Nguyễn Hà Hùng: Thích Minh Tuệ và ba hành trình bất thường

Đoàn sư Minh Tuệ trên đất Lào. Hình: FB Võ Hồng Ly
Đoàn sư Minh Tuệ khất thực trên đất Thái. Hình: FB Võ Hồng Ly

Người Việt Nam đang cùng lúc có ba hành trình bất thường. Đó là cuộc bộ hành đến Ấn Độ của tu sĩ độc lập Thích Minh Tuệ, phong trào người Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đảnh lễ tu sĩ Việt Nam. Cả hai hành trình này đều tìm kiếm tự do. Tiếc thay, họ bị kiểm soát bởi một hành trình khác – kiểm soát xuyên biên giới.

Sau khi bị công an bắt cóc đêm 3/6, tu sĩ này không thể đi bộ trên quê hương mình, đồng bào không còn tự do đảnh lễ ông. Đó là cột mốc dẫn đến những hành trình trên, bắt đầu hôm 12/12. Đoàn của Thích Minh Tuệ có tám người, thì có ít nhất ba “cựu” sĩ quan công an. Trong đó nổi lên vai trò của ông Nguyễn Văn Báu, tự giới thiệu là công an đã nghỉ hưu.

Ông ta tuyên bố “tình nguyện hỗ trợ thầy Thích Minh Tuệ” và thực hiện “theo tâm nguyện của thầy”. Với giọng điệu và phản xạ gốc gác công an, cách thức “hỗ trợ” của “cựu sĩ quan an ninh” này giống như cách thức kiểm soát của chính quyền Việt Nam đối với tu sĩ Thích Minh Tuệ khi còn ở trong nước. 

Hỗ trợ mà giống kiểm soát

Trước tiên là cách ly tu sĩ với người dân. Chính quyền thiết lập các chốt gác, không cho phép người dân tự do tiếp cận. Tương tự, theo sắp xếp của Báu, Thích Minh Tuệ phải di chuyển bằng ô tô lên cửa khẩu Bờ Y, biên giới Việt – Lào, sau đó có đoạn dẫn tăng đoàn đi đường rừng. Báu công khai như vậy, video hành trình trên đất Lào cũng cho thấy điều này. 

Thứ hai là ngăn chặn ảnh hưởng của Thích Minh Tuệ. Ở trong nước chính quyền cấm phát hành cuốn ghi chép pháp thoại của tu sĩ, ở Lào thì Báu và cộng sự không để tu sĩ trò chuyện với dân. Báu tuyên bố: “Hạnh đầu đà không thuyết pháp” và không đăng tải pháp thoại của Thích Minh Tuệ. Rõ ràng, nhà sư này đang bị hạn chế như khi ở trong nước.

Thứ ba là khái niệm “tập trung đông người”. Giống như chính quyền, Báu thường dùng cụm từ này, ngăn cản người dân tập hợp. Trong video tên là “Quý vị hoan hỉ“, phút 1:25, Báu định lượng là nếu tập trung 50, 60 người thì không thể giao lưu với thầy. Ông ta cảnh báo “không tụ tập, không chạy đua ra nước ngoài để tụ tập” trong video khác, ở phút 35:38.

Thứ tư là đổ lỗi cho dân. Chính quyền ngăn cản Thích Minh Tuệ bộ hành với lý do “nhiều người đi theo ông đã gây ảnh hưởng đến giao thông, trật tự”. Họ lý giải rằng đó là biểu hiện người dân “mê tín“. Tương tự như thế, trong các video được Báu và cộng sự loan tải, họ thường xuyên đổ lỗi dân “tập trung đông người”, ý thức “đu bám”.

Thứ năm là độc quyền truyền thông. Giống như chính quyền Việt Nam nắm toàn bộ hệ thống báo chí, Báu nắm kênh truyền thông riêng, kênh thứ hai là của cộng sự Lê Khả Giáp. Nội dung các kênh này giống nhau: chú trọng bốn đặc điểm nêu trên. Đặc biệt, Báu thường nói thay Thích Minh Tuệ, không thấy video nguyên bản phát ngôn của nhà sư.

Thứ sáu là tốc độ cách ly. Nếu như vụ bắt cóc đêm 3/6 được công an Việt Nam thực hiện chớp nhoáng, thì thời điểm đoàn bộ hành của tu sĩ Minh Tuệ khởi hành hôm 12/12 nhanh hơn kế hoạch của Báu. Cựu sĩ quan an ninh này còn nhờ cha của vị tu sĩ thuyết phục Thích Minh Tuệ đi tới biên giới Lào bằng ô tô, tất nhiên nhanh hơn đi bộ.

Điểm mờ thông tin

Nếu ảnh hưởng rộng lớn của tu sĩ Thích Minh Tuệ có thể cạnh tranh với ảnh hưởng của chính quyền Việt Nam, thì sự nổi tiếng và uy tín của nhà sư không nguy hiểm cho Báu. Nhưng kỳ lạ là các động thái của “cựu sĩ quan an ninh” này có đặc điểm trùng khớp với sự kiểm soát của nhà nước. Mặt khác, thông tin mà Báu công bố có nhiều điểm chưa rõ.

Thứ nhất, Báu nói “Như các bạn đã biết, tôi là người đầu tiên xin được hỗ trợ sư Minh Tuệ”. Câu hỏi đặt ra ở đây là: “Phải chăng tốc độ là yêu cầu quan trọng nhất, nên người đầu tiên được chọn?”; “Có bằng chứng tin cậy nào xác thực những tuyên bố này của Báu?” Trả lời những câu hỏi này giúp chúng ta đi tới những câu hỏi dưới đây.  

Thứ hai, ông ta nói: “Tôi đã nhiều lần gặp Thích Minh Tuệ, có những lần nói chuyện với ông tới ba giờ liền”. Câu hỏi đặt ra là: “Báu đã gặp nhà sư khi nào?”; Những gì ông ta chia sẻ trên mạng cho thấy nhiều khả năng những cuộc gặp này diễn ra trong khoảng thời gian nhà sư mất tích và khi chịu sự kiểm soát ở công ty Thiên Định Tuệ, từ 3/6 đến 11/12/2014.

Thứ ba là: “Báu có đặc quyền gì mà tiếp cận được nhà sư ít nhất ba lần vào giai đoạn nhạy cảm này?” Đây là khoảng thời gian không rõ Thích Minh Tuệ ở đâu. Nếu biết địa chỉ, người thường cũng không đi qua được các chốt gác; “Ai có thể cho phép Báu gặp thầy nhiều lần và nhiều thời gian đến thế, nếu không phải là chính quyền?”

Thứ tư là biểu hiện tiếm quyền của Báu. Không phải là trưởng đoàn, không có quyền quyết định, nhưng thực tế Báu hành xử như người quyết định. Ví dụ giới hạn số lượng thành viên đoàn, giới hạn số lượng người đưa tin, dàn xếp cuộc gặp với nhà sư Lào… Thậm chí ông này còn quyết định không phổ biến pháp thoại của Thích Minh Tuệ.

Cuối cùng, nhưng chưa hết, “Tại sao Báu liên tiếp đuổi vị cao tăng người Lào và tu sĩ Minh Khổ?”; Hành động này trái ý Thích Minh Tuệ, nhà sư nhiều lần nói trước công chúng là ông không kêu gọi mọi người theo, nhưng không xua đuổi. “Ai là người được lợi sau hành động xua đuổi hai vị này và việc ngăn cản bà con tiếp cận Thích Minh Tuệ?”

Hành trình của Thích Minh Tuệ và của người dân yêu mến ông là câu chuyện đầy nghịch lý, khi khát vọng tự do bị kiểm soát dù ở trong hay ngoài nước. Những ngăn cản của chính quyền, sự kiểm soát của bất cứ ai, không chỉ phản ánh xung đột tôn giáo – chính quyền, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về các quyền tự do cơ bản của người Việt Nam.

Khi nào mọi cuộc bộ hành đều thoát khỏi sự kiềm tỏa của chính quyền? Bao giờ người dân Việt Nam không còn phải vượt biên để tìm đến vị tu sĩ của mình? Với hàng triệu người kính ngưỡng Thích Minh Tuệ, chúng ta có thể và nên  trưng cầu dân ý về những câu hỏi này. Ít nhất nó nhắc nhở rằng khát vọng tự do, dù bị cản trở, vẫn là ngọn lửa không dễ bị dập tắt.

Nguyễn Hà Hùng