Nguyễn Đạt Ân: Rối loạn giới tính và những vấn đề xã hội*

Một nữ sinh trung học 19 tuổi ở Mỹ tên là Payton McNabb đã đứng lên phản đối việc Úy ban Olympic Paris 2024 cho phép “vận động viên mang đặc tính sinh học nam giới” (“biological men” – tôi tạm dịch như vậy theo cách dùng từ của giới truyền thông, ai có cách dùng từ tốt hơn thì xin gợi ý) tham gia thi đấu thể thao chung với vận động viên nữ.

Trong năm cuối cấp 2022, chính bản thân McNabb bị thương nặng trong một trận bóng chuyền của Trường trung học Hiwassee, nơi cô thi đấu với đội của Trường trung học Highlands. Một vận động viên chuyển giới (transgender) trong đội đối phương đã dùng hết sức đập bóng bay thẳng vào đầu cô bé, khiến nạn nhân ngã xuống bất tỉnh và kết thúc sự nghiệp thể thao, bao gồm không còn có thể thi đấu bóng chuyền, bóng rổ và bóng mềm. McNabb bị chấn động não, chấn thương cổ vĩnh viễn và chảy máu não. Hiện cô bé vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm thị lực, các vấn đề về nhận thức, liệt một phần bên phải và nhiều bệnh khác, khiến các bác sĩ phải đặt câu hỏi liệu cô có bao giờ trở lại bình thường được nữa hay không.

Mời các bạn đọc thông tin này trên báo chí nước ngoài:

https://www.carolinajournal.com/update–womens–boxing–controversy–in–paris–olympics

https://www.charlotteobserver.com/news/politics–government/article277288553.html

Trong bài viết phân tích trước đây của tôi, có thể tôi đã dùng từ khá nặng nề về Imane Khelif. Đó là vì tôi thấy rất nhiều người xem thường một vấn đề căn bản của sự sống, nguyên lý sinh học và nguyên tắc sinh tồn giống loài. Sự cào bằng giới tính – đặc biệt là về mặt sinh học – sẽ đưa đến những hệ lụy nghiêm trọng về ứng xử loài, suy thoái kết cấu xã hội, và phá hủy nền tảng giáo dục/nhận thức của con người. Các sinh vật lưỡng tính (hermaphrodite), dù có thể có hai loại giao tử ở cùng một thời điểm (simultaneous hermaphrodites) hoặc chuyển đổi loại giao tử ở từng giai đoạn thích hợp (sequential hermaphrodites), nhưng tất cả những đặc điểm giới tính sinh học ấy đều được định tính một cách riêng rẽ, không nhập nhằng, và đều có mục đích duy nhất là để truyền sinh và duy trì trật tự quần thể. 

Ví dụ, các nhóm cá hề (cloud fish) luôn được dẫn dắt bởi một con cái (female), trong khi con cá chỉ huy thứ hai là con đực (male). Khi con cái đầu đàn chết, con đực tiếp theo sẽ biến thành con cái để trở thành cá thể đầu đàn. Hệ thống phân cấp được duy trì chặt chẽ giúp tránh xung đột và tạo điều kiện cho một trật tự lành mạnh trong đàn cá hề. Loài cá này cũng dễ bị săn mồi trong tự nhiên. Vì vậy, thường thì một con trong cặp bố mẹ thường chết vì bất cứ lý do nào đó. Khi chuyện này xảy ra, con cá còn lại sẽ tìm kiếm bạn đồng hành mới. Nếu trong cặp đôi mới thiết lập, cả hai đều là con đực, thì con lớn hơn trong hai con sẽ thay đổi giới tính của mình một cách rõ ràng và trở thành con cái (female), vì ở loài này, chúng là con lớn hơn và mang tính thống trị hơn. Dĩ nhiên, con đực biến thành cái đều có khả năng mang trứng và sinh con như bình thường. Đặc tính đực/cái – cũng như vai trò trong quần thể – được biểu hiện rõ ràng và tách bạch, chứ không dở dở ương ương.

Khoảng 5% các loài động vật trên toàn cầu có khả năng này. Nếu chúng ta gộp thêm côn trùng vào nhóm lưỡng tính, thì tỷ lệ này tăng lên 30%. Đó là chưa kể đến các loài thực vật, mà hầu hết trên cùng một cây đều có hoa mang bầu và nhụy – hoặc hoa đực hoa cái. Thế nhưng, các đặc điểm của cơ quan sinh sản và giới tính sinh học đều được định tính và có chức năng rõ ràng, không nhập nhằng ba phải.

Bây giờ quay trở lại loài người. Nam giới được định tính bằng cặp chromosomes (nhiễm sắc thể) XY. Nữ giới được định tính bằng cặp XX. Đó là quy luật sinh học từ nghìn đời để duy trì một xã hội và quần thể bền vững. 

Một mặt, vẫn có những người bị đột biến hoặc trục trặc về mặt di truyền, ví dụ như sự kết hợp của các cặp nhiễm sắc thể quy định giới tính sinh học như XXX, XXY, XO, XYY. Đấy là các dị biến hiếm gặp và những người này nên được xem như đang ở trong một giai đoạn mới hoặc khác của tiến hóa – với nhiều mục đích của tự nhiên mà chúng ta không thể xét đoán. Phần lớn những kiểu gene dị biến này đều có những khiếm khuyết về mặt phát triển thể chất, không thể hoàn thành chức năng sinh sản – truyền sinh trừ hai trường hợp tăng thêm một nhiễm sắc thể X hoặc Y trong thể XXX và XYY chỉ đưa đến những trục trặc nhỏ về thể chất, nhưng vẫn phát triển nguyên vẹn trở thành nữ giới hoặc nam giới như trong phân tích dưới đây. Do vậy, muốn tranh luận về mặt nguyên tắc định tính sinh học thì phải đọc cho kỹ những dòng phân tích bên dưới dựa trên khoa học, không phán đoán lung tung và theo chủ quan.

Hội chứng Turner, một tình trạng chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ, xảy ra khi một trong các nhiễm sắc thể X (nhiễm sắc thể giới tính) bị thiếu (XO) hoặc thiếu một phần. Hội chứng Turner có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và phát triển, bao gồm chiều cao thấp, buồng trứng không phát triển và dị tật tim. Chỉ khoảng 1–2% phụ nữ mắc hội chứng Turner có thể mang thai tự nhiên.

Hội chứng Klinefelter, còn được gọi là XXY, là một tình trạng nhiễm sắc thể ảnh hưởng đến sự phát triển ở những người được chỉ định là nam khi sinh ra. Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng Klinefelter khác nhau. Trong một số trường hợp, các đặc điểm rất nhẹ đến mức tình trạng này không được chẩn đoán cho đến khi dậy thì hoặc trưởng thành. Giới nghiên cứu tin rằng có tới 65 phần trăm những người mắc hội chứng Klinefelter không bao giờ được chẩn đoán. Những người mắc hội chứng Klinefelter thường có tinh hoàn nhỏ, sản xuất ra lượng testosterone ít (suy tinh hoàn nguyên phát). Testosterone là hormone chỉ đạo quá trình phát triển tình dục ở nam giới trước khi sinh và trong giai đoạn dậy thì. Một tỷ lệ nhỏ những người bị ảnh hưởng được sinh ra với tinh hoàn ẩn (ẩn tinh hoàn). Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu hụt testosterone có thể dẫn đến dậy thì muộn hoặc hoàn toàn không dậy thì, bệnh vú to (vú to ở nam giới), khối lượng cơ giảm, mật độ xương giảm, lượng lông trên mặt và cơ thể giảm, hay mệt mỏi. Hội chứng Klinefelter có thể khiến những người mắc tình trạng này khó có con (vô sinh). Những người Klinefelter dễ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa chất (metabolic syndrome). Đây là một nhóm bệnh có các biểu hiện bao gồm lượng đường trong máu vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài không ăn (nhịn ăn), huyết áp cao (tăng huyết áp), tăng mỡ bụng và nồng độ chất béo (lipid) cao như cholesterol và triglyceride trong máu. So với những người không bị ảnh hưởng, người lớn mắc hội chứng Klinefelter cũng có nguy cơ bị run không tự chủ (run rẩy) ở cánh tay hoặc bàn tay, ung thư vú (nếu chứng vú to ở nam giới phát triển), xương mỏng và yếu (loãng xương), các rối loạn tự miễn dịch như bệnh lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp. Các rối loạn tự miễn dịch là một nhóm lớn các tình trạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô và cơ quan của chính cơ thể.

Hội chứng XYY là một tình trạng di truyền chỉ xuất hiện ở nam giới. Khoảng 1 trong 1.000 bé trai mắc phải tình trạng này. Các bé trai mắc hội chứng XYY có thể phát triển chiều cao hơn những bé trai khác. Các triệu chứng khác có thể bao gồm gặp vấn đề về ngôn ngữ nói và xử lý các từ đã nói, vấn đề về phối hợp, cơ yếu hơn, run tay và các vấn đề về hành vi. Một số bé trai cũng có thể bị chậm phát triển các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và học tập. Chúng cũng có thể gặp vấn đề về đọc và hiểu toán, và có thể bị chậm phát triển nhẹ về phối hợp ứng xử xã hội. Một số có thể gặp vấn đề về hành vi, chẳng hạn như ADHD (Attention-deficit/hyperactivity disorder), tự kỷ, hay giận dữ, bốc đồng hoặc có hành vi thách thức. Những vấn đề này có thể giảm bớt khi cá nhân lớn lên và đến tuổi trưởng thành. Điều may mắn chính là hầu hết các bé trai mắc hội chứng XYY (dư một nhiễm sắc thể Y của tính nam) đều có thể lớn lên khỏe mạnh, phát triển tình dục và khả năng sinh sản bình thường, cũng như có cuộc sống viên mãn. Hội chứng XYY là một lỗi ngẫu nhiên trong quá trình phân chia tế bào. Lỗi này có thể xảy ra trước khi thụ thai trong các tế bào sinh sản của mẹ hoặc cha, hoặc trong giai đoạn đầu phát triển của phôi.

Hội chứng Triple X, còn gọi là XXX, là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tỷ lệ khoảng 1 trong 1.000 phụ nữ. Phụ nữ thường có hai nhiễm sắc thể X trong tất cả các tế bào — một nhiễm sắc thể X từ mỗi cha mẹ. Trong hội chứng Triple X, một phụ nữ có ba nhiễm sắc thể X. Nhiều bé gái và phụ nữ mắc hội chứng Triple X không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Ở những người khác, các triệu chứng có thể rõ ràng hơn — có thể bao gồm chậm phát triển, khiếm khuyết khả năng học hỏi (kỹ năng đọc hiểu và tính toán), và khuyết tật trí tuệ (rối loạn thiếu chú ý/tăng động ADHD hoặc rối loạn phổ tự kỷ). Co giật và các vấn đề bệnh lý về thận dễ xảy ra ở một số ít bé gái và phụ nữ mắc hội chứng Triple X. Chậm phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và lời nói, cũng như các kỹ năng vận động, chẳng hạn như ngồi dậy và đi bộ. Họ thường có chiều cao trung bình cao hơn đồng lứa bình thường. Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng ba X đều có quá trình phát triển tình dục bình thường và có khả năng mang thai.

Tại sao tôi phân tích rất rõ về mặt biểu hiện sinh học của các kiểu gene giới tính trên ở người? Đó là vì, hầu hết các dị biến này (trừ hai loại XXX và XYY – dư thêm một nhiễm sắc thể đặc trưng cho mỗi giới) đều đưa đến tình trạng khiếm khuyết thể chất, trí tuệ và sinh sản. Rất nhiều người ngụy biện về các dị biến gene ở trên để biện hộ cho hành vi và nhận thức giới tính của họ. Nói chung là những dị biến này không thể được xem như bình thường về mặt chức năng sinh học. Những người mang dị biến có quyền được đối xử đặc biệt và phải được xã hội tôn trọng hỗ trợ như một dạng disability về mặt bẩm sinh. Chúng ta nên nhận ra điều đó. Và các biểu hiện về mặt giới tính xã hội (nam tính và nữ tính) vẫn đầy đủ và riêng biệt như bình thường, cho dù buồng trứng hay tinh hoàn ít phát triển. Họ chỉ cần được để ý và tăng nội tiết tố giới tính tương ứng để hỗ trợ phát triển. Nhưng xã hội chớ cào bằng để biến những người này trở thành một dạng như transgender (chuyển giới) hay homosexuality (đồng giới). Thực ra, bộ gene giới tính của họ vẫn có đầy đủ các tính trạng cụ thể về giới tính sinh học, chỉ là chưa hoàn chỉnh hoặc do nổi trội tính trạng lên quá nhiều.

Bây giờ bàn về những người mang đầy đủ bộ gene định tính của một giới (nam hoặc nữ về mặt di truyền – XY/XX) nhưng khi sinh ra thì cơ quan sinh sản không tương đồng hoặc không đầy đủ chức năng phù hợp, thì họ cũng nên được xếp vào dạng khiếm khuyết (disability) như người khuyết tật. Điều đặc biệt đối với những người này chính là họ vẫn có đầy đủ đặc điểm thể chất của một giới tính quy định bởi bộ nhiễm sắc thể đang mang trong người, còn việc họ tự xưng mình là nam giới hay nữ giới là tùy thuộc vào lịch sử sinh hoạt cá nhân – gia đình – xã hội. Trong cuộc sống của mình, tôi từng chứng kiến trường hợp bé trai sinh ra có tinh hoàn ẩn, cơ quan dương vật teo. Nhưng nếu gia đình của cháu bé này cứ nghĩ đó là một bé gái, cho mặc đồ con gái từ nhỏ, không tìm đến trợ giúp từ y tế để can thiệp phẫu thuật, thì cháu sẽ mang tính nữ xã hội, nhưng thật ra cơ thể lại mang các đặc điểm của đàn ông – cơ phát triển, giọng trầm, khung xương chậu hẹp. Và dĩ nhiên, cháu ít có khả năng truyền sinh. Đó là khiếm khuyết về thể lý, nhưng mang tính trạng cụ thể của một giới tính sinh học riêng rẽ, chứ không hề là transgender hay homo gì cả đâu. Cần phân biệt cho rõ. Những người này cũng là bên có quyền được đối xử đặc biệt và phải được xã hội tôn trọng hỗ trợ như một dạng disability về mặt bẩm sinh. Và chúng ta cũng không thể cào bằng, nói là họ có biểu hiện tính nết xã hội của nữ giới/nam giới, rồi xem họ là nữ hoặc nam tất tần tật. Đặc biệt, nếu trong quá trình phát triển, một “người nữ” kiểu như vậy nhưng làm việc trong ngành nghề và chuyên môn của nam giới, thì càng thích nghi và dễ phát triển các kỹ năng phù hợp đã được ẩn giấu bên trong cơ thể sinh học của họ. Thế rồi, nếu chúng ta xem họ là nữ và cho phép thi thố đối kháng với những người phụ nữ 100%, thì coi như hỏng. Thậm chí, nguy cơ lẫn lộn sức khỏe thể chất giữa thể XY khiếm khuyết bộ phận sinh dục và người bình thường còn có thể xuất hiện ở những ứng xử hàng ngày nữa.

Ví dụ như, một vận động viên có kiểu gene XY, cộng với lượng testosterone cao, nhưng khiếm khuyết về cơ quan sinh dục nam và được xem là “nữ” thì có hệ cơ bắp phát triển hơn một vận động viên XX. Hơn nữa, bản tính hung hăng và không nhân nhượng của kiểu gene XY bao giờ cũng lớn hơn phụ nữ. Những thứ đó phù hợp với các môn võ hành động, nên những người thành công sẽ chọn theo nghiệp thể thao hoặc ngành nghề cần vận động nhiều trong giới nữ (như bodyguard chẳng hạn). Đấy là chưa kể, vận động viên XY có khiếm khuyết hệ cơ quan sinh dục có thể tập luyện và khỏe mạnh trong suốt cả năm, trong tất cả các ngày. Còn vận động viên 100% nữ thật thì có những ngày họ rất mệt mỏi và không thể tập luyện và thi đấu đúng sức được. Ai là nữ giới thì tự biết thôi. Vậy tính ra, vận động viên XY khiếm khuyết đã lợi hơn vận động viên nữ 100% rất nhiều rồi.

Bạn không thể tự dưng trưng ra một vài tấm ảnh khi còn bé của một vận động viên để phán rằng vì do mặc quần áo của bé gái, trang điểm giống bé gái, nên đích thị họ là nữ – cấm cãi. Cái đó do gia đình và xã hội nhận lầm và áp đặt – đặc biệt trong trường hợp không hiểu biết về y khoa giới tính. Bạn cũng không thể dựa trên các thành tích thi đấu – lúc thắng lúc thua – của một vận động viên để nói rằng họ không nguy hiểm trên sàn đấu. Thường thì kinh nghiệm thi đấu sẽ tích lũy qua thời gian trải nghiệm thi thố. Ngoài ra, các bước thăng trầm trong thành tích của một vận động viên còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác, ví dụ như bệnh dịch, tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường, sức mạnh của đối thủ… 

Ts. Carole Hooven, một chuyên gia về phát triển nội tiết tố, phân định giới tính, và tự do học thuật của đại học Harvard, đã chỉ ra những đặc điểm như sau của hội chứng rối loạn DSD (Difference of Sex Development) dù mang bộ nhiễm sắc thể XY, được phân tích rõ trong cuốn sách của bà mang tự đề “T: the Story of Testosterone, the Hormone that Dominates and Divides Us”. Carole chỉ ra rằng các vận động viên nam mắc DSD có lợi thế hơn so với nữ đồng nghiệp, và nếu họ thi đấu ở hạng mục dành cho nữ thì điều này sẽ làm dấy lên mối lo ngại về an toàn và công bằng, đồng thời buộc phải thảo luận về các đặc điểm thể chất sinh học có liên quan. Các vận động viên mắc DSD XY có tinh hoàn (thường là ẩn bên trong), nhiễm sắc thể giới tính XY, mức testosterone điển hình của nam giới, và thường được mô tả là nữ giới mắc chứng “tăng androgen”, tức là mức testosterone cao bất thường. Họ luôn được hưởng những lợi ích về mặt thể chất của testosterone cao này trong giai đoạn dậy thì, chuyển thành lợi thế về thể thao so với nữ giới. 

Một vấn đề lớn đối với ngành thể thao chính là các vận động viên mắc chứng thiếu hụt enzym 5–alpha reductase (5–ARD) của thể DSD XY có thể được xã hội xem là nữ, có thể là nữ về mặt pháp lý và có thể sống và xác định danh tính như là một người nữ; nhưng thật ra, họ là nam giới. Những cá nhân này thường được sinh ra với bộ phận sinh dục trông giống của nữ giới, và điều này có thể dẫn đến việc bị phân biệt giới tính là nữ. Đây là lý do tại sao. 5–ARD là do đột biến ở gen mã hóa cho enzyme 5–alpha reductase, ức chế quá trình chuyển đổi testosterone thành một dạng androgen mạnh hơn, gọi là DHT. Androgen DHT này tương tác với thụ thể androgen, giống như testosterone, và cần thiết cho sự phát triển điển hình của bộ phận sinh dục ngoài của nam giới (dương vật và bìu) và tuyến tiền liệt. Nếu không có DHT, bộ phận sinh dục ngoài điển hình của nữ giới sẽ phát triển. Nam giới mắc 5–ARD không có tử cung hoặc các cấu trúc bên trong khác của phụ nữ, nhưng họ có thứ trông giống như âm đạo, vì vậy thường được xác định là giới tính nữ. Tuy nhiên, họ là nam giới có tinh hoàn bình thường, sản xuất ra các hormone nam điển hình. Những hormone này, trong số những thứ khác, ngăn cản sự phát triển của các cấu trúc sinh sản bên trong của phụ nữ (như tử cung và cổ tử cung). 

Trong quá trình con người phát triển phôi thai, tất cả chúng ta đều mang hai bộ phận sinh dục nguyên thủy, mà một bộ sẽ phát triển thành bộ phận sinh sản bên trong của nam giới (ống dẫn Wolffian, trở thành mào tinh hoàn, ống dẫn tinh và túi tinh), còn bộ kia phát triển thành bộ phận sinh sản bên trong của nữ giới (ống dẫn Müllerian, trở thành phần trên của âm đạo, cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng). Ở nam giới, tinh hoàn thai nhi không chỉ sản xuất testosterone! Chúng còn sản xuất nội tiết tố Anti–Mullerian (AMH), rất quan trọng để loại bỏ các ống dẫn Müllerian, và do đó, đảm bảo rằng tử cung cuối cùng, v.v. không phát triển. Nếu không có tinh hoàn và không có AMH, những thứ cơ quan sinh dục bên trong của phụ nữ sẽ phát triển đầy đủ. Nam giới cần nồng độ testosterone cao để phát triển các cấu trúc sinh sản nam tính điển hình. Nếu không có hoạt động của testosterone, cơ quan sinh dục ngoài (dương vật và bìu) và bên trong (được mô tả ở trên) sẽ không phát triển. Nhưng chỉ riêng testosterone là không đủ để phát triển dương vật và bìu (và tuyến tiền liệt). Để làm được điều đó, testosterone phải được chuyển đổi thành DHT (một androgen mạnh hơn), và những người mắc 5–ARD ức chế DHT sẽ không tạo ra đủ enzyme cần thiết để thực hiện quá trình chuyển đổi đó. Vì vậy, họ sẽ có thứ trông giống như âm đạo.

Một số nam giới thừa hưởng đột biến gene khiến họ không thể sản xuất AMH. Họ là những nam giới điển hình, nhưng có tử cung và ống dẫn trứng không hoạt động bên trong bụng. Tình trạng này thường không được phát hiện cho đến khi trưởng thành (nó được gọi là Hội chứng ống dẫn Müllerian dai dẳng). AMH là một loại hormone rất quan trọng đối với nam giới, nhưng hầu như không ai biết đến sự tồn tại của nó. Ngoài ra, tinh hoàn thường không di chuyển xuống bìu trước khi sinh (như thường lệ) nếu không có DHT, nhưng chúng thường di chuyển vào tuổi dậy thì khi nồng độ testosterone đạt đến nồng độ cao. Vì vậy, nam giới có 5–ARD có thể được “phân loại” là nữ, do cơ quan sinh dục ngoài trông giống nữ. Nhưng não và phần còn lại của cơ thể thường là nam giới. Hầu hết những người mắc tình trạng này sẽ “chuyển đổi” sang sống như một người đàn ông khi họ nhận ra mình là nam giới, và điều này thường xảy ra ở tuổi dậy thì, khi tinh hoàn hạ xuống và cơ thể phát triển theo cách nam tính điển hình.

Đó là lý do vì sao Istvan Kovacs, vị Phó Chủ tịch của Tổ chức Quyền Anh Thế giới (World Boxing Organisation – WBO) đã chính thức lên tiếng khẳng định rằng năm nữ võ sĩ, bao gồm Imane Khelif, đã được Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế kiểm tra và tất cả đều được phát hiện là nam tính sinh học. Ông đã báo cáo những kết quả này cho IOC (Ủy ban Olympic), nhưng tuyên bố rằng ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ nơi này. Ông bày tỏ lo ngại về trận đấu sắp tới của võ sĩ người Hungary Anna Luca Hamori với Khelif, nói rằng Hamori “đơn giản là không được đào tạo cho việc này” và nhấn mạnh đến rủi ro mà cô này phải đối mặt. Istvan Kovacs nói thẳng: “Vấn đề không phải ở mức testosterone của Khelif, vì ngày nay người ta có thể điều chỉnh được, mà là ở kết quả xét nghiệm giới tính, cho thấy rõ ràng võ sĩ người Algeria này về mặt sinh học là nam giới”.

Xem:

https://www.insidethegames.biz/articles/1147391/vp-ioc-warned-about-male-boxers-paris#:~:text=The%20European%20vice%20president%20of,that%20gender%20tests%20revealed%20this

Sự cố ý cào bằng và cố chấp này đến từ đâu? Đến đây, sau khi đọc những phân tích và dẫn chứng dài dòng của tôi, thì tự các bạn có thể trả lời cho chính mình được rồi. Cái lễ khai mạc với phần trình diễn gây tranh cãi mấy hôm nay tại Olympic Paris 2024 chỉ là điểm bắt đầu của thói cào bằng cố chấp này.

Cuối cùng, điều quan trọng hơn chính là tôi muốn nhắc đến gần 90% những trường hợp ái nam ái nữ, đồng tính, tìm phẫu thuật để thay đổi cấu trúc cơ thể bẩm sinh thành giới tính khác… đang diễn ra trong xã hội hiện đại hôm nay. Thực ra, họ là những căn bệnh tâm lý, bị biến đổi do lịch sử bản thân, bị tác động nặng nề từ xu hướng ứng xử và khuynh hướng lối sống tư bản. Các phong trào “nữ hóa”, con trai phẫu thuật thẩm mỹ, trang điểm thanh mảnh như nữ giới, cử chỉ và ăn nói ẻo lả, quần áo unisex… là một nguyên nhân. Khuynh hướng “nữ quyền” lên ngôi, đưa phụ nữ vào các công sở và ngành nghề, làm việc và thăng tiến như nam giới, dành mọi thời gian cho việc chăm sóc bản thân, không còn hứng thú đến chuyện kết đôi nam nữ, bị lãnh cảm vì stress việc làm và thuốc điều hòa kinh nguyệt, bị chủ nghĩa tiêu thụ lấn át cảm xúc giới tính… là nguyên nhân thứ hai. Đó là lý do vì sao ở các quốc gia càng phát triển và “bình đẳng nam nữ”, tỷ lệ sinh trong dân số càng thấp, thậm chí là con số âm. Tôi thấy không cần phải phân tích sâu về đề tài này nữa. Hẳn mọi người đã nghe ở chỗ khác rồi. Nạn tự tử vì không đẹp ở Hàn Quốc. Nạn đột quỵ trên bàn làm việc ở Nhật. Tỷ lệ kết hôn ít ỏi ở các nước Bắc Âu. Chủng da trắng ở Mỹ và một số nước Châu Âu thì đang lo ngại số lượng người nhập cư da màu cao hơn họ. Thậm chí, sự du nhập của khuynh hướng “Tây hóa” tự do – bình đẳng – bác ái v.v…vào các nước nghèo đang phát triển, như Việt Nam chẳng hạn, càng làm biến tướng và bẻ cong suy nghĩ của giới thanh thiếu niên. Một vài ngôi sao, thần tượng chuyển giới ở Thái Lan đã khiến họ suy nghĩ về cách để “làm cách mạng cuộc đời mình”, thay đổi 180 độ sao cho được người khác chú ý và dễ nổi tiếng hơn. Thậm chí, tôi nhận thấy rằng đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ gia đình không có hạnh phúc, gánh nặng con cái và thói xấu hưởng thụ của các bậc cha mẹ – chỉ biết lo cho mình, đang đẩy đám con nít vào ngõ cụt nhận thức về tương lai của chúng. Nhiều người trẻ sợ phải lập gia đình rồi đánh nhau, cãi nhau loạn xị. Họ sợ phải xấu đi khi mang nặng đẻ đau. Họ thích hưởng thú vui cuộc sống cá nhân hơn. Thế rồi, một cách tự nhiên, nhiều người trẻ như vậy đến với nhau, con trai đi với con trai, con gái ở với con gái, vì cùng sở thích, niềm vui, và nhất là được cùng nhau thỏa mãn tình dục mà không phải trả giá và chịu trách nhiệm gì cả. Xã hội trở thành rối mù, đến nỗi nam thi đấu với nữ, nữ đi vệ sinh trong khu vực của nam, ai cũng có thể tự nhận mình là nam hoặc nữ nếu họ thích.

Phần lớn các ca đồng tính đều không phải thực sự là khiếm khuyết sinh học về mặt giới tính. Đó là căn bệnh tâm lý của xã hội thì đúng hơn. Căn bệnh đó đang lan nhanh do được cổ vũ. Và nếu xét cho cùng, ngay cả các khiếm khuyết sinh học cũng vẫn là dị biến và bệnh – cần được hỗ trợ và nâng đỡ theo kiểu đặc biệt, chớ không phải cào bằng. Cả hai loại hình ở trên đều không phải là một kiểu mẫu bền vững để xã hội và chủng loài hô hào nhau bắt chước.(…)  Như đã nêu ví dụ, nếu những người như vậy thực sự “chuyển giới” thì là để hoàn thành trách nhiệm và chức năng sinh học rất rõ ràng của họ trong từng giai đoạn cụ thể, chứ không làm rối và tự phá hủy cấu trúc quần thể. Hầu hết các bạn hô hào bình đẳng giới, tôn trọng đồng giới… chỉ là những người bị dẫn dắt bởi xu hướng tự do là tất cả. Họ không cần biết đến trách nhiệm với xã hội và chủng loài. Họ không thể hiểu được tác động nghiêm trọng sẽ đến với chính cái thế giới mà họ đang sống trong đó, với hệ lụy kéo dài nhiều thế hệ…

….

Cô nữ sinh Payton McNabb dĩ nhiên chỉ là một tiếng nói thiểu số cảnh báo chuyện xảy ra đối với riêng cá nhân cô này, cho đến khi điều hiếm xảy ra trước đây, giờ bắt đầu được xem là bình thường, lại được cho là thuộc về các giá trị của “tự do – công bình – bác ái”, và được thực thi đại trà thoải mái trong các ngày hội toàn cầu. Không ai cho người mù đi tự do xuống đường giao thông đông đúc cả. Không ai dẫn người điếc vào nghe opera hoặc vào phòng thẩm âm. Chỉ là do những người muốn học đòi mù và điếc làm chuyện đó mà thôi. Họ muốn cả thế giới đều như họ – không còn phân biệt được đâu là sự thật và nguyên tắc trật tự, đâu là giả dối và “nửa nạc nửa mỡ” (…)

Tất nhiên, với những người mang chứng khiếm khuyết, họ cần được xã hội tôn trọng, ủng hộ xây dựng các môi trường phù hợp với đặc tính sinh học của riêng họ, giúp đỡ họ hòa nhập dễ dàng hơn với xã hội bình thường. Điều đó khác với việc đẩy những người bình thường vào môi trường khiếm khuyết, bắt tất cả phải giả vờ khiếm khuyết (mà nhiều khi lại làm thật) (…)

Nguyễn Đạt Ân 

*Tựa do DĐTK đặt. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

*****

Bài liên quan:

Quan Thế Dân: Cú đấm ‘trong nữ có nam’

“Tôi là phụ nữ”, võ sĩ quyền Anh Imane Khelif khóc và hét lên bằng tiếng Ảrập sau khi chiến thắng ở trận tứ kết hạng 66kg nữ tại Olympic Paris 2024.

Đó là tất cả sự tức tưởi dồn nén của một vận động viên bị tổn thương sâu sắc bởi những đồn thổi về giới tính. Tranh cãi nổi lên sau khi Angela Carini – một đối thủ của Khelif – bỏ cuộc để “bảo toàn tính mạng”, vì Carini chưa từng bị đấm mạnh như thế trong sự nghiệp.

Hai tổ chức thể thao lớn của thế giới cũng mâu thuẫn với nhau về trường hợp Khelif.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khẳng định Imane Khelif là nữ vì “sinh ra là nữ, được đăng ký là nữ, sống cuộc sống như một phụ nữ, có hộ chiếu nữ”.

Còn Hiệp hội quyền Anh quốc tế (IBA) đã loại Imane Khelif cùng một võ sĩ nữa khỏi giải Vô địch quyền Anh nữ Thế giới 2023 vì cả hai không đáp ứng được “một trong các tiêu chí đủ điều kiện”. Chủ tịch của tổ chức, Umar Kremlev, cho biết hai người phụ nữ này có nhiễm sắc thể XY.

Thông tin cũng làm dư luận chia rẽ. Với tư cách một thầy thuốc, tôi quan tâm đến cuộc tranh luận này, vì qua đấy giúp xã hội hiểu rằng xác định giới tính không phải lúc nào cũng đơn giản.

Theo hiểu biết thông thường, giới tính của con người là nhị nguyên, hoặc nam, hoặc nữ. Đàn ông thì ăn to nói lớn. Đàn bà thì nhỏ nhẹ nhu mì. Từ giới tính này biểu hiện ra xu hướng tính dục và các hoạt động xã hội khác nhau giữa hai giới. Triết học cổ Trung Hoa coi nam và nữ là đại diện cho dương và âm. Âm dương hòa hợp thì vạn vật sinh sôi.

Nhưng thực tế nhiều khi không thể lấy ngoại hình để kết luận về giới tính. Đàn ông có người tính tình nhu mì, dáng đi uyển chuyển. Phụ nữ cũng có người mạnh mẽ, “tướng đàn ông”…

Ở khía cạnh sinh học, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra hormone giới tính. Testosterol thấy ở nam giới, do tinh hoàn tiết ra, được gọi là hormone nam, làm phát triển cơ bắp, tăng sức dẻo dai, phát triển râu tóc… Estrogen thấy ở phụ nữ, do buồng trứng tiết ra, gọi là hormone nữ, để giữ nước làm cơ thể mềm mại, phát triển các đặc điểm nữ giới, chuẩn bị cho việc làm mẹ sau này.

Việc xác định giới tính tưởng chừng đơn giản. Ai có hormone testosterol là đàn ông, ai có estrogen là đàn bà, nhưng hóa ra không hẳn. Trong cơ thể người nữ có một lượng nhỏ testosterol do tuyến thượng thận tiết ra. Trong cơ thể người nam cũng có một lượng nhỏ estrogen, do tinh hoàn và tế bào mỡ tiết ra. Khi lượng nhỏ hormone này tăng cao, ta sẽ thấy có hiện tượng nữ bị nam hóa và nam bị nữ hóa.

Vậy thì hormone giới tính chưa phải là căn cứ duy nhất để xác định giới tính một người. Nghiên cứu ở mức độ phân tử, các nhà khoa học khám phá ra nhiễm sắc thể xác định giới tính. Ở mỗi người có 22 đôi nhiễm sắc thể thường và một đôi nhiễm sắc thể giới tính X và Y. Nữ giới thì đôi nhiễm sắc thể giới tính là XX, nam giới là XY.

Trong quá trình thụ thai, trứng của người mẹ luôn mang nhiễm sắc thể X, còn tinh trùng của người cha có hai loại X và Y. Như vậy khi kết hợp với trứng sẽ có một trong hai loại hợp tử được hình thành XX hay XY, mà sau đó sẽ phát triển thành trẻ gái hay trai.

Tuy nhiên không phải cứ có dạng XX thì sẽ là trẻ gái và XY thì sẽ thành bé trai, mà còn tùy thuộc vào quá trình phát triển của phôi thai. Trong bảy tuần đầu, phôi thai không có sự khác biệt về giới tính. Sau đó dưới tác dụng của các gen biệt hóa, tinh hoàn được sinh ra đầu tiên. Tinh hoàn sinh ra testosterol là biến đổi ống sinh dục nguyên thủy thành cơ quan sinh dục nam. Còn nếu không có tác động này thì ống sinh dục nguyên thủy sẽ phát triển thành cơ quan sinh dục nữ.

Từ đây ta mới hiểu tại sao có người nhiễm sắc thể là XY nhưng khi sinh lại là nữ, vì trong giai đoạn phát triển rất sớm, các gen biệt hóa nam bị trục trặc, thiếu hormone nam nên ống sinh dục nguyên thủy không phát triển thành cơ quan sinh dục nam mà thành cơ quan sinh dục nữ. Tương tự, có người kiểu nhiễm sắc thể là XX đáng lẽ sẽ thành bé gái, nhưng trong quá trình phát triển, gen sinh ra nhiều hormone nam, biến ống sinh dục nguyên thủy thành giới tính là nam.

Ngoài ra còn rất nhiều rối loạn khác nữa ở cấp độ nhiễm sắc thể và cấp độ gen ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính. Vì thế, tại Hội nghị đồng thuận Chicago (tháng 11/2005), thuật ngữ “rối loạn phát triển giới tính” DSD (Disorders of Sex Development) đã được thống nhất sử dụng và loại bỏ các thuật ngữ trước đây như lưỡng giới giả, lưỡng giới, mơ hồ giới tính, chuyển đổi giới tính.

DSD là những tình trạng bẩm sinh mà trong đó sự phát triển của nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục hoặc giải phẫu là không điển hình, tần suất có thể 1:1000 trong quần thể.

Xét đến cùng, định nghĩa thế nào là nam, thế nào là nữ không chỉ liên quan đến bản chất sinh học của mỗi cá nhân mà còn tương quan với môi trường văn hóa xã hội của cá nhân đó. Khoa học càng phát triển người ta càng có điều kiện nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.

Một cá nhân có kiểu di truyền là XY nhưng sinh ra với cơ quan sinh dục nữ sẽ được nuôi dạy như một trẻ gái. Đứa trẻ lớn lên với niềm tin giới tính của mình là nữ, bất chấp sự vượt trội về testosterol trong cơ thể. Như vậy vấn đề đáng được cân nhắc ở đây, trong lĩnh vực thể thao, là chứng cứ về nhiễm sắc thể hay chứng cứ về ngoại hình và tâm lý xã hội mới là yếu tố quyết định?

Đây là lý do vì sao hai tổ chức thể thao lớn của thế giới đều kiên quyết giữ quan điểm của mình. Mỗi bên đều có cái nhìn nhân văn của riêng mình. Tương tự, với mỗi phe ủng hộ IOC hay IBA – tôi tin, bên nào cũng có lý riêng.

Thế giới đa dạng và phức tạp này không phải lúc nào cũng đen trắng rõ ràng, nên vẫn thường chấp nhận thực tế trong âm có dương, trong nam có nữ. Nhưng thể thao là lĩnh vực cần phân chia giới tính một cách rõ ràng và sòng phẳng. Vận động viên nữ không thể thi đấu ở các nội dung dành cho nam giới và ngược lại.

Vì thế, tôi thấy nên ủng hộ quyết định của Hiệp hội quyền Anh thế giới, để đảm bảo sự bình đẳng về thực lực trong thể thao.

Testosterol từ lâu đã được sử dụng làm doping do hormone này làm tăng cơ bắp, tăng sức mạnh và sức bền. Sử dụng testosterol và các chế phẩm tương tự bị cấm dùng trong thể thao. Tuy nhiên một số người do đột biến, có nồng độ chất này trong cơ thể cao hơn người khác, từ đó sẽ có thành tích thể thao cao hơn mà (có thể) không cần luyện tập nhiều. Điều này là không công bằng. Để cho công bằng, tôi thấy trong thi đấu thể thao, yếu tố giới tính không thể chỉ xem xét trên giấy tờ, mà còn cần lưu ý đến nồng độ testosterol trong cơ thể.

Một khi không đảm bảo được công bằng trong thể thao, kẻ thắng người thua đều sẽ bị tổn thương.

Quan Thế Dân

Bác sĩ, Tiến sĩ Y học

Báo VnExpress