Nguyễn Công Khanh: Một lần trở lại đảo xưa
Mãi tới năm 2010, gần 40 năm sau, kể từ ngày rời đảo tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. Nơi tôi đã nhận nhiệm vụ và ở đó 3 năm, từ năm 1962 tới 1965.
Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang và ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa.
Phi cơ bay thẳng từ Saigon ra Phú Quốc, không ghé phi trường Rạch Sỏi để đón thêm khách như ngày trước. Nhìn xuống, biển vẫn xanh, sóng bạc đầu vẫn vỗ trắng vào ven đảo. Phi trường nay là một tòa nhà hai tầng, có đường chuyển hành lý tự động ngắn. Phòng đợi trên lầu có máy lạnh và tấng dưới là những quầy hàng, bán những đặc sản địa phương.
Xe chở đoàn du lịch vào thị trấn Dương Đông và ra thẳng ngôi đền thờ Dinh Cậu, nơi mà ngày trước, khi mới đến đảo nhận việc tôi được nhân viên đưa đến trình diện Cậu để được ban phước lành. Khi ra ngoài đứng trên bao lan nhìn quanh, biển vẫn rộng, xanh mát như ngày xưa, chỗ cửa sông có lần tôi đã bơi ra xa đến chỗ cọc mốc mà một ông lão đã bảo cho tôi phải coi chừng cá mập. Mỏm đá hình cá sấu vẫn nguyên vẹn hướng về cuối đảo. Nhìn sang phía xóm Cồn mà tôi đã để cho ngư dân Bình Định tránh chiến tranh di cư vào tạm trú ở cuối cồn, nay nhà cửa chen lấn ngổn ngang. Cái tên Bình Định mà tôi đặt tên cho cái xóm đó, đến nay họ vẫn giữ. Chỉ tiếc cái cồn cát dài trắng xóa nguyên thủy nên thơ đó không còn nữa.
Tôi bước xuống khỏi Dinh Cậu, nhìn quanh tìm căn của nhà sàn cửa biển của cô Mười ở đầu cửa sông chẳng thấy đâu, thay vào đó là một trạm hải quan. Tượng Đức Mẹ mà quận trưởng Thanh cho người dựng gần Dinh Cậu đầu cửa biển, đã làm mất lòng dân địa phương, nay đã bị dời đi đâu chỉ còn trơ lại bệ xi măng. Tôi đi dọc biển, bãi cát không còn mịn như xưa, đá sạn, vỏ chai ốc và rác không còn là bãi tắm. Tôi hướng về phía phía quận cũ, khu nhà nhân viên không còn nữa, cả đến những ngôi mộ cũ mấy trăm năm của các nhà truyền giáo cũng không còn dấu tích để các khách du lịch ngoại quốc sau này có cơ hội đến xem.
Tôi nghĩ đến ngôi giáo đường cổ nhỏ mất mái, chỉ còn trơ bốn bức tường rêu phong mà có những lần tôi cùng một nhóm giáo dân ngồi nghe tiếng giảng lẫn trong gió của một vị linh mục từ một làng đạo di cư Ba Làng phía nam đảo An Thới, dù tôi không theo đạo Thiên Chúa. Tôi chắc ngôi giáo đường cũng bị san bằng. Ngay cả khu tôi đang đứng chỉ thấy cỏ hoang và rác rưởi. Sở Khí Tượng cũ đã bị phá bỏ, thay vào một cơ sở mới được xây cạnh đó. Không hiểu hai vợ chồng Trưởng Ty Khí tượng một thời họ ở mãi tận Hoàng Sa đổi về đây nay đã trôi dạt về đâu. Hàng dừa mà vợ chồng tôi đứng chụp năm 1965 vẫn còn, nhưng nay thân cao gầy còm cong lại, vì đã phải chống trả và chịu đựng với những cơn gió biển trong bao năm qua.
Sau đó, họ đưa về một resort sát biển gần đó để nghỉ. Phòng ốc khá khang trang, các bữa ăn hải sản thịnh soạn và tiêu chuẩn. Tối hôm đó không có mục gì, trong đoàn du lịch có một đôi vợ chồng trẻ ở Cali rủ chúng tôi xuống nghe hát karaoke. Cùng đến đó có một số thanh niên nam nữ, họ lần lượt chia nhau hát. Hai vợ chồng này toàn chọn nhạc vàng lãng mạn trước 75, còn nhóm trẻ thì hát các bài ca cách mạng đặc mùi Mác Xít. Tôi cười thầm trong bụng, nghe thấy trớ trêu. Một lúc sau thấy họ rời phòng, chắc nghĩ mình không giống ai, đi du lịch mà vẫn mang theo những bài đó, chắc là phải theo ý trưởng đoàn.
*
Sáng sau chúng tôi ra khỏi phòng đến nơi ăn điểm tâm, trên đường gặp hầu hết là người ngoại quốc. Theo thói quen ở Mỹ, tôi chào “Hi”, họ không trả lời và thản nhiên bước đi. Chắc hẳn họ là người Nga hay Đông Âu gì đó. Bữa ăn sáng theo cách continental, nhiều món khá ngon hơn ở khách sạn các nơi. Tôi thấy có một quầy phở, đến gọi ăn thêm. Cô gái mặc áo lụa giọng Bắc Kỳ tiếp tôi, chúng tôi trao đổi một vài câu. Tôi có nói hơn bốn mươi năm tôi mới trở lại đây, cô hỏi lại:” Hồi đó chắc chú là cán bộ đi công tác?”. Tôi lắc đầu, cô chợt nhận ra điều gì và không nói nữa…
Sau đó, họ đưa đoàn du lịch của chúng tôi đi thăm An Thới, phía Nam đảo. Dọc đường, xe dừng lại một tiệm bán ngọc trai, họ nói nay Phú Quốc cũng đang nuôi hạt trai. Tôi đã đến Nhật và vịnh Hạ Long, được xem tại chỗ họ nuôi trai, ở đó họ lặn xuống mò trai và biểu diễn mở trai lấy ngọc. Tôi nghĩ ở đây, chắc họ đem ngọc trai ở đâu đem đến bầy bán, nên ra ngoài đi xung quanh và ra phía biển sát cạnh đó. Tôi nhớ đây là bãi Trường, bãi dài đến hai mươi cây số, vẫn còn hoang vu chưa khai thác. Tôi đứng đó, nhìn theo chiều dài của bãi và nhìn ra biển rộng, nhớ lại đã nhiều lần lênh đênh vượt sóng ngoài xa. Tôi băn khoăn không hiểu sau này họ sẽ thiết kế cái bãi Trường này ra sao…
Tôi quay lại vào một cửa tiệm bên cạnh, nhìn thấy một đàn chó nhỏ, đàn chó Phú Quốc. Chúng đến quấn bên chân, tôi xoa đầu chúng và chạnh nhớ đến con chó Tino của tôi hồi đó. Con chó Tino là giống chó Phú Quốc, lông đen sát mình, có một đường xoáy chạy dài dọc sống lưng, rất khôn và săn rất giỏi, đã được ghi trong một cuốn tự điển quốc tế. Khi tôi chuyển về Rạch Giá, bị một trận sốt rét dai dẳng, phải về Saigon chữa, gửi con Tino cho một thiếu úy trông, anh ta mang nó đi hành quân và để lạc mất. Tôi trở về tỉnh được tin, nhớ nó buồn mất bao nhiêu tháng trời.
Trước khi vào thị trấn nhỏ An Thới, xe dừng lại trước phòng triển lãm tù binh Bắc Việt. Tuy biết là những hình ảnh và mô hình đều ngụy tạo, tôi cũng bước vào xem họ xuyên tạc đến mức nào. Cộng Sản có nghề lừa mọi người. Tôi đã có dịp đến thăm trại tù binh này khoảng năm 1970 trong một dịp du hành quan sát khi tôi theo học trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trước một hai năm có cuộc trao đổi tù binh giữa Mỹ và miền Bắc. Trại lúc đó có khoảng 30,000 tù binh và cần đến 5 tiểu đoàn quân cảnh giữ trật tự. Có bác sĩ và một bệnh xá khá khang trang. Tiền của Mỹ nuôi ăn, tù binh biết chắc ngày về, không phải lao động, nên yên trí hưởng gió biển, không thấy cảnh trốn trại hay làm loạn, yên ổn chờ ngày trao đổi tù binh. Tôi đã được đọc đến hàng trăm chưa nói đến ngàn câu truyện liên hệ đến những năm tháng của các sĩ quan miền Nam trong các trại tù cải tạo miền Bắc, cưỡng bức lao động, cực hình dã man, không biết được ngày về, và những chuyện của những người vợ sĩ quan lặn lội từ Nam ra Bắc vào tận rừng sâu thăm và tiêp tế cho chồng. Nhưng chưa bao giờ đọc được một truyện, một hồi ký nào của các cựu tù binh miền Bắc trong các trại giam miền Nam, chắc họ cũng đã bị bắt đưa đi cải tạo, gột rửa, đe dọa, nên không ai dám viết lại sự đối đãi của miền Nam với tù binh miền Bắc ra sao…
Một Tổng Thống Hoa Kỳ đã nói, tất cà Cộng sản đều tồi tệ, Cộng Sản Việt Nam đi hai hàng lại phải dối trá gian manh hơn cà hai quan thầy. Nhìn lại lịch sử, họ giết người không nương tay: Diệt hết đảng đối lập yêu nước những năm 45. Vụ Cải cách điền địa khoảng gần 200,000 nông dân bị gán là địa chủ, những người hầu hết đã giúp họ trong cuộc Kháng chiến đã bị đấu tố một cách mọi rợ. Vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế 2,000 thường dân vô tội bị bắt đem theo đã bị lính Bắc Việt giết chôn trong các mộ tập thể… Đó là chưa kể đến vụ họ lừa được gần triệu thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam để chiếm miền Nam. Trong chiến tranh, hầu như ít thấy thương phế binh hay người sống trở về gây phản tuyên truyền. Họ ngang nhiên cướp nhà cướp của và thu bao nhiêu là vàng của những người vượt biên cố thoát khỏi Cộng Sản…Tôi đã chứng kiến cảnh mà họ gọi là “Cướp chính quyền’ tại Hà nội năm 45. Bản chất “Ăn cướp” đó đã ăn sâu, không bớt mà càng ngày càng lộ liễu, có tổ chức từ trên xuống dưới. Chính quyền toa rập với doanh nhân cướp đất của nông dân. Công nhân bị bóc lột với giá lương rẻ mạt. Các công trình đều bị rút ruột, nâng giá vô tội vạ. Chưa bao giờ thấy sự tán tận lương tâm của chính quyền bằng cách lợi dụng dịch bệnh ép buộc dân trong vụ Việt Á và các chuyến bay giải cứu. Đất nước đã được rêu rao giải phóng gần nửa thế kỷ, mà người bệnh vẫn phải đưa bao thư khi vào bệnh viện và bệnh nhân thì nằm la liệt trong ngoài bệnh viện. Chưa bao giờ thấy một nền giáo dục tồi tệ như hiện nay, học trò trung tiểu học phải đóng tiền và bị thu các lệ phí khác vô tội vạ, sách giáo khoa thì thay đổi hàng năm, không khác gì một chỗ nơi để khai thác thương mại. Rêu rao diệt tham nhũng bao nhiêu năm không giảm. Cộng Sản nuôi những tham nhũng gộc cho đến khi mập thì làm thịt được tiếng mà lại thu tiền lại một cách dễ dàng, không cần cho biết những số tiền khổng lồ đó đi về đâu. Đảng viên tham nhũng nhưng hầu hết chỉ bị khiển trách hay rút kinh nghiệm…Hết nói, cho một chế độ vẫn còn đem lên bàn thờ bắt dân chúng lạy lục một chủ nghĩa mà thế giới từ lâu đã vứt vào sọt rác và các tượng đài bị đập xuống làm đồng nát. Huênh hoang và vẫn tiếp tục ngửa tay đi xin tiền mà vẫn nói xấu họ.
Xe tiếp tục đưa chúng tôi vào An Thới, ngày trước đứng ở đâu tôi cũng nhìn thấy biển, nay chỉ thấy nhà cửa ngổn ngang. Chỗ tôi đang đứng có lẽ là Bộ chỉ huy Duyên Khu vùng 4 hay trên một sân bay dã chiến bằng các vỉ sắt. Tự nhiên tôi nhớ đến các sĩ quan Hải quân cùng thời ở đó, họ lớn tuổi hơn tôi, tư cách, được huấn luyện từ thời Pháp, lại được tu nghiệp tại Mỹ. Đại Úy Nguyễn Quốc Thanh, Thiếu Tá Trần Thanh Châu họ là quận trưởng. Đại Úy Hoàng Cơ Minh, hạm trưởng. Sau này cả ba người trên đều thành Đề Đốc giữ những chức vụ quan trọng trong Hải Quân. Nhớ đến Đại úy Ái, TQLC, quận trưởng cuối cùng mà tôi làm việc. Nhớ đến cả Đại úy Trần Như Hùng, chỉ huy lực lượng Địa Phương Quân trên đảo, và là anh một người bạn thân của tôi là Trần Như Tráng, giáo sư tại Đại Học Vạn Hạnh. Trong mấy năm ở đó, tôi thường theo sát Đại Úy Hùng đi lập các ấp chiến lược cũng như đến các ấp xa thị sát. Đại uý Hùng có nhiều kinh nghiệm về du kích chiến, vì có những năm trấn đóng các đồn tại vùng châu thổ sông Hồng. Có lần cùng toán thám báo đã bắt được tên Huyện Ủy tại căn nhà vợ bé của hắn, trong lúc tạm giam để chuyển lên tỉnh, thì đêm đó hắn đã tự sát.
Nhớ đến Trung úy Dương Hồng Võ, cũng xuất thân trường Chu văn An. Hôm Tổng Thống Diệm bị thảm sát, cả trung đội Dân Vệ tại An Thới, bảo vệ ấp và luôn cả Duyên Khu Vùng 4, họ bỏ súng vì quân đội đã giết vị lãnh đạo của họ. Quận Trưởng Thanh vì có liên hệ họ hàng với Tổng Thống nên bị triệu hồi về Saigon, Duyên Khu Trưởng cũng rời nhiệm sở về nhận một chức vụ quan trọng hơn. Trên đảo không có ai là Trưởng, chỉ còn tôi với Võ là Phó. Cái lo của Võ là không có một lực lượng nào bảo vệ, nếu Việt cộng tấn công, thì ấp vỡ mà bộ chỉ huy duyên khu cũng nát. Võ đã vội vàng dùng ghe chủ lực lên quận yêu cầu tôi cùng xuống An Thới nói với cha xứ Cung để Dân vệ cầm súng lại. Cha Cung với tôi cũng thân nhau, và cũng dễ hiểu trong một lúc phẫn nộ, mất niềm tin họ hành động như thế, chỉ cần có cha nói mấy câu phủ dụ để họ cầm súng lại. Dân Ba Làng tại đây, vượt biển sau năm 54 là những thành phần chống Cộng có hạng, du kích địa phương chưa bao giờ dám đến trêu chọc…
Một lần nữa, khoảng đầu năm 1975, tôi lại ở trong đoàn của Bác sĩ Văn Văn Của bay ra An Thới để tổ chức trại tiếp nhận những đồng bào tị nạn trên các xà lan từ miền Trung không được phép vào bến Saigon.
Điểm đăc biệt trong chuyến viếng thăm, trên đường trở về Dương Đông, họ dừng xe để vào thăm một viện Bảo Tàng về Phú Quốc. Đây là một viện bảo tàng tư nhân, nhưng có cỡ lớn quy mô trong một tòa nhà ba tầng lớn và tôi cho là có những tiêu chuẩn không kém như các bảo tàng các nước mà tôi có dịp thăm. Chủ nhân không những đã bỏ ra một ngân khoản lớn, mà còn mất công sưu tầm những cổ vật, tạo những hình tượng như chiếc thuyền cổ xưa, tượng bà Kim Giao với đàn trâu, Nguyễn Trung Trực…, nhất là có những lời biên soạn giải thích rất trung thực liên quan đến hòn đảo. Nhưng không hiểu sao, khi tôi theo dõi thường xuyên các tin tức về hòn đảo và ngay cả quảng cáo du lịch, hầu như không được nhắc đến viện bảo tàng này mà chỉ thấy quảng cáo cho các resorts, giải trí và ẩm thưc.
*
Hôm sau nữa họ đưa thăm phía Đông của đảo, xe chạy trên một con đường cắt ngang đảo từ Dương Đông sang Hàm Ninh. Dọc đường họ dừng lại cho xem một vườn tiêu. Trong thời gian tôi còn ở đảo tôi đã làm một thống kê, mỗi năm Phú quốc sản xuất hơn 300 tấn, đứng đầu cả nước, theo sau là Bà Rịa. Trong lúc đứng nói chuyện với chủ vườn tiêu, anh ta biết tôi đã ở đảo và cho biết có người anh là lính thám báo đã bị chết trên đồi phía bên kia…
Sau đó, xe dừng để thăm chùa Sư Muôn, tôi nhớ là chùa này là một ổ Việt Cộng trong vùng bất an, quận vẫn để yên không muốn khuấy động vì tình hình tôn giáo thời đó, nhưng thỉnh thoảng vẫn mời sư trụ trì lên hỏi thăm. Đặc biệt sư trụ trì là nam giới, mà đệ tử thì toàn là ni cô. Ni cô thì được gửi từ một chùa sư nữ ở Gia Định; chùa này cũng bị đặt trong tình trạng nghi ngờ. Một hôm tình cờ tôi sang thăm trạm Viễn Thông của đảo, tôi nhìn thấy một bức điện tín, nội dung báo tin một ni cô tại chùa này tự tử. Tôi báo về tỉnh để điều tra, nhưng không hề nhận được trả lời.
Hàm Ninh vẫn còn là một bến vắng tuy rằng đã có một dẫy hàng bán hải sản khô và một vài căn nhà gạch, nhưng không được như các nơi khác. Họ xây một cái cầu xi măng dài chạy ra biển, vì biển phía Đông của đảo rất nông, thuyền nhỏ cũng khó vào. Tôi đứng ở đầu cầu nhìn ra biển rộng, bao nhiêu nỗi nhớ tràn đến. Tôi đã đến đây vài lần, có lần phải ở lại hơn một tuần vì bão biển, ăn toàn ghẹ đỏ, như ở một chốn tận cùng trái đất. Nhớ nhất là hình ảnh tôi ôm cái sọ trắng của con trâu rừng cuối trên đảo đã bị bắn chết, tưởng như cái thiên đường lỡ dở mà mình đang đi tìm nay đã mất hẳn rồi …
Tôi có hỏi người hướng dẫn về ấp Bãi Bổn, thì người này cho biết không được nghe đến.
Trên đường về, họ dừng xe ghé thăm một tiệm bán rượu Sim đặc sản và một nhà thùng nước mắm, sản xuất theo lối cổ truyền, đóng chai thủ công. Cuối ngày họ để chúng tôi đi thăm khu chợ bên bờ sông Dương Đông, thuyền đánh cá đậu đầy, nước sông đổi mầu, bùn hai bên bờ lóng lánh ánh dầu và rác rưởi. Cũng không thể tránh được vì bao nhiêu thuyền đều đậu trong sông, xả dầu nhớt và rác vô tội vạ.
Mới đây, tôi có được xem một tấm hình chụp một dòng nước đen chảy thẳng ra biển dài trên một cây số từ cửa sông này, và nhớ lại có một họa đồ của người Pháp để lại dự định làm một kè đá dài ngoài biển để chặn sóng xô cát vào cửa sông, đồng thời làm nơi cho thuyền bè đậu tránh sóng…
*
Ngày thứ ba có thời giờ tự do, tôi muốn đi tìm thăm một số người quen cũ. Hơn 40 năm rồi chắc cũng chẳng còn ai. Người đầu tiên tôi định thăm là ông Hồng Đại, chủ một nhà thùng nước mắm lớn, hồi xưa thân với tôi vì hay đi ăn nhậu với nhau. Nhưng ông Hồng Đại không còn ở đó, và họ chỉ đến cửa hàng thời trang của con gái ông. Cô này cho biết cha cô về Saigon dưỡng bệnh đã lâu. Nói lại chuyện xưa, thì mới biết là khi tôi rời đảo thì cô chưa sinh ra, nhưng nay thì cô đã có gia đình và con gái đầu lòng đã lên Saigon học đại học.
Buổi chiều hôm cuối cùng, lúc đợi máy bay về Saigon trong phòng đợi vắng người, nhìn những dự án tương lai của hòn đảo Phú Quốc vẽ lớn trên tường, hình ảnh những cao ốc hoành tráng ven biển, và một khu kỹ nghệ ở Bắc đảo với những cột khóí cao. Tôi nghĩ đó là khát vọng tự nhiên của một dân tộc vừa thoát khỏi cảnh nghèo đói cấm vận lầm than, bất chấp các hậu quả về môi trường thiên nhiên cũng như môi trường sống sẽ đến như thế nào.
*
Từ khi rời hòn đảo năm 1965, cho tới nay đã ở hải ngoại bao nhiêu năm, tôi thường đọc tin khắp nơi, nhất là từ các báo trong nước, nếu có bài nào về hòn đảo tôi không thể bỏ qua. Bạn bè ở nơi xa có bài nào đặc biệt liên hệ đều gửi cho tôi, có người vẫn quen gọi đùa tôi là “Chúa đảo”, tuy tôi không phải “Xếp” của hòn đảo. Phú Quốc thì lúc nào cũng thấy băn khoăn, không hiểu với những con người như thế họ sẽ biến dạng thiên nhiên và huyền thoại của hòn đảo như thế nào.
Tôi đọc những bài viết và những hình ảnh quảng cáo cho hòn đảo, thì đó là một nơi du lịch lý tưởng. Bên cạnh đó lại có những bài báo nêu ra nhiều tệ trạng phát triển của Phú Quốc. Chính quyền và doanh nhân toa rập với nhau phá nát hòn đảo để thu lợi nhuận cấp thời. Họ dùng các chữ như: Băm nát hòn đảo, chia nát rừng chia lô bán, bê tông hóa hòn đảo, xây dựng lấn biển, tàn hại môi trường cũng như bao nhiêu tệ trạng xã hội đã xẩy ra. Xem phía dưới các bài viết thì nhiều lời bình luận nặng nề như: Nào là nhếch nhác, nhem nhuốc, rác rưởi, sẽ không trở lại…
Cũng không ngạc nhiên lắm. Khi tôi ở đó năm 1965, dân số chỉ khoảng 8,000 người, sống trong điều kiện của thiên nhiên cung cấp. Nay dân số lên đến gần 190,000 người, cộng với 4 triệu du khách theo thống kê năm 2019. Họ dự kiến sẽ tăng số du khách lên 7 triệu, nghe mà tội nghiệp cho hòn đảo. Không hiểu họ sẽ dành ra bao nhiêu phần trăm lợi nhuận để đối phó với những vấn đề cấp bách về môi trường. Hòn đảo không những cần về hạ tầng cơ sở mà còn dựa vào kiến thức đạo đức của người cầm quyền và trình độ ý thức công dân của dân chúng… Và cũng không ngạc nhiên, khi có những hình ảnh ngập lụt ngang người trong các khu phố trên đảo năm vừa qua, vì các kênh rạch thiên nhiên đã bị lấp để dựng nhà và các con lộ chạy dọc biển đã chắn ngang nước lũ chảy ra biển…
Tôi đã có dịp đi thăm các hòn đảo trong vịnh Caribbean, Trung Mỹ cũng như dọc Thái Bình Dương của Mỹ, Canada…hay những thành phố du lịch biển của Mexico, của Âu châu dọc theo Địa Trung Hải như Saint Tropez, Cannes, Nice của Pháp. Hay Portofino, Cinque Terre, Sorrento của Ý … Và nhớ lại các bãi biển Vũng Tầu, Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn, Đồ Sơn tại miền Bắc do người Pháp để lại. Tất cả đều có đường vòng quanh biển. Tất cả họ đều tôn trọng biển và bãi biển. Biển là báu vật mà thiên nhiên tặng cho con người.
Tôi ngồi trầm ngâm, rồi tự nhiên viết thêm thành một bài thơ. Đọc lại thì nghe như một bài ca và tưởng như có tiếng đàn lục huyền cầm phụ theo. Lời ca như là những điệp khúc ballad, nhạc kể chuyện. Kể lại câu chuyện của một hòn đảo sáu mươi năm cũ…
Điệp Khúc Nhớ Đảo
Ngày mai trở lại đảo.
Biển có còn xanh.
Rừng có còn hoang.
Trời có còn nhiều mây trắng.
Ngày mai trở lại đảo.
Cỏ may có còn vờn nhau tới mãi cuối đồi.
Ngày mai trở lại đảo.
Con sấu già đêm có còn quẫy,
Trong lạch sâu Cửa Cạn.
Bãi Bổn, sao biển năm cánh có còn,
nằm soải dài dưới rặng dừa thưa.
Ngày mai trở lại đảo.
Có còn ghẹ xanh ghẹ đỏ,
Trên bến vắng Hàm Ninh
Ngày mai trở lại đảo.
Bầy cá voi có còn nằm phun nước,
Mỗi mùa ruốc đến rủ nhau về.
Lũ cá heo có còn chờ,
Rỡn cùng thuyền trên sóng.
Ngày mai trở lại đảo.
Có còn chim biển bay ngược gió,
Đưa ta về những đảo mờ xa.
Ngày mai trở lại đảo.
Có đêm nào còn trong,
Đèn lập lờ trên đỉnh Bokor,
Dẫn lối về tránh Vũng Trâu Nằm.
Ngày mai trở lại đảo.
Mưa lũ có còn đổ,
Sóng ngập tràn bờ nước Dương Đông.
Ngày mai trở lại đảo.
Xuôi thuyền về An Thới.
Thăm xóm đạo Ba Làng.
Đừng qua Mũi Ông Đội,
Đã sẵn mồi Biên Mai.
Ngày mai trở lại đảo.
Nhớ ghé qua Hòn Thơm,
Xem lại bầy cá nhỏ,
Có còn trong dãy san hô.
Ngày mai trở lại đảo.
Tiếng súng không còn nữa.
Anh dân vệ trong làng,
Chú du kích bên sông,
Bắn bâng quơ cho có lệ,
Sợ vỡ mất thiên đường.
Ngày mai trở lại đảo.
Nhớ con chó Phú Quốc quá.
Năm tháng bạn cùng ta,
Trong quận nhỏ đìu hiu,
Đi lạc đâu mất rồi,
Lòng buồn thương vô hạn.
Ngày mai trở lại đảo.
Con trâu rừng cuối cùng đã chết.
Con trâu rừng cuối cùng đã chết.
Huyền thoại ngày xưa đã vỡ rồi.
Huyền thoại ngày xưa đã vỡ rồi.
Vỡ thật rồi…
Ngày mai trở lại đảo.
Nhớ tìm về Dinh Cậu,
Cồn cát bên sông chắc có còn.
Những nấm mộ đạo trăm năm cổ,
Chúa có đến kịp mang về Thiên quốc không.
Ngày mai trở lại đảo.
Nghĩa trang Quốc quân tha hương ngoài phi đạo,
Có còn mỏi mắt vọng cố hương.
Ngày mai trở lại đảo.
Có còn căn nhà sàn cửa biển.
Có còn hàng dừa xanh rợp mát.
Cô gái năm xưa chắc chẳng chờ.
Ngày mai trở lại đảo.
Câu chuyện sáu mươi năm cũ,
Thôi đành để lại gửi thiên thu.
Thôi đành để lại gửi thiên thu…
Nguyễn Công Khanh