề Xuất của Miran và “Hiệp Ước Mar-a-Lago”

Tài liệu “Hướng Dẫn Cải Tổ Hệ Thống Thương Mại Toàn Cầu” của Miran đề ra một chiến lược toàn diện nhằm thay đổi chế độ tiền tệ hiện tại. “Hiệp ước Mar-a-Lago” được đề xuất hình dung một hệ thống thương mại hai tầng, trong đó các quốc gia sẽ buộc phải chia sẻ chi phí vận hành hệ thống thương mại toàn cầu, nếu không sẽ bị loại khỏi những lợi ích của nó. Các đồng minh sẽ phải chấp nhận điều chỉnh tỷ giá có lợi cho sản xuất của Mỹ, tự chi trả chi phí quốc phòng, đầu tư vào sản xuất tại Mỹ, và chuyển đổi trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn sang trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp. Những quốc gia ngoài hệ thống này sẽ đối mặt với thuế quan cao, không có bảo đảm an ninh và tiếp cận hạn chế tới thị trường Mỹ.

Tuyên bố của chính quyền về chi tiêu quốc phòng, chính sách đồng đô la, việc xóa bỏ thâm hụt và thương mại đều hướng đến chiến lược thống nhất nội tại này. Kế hoạch nhằm giảm thâm hụt thông qua nguồn thu trực tiếp từ thuế quan, một quỹ tài sản quốc gia, chia sẻ gánh nặng tài chính và tái nội địa hóa sản xuất. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ trả đũa từ Trung Quốc, lạm phát cao, và chuỗi phản ứng hoảng loạn thị trường – khủng hoảng an ninh toàn cầu.

Tác Động Đối Với Nền Kinh Tế Toàn Cầu

Việc thực hiện các đề xuất của Miran sẽ có những hệ lụy sâu rộng. Vai trò của đồng đô la Mỹ như đồng tiền dự trữ toàn cầu đã cho phép Mỹ thể hiện sức mạnh thông qua các căn cứ quân sự và trừng phạt tài chính. Tuy nhiên, các chính sách của Trump đang có nguy cơ làm đảo lộn sự ổn định này khi đồng thời nhắm đến thương mại toàn cầu, đầu tư, đồng đô la Mỹ và hệ thống an ninh.

Đối với những quốc gia nhỏ và yếu hơn như Ấn Độ, tác động có thể mang tính thảm họa. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm và dịch vụ phần mềm, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ, có thể trầm trọng hơn bởi các đề xuất cắt giảm chi tiêu chính phủ của Elon Musk, có thể làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.

Phân Tích Phê Bình và Kịch Bản Giả Tưởng

Các đề xuất của Miran, dù về mặt kỹ thuật là hợp lý, nhưng không phải không có khiếm khuyết. Sự thành công của kế hoạch phụ thuộc vào việc các quốc gia khác có sẵn lòng chấp nhận các điều khoản bất lợi hay không – điều này rất khó xảy ra. Khả năng xảy ra một đợt bán tháo trái phiếu kho bạc và một cuộc khủng hoảng tài chính lớn là điều không thể bỏ qua. Thêm vào đó, cách tiếp cận chính sách đầy đối đầu và thiếu ổn định của chính quyền có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn, chẳng hạn như khủng hoảng lạm phát đình trệ (stagflation) giống như trong các thập niên 1970 và 1980.

Trong một kịch bản giả tưởng, Trung Quốc có thể trả đũa “Hiệp ước Mar-a-Lago” một cách nhanh chóng và dữ dội, đặc biệt khi nước này đang nắm giữ hàng nghìn tỷ đô la trái phiếu Mỹ. Khủng hoảng an ninh toàn cầu tiếp theo đó có thể dẫn đến sự hoảng loạn trên thị trường, làm trầm trọng thêm hỗn loạn kinh tế. Cách tiếp cận chính sách mang tính dân tộc chủ nghĩa và ứng biến của chính quyền càng khiến tương lai trở nên bất định.

Vai trò của Stephen Miran trong việc định hình chính sách kinh tế của chính quyền Trump là then chốt. Các đề xuất của ông nhằm giải quyết những mất cân đối mang tính cấu trúc trong hệ thống thương mại toàn cầu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Hiệp ước Mar-a-Lago”, nếu được triển khai, sẽ là cú sốc lớn nhất đối với thương mại toàn cầu kể từ sau cú sốc Nixon. Khi chính quyền tiến hành kế hoạch của mình, cả thế giới đang nín thở theo dõi những hệ quả tiềm tàng và tương lai của sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Tóm lại, mặc dù các đề xuất của Miran đưa ra một chiến lược kỹ thuật hợp lý nhằm giải quyết nghịch lý Triffin, việc thực hiện chúng đi kèm với những rủi ro lớn có thể làm rối loạn kinh tế toàn cầu. Thành công của các chính sách này sẽ phụ thuộc vào khả năng điều hướng bối cảnh địa chính trị phức tạp của chính quyền, cũng như mức độ sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của các quốc gia khác. Tương lai của thương mại toàn cầu đang bị treo lơ lửng, và kết quả của các chính sách này sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài lên trật tự kinh tế quốc tế.

Và kịch bản giả tưởng đã thành sự thật. Hôm nay Trung quốc đã công bố thuế suất mới để đáp trả mức thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ từ ngày 10.4. 

Đồng thời Trung quốc cũng công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các loại đất hiếm gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium sang Mỹ, có hiệu lực ngay trong ngày 4.4.

Bây giờ quả bóng lại nằm trong chân của Trump. Chấp nhận chiến tranh thương mại toàn diện hay là lùi lại đàm phán để hạ nhiệt?. Chúng ta sẽ biết điều này trong tuần sau.

Ngô Mạnh Hùng